Suy Nghĩ Và Học Hỏi Về Gia Ðình - Ðề Tài XI

Gia Ðình Kitô Hữu Chuẩn Bị

Và Ðồng Hành Với Các Gia Ðình Trẻ

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

I. Nhập Ðề:

Qua 10 đề tài trước, chúng ta đã có dịp suy nghĩ, tìm hiểu, chia sẻ và thực hành nhiều chức năng nhiệm vụ của gia đình. Từ đó chúng ta có thể rút ra kết luận này: đời sống gia đình thật phong phú ý nghĩa nhưng cũng mang theo nhiều trách nhiệm nặng nề. Câu hỏi tự nhiên xuất hiện trong tâm trí chúng ta là: "Làm thế nào mà các gia đình, nhất là các gia đình trẻ, có thể hiểu biết và thể hiện được ý nghĩa phong phú và trách nhiệm nặng nề ấy?" Ðó chính là vấn đề của đề tài thứ 11 này: "Gia đình Ki-tô hữu chuẩn bị và đồng hành với các gia đình trẻ."

Vậy chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu các vấn đề: Thế nào là gia đình trẻ? Thế nào là chuẩn bị và đồng hành với các gia đình trẻ? Tại sao các gia đình Ki-tô hữu có trách nhiệm chuẩn bị và đồng hành với các gia đình trẻ? Muốn chuẩn bị và đồng hành với các gia đình trẻ, các gia đình Ki-tô hữu phải có những gì và phải làm gì?

 

II. Trình Bày:

1. Thế nào là gia đình trẻ?

Gia đình trẻ phải được hiểu là những gia đình mới được thiết lập, chứ không nhất thiết phải là những cặp vợ chồng trẻ tuổi, mà có thể là những cặp vợ chồng đã trưởng thành nhưng mới bước vào đời sống gia đình. Trẻ ở đây đồng nghĩa với "không thâm niên" trong đời sống hôn nhân gia đình.

2. Thế nào là chuẩn bị và đồng hành với các gia đình trẻ?

Chuẩn bị cho các gia đình trẻ: Chuẩn bị là giúp các bạn trẻ được thực hiện những việc cần thiết trước khi hai người nam nữ kết hôn với nhau theo phép đạo. Tông huấn "Ðời sống gia đình" của Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô 2 nói rất đầy đủ về nội dung công việc và các giai đoạn chuẩn bị này (xa, gần, liền trước khi cử hành Bí Tích):

"Vào thời chúng ta, việc chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào hôn nhân và đời sống gia đình càng cần thiết hơn bao giờ hết". Lý do: "Những thay đổi dồn dập trong lòng hầu hết các xã hội tân tiến đòi hỏi không những chỉ gia đình mà cả xã hội và Giáo Hội phải dấn thân vào nỗ lực chuẩn bị tương xứng, để các bạn trẻ có thể cáng đáng các trách nhiệm trong tương lai. Nhiều hiện tượng tiêu cực trong đời sống gia đình mà ngày nay người ta than phiền, đã xuất phát từ sự kiện này là trong những hoàn cảnh mới, các bạn trẻ không còn nhận ra được phẩm trật đúng đắn các giá trị (bậc thang các giá trị) và vì không còn những tiêu chuẩn chắc chắn để xử thế, họ không còn biết làm sao đương đầu và giải quyết các khó khắn mới. Kinh nghiệm cho thấy: các bạn trẻ được chuẩn bị chu đáo cho đời sống gia đình, cách chung sẽ thành công hơn các bạn khác.

Ðiều đó còn đúng hơn nữa cho hôn nhân Ki-tô giáo, vốn có ảnh hưởng rất rộng đối với sự thánh thiện của biết bao người nam người nữ. Vì thế Giáo Hội cổ vũ những chương trình chuẩn bị hôn nhân phong phú và hữu hiệu, để hết sức loại trừ những khó khăn mà trong đó biết bao gia đình đang phải chiến đấu, và hơn nữa, để tích cực dẫn đưa các cuộc hôn nhân đến cho thành công và trưởng thành trọn vẹn. Việc chuẩn bị hôn nhân phải được xem xét và thực hiện theo một tiến trình tuần tự và liên tục, qua ba giai đoạn chính: chuẩn bị xa, chuẩn bị gần và chuẩn bị liền trước Bí Tích.

- Chuẩn bị xa: "Bắt đầu từ thời thơ ấu, khoa sư phạm khôn ngoan của gia đình phải nhằm đưa trẻ em tới chỗ khám phá ra rằng mình được phú ban một tâm lý vừa phong phú vừa phức tạp, được phú ban một nhân cách đặc thù, với những sức mạnh cũng như những yếu đuối riêng của mình. Ðây là giai đoạn mà trong đó người ta dần dần ghi khắc cho các em lòng quí chuộng đối với mọi giá trị nhân bản đích thực, trong đó tương quan liên vị cũng như các tương quan xã hội, với những gì hàm chứa trong đó để đào tạo tính tình, để biết tự chủ và biết sử dụng đúng đắn các xu hướng riêng của mình, để biết cách nhận xét và gặp gỡ những người khác phái, và những chuyện khác như thế. Ngoài ra, đặc biệt đối với các Ki-tô hữu, còn phải có sự đào tạo vững chắc về đời sống thiêng liêng và Giáo Lý, để hiểu được rằng hôn nhân là một ơn gọi và là một sứ mạng đích thực, nhưng vẫn không loại trừ khả năng tận hiến cho Thiên Chúa trong ơn gọi Linh Mục hoặc Tu Sĩ.

- Chuẩn bị gần: Sẽ dựa trên nền tảng ấy và là một công cuộc lâu dài: bắt đầu từ lứa tuổi thích hợp và với việc dạy Giáo Lý tương xứng, tương tự phần nào như hành trình dự tòng. Công việc này sẽ gồm việc chuẩn bị chuyên biệt về các Bí Tích, như để giúp các bạn trẻ tái khám phá các Bí Tích. Việc canh tân Giáo Lý theo chiều hướng đó cho tất cả những ai đang chuẩn bị hôn nhân Ki-tô giáo là một điều hết sức cần thiết, để Bí Tích sẽ được cử hành và được sống với những dữ kiện luân lý và thiêng liêng thích hợp.

Ðến lúc thích hợp và tùy theo những đòi hỏi cụ thể khác nhau, việc đào tạo tôn giáo cho những người đính hôn sẽ phải được bổ túc bằng một sự chuẩn bị cho đời sống lứa đôi: khi trình bày hôn nhân như một tương quan liên vị phải được phát triển liên tục giữa người nam và người nữ. Người ta phải khuyến khích họ đào sâu những vấn đề về tính dục hôn nhân và về vai trò cha mẹ có ý thức trách nhiệm, cùng với những hiểu biết cốt yếu gắn liền với các vấn đề ấy trong lãnh vực sinh lý và y học, và đưa họ tới chỗ làm quen với những phương pháp tốt để giáo dục con cái, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để họ có được những yếu tố cơ bản cho một nếp sống gia đình ổn định (việc làm chắc chắn, đủ điều kiện tài chánh, biết điều hành sáng suốt, có khái niệm về kinh tế gia đình v.v...)

Sau cùng, cũng sẽ không được coi thường việc chuẩn bị cho công cuộc tông đồ gia đình, cho tình huynh đệ và sự cộng tác với các gia đình khác, cho việc tích cực hội nhập vào các nhóm, các hiệp hội, các phong trào và các sáng kiến có mục đích đem lại thiện ích nhân bản và Ki-tô giáo cho gia đình"

- Chuẩn bị liền trước khi cử hành Bí Tích: "Phải diễn ra trong nhiều tháng và nhất là trong những tuần cuối trước lễ cưới để nhờ đó có thể đem lại một ý nghĩa mới, một nội dung mới và một hình thức mới cho việc quen gọi là điều tra hôn phối mà giáo luật đòi buộc. Một việc chuẩn bị như thế vốn cần thiết cho tất cả mọi trường hợp, lại càng khẩn cấp hơn cho những đôi hôn phối còn gặp nhiều thiếu sót và khó khăn về mặt Giáo Lý và thực hành Ki-tô giáo. Trong số các yếu tố phải truyền đạt trong tiến trình Ðức Tin này, tựa như ở thời kỳ dự tòng, cũng phải có việc đào sâu về Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô và Giáo Hội, về ý nghĩa của ân sủng và của trách nhiệm gắn liền với hôn nhân Ki-tô giáo. Ðó là chưa kể tới việc chuẩn bị để tham dự tích cực vào nghi lễ Phụng Vụ Hôn Phối" (FC 66).

- Ðồng hành với các gia đình trẻ: Ðồng hành là cùng đi, cùng sống, là sống gần gũi, là quan tâm theo dõi các gia đình trẻ trong khu vực, trong Giáo Xứ với chủ ý sẵn sàng giúp đỡ, cố vấn, ủi an, khích lệ như người anh người chị, người bạn.

3. Tại sao gia đình Ki-tô hữu có trách nhiệm chuẩn bị và đồng hành với các gia đình trẻ?

Gia đình Ki-tô hữu có trách nhiệm chuẩn bị và đồng hành với các gia đình trẻ vì đấy là sứ mạng (đồng hành) chung của Giáo Hội: "Như tất cả mọi thực tại sinh động, gia đình cũng được mời gọi phát triển và tăng trưởng. Sau khi trải qua sự chuẩn bị của thời kỳ đính hôn và việc cử hành Bí Tích hôn nhân, đôi bạn bắt đầu bước đường hằng ngày tiến tới việc thực hiện tuần tự các giá trị và bổn phận của hôn nhân.

"Vì thế, cần nhấn mạnh một lần nữa việc Giáo Hội phải cấp bách can thiệp mục vụ để nâng đỡ gia đình. Cần phải cố gắng hết sức để ngành Mục vụ Gia đình được củng cố và phát triển, trở thành một ngành thật ưu tiên, vì chắc chắn trong tương lai, việc loan báo Tin Mừng phần lớn tùy thuộc vào Hội Thánh Tại Gia là các gia đình" (x. Diễn văn tại Ðại Hội Giám Mục Nam Mỹ, khóa 3, ngày 28.1.1979, IV, a: AAS 71, 1979, t. 204; ÐSGÐ, 65).

Kế đến gia đình Ki-tô hữu phải chuẩn bị và đồng hành với các gia đình trẻ vì đấy là trách nhiệm tông đồ của các gia đình Ki-tô hữu: "Ngoài ra việc tông đồ gia đình còn được triển nở dưới hình thức những công tác bác ái về tinh thần cũng như vật chất đối với các gia đình khác, cũng như đối với những người đau ốm, già cả, tàn tật, mồ côi, góa bụa, những người chồng, những người vợ bị bỏ rơi, những người mẹ độc thân và những người mẹ trong tình huống khó khăn, đang bị cám dỗ loại bỏ đứa con còn trong bào thai, v.v..." (ÐSGÐ, 71).

Sau cùng gia đình Ki-tô hữu phải chuẩn bị và đồng hành với các gia đình trẻ vì đấy là nhu cầu thật sự của các gia đình trẻ: Trên thực tế các gia đình trẻ (mới được hình thành) gặp không ít khó khăn ở những năm đầu - nhất là hai năm đầu đời hôn nhân. Lý do rất dễ hiểu: Ðời sống lứa đôi của hai vợ chồng mới cưới về ở chung với nhau khác hẳn với đời sống độc thân lúc trước của hai người. Chủ yếu là do những khác biệt về tâm sinh lý, tính tình, sở thích, nền giáo dục, nếp sống cá nhân và truyền thống gia đình, trình độ văn hóa khác nhau của hai người.

Ngoài ra khi về sống chung hai vợ chồng phải thay đổi một số quan hệ bạn bè và gia đình và họ cũng có những quan hệ mới với bạn bè và gia đình hai bên. Khi về sống chung với nhau hai người phải thích ứng với nhau một cách triệt để. Và nếu một hoặc cả hai người không thích ứng kịp với đời sống mới, thì các khó khăn nẩy sinh.

Nếu đi sâu vào đời sống gia đình thì chỉ nguyên đời sống tính dục cũng thường tạo ra cho hai vợ chồng trẻ không biết bao nhiêu vấn đề và nỗi khó khăn. Ðây lại là lãnh vực hết sức tế nhị, thậm chí được coi là những vấn đề "cấm kỵ" theo quan niệm thông thường của người Việt Nam, nên nếu có gặp trục trặc, vợ chồng trẻ không biết hỏi ai, không dám hỏi ai. Thực ra thì về tính dục, vợ chồng có nhu cầu và cảm nhận khác nhau, nên cần phải được người lớn hướng dẫn, tư vấn.

Một vấn đề nữa thường xảy ra cho các gia đình non trẻ là việc thai nghén của người vợ và sự xuất hiện của đứa con đầu lòng, khiến gia đình bị đảo lộn một cách dữ dội đến mức người trong cuộc không biết đường nào mà đi! Ai là người sẽ giúp các gia đình non trẻ vượt qua những ngày tháng khó khăn này, nếu không phải là cha mẹ, bạn bè, nhân viên Mục vụ Gia đình của Giáo Xứ?

Ðức Thánh Cha đã chỉ đạo như sau: "Trong việc mục vụ dành với các gia đình trẻ, Giáo Hội phải quan tâm giáo dục cho họ biết sống tình yêu vợ chồng cách có trách nhiệm, trong tương quan với các đòi hỏi về hiệp thông và phục vụ sự sống, cũng như dạy cho họ biết hòa hợp tình thân mật của tổ ấm gia đình với trách nhiệm quảng đại chung của mọi người trong việc xây dựng Giáo Hội và xã hội nhân loại. Khi có con cái, đôi bạn trở thành một gia đình theo nghĩa tròn đầy và chuyên biệt. Lúc đó Giáo Hội vẫn còn phải gần gũi hai cha mẹ để giúp đỡ họ đón nhận con cái và yêu mến chúng như một ơn Chúa sự sống ban cho, vui vẻ chấp nhận vất vả để phục vụ cho chúng lớn lên về mặt nhân bản và Ki-tô giáo" (ÐSGÐ, 69).

4. Các gia đình Ki-tô hữu phải có những gì và phải làm gì để chuẩn bị và đồng hành?

Trước hết, muốn chuẩn bị và đồng hành với các gia đình trẻ, các gia đình Ki-tô hữu phải ý thức về trách nhiệm của mình: Ðể ý thức trách nhiệm của mình không có cách nào hay hơn là học hỏi tìm hiểu giáo huấn của Chúa và của Giáo Hội bằng cách tham dự các khóa học và đọc sách báo về lãnh vực này. Thứ đến, muốn chuẩn bị và đồng hành với các gia đình trẻ, các gia đình Ki-tô hữu phải có lòng yêu thương và muốn giúp đỡ các gia đình trẻ: Ðể có lòng yêu thương thực sự đối với các gia đình trẻ, không có cách nào hay hơn là tập sống thân mật với Thiên Chúa, nỗ lực sống giáo huấn của Phúc Âm mỗi ngày và quan tâm đến nhu cầu của giới trẻ và nhất là của các gia đình trẻ. Sau cùng, muốn chuẩn bị và đồng hành với các gia đình trẻ, các gia đình Ki-tô hữu phải biết cách giúp đỡ và đồng hành: Câu châm ngôn của chúng ta là: "Không ai cho cái mình không có".

Vậy để có khả năng chuẩn bị và đồng hành với các gia đình trẻ thì chúng ta chẳng những phải có ý thức về trách nhiệm của mình và lòng yêu thương đối với các gia đình trẻ, mà chúng ta còn phải biết cách chuẩn bị và đồng hành. Biết cách chuẩn bị và đồng hành có nghĩa là chúng ta phải có một mớ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và phương pháp tối thiểu về Giáo Lý, về tâm sinh lý và giới tính, về nghệ thuật giao tế và thuyết phục, về truyền thông, về các phương pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp với Giáo Lý Ki-tô giáo...

Muốn có được những thứ ấy, chúng ta phải học hỏi, tích lũy kinh nghiệm bằng nhiều phương thế khác nhau: nghe giảng, đọc sách báo, trao đổi với những người có chuyên môn, học hỏi qua các khóa chuyên đề v.v...

 

III. Kết Luận:

Hiện nay trong nhiều (có thể nói là hầu hết) Giáo Xứ, việc chuẩn bị cho các bạn trẻ trước khi kết hôn được giao khoán cho các Linh Mục, Tu Sĩ. Lực lượng Giáo Dân, nhất là các gia đình tham gia vào công việc này còn rất mỏng, không đáng kể. Các đôi bạn trẻ khi về ở chung với nhau cũng không được ai gần gũi, theo sát, giúp đỡ, kể cả cha mẹ, vú bõ (người đỡ đầu), bạn bè và Linh Mục chánh xứ.

Hàng năm các Linh Mục phụ trách các Giáo Xứ thường báo cáo về Tòa Giám Mục con số những người được Rửa Tội và con số những gia đình trẻ mới được thành lập trong Giáo Xứ, nhưng các ngài không thể biết những người mới Rửa Tội, những gia đình mới được thành lập kia hiện đang sống đạo như thế nào. Chính vì thế mà các vợ chồng trẻ phải tự bương trải, tự giải quyết mọi vấn đề, có khi đúng và phù hợp, có khi sai và ngược với tinh thần Phúc Âm và Giáo Lý của Giáo Hội.

Con số hơn 90% phụ nữ Công Giáo Việt Nam trong thời gian có thể sinh nở đã dùng các phương pháp ngừa thai nhân tạo đang được quảng cáo trên thị trường tiêu thụ (xem bài "Gia đình chiếc nôi văn hóa Ðức Tin" của Nữ Tu Tê-rê-xa Phạm Thị Oanh) là một con số nhức nhối, đáng các Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ và gia đình Ki-tô hữu Việt Nam phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình.

 

IV. Chia Sẻ:

Ông bà anh chị hãy cho biết trong Giáo Xứ của mình, công việc giúp các bạn trẻ nam nữ chuẩn bị kết hôn theo Lễ nghi Công Giáo được giao phó cho những ai và được thực hiện như thế nào?

Tại sao ông bà anh chị không tham gia vào việc giúp các bạn trẻ trong Giáo Xứ mình chuẩn bị kết hôn và không đồng hành với các gia đình trẻ mới hết hôn?

Các lý lẽ mà ông bà anh chị đưa ra có chính đáng và chấp nhận được không? Tại sao?

 

V. Thực Hành:

Mỗi người và mỗi gia đình Ki-tô hữu quyết tâm thực hiện một việc gì đó cụ thể (nói rõ ra) để tham gia vào việc chuẩn bị và đồng hành với các gia đình trẻ!

 

Gs. NguyễnVăn Nội

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 101, năm 2003)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page