Suy Nghĩ Và Học Hỏi Về Gia Ðình - Ðề Tài I

Gia Ðình Ki-tô Hữu

Tiếp Nhận Và Loan Báo Tin Mừng

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

I. Nhập Ðề

Vào những ngày 23 - 26.01.2003, tại Manila (Philippines) sẽ có cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ 4 của các gia đình trên toàn thế giới. Lần gặp gỡ quốc tế đầu tiên của các gia đình là vào năm 1994 tại Roma (Italia) nhân dịp Liên Hiệp Quốc và Giáo Hội Công Giáo chọn năm 1994 là Năm Gia Ðình. Lần gặp gỡ quốc tế lần thứ 2 của các gia đình là vào năm 1997 tại Rio de Janeiro (Brazin). Lần gặp gỡ quốc tế lần thứ 3 của các Gia Ðình là vào tháng 10.2000 trong khuôn khổ Năm Thánh 2000 tại Roma (Italia). Và lần gặp gỡ quốc tế lần thứ 4 của các gia đình vào ngày 23-26/01/2003 tại Manila Philippines. Chủ đề của lần gặp gỡ này là: "Gia đình Ki-tô hữu là Tin Mừng cho Thiên Niên Kỷ thứ ba".

Ðể chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ quan trọng này, trong năm 2002 Hội Ðồng Giáo Hoàng về Gia Ðình đã cho phổ biến một tài liệu hướng dẫn gồm 12 đề tài về Gia Ðình cho việc Suy Tư Vào Trao Ðổi trong các cộng đoàn và tổ chức Giáo Hội như sau:

01. Gia đình Ki-tô hữu tiếp nhận và loan báo Tin Mừng.

02. Gia đình Ki-tô hữu là chứng nhân của Giao ước Vượt Qua.

03. Gia đình Ki-tô hữu là trung tâm của Phúc Âm hóa.

04. Gia đình Ki-tô hữu là Hội Thánh Tại Gia.

05. Sự thánh thiện của Gia đình Ki-tô hữu nhằm phục vụ Tin Mừng.

06. Thánh Thể là dấu chỉ và lương thực cho Tình Yêu đôi bạn không giới hạn.

07. Thứ tha và hòa giải trong gia đình Ki-tô hữu.

08. Gia đình Ki-tô hữu là cộng đoàn cầu nguyện.

09. Gia đình Ki-tô hữu là trung tâm và nguồn phát sinh thiện hảo xã hội.

10. Gia đình và tình yêu Ki-tô hữu đối với những người yếu kém nhất.

11. Gia đình Ki-tô hữu chuẩn bị và đồng hành với các gia đình trẻ.

12. Gia đình Ki-tô hữu là cung thánh của sự sống.

Vậy "Gia đình Ki-tô hữu tiếp nhận và loan báo Tin Mừng" là đề tài đầu tiên trong số 12 đề tài về Gia Ðình; vì thế được chọn làm đề tài của buổi sinh hoạt đầu tiên về gia đình của năm 2003 của chúng ta. Vậy chúng ta cùng nhau lần lượt tìm hiểu 3 vấn đề: Tin Mừng nghĩa là gì? Thế nào là "gia đình Ki-tô hữu tiếp nhận và loan báo Tin Mừng"? Ðể tiếp nhận và loan báo Tin Mừng, các gia đình Ki-tô hữu phải làm gì?

 

II. Trình Bày

1. "Tin Mừng" nghĩa là gì?

Trong Bài Phúc Âm mà Giáo Hội đọc trong Thánh Lễ (đêm) Giáng Sinh, có đoạn sau đây:

"Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: "Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ða-vít, Người là Ðấng Ki-tô Ðức Chúa." (Lc 2, 6 - 11).

Vậy Tin Mừng mà các thiên thần loan báo cho những người chăn chiên trên cánh đồng Bê-lem xưa là Tin Mừng về Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cách đây hai ngàn năm. Nói đúng hơn thì chính Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng Cứu Ðộ là Tin Mừng.

2. Thế nào là "Gia đình Ki-tô hữu tiếp nhận và loan báo Tin Mừng"?

a. Thế nào là "gia đình Ki-tô hữu tiếp nhận Tin Mừng"?

Giáo Hội Công Giáo đã đón nhận Tin Mừng là chính Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa mà Chúa Cha gửi đến để mặc khải Thiên Chúa Tình Yêu và chỉ đường vạch lối cho con người được Ơn Cứu độ. Khi đón nhận Tin Mừng ấy Giáo Hội không giữ riêng cho mình mà có trách nhiệm loan báo cho muôn dân, muôn người.

Bên giếng Rửa Tội hay trong thánh đường mỗi người (dù lớn hay bé) đều nói lên điều mình ước xin nơi Giáo Hội: "đức tin". Xin đức tin, tức xin Giáo Hội trao ban Tin Mừng.

Trong Thánh lễ Hôn Phối, hai người phối ngẫu Công Giáo đều là những người đã đón nhận Tin Mừng và có trách nhiệm loan báo Tin Mừng ấy cho người khác lại một lần nữa đón nhận Tin Mừng một cách đặc biệt: Họ đón nhận Tin Mừng về Tình Yêu "Phu Thê" của Chúa Giê-su Ki-tô đối với Giáo Hội. Họ được mời gọi là phản ảnh, là minh họa của Tình Yêu và Mầu nhiệm cao cả ấy. Tình yêu và cuộc sống hôn nhân của hai người được nâng lên bậc Bí Tích là vì thế. Tình yêu và cuộc sống hôn nhân của hai người mang một ý nghĩa cao vời và được Thiên Chúa chúc phúc như Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng đã khẳng định:

"Chúa Ki-tô ban dồi dào ơn phúc cho tình yêu muôn hình muôn vẻ của vợ chồng, một tình yêu phát xuất từ Nguồn Mạch Tình Yêu Thiên Chúa và được tác thành theo gương kết hiệp của Chúa Ki-tô và Hội Thánh. Thực vậy, như xưa kia Thiên Chúa đến gặp gỡ Dân Ngài bằng một Giao Ước yêu thương và trung thành, ngày nay Ðấng Cứu Thế, Bạn Trăm Năm của Hội Thánh cũng đến với đôi vợ chồng qua Bí Tích Hôn Phối. Người còn ở lại với họ để hai vợ chồng mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau, như Người đã yêu thương Hội Thánh và đã nộp mình vì Hội Thánh.

Tình Yêu vợ chồng đích thực được hòa nhập trong Tình Yêu Thiên Chúa, được hướng dẫn và thêm phong phú nhờ quyền năng cứu chuộc của Chúa Ki-tô và hoạt động cứu rỗi của Hội Thánh, để hai vợ chồng được dẫn dắt cách hữu hiệu đến cùng Thiên Chúa, cũng như được nâng đỡ và kiên cường trong nhiệm vụ cao cả làm cha làm mẹ" (Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, số 48).

b. Thế nào là "gia đình Ki-tô hữu loan báo Tin Mừng"?

Một khi đã đón nhận Tin Mừng, mọi Ki-tô hữu có trách nhiệm loan báo Tin Mừng cho người khác, như lệnh truyền của Chúa Giê-su trước khi về Trời: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28, 19 - 20).

Trước hết hai vợ chồng có trách nhiệm loan báo Tin Mừng cho nhau: chồng loan báo Tin Mừng cho vợ; vợ loan báo Tin Mừng cho chồng. Kế tiếp hai vợ chồng có trách nhiệm loan báo Tin Mừng cho những người trong gia đình và nhất là cho con cái của mình. Sau nữa hai người có trách nhiệm loan báo Tin Mừng cho những người khác cùng môi trường sinh sống hay lao động và ngoài xã hội.

3. Ðể tiếp nhận và loan báo Tin Mừng các gia đình Ki-tô hữu phải làm gì?

"Không ai cho cái mình không có" (Nemo dat quod non habet) câu châm ngôn của người Rô-ma xưa có thể áp dụng vào trường hợp của chúng ta. Muốn loan báo Tin Mừng cho người khác thì trước hết chúng ta phải đón nhận Tin Mừng trước đã.

a. Ðể tiếp nhận Tin Mừng các gia đình Ki-tô hữu phải làm gì?

Thật ra khi lãnh Bí Tích Thánh Tẩy là ai nấy chúng ta đã đón nhận Tin Mừng về Chúa Giê-su, là chính Chúa Giê-su rồi. Nhưng việc đón nhận Chúa, chúng ta phải tiếp tục luôn mãi, vì không ai có thể cho rằng mình đã đón nhận Chúa một cách trọn vẹn, đầy đủ. Chúa càng vào sâu trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta, thì chúng ta càng nên giống Chúa và do đó càng có khả năng loan báo Chúa cho người khác. Muốn đón nhận Chúa vào sâu trong tâm hồn và cuộc sống của mình, chúng ta phải nỗ lực vun trồng đời sống cầu nguyện và nội tâm sâu sắc. Các giờ thờ phượng, tham dự bí tích, tĩnh tâm, học hỏi và suy niệm Lời Chúa, dấn thân phục vụ, kiểm điểm đời sống là các phương thế hữu hiệu giúp chúng ta càng ngày càng sống mật thiết hơn với Chúa và sống yêu thương phục vụ hơn đối với tha nhân.

b. Ðể loan báo Tin Mừng các gia đình Ki-tô hữu phải làm gì?

Khi đã có Chúa trong tâm hồn và cuộc sống của mình rồi, chúng ta chỉ cần thể hiện Chúa ra bên ngoài, qua lời nói, việc làm, cách sống của chúng ta là Tin Mừng ấy được người khác nhận ra. Nhưng như thế chưa đủ, chúng ta còn phải chủ động tìm cơ hội, nắm bắt dịp may để loan báo Tin Mừng cho những người chúng ta gặp gỡ, quen biết. Chúng ta còn phải biết sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (bích chương, sách báo, tài liệu, phim ảnh, hội họa, thi ca, âm nhạc, internet...) để loan báo Tin Mừng cho người thời nay.

Cách cụ thể, trong gia đình, chúng ta quan tâm thực hiện 5 điều Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã nêu trong Thư Mục Vụ về Hôn Nhân Và Gia Ðình ngày 11.10.2002:

- Cha mẹ làm gương sáng trong giáo dục con cái.

- Cha mẹ lo phát triển đời sống đức tin cho con cái.

- Cha mẹ hướng dẫn con cái biết sống tình liên đới trong các mối tương quan gia đình và xã hội.

- Cha mẹ quan tâm đến việc làm trong sạch môi trường sách báo, phim ảnh, bạn bè của con cái.

- Cha mẹ mở rộng mối quan hệ của gia đình với các gia đình chung quanh để kính trọng, yêu thương, trao đổi, học hỏi và quan tâm giúp đỡ, góp phần phát triển nền văn minh tình thương.

Trong Giáo Xứ, các gia đình quan tâm đến việc tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo Xứ để xây dựng Giáo Xứ thành một đại gia đình của Thiên Chúa.

Trong xã hội, các gia đình quan tâm đến việc xây dựng và phát triển xã hội về mọi mặt: kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, môi sinh, tôn giáo, tâm linh... sao cho nền Văn Minh Tình Thương và Công Lý được thực hiện, nhằm lợi ích chính đáng và đa dạng của đại đa số dân chúng, nhất là của tầng lớp nghèo.

 

III. Kết Luận

Nếu các gia đình Công Giáo biết đón nhận Tin Mừng mỗi ngày một sâu sắc hơn và đồng thời biết loan báo Tin Mừng một cách tích cực và có phương pháp hơn, thì chắc chắn Giáo Hội và xã hội sẽ được canh tân, đổi mới, con người - nhất là người nghèo - sẽ được yêu thương và phục vụ như Chúa mong muốn. Có như thế thì gia đình Ki-tô giáo mới có thể là Tin Mừng cho thiên niên kỷ thứ ba được.

 

IV. Chia Sẻ

1. Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng và mỗi giai đoạn quan trọng trong đời sống gia đình, gia đình ông bà anh chị đón nhận Tin Mừng như thế nào? gặp thuận lợi và khó khăn gì? phát huy thuận lợi và khắc phục khó khăn như thế nào? Hãy chia sẻ kinh nghiệm với các gia đình khác.

2. Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng và mỗi giai đoạn quan trọng trong đời sống gia đình, gia đình ông bà anh chị loan báo Tin Mừng như thế nào? gặp thuận lợi và khó khăn gì? phát huy thuận lợi và khắc phục khó khăn như thế nào? Hãy chia sẻ kinh nghiệm với các gia đình khác.

 

V. Thực Hành

Mỗi người, mỗi gia đình chọn một hai việc cụ thể làm quyết tâm thực hành (nói rõ ra là việc gì) cho đời sống đạo của mình trong tuần, trong tháng này.

 

Gs. Nguyễn văn Nội

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 95, năm 2003)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page