Suy Nghĩ Và Học Hỏi Về Gia Ðình - Ðề Tài II

Gia Ðình Ki-tô Hữu Là Chứng Nhân

Của Giao Ước Vượt Qua

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

I. Nhập Ðề:

Trong lần sinh hoạt đầu tiên về gia đình, chúng ta đã cùng nhau học hỏi, suy nghĩ, chia sẻ về đề tài "Gia đình Ki-tô hữu tiếp nhận và loan báo Tin Mừng". Ðề tài thứ hai trong loạt 12 đề tài do Hội Ðồng Giáo Hoàng về Gia Ðình đề nghị là "Gia đình Ki-tô hữu là chứng nhân của Giao ước Vượt qua".

Vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu 3 vấn đề:

- Thế nào là "Giao Ước Vượt Qua"?

- Tại sao lại khẳng định "Gia đình Ki-tô hữu là chứng nhân của Giao Ước Vượt Qua"?

- Ðể trở thành chứng nhân của Giao Ước Vượt Qua, gia đình Ki-tô hữu phải sống như thế nào?

 

II. Trình Bày:

1. Thế nào là "Giao Ước Vượt Qua"?

Muốn hiểu thế nào là Giao Ước Vượt Qua, thiết tưởng chúng ta phải nhắc lại Giao Ước Xi-nai (Xh 24, 1 - 18) mà Thiên Chúa Gia-vê đã ký kết với dân Ít-ra-en. Theo tinh thần của Giao Ước này thì Thiên Chúa là Chúa của dân và dân Ít-ra-en là "dân riêng" của Chúa. Chúa là Chúa của dân thì Chúa bảo vệ, che chở dân khỏi mọi kẻ thù và yêu thương chăm sóc dân. Là dân riêng của Chúa thì Ít-ra-en không được tôn thờ một chúa nào khác mà chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi và phải tuân giữ các mệnh lệnh của Chúa là 10 giới răn. Dân mà bất trung với lời cam kết ấy thì bị coi là phản bội, là ngoại tình. Giao Ước thời Cựu Ước được ký kết bằng việc sát tế một con bò làm lễ dâng lên Thiên Chúa và máu con bò ấy được rẩy trên bàn thờ và trên toàn dân.

Thế nhưng Giao Ước ấy chỉ là hình bóng của Giao Ước mới mà chúng ta gọi là Giao Ước Vượt Qua. Giao Ước Vượt Qua được Thiên Chúa ký kết không phải chỉ với một dân tộc theo huyết nhục mà với toàn thể nhân loại là dân tộc mới. Giao Ước mới được ký kết trong hy tế đẫm máu trên thập giá của Ðức Giê-su, Con Một Thiên Chúa nhập thể làm người. Trong Giao Ước Vượt Qua, Ðức Giê-su đã tự nguyện chấp nhận cuộc Thương Khó và cái chết trên thập giá để phục sinh vinh quang đem ơn cứu độ và sự giải thoát cho toàn thể nhân loại. Ðộng cơ khiến Ðức Giê-su thực hiện việc đó là lòng hiếu thảo vâng phục đối với Chúa Cha và tình yêu thương đối với mọi người là anh em của Chúa trong gia đình nhân loại.

2. Tại sao lại khẳng địnhø "Gia đình Ki-tô hữu là chứng nhân của Giao Ước Vượt Qua"?

Khi nói về tình yêu mà người chồng Ki-tô hữu phải có đối với vợ mình, Thánh Phao-lô đã lấy Tình yêu của Ðức Ki-tô đối với Hội Thánh để soi giọi và so sánh:

"Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Ðức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và bằng lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Ðức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Ðức Ki-tô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng" (1 Cr 5, 25 - 33):

Trong đoạn văn trên, Thánh Phao-lô đã khẳng định tính chất độc đáo và đặc thù của hôn nhân Ki-tô giáo: tình yêu vợ chồng Ki-tô hữu phải là phản ảnh của Tình yêu có một không hai của Ðức Ki-tô dành cho Hội Thánh là Hôn Thê, là Thân Thể Mầu Nhiệm của Người. Ðể thể hiện Tình yêu đó, Ðức Ki-tô đã trải qua con đường Thương Khó và Phục Sinh, nghĩa là Chúa đã chấp nhận bỏ mình, hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu, làm tất cả cho hạnh phúc của người mình yêu, như Thánh Phao-lô đã đúc kết trong thư gửi tín hữu Phí-líp-phê:

"Ðức Giê-su Ki-tô,

vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự" (Pl 2, 6 - 8).

3. Ðể làm chứng nhân của Giao Ước Vượt Qua, các gia đình Ki-tô hữu phải sống như thế nào?

Ðức Giê-su đã khẳng định: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15, 13).

Ðó là chuẩn mực mà mọi Ki-tô hữu phải theo. Cách riêng vợ chồng Ki-tô hữu phải lấy câu nói đó làm châm ngôn cho đời sống hôn nhân gia đình của mình. Vì trong đời sống gia đình, từ miếng ăn, miếng uống cho đến các nhu cầu cao hơn, vợ chồng đều có thể thể hiện lòng yêu thương của mình đối với người bạn đời.

Và trong đời sống gia đình, nếu chỉ dựa vào những lý lẽ tự nhiên, rất nhiều khi họ không thể vượt qua được những khó khăn thử thách do tính tình, sở thích và tập quán khác nhau, do sức ép của cuộc sống cơm-áo-gạo-tiền đè nặng trên vai và trên trái tim của mỗi người. Cần phải có một yếu tố vượt các giới hạn tự nhiên vợ chồng mới có thể yêu thương và chung thủy với nhau trọn đời, như lời họ cam kết trong Thánh Lễ Cưới. Cụ thể, vợ chồng thể hiện sự quan tâm đối với nhau và giúp đỡ lẫn nhau để ai nấy được phát triển trong mọi lãnh vực:

- đời sống sinh-thể-lý: khỏe mạnh, kiên cường, triển nở.

- đời sống tâm lý: trưởng thành, ổn định, quân bình, hài hòa.

- đời sống văn hóa: biết và có điều kiện thụ hưởng những nét đẹp văn hóa.

- đời sống xã hội: có tương quan tốt đẹp hài hòa yêu thương với mọi người.

- đời sống chính trị: có tự do, trách nhiệm của một công dân.

- đời sống tinh thần: có điều kiện thụ hưởng một đời sống tinh thần mỗi ngày mỗi cao hơn qua sách báo, phim ảnh, truyền hình, giao lưu, gặp gỡ...

- đời sống tâm linh: có điều kiện trau dồi đời sống tâm linh sâu sắc bằng những phương thế thích hợp: đọc kinh, cầu nguyện, đọc sách đạo, suy niệm Lời Chúa, Tĩnh Tâm, học hỏi về Giáo Lý, Thánh Kinh...

 

III. Kết Luận:

Ðể yêu Hội Thánh và nhân loại và để đem hạnh phúc thật cho Hội Thánh và con người, Ðức Ki-tô đã chấp nhận "hủy mình ra không" qua con đường Thương Khó và Phục Sinh. Vợ chồng Ki-tô hữu cũng chỉ có thể chứng minh tình yêu chân thực và siêu nhiên của mình bằng những hy sinh từ bỏ cụ thể vì người mình yêu. Một người chồng, một người vợ càng hy sinh từ bỏ vì và cho người bạn đời của mình, thì người ấy càng trở thành chứng nhân của Giao Ước Vượt Qua, của hiến tế Thập Giá của Chúa Giê-su Ki-tô.

 

IV. Chia Sẻ:

1. Trong cuộc sống đời thường của gia đình, ông bà anh chị đã hy sinh cho vợ, chồng, con cái mình như thế nào?

2. Làm thế nào để ông bà anh chị dẹp được lòng ích kỷ, tính tự ái và sự ươn lười của mình mà hy sinh cho vợ, chồng và con cái mình?

 

V. Thực Hành:

Trong giờ kinh kết thúc một ngày sống của gia đình, ông bà anh chị hãy tự hỏi: "Ngày hôm nay, tôi đã làm hết sức mình cho vợ, chồng và con cái tôi được sung sướng hạnh phúc ấm no chưa? Tôi đã thiếu sót những gì? Ngày mai tôi phải làm gì hơn để bù đắp lại sự thiếu sót của ngày hôm nay?"

 

Gs. Nguyễn Văn Nội

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 96, năm 2003)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page