Gia Ðình Ki-tô Và Mầu Nhiệm Vượt Qua

Ðối Thoại Và Tinh Thần Của Thập Giá

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

(Ephata Việt Nam vừa nhận được bài giảng của Ðức Cha Luis Antonio G. Tagle, Giám Mục Imus, Philippines, trong Ðại Hội Quốc Tế các Gia Ðình lần thứ 4 tổ chức tại Philippines những ngày đầu năm 2003 này, bản dịch của độc giả Hoàng Thiên Ân. Ðược biết đã có khoảng 1.000 các vị Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và hàng trăm ngàn Giáo Dân về tham dự. Riêng đoàn Việt Nam gồm 30 người, gồm 6 vị Giám Mục (các Ðức Cha Phạm Minh Mẫn, Nguyễn Như Thể, Bùi Văn Ðọc, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Văn Hòa và Ngô Quang Kiệt. Ðoàn Giáo Phận Sài-gòn có 22 anh chị em và Giáo Phận Kontum có 2 Giáo Dân đại diện...)

 

Chiều hôm nay, chúng ta sẽ suy tư về chủ đề Gia Ðình Ki-tô Và Mầu Nhiệm Vượt Qua. Dựa theo chương trình chính thức của Ðại Hội, một tiêu đề phụ được thêm và tôi cho rằng nó cũng quan trọng không kém, vì nó chỉ ra cách thức mà chúng ta sẽ triển khai chủ đề này. Tiêu đề phụ là Ðối Thoại Và Tinh Thần Của Thập Giá. Do đó chúng ta sẽ suy tư về gia đình Ki-tô như một cộng đồng được hình thành trong đối thoại và làm thế nào mà Mầu Nhiệm Vượt Qua lại trở thành sức mạnh tinh thần thúc đẩy cho việc đối thọai chân thành.

 

Mầu Nhiệm Vượt Qua Là Gì? Ðối Thoại Là Gì?

Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng mỗi người Ki-tô hay môn đệ của Ðức Giê-su "phải mang trong thân xác mình cái chết của Ðức Giê-su ngõ hầu sự sống của Ngài được tỏ hiện" (2 Cr 4, 10). Một người Ki-tô là một người mang trong con người và cuộc đời mình dấu ấn của Mầu Nhiệm Vượt Qua, sự chết của Ðức Giê-su và sự Phục Sinh vào đời sống mới. Ðây không phải là một dấu ấn thể lý nhưng là một đường hướng tinh thần xác định rõ lối sống của ta trên thế gian. Nếu quả thật một người Ki-tô sống nhờ sức mạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua, tôi nghĩ chúng ta cũng có thể nói rằng điều này cũng áp dụng cho một cộng đoàn tự xưng mình là Ki-tô, bao gồm luôn gia đình. Một gia đình Ki-tô phải sống bởi Mầu Nhiệm Vượt Qua.

Nhưng chúng ta phải hỏi một cách chính xác Mầu Nhiệm Vượt Qua là gì? Các nhà thần học, các mục tử và các nhà trước tác thiêng liêng qua các thời đại đã cho chúng ta những tầm nhìn sâu xa vào trong Mầu Nhiệm Vượt Qua. Ðể phù hợp với mục đích của chúng ta, tôi muốn trình bầy Mầu Nhiệm Vượt Qua như là một ước muốn của Thiên Chúa, phát xuất từ tình yêu tinh ròng, để trao ban cho thế gian sự sống dồi dào. Món quà sự sống này được dâng hiến qua Ðấng chịu đóng đinh và đã Phục Sinh. Sự sống được yêu mến trao ban nhưng không trong cái chết của Ngài đã làm nẩy sinh cuộc sống mới dồi dào cho thế giới. Tôi cho rằng đây là một cái nhìn chấp nhận được về Mầu Nhiệm Vượt Qua. Chúng ta sẽ dùng cái nhìn này để suy tư về cuộc đối thoại trong gia đình Ki-tô.

Chúng ta cũng phải tìm hiểu về đối thoại. Các triết gia, tâm lý gia và các nhà linh hướng đã khảo sát thực chất của đối thoại. Trong hội nghị này, tôi định nghĩa đối thoại là một tương giao giữa các nội tâm, là cái sâu kín nhất có thể được trao đổi giữa hai hay nhiều người. Ðối thoại xẩy đến khi món quà của chính bản thể ta được trao ban và nhận lãnh một cách nhưng không. Tôi sẽ cố gắng minh họa làm thế nào trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, "bi kịch" của Thập Giá Ðức Giê-su và Phục Sinh của Ngài, chúng ta tìm thấy một hình thức đối thoại tối thượng.

 

Mầu Nhiệm Vượt Qua: Mầu Nhiệm Tối Thượng

Tôi xin đề cập đến vài khía cạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua, đặc biệt về ba điểm được diễn giải qua khía cạnh của đối thoại.

Thứ nhất, Mầu Nhiệm Vượt Qua nói về tình yêu đời đời của Ðức Giê-su dành cho Ðức Chúa Cha, một tình yêu đưa Ngài vào trong cuộc đối thoại liên lỉ với Cha và mang đậm nét sẵn sàng. Ðức Chúa Cha có một hoài bão cho thế gian. Ðó là hoài bão của Ðấng yêu mến. Nó là một kế hoạch mang sự sống và tình yêu đến cho mọi thụ tạo ngõ hầu mọi thụ tạo được nên một với Thiên Chúa và với nhau. Chúng ta có thể tưởng tượng hoài bão thần linh này như là tình yêu tuôn chảy ra từ con tim Thiên Chúa đến mọi tạo vật ở mọi ngóc ngách của thế gian, tới từng khoảng khắc của lịch sử, và tới từng thân phận con người. Vì tình yêu thế gian, Thiên Chúa "không buông tha Con Một nhưng ban Ngài cho hết thảy chúng ta" (Rm 8, 32).

Không phải Thiên Chúa ép buộc Con như kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu. Không phải như thế, Ðức Giê-su đã làm cho chính mình trở thành sẵn sàng đối với Abba để hoàn thành hoài bão này. Ngài nói rằng không ai lấy đi được mạng sống của Ngài nhưng Ngài tự nguyện dâng hiến nó đi một cách nhưng không (Ga 10, 18).

Ðây là sự vâng phục của Ðức Giê-su phát xuất từ con tim thực sự yêu mến Cha, do bởi lòng ngưỡng mộ Cha và kế hoạch của Cha. Vì thế, Ðức Giê-su làm cho chính mình được tự do vô điều kiện và sẵn sàng với sứ mạng Cha trao phó. Từ khi nhập thể cho tới lúc Phục Sinh, Ðức Giê-su đã hoàn toàn hiến mình cho yêu cầu, sự chỉ đạo, và thôi thúc của Chúa Thánh Thần cho sứ mạng, ngõ hầu Người Con có thể trở nên một với dòng chảy tình yêu mà Cha dành cho thế gian và nhân loại. Cuộc "đối thoại sẵn sàng này", sự hiến mình để hoàn thành ý của Cha được kiên trì nơi Ðức Giê-su ngay cả khi Ngài khó bề hiểu được ý nghĩa của sứ mạng của Ngài.

Chúng ta hãy nhớ lại cơn thống khổ của Ngài trong vườn Cây Dầu (Mc 14, 32 - 42). Ở đó ý nghĩa của sứ mạng của Ngài trở nên mờ mịt. Nó vượt xa khỏi tầm hiểu biết của Người. Người bị ném vào trong hoang mang, cô đơn và đơn độc. Thê thảm hơn, Người van nài các môn đệ ở lại với Ngài để trấn áp cõi lòng hoang mang của mình bằng sự hiện diện của họ. Ðó là lời mời đối thoại của Người dành cho họ, nhưng họ không đáp ứng. Tuy nhiên vào lúc đó khi tất cả ý nghĩa xem ra u tối, cái làm cho Ðức Giê-su tiếp tục đi tới chính là lựa chọn của Ngài quyết tâm hoàn thành hoài bão của Cha. Chỉ có tình yêu mới thúc bách Người kiên trì dù cho sứ mạng đã trở nên vô nghĩa và hão huyền.

Và trên Thập Giá, khi Ðức Chúa Cha có vẻ như đã bỏ rơi Người, Ðức Giê-su đã phó thác linh hồn của Người cho Cha (Lc 23, 46). Ngay cả giữa sự thinh lặng của Cha, Ðức Giê-su vẫn tiếp tục đối thoại với tất cả sự sẵn sàng hoàn toàn - tất cả cho tình yêu, tất cả cho sứ mạng. Ta có thể gọi đây là độc thoại không? Ðối với Ðức Giê-su, Thập Giá không phải là độc thoại nhưng là một cuộc đối thoại chờ đợi sự thành toàn. Ðối thoại không bao giờ bị cắt ngang ở nơi vẫn có tình yêu.

Thứ hai, Mầu Nhiệm Vượt Qua chiếu sáng tình yêu của Ðức Giê-su dành cho nhân loại, nó mang hình thức một cuộc đối thoại liên đới và xót thương dành cho các tội nhân lầm lạc. Một đàng, Mầu Nhiệm Vượt Qua nói về sự vâng phục yêu mến của Ðức Giê-su đối với Cha. Ðàng khác, nó cũng là món quà sự sống năng động của Ðức Giê-su dành cho nhân loại tội lỗi chúng ta. "Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ cho đến cùng" (Ga 13, 1).

Tình yêu dành cho chúng ta cũng dạt dào như sự vâng phục Cha của Ðức Giê-su đã thôi thúc Ngài chịu đau khổ và chịu chết trên Thập Giá. Tình yêu dành cho nhân loại này, một tình yêu chân thật, bao hàm một lựa chọn tự nguyện bởi Con Thiên Chúa, khước từ vinh quang và huy hoàng của Thần tính để chia sẻ thân phận hèn hạ của nhân loại (Pl 2, 5 - 11). Như thể trở nên con người thôi cũng chưa đủ, Con Thiên Chúa còn đi xa hơn bằng cách tự hạ chịu chết vốn là tột đỉnh của nỗi cô đơn của con người. Hơn nữa, như thể cho rằng hành vi khiêm hạ này còn chưa đủ, Con Thiên Chúa còn chọn một cái chết ô nhục trên thập giá.

Qua tất cả việc tự hạ, có một hàm ý rằng cái yếu đuối đó chính là một cách thức thiết lập nên một đối thoại liên đới với nhân loại. Người hoàn toàn tự hủy ra hư không để hoàn toàn hiến dâng chính mình cho các tội nhân. Qua cuộc đối thoại này, Ðức Giê-su đã hủy diệt mọi khoảng cách tách biệt phẩm giá và vận mệnh của Người với các tội nhân. Người tự nguyện đón chịu nỗi sợ hãi, cô độc và khó nghèo mà đầy tràn nơi nhân loại chúng ta bởi vì tội lỗi của chúng ta, nhưng Người không phạm tội. "Ðấng chẳng biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta" (2 Cr 5, 21).

Ðây là một khía cạnh khác của cuộc đối thoại liên đới, còn gọi là lòng thương xót. Qua liên đới, Ðấng không phạm tội trở nên người cùng chịu đau khổ với các tội nhân, những người phải chịu đau khổ vì phạm tội. Lòng thương xót xô đẩy Người đi vào cõi chết như một người cùng chung số phận phải chết như bạn hữu mình. Mầu Nhiệm Vượt Qua nói nên Ðức Giê-su đã yêu thương chúng ta biết bao qua việc tự nguyện ôm ấp lấy đau khổ mà chúng ta đáng phải chịu do phạm tội. Tội lỗi đã chắn đường không cho ta đối thoại với Ðức Giê-su. Nhưng Người theo đuổi cuộc đối thoại bằng cách đau khổ cái đau khổ của ta và chết cái chết của ta. Ðối với Người, Thập Giá không phải là một cuộc độc thoại nhưng là một cuộc đối thoại trong chờ đợi mà tràn đầy hi vọng. Ðối thoại không bao giờ bị cắt đứt nhờ có thương xót và liên đới.

Cuối cùng, Mầu Nhiệm Vượt Qua được hoàn tất trong cuộc Phục Sinh của Ðấng chịu đóng đinh. Chúa Cha đón nhận sự sống của Chúa Giê-su dâng hiến trên Thập Giá, hậu qủa là Cha thông ban sự sống đó cho nhân loại như là một sung mãn tột cùng của sự sống. Nơi cuộc Phục Sinh, Cha và Con đã đi vào một cuộc đối thoại mà hai bên cùng đón chịu lấy nhau, điều này dẫn tới một cuộc đối thoại chia sẻ sự sống với thế gian bằng cách tuôn tràn xuống Thần Khí của Ðức Giê-su. Cái chết của Ðức Giê-su không kết thúc trên Thập Giá nhưng là cuộc trở về với Cha để sống vô biên và vô cùng trong sự hiện diện và yêu thương của Cha. Vinh quang của Ðức Giê-su nghĩa là Cha đã chấp nhận sự sống mà con đã phú nộp bởi Con trên Thập Giá. Trong cuộc Phục Sinh, sau cùng Cha đã công bố cho thế gian "Ðây là Con của ta!"

Phục Sinh là, như đã là, một bối cảnh mà Cha long trọng tuyên bố cho thế gian Ðức Giê-su là Con Một của Cha. Phục Sinh là Cha ban cho Con Một danh xưng vượt trên mọi danh xưng, để cho khi nghe tên Giê-su mọi đầu gối phải qùy lạy (Pl 2, 9 - 10). Phục Sinh mạc khải ra khuôn mặt của Thiên Chúa như là Cha đấng luôn trung tín với con mình.

Cuộc đối thoại sẵn sàng của Con trên Thập Giá sau cùng đã nhận được một đáp trả từ Cha trong cuộc đối thoại chấp nhận. Cuộc đối thoại được lên đến tột đỉnh nơi Phục Sinh, là "tái hợp" giữa Cha và Con, không kết thúc khép kín giữa hai đấng nhưng lại tuôn tràn Thần Khí cho thế gian. Thần Khí đã dẫn đưa Ðức Giê-su từ nhập thể đến Thập Giá cũng chính là Thần Khí của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và thế gian.

Qua hành động và quyền năng của Thần Khí, nhiều người sẽ được dẫn dắt để đón nhận Ðức Giê-su, để đối thoại với Ðức Giê-su như các môn đệ ngày trước, và như thế được trở nên một với Cha. Thần Khí làm cho ta có thể đối thoại với Thiên Chúa và kêu lên "Abba" như Ðức Giê-su đã làm (Rm 8, 15). Cha ban cho chúng ta, qua Thần Khí, sự sống của Ðức Giê-su, Con của Cha. Và chúng ta được thay hình đổi dạng từ các tội nhận trở nên con cái. Với sự sống của Ðức Giê-su san sẻ cho chúng ta, chúng ta có thể hoàn tất cuộc đối thoại với Cha mà đã bị tội lỗi của ta làm cho đứt quãng. Thập Giá Ðức Giê-su kết thúc nơi cuộc đối thoại hai bên cùng đón chịu nhau giữa Cha và Con, đưa đến tột đỉnh là cuộc đối thoại vô tận trong Thần Khí giữa Thiên Chúa và nhân loại, một cuộc đối thoại của sự sống được chia sẻ.

 

Gia Ðình Ki-tô Và Mầu Nhiệm Vượt Qua

Cả ba góc cạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua như là một cuộc đối thoại có thể là nền tảng của gia đình Ki-tô.

Trước nhất, một gia đình Ki-tô phải mang dấu ấn của cuộc đối thoại sẵn sàng của Ðức Giê-su. Trong thời đại này, người ta có khuynh hướng chỉ quan tâm đến bản thân mình. Chao đảo giữa những bon chen, lo âu, thành công và lợi lộc, chúng ta dễ dàng hi sinh tinh thần đối thoại và sẵn sàng, ngay cả trong phạm vi gia đình. Chúng ta thấy sự phát triển một nền văn hóa toàn cầu đã mang lại rất nhiều loại hình giải trí, mua sắm và dịch vụ mà đã cướp mất đi những khoảnh khắc quý báu mà gia đình có thể tương tác và hiện diện bên nhau. Ðộc thoại đã trở thành một cách sống.

Các gia đình Ki-tô và xã hội nói chung có thể hưởng lợi rất nhiều bằng cách tái học hỏi từ sự sẵn sàng tuyệt đối của Ðức Giê-su đối với Thiên Chúa và sứ mạng. Chúng ta muốn thấy các người cha, người mẹ, con cái và ngay cả các anh chị em họ hàng có mặt bên nhau lúc thịnh vượng cũng như khó khăn. Chúng ta khao khát thấy các thành viên gia đình luôn sẵn sàng phục vụ nhau vì lợi ích chung mà không quản ngại hi sinh. Chúng ta muốn thấy các gia đình hân hoan thể hiện ý Chúa trong thế gian. Chúng ta hãy tái khám phá sự sẵn sàng của Ðức Giê-su trên Thập Giá.

Thứ nhì, một gia đình Ki-tô phải mang dấu ấn của cuộc đối thoại liên đới và thương xót của Ðức Giê-su được tỏ bầy trên Thập Giá. Thế giới này có quá nhiều đau khổ đến nỗi chúng ta chỉ muốn ngoảnh mặt đi. Ðang khi chúng ta hô hào: "Hãy toàn cầu hóa! Hãy liên đới! Hãy cảm thông!" chúng ta lại thấy toàn phân cực, bất khoan dung và chia rẽ chung quanh ta, ngay cả trong phạm vi gia đình. Có rất nhiều hiểu lầm bởi vì chúng ta không thể thông cảm với nhau và cho nhau.

Trong một gia đình, từng người nên đóng vai trò hình thành một cộng đồng thương cảm nhau, chịu lấy các khiếm khuyết và nỗi đau của nhau vì tất cả đều yếu đuối và đau khổ. Không có niềm vui hay nỗi buồn của người nào mà lại trở nên vô can với người khác. Từng người phải nói được rằng: "Lo âu của bạn cũng là của tôi. Ðau đớn của bạn là của tôi. Và thành công của bạn cũng là của tôi."

Khi sự liên đới và thương cảm trở nên mờ nhạt, gia đình không còn đối thoại và đang đứng trên bờ vực tan vỡ. Các gia đình Ki-tô hãy tái khẳng định sự liên đới và lòng thương xót của Ðức Giê-su trên Thập Giá.

Và sau cùng, một gia đình Ki-tô phải mang dấu ấn của cuộc đối thoại cùng đón chịu và chia sẻ như được mạc khải ra qua Phục Sinh. Trong một thế giới cạnh tranh, ca tụng và khẳng định trở thành tai họa. Chia sẻ được hiểu một cách tầm thường là tặng quà cho nhau, vì đó là một hình thức chia sẻ an toàn nhất. Các gia đình còn trở nên nghèo nàn và mong manh hơn vì thiếu sự đồng trân trọng và chia sẻ cuộc sống với nhau. Một gia đình Ki-tô thực sự nuôi dưỡng sự sống nơi từng người qua việc khẳng định mỗi người đều là một món quà của Chúa dành cho nhau. Nhưng sự đồng trân trọng nhau này phải thúc bách họ chia sẻ sự sống của họ như món quà của Thiên Chúa dành cho sự sống của thế gian.

Ðây chính là khía cạnh được sai đi hay là loan báo Tin Mừng của Mầu Nhiệm Vượt Qua và mỗi gia đình phải sống nó. Chia sẻ sự sống bên trong gia đình phải sinh ra hoa trái trong việc chia sẻ cùng một sự sống đó cho người nghèo, người đau khổ, người sống bên lề, những người được Ðức Giê-su ưu ái. Một gia đình Ki-tô phải có tầm nhìn vượt qua nhu cầu của mình, thấy được nhu cầu của xã hội và thế giới. Không phải là khoe khoang khi tỏa lan ra bên ngoài sự sống mà ta đã khám phá, để cho người khác có thể nhìn thấy. Các gia đình Ki-tô hãy tái lập sự cùng đón nhận nhau và chia sẻ sự sống của một dân tộc Phục Sinh.

Sẵn sàng, liên đới và thương xót, cùng đón nhận nhau và chia sẻ - ba dấu hiệu của Thập Giá và sự sống Phục Sinh của Ðức Giê-su. Mỗi người môn đệ sống nhờ chúng, và mỗi gia đình Ki-tô cũng vậy. Chúng ta cầu xin cho việc tham gia vào cuộc đối thoại sẵn sàng, đối thoại liên đới và thương xót, đối thoại cùng đón nhận nhau và chia sẻ, gia đình Ki-tô có thể, giống như Ðức Giê-su, là một món quà chân thật của sự sống và tình yêu dành cho thế giới trong thiên niên kỷ thứ ba.

 

Ðức Cha LUIS ANTONIO G. TAGLE, Giám Mục Imus, Philippines

Hoàng Thiên Ân dịch

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 99, năm2003)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page