Khám Phá Mới Về Thai Nhi Và Trẻ Sơ Sinh

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Phần I: Sự Thức Tỉnh Của Các Giác Quan Thai Nhi

Thai nhi khi còn ở trong bụng mẹ có cảm nhận được thế giới bên ngoài không? Các bà mẹ của mọi dân tộc trên thế giới, từ ngàn xưa đến nay, vẫn trả lời Có. Thậm chí, trong triết lý đạo đức Trung Hoa cổ còn có câu: "Giáo thai nhi, giáo vi thành thai" (Thai Giáo - Dạy dỗ thai nhi từ trước khi có thai). Trong khi đó, một số nhà khoa học lại từng khăng khăng nói Không, chỉ coi thai nhi như một sự vật đang hình thành không có cảm nhận, không có cảm ứng, chỉ có thể có được vài cử động tự phát mà thôi. Những kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy họ đã sai lầm, sai lầm nghiêm trọng!

Trong vòng 20 năm trở lại đây, nhờ những kỹ thuật thăm dò hiện đại, như điện tâm đồ và nhất là kỹ thuật siêu âm Doppler mã hóa màu, thai nhi không còn là một người "khách xa lạ" nữa. Từ khi còn "nằm kén" trong bụng mẹ, thai nhi đã không sống tách biệt với thế giới bên ngoài đang chờ đón nó.

 

Sự Thức Tỉnh Của Các Giác Quan

Ðã từ rất lâu, những nhà phôi học đã mô tả một cách chính xác, chi tiết và cụ thể sự hình thành dần dần về một cơ thể học các hệ thống giác quan của thai nhi. Nhưng, chỉ mãi gần đây, người ta mới biết - tuy còn sơ lược và chưa đầy đủ, là những hệ thống này đã hoạt động thật sự ngay từ rất sớm.

Chỉ sau tuần lễ thứ 7, các giác quan mắt và tai đã được phác hình và thai nhi bắt đầu bước vào cuộc sống cảm nhận. Cũng giống như ở các động vật có vú khác, giác quan hoạt động đầu tiên của thai nhi là xúc giác (sờ mó). Ngay tuần lễ thứ 11 của thai kỳ, toàn bộ mặt, gan bàn tay, gan bàn chân của bé đã có những cơ cấu da cần thiết cho sự mẫn cảm của xúc giác. Nằm trong túi nước ối, được bảo vệ khỏi những va chạm mạnh, thai nhi đã cảm nhận được sự tiếp xúc với cơ thể của mẹ (thành tử cung) và cơ thể của chính nó.

Sau 16 tuần, qua màn ảnh siêu âm, người ta đã thấy nó mút ngón tay cái, sờ nắn cuống nhau và có khi cậu bé (hoặc cô bé) tương lai đã sờ lên trán như đang suy tư một điều gì. Phản xạ mút ngón tay xuất hiện sớm nhất và cũng được giữ lâu nhất sau khi ra đời.

Giống như một phi công vũ trụ trong trạng thái không trọng lực, thai nhi trôi nổi trong túi ối đầy nước, nhưng nhờ sự phát triển của tai trong, cơ quan tiền đình, thai nhi đã có cảm nhận được sự thăng bằng, tuy chưa phân biệt được đâu là trên, đâu là dưới, nhưng nó đã phân biệt được vị trí nằm hay ngồi dậy, đi hay đứng của mẹ. Vì thế các nhà sản khoa đang tự hỏi, có những bà mẹ mang bầu nằm nhiều quá, hoặc lại cử động quá nhiều, quá mạnh thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi? nhờ những thông tin của tiền đình trong tai, vào những tuần lễ cuối thai kỳ, bé đã có phản xạ tự chuyển động để nằm trong tư thế "ngôi đầu" là ngôi bình thường và thuận tiện nhất cho lúc bé sẽ sinh ra.

Sau xúc giác thì đến khứu giác (ngửi) và vị giác (nếm) bắt đầu hoạt động. Ngay từ tuần lễ thứ 11, cấu trúc lưỡi của thai nhi đã không khác bao nhiêu so với một người lớn. Bé đã phân biệt được 4 vị mặn, ngọt, chua, đắng, và dường như nó cũng đã "hảo ngọt", thích ngọt hơn tất cả các vị khác. Cấu trúc của mũi cũng đã bắt đầu được hình thành và hoạt động ngay từ tháng thứ 7. Qua nước ối, bé đã cảm nhận được mùi những thức ăn của mẹ đã dùng và dường như cũng đã có phản ứng thích mùi này, không thích mùi kia. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trong nước ối và trong sữa của những bà mẹ Ấn-độ một cái mùi rất Ấn-độ là mùi cà-ri, nhưng không nói rõ là cô bé hay cậu bé Ấn-độ tương lai kia có thích cái mùi quá quen thuộc ấy không.

Cơ quan thị giác (nhìn) cũng được hình thành rất sớm, ngay từ tuần lễ thứ 4, nhưng quá trình hoàn thiện lại rất chậm, phải đợi mãi đến khi đứa bé ra đời mới thật hoàn chỉnh. Tuy vậy, vào khoảng tuần lễ thứ 20, qua màn ảnh siêu âm, đã thấy những mi mắt của nó mở ra, khép lại và có khi cầu mắt liếc về phía này hay phía kia. Bé đang tập nhìn rồi chăng? Trong bụng mẹ tối lắm, chỉ có 10% của ánh sáng đỏ và 5% của ánh sáng xanh có thể xuyên qua được thành bụng của mẹ thôi. Nhưng có một điều chắc chắn là thị giác của bé đã hoạt động, vì khi người ta dùng một nguồn ánh sáng để soi tử cung thì thấy nó có phản ứng và điện tâm đồ ghi nhịp tim của nó nhanh lên rõ rệt.

 

Lắng Nghe Thế Giới Bên Ngoài

Trong tất cả các giác quan thì thính giác (nghe) của thai nhi có lẽ hoạt động nhạy bén nhất và cũng được các nhà khoa học nghiên cứu nhiều nhất. Người ta biết rằng khoảng tuần lễ thứ 24, tai giữa và tai trong của thai nhi đã có gần đầy đủ các cơ cấu để nghe được. Nhưng bé nghe thấy gì trong bụng mẹ? Những tiếng ồn ào thật khó chịu: tiếng sôi bụng, tiếng róc rách của các chất lỏng chảy trong ruột, tiếng tim mẹ đập thình thình... tất cả lên tới nhiều décibel. Những tiếng động từ bên ngoài vào thì bị thành bụng của mẹ làm cho yếu hẳn đi, tuy vậy bé vẫn nghe được.

Qua nhiều thử nghiệm, người ta thấy bé thích nghe tiếng người nói hơn là các tiếng động khác. Bé phân biệt được tiếng của nam giới, nữ giới, và chỉ cần nói với cường độ nói chuyện bình thường là đủ để bé nghe được. Tiếng của mẹ nói, bé nghe rõ hơn tất cả các tiếng nói khác. Khi mẹ nói chuyện với một người phụ nữ khác, bé phân biệt được tiếng nào là của mẹ, tiếng nào là của người kia.

Về các tiếng động bên ngoài, thì âm thanh cao bé nghe rõ hơn là âm thanh trầm. Bé nghe âm nhạc rõ hơn tất cả. Không còn nghi ngờ gì nữa, những bản nhạc du dương êm dịu có tác động rất dễ chịu đối với bé, làm dịu hẳn những cử động của nó và đưa nó vào giấc ngủ ngon. Quan trọng hơn nữa, một bài hát ru của mẹ, hát đi hát lại nhiều lần trong khi mang thai, sẽ được bé ghi vào "bộ nhớ" của nó, và sau này khi ra đời, bé vẫn nhận ra được và nín khóc ngay.

Ðã từ lâu, người ta vẫn nghi ngờ là tiếng nói và tiếng động bên ngoài có một ảnh hưởng quan trọng đối với thai nhi, nhưng trước đây chưa tìm được cách chứng minh điều ấy. Vào cuối thế kỷ 19, bác sĩ Adolf Cussmaul, một nhà Thần Kinh - Sinh Lý Học người Ðức, làm thí nghiệm: nói thật lớn một câu trước bụng của người mẹ sắp sinh, rồi ghé tai vào bụng xem thai nhi có trả lời không. Tất nhiên là không rồi, và do đó ông kết luận nó chẳng nghe thấy gì hết. Ngày nay, với những cuốn phim siêu âm 3 chiều, người ta thấy chẳng những bé nghe rõ tiếng nói của mẹ, mà còn... mỉm cười nữa khi nghe người ta nói về nó hoặc nói với nó.

Giọng và điệu nói của mẹ rất quan trọng đối với thai nhi. Giọng của bố và của những anh chị cũng quan trọng không kém. Người ta đã thấy khi nói bằng một giọng có âm thanh hơi cao, nói một cách dịu dàng thân thương gần bụng một người mẹ có thai nhi mới hơn 3 tháng, đã thấy thai nhi có phản ứng như đến gần hơn thành bụng mẹ để nghe cho rõ. Người ta đã giải thích một cách "vật lý học" như sau: vì các sóng âm đã đi xuyên qua thành bụng mẹ, thành tử cung và túi ối, ảnh hưởng đến thai nhi để kéo nó lại gần. Giải thích này chưa hoàn toàn thỏa đáng. Nhưng dù sao, trong đời sống hàng ngày, một cuộc cãi vã to tiếng, hoặc mở những loại nhạc kích động, la hét om sòm... ở gần một phụ nữ đang mang thai là một điều rất không nên, vì có hại rõ ràng.

Ông bà cha mẹ ta trước đây cũng đã cảm nhận sâu sắc, qua kinh nghiệm lâu đời tất cả những điều này, để dạy dỗ khuyên bảo con cháu trong nhà khi có mang thai. Trong những phong tục tập quán cổ truyền của dân gian đối với người mẹ mang thai, có một danh từ cực kỳ có ý nghĩa, đó là chữ "thai giáo", tức là dạy dỗ con người ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

 

Phần II: HAPTONONICE - Khoa Học Tiếp Cận Thai Nhi

Làm cách nào để tiếp xúc, để "đối thoại" với một thai nhi còn nằm trong bụng mẹ? Khoa Tiếp Xúc Học (tạm dịch danh từ Haptononice) sẽ cho ta câu trả lời. Ðó là một khoa học rất mới, nhưng dựa trên cơ sở những kinh nghiệm của loài người từ ngàn xưa đến nay. Haptononice (xuất nguyên từ hai chữ Hy-lạp Hapsis là sờ mó với mục đích giúp đỡ săn sóc, và Nomos là quy luật), được chính thức định nghĩa như một khoa học của tính xúc động và tiếp xúc tâm-xúc giác (Une science de l'affectivité et du contact psychotactile). Khoa học này do một người Hà Lan tên là Frans Veldman phát minh ra từ năm 1945.

Có lẽ một định nghĩa quá chuyên môn như trên sẽ chỉ làm cho tối nghĩa hơn thôi, nên xin lấy một ví dụ cụ thể cho dễ hiểu: một con người đang đau đớn quằn quại, nếu được bàn tay thân thương của một người thật tình xúc động, đặt lên tiếp xúc với nơi đau có thể làm dịu hẳn cơn đau. Trước đây người ta chưa giải thích được hiện tượng này, nhưng ngày nay, nhờ những tiến bộ của khoa Thần Kinh học, điều đó không còn là bí ẩn nữa. Lãnh vực của nó bao trùm lên tất cả sự đau đớn của con người, vì thế, khoa học này đã ra đời từ ngay sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 đẫm máu, vốn đã để lại bao nhiêu đau thương cho nhân loại. Với khoa học này, người ta có thể thực hiện những cuộc tâm lý trị liệu cho trẻ em và người lớn, giúp đỡ những người tàn tật, săn sóc những người hôn mê, những người hấp hối... trong mọi tình huống của cuộc sống. Ứng dụng của Tiếp Xúc Học đối với thai nhi chỉ là một khíc ạnh của khoa học này, nhưng là một trong những khía cạnh hấp dẫn nhất, làm say mê nhất.

 

Chờ Ðón Bé Ra Ðời

Ðó là một câu nói thường tình trong đời sống hàng ngày, nhưng chứa đựng biết bao tình cảm, bao xúc động và hy vọng. "Chờ đón" bao hàm cái ý mong muốn: mong muốn có đứa con đó, mong muốn được dành một chỗ cho nó trong đời mình, trong gia đình mình và trong xã hội mình đang sống. Không biết một bà mẹ mang thai chờ đón trong sự yêu thương, sự thanh thản của tâm hồn như vậy "có tiết ra một chất gì đó để làm cho thai nhi khỏe mạnh hơn và dễ sống hơn không?"

Tuy khoa học chưa trả lời được câu hỏi này, nhưng kinh nghiệm muôn đời thì đã rõ, và rất nhiều nhà sản khoa, nhà Tâm Lý Học đã khẳng định kinh nghiệm này là có giá trị xác thực: một trẻ em được mong chờ yêu thương như vậy, khi ra đời thường hiền hậu, tỏa ra chung quanh một bầu khí hạnh phúc yêu thương. Nó tin cẩn và rất thích tiếp xúc với người chung quanh, dễ sống, dễ nuôi, ít bệnh tật, không quấy khóc nếu không có nguyên cớ. Ngược lại, một đứa trẻ không được mong muốn, không được chờ đợi, hoặc có sự chẳng lành nào đó trong quan hệ mẹ - con khi mang thai, thì tỷ lệ nguy cơ thai nhi bị bệnh, bị đẻ non, thậm chí, bị sẩy thai, chết lưu, hoặc có dị tật bẩm sinh là rất lớn.

Một nhà Tiếp Xúc Học có uy tín là Catherine Doleo Tolich, đã đi đến chỗ không tán thành cả việc cho người mẹ biết trước đứa con đẻ ra sau này là trai hay là gái, vì trong nhiều trường hợp điều này đã gây ra những thảm kịch đau thương không lường trước được: có bà mẹ mong ước một đứa con trai, khi qua siêu âm, biết mình sẽ sinh con gái, đã tỏ ra buồn rầu thất vọng mà không muốn có con nữa, và trong tâm trí đã hất hủi nó ngay từ khi nó chưa ra đời. Ðiều này ảnh hưởng một cách cực kỳ nghiêm trọng đến sức khỏe và cả đến mạng sống của thai nhi.

 

Mẹ Mời Bé

Những nhà Tiếp Xúc Học khẳng định: nếu một bà mẹ thật tình và nhiệt tình yêu thương đứa con mình mang trong bụng, thì có thể vận dụng tình mẫu tử đó để "mời nó chuyển động được trong tử cung, mời nó lên trên hoặc xuống thấp hay sang bên, giống như khi đang đưa nó bằng hai bàn tay mình vậy." Nhờ sự thức tỉnh sớm của các giác quan, thai nhi sẽ đáp ứng ý muốn chân tình của mẹ. Ðây là một khả năng cực kỳ quan trọng của người mẹ, đã được ứng dụng có hiệu quả trong nhiều trường hợp đe dọa sẩy thai hay đẻ non.

Trong cách sinh đẻ bình thường, người mẹ có thể hướng dẫn đứa con đi theo con đường tự nhiên mà mẹ đã mở ra, chứ không phải "cố tống nó ra ngoài như một thứ đồ vật". Trong trường hợp sinh đôi, người mẹ có thể chuyển một đứa con lên trên, trong khi hướng dẫn đứa bé kia xuống khung chậu để ra đời trước. Nhà chuyên khoa nhắc lại và nhấn mạnh: Tất cả những quá trình này chỉ thực hiện được trong quan hệ tình cảm và sự mời đón chân tình của người mẹ.

Hiện nay đã có nhiều nhà sản khoa và những ê-kíp hộ sinh được huấn luyện về Tiếp Xúc học. Họ đều công nhận với khoa học này, nhiều bà mẹ đã sinh đẻ một cách dễ dàng, tránh được những trường hợp phải dùng đến dụng cụ, phải làm phẫu thuật, hoặc phải kích thích dục sinh. Quan hệ mật thiết giữa mẹ và con đã có ảnh hưởng tốt đến sự co giãn của các cơ và dây chằng tử cung của người mẹ và làm giảm sự đau đớn khi sinh. Về mặt khoa học, điều này đã xảy ra vì có sự hoạt hóa của hệ thống gamma trong não bộ, và sự tiết xuất ra những chất morphine nội sinh (morphine endogène) giống như trong những trường hợp phải mổ xẻ ngoài mặt trận không có thuốc gây mê, người thương binh vẫn không cảm thấy đau, hoặc chỉ đau ở một mức độ chịu đựng được. Khi vật vã đau đẻ, người sản phụ có những phản ứng căng thẳng làm phong bế khung chậu và tầng sinh môn, cản trở đường ra của thai nhi. Một người mẹ được huấn luyện về Tiếp Xúc học sẽ mở đường cho con mình ra dễ dàng hơn. Xin đừng hiểu lầm đây là "những phương pháp đẻ không đau". Người mẹ vẫn đau, nhưng dễ dàng chịu đựng được, vượt lên được cơn đau để không cản trở sự ra đời của đứa con.

 

Ðối Thoại Với Thai Nhi

Người bố cũng có vai trò không kém phần quan trọng, có thể từ bên ngoài, dùng bàn tay và tiếng nói của mình để "mời bé": đặt bàn tay nhẹ nhàng trên bụng người mẹ, rồi xê dịch bàn tay nhưng vẫn giữ sự tiếp xúc với thành bụng, bé sẽ đến ngay theo lời mời, nằm gọn một cách tin cẩn trong lòng bàn tay bố. Sự đáp ứng nhanh chóng và rõ ràng của bé tùy thuộc vào "chất lượng của lời mời và sự sẵn sàng của bé".

Trong bụng mẹ, bé ngủ li bì suốt ngày, nhưng giấc ngủ có lúc sâu, lúc nhẹ. Khi bé ngủ nhẹ thì rất dễ cảm nhận thấy bàn tay mời, và bé dường như cũng rất thích sự mời chào này. Khi bé không sẵn sàng đáp ứng thì người mẹ cảm thấy ngay, nên trong tất cả quá trình này, sự tham gia của người mẹ là điều kiện không thể thiếu được. Những chuyển động của bé khi đáp ứng thường là chậm và dịu dàng. Người mẹ cảm thấy như bé đang bò nhẹ nhàng chứ không phải là những chuyển động mạnh và tự phát như trong nửa sau của thai kỳ mà người mẹ thường mô tả là "bé đạp, bé quẫy".

Các nhà Tiếp Xúc học dùng chữ "mời" là để bao hàm cái ý bàn tay phải hết sức nhẹ nhàng ve vuốt. Chỉ cần làm mạnh tay hoặc thô bạo một chút là bé dù đang đáp ứng cũng ngừng lại ngay, như "chờ đợi cho đến khi bàn tay trở lại dịu dàng như trước mới tiếp tục chuyển động lại".

Tiếng nói của người bố cũng rất quan trọng. Nếu người cha thường hay nói với bé - và điều này làm vui lòng người mẹ - thì mỗi khi người cha nói, là bé đến gần ngay phía có tiếng nói quen thuộc và dễ chịu đó, kể cả khi người cha không nói trực tiếp với bé, hay nói về bé.

Bàn tay dịu dàng âu yếm, tiếng nói nhẹ nhàng thân thương của bố mẹ là những cây cầu thiết lập sự đối thoại với thai nhi, nhằm mục đích giáo dục (giáo thai) với cái ý nghĩa cao quý của chữ này: "Vì con là một con người đang được mong đợi yêu thương, hãy tin cậy và thắt chặt mối liên hệ với bố mẹ nhé!"

 

Phần III: Bé "Dọn Nhà Ra Ở Riêng"

48 tiếng đồng hồ sau khi ra đời, một trẻ sơ sinh đã có thể nhận biết được mẹ qua việc nhìn mặt hay ngửi hơi mẹ. Chỉ vài ngày sau, bé đã có thể phân biệt được những vần rất gần nhau như "Ba", "Pa", "Ta"... Vài tuần lễ nữa sẽ đủ cho bé có được một số nhận thức về không gian, về vật lý, về toán học... nhiều thí nghiệm rất chặt chẽ đã đưa lại những phát kiến mới về trẻ sơ sinh, khó tin, nhưng hoàn toàn có thật. Trong những năm gần đây, bé đã không ngừng làm cho người lớn phải vô cùng ngạc nhiên. Có người đã coi đây là sự "khám phá một thế giới mới".

 

Bé Sử Dụng Năm Giác Quan Của Mình

Các nhà nghiên cứu khẳng định có một sự liên tuc chẳng những về mặt sinh học, mà cả về mặt tâm thần giữa thai nhi và trẻ sơ sinh: Cái thai được coi là một thai nhi, một đứa trẻ chờ ngày ra đời. Và sự sinh đẻ, theo cách nói rất hình tượng của nhà Tâm Lý Học Myriam Szeger, chỉ là "một cuộc dọn nhà sinh thái" (un déménagement écologique) của đứa trẻ từ cuộc sống trong bụng mẹ ra cuộc sống bên ngoài. Vì vậy, như trong phần I đã trình bày, các giác quan của thai nhi bắt đầu thức tỉnh rất sớm ngay khi còn trong bụng mẹ, sẽ tiếp tục phát triển khi ra đời.

Về thị giác (nhìn); khi mới chào đời, mắt bé nhìn còn kém lắm, hình ảnh nhạt màu, mờ, không rõ nét. Thị lực của bé yếu hơn của người lớn tới 60 lần do cơ cấu của mắt chưa được hoàn chỉnh, mật độ các tế bào thị giác ở võng mạc còn thấp. Nhưng sự phát triển sẽ rất nhanh: chỉ vào khoảng tháng thứ ba, thứ tư, khả năng thị giác của bé đã gần bằng của người lớn.

Tuy vậy, chỉ 48 tiếng đồng hồ sau khi ra đời, bé đã nhận ra được mẹ dù mẹ đứng sau một tấm kính, im lặng, và dù bé không ngửi thấy mùi gì của mẹ. Bé có thể nhìn chăm chú mọi khuôn mặt người ở cách mắt bé khoảng từ 20 đến 30 cm. Bé cũng đã phân biệt được một khối tròn, một khối vuông nếu có kích thước đủ lớn, và bé đã có thể theo dõi được một vật chuyển động chậm, thậm chí, nếu có một vật gì tiến lại phía bé nhanh quá, bé đã có phản xạ ngửa đầu ra sau như để tránh nó. Nói chung, bé thích những vật được chiếu sáng rõ, có hình tròn và chuyển động chậm.

Thính giác (nghe) là giác quan được thức tỉnh rất sớm trong bụng mẹ, và chỉ 10 phút sau khi ra đời, bé đã có khả năng nhận biết được âm thanh quan trọng nhất trong cái thế giới nhỏ bé của nó, đó là tiếng nói của mẹ. Dần dần, bé đã có thể định hướng được nơi xuất phát của âm thanh, và sau 3 tháng, bé đã có thể quay đầu về phía có tiếng nói của mẹ.

Ngưỡng thính lực của bé cao hơn của người lớn, nên bé nghe những âm thanh cao rõ hơ cả. Bé thích tiếng nói của người hơn bất cứ một thứ âm thanh nào khác. Bé có khả năng phân biệt được các âm thanh khác nhau trong tiếng nói và nhận ra dễ dàng "tiếng mẹ đẻ" của bé. Thí dụ: một người mẹ Việt Nam nói tiếng Việt, rồi nói một tiếng ngoại quốc, bé sẽ nhận ra ngay và có những phản ứng khác nhau mặc dù chưa hiểu mẹ nói gì.

Khứu giác (ngửi) có lẽ là phương tiện thứ nhất của bé để nhận ra mẹ và quấn quít với mẹ. Từ xa xưa, người ta đã nhận ra điều này và có một câu nói vừa âu yếm, vừa hình tượng: "Con quyện hơi mẹ". Người ta đã làm thí nghiệm, lấy một cái khăn ấp lên vú bà mẹ, rồi lấy nhiều khăn khác ấp lên vú của nhiều phụ nữ khác, chỉ 45 tiếng đồng hồ sau khi ra đời, bé đã nhận ngay ra được cái khăn nào có ấp hơi của mẹ giữa các khăn khác mà không nhầm lẫn.

Về vị giác (nếm), cũng như lúc còn trong bụng mẹ, khi mới ra đời, bé đã nhận ra được 4 vị khác nhau là ngọt, mặn, đắng và chua. Các nhà nghiên cứu còn thấy ở lưỡi bé và cả ở mặt trong của má nữa, nhiều tế bào vị giác hơn của người lớn. Nói chung, những chất đắng và chua làm cho bé nhăn mặt, và dường như bé chỉ hảo ngọt đến nỗi nếu đem vị ngọt pha vào với các vị khác, thì bé sẽ chấp nhận hết trong điều kiện mà một trẻ lớn hơn hay cả người lớn có thể từ chối.

Cuối cùng là xúc giác (sờ mó). Mới ra đời, đứa trẻ nào cũng đã có thể níu chặt lấy các đồ vật để vào tay nó. Những rồi rất nhanh chóng, nó đã bắt đầu chú ý đến hình thể và tính chất rắn hay mềm của đồ vật. Trong việc này, cái miệng giúp đắc lực cho bàn tay để bé thu thập được thêm các thông tin. Tuyệt vời hơn nữa là bé có thể ghi nhận những thông tin này vào bộ nhớ của mình và bé sẽ có những phản ứng khác nhau khi người ta đưa cho bé một vật mới hay một vật mà bé đã "biết" trước đó rồi. Bé còn có khả năng liên hệ với nhau những thông tin về nhìn và sờ mó, sự liên hệ này cũng đã ghi vào bộ nhớ của bé.

 

Bé Khóc Và Bé Nói

Có nên để bé khóc không? Có người cho rằng: "Cứ nên để cho khóc, bé càng gào to thì càng nở phổi". Người khác lại nghĩ: "Bé khóc mà dỗ ngay cho nín thì sẽ làm hư bé đi". Các nhà chuyên môn hiện nay khẳng định: cả hai quan niệm này đều rất sai lầm.

Bé khóc không phải là vô cớ. Tiếng khóc là phương tiện duy nhất của bé trước khi biết nói, để thể hiện một sự đau đớn, khó chịu, bực bội, sợ hãi... Nếu không được đáp ứng, không được giải quyết những điều bé thông báo, thì cuối cùng bé khóc mệt cũng nín thôi. Nhưng như vậy sẽ làm cho bé cảm thấy mình bị bỏ rơi, mất lòng tin, mất sự quấn quít đối với những người có trách nhiệm phải bảo vệ bé và khó lòng gầy dựng được những cầu nối đối thoại.

Lúc đầu, tiếng khóc của bé không được biệt hóa lắm, nhưng chỉ sau vài tuần, bé đã biết chuyển lựa giọng khóc sao cho có tính chất thông báo hơn. Thí dụ, bé sẽ khóc thét để báo một sự đau đớn, sợ hãi; khóc to nhưng không hốt hoảng để báo là bé đói cần bú; khóc ề à khi muốn ngủ; khóc rấm rứt muốn đi tìm mẹ...

Không có một bà mẹ nào trên thế giới lại không hiểu được cuộc "đối thoại mật mã" này với con mình mà chẳng cần phải có ai chỉ bảo cho cả. Cái cầu nối đối thoại giữa bé và mẹ được hình thành rất sớm trước khi bé biết nói.

Khi bé bắt đầu líu lo tập nói, bé có thể phát ra được tất cả các âm thanh của mọi ngôn ngữ trên thế giới. Mà bé muốn nói lắm, thích nói lắm. Ngay trong tháng thứ nhất hay thứ hai sau khi ra đời, đã có những lúc thấy bé đầu lưỡi ra giữa đôi môi hé mở. Mỗi khi bé khép môi lại, thì nghe có tiếng gừ gừ rất nhỏ trong cổ họng, đồng thời có một bong bóng nước bọt nở ra ở trên môi. Các nhà chuyên môn gọi đây là một giai đoạn "trước líu lo" (pré-babillage) còn chưa ra tiếng và là cơ sở để bé tập nói sau này.

Tiếng líu lo nghe thấy được của bé bắt đầu từ tháng thứ ba và sẽ mau chóng trở thành những âm thanh thật sự, mà hay nghe thấy nhất và rõ nhất là các âm "ôôô", "aaa". Từ tháng thứ ba đến thứ sáu, bé tự luyện tập để phát ra các vần ba, ca, đa, ma, pa...

Giữa tháng thứ sáu và tháng thứ bảy, bé đã có thể ghép được các vần "mama", "papa". Nhưng phải sau 9 tháng, bé mới biết với ai thì gọi "papa" hay "mama". Lúc này, bé bắt đầu biết thay đổi âm lượng, âm sắc và tốc độ nói, giống như một nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc của mình. Ðến một tuổi, bé đã có thể biết dùng một số câu nói ngắn, nhưng phải hai tuổi thì mới có thể tự đặt ra vài câu nói đơn giản.

Như vậy đã qua rồi cái thời người ta coi trẻ sơ sinh chỉ là "một cái ống tiêu hóa" hay so sánh nó với một tờ giấy trắng, trên đó muốn viết gì cũng được. Thật ra, trẻ sơ sinh có những năng khiếu rất đặc biệt. Khi mới ra đời, bộ não của nó cân nặng bằng một phần tư khối lượng bộ não của người trưởng thành và chứa nhiều neurones thần kinh hơn bất cứ bộ não của một người lớn nào thông minh nhất.

 

Bác sĩ Ngô Văn Quỹ. Trích từ tạp chí Thế Giới Mới.

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 17, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page