Thảm Trạng Phá Thai

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Dưới đây là một ghi chép tổng hợp của một sinh viên Công Giáo yêu cầu được giấu tên, sau đợt thực tập tại một bệnh viện phụ sản lớn ở Sài-gòn năm 1995. Bản thân anh đã xin chuyển công tác sang phục vụ khoa Nhi vì nỗi ám ảnh tinh thần cứ đeo đẳng mãi. Có thể coi đây là một chứng từ sống động đến rùng mình về thảm trạng nạo phá thai hiện nay ở Việt-nam và trên toàn thế giới!

"Ðiều Hòa Kinh Nguyệt" thực chất là phương pháp để phá thai sớm. Nó còn được ngụy trang dưới nhiều cách gọi có vẻ mang tính khoa học rất dễ gây ngộ nhận nơi những phụ nữ bình dân ít học, như: Hút Ðiều Hòa Kinh Nguyệt (menstrual regulagion), Hút Tối Thiểu (minisuction), Hút Tạo Kinh Nguyệt (menstrual extraction).

Còn "nạo phá thai" là cách gọi nôm na của phương pháp đình chỉ thai nghén, chủ động qua đường âm đạo. Thủ thuật được tiến hành bằng cách nong cổ tử cung để gắp thai nhi và nhau thai ra khỏi bụng người mẹ, sau đó, nạo sạch các thành vách của buồng tử cung. Trên nguyên tắc của việc kế hoạch hóa gia đình hiện nay, chỉ được phép nạo phá thai khi thai còn nhỏ dưới 12 tuần tuổi. Thế nhưng, trong thực tế thì khác xa!

Rất hiếm khi vấn đề tai họa trước mắt và lâu dài của việc nạo phá thai được thẳng thắn trình bày cho giới phụ nữ. Họ không ngờ đó sẽ là nguy cơ băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm khuẩn tử cung và gây tổn thương đường sinh dục. Về lâu về dài, người phụ nữ phá thai có thể bị triệt sản, không thể có thai nữa. Nếu có thai thì tử cung đã bị chai, cứng đơ ra và rất khó sanh. Sau khi sanh, sản phụ còn có thể bị băng huyết nặng.

Trong các tai hại nêu trên, nổi cộm lên nguy cơ bị băng huyết sau khi nạo thai hoặc băng huyết sau khi sanh, bởi nạo thai chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này. Các biến chứng do băng huyết gây ra gồm có: phần đáy tử cung sẽ bị tăng cao thể tích lên dần, to bề ngang và mềm nhão, rất dễ bị tổn thương.

Nguy hiểm nhất là chảy máu. Có thể máu vừa chảy ra ngoài, vừa đọng lại trong buồng tử cung. Máu đỏ tươi lẫn với máu cục, hoặc nhiễu từng giọt, cứ mỗi cơn co lại thì lại tống máu cục ra ngoài. Sản phụ sẽ bị mất máu cấp tính, da và niêm mạc xanh hay trắng bệch, tay chân lạnh ngắt, thấy khát nước vật vã, vẻ mặt hoảng hốt, mạch tim đập nhanh, huyết áp tuột thấp bất thường. Nếu không phát hiện kịp thời, sản phụ sẽ bị trụy tim mạch, choáng nặng đưa đến tử vong, hoặc do lượng máu mất quá nhiều sẽ dẫn đến việc rối loạn đông máu.

Ngoài ra còn có hội chứng Shechan làm cho sản phụ bị gầy rạc đi, rụng tóc, mất sữa, mất kinh nguyệt do bị hoại tử ở tuyến yên. Người nạo thai còn có thể bị các chứng như: nhiễm trùng hậu sản; suy thận trầm trọng, viêm tắc tĩnh mạch; nhiễm khuẩn máu đưa tới 100% tử vong vì ung thư tử cung; viêm phúc mạc toàn bộ xảy ra trong khoảng 3, 4 ngày sau khi nạo do bị nhiễm khuẩn bộ phận sinh dục, mắt trũng, môi khô, tim đập nhanh và loạn nhịp, thân nhiệt cao, nôn mửa, đau bụng dữ dội, bí trung tiện và đại tiện, âm đạo viêm to hết sức đau đớn, từ đó, vùng bị viêm sẽ tạo ra mủ chảy ngược vào ổ bụng, gây ra viêm phúc mạc, dễ bị thủng tử cung đột ngột làm bệnh nhân tử vong không thể cấp cứu được!

Trong thực tế, tại khoa sản, phòng khám nạo thai của một bệnh viện phụ sản lớn ở Sài-gòn, trung bình mỗi ngày có trên 30 người đến nạo phá thai. Số thai nhi bị nạo nhiều gấp 3 lần số được sinh ra. Có khi thai bị phá quá trễ, tình trạng giống như sinh non, đứa bé bị trục xuất ra ngoài, bật khóc to, bác sĩ lạnh lùng úp mặt em xuống một chiếc gối trong một phút để nó sẽ chết vì ngạt. Lại có những đứa bé như linh cảm sẽ bị giết, đã không chịu bị trục ra ngoài bụng mẹ, bác sĩ đã điềm nhiên dùng kìm, kéo và dao đưa thẳng vào tử cung để cắt vụn các chi của em bé, rồi gắp ra từng phần!

Ða số những người đến nạo phá thai đều tỏ ra dửng dưng, cho đây là một phong trào tốt cần phải làm để kế hoạch hóa dân số. Hơn nữa, họ còn được thưởng kha khá dưới hình thức bồi dưỡng. Có thể nói lương tâm của họ như thể bị chai đá. Có người đã nạo đến 5, 6 lần! Ðặc biệt, phải kể đến tình trạng phá thai của các cô gái vị thành niên. Chỉ riêng tại Việt-nam đã có gần 30.000 ca phá thai mỗi năm của riêng độ tuổi từ 13 đến 17 (theo thống kê năm 1994).

Bản thân tôi đã tìm cách khéo léo và kín đáo để phỏng vấn 3 người vào nạo thai, một người mang thai đã 3 tháng, hai người kia có thai 2 tháng. Tôi hỏi: "Tại sao chị lại đi phá thai?" Chị thứ nhất trả lời: "Vì tôi sợ lại sẽ sinh ra con gái!" Chị thứ hai biện bạch: "Gia đình tôi nghèo quá, sợ không nuôi nổi nó!" Còn chị thứ ba thì thản nhiên bảo: "Vì tôi thích nạo, quen rồi!"

 

Lm. Lê Quang Uy biên tập lại theo lời kể của một y tá Công Giáo năm 1995

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 14, năm 2001)


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page