Gia Ðình
Chiếc Nôi Văn Hóa Ðức Tin
Phần III: Ðể Có Những Gia Ðình
Ðậm Nét Văn Hóa Ðức Tin
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Ðứng trước những thách đố Ðức Tin trong xã hội hiện nay, thiết nghĩ đây là một thời điểm mà các gia đình Công Giáo Việt Nam cần nhiều khôn ngoan, hiểu biết để biện phân và chọn lựa thái độ sống nói lên căn tính hôn nhân Ki-tô Giáo: một cộng đồng của sự sống và tình yêu. Vì thế, hơn lúc nào hết, họ phải làm chứng cho xã hội nhận ra rằng: gia đình họ chính là chiếc nôi của tình yêu và sự sống, nhờ đó, họ được hưởng niềm vui, bình an và hạnh phúc đích thực. Khi đó, Ðức Tin của gia đình đã trở thành Văn Hóa Tin Mừng giúp con người và xã hội được nhân bản hóa. Hiện nay con số những gia đình chứng nhân này tuy còn rất khiêm tốn nhưng họ đang nỗ lực hoạt động rất mạnh mẽ để nhân lên những điểm sáng giữa trời đêm, để thắp lên niềm hy vọng về sự sống và tình yêu viên mãn mà con người thời đại hôm nay đang khao khát.
Thực ra, tự bản chất, hôn nhân gia đình Ki-tô Giáo luôn thể hiện văn hóa Ðức Tin, một Ðức Tin được bộc lộ qua thái độ yêu thương, tôn trọng sự sống và trung thành với nhau suốt đời. Chính trong gia đình con người được ngụp lặn trong không khí sự sống và tình yêu, mỗi người chân thành hy sinh cho nhau hơn là chỉ nhận những rung cảm của con tim.
Sự sống và tình yêu đã trở thành xương thịt của con người và hầu như không thể mất đi được, nó chỉ bị lu mờ do tác động của những biến chuyển của nền văn hóa vật chất, hưởng thụ ích kỷ. Do đó, nếu có sự tương quan hợp tác giữa gia đình, Giáo Hội và xã hội, các gia đình Công Giáo có thể gìn giữ được vẻ đẹp Ðức Tin của mình và sẽ lan toả Ánh Sáng Ðức Tin ra môi trường chung quanh như một Tin Mừng Hy Vọng.
Vì thế, để có những gia đình đậm nét Văn Hóa và Ðức Tin, trong phần này chúng tôi xin nhìn lại tầm quan trọng của giáo dục trong gia đình và Chương Trình Mục Vụ tại các Giáo Xứ, Giáo Phận - những "Gia Ðình Ðức Tin" có một ảnh hưởng rất cụ thể và cần thiết cho đời sống Ðức Tin của các Ki-tô hữu trong lãnh vực hôn nhân gia đình.
I. Tầm Quan Trọng Của Việc Giáo Dục Văn Hóa Và Ðức Tin Trong Gia Ðình:
A. Hướng Dẫn Của Giáo Hội:
- Công Ðồng Vatican 2 trong Tuyên ngôn về Giáo Dục Ki-tô Giáo đã viết như sau: "Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng phải giáo dục chúng, và vì thế, họ phải được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu xót sẽ khó lòng bổ khuyết được."
- Từ nguồn mạch của Công Ðồng, Hội Ðồng Giáo Hoàng về Gia Ðình tiếp tục hướng dẫn: "Sứ mạng giáo dục đòi hỏi cha mẹ Ki-tô hữu giới thiệu cho con cái tất cả những gì cần thiết cho nhân cách, từng bước trưởng thành theo quan điểm Ki-tô Giáo và Hội Thánh. Sứ mạng giáo dục của gia đình, nơi mà Tin Mừng được rao truyền và tỏa chiếu, sẽ đạt tới chỗ chính đời sống gia đình trở thành con đường dẫn tới niềm tin, và một cách nào đó, đóng vai trò dẫn vào đời sống Ki-tô hữu và là trường huấn luyện làm môn đệ Chúa Ki-tô.
Trong gia đình, tất cả mọi thành viên đều là người loan báo Tin Mừng và được loan báo Tin Mừng... Một trong những lãnh vực không ai có thể thay thế gia đình chắc chắn đó là việc giáo dục Ðức Tin. Công việc này giúp cho gia đình phát triển như là "Giáo Hội tại gia". Việc giáo dục Ðức Tin và dạy Giáo Lý cho con cái đặt gia đình trong Giáo Hội như một phần tử tích cực loan báo Tin mừng và làm tông đồ đích thật (Huấn Thị Con Cái Là Mùa Xuân Của Gia Ðình và Xã Hội, của Hội Ðồng Giáo Hoàng về Gia Ðình, 1998)
B. Truyền Thống Giáo Dục Văn Hóa Ðức Tin Trong Gia Ðình Việt Nam:
- Ðối với truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam, giáo dục gia đình còn gọi là "gia giáo" có vị trí quan trọng nhất trong gia đình. Ðó là công việc "dạy người nên người". Công việc này khởi đầu ngay từ khi con người được thành hình trong lòng mẹ gọi là "thai giáo". Ðây cũng là một lý do mà người Ðông phương chúng ta tính tuổi đời người trội hơn người Tây phương một năm. Cha ông ta rất trọng gia giáo và quan niệm rằng: Nước có muôn nhà, nhưng mỗi nhà có một nền giáo dục riêng. Nước có một mục đích giáo dục chung nhưng không thừa nhận một khuôn mẫu chung, vì thế mỗi gia đình phải xây dựng gia giáo cho riêng mình, đặc biệt là lễ giáo, đạo hiếu.
- Trong đời sống hằng ngày, cha mẹ chính là thầy cô giáo đầu tiên và cũng là người mẫu đời thường của con. Vì thế, trong việc giáo dục Ðức Tin, giáo dục giới tính, giáo dục lòng hiếu thảo trong gia đình đều thông qua gương sống của cha mẹ. Tất cả tâm tình, thái độ, lời nói, việc làm tích cực hay tiêu cực của cha mẹ đều ảnh hưởng đến con ngay từ khi còn ở trong thai cho đến khi con chào đời và qua từng chặng đường lứa tuổi của con, tạo nên nếp nghĩ, nếp cảm, nếp sống, nếp nhà, hình thành nên gia đạo, gia cương, lễ nghĩa gia phong của từng gia đình.
- Nếu con cái được lớn lên trong bầu khí Ðức Tin sống động của gia đình: thường xuyên nghe những lời cầu nguyện của cha mẹ, được cha mẹ dậy cầu nguyện, được nhắc nhở về những ơn lành và sự hiện diện của Chúa, được động viên học hỏi Giáo Lý, tham dự Thánh Lễ, sinh hoạt Hội Ðoàn, được chứng kiến đời sống Ðức Tin cụ thể của cha mẹ qua những chọn lựa sống yêu thương và hy sinh cho nhau mỗi ngày, con cái sẽ nhập tâm lối sống Ðức Tin đó vào cuộc sống của riêng nó trong xã hội.
Nhiều người trưởng thành hiện nay rất xúc động khi nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu của mình được mẹ dạy cúi đầu trước Bàn Thờ, bắt tay dạy làm Dấu Thánh Giá: "Khi con đặt tay trên trán, con hãy nghĩ đến Trời là Cha dựng nên con, khi con đặt tay trên ngực là chỗ trái tim con hãy dục lòng mến Chúa Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người, khi con đặt tay bên trái và bên phải, con nghĩ đến Chúa Thánh Thần xin Ngài ban sức mạnh phù hộ con. Khi đọc Amen, con xếp tay hình Thánh Giá và hôn lấy Ơn cứu độ của con."
Lòng đạo đức bình dân đã tạo nên bầu khí Ðức Tin bao trùm cả một ngày sống của gia đình: đọc kinh sáng "dâng mình cho Chúa", đọc kinh tối "xin ơn chết lành", rồi khi hắt hơi mẹ ân cần xoa và cầu: "Ðức Bà chữa con", khi gặp đau khổ mẹ khuyên "bằng lòng chịu khó cho nên", ngay cả khi chơi thì cũng được răn dạy: "Thiên đàng hỏa ngục hai bên,..." Nhờ đó, đời sống của họ hiện nay không bị ảnh hưởng cơn lốc vật chất, trái lại, họ rất nhiệt thành làm chứng Ðức Tin cho những người chung quanh.
C. Những Khó Khăn Trong Giáo Dục Gia Ðình Việt Nam Hiện Nay:
- Trong nền văn hóa công nghiệp khi tất cả mọi thành viên trong gia đình đều phải chạy đua với học hành, nghề nghiệp để khẳng định bản thân và ổn định kinh tế, không còn thời giờ dành cho nhau, nên vấn đề giáo dục gia đình đang gặp rất nhiều khó khăn và bế tắc. Mỗi thành viên trong gia đình tự hội nhập và bị lệ thuộc vào những nguồn văn hóa đa dạng trong môi trường sống của mình: học đường, văn hóa phẩm, ti-vi, phim ảnh, internet... Bên cạnh những nguồn văn hóa lành mạnh, cũng có những văn hóa hưởng thụ, văn hoá "tình yêu tự do" hay "tự do tính dục"... Vì thế, nếu cha mẹ không có những chọn lựa ưu tiên cho vấn đề giáo dục con cái thì cái giá phải trả sẽ như thế nào?
- Ðặc biệt là vấn đề giáo dục giới tính, trong khi con cái mình đang tiếp cận với nhiều hình thức "giáo dục sức khỏe sinh sản", "giáo dục ngừa thai an toàn", cha mẹ sẽ dạy con cái như thế nào để chúng không cho rằng "phương pháp tiết dục" hay "Ðức Khiết Tịnh Hôn Nhân" của Giáo Hội thật "lạc điệu" với văn hóa quần chúng? Cha mẹ có ý thức đảm nhận bổn phận giáo dục giới tính và giúp con cái nhận từ chính mình những nguyên tắc cơ bản và những khuôn mẫu sống thích hợp thông qua những tương quan tin tưởng và chân thật không? Cha mẹ có linh động, tế nhị và khôn ngoan để giải thích cho con từng bước hiểu về tâm sinh lý của chúng để chúng không phải tự khám phá nơi những văn hóa phẩm sex?
Ðồng thời cha mẹ có giúp cho con cái biết phân định những hình thức giáo dục giới tính không thích hợp với sự hướng dẫn của Giáo Hội không? Nếu chính cha mẹ cũng đang hòa nhập vào lối sống "tự nô lệ hóa" của nền "văn hóa ngừa thai" ấy thì còn có thể giáo dục Ðức Tin cho con cái được không?
- Một số không ít bạn trẻ do không được giáo dục tối thiểu về nền Văn Hóa Ðức Tin tôn trọng tình yêu và sự sống nên đã gặp nhiều khó khăn để nhận diện và chọn lựa một tình yêu chân chính, xây dựng một gia đình yêu thương, tôn trọng và trung thành với nhau suốt đời. Vấn đề là mỗi ngày một nhiều hơn những gia đình không tự chu toàn được bổn phận giáo dục "đạo đức tính dục Công Giáo". Cuộc sống của họ bị tác động của nền văn hóa xã hội hơn được ảnh hưởng những lời giáo huấn của Giáo Hội.
Vậy ai sẽ là người hỗ trợ cho các gia đình nếu không phải là những "Gia Ðình Ðức Tin" đã ý thức được sứ mạng loan báo Tin Mừng Sự Sống và Tình Yêu của mình?
2. Sự Hỗ Trợ Của Gia Ðình Giáo Xứ Và Giáo Phận:
A. Hợp Tác Xây Dựng Một Nền Nhân Bản Ðích Thực Về Gia Ðình:
Theo Linh Mục Giáo Sử Học Ðỗ Quang Chính: "Nếu văn hóa Tin Mừng chưa thấm nhập vào văn hóa gia đình Việt Nam, thì phải chăng Tin Mừng mới tiếp nhận ở cái vỏ hay cái ngọn, chứ chưa chui vào trong, chưa tiếp cận với cái gốc của xã hội Việt Nam. Quả thật, nhờ việc Giáo Hội đã hòa nhập được phần nào vào nếp sống văn hóa gia đình Việt Nam, nên trải qua bao thăng trầm, Tin Mừng ở xứ này vẫn đứng vững và sống động."
Vì thế, sự hợp tác để "xây dựng một nền nhân bản đích thực về gia đình" phải là một trong những bổn phận mục vụ ưu tiên cấp bách của các Giám Mục, các Linh Mục, các Nam Nữ Tu Sĩ, các Giáo Dân chuyên môn trong các Giáo Xứ Và Giáo Phận (x. FC 73 - 76).
Hội Ðồng Giáo Hoàng về Gia đình đã ghi nhận như sau: "Công tác mục vụ nầy triển khai rất nhanh. Như Ðức Gio-an Phao-lô 2 đã nói với Ðại Hội chúng tôi. "sau khi công bố Tông Huấn FC, thì sự quan tâm trong Giáo Hội đối với các gia đình được củng cố hẳn lên; nhiều giáo phận và các giáo xứ đặt mục vụ gia đình lên mục tiêu hàng đầu" (x. Thông Ðiệp ngày 21.11.2001 của Ðức Thánh Cha).
B. Ðường Hướng Cụ Thể Của Giáo Hội Việt Nam:
Trong thư Mục Vụ của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 2002, các vị Chủ Chăn đã chọn hôn nhân gia đình như mục tiêu ưu tiên trong năm 2003 và đề nghị những việc làm cụ thể như:
- Cấp Giáo Phận nên có Văn Phòng Mục Vụ về Hôn Nhân và Gia Ðình.
- Cấp Giáo Xứ nên tổ chức lớp học hỏi về hôn nhân gia đình dựa trên Tông Huấn FC, thành lập bộ phận chuyên trách về gia đình trong Ban Mục Vụ Giáo Xứ với sự cộng tác của các Hội Ðoàn, và tổ chức những dịp lễ kỷ niệm thành hôn, những dịp giao lưu giữa các gia đình...
- Cần soạn thảo một chương trình Giáo Lý Hôn Nhân, đào tạo một đội ngũ giáo viên vững vàng, kêu gọi sự hợp tác của Giáo Dân có khả năng chuyên môn và kinh nghiệm...
C. Một Vài Ðề Nghị Giáo Dục Văn Hóa Sự Sống Và Tình Yêu:
1. Giáo dục sinh sản có trách nhiệm
Theo mục đích của đề tài, chúng tôi xin gợi ý về nội dung giáo dục văn hóa sự sống và tình yêu trong chương trình Giáo Lý Hôn Nhân, cũng như những hình thức sinh hoạt Mục Vụ khác: các lớp Giáo Lý Ðức Tin cơ bản, Hội Ðoàn, nhóm Chia Sẻ Lời Chúa, những câu lạc bộ: tình bạn, tình yêu, gia đình hạnh phúc, điểm phim, điểm sách,... Một trong những nội dung đó là vấn đề: "Sinh sản có trách nhiệm" vì nó liên quan đến Ðức Tin một cách trực tiếp và có ảnh hưởng sâu sắc đến tình yêu chung thủy và hạnh phúc gia đình.
Dựa vào những bản văn Kinh Thánh, Hiến Chế GS, Tông Huấn FC, Sách Giáo Lý Công Giáo FD, chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi mở cho các bạn trẻ, và các gia đình trẻ trao đổi, thắc mắc về vấn đề này một cách tự nhiên theo những suy nghĩ, hiểu biết và quan điểm mà họ đang có. Nhờ đó chúng ta có thể chia sẻ cho họ thông điệp:
"Ngừa thai đã biến sự phối hợp tính dục từ một nhiệm tích thánh, thành ra một sự phạm thánh" và "Các biện pháp ngừa thai đã không được phát minh ra nhằm mục đích tránh có thai. Ðã có cách thức thực hiện hiệu quả: đó là phương pháp tiết dục... Các biện pháp ngừa thai đã được phát minh ra là để làm thỏa mãn bản năng tính dục. Như người ta thường nói: nhu cầu là mẹ của phát minh. Cái nhu cầu đẻ ra các biện pháp ngừa thai ấy chính là "nhu cầu đòi hỏi tính dục của chúng ta." (Christopher West, Good News about sex and marriage - giải đáp thắc mắc dựa trên giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo).
Tiếp đến chúng ta cũng nên mời những chuyên gia đến hướng dẫn về phương pháp "tự quan sát" theo thời gian không thể thụ thai của phụ nữ để các gia đình có thể sống an bình và hạnh phúc thực sự khi giữ đức khiết tịnh trong hôn nhân.
Thiết nghĩ, "sinh sản có trách nhiệm" theo hướng dẫn của Giáo Hội là vấn đề giáo dục giới tính rất quan trọng cho người trưởng thành. Ðây là vấn đề tế nhị nhưng lại rất bức xúc trong các gia đình. Nếu chúng ta đọc báo Công Giáo và Dân Tộc số 1380, trang 21 về vấn đề ngừa thai thì 90% những người được hỏi (27 / 30) cho rằng đó là vấn đề thuộc lương tâm cá nhân. Nhưng đâu là lương tâm chân chính vì phần lớn những người sử dụng phương pháp ngừa thai nhân tạo cũng cho rằng họ "muốn sinh sản có trách nhiệm".
Như thế là cùng dùng một cụm từ nhưng hai thái độ chọn khác nhau: tin Thiên Chúa hay tôn thờ mình? Vì thế, các Giáo Lý Viên trong những lớp Giáo Lý Hôn Nhân Gia Ðình cần nắm vững và giải thích vấn đề đó một cách rõ ràng dưới ánh sáng Ðức Tin và trong tinh thần cầu nguyện, sống Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội. Vì nếu không giải quyết được vấn đề then chốt này thì không thể có một tình yêu chân chính và chung thủy trong các gia đình.
Trái lại khi niềm tin được củng cố, các gia đình Công Giáo sẽ là những chứng nhân rất hiệu quả cho nền văn hóa sự sống và tình yêu của Thiên Chúa giữa trào lưu văn hóa ngừa thai đang tràn ngập trong xã hội. Hội Ðồng Giáo Hoàng về gia đình đã ghi nhận: "Hoạt động của mục vụ gia đình qua các chứng tá cho thấy rất nhiều gia đình Ki-tô hữu được trở nên sinh động nhờ tình yêu và chân lý về gia đình. Họ hăng hái làm chứng cho Tin Mừng như Ðức Thánh Cha nói: Trong sự khiêm tốn và đơn sơ, chứng tá đời sống gia đình có thể là phương tiện hàng đầu cho công tác Phúc Âm hóa "
2. Giáo dục Ðức Tin và nhân bản
Thực tế, nhiều vị Mục Tử đã than phiền rằng: thật không dễ để có thể giúp giới thanh niên và trưởng thành sống Ðức Tin: yêu mến, tôn trọng văn hóa sự sống và tình yêu theo ý Thiên Chúa và Giáo Hội. Thiết nghĩ đây là một lý do mời gọi chúng ta suy nghĩ lại việc giảng dậy Giáo Lý, nội dung chương trình Giáo Lý và lối sống đạo của các Ki-tô hữu hiện nay.
Nếu người tín hữu: các em thiếu nhi, các bạn trẻ, các gia đình chưa nhận ra hạnh phúc được làm con Thiên Chúa, được sống dưới sự hiện diện của Ngài, và chưa cảm nghiệm được tình yêu cứu độ của Ðức Ki-tô thì sứ vụ của các Giáo Lý Viên và các vị Mục Tử thực sự chưa hoàn thành. Quả thực chỉ có Ðức Tin mới có thể giúp người ta từ bỏ chính mình để chọn lựa trở nên môn đệ của Ðức Ki-tô (x. Lc 14, 33).
Chỉ có Ðức Tin mới giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ để sống trong tinh thần tự do đích thực của con cái Thiên Chúa. Vì thế cần đẩy mạnh chương trình Giáo Lý Ðức Tin các cấp: 1, 2, 3, 4, 5..., giúp mọi tín hữu ý thức tham gia vào sứ mạng cứu độ của Chúa Ki-tô, đồng thời cần thêm về giáo dục nhân bản để mọi người biết sống vui và thể hiện Ðức Tin một cách trưởng thành.
3. Một vài đề nghị cụ thể:
1. Chương trình Giáo Lý các cấp cần được soạn theo sát sách Giáo Lý Công Giáo (FD). Ðây là một kho tàng Ðức Tin mà Giáo Hội đã cập nhật hóa sau Công Ðồng Vatican ba mươi năm. Vì thế, nó phải là cuốn sách cẩm nang của tất cả các Giáo Lý Viên vì những vấn đề về văn hóa Ðức Tin sự sống và tình yêu liên quan đến gia đình đều tìm thấy ở nguồn phong phú đó.
2. Nên có một chương trình Giáo Lý hôn nhân thống nhất. Hiện nay có một số nhóm đã và đang soạn nội dung chương trình học theo Tông Huấn FC và Sách Giáo Lý Công Giáo FD. Ðề nghị Ban Mục vụ về hôn nhân gia đình nên tham khảo lấy ý kiến và soạn một chương trình thống nhất trong từng giáo phận và có thể trong toàn Giáo Hội Việt Nam. Ðây là công việc rất cần thiết vì hai nguồn tài liệu trên sẽ giúp người tín hữu thể hiện Ðức Tin của mình trong đời sống phái tính (FD 2332), đức khiết tịnh (FD 2337) và tình yêu vợ chồng (FD 2361) một cách hiệu quả.
3. Nội dung giáo dục nhân bản có thể xen kẽ vào các tiết học Giáo Lý hoặc tổ chức riêng trong những buổi nghe nói chuyện chuyên đề, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của từng giới để giúp các bậc cha mẹ ý thức giáo dục giới tính cho con. Ngoài ra, một nét đẹp văn hóa khác nên khuyến khích và duy trì đó là bữa ăn tối và giờ kinh tối trong gia đình, nó mang tính giáo dục Ðức Tin và nhân bản rất cụ thể và hiệu quả cao.
4. Khuyến khích sự hợp tác của Giáo Dân. Theo hướng dẫn của Hội Ðồng Giáo Hoàng về Gia Ðình, và đường hướng cụ thể của Hội Ðồng Giáo Mục Việt Nam, thiết nghĩ Văn Phòng Mục Vụ về Hôn Nhân Gia Ðình, cấp Giáo Phận và Giáo Xứ nên có sự hợp tác rất chặt chẽ của mọi thành phần Dân Chúa. Nên phát hiện tiềm năng của người Giáo Dân, trân trọng, mời gọi sự hợp tác của họ không chỉ trong chuyên môn nhưng cả trong vai trò lãnh đạo để họ ý thức đẩy mạnh sứ vụ rao giảng trong lãnh vực riêng của họ nơi đời sống gia đình.
Phần Kết Luận
Nhìn lại 40 năm dấu ấn Công Ðồng Vatican 2, Giáo Hội mở ra với thế giới, hội nhập vào các nền văn hóa để nhân bản hóa con người theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, trở nên một người con trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Ðó là điều làm cho cho con người vượt trên mọi nền văn hóa, trở nên thước đo của văn hóa và không bị giam hãm trong bất cứ một nền văn hóa nào.
Thiết nghĩ, hai nét Văn Hóa Sự Sống và Tình Yêu mà Công Ðồng đề cập đến trong hôn nhân gia đình là chính tiếng nói của Chúa Thánh Thần đã tác động để canh tân các nền văn hóa hiện đại tôn thờ lợi nhuận vật chất và bản năng hưởng thụ. Do đó hướng Mục Vụ Văn Hóa của Giáo Hội là tìm ra được những điểm chung trong tâm thức con người hướng về nguồn sống và tình yêu, đồng thời thức tỉnh con người ra khỏi cơn cám dỗ lấy mình làm trung tâm, đối lập với Thiên Chúa. Nhờ đó, các gia đình sẽ có được hạnh phúc đích thực theo ý muốn của Thiên Chúa.
Ðức Giê-su Ki-tô luôn chúc lành cho các gia đình, vì từ nguồn cội sự sống và tình yêu trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, Ngài chính là Lời tác sinh sự sống cho toàn thể vũ trụ. Trong mầu nhiệm nhập thể, Ngài cũng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình để hoàn tất Ơn Cứu Ðộ ban lại sự sống cho con người. Ðặc biệt hơn là Ngài đã yêu nhân loại đến nỗi nhận Giáo Hội là hiền thê của Ngài để sinh ra các tín hữu và sai đi loan báo về tin mừng sự sống và tình yêu.
Ðứng trước nền Văn Hóa Tự Do Tính Dục đang phá đổ tình yêu và hạnh phúc nơi các gia đình, Chúa Giê-su tiếp tục kết hợp với từng Giáo Phận, Giáo Xứ, làm thành những Gia Ðình Ðức Tin và sai các Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ Nam Nữ, các Ki-tô hữu thiện chí tới phục vụ các gia đình và mời gọi các thành viên trong gia đình tham gia vào Chương Trình Cứu Ðộ của Thiên Chúa.
"Hãy cứu lấy gia đình", giúp các gia đình giữ được vẻ đẹp bản chất của mình. Vì chính sự sống và tình yêu thiêng liêng cao quý của gia đình có sức chữa lành mọi vết thương, đem lại sự bình an và niềm vui đích thực cho mỗi người. (Kinh nghiệm tư vấn những trường hợp thất tình, tuyệt vọng).
Ngoài ra hình ảnh gia đình trong tinh thần Kinh Lạy Cha chính là nguồn động lực hỗ trợ sứ vụ truyền giáo của chúng ta và cũng là cội nguồn mọi khát vọng tâm linh của con người hướng về (Kinh nghiệm truyền giáo cho lương dân và tiếp xúc với các bệnh nhân ung thư đang hấp hối).
Tin tưởng nơi Ðức Giê-su Ki-tô, chúng ta cùng hợp tác giúp các gia đình thắp sáng niềm tin và hy vọng để làm chứng cho sự hiện diện yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa đang ở giữa con người.
Nữ tu Tê-rê-xa Phạm Thị Oanh, Dòng Ða-minh Tam Hiệp
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 96, năm 2003)