Ngày 3 tháng 3
Thánh Nữ Katharine Drexel
(1858 - 1955)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Nếu quý vị có cha là một trùm tư bản ngân hàng quốc tế và mỗi khi đi tầu hỏa quý vị có hẳn một toa riêng sang trọng thì một cuộc sống khó nghèo tự nguyện xem ra rất là xa vời đối với quý vị. Nhưng nếu quý vị có một bà mẹ mỗi tuần mở cửa nhà ba ngày để đón tiếp người nghèo và một ông bố của quý vị mỗi chiều dành ra nửa tiếng để cầu nguyện thì việc dâng hiến cuộc sống để phục vụ người nghèo và cho đi hàng triệu đô-la cũng có thể nằm trong tầm tay của quý vị. Katharine Drexel đã làm được kỳ tích này.
Cô chào đời năm 1858 tại Philadelphia, Hoa Kỳ. Một nền giáo dục lý tưởng và những cuộc du lịch khắp nơi dĩ nhiên là những điều bình thường nơi cô con gái một triệu phú. Với lắm tiền nhiều của thì con đường vào đời của cô rộng thênh thang. Nhưng khi cô chăm sóc bà mẹ kế trong ba năm liệt giường sau cùng, cô thấy rõ ràng rằng tất cả của cải của gia tộc Drexel cũng không thể bảo vệ cô khỏi đau khổ và cái chết. Từ đó cuộc đời cô có một bước ngoặt sâu xa.
Cô luôn quan tâm đến tình cảnh khốn khổ của những người da đỏ và cô càng xúc động vô vàn khi đọc cuốn sách "Một Thế Kỷ Ô Nhục" của Helen Hunt. Trong một lần du lịch Âu Châu cô gặp Ðức Giáo Hoàng Lê-ô 13 và xin ngài cử thêm các nhà truyền giáo đến Wyoming trợ giúp bạn cô là Ðức Giám Mục James O'Connor. Ðức Thánh Cha chỉ nhẹ nhàng gợi ý cho cô: "Tại sao chính con không trở thành một nhà truyền giáo?" Câu trả lời của ngài làm cô bàng hoàng và đã mở ra những chân trời mới cho cô.
Quay về tổ quốc, cô đến thăm dân da đỏ Dakotas, gặp mặt lãnh tụ của dân Sioux là Mây Ðỏ và bắt đầu việc trợ giúp có hệ thống cho việc truyền giáo cho dân da đỏ.
Cô đã có thể dễ dàng lập gia đình. Nhưng sau nhiều cuộc thảo luận với Ðức Giám Mục O'Connor, cô ghi lại vào năm 1889: "Lễ Thánh Cả Giu-se đã mang đến cho tôi hồng ân dâng hiến đời mình cho người da đỏ và người da đen." Các tờ báo vào thời đó đã phải la toáng lên: "Một cô gái đã cho đi bẩy triệu đô-la!" (Theo thời giá thì phải bằng hàng trăm triệu đô-la hiện nay)
Sau ba năm rưỡi đào luyện, cô và nhóm Nữ Tu tiên khởi (Chị Em Thánh Thể vì Người Da Ðỏ và Da Ðen) thiết lập một ngôi trường nội trú tại Santa Fe. Hàng loạt các ngôi trường khác tiếp nối hình thành. Vào năm 1942 cô đã có một hệ thống các ngôi trường Công Giáo trong 13 tiểu bang, thêm vào đó là 40 trung tâm truyền giáo và 23 ngôi trường tại miền quê. Bọn phân chủng điên cuồng chống đối cô, chúng còn đốt cả một ngôi trường tại Pennsylvania. Tổng kết, cô đã thiết lập được 50 cơ sở truyền giáo cho người da đỏ tại 16 tiểu bang.
Hai đấng thánh đã gặp nhau khi Mẹ Cabrini (1850 - 1917, người Hoa Kỳ đầu tiên được phong thánh, đấng đã sáng lập Dòng các Chị Em Thánh Tâm năm 1880) cố vấn cho cô về cách thức xin Rô-ma châu phê Hiến Pháp của Dòng do cô thành lập. Thành quả lớn lao của cô là thiết lập Ðại Học Xavier tại New Orleans, đại học đầu tiên tại Hoa Kỳ dành cho người da đen.
Vào năm 77 tuổi, cô bị một cơn đau tim và bắt buộc phải về hưu. Về mặt bề ngoài thì hiển nhiên là cuộc đời của cô đã qua đi. Nhưng về bên trong lại bắt đầu 20 năm sống trong thinh lặng và cầu nguyện mãnh liệt của cô trong một căn phòng nhỏ nhìn sang nhà nguyện. Những cuốn sổ nhỏ và các tờ giấy ghi chép đã ghi lại nhiều lời cầu nguyện, chiêm niệm và hoài bão của cô. Cô qua đời vào năm 96 tuổi và được phong Hiển Thánh vào năm 2000.
Các thánh luôn có một tiếng nói chung là: Cầu nguyện, khiêm nhường, đón chịu thập giá, yêu thương và tha thứ. Nhưng thật tuyệt vời khi ta có thể nghe những điều này nơi một cô gái đôi tám đài các, từ bé đã sống trong nhung lụa cực kỳ sa hoa, nhưng đã quyết tâm không ăn bánh ngọt, không ăn mứt, bé xíu đã đeo bông tai và đồng hồ (chỉ có trẻ em con nhà thật giàu vào thời đó mới có được những thứ đó), hay đuợc báo chí phỏng vấn, thường xuyên đi du lịch bằng xe lửa, mà lại thiết tha với việc truyền giáo cho người da đỏ. Ðây là một nhắc nhở cho chúng ta rằng sự thánh thiện có thể đạt được ở khắp mọi nơi, ngay ngày hôm nay tại đây cũng như ở Rô-ma và Giê-ru-sa-lem.
Thánh nữ Katharine Drexel đã nói: "Sự kiên trì khiêm nhường và nhẫn nại của Thập Giá - dù thực chất là gì đi nữa - là công việc tối thượng mà chúng ta phải làm. Nay đã 84 tuổi mà tôi còn xa vời biết bao trong việc trở thành một diện mạo của Chúa Giê-su như Ngài đã sống cuộc đời chí thánh của Ngài trên thế gian."
Lễ kính Thánh Katharine Drexel vào ngày 3 tháng 3 hàng năm.
Hoàng Thiên Ân
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 103, ngày 8/03/2003)