Thánh Nữ LOUISE DE MARILLAC

 

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chúng ta cùng nhau chiêm ngắm chân dung một vị Thánh của gia đình và của xã hội: Thánh Nữ Louise de Marillac, lễ kính vào ngày 15 tháng 3 hàng năm.

Các thánh nhân của Giáo Hội Công Giáo là những con người thánh thiện nhưng lại rất nhân bản. Các ngài đã sống những cuộc đời phi thường. Mỗi một vị thánh mà Giáo Hội tôn kính đều đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa mà phát huy hết các đặc sủng mà Ngài đã ban cho từng vị. Thiên Chúa cũng mời gọi từng người một trong chúng ta trở thành một vị thánh với những hồng ân mà Chúa đã ban cho mỗi người.

Louise sinh tại Meux, nước Pháp. Cô mồ côi mẹ khi còn rất bé. Ðến năm cô 15 tuổi, người cha yêu dấu của cô cũng qua đời. Khao khát của cô muốn đi tu bị cha giải tội của cô bác bỏ. Người ta sắp đặt một cuộc hôn nhân cho cô. Cô sinh được một đứa con trai. Nhưng chẳng mấy chốc cuộc hôn nhân đó chỉ còn là việc bổn phận chăm sóc người chồng bị đau lâu ốm dài cho tới khi chàng ta mất.

Louise may mắn tìm được hai cha giải tội khôn ngoan và thông cảm với cô, một người về sau cũng được phong Thánh: Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-di-ô, người kia là bạn của ngài, Ðức Giám Mục Giáo Phận Belley, Pháp. Có điều cả hai vị này chỉ có thể gặp Louise theo định kỳ thôi. Nhưng trong lòng Louise được ơn soi sáng cho biết rằng cô sẽ đón nhận một công cuộc lớn lao dưới sự hướng dẫn của một người mà cô chưa hề gặp: Cha Thánh Vinh-sơn Phao-lô (St. Vincent de Paul).

Khi cô gặp được cha Vinh-sơn ngài rất miễn cưỡng trở thành cha giải tội cho cô vì ngài rất là bận rộn với Hội Ðoàn Bác Ái do ngài sáng lập. Ðây là nơi quy tụ các mệnh phụ phu nhân quý tộc làm việc từ thiện hỗ trợ ngài chăm sóc người nghèo và trẻ em bị bỏ rơi, một nhu cầu nhức nhối vào thời đó. Có điều các quý bà này còn bề bộn với bao việc gia đình và bổn phận khác. Công việc của ngài lại cần đến nhiều người cộng tác khác có thể dành toàn thời gian cho người nghèo, đặc biệt là các thôn nữ vì họ dễ dàng gần gũi và chinh phục cảm tình của những người nghèo. Ngài còn cần có ai đó tổ chức và dạy dỗ đám thôn nữ.

Phải mất một thời gian dài, sau khi cha Vinh-sơn biết đến Louise nhiều hơn, ngài mới nhận ra Louise chính là người Thiên Chúa gởi đến để đáp lại lời cầu nguyện của cha. Louise thông minh, quảng đại, cứng cáp, kiên trì trái ngược với chứng đau ốm dai dẳng của cô. Công việc cha giao cho cô làm đã có kết qủa là có bốn cô quê mùa gia nhập nhóm. Cha Vinh-sơn thuê một căn nhà ở Paris để làm trung tâm huấn luyện cho những người mới gia nhập trong việc chăm sóc người đau yếu và người nghèo. Công việc nhanh chóng phát triển và đã đến lúc phải đề ra nội quy. Chính Louise, dưới sự hướng dẫn của cha Vinh-sơn, đã soạn ra bản hiến pháp cho Các Nữ Tu Bác Ái Vinh-sơn Phao-lô. Riêng cha Vinh-sơn chỉ thích gọi Tu Hội bằng một cái tên đơn sơ hơn: Nữ Tử Bác Ái (Daughters of Charity - Filles de la Charité).

Cha Vinh-sơn luôn ngần ngại và cẩn trọng trong quan hệ với Louise và Tu Hội. Cha nói rằng cha không hề bao giờ mảy may có một ý tưởng là sẽ lập nên một cộng đoàn mới, chính Chúa mới là Ðấng làm nên mọi sự. Cha nói với nhóm chị em: "Nhà của người đau ốm sẽ là Tu Viện của chúng con. Một căn phòng thuê tạm bợ vá víu sẽ là phòng của chúng con. Nhà Thờ của chúng con sẽ là nhà Thờ của Giáo Xứ. Các hang cùng ngõ hẻm của đường phố, các phòng bệnh trong bệnh viện sẽ là lối đi của Tu Viện."

Ban đầu tu phục của các cô chỉ là y phục thường ngày của các cô gái thôn dã. Phải qua nhiều năm sau, cha Vinh-sơn Phao-lô rốt cuộc mới cho phép bốn cô gái có những lời khấn từng năm một về Khó Nghèo, Trinh Khiết và Vâng Phục. Và phải chờ đợi nhiều năm nữa Tu Hội mới được Rô-ma chính thức châu phê và đặt dưới sự hướng dẫn của Tu Hội Các Linh Mục của cha Vinh-sơn (Dòng Lazariste).

Nhiều thiếu nữ trẻ không được đi học cho nên Tu Hội non trẻ rất ngần ngại khi nhận nhiệm vụ chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi. Louise luôn luôn có mặt ở mọi nơi cần đến bàn tay của cô dù cho sức khoẻ cô luôn bết bát. Cô đi khắp nước Pháp và thiết lập các cộng đoàn các nữ tu tại các bệnh viện, các nhà mồ côi và ở các nơi cần đến họ. Vào ngày cô qua đời, 15.3.1660, Tu Hội đã có 40 Cộng Ðoàn trong nước Pháp. Sáu tháng sau, cha Vinh-sơn Phao-lô cũng qua đời ngày 27.9.1660.

Louise de Marillac được phong Thánh năm 1934 và thánh nhân được đặt làm Quan Thầy những người làm công tác bác ái từ thiện năm 1960.

Vào thời của Louise, việc giúp đỡ người nghèo là một việc xa xỉ mà chỉ có các quý bà giầu sang quý tộc có khả năng làm vào những lúc vô công rỗi nghề. Louise hết sức ngưỡng mộ Thánh Vinh-sơn Phao-lô đã khôn ngoan nhận ra rằng các thiếu nữ quê mùa nghèo khổ mới dễ dàng phục vụ người nghèo hữu hiệu hơn, các Nữ Tu Bác Ái đã được khai sinh dưới sự lãnh đạo của Louise. Cho đến ngày hôm nay, Tu Hội vẫn tiếp tục sứ mạng chăm sóc người đau ốm, già nua, mang đến chỗ nương tựa cho các em mồ côi. Có nhiều hội viên của Tu Hội làm công tác từ thiện bác ái dưới sự bảo trợ của Thánh Louise de Marillac. Tất cả mọi người chúng ta phải học nơi chị thánh sự quan tâm ưu ái với những người bất hạnh.

Theo Bách Khoa Tự Ðiển Encarta của hãng Microsoft, một tự điển hoàn toàn có tích cách thế tục, hai Thánh Vinh-sơn Phao-lô và Louise de Marillac, qua các việc bác ái từ thiện, đã có công đầu tại Pháp vào thế kỷ 17 trong việc chặn đứng phong trào ly giáo.

(Because of the Wars of Religion in France, the Counter Reformation did not pick up momentum there until the 17th century. Devotion to the poor, as exemplified by St. Vincent de Paul and St. Louise de Marillac, especially characterized the French experience. Considerable attention was given there, as it was in Italy, to popular missions among the peasantry. Meanwhile, St. Francis of Sales, bishop of Geneva, published his Introduction to the Devout Life (1608), among the most popular of all works of Christian spirituality. "Counter Reformation", Microsoft ® Encarta ® Encyclopedia 2000. © 1993 - 1999 Microsoft Corporation. All rights reserved.)

Ðất nước Việt Nam chúng ta mang ơn các Nữ Tử Bác Ái rất nhiều. Ða số công việc phục vụ của các chị đều âm thầm vô danh tuy một số được nhiều người biết đến như thiết lập và điều hành các trại phong Bến Sắn, Di Linh, Phước Tân, và mới đây là Trung tâm Mai Hòa chăm sóc bệnh nhân AIDS trong những ngày sau cùng. Ðặc điểm nổi bật nhất của các chị là luôn phục vụ người nghèo và trong yêu thương và khiêm tốn với tư cách người đầy tớ theo lời căn dặn của cha Thánh Vinh-sơn: "Khi các con cho người nghèo bánh ăn, các con còn phải xin lỗi họ."

Ngày 15.3.2003, một Thánh Lễ mừng 70 năm khấn dòng của chị Jean Gabriel Ðặng Thị Cúc; 60 năm của chị Aimée Nguyễn Thị Nữ; và 25 năm của 11 chị khác. Trên tấm thiệp báo đơn sơ ta chỉ đọc được vỏn vẹn hàng chữ đơn sơ: "Tất cả là Hồng Ân".

Xét cho cùng không có Hồng Ân nào to lớn hơn là được sai đi phục vụ Chúa Giê-su nơi người nghèo.

 

Hoàng Thiên Ân

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 104, năm 2003)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page