Suy Nghĩ Và Học Hỏi Về Gia Ðình - Ðề Tài IX
Gia Ðình Là Trung Tâm
Và Nguồn Phát Sinh Thiện Hảo Xã Hội
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
I. Nhập Ðề:
"Gia đình là trung tâm và nguồn phát sinh thiện hảo xã hội" là đề tài thứ 9 trong loạt 12 đề tài mà Hội Ðồng Giáo Hoàng về Gia Ðình đề nghị cho chúng ta suy tư và trao đổi về Gia đình. Có lẽ cách đặt tên đề tài hơi khó hiểu. Ý muốn nói là gia đình có mối tương quan chặt chẽ với xã hội.
Chúng ta biết Tông Huấn "Ðời Sống Gia Ðình" của Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô 2 đã đưa ra bốn bổn phận của gia đình Ki-tô hữu thì bổn phận thứ ba là "Gia đình Ki-tô hữu tham gia vào việc phát triển xã hội" (ÐSGÐ, 43 - 48).
Vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu:
- Thế nào là "Thiện hảo xã hội"?
- Nói "Gia đình là trung tâm và nguồn phát sinh thiện hảo xã hội" là có ý nói gì?
- Gia đình Ki-tô hữu có thêm động lực và ý nghĩa gì mới để trở thành trung tâm và nguồn phát sinh thiện hảo xã hội?
- Ðể trở thành trung tâm và nguồn phát sinh thiện hảo xã hội, gia đình Ki-tô hữu phải làm gì?
- Ðể gia đình trở thành trung tâm và nguồn phát sinh thiện hảo xã hội, Giáo hội và xã hội phải làm gì cho gia đình?
II. Trình Bày:
1. Thế nào là "Thiện hảo xã hội"?
"Thiện hảo xã hội" hay "thiện ích xã hội" đồng nghĩa với một từ được nhiều người dùng hơn, là "công ích" (bien commun). Ðó là tất cả mọi điều kiện, mọi tiện nghi về vật chất và tinh thần (văn hóa, xã hội, giáo dục, chính trị, môi sinh và tôn giáo) mà một xã hội con người có được nhờ sự đóng góp của mọi công dân, mọi gia đình và mọi tổ chức trong xã hội ấy. Thí dụ: đường xá, cầu cống, điện nước, các ngành nghệ thuật, các phương tiện truyền thông (báo chí, phim ảnh, phát thanh truyền hình), bệnh viện, trường học, nhà máy...
Các thành phần xã hội đóng góp vào việc xây dựng công ích bằng nhiều cách khác nhau: trước hết là bằng sự cống hiến lao động và tài năng, kế đến là bằng việc nộp thuế qua lao động, sản xuất, dịch vụ, buôn bán sau cùng là bằng sự dâng hiến của cải tiền bạc của những con người có lòng hảo tâm, từ thiện.
2. Nói "Gia đình là trung tâm và nguồn phát sinh thiện hảo xã hội" có ý nói gì?
Trước hết, nói "Gia đình là trung tâm và nguồn phát sinh thiện hảo xã hội" có nghĩa là: giữa gia đình và xã hội, có mối tương quan chặt chẽ: "Gia đình được Ðấng Tạo hóa đặt làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người", nên gia đình trở thành "tế bào đầu tiên và sống động của xã hội". (Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân, 11; ÐSGÐ, 42).
Và "Gia đình có những liên hệ chặt chẽ và sống động với xã hội vì gia đình làm nền tảng cho xã hội và không ngừng tiếp sức cho xã hội bằng việc phục vụ sự sống: chính giữa lòng gia đình đã sinh ra các công dân, và chính trong gia đình mà các công dân ấy lần đầu tiên thực tập các nhân dức xã hội, là sinh hồn cho sinh hoạt và sự phát triển xã hội" (ÐSGÐ, 42)
Kế đến, nói "Gia đình là trung tâm và nguồn phát sinh thiện hảo xã hội" có nghĩa là: thiện hảo xã hội gắn liền với gia đình và xuất phát từ đó. Thật vậy thiện hảo xã hội là do con người tạo nên. Mà gia đình là trường học đầu tiên giáo dục con người và cung cấp cho con người kinh nghiệm hiệp thông và chia sẻ, làm nền tảng cho sự đóng góp của con người vào thiện hảo xã hội sau này, như Tông huấn Ðời sống gia đình khẳng định:
"Chính kinh nghiệm hiệp thông và chia sẻ phải là đặc điểm cho đời sống thường nhật của gia đình, và tạo nên phần thiết yếu và căn bản mà gia đình đóng góp cho xã hội... Các tương quan giữa những phần tử trong cộng đồng gia đình được phát triển dưới dự thúc đầy và hướng dẫn của luật "cho không" bằng cách kính trọng và vun trồng nơi mọi người cũng như nơi mỗi người, ý thức về phẩm giá con người như nguồn giá trị duy nhất, cụ thể hóa trong sự đón tiếp nồng nhiệt, gặp gỡ và đối thoại, quảng đại sẵn sàng phục vụ vô vị lợi và tương trợ sâu xa... Như vậy, phát huy sự hiệp thông đích thực giữa những ngôi vị có trách nhiệm trong gia đình trở thành việc thực tập căn bản và không thề thay thế được cho đời sống xã hội, một gương mẫu và là một khích lệ cho các tương quan cộng đồng mở rộng, được đánh dầu bằng các đức tính: kính trọng, công bằng, ý thức đối thoại, tình yêu.
"Bằng cách ấy gia đình làm nên cái nôi và phương tiện hữu hiệu nhất để nhân bản hóa và ngôi vị hóa xã hội: chính gia đình hoạt động cách độc đáo và sâu xa cho công cuộc kiến tạo thế giới, giúp đem lại một đời sống thực sự nhân đạo, cách riêng là bảo tồn và truyền đạt các nhân đức và các "giá trị" (ÐSGÐ, 43).
Sau cùng nói "Gia đình là trung tâm và nguồn phát sinh thiện hảo xã hội" còn có nghĩa là đối với xã hội, gia đình chẳng những có vai trò xã hội: "Gia đình dù biệt lập hay kết thành hiệp hội, đều có thể và phải dấn thân cho nhiều công cuộc phục vụ xã hội, cách riêng la lo cho những người nghèo và cho những người và hoàn cảnh mà các tổ chức từ thiện và cứu tế công cộng không thể lo hết được" mà còn có vai trò chính trị nữa: "Vai trò xã hội của gia đình còn được mời gọi diễn tả đưới hình thức can thiệp chính trị: chính các gia đình là những kẻ đầu tiên phải làm sao để các luật lệ và cơ chế của nhà nước không những không làm tổn thương các quyền lợi và bổn phận của gia đình, nhưng cón nâng đỡ bảo vệ chúng một cách tích cực" (ÐSGÐ, 44).
Chúng ta đã biết: mục đích chính của chính trị là xây dựng thiện hảo xã hội hay công ích. Mỗi khi gia đình đóng vai trò chính trị của mình đối với xã hội là để giúp xã hội đạt được thiện hảo lớn hơn và đích thực hơn.
3. Gia đình Ki-tô hữu có thêm động lực và ý nghĩa gì mới để trở thành trung tâm và nguồn phát sinh thiện hảo xã hội?
Mô hình kiểu mẫu của mọi cộng đoàn là Cộng đoàn tín hữu đầu tiên trong Công vụ Tông đồ, trong đó mọi người yêu thương, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để cùng nhau phụng sự Thiên Chúa: "Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng..." "Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu..." "Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Ðền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ" (Cv 2, 42. 44 - 47).
Ân sủng và trách nhiệm của gia đình Ki-tô hữu đem lại động lực và ý nghĩa mới cho gia đình Ki-tô hữu trong việc trở thành trung tâm và nguồn phát sinh thiện hảo xã hội: "Vai trò xã hội độc đáo của mọi gia đình cũng là vai trò xã hội của gia đình Ki-tô hữu, nhưng theo một danh hiệu mới mẻ và đặc biệt hơn, vì gia đình này được bí tích Hôn phối thiết lập. Khi đảm nhận thực tại nhân loại của tình yêu vợ chồng trong mọi chiều kích, Bí tích Hôn phối làm cho đôi bạn và cha mẹ Ki-tô hữu có klhả năng sống ơn gọi Giáo Dân -và đó là trách nhiệm của họ- và do đó có khả năng "tìm kiếm Nước Thiên Chúa cách chính xác qua việc quản trị các thực tại trần thế mà họ đang xếp đặt theo ý Thiên Chúa" (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 31; ÐSGÐ, 47)
4. Ðể trở thành trung tâm và nguồn phát sinh thiện hảo xã hội, các gia đình Ki-tô hữu phải làm gì?
Ðể trở thành "trung tâm và nguồn phát sinh thiện hảo xã hội", điều đầu tiên gia đình phải có là ý thức mạnh mẽ và sâu sắc về vai trò và trách nhiệm xã hội và chính trị của mình. Vai trò và trách nhiệm ấy, một đàng do chính Thiên Chúa đã trao cho gia đình khi đặt gia đình là nguồn gốc và nền tảng của xã hội, đàng khác được Giáo Hội cậy nhờ vì không có gia đình, Giáo Hội không thể thâm nhập vào môi trường đặc biệt này và làm cho xã hội trở thành Vương Quốc của Thiên Chúa được.
Mỗi thành viên và cả gia đình phải tạo ý thức cho mình và cho nhau bằng việc lắng nghe Lời Chúa, học hỏi Giáo Lý và Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội và quan tâm đến nhu cầu của những người chung quanh, nhất là của người nghèo.
Tiếp đến gia đình phải mỗi ngày một dấn thân hơn vào việc biến đổi và thăng tiến xã hội về mọi mặt: kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, tôn giáo, tâm linh và môi sinh, bằng lao động chân tay và trí óc, bằng cách làm cho các luật lệ, cơ chế xã hội có nhiều tính nhân bản và dân chủ hơn. Làm như thế là gia đình đóng vai trò làm muối men và ánh sáng của gia đình Ki-tô hữu và xây dựng Nước Thiên Chúa trên trần gian vậy. Vì vấn đề xã hội là của mọi người và vì những nỗ lực cá nhân không thể đem lại kết quả mong muốn, nên gia đình Ki-tô hữu phải liên kết với các gia đình khác - lương cũng như giáo - và với các tổ chức xã hội có mục đích bênh vực quyền con người và phát triển xã hội để tạo nên sức mạnh cần thiết.
Còn phải nhấn mạnh đến bổn phận của cha mẹ Ki-tô hữu trong việc giáo dục con cái về vai trò và trách nhiệm xã hội và chính trị của mình, về ý thức công dân và những nhân đức xã hội theo tinh thần Ki-tô giáo.
5. Ðể gia đình trở thành trung tâm và nguồn phát sinh thiện hảo xã hội, Giáo Hội và xã hội phải làm gì cho các gia đình?
a. Vai trò và trách nhiệm của Giáo hội toàn cầu:
Chúng ta thấy Giáo Hội Công Giáo Rô-ma và cách riêng Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô 2 luôn đi tiên phong trong việc bênh vực các gia đình. Chúng ta kể ra đây một số sự việc nổi bật: tại giáo triều Vatican có Hội Ðồng Giáo Hoàng về Gia Ðình (như một Bộ của Giáo Hội Trung Ương) đặc trách về các vấn đề gia đình; Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Gia Ðình (1980); Tông Huấn Ðời sống Gia đình (1981); các hội nghị và các cuộc gặp gỡ của các gia đình; các tài liệu về gia đình; các phát biểu của Ðại Diện Giáo Hội ở Vatican, ở Diễn Ðàn Liên Hiệp Quốc và ở các hội nghị quốc tế khác. Ðặc biệt ngày 25.11.1983, Tòa Thánh đã công bố Bản Hiến Chương về Những Quyền của Gia Ðình, trong đó nêu 14 quyền mà những quyền quan trọng nhất được kể ra dưới đây:
- Quyền được hiện hữu và được phát triển trong tư thế của gia đình (quyền lập gia đình).
- Quyền được tự do kết hôn với người mình yêu.
- Quyền quyết định về số con cái.
- Quyền được sống từ giây phút đầu tiên cho đến giây phút cuối cùng.
- Quyền giáo dục con cái.
- Quyền tồn tại và phát triển.
- Quyền sống theo xác tín tôn giáo.
- Quyền thi hành chức năng xã hội và chính trị.
- Quyền được hưởng một chính sách gia đình thỏa đáng.
- Quyền được hưởng một chế độ xã hội và kinh tế xứng đáng.
- Quyền có một chỗ ở thích hợp.
- Quyền được di trú và được đối xử tốt đẹp. (ÐSGÐ, 46).
b. Vai trò và trách nhiệm của Giáo hội Việt Nam:
Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng về gia đình trong những dịp hội nghị thường niên những năm vừa qua. Cách riêng trong hội nghị thường niên năm nay, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã công bố Thư Mục Vụ về Hôn Nhân và Gia Ðình, ngày 11.10.2002. Việc mà mọi người mọi gia đình có quyền trông chờ là các Giáo Phận và các Giáo Xứ thực hiện những điều đã được Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam hoạch định trong Thư Mục Vụ nói trên. Cụ thể:
Ở cấp Giáo Phận có 5 công việc như sau:
1. Xác định Hôn Nhân và Gia Ðình là ưu tiên trong đường hướng Mục Vụ 2003 của Giáo Phận.
2. Hình thành Văn phòng Mục Vụ về Hôn Nhân và Gia Ðình trong Giáo Phận.
3. Soạn thảo một chương trình Giáo Lý hôn nhân.
4. Ðào tạo một đội ngũ Giáo Lý viên vững vàng.
5. Kêu gọi sự cộng tác của Giáo Dân có khả năng chuyên môn về các ngành có liên quan tới đời sống Hôn Nhân và Gia Ðình.
Ở cấp Giáo Xứ cũng có 5 công việc như sau:
1. Tổ chức các lớp học hỏi về Hôn Nhân và Gia Ðình, không chỉ cho những người sắp bước vào đời sống hôn nhân gia đình mà cho cả những người đang sống đời sống gia đình. Lý do là nội dung và thời gian dành cho lớp / khóa Chuẩn Bị Hôn Nhân Gia Ðình rất hạn chế, không thể coi đó là đủ cho sự giáo dục gia đình về các lãnh vực nhân bản và tâm linh.
2. Mời gọi sự cộng tác của Giáo Dân chuyên môn các ngành có liên quan tới Hôn Nhân và Gia Ðình.
3. Ðào tạo một đội ngũ Giáo Lý Viên vững vàng.
4. Thành lập bộ phận chuyên trách về gia đình nằm trong Ban Mục Vụ Giáo Xứ.
5. Tổ chức các sinh hoạt Mục Vụ Gia Ðình vào những dịp thuận lợi.
c. Vai trò và trách nhiệm của xã hội:
Nếu gia đình có vai trò và trách nhiệm xã hội và chính trị đối với xã hội thì xã hội cũng có trách nhiệm đối với gia đình. Trách nhiệm đó là gia đình phải phục vụ gia đình: "Tương quan chặt chẽ giữa gia đình và xã hội một đàng đòi hỏi gia đình phải mở rộng và tham tham gia vào xã hội cũng như tham gia vào việc phát triển xã hội, đàng khác lại đòi xã hội không được thiếu sót trong bổn phận của mình là tôn trọng va thăng tiến gia đình".
Cụ thể là: "Xã hội và đúng hơn nữa là quốc gia phải nhìn nhận rằng gia đình là "một xã hội được hưởng một quyền lợi riêng biệt và ưu tiên" do đó trong những gì liên hệ giữa quốc gia và gia đình, quốc gia có nghĩa vụ phải theo đúng nguyên tắc hỗ trợ gia đình... Quốc gia không được tước mất những trách nhiệm mà gia đình có thể tự mình chu toàn một cách tốt đẹp..., trái lại phải hết sức tạo điều kiện thuận lợi và khơi động những sáng kiến có trách nhiệm của gia đình..., phải cung ứng cho các gia đình mọi sự trợ giúp - về kinh tế, xã hội, giáo dục, chính trị, văn hóa - mà các gia đình cần để hoàn thành các nghĩa vụ một cách thật sự nhân bản" (ÐSGÐ, 45).
III. Kết Luận:
Có nhận xét là người và gia đình Công Giáo Việt Nam còn yếu kém trong ý thức về vai trò và trách nhiệm xã hội và chính trị của mình đối với xã hội và trong xã hội. Tình trạng ấy do nhiều nguyên nhân, vừa chủ quan vừa khách quan. Nguyên nhân chủ quan là việc giáo dục đức tin chưa toàn bộ khi việc dạy Giáo Lý nhấn mạnh đến cách sống đạo trong nhà thờ nhiều hơn là cách sống đạo ngoài xã hội.
Thật ra thì việc dạy Giáo Lý nếu có nhắc đến vai trò và trách nhiệm xã hội của Ki-tô hữu thì lại chỉ đề cập đến những việc có tính xã hội như cứu trợ người nghèo, giúp đỡ người tàn tật... chứ chưa đề cao trách nhiệm thay đổi tình trạng và cơ chế xã hội bất công, đàn áp, bóc lột. Nguyên nhân khách quan là hoàn cảnh xã hội và chính trị không cho phép người và các gia đình Công Giáo chu toàn một số nhiệm vụ xã hội và chính trị của mình. Cả hai nguyên nhân đều thúc đẩy chúng ta phải dấn thân nhiều và tích cực hơn nữa để thay đổi tình trạng hiện nay.
IV. Chia Sẻ:
Ông bà anh chị hãy chia sẻ với nhau những nỗ lực mà gia đình mình đã thực hiện để chu toàn vai trò và trách nhiệm xã hội và chính trị của gia đình mình... Ông bà anh chị hãy chia sẻ với nhau cách mình giáo dục con cái để giúp chúng trở thành những công dân gương mẫu.
V. Thực Hành:
Mọi thành viên và cả gia đình tích cực tham dự các sinh hoạt tổ dân phố, đoàn đội, giới, cứu trợ, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, chống tệ nạn xã hội, xây dựng tình đoàn kết liên đới... trong khu vực sống của gia đình, để chu toàn vai trò và trách nhiệm xã hội và chính trị của gia đình Ki-tô hữu của mình.
Gs. Nguyễn Văn Nội
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 99, năm 2003)