Vấn Nạn Luân Lý của việc Phá Thai

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Vấn đề luân lý của việc phá thai đã tồn tại trong khắp cả lịch sử cũng như nhiều nơi hầu hết mọi dân tộc. Tuy nhiên, ngành lập pháp và luân lý công cộng đều mạnh mẽ bảo vệ sự sống chưa được sinh ra. Trong cả truyền thống Ki-tô giáo, việc cấm phá thai được xem như một phần thiết yếu của lệnh truyền: "không được giết người".

Ngày nay, ta đang sống trong một hoàn cảnh mới. Các kỹ thuật phá thai không chỉ phát triển đến mức khó có thể kiểm soát chặt chẽ được, mà ngay cả công luận cũng đã thay đổi sâu xa. Hầu hết mọi quốc gia theo chủ nghĩa Duy Vật đều cho phép phá thai trong vòng ba tháng đầu mang thai. Còn các nước gọi là tự do thì thậm chí đi xa hơn nữa và chẳng còn bảo vệ sự sống chưa được sinh ra. Thậm chí họ còn dùng các thứ thuế chung để trang trải chi phí cho việc phá thai.

 

1. Một Vấn Nạn Luân Lý Và Tính Cách Hợp Pháp Trong Xã Hội

Dù cho những người ủng hộ phá thai có ra sức tuyên bố rằng phá thai là một sự chọn lựa cá nhân thì, hơn bao giờ hết, rõ ràng là việc phá thai thuộc về luân lý xã hội hơn là thuộc về luân lý cá nhân. Tính dục và sự sống con người không thể chỉ thuộc về từng cá thể. Lương tri nói cho từng người biết rằng mỗi người chỉ giữ cho mình khỏi việc phá thai thôi thì chưa đủ. Họ còn phải có trách nhiệm bảo vệ tất cả sự sống con người cũng như loại bỏ, bao nhiêu có thể, những nguyên nhân đưa đến tình trạng phá thai. Nó cũng là vấn đề quan trọng đối với thiện ích của xã hội và của quốc gia.

Một quốc gia có thể nhắm đến ý nghĩa nào khi tuyên bố phá thai là một vấn đề riêng tư, hoặc thậm chí là quyền của công dân nước mình? Lại chẳng phải là chức năng hàng đầu của chính phủ và xã hội đó là bảo vệ mọi người được hưởng quyền cơ bản được sống và phát triển - và trên hết - đó là bảo vệ những người yếu ớt nhất đó hay sao? Một quyết định cá nhân muốn phá thai trong một hoàn cảnh phức tạp và đầy lo âu thì đó là một sự việc bi thảm; song, quyết định biến việc phá thai thành một phần kế hoạch nền tảng của con người, lại còn là một quyền được bảo đảm của mọi công dân, thậm chí còn được nâng đỡ bởi ngành y và các thứ thuế chung, thì điều này làm cho mọi tương quan của con người thay đổi.

Ðiều đầu tiên có thể thấy đó là mối tương quan giữa người nam và người nữ sẽ thay đổi. Người nữ sẽ trở thành đối tượng của việc khai thác tình dục nhiều hơn. Một cuộc hôn nhân mà ngay từ đầu đã tính đến chuyện phá thai thì có thể đó không phải là bí tích cứu độ. Tất cả những biểu đạt tính dục giữa hai vợ chồng, thậm chí mọi sự trao đổi qua lại giữa hai người, sẽ bị hằn vết sâu xa bởi kế hoạch muốn "giải quyết" cái thai "của nợ" bằng cách phá thai của họ. Và các thanh niên sẽ nghĩ sao khi họ biết rằng trong gia đình họ, phá thai cũng là để tránh sinh sản? Thẳng hoặc trong tâm tư hoặc bằng những lời rõ ràng, họ sẽ lại chẳng chất vấn cha mẹ: "Sao cha mẹ lại không phá thai con?" hay sao?

Nếu đứa trẻ bất đắc dĩ kia bị phá đi, thì liệu nó cũng lại chẳng bị phá, trong tâm hồn và nơi cách sống của cha mẹ vốn là điều ý nghĩa sâu xa nhất đối với đời sống cuả nó đó hay sao?

Thứ đến, mối tương quan của ta với nghề y, hoặc một phân loại của nghề y đang sẵn sàng kiếm tiền bằng cách phá thai tương tự như các cách trị bệnh khác, thì cũng sẽ thay đổi hoàn toàn. Ít nhất ta sẽ đòi quyền được biết bác sĩ nào thuộc nghề phá thai, bác sĩ nào không. Và sau cùng, với một quốc gia từ chối bảo vệ sự sống chưa được sinh ra, thậm chí còn đòi sử dụng tiền chúng ta đóng thuế vào việc ủng hộ "quyền" phá thai, thì tương quan của chúng ta đối với quốc gia đó chỉ có thể là một mối ngờ vực sâu xa.

Phá thai không bao giờ là một sự lựa chọn cá nhân. Luôn có ít nhất hai người liên can với phôi thai: hai người đã truyền đi sự sống, và quyết định, một mình hoặc với nhau, trục xuất sự sống đó. Và khi phủ nhận quyết định đó là không có chiều kích của xã hội thì cũng tương đương với việc phủ nhận con người không hề có chiều kích xã hội. Khi tính dục và việc phủ nhận rằng con người không chịu trách nhiệm về việc sử dụng nó trở thành một chọn lựa cá nhân thì khi ấy, toàn bộ đời sống tính dục sẽ bị bóp méo. Và bất cứ ai sẳn sàng loại bỏ sự sống con người như loại bỏ một thứ hàng hóa, thì họ cũng coi tất cả đời sống con người chỉ là một thứ hàng hóa.

Nếu một quốc gia, theo yêu cầu, tuyên bố rằng phá thai là quyền của công dân trong nước, thì họ cũng tuyên bố rằng các tương giao tính dục thiếu trách nhiệm và lưu truyền sự sống cách thiếu trách nhiệm cũng là một quyền của công dân. Họ thực tiễn chấp thuận rằng não trạng buôn bán tính dục là một tiêu chuẩn xã hội.

Tuy vậy, tất cả những gì đã nói ở trên không được dẫn người ta đến mối bận tâm một chiều trong các sắc lệnh hợp pháp. Nghĩa là không ai có quyền đòi phê chuẩn hình phạt đối với người phụ nữ đã phá thai, trừ phi họ đã tỏ ra có trách nhiệm trong các mối tương giao với người khác phái, cũng như đã sẳn lòng làm hết mọi sự có thể để bảo vệ sự sống, đã được sinh ra cũng như chưa được sinh ra.

Hơn nữa, nếu một quốc gia không thực hiện những đòi hỏi tối thiểu của chuẩn mực xã hội với tinh thần ủng hộ người phụ nữ có thai cũng như đứa trẻ sắp sinh ra, thì cũng thật chính đáng khi ta nghi ngờ rằng chính phủ cũng chẳng có quyền gì để quyết định hoặc áp dụng các sắc lệnh hợp pháp. Tôi ủng hộ trên hết các sắc lệnh hợp pháp chống lại các kẻ làm tiền qua việc phá thai, trừ phi việc phá thai đó là sự can thiệp của bác sĩ trong tình huống chữa trị nghiêm túc.

Tuy nhiên, có nhiều điều phải làm. Các biện pháp tích cực để loại bỏ các nguyên nhân chính dẫn đến phá thai là những bổn phận hàng đầu và khẩn thiết nhất của xã hội chẳng hạn như: thêm phần giúp đỡ và cởi mở hơn với các cô gái chưa lập gia đình mà có con, lo lắng chỗ ở cho các bà mẹ không có chồng, liệu sao cho những ai đang có nhu cầu có thể dễ dàng nhận được các lời tham vấn, đảm bảo đồng lương thích đáng với khung cảnh gia đình như tại hầu hết các quốc gia châu âu, phân bố thuế công bằng hơn theo chi phí nuôi dạy trẻ, tránh việc đánh thuế hai lần đối với các phụ huynh không muốn đưa con đến trường nhà nước, nơi môn tôn giáo và đạo đức bị coi là điều cấm kỵ, cần có nền giáo dục tốt hơn về tính và nhiều điều khác nữa.

Hơn nữa, chính phần vụ của xã hội là phải báo cho mọi người biết rằng ngoài mối nguy hại về luân lý và tâm lý, việc phá thai còn ảnh hưởng trên nhiều người, và nếu làm gián đoạn việc mang thai thì có thể có những biến chứng nghiêm trọng. Việc phá thai nhiều lần gây ra mức độ rủi ro sinh sớm cao hơn cũng như các biến chứng khác ở những lần sinh sau.

 

2. Tự Sẩy Thai Và Không Tự Sẩy Thai

Nhiều phụ nữ đã đau khổ rất nhiều vì bị sẩy thai ngoài ước muốn. Ngành phôi thai học vẫn phải nghiên cứu nhiều để tìm ra nguyên nhân chính của vấn đề tự sẩy thai này, nhất là trong thời kỳ đầu mang thai. Và các cặp vợ chồng trẻ cũng nên được thông tin đầy đủ về các nguyên nhân đã được biết đến hoặc còn bị hoài nghi.

Một nguyên do của việc tự sẩy thai có thể là sự bất cẩn của người phụ nữ. Ðiều cẩu thả ấy có thể xuất phát từ ý thức ít nhiều của bà là muốn loại bỏ cái thai "vỡ kế hoạch" đó, có thể là dưới tác động của một bầu khí ghét bỏ. Sự ngược đãi của ông chồng hoặc của người khác cũng có thể gây ra tình trạng gián đoạn mang thai.

Phong trào bảo vệ sự sống nên lưu tâm trước tiên đến việc loại trừ sự căng thẳng phi lý cho ngưởi phụ nữ đang mang thai, và đảm bảo cho họ có dư rộng thời giờ nghỉ làm trước và sau khi sanh. Ngành lập pháp quốc gia cũng như cảm nhận của mọi công dân trong nước có thể mở mang nhiều về lãnh vực này.

 

3. Phá Thai Có Chọn Lựa:

Ðối với một số người thời đại chúng ta, một thái độ biết suy nghĩ đối với việc lưu chuyển sự sống đã dẫn đến việc tư cách người cha người mẹ có trách nhiệm được đánh dấu bởi tinh thần hỗ tương. Tuy nhiên, với người khác, nó lại dẫn đến đầu tính toán vụ lợi, không chỉ về số con cái muốn có, mà thậm chí còn chỉ muốn loại con nào thích hợp với họ, và hậu quả là, họ "giải quyết" tình trạng "bất đắc dĩ" bằng việc phá thai có chọn lựa.

Adolf Hitler đã giết hàng trăm ngàn người bị coi là "không thích hợp". Thật là một hình ảnh choáng người khi cùng tinh thần ấy đang được quảng cáo ầm ĩ như là một đặc quyền của bậc làm cha mẹ để chọn lấy đứa trẻ "thích hợp" và loại bỏ những đứa họ không muốn. Lối diễn tả "phá thai có chọn lựa" thường được dùng và được phổ biến do các tham vấn viên về gien; những sản phẩm của một nền văn hóa đầy tính vụ lợi.

Kỹ thuật đưa ống tiêm vào màng ối và sự tiến của ngành y chuyên về gien đã giúp chẩn đoán được liệu cái phôi có bị nhiễm bệnh về gien hay không, cũng như biết được sự rủi ro sẽ ra sao. Mục đích của việc chẩn đoán hóa sinh giữa các tử cung có thể là rất tích cực, cho phép chữa trị thích hợp ngay sau khi sanh càng sớm càng tốt. Nó cũng đảm bảo cho người mang thai bớt bị dao động tình cảm nếu việc chẩn đoán cho thấy là cái thai không có bệnh gì. Ðiều này có thể giải thoát một số phu huynh khỏi cơn cám dỗ xin được phá thai dựa trên mức độ rủi ro không biết được.

Nhưng trong nhiều trường hợp, các tham vấn viên về gien lại chủ yếu quan tâm đến việc "cho phép kết thúc việc mang thai nếu phụ huynh quá ước muốn". Một số tác giả và các nhà thực hiện tham vấn về gien trình bày việc phá thai như một cách giải quyết nếu việc đưa ống tiêm vào màng ối cho thấy, chẳng hạn như là, cái phôi là một trẻ gái, và trong tình huống này, có nguy cơ bị nhiễm chứng ưa chảy máu. Một số người cho rằng phá thai, thậm chí trong trường hợp có nguy cơ bị nhiễm bệnh maple wine, thì những hậu quả của căn bệnh có thể được giảm thiểu tối đa bằng biện pháp hạn chế mang tính ăn kiêng. Các vấn viên về gien có khuynh hướng là không hướng dẫn hoặc chỉ đưa ra cảm tưởng về vụ việc, song lại thường hành động với lòng xác tín chắc chắn rằng trong tình huống có rủi ro, thì việc phá thai là cách giải quyết thích đáng và không tạo nên vấn nạn luân lý nào.

L. E. Karp cho biết tư tưởng tương đối về đạo đức thuần tuý của ông như sau: "các hệ thống luân lý thì hoàn toàn chủ quan, tự ý và có thể thay đổi theo sự đồng thuận tùy nơi, tuỳ thời khác biệt". Do đó, chẳng lạ gì khi ông có thể nói: "Tôi hoàn toàn ủng hộ đặc quyền của cha mẹ để hủy các phôi thai tật bệnh". Song cùng lúc ông lại lên án gay gắt các bác sĩ đã không khích lệ phụ nữ mang thai dùng kỹ thuật đưa ống tiêm vào màng ối vì thông tin này cần thiết cho việc phá thai có chọn lựa. Karp đề nghị ngành bảo hiểm y tế nên giảm tiền đóng bảo hiểm y tế cho cha mẹ nào hứa chấp thuận phá thai như một cách giải quyết trong trường hợp việc chẩn đoán trước khi sanh đòi hỏi phải làm như vậy.

Với tôi, dường như rõ ràng là khuynh hướng tai hại này đòi ta phải có một sự dấn thân mãnh liệt để đảo ngược các não trạng văn hoá, và phải làm mọi sự có thể để đẩy mạnh tinh thần tôn trọng mọi sự sống con người cũng như để vượt qua lối sống, lối suy nghĩ vụ lợi trắng trợn như thế này.

Tất cả các vấn đề này không thể được giải quyết nguyên chỉ bằng luật bắt phạt, song đúng hơn, cần phải tiến hành một cách tiếp cận có tính chữa lành. Các cặp vợ chồng biết khi có một đứa con bị bệnh về gien là cả một sự liều lĩnh đáng kể, thì họ cần phải được trợ giúp và cần có nhiều thông tin về các cách khác nhau để điều hòa việc mang thai.

Chúng ta không thể hy vọng rằng tất cả các bà mẹ muốn phá thai song bị từ chối thì sẽ "toàn tâm toàn ý" đón nhận đứa con đó, nếu một khi toàn bộ môi trường đã bị nhiễm đậm cái nhìn vụ lợi. Một cuộc nghiên cứu 120 đứa trẻ mà mẹ của chúng đã muốn phá thai song bị từ chối đã cho một tỷ lệ phạm tội trên mức trung bình. Tuy nhiên, điều này không hề chứng tỏ rằng nếu vậy thì phá thai là cách giải quyết thích đáng. Sự thật là việc bà mẹ muốn phá thai đã là dấu chỉ cho thấy mầm móng của sự trục trặc đã được gieo vào rồi. Nghĩa là các bà mẹ bị nhiễm não trạng vụ lợi, và do đó không đón nhận hoàn toàn suôn sẻ cũng như không dạy dỗ con mình hoàn toàn tốt được. Cũng vậy, tỷ lệ phạm tội có lẽ cũng liên hệ rất nhiều với môi trường sống của đứa trẻ.

 

4. Phá Thai Như Một Cách Ðiều Hòa Sinh Sản

Một trong những dấu hiệu gây sốc nhất của thời đại chúng ta đó là việc thiếu biện phân. Tình trạng thiếu biện phân này đề nghị coi phá thai như một phương tiện của việc điều hòa sinh sản cùng với phương tiện ngừa không mang tính phá thai. Một phần trách nhiệm của tình trạng này là do các nhà luân lý đã không phân biệt rõ ràng giữa việc ngừa thai - có ý nói đến điều hòa việc mang thai - với việc phá thai. Giữa hai lãnh vực này có một sự khác biệt về chất to lớn và xác thực. Tuy nhiên, các phương tiện khác được đề nghị biện pháp ngừa thai thì như phải được nghiên cứu kỹ để xem liệu nó có tính cách phá thai một cách vô ý hoặc cố ý hay không. Các mối hoài nghi về IUD (dụng cụ liên tử cung) thì vẫn chưa được giải quyết. Dưới sức ép bên ngoài, nước Nhật sau chiến tranh đã giới thiệu và phổ biến phá thai như một phương tiện điều hòa sinh sản. Từ đó trở đi, gần 30 triệu vụ phá thai đã được ghi nhận. Ðây là một cuộc tàn sát mới của một chế độ Hitler mới.

Những thống kê gần đây cho thấy, với những thông tin thích đáng về nhiều phương tiện điều hòa thụ thai, tỷ lệ phá thai tại Nhật đã giảm rất nhiều. Các nhà luân lý chống lại việc phổ biến các thông tin như thế về ngừa thai cần cảm thấy họ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về tình trạng phá thai vẫn còn thường xuyên xảy ra. Sự thể họ coi tất cả các biện pháp ngừa thai nhân tạo đều là phi luân cũng không giảm nhẹ lỗi cho họ, vì thần học luân lý truyền thống đã nói rõ ràng là có những trường hợp, ta phải chọn điều xấu nhỏ hơn để tránh một điều xấu lớn hơn. Và ở đây có một sự khác biệt to lớn.

Các đại diện nổi bật của nền thần học luân lý truyền thống, trong số đó có thánh An-phong, đã biện minh hoặc ít ra là coi như có thể biện minh việc ngắt đứt tiến trình thụ thai để cứu vớt một sự sống. Biện pháp này được gọi là "phá thai gián tiếp". Ðiều này có nghĩa rằng việc cứu sống bà mẹ không chỉ là ý hướng trực tiếp của tác nhân, song còn là ý nghĩa trực tiếp của hành vi với tính toàn thể. Nếu trong việc ngắt đứt tiến trình thụ thai này lại có một ý hướng là để tránh có con nữa, thì lúc đó nó sẽ mang đủ ác tâm của việc phá thai.

Nhờ các tiến bộ y khoa, ngày nay không thường xuyên có những hoàn cảnh đứa con phải chết như thế nữa, đặc biệt trong các bệnh viện trang bị đầy đủ. Tuy nhiên, nó vẫn có thể xảy ra. Trong trường hợp này, nói rằng sự sống của bà mẹ được thích chọn hơn sự sống của phôi thai thì là một điều không xác đáng, vì không có trường hợp nào người ta có thể cứu sự sống của đứa bé bằng cách lấy đi sự sống của bà mẹ. Hơn nữa, ta đụng phải các trường hợp mà sự chọn lựa duy nhất đó là bà mẹ có thể được cứu sống hoặc chết. Còn bằng không, đứa bé đã bị tước mất bất cứ cơ hội nào để được sống còn, và đời sống vô thức của nó bị thu ngắn lại chỉ bằng một giai đoạn ngắn ngủi.

Franz Boeckle đã diển đạt tốt điều mà ngày nay như là ý kiến được hầu hết các nhà thần học luân lý Công Giáo công nhận, và là lòng tin chắc chung của các bác sĩ thuộc mọi quan điểm trên thế giới: "Ðây không phải là vấn đề thích chọn hoặc bà mẹ hơn đứa con hoặc đứa con hơn bà mẹ, song là sự chọn lựa giữa sự sống có thể cứu được với sự sống không thể cứu được. Vì trong tất cả phán quyết thực tiễn về loại này, không có gì được yêu cầu hơn là sự chắc chắn về luân lý. Trong sự lượng giá về thiện ích này, ta thấy sự biện minh về luân lý của việc ngắt đứt tiến trình mang thai, ở khía cạnh y khoa, đòi hỏi phải trong một tình huống xung đột sống còn. Ngoài trường hợp này, tôi không còn thấy bất cứ lý do có vẻ hợp lý nào có thể biện minh về mặt luân lý của việc ngắt đứt tiến trình mang thai".

Một số nhà luân lý chống đối việc ngắt đứt tiến trình mang thai để cứu vớt một sự sống nói rằng: "Tốt hơn nên để cả hai mạng sống cùng chết hơn là giết một trong hai, ngay cả nếu đó là vấn đề thu ngắn sự sống kia lại chỉ bằng một vài phút". Câu hỏi quyết định là liệu ta có xem hành vi đó như một toàn thể hoặc chẻ nhỏ ra thành nhiều phần. Các nhà luân lý theo lập trường thứ hai lên án việc ghép thân từ bà mẹ sang cho đứa con, mà cách đây 20 năm, biện pháp này là cách duy nhất để cứu sống người ta. Họ coi việc lấy quả thận ra như là một "hành vi gây thương tổn" và lên án nó như là phi luân hoàn toàn và tận bản chất. Cách nhìn của về một hành vi thì khác nhau. Toàn thể hành vi sẽ cho các thành phần của nó một ý nghĩa.

 

5. Phá Thai Nhằm Chữa Bệnh Theo Nghĩa Rộng Hơn

Các bác sĩ phân biệt rõ ràng giữa việc ngắt đứt tiến trình mang thai để cứu vớt một mạng sống, khi chính sự sống của bà mẹ đang lâm nguy, với việc phá thai nhằm chữa bệnh theo nghĩa rộng hơn, khi chỉ có sức khỏe của bà mẹ bị nguy ngập. Nhiều thần học gia tin lành và đa số các nhà đạo đức học nhân văn đều biện minh cho việc ngắt đứt tiến trình mang thai, ít nhất là ở các giai đoạn đầu, nếu không thì lúc đó sức khỏe của bà mẹ sẽ bị nguy hại to lớn và vĩnh viễn.

Tôi không coi các lý do của họ là có tính thuyết phục. Tuy nhiên, ta cũng không nên chống đối ngành lập pháp ở các quốc gia theo chủ nghĩa đa nguyên vốn để cho các bác sĩ và bà mẹ được tự do quyết định theo lương tâm trong các trường hợp này. Chúng ta nên nhớ rằng trong nhiều thế kỷ các thần học gia và bác sĩ Công Giáo có cùng một lòng xác tín, dựa trên ý kiến cho rằng vào các giai đoạn đầu của thời kỳ thụ thai, ta chưa có một con người theo nghĩa trọn vẹn. Với nền tảng xác tín chắc chắn, ta không nên nhân nhượng với vấn đề gây ra các phản ứng toàn bộ đối với lập trường Công Giáo của chúng ta.

Phá thai nhằm chữa bệnh thì rất khác với cái gọi là sự báo hiệu về gien. Trong trường hợp thứ nhất, phôi thai - chứ không phải bà mẹ - mới là bệnh nhân. Mà giết bệnh nhân thì còn gì là chữa bệnh nữa.

Có ý kiến biện minh cho việc lấy đi cái phôi chắc chắn không thể tồn tại khi sử dụng biện pháp đó để bảo vệ bà mẹ khỏi mối hiểm nghèo. Tôi có ý kiến đó là có thể đúng. Hạn như, một phôi thai bị viêm não thì không chỉ không thể phát triển thành một đời sống con người có ý thức mà ngay cả việc tồn tại cũng không thể. Tách bỏ nó đi để ngăn ngừa bà mẹ khỏi bị hiểm nghèo thì thật sự là biện pháp chữa trị, dù không phải là không có bất công với sự sống của bào thai đã bị kết án tử. Nền thần học truyền thống gọi sự can thiệp này là "phá thai gián tiếp".

 

6. Các Tội Chống Lại Sự Sống Con Người

Tội chống lại sự sống loài người thường xảy ra nhất thì chắc chắn là phá thai, nhưng đó hẳn không phải là tội duy nhất. Công việc bảo vệ sự sống của chúng ta phải có tính toàn diện. Vì vậy, ở đây, chúng ta sẽ bàn đến các tội chống loài người nặng nhất và thường xảy ra nhất.

(1) Ðể Cho Chết

Bằng thái độ không dừng lại săn sóc, vị tư tế và thầy Lê-vi trong dụ ngôn Samaritano nhân lành đã phạm tội chống lại tình liên đới nhân quyền một cách nặng nề. Họ đã để cho người bị rơi vào tay bọn cướp đó phải chết. Ngày mỗi ngày trên khắp thế giới, tội này vẫn xảy ra. Những người lân cận giàu có vẫn để cho hàng triệu trẻ em và người lớn phải chết đói, vì họ không sẳn lòng chia sẻ một phần của cải dư thừa của họ.

Một xã hội chi hàng tỷ đô la vào việc rượu chè hút xách song lại không lo chăm sóc sức khỏe cho người nghèo thì phải chiụ trách nhiệm về cái chết cũng như đời sống sa sút của nhiều người. Và đó không chỉ là tội của các nhà luật pháp mà còn là tội của tất cả mọi người dân đã không làm gì để thay đổi tình thế.

Ðặc biệt thảm thương là trường hợp của những đứa bé dị tật bị để cho chết, khi người ta từ chối không can thiệp để cứu mạng sống nó. Ðiều này không kém gì một án tử hình trên đứa bé "bất đắc dĩ" đó. Tiêu biểu là trường hợp những đứa bé khỏe mạnh sinh ra mắc triệu chứng đao. Ðể cho đứa bé đó chết đói theo một tiến trình đau đớn và kéo dài thì quả thật không kém tàn nhẫn hơn việc giết chết trực tiếp. Theo quan điểm luân lý, quyết định từ chối tiểu phẩu để rồi loại bỏ đứa bé "vô thừa nhận" thì quyết định đó có tính ác tâm của một hành vi giết người trực tiếp. Tuy nhiên, trường hợp không áp dụng biện pháp chữa trị cho một đứa bé chắc chắn sẽ chết thì lại khác, nếu biện pháp đó không giúp ích gì cho nó.

(2) Gây Ra Cái Chết Bởi Thái Ðộ Cẩu Thả

Các nhà đạo đức học và ngành lập pháp phân biệt rõ ràng giữa cố sát (có chủ ý) và ngộ sát (không có chủ ý). Nhiều công nhân mỏ và các thợ ngành khác sẽ không chết vì tai nạn nếu tất cả biện pháp an toàn cần thiết được tuân thủ. Ở Tây đức, năm 1976, có 14.500 người chết trong các tai nạn giao thông và 48.000 người bị thương nặng. Ở các nước khác, người ta ghi nhận cũng không mấy khác. Lái xe bất cẩn hoặc lái xe sau khi uống rượu quá nhiều đều là tội chống lại sự sống chính mình và của người khác, ngay cả khi không thực sự có tai nạn xảy ra. Tội này mắc phải không do điều đã thực sự xảy ra, nhưng do tư cách trách nhiệm.

(3) Tự Tử

Con người không phải là chúa tể của sự sống mình, nhưng đón nhận bổn phận làm người quản lý trung thành, lưu giữ và thăng tiến nó cho đến mức hoàn thiện, trong khi phục vụ cũng như thăng tiến sự sống của tha nhân đến mức thành toàn. Sự thất trung nặng nề nhất của người quản lý sự sống đó là quẳng nó đi như thứ vô giá trị.

Tự tử có thể là dấu hiệu dứt khoát và không thay đổi được nữa của lòng tuyệt vọng và nghi ngờ Thiên Chúa. Nó có thể là cuộc nổi loạn "bất bạo động", một sự diễn tả cùng tận về quyền tự do cá nhân mang tính tiêu cực trước mặt Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế cuộc sống, tự tử ít khi mang tính ác tâm cố tình này. Nếu ta nghe tin một người bạn vốn biết là một con người tốt lành, dễ thương lại đi tự tử, thì ta có thể hầu như chắc chắn rằng đó là, một ngõ cụt tâm lý, chứ không thể là một hành vi phải chịu trách nhiệm luân lý.

Trong nhiều trường hợp tự tử, phía đáng trách chính là xã hội hoặc một môi trường cụ thể, vì nỗi tuyệt vọng thường phản ánh sự thất bại của những người đáng lẽ ra đã phải thể hiện sự chăm sóc ân cần và công bằng đối với những con người lâm cơn khủng hoảng. Quá nhiều người già cả, tàn tật bị đối xử theo cách ấy đến độ "được" mời cụ thể "biến" khỏi sân khấu cuộc đời. Và một cuộc tự tử xảy ra thường là cố gắng tuyệt vọng sau cùng để lôi kéo sự chú ý và giúp đỡ của người khác.

Gặp một người láng giềng muốn tự tử, ta cần làm hết sức có thể để cứu anh ta. Khi làm vậy, không phải là ta đang giảm thiểu tự do của họ, song đúng hơn, ta có thể nói được là ước muốn tự tử của họ không phải là sự diễn tả tự do, nhưng là sự khuyết vắng tạm thời tự do.

Tội không có ý biện minh cách khách quan cho việc tự tử của những người can dự vào cuộc kháng cự can đảm và bất bạo động đối với các nhà độc tài tàn bạo. Theo cái nhìn của tôi, cướp đi mạng sống của ai thì đều là hành vi bạo lực. Tuy vậy, những người hành xử như thế có thể chủ ý nhắm nói với nhà độc tài rằng: "Chúng tôi không phải loại người đi cướp mạng sống của người khác, nhưng chúng tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để kêu gọi nhân tính của ông". Những người này, trong các năm qua ta đã biết, muốn nói với cả thế giới rằng: "Thà chết còn hơn là đầu hàng nhà độc tài và bán rẽ tự do của mình"

Tôi không dám kết tội tự tử cho những người đã tự hy sinh mạng sống mình khi họ phải đương đầu với tình huống bị bóp méo suy nghĩ, và do đó, bị buộc phải phản bội lại mạng sống của nhiều người khác. Hành vi này có thể có khía cạnh bề ngoài của tội tự tử. Nhưng theo nghĩa minh bạch nó không hề mang điều mà chúng ta có ý nói qua từ "tự tử" ở tính ác tâm luân lý của nó.

(4) Sát Nhân Và Tham Gia Vào Việc Sát Nhân Hàng Loạt

Sát nhân là tội giết người có chủ ý. Nếu việc bảo vệ sinh mạng của ta, của tha nhân hoặc vì bảo vệ thiện ích của loài người mà dẫn đến cái chết của một tên xâm lược ngang ngược, thì hành vi này không có tính ác tâm của tội giết người, và không mắc vào lệnh truyền của Kinh Thánh: "Chớ giết người". Còn nếu các vị cầm quyền, nhà độc tài hoặc bạo chúa bị những người chịu cảnh lầm than bất công đánh phá, thì họ không có quyền phản ứng bằng bạo lực. Và nếu họ sử dụng bạo lực mà giết chết những người đòi hỏi công bằng, thì họ là kẻ sát nhân. Còn tất cả những người tham gia cuộc bạo động này chống lại những người không tìm gì khác hơn là tự do cũng như các quyền căn bản của con người, thì họ phải chịu trách nhiệm về cùng một tội giết người hàng loạt.

Giữa các nhà đạo đức học có cuộc tranh luận về việc, liệu những người bị khai thác và bị đàn áp trong những hoàn cảnh cùng cực có thể đòi hỏi các quyền của họ bằng cuộc cách mạng bạo động không. Theo xác tín của tôi, chúng ta cần làm hơn nữa để tỏ lộ sức mạnh của hành vi bất bạo động, và chỉ sau khi đã dùng hết cách, chúng ta mới có quyền thảo luận xem liệu thiện ích có thể được hy vọng một cách hợp lý từ cuộc cách mạng bạo động có cân xứng với sự xấu nó có thể gây ra hay không. Tuy nhiên, sự xấu luân lý của việc giết người trong một cuộc chiến đấu vì nguyên nhân ngay chính, hạn như nhân quyền và tự do cơ bản, thì không hoàn toàn giống như việc giết người vì mục đích bất chính, quyền lực bất chính hoặc lạm dụng quyền lực.

Những tên khủng bố và không tặc sử dụng những người vô tội như phương tiện đạt mục tiêu chính trị của chúng, thậm chí nếu chúng dường như được biện hộ, thì chúng cũng là những tên giết người trong tư tưởng, còn nếu giết người vô tội thì chúng là những tên giết người thực sự. Khi dùng các phương tiện thế này, chúng tỏ ra chẳng khá hơn, thậm chí còn tệ hơn những kẻ đang đàn áp chúng. Nếu về sau, những con người này có quyền lực trong tay, họ cũng sẽ tiếp tục dùng dân chúng như các dụng cụ hoặc các "phương tiện".

Tội ác cũng như tội phạm lớn nhất chống lại lệnh cấm giết người của Kinh Thánh đó là giết người trong các cuộc chiến tranh phi nghĩa. Và những ai gieo rắc lòng hận thù, chủ nghĩa đế quốc, hoặc óc cuồng tín thờ ngẫu tượng khiến cuộc chiến bùng nổ, thì đều có nhúng tay vào tội này. Những người cầm quyền đã quyết định mở cuộc chiến và sử dụng công dân để thực hiện ý đồ của họ sẽ là những người trước tiên phải trả lời trước mặt Chúa về tất cả các cuộc chém giết và lòng hận thù mà họ đã gây ra. Cuộc chiến càng có thể được biện minh, và tính bất chính của sự ác họ đang nhắm đến càng lớn, thì tội của họ càng lớn. Các nhà chức trách quốc gia nào đòi đối phương lâm chiến phải đầu hàng vô điều kiện, cũng có nghĩa là làm cho một cuộc ngừng bắn và hòa bình trở nên vô phương, thì phải chịu trách nhiệm về tất cả cuộc chém giết tiếp tục xảy ra sau đó ở cả hai bên.

(5) Án Tử Hình

Theo truyền thống tư tưởng cá nhân, tôi thấy hiện nay trong Ki-tô giáo cũng như trong giáo hội Công Giáo có hai ý kiến có lẽ đúng. Có những người nghĩ rằng án tử hình có thể và nên áp dụng cho các tên tội phạm nguy hiểm để bảo vệ người vô tội. Ý kiến này được đồng thuận, đặc biệt đối với những tên khủng bố chuyên nghề, trốn thoát nhiều lần và gây ra cuộc tàn sát mới.

Riêng tôi, tôi nghiêng về ý kiến cho rằng tốt hơn nên bỏ án tử hình. Chúng ta phải nhìn toàn diện các hệ luận có thể có của hành vi.

Trong Cựu Ước có nhiều văn bảng biện minh cho án tử hình. Tuy nhiên, ta không nên bỏ qua tính cách mạc khải tiêm tiến xuyên suốt Cựu ước và đã dẫn chắc đến việc giảm bớt bạo lực. Dưới ánh sáng Tân ước, với tôi, dường như việc bỏ án tử hình tương hợp chặt chẽ hơn với sứ điệp bất bạo động của Ðức Giê-su với tinh thần từ ái của Người, cũng như đối chúng ta môn đệ của Người. Chắc chắn những tên tội phạm nguy hiểm phải bị giữ nơi nào họ không thể tiếp tục làm hại người khác. thế nhưng, nhiệm vụ chính của chúng ta là chữa lành những ai đã sa vào đầu óc bạo lực.

Một trong những luận chứng chính ủng hộ việc huỷ bỏ án tử hình đó là sự thể trong quá khứ, đa số các quốc gia trong thời chiến đã can dự vào việc tàn sát hàng loạt, hoặc đã đàn áp kịch liệt những người lên tiếng đòi chính nghĩa. Và các tòa án dân sự cũng như quân sự đã quá dễ dàng kết án tử hình người ta mà không đủ chứng cớ phạm tội hoặc cũng như không tương xứng với lỗi họ đã phạm.

Theo xác tín của tôi, một quốc gia không có quyền duy trì án tử hình, trừ phi họ đã làm hết sức hết cách để xây dựng một tốt hơn, cũng như chăm lo có được một môi trường nhân bản và công bình hơn. Toà án tối cao nào cụ thể buộc cha mẹ gởi con đến học trong một hệ thống giáo dục cấm giảng dạy môn tôn giáo và đạo đức trên nền tảng đức tin, thì tòa án đó không nên được trao cho thẩm quyền để xác nhận án tử hình vì nhiều tội ác sẽ xuất phát từ chính hệ thống giáo dục đó.

 

PVD - Nha Trang

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 16, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries In Asia Home Page