Phá Thai Là Chính Ðáng Hay Không
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúng ta hãy duyệt qua những trường hợp sau:
1. Một cặp sinh viên đã quan hệ tình dục với nhau qua việc sử dụng biện pháp ngừa thai dựa theo một nền tảng không phù hợp. Khi cô ấy có thai, thì cả hai người mới là sinh viên năm thứ nhất. Cậu ta đề nghị kết hôn giữa lúc cô ấy chưa kịp chuẩn bị để đảm nhận những nghĩa vụ vợ chồng và trách nhiệm trong đời sống hôn nhân. Ðặc biệt nhất là cô ấy sợ không biết cha mẹ cô sẽ phản ứng ra sao khi nghe tin cô đang có mang.
2. Một đôi vợ chồng không thể nào trợ cấp thêm cho con cái được nữa, cho nên người chồng bèn đi cắt ống dẫn tinh. Một vài tháng sau, vợ anh ta nhận thấy mình có thai. Người ta phát hiện ra việc phẫu thuật cắt ống dẫn tinh của ông ấy không được chính xác và kết quả là bà ta nay đã có thai được một tháng.
3. Trong suốt năm tháng mang thai, một phụ nữ nhận thấy mình có thể sinh con trong tình trạng bị hội chứng Down. Người ta thể nào xác định rõ mức độ của đứa trẻ sẽ chịu ảnh hưởng bởi hội chứng Down.
4. Những cuộc cạnh tranh giữa các bộ tộc đã dẫn đến cuộc nội chiến gay gắt. Nhiều người phụ nữ thuộc phe đối lập bị bắt trong cuộc chiến đó đã bị một nhóm người trong bộ tộc này cưỡng hiếp. Bộ tộc này đánh giá rất cao về sự trinh khiết. Nhiều trẻ em bị sinh ra do những hành động bạo lực này nên chúng thường bị xã hội khước từ. Nạn nhân trong cuộc cưỡng hiếp này đã phá thai sau khi biết mình đã có mang thai một tháng.
5. Một quốc gia đông dân số nhưng điều kiện sinh sống trên một vùng đất nhỏ bé. Chính phủ ra chỉ thị cho mỗi đôi vợ chồng chỉ được có hai con. Liệu một người phụ nữ lỡ mang thai đứa thứ ba thì có phải đi phá thai hay không?
6. Một người đàn bà mới ly dị chồng đã "đi chơi đêm" với một người tình cũ. Hôm sau bà ta nhận thấy mình đang trong thời kỳ kinh nguyệt nên quyết định dùng thuốc ngừa thai để không cho bất kỳ một trứng nào thụ tinh trong tử cung.
7. Một nhà cầm quyền người Công Giáo, theo quan niệm riêng của ông, chống đối lại việc phá thai, nhưng lại ký duyệt bản lập pháp ngầm cổ vũ cho việc phá thai.
8. Một chính khách đưa ra trước nghị viện bản luật cấm sử dụng Quỹ y tế trợ cấp cho những trường hợp phá thai.
9. Một cô gái mười bốn tuổi đã quan hệ tình dục. Sau khi biết mình có thai, cô ta đi phá thai mà không cần biết phải có sự ưng thuận của cha mẹ.
10. Các thành viên thuộc một tổ chức phát triển sự sống căn bản đã lén lút đi phá thai tại một bệnh viện vào ban đêm.
Ngày nay, vấn đề phá thai đang lan tràn như một vấn nạn luân lý đang được tranh cãi gay gắt nhất tại Hoa Kỳ. Vào 22.01.1973, tòa án tối cao pháp viện Hoa Kỳ đã phán quyết có tính cách lập pháp cho trường hợp của một phụ nữ ở tiểu bang Texas mà hồ sơ thụ lý của tòa án đặt cho bà tên "Jane Roe". Lúc đó, bà ta cố ý đi phá thai trong khi luật pháp của tiểu bang Texas cấm những trường hợp phá thai, chỉ trừ ra những trường hợp cần phải cứu lấy sinh mạng của người mẹ. Trong việc phán quyết giữa vụ kiện của Roe chống lại Wade, tòa án chủ trương rằng: Ðiều luật hiến pháp cho rằng việc phá thai thuộc quyền cá nhân nhằm bảo đảm cho người phụ nữ có quyền phá thai trong ba tháng đầu (nghĩa là ba tháng đầu tiên của thời kỳ thai nghén).
Trong suốt ba tháng kế đến của thai nhi, luật tiểu bang "có thể đặt ra điều lệ cho tiến trình phá thai theo nhiều cách thức phù hợp với sức khỏe của người mẹ, nếu họ thấy cần thiết". Vậy là chỉ trong ba tháng cuối của thời kỳ mang thai, hiến pháp của nhà nước có thể cấm phá thai, ngoại trừ trường hợp nhằm bảo vệ mạng sống hoặc sức khoẻ của người mẹ. Ðây là phần trích dẫn của luật pháp do toà án đưa ra: "Trong việc khuyến khích sự quan tâm đến khả năng sự sống con người, tiểu bang có thể chọn lựa, đặt ra và thậm chí cấm phá thai, chỉ trừ trường hợp khẩn thiết, trong khi xét kỹ thuật y khoa thích đáng nhằm bảo vệ sinh mạng và sức khỏe của người mẹ". Phán quyết này đã gây ra một cuộc tranh luận như cơn bão lửa trong khắp nước Hoa Kỳ mà còn tiếp tục kéo dài cho đến ngày nay. Trước tiên, chúng ta đề cập đến những ai mà phản bác lại những phán quyết của tòa án.
Lập trường bảo vệ sự sống nói cách đơn giản như sau:
1. Sự sống (hay thể trạng người) đã bắt đầu ngay từ lúc thụ thai.
2. Trực tiếp cướp đi mạng sống của một con người vô tội luôn luôn là điều sai trái.
3. Ngay từ giây phút thụ thai đã có sự sống của một người vô tội.
4. Do đó, phá thai trực tiếp thì luôn luôn là điều phi luân.
Các Cuộc Tranh Cãi Về Lập Trường Bảo Vệ Sự Sống:
Cuộc tranh cãi về việc phá thai xoay quanh hai tiền đề đầu tiên. Những người lên tiếng bảo vệ sự sống nhấn mạnh rằng sự sống (hay thể trạng là người) đã bắt đầu ngay giây phút thụ thai và rằng trực tiếp cướp đi sự sống của người vô tội thì luôn là điều sai trái. Tiền đề thứ ba chỉ xác định lại hai tiền đề trước. Cuộc tranh cãi về việc phá thai ấy, dù bề ngoài thật phức tạp, song chúng quy lại cũng chỉ là cuộc tranh cãi về tính đúng đắn của hai lời đề xuất này.
Lập Trường Bảo Vệ Sự Sống Kết Thúc Với Việc Cấm "Phá Thai Trực Tiếp".
Ðể có thể hiểu kết luận này cho đầy đủ, chúng ta cần xem lại một luận điểm chuyên môn trong thần học luân lý. Và trước khi quay sang phần thảo luận chuyên môn đó, chúng ta cùng xem xét một trường hợp giả định sau đây:
Giả sử có một cặp vợ chồng có một đứa con trai nhỏ vừa câm vừa điếc. Ta hãy tưởng tượng thêm là đứa bé ấy đang thơ thẩn đi ra đường mà không để ý là có một chiếc xe đang lao nhanh đến phía sau lưng cậu. Người cha thấy con mình đang lâm phải cảnh huống hiểm nghèo, liền chạy ra đường và cứu nó thoát khỏi cảnh hiểm họa, song chính ông lại bị xe tông và chết. Bây giờ, ta hãy tạm gác qua một bên một điểm quan yếu, đó là người cha duờng như đã hành động vì cảm xúc hoặc vì bản năng hơn là có suy tính hay ý thức. Liệu người cha đó đã làm một điều đúng chăng? Nếu ông không hành động thì con ông phải chết, song nếu ông ra tay thì chính ông lại mất mạng.
Ðã từ lâu, các nhà thần học luân lý đã nhận ra rằng cuộc sống đôi khi đưa ra cho ta những tình huống mà trong đó, một hành động sẽ đưa đến hai kết quả: một tốt và một xấu. Các thần học gia thường coi điều này là "hệ quả song kết". Vấn nạn luân lý ở đây là: Liệu người ta có được phép, về mặt luân lý, để thực hiện một hành động mà biết rằng sẽ xảy ra một kết quả xấu? Các thần học gia Công Giáo từ từ đi đến chỗ nhất trí rằng: Người ta có thể dấn thân thực hiện một hành động khi họ hội được những điều kiện nào đó. Và Andrew Vagar đã đưa ra những điều sau như một bản tóm tắt những điều kiện mà người ta nghĩ thông thường cần phải có:
1. Những hành động người ta định làm là tốt hoặc ít nhất là tự nó vô can.
2. Những hệ quả tốt và xấu đi liền với nhau từ hành động đó.
3. Người ta chỉ có ý định nhắm đến hệ quả tốt và chỉ cam chịu hệ quả xấu bất ưng.
4. Hệ quả tốt trổi vượt hơn hệ quả xấu, hay ít nhất có lý do quan trọng thích đáng để chấp nhận hệ quả xấu.
Chúng ta cần phải giải thích đôi chút về từng điều kiện này. Ðiều kiện thứ nhất cho thấy rõ rằng hành động đó là không được là một hành động xấu (ví dụ ngoại tình). Ðiều kiện thứ hai thu hẹp chặt chẽ hơn sự lượng xét của chúng ta vào một trường hợp một hành động mà sinh ra hai hệ quả một lúc. Cái điểm mà điều kiện này muốn loại trừ là những trường hợp chúng ta thực hiện một hành động xấu lúc này chỉ để ngăn ngừa những hậu quả xảy ra về sau. Ðiều kiện thứ ba là: trong khi làm một hành vi, ta phải có tâm hướng tốt.
Trong hoàn cảnh giả định như đã nêu trên, người ta sẵn sàng cho rằng người cha chắc chắn có ý cứu đứa con chứ không hẳn là có ý tự tử dưới chiêu bài cứu đứa con. Ðiều kiện thứ tư nói đến "một lý do quan trọng xác đáng" cho phép một hậu quả xấu xảy ra. Trong trường hợp giả định trên, người cha đã mất mạng trong khi muốn cứu con mình. Ðây là một điều hợp lý. Còn nếu ông ta mất mạng vì muốn cứu một con vật yêu quý của gia đình thì gần như phải xét rằng điều đó thật không hợp lý.
Nguyên tắc hệ quả song kết được áp dụng cho một số nhỏ các trường hợp có liên quan đến việc phá thai. Khi trứng đã được thụ tinh nằm lại nơi ống dẫn trứng thì xảy ra việc mang thai ngoài dạ non. Trong hoàn cảnh mang thai không đúng cách này, nếu ống dẫn trứng vỡ ra người phụ nữ có thể bị mất máu và chết. Khi phát hiện ra tình huống này, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần ống dẫn trứng mà cái trứng đã được thụ tinh đang nằm tại đó. Nếu người ta tin rằng sự sống đã bắt đầu ngay lúc thụ thai thì vị bác sĩ kia đã cướp đi một mạng sống, nhưng nếu người ta hội đủ bốn điều kiện của nguyên tắc hệ quả song kết thì hành động kia của vị bác sĩ sẽ được chấp nhận. Hành động của vị bác sĩ xét về mặt luân lý là tốt, chí ít là vô can. Việc cắt bỏ phần ống dẫn trứng phát sinh ra hai hệ quả cùng một lúc.
Vị bác sĩ nhắm đến việc cứu mạng sống của bà mẹ cũng khác như có lý do thích đáng để thực hiện tiến trình phẫu thuật đó. Chính vì hội đủ cả bốn điều kiện trên nên hành vi "phá thai gián tiếp" này đã được chấp nhận. Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho trường hợp của một người phụ nữ bị ung thư tử cung, và người ta buộc phải cắt bỏ phần mô bị ung thư đó để cứu bà khỏi chết. Nguyên tắc này có vẻ đã tạo nên một lỗ hổng luận cứ bảo vệ sự sống, song trong thực tế, thật hiếm có những trường hợp nào hội đủ cả bốn điều kiền này.
Những Thách Ðố Ðối Với Lời Ðề Xuất: "Sự Sống Bắt Ðầu Ngay Từ Lúc Thụ Thai"
Tiền đề thứ nhất của lập trường bảo vệ sự sống cho rằng sự sống bắt đầu ngay từ lúc thụ thai. Lập trường này đã đưa ra nhiều thời điểm khác nhau như là điểm khởi đầu của tính trạng người trong chín tháng người phụ nữ mang thai. Lập trường hậu thuẫn cho việc lý luận để chọn một thời điểm khi cái thai chưa tượng hình đó là: nếu việc phá thai xảy ra trước thời điểm đó thì nó hợp luân, bởi vì chưa có một khởi điểm đích thực. Giữa những luận cứ khả dĩ có thể xét đến 4 lời đề nghị được nhiều nhà tư tưởng ủng hộ có liên quan đến khởi điểm của tính trạng người.
Thời điểm khả dĩ có thể được chấp nhận như là khởi điểm của sự sống con người trong suốt cả chín tháng cưu mang thì hẳn sẽ là chính thời điểm sinh ra. Dù không thường xuyên tranh luận nhưng trường hợp này luôn coi bào thai như một phần cơ thể của bà mẹ mà chỉ có bà mới có thể kiểm nhận đúng về hoạt động của nó. Các phê bình gia phản đối rằng không có sự khác biệt bao nhiêu về sinh lý giữa một đứa trẻ mới sinh và một đứa trẻ được hai tuần tuổi. Ngay cả đứa trẻ bị sinh non, nó vẫn có thể sống được.
Lời đề nghị thứ hai chọn thời điểm khi cái thai có khả năng sống tự lập khỏi mẹ làm khởi điểm cho tính trạng người. Trong quá trình phát triển của thai nhi thì thời điểm này tương ứng với lúc thai nhi có khả năng tự sống, và theo thực tế nó ở vào quãng tháng thứ sáu. Trước thời điểm đó, bên cạnh các rắc rối khác, phổi của thai nhi vẫn chưa phát triển đủ để có thể tự sống bên ngoài tử cung được. Tòa Án Pháp Viện Tối Cao của Hoa Kỳ đã chú tâm xét căn cứ trên khả năng sự sống khi tòa có phán quyết thuận lợi cho bà Roe chống lại Wade.
Nhiều người đã nhìn nhận khả năng có thể độc lập về mặt thể lý này như là khởi điểm của tính trạng người. Các người phản bác đã vội vã đưa ra luận điểm là: Sự sống khả dĩ của thai nhi chỉ phụ thuộc vào kỹ thuật trợ sinh tất yếu của y khoa hiện nay. Ngày nay, người ta sử dụng những kỹ thuật có thể cứu sống những đứa trẻ sinh non, mà nếu trước đây ba mươi năm, thật khó mà sống sót. Và trong tương lai nữa, người ta sẽ lại có thể có những kỹ thuật hoặc những tiến bộ y khoa có khả năng cứu sống những ca sinh sớm. Có lẽ đến một ngày nào đó, người ta sẽ chế ra những tử cung nhân tạo để nuôi dưỡng bào thai cho đến khi nó hình thành đầy đủ.
Ðề xuất thứ ba đánh dấu một khởi điểm của tính trạng người vào lúc nó xuất hiện những dấu hiệu hoạt động đầu tiên của não bộ vào quãng tuần thứ tám. Những người ủng hộ lập trường này tranh luận rằng: Chính bởi vì việc chấm dứt một đời người được xác định như một tình trạng não không còn hoạt động, cho nên khởi điểm của tính trạng người cần phải được coi là khi xuất hiện những hoạt động đầu tiên của bộ não.
Ðề xuất thứ tư coi tính trạng người xuất hiện khi cái thai được hai - ba tuần tuổi. Cho đến lúc này, cái trứng được thụ tinh ở vào một thời điểm quan yếu đó là xác định được cái thai có phải là song sinh hay không. Trước thời điểm này thì người ta không rõ là có một hay hai đứa bé. Vì vậy, những người ủng hộ đề xuất thứ tư cho rằng thật là quá sớm khi nói tính trạng người đã hình thành thích đáng trong giai đoạn mang thai này. Ðề xuất thứ tư này lại gặp một khó khăn thực tế là người phụ nữ lại có thể không biết mình có thai; tuy nhiên, họ vẫn được phép dùng những loại thuốc vốn có thể cản ngăn trứng đã thụ tinh được đậu cũng như khiến cho cơ thể người nữ từ chối cái trứng đã đậu.
Những người lên tiếng bảo vệ sự sống quy lỗi cho rằng dự tính thật sự của việc xác định ở thời điểm nào sau khi thụ thai là khởi điểm của sự sống thì đã bị hiểu sai. Khả năng tự sống, sự xuất hiện những hoạt động của não hay việc xác định được song sinh thì chỉ xảy ra với trường hợp trứng đã được thụ tinh. Những hệ quả đó sẽ không xảy ra nếu trứng không được thụ tinh hoặc cũng sẽ xảy ra với bất cứ tế bào nào khác của cơ thể.
Theo nhóm bảo vệ sự sống, những sự kiện đó cho thấy rằng sự sống đã bắt đầu lúc thụ thai và trong chín tháng mang thai, tính trạng người ngày càng trở nên phức tạp hơn. Những hoạt động của não bộ không xuất hiện một cách đơn giản; nói cho đúng hơn, sự xuất hiện những hoạt động đó là một bước tiến trong quá trình thúc đẩy sôi động của sự phát triển bào thai bắt đầu lúc thụ thai.
Một số nhà tư tuởng không coi sự phát triển về sinh lý như là yếu tố duy nhất (hoặc là yếu tố quan trọng nhất) khi xác định khởi điểm của sự sống. Các nhà tư tuởng này không coi một trứng thụ tinh lại có giá trị luân lý ngang bằng với một đứa trẻ sơ sinh. Họ nhấn mạnh rằng cái trứng đã thụ tinh đó vẫn thiếu một số phẩm tính giúp phân biệt "một bản vị người" với những dạng thức khác của sự sống (ví dụ: tự ý thức, sáng tạo...). Các phê bình gia e ngại rằng cách định nghĩa tính trạng người như thế dường như thường loại trừ những người chậm phát triển, già yếu hoặc những người bị hôn mê.
Những Thách Ðố Ðối Với Lời Ðề Xuất: "Trực Tiếp Cướp Ði Mạng Sống Của Một Con Người Vô Tội Thì Luôn Luôn Là Một Ðiều Sai Trái".
Tiền đề thứ hai của lập trường bảo vệ sự sống là trực tiếp cướp đi mạng sống vô tội thì luôn là mội điều sai trái. Giống trường hợp nói nơi tiền đề thứ nhất, lập thuyết này cũng đã gây nên nhiều sự tranh cãi. Chúng ta xem xét 4 thách đố đối với lời đề xuất này.
Luận cứ thứ nhất xoay quanh khái niệm "phẩm tính của sự sống". Các cuộc tranh luận về phẩm tính của sự sống đã đưa ra một số mức độ tạo nên một chuẩn mực sống có thể chấp nhận được xét dưới một góc độ tối thiểu mà thôi. Nếu phẩm tính của một ai nào đó nằm dưới mực sự sống, thì người ta không chỉ được phép phá thai mà trong nhiều trường hợp, nó còn được coi là kiểu hành động khả đáng. Cuộc tranh cãi về phẩm tính của sự sống trong trường hợp phá thai có một trong hai hình thức. Hình thức thứ nhất tập chú vào điểu kiện thể lý của đứa trẻ, còn hình thức thứ hai thì lưu tâm đến môi trường đứa trẻ được sinh ra.
Phá Thai Ðể Tránh Cho Ðứa Bé khỏi Phải Khổ Trong Tương Lai?
Trong trường hợp thứ nhất, nếu cha mẹ đứa bé xét thấy cần phải khám phá ra đứa bé mắc một căn bệnh vô phương chữa trị hoặc bệnh suy thoái và căn bệnh này sẽ bộc phát ra khi đứa bé được hai ba tuổi. Một số người tranh luận rằng: cha mẹ đứa bé, về mặt luân lý, có thể chọn giải pháp phá thai.
Trong trường hợp thứ hai, chúng ta được yêu cầu xem xét trường hợp một đứa bé sinh ra trong cảnh nghèo đói khổ sở. Nếu chắc chắn đứa bé sẽ phải chịu cảnh đói khát hoặc thiếu sự chăm sóc sức khỏe, thì về mặt luân lý, một số người đồng ý cho phép phá thai.
Nhiều người lên tiếng bảo vệ sự sống khước từ những cuộc tranh cãi về "phẩm tính sự sống" như thế. Trước hết, họ khẳng định rằng tất cả mọi sự sống đều thánh thiêng, bởi vì mọi sự sống đều là một món quà của Thiên Chúa ban cho con người. Phẩm giá mà mỗi người có được không phải do nơi sự đồng tình của họ đối với một số hệ thống những tiêu chuẩn đã được xác định theo lợi ích của xã hội, nhưng do sự thể là mọi người đều được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Thứ đến, những người bảo vệ sự sống e ngại về hậu quả của lối suy nghĩ như thế. Nếu chúng ta bắt đầu xác định ai sống và ai chết thì điều này đến đâu mới kết thúc? Người ta coi vấn đề này như một luận chứng "trượt dốc". Với quyết định cấm ngặt mọi cuộc phá thai trực tiếp, chúng ta đang đứng trên một lập trường vững chắc, nhưng một khi bàn đến khía cạnh "phẩm tính sự sống " thì chúng ta đã bước ra khỏi lập trường vững chắc trên để bước vào một sự "trượt dốc".
Một khi chúng ta đã cho phép phá thai, chẳng hạn, trong những trường hợp cái thai bị dị dạng nặng thì còn có điều gì lại ngăn chúng ta không biện minh cho những cuộc phá thai đối với những cái thai bị dị dạng tương đối và tiếp sau đó là đối với những cái thai chỉ bị dị dạng nhẹ?
Chúng ta sẽ đi từ lập trường vững chắc là việc cấm phá thai xuống đến đến bậc thấp nhất là cho phép phá thai vì những lý do tầm thường nhất. Cuối cùng ra, chúng ta không thể tránh khỏi việc biện minh cho hành động "tiễu trừ" tất cả những ai tỏ ra là gánh nặng cho chúng ta. Sau cùng, những người bảo vệ sự sống nhấn mạnh rằng đối với những trường hợp mang thai bất đắc dĩ hoặc trường hợp cái thai gây ra bất cứ loại khó khăn nào thì câu trả lời không thể là sự phá đổ nhưng là một sự nhiệm ý.
Phá Thai Ðể Giải Quyết Trường Hợp Bị Hiếp Dâm Hoặc Loạn Luân?
Thách đố thứ hai mà nhóm ủng hộ mỗi người có quyền tự quyết về đời mình đưa ra là trường hợp hiếp dâm hoặc loạn luân. Nhóm này nhấn mạnh rằng: "Người phụ nữ nào bị hiếp dâm thì về mặt luân lý, họ không buộc phải mang cái thai đó. Trường hợp tương tự nổi tiếng nhất về mặt này đã được Judith Jarvis Thomson đưa ra cách đây hai mươi năm."
Hãy tưởng tượng có một người phụ nữ nọ vào một buối sáng thức dậy bỗng phát hiện thấy sát bên cạnh mình chàng nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng đang lâm vào cơn đau thận hiểm nghèo. Người phụ nữ đó là chỗ dựa nương duy nhất của chàng. Ông Thomson mới hỏi: liệu người phụ nữ đó, về mặt luân lý, có buộc phải tiếp tục chăm sóc cho chàng nghệ sĩ đó không. Theo ông, về mặt luân lý, người ấy không "bị buộc" phải hành xử như thế. Thế nhưng, nếu người phụ nữ ấy vẫn cứ chọn làm điều đó thì dĩ nhiên người ấy có quyền, song không hề bị buộc phải làm thế. Cùng một cách thức như thế, người phụ nữ bị hiếp dâm, thì về phương diện luân lý, cô ấy không bị buộc phải mang cái thai vốn làm cho cô ấy khổ sở vì biến cố đã qua.
Những người bảo vệ sự sống đáp lại rằng: khi tiến hành phá thai trong truờng hợp người phụ nữ bị hiếp dâm là ta đã trừng phạt lầm đối tượng. Thủ phạm đáng bị trừng phạt chính là kẻ hiếp dâm và chỉ một mình anh ta mà thôi. Người phụ nữ hoàn toàn vô tội và bào thai cô ta đang mang trong lòng cũng hoàn toàn vô tội. Trừng phạt bất cứ ai trong hai người này thì đều thật là phi luân.
Về thái độ dành cho những nạn nhân bị hãm hiếp, thì Vicent. J. Genovesi, S.J đã viết: "Huấn quyền chính thức của Hội Thánh Công Giáo về thái độ cần phải có đối với những người bị hãm hiếp có thể được tóm kết như sau: Về mặt luân lý, người ta được phép, thậm chí là xác đáng, để cố ngăn không cho tiến trình thụ thai xảy ra, khi lâm vào những hoàn cảnh như thế, miễn là có sự hoài nghi hợp lý không biết cái thai đã bắt đầu tượng hình hay chưa; người ta có thể dùng những thủ thuật y khoa thích hợp đã được cho phép để ngăn chặn việc thụ thai. Nhưng người ta buộc phải để vậy nếu đã đến một thời điểm thỏa đáng chứng thực việc thụ tinh đã xảy ra. Hội thánh chấp nhận lập trường này, bởi vì theo Hội Thánh, ngay từ giây phút thụ thai đã có một con người mới mà ta cần phải tôn trọng và bảo vệ sự sống của con người đó."
Genovesi đã viện dẫn một văn bản về đạo đức y khoa xuất bản năm 1955, theo đó, cho đến giờ thứ mười sau khi bị hiếp dâm, nạn nhân vẫn được phép sử dụng các biện pháp ngừa thai.
Phá Thai Ðể Cứu Sống Người Mẹ?
Hoàn cảnh thứ ba mà những người ủng hộ quyền tự quyết đưa ra là trường hợp mạng sống bà mẹ bị đe dọa. Có hai luận chứng được sử dụng để biện minh cho việc phá thai trong những trường hợp này. Trước tiên, đó là sự đang dạng của luận chứng tự vệ. Nếu cái thai đe dọa mạng sống của bà mẹ thì cái thai gần như là trở thành một nhân tố tấn công mạng sống của bà mẹ. Do đó, phá thai lúc này là một hành vi bảo tồn mạng sống.
Luận chứng thứ hai để ý nhiều hơn đến khía cạnh lợi ích. Giả sử bà mẹ đó là một góa phụ một nách nuôi ba đứa con. Nếu bà chấp nhận mang thai, bà phải gửi ba đứa trẻ vào trại mồ côi. Do đó, bà quyết định phá thai. Những người bảo vệ sự sống khước từ lập luận đó và nhấn mạnh rằng mọi sự sống đều quý giá và không thể đánh đổi ngang bằng với các giá trị đó được, cho dù việc phá thai có vì một ý hướng đúng thế nào cũng đành mặc.
Phá Thai Ðể Hạn Chế Dân Số?
Tình huống thứ tư mà nhóm ủng hộ quyền tự quyết đưa ra đó là việc kiểm soát dân số. Ở đây, một lần nữa, luận chứng lại xoay quanh khía cạnh vị lợi. Nếu một quốc gia (Trung Hoa chẳng hạn) có mật độ dân số quá cao, thì khi đó, người ta cần phải lưu tâm đến cả thế hệ hiện tại lẫn những thế hệ tương lai. Nếu nguồn thực phẩm không đủ để cung cấp cho tình trạng gia tăng dân số ào ạt, thì lúc đó, chính phủ có quyền thậm chí có thể buộc phải giới hạn tỷ lệ tăng dân số. Cũng vì vậy, việc chính phủ bắt buộc phá thai là chính đáng. Những người bảo vệ sự sống bác bỏ luận cứ này đồng thời viện dẫn nguyên tắc sự sống con người là linh thánh và không ai được phép đánh đổi cho dù để lấy những thiện ích xã hội lớn hơn.
Trích ABORTION trong WHERE DO YOU STAND ? của GREGORY C. HIGGINS.
NHT dịch
(Trích từ Ephata Việt Nam số 15, năm 2001)