Gia Ðình

Chiếc Nôi Văn Hóa Ðức Tin

Phần II: Gia Ðình

Những Thách Ðố Ðức Tin Giữa Lòng Văn Hóa

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Hiện nay các gia đình Công Giáo Việt Nam đang phải đối diện với hai thực tại liên quan đến Ðức Tin đó là bổn phận bảo vệ sự sống và trung thành trong tình yêu hôn nhân. Ðây là hai vấn đề nghiêm trọng mà Công đồng đã đề cập tới 40 năm trước vì nó là một trong những khó khăn lớn của con người trong xã hội đô thị hóa, hiện đại hóa. Vấn đề là chiếc nôi gia đình đang thay đổi từ nền văn hóa nông nghiệp sang nền văn hóa công nghiệp. Tương quan gia đình lỏng lẻo dần và những giá trị đạo đức luân lý truyền thống đang nhường bước cho quy luật cạnh tranh của nền kinh tế thị trường và sức thu hút của các phương tiện truyền thông hiện đại.

Vì thế, trong phần này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh: "Con người là tác giả của văn hóa" (GS 55), như một gợi ý giúp các gia đình Công Giáo sống Phúc Âm giữa một xã hội đang bị đe dọa bởi sự toàn cầu hóa của nền văn minh hưởng thụ. Muốn thế, các gia đình cần khẳng định lập trường của mình để thể hiện Ðức Tin qua nếp sống văn hóa nhân bản để xây dựng nền văn hóa sự sống và tình yêu theo ý Thiên Chúa dưới sự hướng dẫn của Công Ðồng Vatican 2.

 

I. Những thách Ðố Ðức Tin Về Văn Hóa Sự Sống:

A. Hhướng dẫn của Công Ðồng:

1. Sinh sản có trách nhiệm

Truyền sinh là sứ mệnh của đời sống gia đình, cha mẹ được cộng tác với tình yêu của Ðấng Tạo Hóa và diễn tả tình yêu của Ngài. Nhiều người lầm tưởng rằng Giáo Hội Công Giáo không quan tâm đến vấn đề bùng nổ dân số và nỗi khổ của những gia đình đông con, nhưng thực ra Công Ðồng đã khuyên các bậc cha mẹ sinh sản có trách nhiệm. Họ phải có một phán đoán ngay thẳng: tôn trọng và tuân phục ý Chúa, đồng tâm hiệp ý với nhau, nhận định hoàn cảnh sống, lợi ích của gia đình, xã hội và Giáo Hội trong vấn đề sinh con. Ðiều này luôn cần đến tinh thần hy sinh và quảng đại. (x. GS 49).

2. Nhận sự hỗ trợ của khoa học

Nhờ những thành quả của y học, hiện nay Giáo Hội khuyên các bậc cha mẹ: "Tiết dục định kỳ theo phương pháp điều hòa sinh sản đặt nền tảng trên việc tự quan sát và sử dụng những thời gian không thể thụ thai" vì nó phù hợp với tiêu chuẩn khách quan của luân lý (x. FD 2370), để có thể hạn chế số con khi điều kiện kinh tế và nghề nghiệp không cho phép.

Tại nhiều Giáo Xứ, trong những lớp học chuẩn bị hôn nhân gia đình, các đôi bạn trẻ đã có những giáo trình và được học hỏi, hướng dẫn về những phương pháp này để có thể sinh con có trách nhiệm theo hướng dẫn của Giáo Hội. Những gia đình biết sống đức khiết tịnh trong hôn nhân đã áp dụng thành công những phương pháp này. Nhờ đó họ càng thăng tiến hơn trong tình yêu và hạnh phúc gia đình.

B. Thách Ðố Và Cám Dỗ Trong Xã Hội Hiện Ðại:

Tuy nhiên trong những năm gần đây do tác động quá nhanh của những biến chuyển xã hội, chiếc nôi gia đình đang bị nền văn hóa sự chết choáng ngợp, nhiều bậc cha mẹ bị khủng hoảng Ðức Tin trầm trọng nhất là khi phải chọn lựa ý muốn của Thiên Chúa về những giá trị của sự sống.

1. Sự toàn cầu hóa của nền văn minh hưởng thụ

Xã hội hiện nay đề cao cá nhân chủ nghĩa, đề cao những quyền lợi riêng tư và lạc thú của cá nhân. Người ta quan niệm tình dục là hưởng thụ nên một số không ít bạn trẻ đã tự do quan hệ trước hôn nhân. Nhiều nhà kinh doanh đã khai thác sự yếu đuối của con người về phương diện này qua những dịch vụ mãi dâm với nhiều hình thức văn hóa không lành mạnh. Cũng có một số gia đình vì áp lực kinh tế và nghề nghiệp muốn hạn chế việc sinh con mà không muốn giữ đức khiết tịnh hôn nhân...

hinh 1

Tất cả những lý do đó đã dẫn đến hệ quả coi thường sự sống nơi nhiều người. Họ không còn xem sự sống là một quà tặng nữa, trái lại họ đã cho mình có quyền làm chủ sự sống, "quyền có con" và tiếp tay xây dựng nếp sống văn hóa "man rợ" là phá hủy sự sống. (Chú thích của Ephata Việt Nam: Hình ảnh khủng khiếp kèm theo ở đây là tài liệu ảnh của giáo sư Ðỗ Tấn Hưng từ Pháp gửi về, chụp tại một tiệm ăn cao cấp của Trung quốc với người đầu bếp đang chuẩn bị "món nhậu" là một thai nhi mới lấy từ bệnh viện phụ sản về. Theo một người gốc Hoa quen biết với chúng tôi, đây là món ăn đại bổ có tên là "Tử Hà Xa").

2. Sự toàn cầu hóa chương trình kế hoạch hóa gia đình

Từ tâm trạng mất ý thức tôn trọng sự sống, cộng thêm với chương trình kế hoạch hóa gia đình của Hội Ðồng Dân Số thế giới ngày một phổ biến khắp nơi, nhiều người đã dùng những hình thức khác nhau để ngừa thai, điều hòa kinh nguyệt, hút điều hòa, phá thai, giảm thai. Vấn đề nạo phá thai của thanh thiếu niên tại Việt Nam đang có khuynh hướng ngày một tăng cao, con số nạo phá thai hàng năm xấp xỉ với tổng số cháu bé được sanh ra trên toàn quốc.

Năm 1997, tổng số sanh trên toàn quốc là 1.138.607 ca, thì con số nạo phá thai là 934.302 ca. Năm 1998, số sanh lấy 1.101.791 ca, thì nạo phá thai là 861.353 ca. Trong đó có 13, 4 % là "bà mẹ - trẻ con" từ 15 - 19 tuổi ( giai đoạn 1885 - 1996, theo báo Sức Khỏe và Ðời Sống số 75 ). Riêng bệnh viện Từ Dũ mỗi năm có trên 40.000 ca nạo phá thai ( 1997: 41.104 ca. 1998: 34.130 ca. Sáu tháng đầu 1999: 29.236 ca ). Con số nhiễm trùng, sót nhau, thủng tử cung do nạo phá thai cũng không nhỏ, năm 1997 là 1.669 ca; 1998: 4.447 ca.

hinh 1

Các nhà xã hội học ước tính số người nạo phá thai trong cả nước hàng năm có thể từ 2 đến 3 triệu người. Liên Hiệp Quốc cũng đã báo động và xếp nước ta vào một trong năm nước có tỷ lệ nạo phá thai lớn nhất thế giới. (Chú thích của Ephata Việt Nam: Hình ảnh dã man kèm theo ở đây là tài liệu ảnh của giáo sư Ðỗ Tấn Hưng từ Pháp gửi về, chụp tại một tiệm ăn cao cấp của Trung quốc với "món ăn" là Bào Thai tiềm thuốc Bắc).

Trên thực tế, lương tâm nhiều người không còn nhạy bén với sự nghiêm trọng của tội ác đó. Thái độ chấp nhận ngừa thai và phá thai trong các não trạng, trong tập quán, và ngay cả trong luật pháp, chính là một dấu chỉ cho thấy có sự khủng hoảng văn hóa truyền thống và suy giảm đạo đức trầm trọng trong xã hội Việt Nam chúng ta hiện nay.

C. Thái Ðộ Của Các Gia Ðình Công Giáo Việt Nam:

1. Một sự lựa chọn sinh tử

Ðứng trước sự khác biệt giữa văn hoá Ðức Tin Công Giáo và văn hoá quảng đại quần chúng, nhiều Ki-tô hữu đã bị chao đảo vì "trong khi nền văn hoá hiện nay bảo rằng sử dụng các biện pháp ngừa thai nhân tạo là hành động có trách nhiệm, giúp cho hôn nhân hạnh phúc hơn và xã hội tốt đẹp hơn, thì Giáo Hội Công Giáo lại duy trì lập trường cho rằng các biện pháp ngừa thai luôn luôn là sai lầm và phá hoại hôn nhân và xã hội một cách khủng khiếp" (Christopher West, Những Biện Pháp Ngừa Thai).

Vấn đề là họ phải lựa chọn giữa văn hóa sự sống và sự chết như Lời Chúa phán: "Ta cầu Trời chứng dám cho ngươi hôm nay, rằng Ta đã đặt trước ngươi sự sống và sự chết, lời chúc phúc và lời nguyền rủa, vì thế ngươi hãy chọn lấy sự sống." (Ðnl 30, 19). Nhưng có rất nhiều lý do khiến nhiều gia đình đã âm thầm lựa chọn sống theo "văn hóa ngừa thai" vì họ cảm thấy bất lực trước những khó khăn của gia đình họ. Một số khá đông thiếu ý thức về tội: vì không biết hay vì môi trường sống không được sự hướng dẫn của Giáo Hội. Số khác có ý thức đầy đủ nhưng vì nghề nghiệp hoặc phải chiều ý chồng, nếu không, chồng sẽ sa ngã vào tệ nạn xã hội.

2. Một thực trạng mầu đen hay mầu vàng?

Trên thực tế, qua việc trao đổi với chị em phụ nữ, các nhân viên y tế cộng đồng và một số các linh mục thì được biết: hơn 90% phụ nữ Công Giáo Việt Nam trong thời gian có thể sinh nở đã dùng những phương pháp ngừa thai nhân tạo đang được quảng cáo trên thị trường tiêu thụ. Nói chung các gia đình chưa được hướng dẫn đầy đủ về tình yêu và đức khiết tịnh hôn nhân để có thể tự chủ sống tiết dục định kỳ theo hướng dẫn của Giáo Hội (x. FD 2370). Ðây là vấn đề nhậy cảm của lương tâm mà các vị chủ chăn tại nhiều nơi đành phải làm ngơ bỏ ngỏ sau khi đã giải thích cho đương sự lập trường không thay đổi của Giáo Hội về việc tôn trọng sự sống.

Tiếp đến là vấn đề phá thai, trong tư vấn và những nghiên cứu nơi các bạn trẻ cho thấy: số các em gái trong các gia đình Công Giáo tới những nơi giúp phá thai cũng không ít và có khi chính cha mẹ đã gây áp lực cho con phải "giải quyết" vì sợ ảnh hưởng đến danh dự của gia đình. Trong tương lai, thực trạng này sẽ đi tới đâu nếu các gia đình Công Giáo không đủ Ðức Tin để xây dựng nền nhân bản đích thực về tin mừng sự sống cho mình và cho xã hội? Chúng ta có thể liên tưởng tới Lời Chúa: "Khi Con Người ngự đến, liệu còn thấy niềm tin trên địa cầu nữa không?" (Lc 18, 8)

Tuy nhiên, nếu chúng ta đã có dịp lắng nghe những thao thức từ trái tim đến trái tim của nhiều thành phần, giai cấp trong xã hội, chúng ta sẽ nhận thấy rằng: từ đáy sâu nội tâm, người ta vẫn khao khát được sống, được yêu và muốn trở về, muốn thoát ra khỏi sự trống rỗng vô nghĩa của nền văn hoá sự chết. Vì thế, ánh sáng sự sống hy vọng của ơn cứu độ vẫn đang ló rạng từ cuối chân trời của màn đêm xã hội hôm nay.

 

II. Những Thách Ðố Ðức Tin Về Văn Hóa Tình Yêu:

A. Hướng Dẫn Của Giáo Hội:

1. Tình yêu chân chính

Ai cũng tôn trọng tình yêu chân chính mang đặc tính nhân linh, nhân vị và tự nguyện. Nó phù hợp với mọi phong tục lành mạnh của mọi thời đại, mọi dân tộc. Tình yêu chân chính vượt xa xu hướng nhục dục thuần túy và hưởng thụ ích kỷ vốn mau tan biến và để lại những hậu quả thảm hại. Lời Chúa mời gọi những người sắp kết hôn hãy nuôi dưỡng thời kỳ đính hôn bằng một tình yêu trong sạch và những người đã thành vợ thành chồng hãy nâng đỡ cuộc sống lứa đôi bằng một tình yêu không chia sẻ.

Tình yêu chân chính sẽ được quí trọng hơn và người ta sẽ nghĩ tưởng về hôn nhân cách lành mạnh hơn, nếu các vợ chồng Ki-tô hữu làm chứng rõ ràng về sự trung thành và hòa hợp trong tình yêu cũng như trong việc ân cần giáo dục con cái, nếu họ góp công chấn hưng văn hóa, tâm lý và xã hội. (x. GS 49)

2. Xây dựng một cộng đồng nhân vị

Ðể khai triển ý Công Ðồng về tình yêu, hôn nhân gia đình, trong Tông Huấn FC số 18, Ðức Gio-an Phao-lô 2 đã viết:

"Gia đình được thiết lập do tình yêu, là một cộng đồng ngôi vị: đôi vợ chồng, là cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông, trong một cố gắng bền bỉ nhằm thăng tiến một cộng đồng đích thực gồm các ngôi vị.

Nguyên lý nội tại, sức mạnh thường xuyên và mục đích cuối cùng của một sức mạnh như thế chính là tình yêu. Cũng như không có tình yêu, gia đình không phải là một cộng đồng các ngôi vị, thì cũng thế, không có tình yêu, gia đình không thể tồn tại, phát triển và tự hoàn thiện xét như một cộng đồng các ngôi vị...

Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ là kẻ không thể hiểu được đối với chính bản thân mình, cuộc sống con người mất ý nghĩa nếu không nhận lấy mạc khải về tình yêu, nếu không có kinh nghiệm về tình yêu và nếu không nhận lấy kinh nghiệm ấy làm của mình và hăng say dự phần vào đó."

B. Thách Ðố và Cám Dỗ

1. Một thực tại đau lòng trong đời sống văn hóa tại Việt Nam

Trong xã hội Việt Nam ở mọi thời đại đều thấy cảnh: lầu xanh, đa thê, tảo hôn, bán trinh để báo hiếu cha mẹ, loạn luân, đồng tính ái, đặc biệt là tệ nạn mãi dâm ngày nay đang xuất hiện dưới nhiều dạng thức: nhà hàng, cà-phê, Karaoke, xông hơi, xoa bóp, vũ trường, chat group trên Internet,... Ngoài ra nhiều hình thức văn hóa phẩm đen đã khiến nhiều bạn trẻ ngộ nhận cho rằng tình yêu chỉ là sự cuốn hút của cảm xúc, chiếm hữu, tình dục, tiền tài, thương hại. Tình trạng yêu sớm, yêu thử, yêu ào ào theo phong trào, yêu như điên, yêu hết mình xẩy ra nơi học sinh cấp 2, 3, và trong giới sinh viên ngày một tăng. Ðó phải chăng là những nhân tố làm nên một dòng nhạc "vô cảm" và "não tình" mà dư luận quần chúng trên báo chí gần đây đã đề cập đến khá nhiều:

"Tình yêu đến em không mong đợi gì.

Tình yêu đi em không hề nuối tiếc."

Tiếp đến là nhiều cặp sống chung không đăng ký kết hôn, không muốn có con để tránh trách nhiệm. Nhiều gia đình được hình thành trong một cam kết hời hợt lợi dụng lẫn nhau. Tất cả những vấn đề đó đã dẫn đến tỉ lệ ly dị ngày một tăng. Theo thống kê của Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Sài-gòn năm 2000, thì mỗi ngày trung bình có 32 vụ ly hôn trên địa bàn của 22 quận huyện. Ngoài ra còn tình trạng bạo hành trong gia đình về mặt thể chất, tinh thần và tình dục cũng rất phổ biến trong nhiều gia đình ở thành phố cũng như ở thôn quê.

Tuy nhiên, đó chỉ là sự yếu đuối của cá nhân và mục đích của một số những tổ chức kinh doanh đặt lợi nhuận trên nhân phẩm con người, còn đa số nhận thức người dân Việt hiện nay vẫn đề cao và thao thức đi tìm một tình yêu chân chính trong hôn nhân gia đình.

C. Thái Ðộ Của Các Gia Ðình Công Giáo Việt Nam:

Hiện nay, gia đình Công Giáo Việt Nam vẫn còn được xã hội quí trọng và đánh giá cao về tính bền vững của hôn nhân. Tại các Giáo Xứ, chương trình mục vụ giáo lý Ðức Tin, sinh hoạt các đoàn thể: thiếu nhi, hiền mẫu, gia trưởng, huynh đoàn Ða-minh, các Lớp Chuẩn Bị Hôn Nhân Gia Ðình, chia sẻ Lời Chúa, những tuần tĩnh tâm, những giờ Kinh Tối đã hỗ trợ cho đời sống nhân bản và Ðức Tin của các gia đình Ki-tô hữu rất nhiều. Tuy nhiên, trong cơn lốc của thời đại, nhiều gia đình đang phải đối diện với những thách đố đa dạng về Ðức Tin trong khi xây dựng tình yêu chân chính, yêu thương, tôn trọng và trung thành với nhau suốt đời.

1. Cam kết hời hợt trong hôn nhân

Một số không ít bạn trẻ lập gia đình khi chưa đủ thời gian để nhận diện một tình yêu chân chính, các bạn vội vàng kết hôn do những nhu cầu hưởng thụ cá nhân, lợi nhuận vật chất và những yếu tố xã hội nhiều hơn tình yêu quảng đại hy sinh cho nhau theo mẫu gương của Chúa Ki-tô và Giáo Hội.

Vì thế, nhiều gia đình không sống trung thực với nhau và tôn trọng những khác biệt của nhau. Nhiều gia đình không thể tha thứ cho nhau để có thể truyền thông với nhau, hòa giải những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong việc tổ chức đời sống gia đình và giáo dục con cái. Vì thế gia đình của họ không hạnh phúc, và từ đó dẫn đến những tệ nạn xã hội.

2. Ngoại tình và ly thân

Như một số gia đình khác trong xã hội, từ những cam kết hời hợt thiếu tình yêu và ý thức trách nhiệm trong hôn nhân, nên một số gia đình Công Giáo cũng đang gặp khó khăn khi một trong hai người ngoại tình. Hoặc nếu người vợ biết người chồng của mình đã tìm đến những dịch vụ mãi dâm, họ thật khó lòng tha thứ vì sợ lây bệnh xã hội. Trường hợp này cũng thường dẫn đến một hình thức ly thân trong các gia đình.

 

Nữ tu Tê-rê-xa Phạm Thị Oanh, Dòng Ða-minh Tam Hiệp

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 95, năm 2003)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page