Giáo Hội Tại Á Châu:

Thách Thức Ðối Với Kitô Giáo Á Châu

Gs. Phan Ðình Cho, Ðại Học Georgetown, Washington, USA

Nguyễn Văn Nội chuyển dịch từ tiếng Anh và giới thiệu

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Mục Ðích Của Tác Giả : Bài "Giáo Hội tại Á Châu: Thách thức đối với Ki-tô giáo Á Châu" này không phải là một lượng giá về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu mà cũng không phải là một bài chú giải về Tông Huấn "Giáo Hội tại Á Châu" (GHTAC). Mục đích mà tôi nhắm - với tư cách là một người Việt Nam sống ở hải ngoại, đã có ¼ thế kỷ chuyên nghiên cứu và giảng dậy thần học tại Hoa Kỳ, lại có mối quan tâm đặc biệt của một nhà nghiên cứu, về Ki-tô giáo của Châu Á, - là muốn nêu lên - một cách có chọn lọc - một vài suy nghĩ và đề nghị để làm sao một số giáo huấn của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu hàm chứa trong Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, có thể được áp dụng tại các Giáo Hội Á Châu.

 

1. Giáo Hội Không Tại Á Châu Mà Của Á Châu:

Tính Á Châu Của Kitô Giáo

(The Church not in but of Asia: The Asianness of Christianity)

 

Ðối với một độc giả người Á Châu, thì câu hỏi không thể không được đặt ra là: Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu có nói lên được điều gì mới và quan trọng đối với các Giáo Hội của Á Châu mà từ trước đến giờ chính bản thân các Giáo Hội ấy chưa bao giờ nói lên hoặc những điều ấy đã không hề được nói lên ngoài trường hợp nhờ có Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu? Thành thật mà nói thì phải trả lời là "Không" cho cả hai vế của câu hỏi trên. Không kể phần thứ nhất về bối cảnh Á Châu, phần lớn Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu có thể được viết trước và ngoài khuôn khổ Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu và những gì mà Tông Huấn đề cập trong sáu chủ đề khác, thì đều là những điều đã được nhiều tài liệu của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (trong tiếng Anh là The Federation of Asian Bishops' Conferences, viết tắt là FABC) trình bày một cách mạnh mẽ và chi tiết rồi.

Nói thế không có nghĩa là Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu và Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu đã không đem lại điều gì hữu ích. Sau khi liệt kê 15 điểm tán thành trong số 59 đề nghị mà Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đưa ra, tác giả Luis Tagle đã nhìn nhận rằng không có gì mới trong các điểm ấy nếu so với các giáo huấn của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, nhưng ông cũng nhấn mạnh một cách đúng đắn rằng có một điều đặc biệt mới trong sự kiện này là các vấn đề và các mối quan tâm kia đã được nói lên trong diễn đàn Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu và được Giáo Hội Ro-ma nhìn nhận, và qua đó, những vấn đề ấy được Giáo Hội toàn cầu ý thức. Ðiều mới không phải là những gì các Giám Mục Á Châu nói mà là sự kiện các ngài nói và cách các ngài nói lên những điều ấy tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Những điều các ngài nói lên thì đã được nói lên một cách rộng rãi, mạnh mẽ và sâu sắc ít là từ 30 năm nay, kể từ ngày Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu được thành lập vào năm 1972 cho đến hôm nay, trong nhiều Ðại Hội Toàn Thể khác nhau và trong các văn kiện của một số cơ cấu của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu này (3). Nhưng tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, một lần nữa các ngài nói lên những điều ấy, cho toàn thể Giáo Hội, và các ngài nói lên một cách can đảm đáng ngạc nhiên và với lòng chân thành tươi trẻ.

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu là sự nhìn nhận đầu tiên rằng các Giáo Hội của Á Châu đã bước vào giai đoạn - như một tham dự viên Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đã nói - mà các Giáo Hội ấy không phải là những Văn Phòng Chi Nhánh của Giáo Triều Ro-ma. Với Giáo Hội toàn cầu các Giám Mục Á Châu công bố, một cách khiêm nhượng nhưng mạnh mẽ, rằng các Giáo Hội của Á Châu không chỉ học từ Giáo Hội Ro-ma hoặc từ Giáo Hội toàn cầu mà thôi, mà các Giáo Hội của Á Châu - từ những kinh nghiệm của mình với tư cách là các Giáo Hội ấy không chỉ đơn thuần là các Giáo Hội tại Á châu mà còn là các Giáo Hội của Á Châu nữa - cũng có điều để dậy cho Giáo Hội Ro-ma và cho Giáo Hội toàn cầu nữa. Sự kiện Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu đã đưa một số yếu tố của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu vào trong bản văn của Huấn Quyền là một bằng chứng hùng hồn cho thấy giá trị của các kinh nghiệm và của sự khôn ngoan của các Giáo Hội Á Châu.

Tắt một lời, điều mới mẻ là sự nhìn nhận cách công khai về sự cần thiết và về giá trị của tính Á Châu của các Giáo Hội của Á Châu. Dĩ nhiên, tính Á Châu là một ý niệm mơ hồ nên tài liệu Lineamenta và Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu đã nỗ lực làm nổi bật tính Á Châu ấy bằng cách liệt kê ra một số giá trị văn hóa và tôn giáo làm nên cái gọi là "Hồn Á Châu": đó là "sự quý trọng thinh lặng và chiêm niệm, sống giản dị và hoà hợp, siêu thoát, bất bạo động, có kỷ luật, sống thanh đạm, khát khao học hỏi và tìm tòi sự minh triết..., tôn trọng sự sống, từ bi với mọi loài, gần gũi với thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, người trên và tổ tiên, ý thức cộng đồng rất mạnh" (GHTAC, số 6). Tông Huấn cũng quan tâm đến những bối cảnh kinh tế, xã hội và chính trị mà Ki-tô giáo tại Á Châu hiện ở trong đó (GHTAC, số 7-8). Rất tiếc khi nói rằng "mặc dù đã có mặt nhiều thế kỷ và mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực tông đồ, nhưng ở nhiều nơi Giáo hội vẫn bị coi là xa lạ đối với người Á Châu, thậm chí trong tâm trí nhiều người, Giáo Hội còn bị coi là đã liên kết với các chính quyền thực dân" (GHTAC, số 9), Tông Huấn lại dùng "thì quá khứ" và làm cho người ta hiểu (lầm) rằng Giáo hội nhìn nhận rằng tính ngoại lai của Ki-tô giáo tại Á châu và sự dính líu với chế độ thực dân của Giáo hội ấy là những thực tại đương thời và không chỉ "ở nhiều nơi" mà ở khắp mọi nơi tại Á Châu.

Nếu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu phải làm cho các Giáo Hội của Á Châu thay đổi một cách lâu bền, để các Giáo Hội ấy thực sự trở thành các Giáo Hội của Á Châu và sự dính líu của các Giáo Hội ấy với chủ nghĩa thực dân được đẩy lùi xa, thì điều quan trọng nhất, theo thiển ý của tôi, là những người Công Giáo Á Châu phải coi trọng "tính Á Châu" trong đời sống Ki-tô hữu của mình. Trong thực tế, điều đó có nghĩa là mối quan tâm đầu tiên và cuối cùng của các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Á Châu không phải là việc chọn một chiến lược nào cho phù hợp với những đòi hỏi và chỉ dẫn nhận từ Ro-ma hay từ một nơi nào khác, mà là việc chọn một chiến lược nào đáp ứng được các thách thức của bối cảnh xã hội, chính trị, kinh tế và tôn giáo của Á Châu và làm thế nào để chiến lược ấy thực sự giúp các Ki-tô hữu sống đức tin, trong sự trung thành với Tin Mừng và với truyền thống Ki-tô giáo sống động, trong giai đoạn hiện nay và tại lục địa Á Châu này. Ưu tiên hàng đầu của Ki-tô giáo Á Châu trong giai đoạn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu phải là việc xác định được "tính Á Châu" ấy và đặt nó vào trong bối cảnh sống và biểu lộ đức tin Ki-tô.

Những ai trong chúng ta sống gần gũi với các trung tâm của các Giáo Hội thuộc Thế Giới Thứ Ba đôi khi cảm nghiệm điều hài hước đáng buồn về nỗ lực của các Giáo Hội ấy là muốn "bảo hoàng hơn vua" (nguyên bản: more Roman than Rome). Có lẽ một hiện tượng như thế có thể chấp nhận được khi các Giáo Hội ấy thiếu các phương tiện cần thiết để trở nên chính mình, nhất là trong những nước mà chính quyền thù nghịch với Ki-tô giáo và Giáo Hội chỉ là thiểu số. Ngày nay các Giáo Hội Á Châu phải bước vào giai đoạn tự quản, tự hỗ trợ, tự mình lo việc rao giảng và tự mình làm thần học. Như Ðại Hội Á Châu về các Thừa Tác Vụ trong Giáo Hội đã xác định năm 1977: "Sự kiện căn bản là ngày nay trong bối cảnh Á Châu của chúng ta, chúng ta đang trong quá trình tái khám phá ra rằng một cá nhân Ki-tô hữu có thể tồn tại, phát triển như một người Ki-tô hữu trong một cộng đoàn Ki-tô biết tự dưỡng nuôi mình, tự cai quản lấy mình, tự mình lo việc phục vụ và việc truyền bá Tin Mừng" (4).

Ðể đảm đương được những trọng trách thuộc các lãnh vực vừa nêu, trong khi vẫn hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội phổ quát, đòi phải có lòng can đảm, trí tưởng tượng, óc sáng tạo, sự hợp tác trong mọi lãnh vực của đời sống Giáo Hội, và trên hết là sự tin tưởng vào Chúa Thánh Thần. Song các điều đó là một thách thức lớn và khiến chúng ta cảm thấy khó chịu hơn là khi chúng ta chỉ đơn thuần "áp dụng" những luật lệ và truyền thống có sẵn của Giáo Hội vào những hoàn cảnh khác nhau của Á Châu. Nhưng chỉ bằng cách đó thì các Giáo Hội tại Á Châu mới thực sự trở thành các Giáo Hội của Á Châu. Với tư cách là các Giáo Hội Ki-tô, dĩ nhiên các Giáo Hội ấy phải tuyên xưng và sống đức tin Ki-tô là đức tin đã được truyền lại qua các thời kỳ, nhưng không phải trong các hệ thần học (theological categories) và với các cơ chế của Giáo Hội (church structures) được nhập từ bên ngoài vào. Ðúng hơn các Giáo Hội ấy phải làm thế nào để các cách diễn tả (modalities) được hình thành và được sản sinh từ trong chính các bối cảnh Á Châu. Các hệ (thần học) và cơ chế của Giáo Hội Á Châu dĩ nhiên không cần phải hoàn toàn khác với các cơ chế của các Giáo Hội khác; tuy nhiên chúng ta không thể và không được ấn định cách tiên thiên là các hệ (thần học) và cơ chế của Giáo Hội Á Châu phải giống y trang hoặc phải hoàn toàn khác biệt với những hệ (thần học) và cơ chế của các Giáo Hội khác. Các Giáo Hội của Á Châu phải công bố và thực hành luật Thiên Chúa đã ban, đặt nền móng trên Mầu Nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể (chứ không phải là sự nhượng bộ được một quyền bính cao hơn trong Giáo Hội ban cho), để tìm tòi và tự mình xác định cách loan báo và sống đức tin Ki-tô nào là hay nhất tại Á Châu. Ðó là vấn đề sống còn đối với Giáo Hội, vì chưng nếu Giáo Hội tại Á Châu mà không là Á Châu thì chẳng là Giáo Hội gì hết (since if the Church in Asia is not Asian, it is no Church at all).

Phải trở thành các Giáo Hội Á Châu là điều cấp bách nhất khi Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu đã khiến mọi người phải kinh ngạc bằng việc chấp nhận điều mà Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đã nêu lên: "Ðức Giê-su thường được coi là xa lạ với Á Châu. Thật là nghịch lý khi đại đa số người Á Châu có khuynh hướng coi Ðức Giê-su, một người sinh ra trên chính mảnh đất Á Châu, là một người Tây Phương hơn là một người Á Châu" (GHTAC, số 20). Trong khi phải tìm ra mọi cách - theo sự thúc bách của Tông Huấn đối với các nhà thần học Á Châu - để "giới thiệu Mầu Nhiệm Ðức Ki-tô cho các dân tộc theo các mô hình văn hóa và theo các cách tư duy của các dân tộc ấy" (GHTAC, số 20), thì cách hữu hiệu nhất để giới thiệu Ðức Giê-su là một khuôn mặt Á Châu là làm cho các Giáo Hội của chúng ta thực sự là Á Châu.

 

Gs. Phan Ðình Cho, Ðại Học Georgetown, Washington, USA

Nguyễn Văn Nội chuyển dịch Việt ngữ từ tiếng Anh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page