Suy Nghĩ Và Học Hỏi Về Gia Ðình - Ðề Tài III
Gia Ðình Ki-tô Hữu
Là Trung Tâm Của Phúc Âm Hóa
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
I. Nhập Ðề:
"Gia Ðình Ki-tô hữu là trung tâm của Phúc Âm hóa" là đề tài thứ ba trong loạt 12 đề tài mà Hội Ðồng Giáo Hoàng về Gia Ðình đề nghị cho chúng ta suy tư và trao đổi về Gia Ðình. Có thể nói chủ đề này tiếp nối đề tài thứ nhất: "Gia Ðình Ki-tô hữu tiếp nhận và loan báo Tin Mừng" mà chúng ta đã học hỏi, suy nghĩ, chia sẻ, cầu ngyện và thực hành.
Vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau lần lượt tìm hiểu 3 vấn đề: Thế nào là "Phúc Âm hóa"? Tại sao lại khẳng định "Gia Ðình Ki-tô hữu là trung tâm của Phúc Âm hóa"? Ðể trở thành trung tâm của Phúc Âm hóa, Gia Ðình Ki-tô hữu phải thực hiện những gì?
II. Trình Bày:
1. Thế nào là "Phúc Âm hóa"?
Trong ngôn ngữ Việt Nam có ba từ đồng nghĩa mà trong ngôn ngữ Tây Phương chỉ là một chữ: "Evangélisation": "Phúc Âm hóa", "Rao Giảng Phúc Âm", "Loan Báo Tin Mừng". Cũng đồng nghĩa với từ "Truyền giáo". Vậy, một cách đơn giản chúng ta có thể hiểu "Phúc Âm hóa" là làm cho con người và cơ chế (của Giáo Hội cũng như xã hội) thấm nhuần tinh thần Phúc Âm.
Chúng ta biết rằng mục đích của Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người, chịu chết trên thập giá và phục sinh là để cứu chuộc nhân loại bằng cách giải hòa con người với Thiên Chúa và đem ơn tha thứ của Thiên Chúa đến cho con người. Nhưng kế hoạch cứu độ ấy còn bao hàm việc làm cho cả thế giới và vũ trụ này trở nên Vương quốc của Thiên Chúa là Vương Quốc của Công Lý và Tình Thương. Như thế Phúc Âm hóa có nghĩa là biến đổi xã hội và thay đổi con người, chứ không chỉ giới hạn trong việc làm cho người ta gia nhập đạo như nhiều người Giáo Dân Việt Nam thường lầm tưởng.
2. Tại sao lại khẳng định "Gia Ðình Ki-tô hữu là trung tâm của Phúc Âm hóa"?
Trong Tông Huấn "Ðời Sống Gia Ðình" Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô 2 xác định:
"Gia Ðình Ki-tô hữu được mời gọi góp phần tích cực và có trách nhiệm vào sứ mạng của Giáo Hội với một tư thế riêng biệt và độc đáo, bằng cách tự đặt mình phục vụ Giáo Hội và xã hội cả trong yếu tính lẫn trong hành động của mình, với tư cách là một cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu" (số 50)
Khẳng định "Gia Ðình là trung tâm của Phúc Âm hóa", có nghĩa là Gia Ðình nhận sứ mạng Phúc Âm hóa từ kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa về Gia Ðình, như Tông Huấn về "Ðời Sống Gia Ðình" khẳng định: "Bởi vì "Ðấng Tạo Hóa đã đặt Gia Ðình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người: nên Gia Ðình trở thành "tế bào dầu tiên và sống động của xã hội" (Sắc Lệnh Tông Ðồ Giáo Dân, 11; ÐSGÐ, 42)
Các tương quan giữa những phần tử trong cộng đồng Gia Ðình được phát triển dưới dự thúc đẩy và hướng dẫn của luật "cho không" bằng cách kính trọng và vun trồng nơi mọi người cũng như nơi mỗi người, ý thức về phẩm giá con người như nguồn giá trị duy nhất, cụ thể hóa trong sự đón tiếp nồng nhiệt, gặp gỡ và đối thoại, quảng đại sẵn sàng phục vụ vô vị lợi và tương trợ sâu xa...
"Như vậy, phát huy sự hiệp thông đích thực giữa những ngôi vị có trách nhiệm trong Gia Ðình trở thành việc thực tập căn bản và không thề thay thế được cho đời sống xã hội, một gương mẫu và là một khích lệ cho các tương quan cộng đồng mở rộng, được đánh dầu bằng các đức tính: kính trọng, công bằng, ý thức đối thoại, tình yêu... Bằng cách ấy Gia Ðình làm nên cái nôi và phương tiện hữu hiệu nhất để nhân bản hóa và ngôi vị hóa xã hội: chính Gia Ðình hoạt động cách độc đáo và sâu xa cho công cuộc kiến tạo thế giới, giúp đem lại một đời sống thực sự nhân đạo, cách riêng là bảo tồn và truyền đạt các nhân đức và các "giá trị" (số 43).
Khẳng định "Gia Ðình là trung tâm của Phúc Âm hóa" còn có nghĩa là công cuộc Phúc Âm hóa phải bắt đầu từ Gia Ðình vì "cha mẹ chính là những nhà giáo đầu tiên; sách giáo khoa đầu tiên chính là những quan hệ trong Gia Ðình, giữa cha mẹ với nhau, giữa cha mẹ với con cái, giữa Gia Ðình này với Gia Ðình khác" và "những bài học đầu tiên về cầu nguyện, về mến Chúa yêu người đều được học và được dạy trong Gia Ðình" (xem Thư Chung Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam năm 1998, trích dẫn Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, số 7)
3. Ðể trở thành trung tâm của Phúc Âm hóa, các Gia Ðình Ki-tô hữu phải thực hiện những gì?
Ðể trở thành "trung tâm của Phúc Âm hóa", điều đầu tiên Gia Ðình Ki-tô hữu phải có là ý thức mạnh mẽ và sâu sắc về vai trò và trách nhiệm Phúc Âm hóa của mình. Vai trò và trách nhiệm ấy, một đàng do chính Thiên Chúa đã trao cho Gia Ðình khi đặt Gia Ðình là nguồn gốc và nền tảng của xã hội, đàng khác được Giáo Hội cậy nhờ vì không có Gia Ðình, Giáo Hội không thể thâm nhập vào môi trường đặc biệt này và biến nó thành tác nhân của công cuộc Phúc Âm hóa. Mỗi thành viên và cả Gia Ðình phải tạo ý thức cho mình và cho nhau bằng việc lắng nghe Lời Chúa, học hỏi Giáo Lý và quan tâm đến nhu cầu của những người chung quanh, nhất là của người nghèo.
Tiếp đến Gia Ðình Ki-tô hữu hải mỗi ngày một đón nhận Tin Mừng sâu sắc hơn và trưởng thành hơn trong đời sống Ðức Tin, để được Phúc Âm hóa và có sức Phúc Âm hóa người khác nhiều hơn, như Ðức Thánh Cha Phao-lô 6 và Gio-an Phao-lô 2 nhấn mạnh:
"Tùy mức độ Gia Ðình Ki-tô hữu đón nhận Tin Mừng và trưởng thành trong Ðức Tin mà nó trở thành một cộng đồng Phúc Âm hóa. Chúng ta hãy nghe lại lời của Ðức Phao-lô 6: "...Cũng như Giáo Hội, Gia Ðình có nghĩa vụ tạo môi trường cho Tin Mừng được truyền đạt tới và từ đó Tin Mừng được lan tỏa ra. Vậy trong một Gia Ðình ý thức về sứ mạng này, mọi phần tử Gia Ðình đều Phúc Âm hóa và dều được Tin Mừng hóa. Cha mẹ chẳng những truyền thụ Tin Mừng cho con cái mà còn có thể nhận lại chính Tin Mừng ấy đã được sống sâu sắc từ phía con cái. Và một Gia Ðình như thế sẽ có sức Tin Mừng hóa nhiều Gia Ðình khác và cả môi trường chung quanh" (Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, 71; ÐSGÐ, 52).
Ðể mỗi thành viên trong Gia Ðình Ki-tô hữu ý thức sâu sắc về vai trò và trách nhiệm loan báo Tin Mừng của Gia Ðình cũng như để Gia Ðình đón nhận Tin Mừng ngày một sâu sắc hơn và trưởng thành hơn trong đời sống Ðức Tin, Gia Ðình không thể không sử dụng các phương thế truyền thống của Giáo Hội trong lãnh vực tâm linh để gặp gỡ Thiên Chúa và trở nên thánh thiện. Ðó là: cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa, tĩnh tâm, học hỏi, rèn luyện các nhân đức Ki-tô giáo (khiêm nhường, từ bỏ, hy sinh, yêu thương, phục vụ tha nhân vì Chúa), kiểm điểm đời sống, tham gia sinh hoạt các nhóm Chia Sẻ Lời Chúa, cầu nguyện hay các hội đoàn nhất là các hiệp hội Gia Ðình. Sử dụng các phương thế này, Gia Ðình sẽ như được tiếp thêm dầu, xăng, sức mạnh để đón nhận Tin Mừng sâu sắc hơn và sống Ðức Tin trưởng thành hơn.
Còn phải nhấn mạnh đến bổn phận của cha mẹ Ki-tô hữu trong việc giáo dục Ðức Tin cho con cái: "Các cha mẹ Ki-tô hữu có bổn phận đặc biệt phải giáo dục cho con cái họ biết cầu nguyện, phải đưa chúng tới chỗ dần dần khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa và đối thoại cá nhân với Ngài...; trẻ em phải được dạy dỗ để nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân, theo như Ðức Tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội" (Tuyên ngôn về giáo dục Ki-tô giáo, 3; ÐSGÐ, 60).
III. Kết Luận:
Nếu mỗi Gia Ðình Ki-tô hữu trở thành một trung tâm Phúc Âm hóa thì trước hết những người trong Gia Ðình và toàn Gia Ðình sẽ được Phúc Âm hóa và sau đó mỗi người và cả Gia Ðình sẽ là thừa tác viên của công cuộc Phúc Âm hóa. Trong viễn tượng tốt lành ấy, công cuộc Phúc Âm hóa chắc chắn sẽ có kết quả nhanh chóng và sâu rộng hơn nhiều. Chúng ta hãy nỗ lực và cầu nguyện để Gia Ðình mình và các Gia Ðình thân nhân bạn bè trở thành các trung tâm của Phúc Âm hóa.
IV. Chia Sẻ:
1. Hãy chia sẻ với nhau việc giáo dục Ðức Tin cho con cái trong Gia Ðình: ông bà anh chị dùng những phương thế nào? kết quả ra sao? rút được kinh nghiệm gì?
2. Hãy chia sẻ với nhau việc cả Gia Ðình thực hiện nhiệm vụ Phúc Âm hóa: trong Gia Ðình, trong khu xóm, trong Giáo Xứ, trong xã hội: ông bà anh chị dùng những phương thế nào? kết quả ra sao? rút được kinh nghiệm gì?
V. Thực Hành:
Mỗi ngày, mỗi tuần Gia Ðình tôi thực hiện một công việc (xác định một việc làm cụ thể, ví dụ: đọc và suy niệm Lời Chúa 15 phút, học hay dạy Giáo Lý, thăm người nghèo, giúp đỡ người túng thiếu v.v...) để chu toàn trách nhiệm Phúc Âm hóa của Gia Ðình tôi trong môi trường Gia Ðình tôi đang sống.
Gs. Nguyễn Văn Nội
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 97, năm 2003)
Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page