Tình Trạng Mang Thai Và Nạo Phá Thai

Nơi Lứa Tuổi Vị Thành Niên Ở Sài-gòn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Vấn đề nạo phá thai của thanh thiếu niên tại Việt Nam đang có khuynh hướng ngày một tăng cao, con số nạo phá thai hàng năm xấp xỉ với tổng số cháu bé được sanh ra trên toàn quốc. Năm 1997, tổng số sanh trên toàn quốc là 1.138.607 ca, thì con số nạo phá thai là 934.302 ca. Năm 1998, số sanh lấy 1.101.791 ca, thì nạo phá thai là 861.353 ca. Trong đó có 13,4% là "bà mẹ - trẻ con" từ 15 - 19 tuổi (giai đoạn 1885 - 1996, theo báo Sức Khỏe và Ðời Sống số 75). Riêng bệnh viện Từ Dũ mỗi năm có trên 40.000 ca nạo phá thai (1997: 41.104 ca. 1998: 34.130 ca. Sáu tháng đầu 1999: 29.236 ca). Con số nhiễm trùng, sót nhau, thủng tử cung do nạo phá thai cũng không nhỏ, năm 1997 là 1669 ca; 1998: 4.447 ca.

Liên Hiệp Quốc cũng đã báo động và xếp nước ta vào một trong năm nước có tỷ lệ nạo phá thai lớn nhất thế giới, trong khi chỉ số phát triển con người của Việt Nam là 122 / 174. Ðiều nghịch lý này đã gây nên bao nỗi băn khoăn lo lắng cho những người giàu lương tri, nhiều tâm phúc.

Quan hệ tình dục và nạo phá thai của tuổi thanh thiếu niên trở thành vấn đề xã hội lớn nếu không muốn nói là nghiêm trọng: đó là vấn đề nhân cách của cả thế hệ trẻ; đó là vấn đề sức khỏe lâu dài của cộng đồng; đó còn là sự rạn nứt trong các mối tương quan gia đình và xã hội, vốn có liên hệ nhân quả chặt chẽ với việc quan hệ tình dục và nạo phá thai.

Từ tháng 6 đến tháng 11.1998, chúng tôi đã thực hiện cuộc nghiên cứu "Những yếu tố tác động đến việc mang thai và nạo phá thai ở tuổi thanh thiếu niên" bằng cách phỏng vấn 125 học sinh sinh viên đi nạo phá thai tại bệnh viện Từ Dũ. Xin tóm lược những điều đã ghi nhận được.

 

A. Ðiều Tra Và Thống Kê...

1. Những đặc điểm kinh tế, tôn giáo, văn hóa xã hội:

Học vấn các em chủ yếu là cấp II (36,8%) và cấp III (36,0%). Ða số là học sinh khá và học (50, 8%) và học trung bình (44,0%). Ðiều này cho thấy chỉ dạy kiến thức ở trường không thôi thì chưa đủ, phải dạy cho trẻ biết cách sống, vì hành vi mang thai và nạo phá thai không loại trừ học lực của các em. Hơn một nửa số mẫu (52,0%) điều tra trong thực tế cho thấy các em phải nghỉ học sớm để đi làm phụ giúp gia đình hoặc nuôi sống bản thân.

Các em trong mẫu nghiên cứu đều theo một tôn giáo nào đó. Trong đó Phật Giáo chiếm 67,2%, Thiên Chúa Giáo 16,8%. Tỷ lệ % trẻ vị thành niên đi nạo phá thai ở 2 tôn giáo này có một sự chênh lệch rất lớn vì người giáo dân bên Công Giáo được nghe giảng dạy về Giáo Lý Hôn Nhân và cách sống Ðạo nhiều hơn qua Thánh Lễ, qua các Lớp Giáo Lý trong Xứ Ðạo.

Các trẻ vị thành niên nạo phá thai sống trong gia đình đông anh em (92%) có trên 3 anh em. Thực tế cho thấy một gia đình đông con thường lơi lỏng trong việc quản lý. Về hoàn cảnh gia đình: 68,8% còn đầy đủ cha mẹ; 31,2% còn lại các em phải sống trong hoàn cảnh gia đình cha mẹ ly hôn, cha mất, mẹ mất. Ða số các em tự đánh giá gia đình mình thuộc diện kinh tế trung bình trở lên, chỉ có 18,4% gia đình nghèo, kinh tế khó khăn.

2. Tìm hiểu các nguyên do:

Tìm hiểu và xác định các yếu tố liên quan và tác động đến nạo phá thai của trẻ vị thành niên, sẽ giúp chúng ta thấy rõ được sự thật của vấn đề. Từ đó đưa ra những giải pháp cần thiết và hợp lý nhằm giải quyết vấn đề. Qua nghiên cứu những thông tin chính thức và nổi bật liên quan đến đề tài được thể hiện sau đây:

- Quan hệ gia đình không tốt, thiếu quan tâm, thiếu bầu khí cảm thông và yêu thương:

Các em vị thành niên đi nạo phá thai trong mẫu nghiên cứu, vào những lúc nhàn rỗi thích gần gũi, tâm sự với người yêu nhất (42,4%), kế đó là bạn bè (36,0%), cuối cùng mới đến cha mẹ (16,2%). Cũng vậy, khi gặp khó khăn về tình bạn, tình yêu, chỉ có 4% hỏi ý kiến cha mẹ, 70% đến với bạn bè hoặc người yêu. Nhưng những kiến thức "tham vấn" cho nhau thường chỉ là những kinh nghiệm vụn vặt, ít chính xác, và sai lệch nữa.

Dường như các bậc cha mẹ rất ngại nói chuyện này cho con cái, có tới 66,2% các em hiếm khi và không bao giờ được nghe cha mẹ nói về tình yêu và hôn nhân gia đình. Nhìn chung, các bậc cha mẹ mới chỉ là cái "kho" phân phát tiền bạc, một chỗ dựa về kinh tế, chứ chưa thật sự là người bạn hiểu con, giáo dục con, là nơi con mình có thể tâm sự những bí mật thầm kín.

Bầu khí của gia đình được thể hiện rõ nét nhất qua bữa cơm. Xưa nay, trong truyền thống Việt Nam, bữa cơm gia đình vốn là thời điểm đầm ấm sum họp. Ở đó, các thành viên tìm thấy sự chia sẻ, cảm thông, trìu mến... Nhưng hiện nay, theo điều tra, chỉ có 30,4% các em được ăn cơm đầy đủ với cả ba mẹ, 20% với ba hoặc với mẹ, 49,6% ăn cơm với bà con hoặc lủi thủi ăn một mình. Gia đình khó tụ họp với nhau ở bữa cơm tối là do các thành viên bận đi làm, đi học (84%). Có thể nói, với xu hướng công nghiệp hóa hiện nay, nhiều đặc điểm của gia đình truyền thống Việt Nam đang từ từ biến mất. Tương quan gia đình trở nên lỏng lẻo, xa cách hơn.

Ngoài ra, hơn một nửa số điều tra (54,4%) cho thấy các em phải ăn cơm với cha mẹ trong bầu khí chẳng có gì thú vị. Mặt khác, có 11,2% các em thú nhận: sở dĩ các em quan hệ tình dục trước hôn nhân vì lúc đó, các em gặp chuyện buồn quá sức chịu đựng trong gia đình. Thật vậy, khi tương quan với người thân trong gia đình đổ vỡ, thì nhu cầu kết bạn, nhập băng nhóm trở nên bức xúc. Cá nhân bằng nhiều cách đi ra khỏi nhà để tìm chỗ nương tựa, bù đắp, hoặc phản kháng cho những gì họ thiếu thốn mất mát. Qua Tổng Ðài Tư Vấn 1088, chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp người phụ nữ "cho đi tất cả" khi họ khốn khổ trong tình cảm gia đình.

Xin đơn cử một trường hợp: "Cô ơi, cứu em với (HL. Gọi cho tôi trong tiếng nấc...) Em bỏ nhà đi bụi đời trong cơn tuyệt vọng vì gia đình xào xáo ly tán. Em đã sống buông thả, ăn ở với một người đàn ông có vợ và hai con trong suốt 3 năm qua. Càng ngày em thấy sức khỏe mình yếu kém, bị rối loạn tiêu hóa. Nghe bạn bè đi xét nghiệm mới biết mình bị nhiễm HIV. Khi cho anh ta hay sự thật, anh liền trở mặt bỏ em một mình..."

- Thiếu kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản:

Kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc mang thai và nạo phá thai của nữ vị thành niên. Các em đi nạo phá thai trong mẫu nghiên cứu hiểu biết rất ít về những kiến thức liên quan đến giới tính, sức khỏe sinh sản, cụ thể là không biết về cách ứng xử trong quan hệ nam nữ và các bệnh lây lan qua đường tính dục. 92% các em không hề biết các bệnh lậu, giang mai, bệnh phụ khoa là gì. Hơn 81% không có kiến thức về quan hệ nam nữ, về sự thụ thai và sinh nở, về tác hại của sự có thai ngoài ý muốn. Ðây là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh này, vì người phụ nữ vừa là nạn nhân nếu không biết cách bảo vệ, vừa là nguồn chuyển tiếp lây bệnh sang người khác. Trên 63% không biết những vấn đề cơ bản như cấu tạo cơ quan sinh dục nam nữ, hiện tượng kinh nguyệt, đặc điểm tâm lý tuổi dậy thì.

Chính vì sự thiếu hụt kiến thức trầm trọng như thế, có tới 80% các em mang thai mà lại không biết mình có thai, và cũng không biết việc nuôi dưỡng phát triển thai nhi. 90,4% không biết chắc chắn và biết một cách sai lạc khi trả lời câu hỏi: "Trong những trường hợp nào người phụ nữ có thể mang thai?" Phần lớn (82,4%) chỉ nhận ra mình có thai khi có sự thay đổi lớn trong cơ thể như trễ kinh nguyệt, mệt mỏi... Ða số các em (54,8%) đã đi nạo phá thai khi thai nhi lớn từ 3 đến 6 tháng.

Trường hợp: TL. 18 tuổi là thợ uốn tóc ở Gò Vấp. Em thấy bụng to, hốt hoảng nghĩ mình bị ung thư hay u xơ gì đó, nhờ bạn đưa đến bệnh viện Ung Bướu khám. Bác sĩ nghi ngờ, giới thiệu đến Trung Tâm Bảo Vệ Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em siêu âm, mới ngớ ra mình đã có thai 21 tuần!

Tìm hiểu sâu hơn nguồn cung cấp kiến thức đó, chúng tôi nhận thấy bạn bè, sách báo, phim ảnh là 2 nguồn chính để các em tìm đến để tiếp thu. Hai nguồn kiến thức này khó có thể là kiến thức có tính hệ thống, phù hợp và chính xác đối với tuổi của các em, và có tới 78,4% số em cảm thấy rất cần thiết và cần thiết được học hỏi những kiến thức trên.

Trong khi đó, vấn đề giáo dục giới tính cho con cái đến nay vẫn còn là điều "cấm kỵ". Cha mẹ cảm thấy kỳ cục, "bậy bạ", xấu hổ, lúng túng khi nói đến "chuyện ấy" cho con cái. 62% các em không được nghe cha mẹ hướng dẫn bao giờ! Ở nhà trường, chương trình cải cách giáo dục chưa đạt được như mong ước. Việc đào luyện về trưởng thành nhân cách chưa được quan tâm đúng mức. Những kiến thức về giới tính mới thì chỉ được hướng dẫn quá sơ sài đại khái.

Ngoài một số Giáo Xứ có các khóa Giáo Lý Dự Bị Hôn Nhân, chỉ có Nhà Văn Hóa Thanh Niên Sài-gòn và một số Trung Tâm Tư Vấn Tình Yêu Hôn Nhân gia Ðình có một số hoạt động thường xuyên để trang bị cho các bạn trẻ kiến thức hôn nhân gia đình. Những sinh hoạt như vậy chỉ mới đáp ứng được một số quá ít so với số thanh thiếu niên đông đảo của thành phố.

Ngược lại, ảnh hưởng của các văn hóa phẩm độc hại thì lại hết sức lớn. Hầu hết (88,9 - 93%) các em lãnh hội các kiến thức về tình yêu và giới tính từ bạn bè, sách báo và phim ảnh. Sự trao đổi loan truyền qua bạn bè thường chỉ là những kinh nghiệm đơn lẻ vụn vặt của bản thân... Trong những năm gần đây, tràn lan những sách báo về chuyện tình lãng mạn lăng nhăng, bói toán, mang tính kích động bạo lực... chạy theo thị hiếu tò mò của các em nhằm mục đích kinh doanh. Do đó, có thể nói, nguồn kiến thức cung cấp cho các em không phải là những kiến thức có hệ thống và khoa học.

- Các lý do dẫn đến quan hệ tính dục trước hôn nhân:

Giới Trẻ ngày nay thích sống theo quan niệm "sống hiện đại, yêu hiện đại", "yêu là phải yêu hết mình, phải cho và nhận tất cả". Trong Giới Trẻ hình thành quan niệm yêu nhau mà "không đi đến tận cùng" thì không phải là yêu!

Có trên 50% các em đi nạo phá thai khi mới quen nhau trong vòng một năm. Có những em thời gian quen nhau xấp xỉ số tuần thai mang trong mình. Trường hợp: bạn TC. Ở Ðà Nẵng vào Sài-gòn học uốn tóc, quen với T. được 6 tháng mà đã có thai được 4 tháng rưỡi!

Cũng có những bạn trẻ bị áp lực của nhóm bạn, bằng những thách đố phải thử "chuyện ấy" để chứng tỏ tình yêu "trọn vẹn", không biết thử là "cù lần", là "cổ hủ". Trường hợp: Bạn H. tâm sự: "Em đang ở trạng thái giằng xé không chịu nổi, bởi mối quan hệ giữa em và T. Khi T, đến với em, em không rõ mình có yêu thương thật sự hay không. Nhưng mặc cảm về mình không biết sự trinh tiết của con gái làm em điên lên. Ðã nhiều lần em hành hạ T. Bây giờ em không biết làm gì đây, vì T. đã có thai 4 tháng!

Hơn một nửa số mẫu điều tra thú nhận: lúc đó các em yêu nhau không kềm chế được. 13,3% gặp chuyện buồn trong gia đình không thể vượt qua được. 11,2% bị ép chứ không đồng ý quan hệ, 8,8% tò mò muốn thử cho biết và 8% bạn trai bắt phải chứng minh tình yêu.

- Bị phản ứng của mọi người:

Cha mẹ của trẻ vị thành niên đi nạo phá thai giận dữ, ruồng bỏ (54%) hơn là cảm thông chia sẻ (40%). Với các bạn trai, người họ đã yêu thương trao thân gởi phận cũng trở mặt với họ (15,8%), hoặc khuyên họ đi nạo phá thai (55,8%).

Từ những phản ứng đối xử của những người thân như trên, cộng với sự khủng hoảng về tâm lý, sức khỏe... làm cho đa số (80%) các em cảm thấy buồn bã, lo âu, tuyệt vọng muốn kết liễu cuộc đời. Chính vì thế họ chọn cách thức nạo phá thai để bỏ đi dấu vết lầm lỡ của mình. Trong quá trình quyết định này, bản thân các em là người chi phối nhiều nhất (68,8%), kế đến là cha mẹ (18,4%), sau đó mới đến người yêu (8,8%).

- Sự dễ dàng có được các dịch vụ nạo phá thai:

Ở Việt Nam, các dịch vụ nạo phá thai được cho phép và hoạt động công khai. Bất kỳ phụ nữ nào có nhu cầu lập tức sẽ được đáp ứng nhanh chóng, thuận lợi, rẻ tiền nữa.

Theo số liệu nghiên cứu, đa số trẻ vị thành niên chưa chồng đi nạo phá thai lần đầu 83,2%, nhưng khi họ đã phá thai một lần thì họ dễ dàng có thai lần thứ hai và thứ ba. Nhiều phụ nữ ngộ nhận nạo phá thai là hành vi... ngừa thai. Theo họ, nếu nạo phá thai là xấu thì Nhà Nước đã ngăn cấm. Họ coi đây là lý do an toàn để biện hộ cho những căng thẳng nội tâm.

 

B. Hậu Quả Và Di Hại...

Hầu hết các trường hợp có thai ở tuổi vị thành niên đều đưa đến cho các em 2 sự chọn lựa: Cưới vội hoặc nạo phá thai. Sự lựa chọn nào cũng gây ra những hậu quả nặng nề như sau:

- Sức khỏe:

Ở tuổi này, các em chưa phát triển đầy đủ về thể lý và tâm lý để làm vợ và làm mẹ. Sợ hãi, buồn phiền, giấu diếm, thiếu kiến thức... Vì thế, những qdinh thường chậm, nên không thể tiến hành bằng các thủ thuật ít tai biến như điều hòa kinh nguyệt. Ðại đa số các em vị thành niên phải dùng các thủ thuật Kovacs (phá thai to), thường đưa đến những hậu quả viêm rách hay thủng tử cung, nhiễm trùng, rong huyết, có thể gây vô sinh...

- Tâm lý:

Quan hệ tình dục và nạo phá thai ngoài hôn nhân thường làm cho các em mất đi niềm vui hồn nhiên tuổi trẻ, không được hưởng hương vị ngọt ngào trong hạnh phúc, tình yêu vợ chồng. Tất cả chỉ còn là dằn vặt, mặc cảm, âm thầm chịu đựng... Mối quan hệ gia đình vì thế càng xấu đi. 60% các em bị cha mẹ đối xử tiêu cực như giận dữ, quát mắng, đuổi khỏi nhà. Người bạn trai mà các em trao thân gửi phận thì lại trở mặt bỏ trốn, hoặc khuyên họ đi nạo phá thai (71,4%)... Trước mọi áp lực như thế, 80% các em lo âu buồn bã, thậm chí muốn tự tử để kết liễu cuộc đời.

- Xã hội:

Quan hệ tình dục và nạo phá thai là bất hạnh lớn đối với một bé gái vị thành niên: gián đoạn việc học hành, không có nghề nghiệp chuyên môn, lệ thuộc vào gia đình hay người chồng "trẻ con". Nếu lại còn bị chính gia đình và người bạn tình ấy ruồng bỏ thì cánh cửa tương lai như càng khép lại với các em.

Còn những đứa con sinh ra không được chờ đợi thì lại thường phải chịu sự bất hạnh ngay từ trong lòng mẹ. Thai nhi dễ bị sanh non, đẻ khó, dị tật, chậm phát triển về cơ thể và trí tuệ. Hậu quả về Tâm Sinh Lý sau này của các trẻ đó còn đáng sợ hơn nhiều khi chúng biết được rằng sự hiện diện của mình trên đời này là ngoài lòng mong muốn của cha mẹ.

Nếu tỷ lệ nạo phá thai chúng tôi khảo sát được chỉ là phần nổi của tảng băng ngầm do việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, thì những điều này còn có một mối liên hệ nhân quả liên hoàn rất khủng khiếp với những tệ nạn như: hiếp dâm, cướp giật, trộm cắp, mãi dâm, nghiện hút... cũng như với những căn bệnh xã hội, đặc biệt là HIV / AIDS, một thảm họa đang đe dọa loài người.

 

C. Ðề Nghị Và Dấn Thân...

Vấn đề quan hệ tình dục và nạo phá thai của tuổi vị thành niên tưởng như không nổi cộm bằng nhiều vấn đề xã hội đầy bức xúc khác như ma túy, HIV / AIDS..., nhưng thật ra, nó có một tầm mức nguy hiểm ngấm ngầm mà lại vô cùng lớn lao. Quan hệ tình dục và nạo phá thai ở tuổi vị thành niên phải được coi như triệu chứng của một căn bệnh: đó là căn bệnh hụt hẫng về nhân cách, là sự thiếu vắng hoặc sai lệch của những chuẩn mực và giá trị, là sự bơ vơ mất định hướng của tuổi trẻ... Căn bệnh này có căn gốc từ gia đình, học đường, xã hội, đồng thời, nó lại tác động đến tận nền tảng sâu xa của gia đình, học đường và xã hội.

Dựa vào những thông tin trình bày trên, chúng tôi nghĩ rằng: để giải đáp cho bài toán khó này, không thể chỉ xử lý bằng cách áp đặt theo luật pháp của Nhà Nước hay Gia Pháp của gia đình, mà phải huy động một lực lượng tổng hợp: từ gia đình, nhà trường, các Tôn Giáo, các đoàn thể thanh thiếu niên, các cơ quan truyền thông đại chúng, để giúp các em nâng cao nhận thức, hiểu biết về mình, về xã hội. Nâng cao lòng tự trọng, giữ gìn nhân phẩm đạo đức và góp phần giảm bớt những tệ nạn liên quan đến nó. Xin đưa ra một vài kiến nghị như sau:

1. Phục hồi có chọn lọc những giá trị truyền thống gia đình Việt Nam:

Ðể giúp cho các em có thể đứng vững được trên đôi chân của mình. Gia đình cần xây dựng tình cảm yêu thương gắn bó giữa các thành viên với nhau, đặc biệt giữa cha mẹ với con cái. Khi gia đình vẫn còn là tổ ấm, là nơi khôi phục sức khỏe và lấy lại sự cân bằng tâm lý thì các thành viên ít đi tìm sự bù đắp tình cảm ở một nơi khác, không dễ dàng chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân. Cha mẹ cần giáo dục giới tính cho con cái như một cuộc trò chuyện. Làm sao để trẻ có thể tâm sự những điều thầm kín riêng tư với cha mẹ. Ðể giáo dục con cái đạt hiệu quả, các nhà giáo dục cần trang bị cho các bậc phụ huynh những kiến thức về giáo dục giới tính qua sách báo, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, để họ giúp đỡ con cái một cách tốt nhất, hữu hiệu nhất.

Phải tạo ra một dư luận thật mạnh mẽ từ trong gia đình, tập thể xã hội, phê phán gay gắt hiện tượng quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên dù nấp dưới hình thức nào: tình bạn, tình yêu, tò mò... Phải đề cao sự trong trắng trong quan hệ nam nữ là một giá trị cao quý trong nhân phẩm nhân cách của con người. Giúp cho các em biết tự trọng, tôn trọng lẫn nhau. Phản đối thái độ thiếu trách nhiệm của một số nam giới, những người chỉ biết thỏa mãn nhu cầu của mình một cách ích kỷ. Mọi mưu mô thủ đoạn nhằm thỏa mãn tình dục của nam nữ thanh thiếu niên đều vi phạm chuẩn mực đạo đức, để lại những ấn tượng khó phai mờ trong suốt cuộc đời.

2. Chú trọng việc giáo dục công dân và giáo dục giới tính:

Việc Giáo Dục Nhân Cách và Giáo Dục Công Dân ở Nhà Trường phải được coi là những môn học chính yếu và nồng cốt, giữ vị trí quan trọng không kém các môn học tích lũy và trau dồi kiến thức khác. Ngoài ra, còn cần có một chương trình Giáo Dục Giới Tính phù hợp với các lứa tuổi, với các trình độ. Nội dung giáo dục không chỉ dừng lại ở việc ý thức trách nhiệm xã hội mà còn giúp cho các em ý thức được trách nhiệm đối với sức khỏe bản thân và của người khác giới, thấy được tác hại của quan hệ tình dục trước hôn nhân và nạo phá thai. Hiểu được thế nào là một tình yêu lành mạnh chân chính.

Tình dục là một phần của sự duy trì nòi giống, lúc này Nhà Trường không nên im lặng mà phải chịu trách nhiệm về giáo dục giới tính cho học sinh. Cho các em biết giá trị của sự quan hệ tình dục sau hôn nhân, đó là truyền thống tốt đẹp của xã hội phương Ðông nên được trân trọng giữ gìn.

3. Quan tâm đến việc hướng dẫn chuẩn bị Hôn Nhân:

Các Xứ Ðạo Nhà Thờ Công Giáo, nơi vốn có sẵn những lớp học về Giáo Lý Hôn Nhân, chuẩn bị cho giới trẻ vào đời, nên đầu tư thêm nội dung giáo dục giới tính, đưa nội dung chương trình gắn liền với cuộc sống hằng ngày của thế hệ trẻ. Cung cấp kiến thức, kỹ năng sống, sự tự tin cho các em biết nói "không" khi cần thiết.

Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo thêm nhiều chuyên viên Tâm lý - Xã hội, lập ra nhiều Trung Tâm Tư Vấn để có thể hướng dẫn, hỗ trợ đúng đắn và kịp thời trong những trường hợp cụ thể. Ðây là một nhu cầu rất thật và rất to lớn của xã hội một khi xã hội đang tiến dần tới một đời sống văn minh công nghiệp. Bên cạnh đó, cũng không thể thiếu những Ngôi Nhà Mở, những Trung Tâm Ðón Tiếp để trợ giúp trong những trường hợp khó khăn.

4. Cấm ngặt các dịch vụ nạo phá thai lậu của tư nhân:

Chúng tôi cho rằng trước mắt, một khi vẫn còn cho phép nạo phá thai công khai, Nhà Nuớc cần phải mạnh tay loại bỏ tất cả những dịch vụ phá thai lậu của tư nhân. Và tại các vệnh viện phụ sản nên đòi hỏi những thủ tục cần thiết như: giấy kết hôn, hộ khẩu, thẻ chứng minh nhân dân, người bảo lãnh và đương sự phải làm giấy cam kết... Cần có thêm quy định: nạo phá thai ngoài giá thú thì phải nộp thêm một khoản tiền phạt lớn. Qua đó, họ có thêm nhận thức trách nhiệm về việc mình làm. Thực tế hiện nay các bệnh viện, sở Y Tế "không dám" thực hiện những đòi hỏi trên, sợ bệnh nhân đi phá thai lậu thì càng nguy hiểm cho tính mạng của họ hơn.

5. Loại trừ các văn hóa phẩm độc hại:

Ðối với các ngành văn hóa và các ngành liên đới, cần có những biện pháp cương quyết loại trừ các ấn phẩm văn hóa kích động khiêu dâm, bạo lực... dưới bất kỳ hình thức nào, ra khỏi đời sống xã hội. Cần tăng cường, đầu tư, biên tập xuất bản những sách báo, phim ảnh có tính hệ thống giáo dục cho giới trẻ. Mặt khác, các đoàn thể thanh thiếu niên cần tổ chức nhiều khu vui chơi giải trí lành mạnh, rẻ tiền, phù hợp với tuổi thanh thiếu niên.

 

Nữ Tu Nguyễn Thị Hồng Quế, Dòng Ða-minh Tam Hiệp 6.5.2001

Trung Tâm Tư Vấn Tâm Lý, Tình Yêu, Hôn Nhân Gia Ðình, 145 Pasteur Q. 3, Sài-gòn.

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 17, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page