Trích Thông Ðiệp Tin Mừng Sự Sống

(EVANGELIUM VITAE)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

"Con chưa thành hình mắt Ngài đã nhìn thấy con" (Tv 139,16): tội ác ghê tởm của việc phá thai.

58. Trong tất cả tội ác mà con người có thể thưc hiện chống lại sự sống, sự phá thai do cố ý gây ra biểu thị những đặc trưng làm cho nó đặc biệt nghiêm trọng và đáng kết tội. Công đồng Vatican II đã định nghĩa nó như "một tội ác ghê tởm", cùng một lúc với tội giết trẻ sơ sinh (54).

Nhưng ngày nay trong lương tâm nhiều người, nhận thức về tính nghiêm trọng của nó đã lu mờ dần. Sự chấp nhận phá thai nơi tâm thức con người nơi các phong tục và chính trong pháp luật là một dấu chỉ hùng hồn về một cơn khủng hoảng rất nguy hiểm trong ý thức luân lý, ý thức đó ngày càng trở nên không có khả năng phân biệt giữa sự thiện và sự ác, ngay cả khi có liên quan đến quyền cơ bản về sự sống. Trước tình hình nghiêm trọng như thế, hơn bao giờ hết, cần thiết phải có can đảm nhìn thẳng vào sự thật và nói lên các sự việc bằng tên của chúng, không nhường bước cho những thỏa hiệp vì dễ dãi hoặc do sự cám dỗ tự lừa phỉnh mình. Về vấn đề ấy, lời quở trách của vị ngôn sứ vang lên một cách dứt khoát: "Khốn cho những ai gọi điều ác là thiện và điều thiện là ác, lấy tối tăm làm ánh sáng và ánh sáng làm tối tăm" (Is 5,20).

Chính trong trường hợp có thai, người ta tuân theo sự phát triển của một hệ thống thuật ngữ nhập nhằng nước đôi, như thuật ngữ "sự ngừng phá thai", vốn hướng tới việc che dấu thực chất của nó và làm bớt tính nghiêm trọng của nó trong dư luận quần chúng. Có lẽ hiện tượng ngôn ngữ học này, chính nó là hội chứng của một sự bất ổn mà các lương tâm đã cảm nghiệm thấy. Nhưng không lời nào đạt đến được kết quả thay đổi thực tại của cá sự việc: sự phá thai do cố ý gây ra, dù được thực hiện bằng cách nào, là việc giết chết, có suy nghĩ và trực tiếp, một con người trong giai đoạn đầu cuộc đời của nó, ở giữa sự thụ thai và sự sinh đẻ.

Tính nghiêm trọng về mặt luân lý của sự phá thai do cố ý gây ra xuất hiện trong tất cả sự thật của nó, nếu người ta thừa nhận rằng đó chính là việc giết người và, cách riêng, nếu người ta quan sát những tình tiết đặc thù xác định phẩm chất của nó. Kẻ bị thủ tiêu là một con người mới bắt đầu hiện hữu, nghĩa là, trong tuyệt đối, một hữu thể vô  tội nhất mà người ta có thể tưởng tượng, không bao giờ nó có thể được coi như một kẻ tấn công, lại càng không thể coi như một kẻ tấn công bất chính! Nó yếu đuối, không biện pháp phòng vệ, đến mức độ thiếu thốn ngay cả phương thế phòng vệ nhỏ mọn nhất, là sự khẩn nài bằng những tiếng kêu than và khóc lóc của trẻ sơ sinh. Nó hoàn toàn được giao phó cho sự bảo vệ và những chăm sóc của người mang nó trong dạ. Ấy thế mà đôi khi chính người ấy, bà mẹ, lại quyết định yêu cầu thủ tiêu nó và đi đến chỗ gây ra sự thủ tiêu đó.

Quả thật là nhiều lần, đối với bà mẹ, sự lựa chọn phá thai mang tính cách bi thảm và thương tâm, khi sự quyết định phá hủy thành quả của sự thụ thai không được thực hiện vì những lý do thuần túy là ích kỷ hay vì nhẹ dạ, nhưng bởi vì người ta muốn bảo vệ những lợi ích quan trọng, như sức khỏe hay một sức sống thích hợp cho các thành phần khác của gia đình. Ðôi khi người ta sợ cho đứa con sẽ sinh gặp phải những điều kiện sống khiến cho người ta nghĩ rằng tốt hơn cho nó là đừng sinh ra. Thế nhưng những lý do này và những lý do khác tương tự dù nghiêm trọng và bi thảm đến đâu, cũng không bao giờ có thể biện minh được cho sự thủ tiêu có suy nghĩ một con người vô tội.

59. Ðể quyết định về cái chết của đứa con chưa sinh ra, bên cạnh bà mẹ thường còn có những người khác. Trước hết người cha của đứa con có thể mang tội, không chỉ khi ông ta dứt khoát đẩy người phụ nữ đó vào việc phá thai, nhưng cả khi gián tiếp hỗ trợ quyết định của bà, bởi vì ông ta để bà cô độc một mình trước những vấn đề do sự mang thai đặt ra (55): bởi cách đó, gia đình bị tổn thương đến chết được và bị uế tạp trong bản chất cộng đồng tình yêu của nó và trong ơn gọi làm thành "cung thánh của sự sống". Người ta cũng không thể lờ đi trước những xúi giục đôi khi đến từ phạm vi gia đình rộng lớn hơn và từ bè bạn.

Thường người phụ nữ phải chịu những áp lực mạnh đến nỗi về mặt tâm lý họ cảm thấy bị bắt ép phải đành chịu phá thai: không còn nghi ngờ chút nào, trong trường hợp đó, trách nhiệm tinh thần đặc biệt đè nặng trên những ai buộc bà phải phá thai, trực tiếp hay gián tiếp. Cũng thế các thầy thuốc và nhân viên y tế đều có trách nhiệm khi họ đem phục vụ cho cái chết những khả năng chuyên môn đã đạt được để thăng tiến sự sống.

Nhưng trách nhiệm cũng qui vào những nhà lập pháp đã xúc tiến và phê chuẩn các đạo luật ủng hộ việc phá thai, và trong chừng mực tùy thuộc ở họ, cả những người quản lý các cơ cấu trị liệu được sử dụng để thực hiện những nố phá thai. Một trách nhiệm toàn bộ nghiêm trọng như thế đè nặng trên những kẻ đã giúp cho việc phổ biến một não trạng buông thả về tình dục và khinh thường tư cách làm mẹ, cũng như trên những người đáng lẽ ra đã phải tiến hành những chính sách gia đình và xã hội hữu hiệu để hỗ trợ các gia đình, đặc biệt là những gia đình gặp khó khăn cách riêng về mặt kinh tế và giáo dục, mà lại đã không chịu làm. Cuối cùng người ta không thể đánh giá thâp mạng lưới tòng phạm đang phát triển đến mức liên kết những cơ quan quốc tế, những tổ chức do tư nhân lập ra và những hiệp hội đấu tranh một cách có hệ thống cho việc làm pháp luật và phổ biến sự phá thai trên thế giới.

Trong chiều hướng đó việc phá thai vượt quá trách nhiệm của những cá nhân và vượt quá sự thiệt hại gây ra cho họ, và nó mang một tầm quan trọng xã hội rất lớn: đó là một vết thương rất trầm trọng gây ra cho xã hội và cho nền văn hóa của xã hội từ phía những kẻ đáng lẽ phải là những người xây dựng và bảo vệ xã hội và văn hóa. Như tôi đã viết trong Thư gởi các gia đình, "chúng ta đứng trước một đe dọa rất lớn chống lại sự sống không-nguyên sự sống, của các cá nhân, nhưng còn là của toàn bộ nền văn minh" (56).Chúng ta đứng trước những gì có thể được định nghĩa như là một "cơ cấu của tội lỗi" chống lại sự sống con người chưa sinh ra.

60. Một số người mưu toan biện minh cho việc phá thai bằng cách chủ trương rằng thành quả của một sự thụ thai, ít ra là cho đến một số ngày nào đó, chưa có thể được coi như là sự sống của một con người cá vị. Sự thực là, "ngay từ khi noãn thụ tinh, đã khởi đầu một sự sống vốn không phải là sự sống của người cha cũng không phải là sự sống của người mẹ, nhưng là của một con người mới, phát triển cho chính mình. Nó sẽ không bao giờ thành người, nếu nó không là người ngay từ lúc ấy. [...] khoa học di truyền hiện đại đem lại cho sự hiển nhiên thường ngày những xác định quý giá. Nó chứng tỏ rằng ngay từ khoảnh khắc đầu tiên này đã định hình chương trình của cái mà thực thể sống này sẽ là: một nhân vị, cái nhân vị cá thể ấy với những điểm đặc trưng của nó.

Ngay từ lúc thụ tinh đã bắt đầu cuộc phiêu lưu của một sự sống con người mà mỗi khả năng lớn đòi hỏi có thời gian để nằm vào vị trí và sẵn sàng hành động" (57). Dù cho sự kiện của một linh hồn thiêng liêng không thể được ghi nhận bằng bất cứ phương tiện thực nghiệm nào, các kết luận của khoa học về phôi người cung cấp một chỉ dẫn quý giá để phân định bằng lý trí một sự hiện diện cá nhân ngay từ sự xuất hiện đầu tiên này của một sự sống con người: làm sao một cá thể người sẽ không là một ngôi vị người?" (58).

Vả chăng, cái được thua quan trọng đến nỗi, trên quan điểm nghĩa vụ đạo đức, duy chỉ khả năng đứng trước một ngôi vị đã đủ để biện minh cho sự cấm chỉ rõ ràng nhất mọi can thiệp dẫn tới thủ tiêu phôi người. Chính vì lý do đó, vượt trên những cuộc tranh luận khoa học và trên cả những khẳng định triết học, mà quyền giáo huấn của Giáo hội đã không dứt khoát tỏ rõ thái độ, Giáo hội đã luôn luôn giảng dạy và vẫn còn giảng dạy rằng phải bảo đảm cho thành quả của sự sinh sản con người, từ khoảnh khắc đầu tiên trong hiện hữu của nó, một sự tôn trọng vô điều kiện vốn phải có, về mặt đạo đức đối với con người trong toàn và trong tính đơn nhất thể xác cũng như tinh thần của nó: "Con người phải được tôn trọng và đối xử như một ngôi vị ngay từ khi được thụ thai, và vậy thì ngay từ lúc đó, người ta phải thừa nhận cho nó những quyền của ngôi vị, trong đó đứng hàng đầu là quyền được sống, một quyền bất khả xâm phạm của mọi con người vô tội" (59).

61. Các văn bản Thánh Kinh, vốn không bao giờ nói đến sự cố tình phá thai và vì thế không bao hàm những sự kết án trực tiếp và chuyên biệt về vấn đề này, để biểu lộ sự quý trọng đối với hữu thể người còn trong dạ mẹ đến nỗi điều ấy đòi hỏi, như hậu quả lô-gích, phải nói rộng ra về cả hữu thể ấy nữa giới răn của Thiên Chúa: "Ngươi chớ giết người".

Sự sống của con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm trong tất cả các khoảnh khắc của sự hiện hữu của nó, cả trong khoảnh khắc khởi đầu có trước sự sinh ra. Từ trong dạ mẹ, con người thuộc về Thiên Chúa là Ðấng dò xét và thấu biết tất cả, là Ðấng hình thành và tác tạo nó từ tay Ngài, đã nhìn thấy nó khi nó còn là một phôi nhỏ không có hình dạng xác định và đoán thấy nơi nó con người trưởng thành nó sẽ trở nên ngày mai, mà ngày giờ đã được đếm và ơn gọi đã được ghi vào "Sách sự sống" (Tv 139/138,1.13-16). Cũng nơi đó khi nó còn trong dạ mẹ - như nhiều văn bản Thánh Kinh chứng tỏ (60) - con người là đối tượng thân nhất của sự quan phòng trong tình yêu thương và trong tình hiền phụ của Thiên Chúa.

Từ thuở đầu cho đến ngày nay - như tuyên ngôn do Thánh Bộ Giáo lý đức tin (61) công bố về vấn đề này cho thấy - Truyền thống Ki-tô giáo rất rõ và nhất trí đánh giá phẩm chất việc phá thai là sự hỗn loạn đặc biệt nghiêm trọng về mặt luân lý. Từ lúc đương đầu với thế giới Hy-La, trong đó việc phá thai và giết trẻ em sơ sinh là những việc thông thường, cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên đã triệt để chống lại những thói tục tràn lan trong xã hội ấy, bằng đạo lý và cách ăn ở của mình, như sách Didachè đã dẫn trên đây cho thấy (62).

Trong hàng ngũ các nhà văn thuộc Giáo Hội của thế giới Hy lạp, Athenagore nhắc lại rằng những người Ki-tô hữu coi như kẻ giết người các phụ nữ đã dùng đến phương tiện phá thai, vì lẽ rằng các đứa con tuy còn trong lòng mẹ cũng được "Thiên Chúa chăm sóc chúng" (63). Trong hàng các văn sĩ La-tinh, Tertuliano khẳng định: "Chỉ cần cản trở sinh ra thì đã là kẻ giết người rồi, người ta tước đoạt sự sống đã sinh ra hay là người ta hủy diệt nó trong lúc nó sinh ra thì không có gì khác biệt nhau cả. Cái phải trở thành một con người thì đó là con người rồi" (64).

Trải qua lịch sử gần hai ngàn năm của mình, cũng một đạo lý này đã được kiên trì giảng dạy bởi các giáo phụ, các mục tử và các vị tiến sĩ. Ngay cả các cuộc tranh luận có tính cách khoa học và triết học về thời điểm chính xác của việc phú bẩm linh hồn thiêng liêng cũng không bao giờ gây ra do dự nhỏ nhất nào cho sự kết án về mặt luân lý đối với việc phá thai.

62. Gần đây, Quyền giáo huấn của Giáo hoàng đã nhắc lại đạo lý chung ấy hết sức mãnh liệt. Ðặc biệt Ðức Pi-ô XI, trong thông điệp Casti connubii, đã phi bác những luận cứ mạo xưng là biện minh cho việc phá thai (65). Ðức Pi-ô XI đã loại trừ mọi việc phá thai trực tiếp, nghĩa là mọi hành động trực tiếp dẫn đến hủy diệt sự sống con người chưa sinh ra, "dù sự hủy diệt đó được quyết định như một mục đích hay chỉ như một phương thế nhằm tời mục đích" (66); Ðức Gio-an XXIII đã khẳng định lại rằng sự sống con người là thánh thiêng, vì "ngay từ trong cội nguồn của nó, nó đòi hỏi hành động sáng tạo của Thiên Chúa" (67). Như đã nhắc tới trên đây, Công đồng Vatican II đã lên án sự phá thai rất nghiêm khắc: "Vậy sự sống phải được bảo vệ với một chăm sóc tột độ từ lúc thụ thai: việc phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm" (68).

Từ những thế kỷ đầu, kỷ luật Giáo Hội đã trừng phạt những ai tự làm nhơ nhuốc bằng việc phá thai, và việc trừng phạt đó, với những hình phạt hoặc ít hoặc nhiều nặng nề, đã được xác nhận vào những giai đoạn lịch sử khác nhau. Bô Giáo luật 1917 qui định vạ tuyệt thông cho việc phá thai (69).Giáo luật canh tân hiện nay nằm trong đường lối đó, khi tuyên bố rằng kẻ nào "phá thai mà có hiệu quả, thì tức khắc bị vạ tuyệt thông" (70). Vạ tuyệt thông đánh vào tất cả những ai phạm tội ác này trong khi biết hình phạt họ sẽ phải chuốc lấy, cũng kể cả những kẻ tòng phạm mà nếu không có họ thì việc thực hiện tội ác đó không thể xảy ra (71); bằng sự xác nhận hình phạt ấy, Giáo Hội chỉ rõ tội ác này như một trong những tội ác nghiêm trọng và nguy hiểm nhất, để thúc đẩy những kẻ phạm tội nhanh chóng tìm lại con đường hoán cải. Vì chưng, trong Giáo Hội, Vạ tuyệt thông nhằm mục đích làm cho người ta ý thức trọn vẹn tính nghiêm trọng của một tội ác đặc biệt và giúp họ dễ dàng hoán cải và đền tội thích đáng.

Trước sự nhất trí như thế của truyền thống đạo lý và kỷ luật Giáo Hội, Ðức Phao-lô VI đã có thể tuyên bố rằng giáo huấn này không bao giờ thay đổi và là bất di bất dịch (72). Vì vậy, với uy quyền Chúa Ki-tô đã trao cho Phê-rô và những người kế vị ngài, trong sự hiệp thông với các Giám Mục - vốn đã nhiều lần liên tiếp lên án việc phá thai và, để trả lời cho sự tham khảo ý kiến có nói đến trên đây, mặc dù tản mác khắp thế giới, đã nhất trí bày tỏ sự đồng ý với đạo lý này - tôi tuyên bố rằng việc phá thai trực tiếp, nghĩa là được muốn như mục đích hay như phương thế, luôn luôn là một thác loạn luân lý nghiêm trọng xét như là sự cố ý giết chết một con người vô tội. Ðạo lý này dựa trên cơ sở lề luật tự nhiên và Lời của Thiên Chúa, đã được viết ra được truyền thống Giáo Hội truyền lại và quyền giáo huấn thông thường và phổ quát giảng dạy (73).

Không bao giờ một trường hợp nào, một mục đích nào, một luật pháp nào trên thế giới có thể làm cho trở thành hợp pháp một hành động vốn thực chất là không hợp pháp, bởi vì trái với lề luật của Thiên Chúa ghi khắc trong tâm hồn mọi người mà ta có thể phân biệt nhờ chính lý trí, và đã được Giáo Hội công bố.

63. Sự đánh giá việc phá thai về mặt luân lý cũng phải được áp dụng cho những hình thức can thiệp trên các phôi người mới đây, mặc dù theo đuổi những mục đích tự nó là chính đáng, các can thiệp ấy không có thể tránh được việc giết chết nó. Ðó là những trường hợp của sự thí nghiệm trên các phôi, ngày càng lan rộng trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh học, và được chính thức chấp nhận bởi một số Nhà Nước. Nếu "người ta phải coi như được phép làm những sự can thiệp trên phôi người, với điều kiện chúng tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của phôi và nếu chúng không gây cho nó những bất trắc không cân xứng, nhưng nhằm chữa trị nó, nhằm cải thiện những điều kiện sức khỏe hoặc sự sống còn cá nhân của nó" (74), thì trái lại phải khẳng định rằng việc sử dụng những phôi hoặc những thai người như những đồ vật thí nghiệm là một tội ác nghịch với phẩm giá người của chúng, vốn có quyền được tôn trọng ngang hàng với đứa trẻ đã sinh ra và với mọi người (75).

Cùng một sự lên án về mặt luân lý đó cũng liên quan đến phương pháp khai thác các phôi và các thai người còn sống - đôi khi được sản xuất cho mục đích đó bằng sự thụ tinh trong ống nghiệm - hoặc như "vật tư sinh học" để sử dụng, hoặc như kẻ cho cơ quan hay cho mô để đem ghép nhằm chữa trị một số bệnh. Giết chết những hữu thể người vô tội, dù có vì lợi ích của những người khác, thực tế là một hành động tuyệt đối không thể chấp nhận.

Người ta phải đặc biệt chú ý đến sự đánh giá về mặt luân lý những kỹ thuật chẩn đoán tiền sản, vốn cho phép sớm phát hiện rõ ràng những dị dạng thường có thể xảy ra nơi con trẻ sẽ sinh ra. Quả thật, do tính phức tạp của những kỹ thuật ấy, sự định giá này phải được thực hiện rất cẩn thận và thật chặt chẽ. Các kỹ thuật sẽ hợp tác về mặt luân lý khi chúng không có nguy cơ gây ra những bất trắc không cân xứng cho đứa con và cho bà mẹ, và được bố trí để có thể tiến hành một liệu pháp sớm hoặc ít ra giúp cho dễ dàng chấp nhận đứa con sắp sinh ra một cách bình thản và có ý thức. Nhưng vì ngày nay những khả năng chăm sóc trước khi sinh còn giới hạn, nên thường xảy ra là những kỹ thuật đó được đem phục vụ cho một tâm địa ưu sinh, vốn chấp nhận việc phá thai chọn lọc để ngăn cản sự sinh ra những đứa con có những kiểu dạng dị hình khác nhau. Một tâm địa như thế thật nhục nhã và luôn luôn đáng chê trách, bởi vì nó có ý định đo lường giá trị của một sự sống con người chỉ theo những tham số của "tính hợp chuẩn" và của sự thoải mái vật chất, như thế là mở đường cho việc hợp pháp hóa việc giết trẻ sơ sinh và việc làm chết êm dịu.

Nhưng thực tế là sự dũng cảm và sự bình thản mà một số đông những người anh em của chúng ta, bị tàn tật trầm trọng, sống cuộc sống của họ khi được chúng chấp nhận và yêu mến, hợp thành một bằng chứng đặc biệt mạnh mẽ về những giá trị đích thực làm rõ nét đặc tính của sự sống và làm cho sự sống trở thành quý giá cho mình và cho những người khác, dù là trong những điều kiện khó khăn. Giáo Hội gần gũi với những đôi vợ chồng, trong lo sợ và đau khổ lớn lao, chấp nhận đón tiếp những đứa con tật nguyền trầm trọng; Giáo Hội cũng biết ơn những gia đình tiếp nhận làm con nuôi những đứa con bị cha mẹ của chúng bỏ rơi vì tàn tật hay bệnh hoạn...

 

Ðức Giáo Hoàng GIO-AN PHAO-LÔ II

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 16, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page