Tại Sao Người Ta Phá Thai?

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Xin đóng góp với Ephata một vài suy nghĩ:..

Phá thai quả là vấn đề hết sức bức xúc và nan giải cho Giáo Hội ngày hôm nay, khi mà con số phá thai mỗi ngày một tăng, nhất là đối với giới trẻ. Hiện tượng phá thai coi như là chuyện thường tình, ưng thì để, không ung thì phá. Kinh nghiệm trong Tòa Giải Tội cho thấy, người ta xưng tội phá thai cũng rất thản nhiên, như những tội trọng khác mà thôi. Vấn đề được đặt ra là nguyên nhân nào đưa đến việc phá thai? Có rất nhiều câu trả lời:

1/ Vì đó là cái thai ngoài ý muốn.

2/ Vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo.

3/ Vì người phụ nữ bị bỏ rơi, bị hất hủi.

4/ Vì vợ chồng bất hòa với nhau.

5/ Vì không muốn vất vả cực khổ mang thai, sinh con và nuôi con.

6/ Vì công việc làm ăn không tiện có thai.

7/ Vì bể kế hoạch sau khi đã cố gắng ngừa thai.

8/ Vì siêu âm thấy thai nhi bị dị tật, khó nuôi sau này.

9/ Vì thiếu kiến thức về thai nhi, về sự sống con người.

Và vì rất nhiều lý do khác nữa. Nhưng ở đây, tôi muốn dừng lại ở điểm bức xúc nhất đối với tôi là vấn đề thiếu kiến thức.

Giới trẻ không đủ kiến thức biết rằng mình sẽ thụ thai khi muốn tỏ tình yêu trọn vẹn đối với nhau, và cũng không lường trước được hậu quả của nó, khi chuyện xảy ra; kiến thức để biết về việc phá thai ảnh hưởng thế nào đối với sức khỏe; kiến thức đối với đạo làm người, đối với giá trị sự sống Chúa ban cho, lương tâm của một người làm cha, làm mẹ.

Tôi có hỏi một phụ nữ phá thai. "Chị có biết phá thai là giết người không, là giết chính đứa con của chị không?" Chị ta lưỡng lự trả lời là "có" nhưng không tỏ vẻ gì là bức xúc, là hối hận.

Tôi cũng có trao đổi với một nhân viên phụ trách việc phá thai trong bệnh viện. Tôi hỏi anh có áy náy gì khi thường xuyên lôi những thai nhi ra khỏi bụng mẹ nó không? Nhất là trong những trường hợp thai nhi đã được 4 - 5 tháng, anh trả lời: "Mẹ nó mà còn chẳng thèm nhìn, chẳng thèm đoái hoài tới đứa con của mình nữa là... Sau khi được tôi giúp phá thai, họ nghỉ ngơi chút đỉnh là cắp đít ra về, chẳng quan tâm gì đến đứa con của họ, mà chỉ coi như là mình vừa trút được một của nợ!"

Qua đó tôi có cảm giác là người ta không coi thai nhi là người, mà chỉ như là một dị vật, một kẻ thù không mời mà đến, nên phải loại trừ, hủy diệt mau chừng nào tốt chừng đó. Họ không biết rằng, thai nhi mới 4 tuần tuổi đã có hệ thống thần kinh trong não bộ, mầm não và cột sống được hình thành cùng với tim, hệ thống mạch máu và giây rốn và các tứ chi như những chồi non được hình thành. Trong tuần 8 - 9, gương mặt, miệng lưỡi, bàn tay, bàn chân của thai nhi đã hình thành, mắt thấy rõ hơn. Tất cả các cơ quan nội tạng: tim gan, phổi, thận, ruột được phát triển rồi.

Do đó, vấn đề là: thiếu hiểu biết ắt sẽ dẫn đến nhận thức không đúng mức về con người trong bào thai, tức là không nhận ra giá trị đích thực của thai nhi. Ðồng thời cũng không cảm nhận sự kỳ diệu tuyệt vời của việc hình thành và phát triển thai nhi. Và họ dễ dàng có quyết định phá thai.

Vậy, theo tôi, một trong những cách ngăn ngừa phá thai là phải làm tìm cách giáo dục dạy dỗ cho mọi người, đặc biệt là cho Giới Trẻ có những kiến thức cần thiết để có thể nhận biết giá trị của con người ngay từ trong bào thai. Ngoài ra, còn một vấn đề nữa trong nguyên tắc luân lý là: giữa 2 điều xấu, chúng ta phải chọn cái đỡ xấu hơn. Vậy chúng ta có nên chấp nhận một giải pháp ngừa thai hữu hiệu nào đó để bớt đi nạn phá thai không? Vấn đề hình như vẫn còn treo lửng...

 

Lm. Tường Cư - Ðồng Nai

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 15, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page