Thông Ðiệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae)

của Ðức Thánh Cha Phaolô VI

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Thông Ðiệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) của Ðức Thánh Cha Phaolô VI.

Thông Ðiệp Sự Sống Con Người được Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành ngày 25-7-1968 tại Rôma. Trong đó ÐTC đã nói tới những lãnh vực quan trọng của đời sống hôn nhân như: Sự thánh thiện của đời sống con người, ý nghĩa đời sống phái tính, tình yêu với đời sống vợ chồng và trách vụ của những bậc cha mẹ, đặc biệt ÐTC đã nói tới vấn đề khá phức tạp trong đời sống hôn nhân.

Thông Ðiệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) gồm có 3 phần. Phần I: Những Vấn Ðề và Quyền Hạn, Phần II: Các Nguyên Tắc Giáo Lý, Phần III: Những Hướng Dẫn Mục Vụ. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm (1968-1993), ngày ban hành Thông Ðiệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae), sau đây chúng tôi xin trích lại những đoạn quan trọng của Thông Ðiệp (Phần II) để độc giả có một cái nhìn rộng rãi hơn:

 

Phần II: Các Nguyên Tắc Giáo Lý

 

Một ý thức trọn vẹn về con người

7. Cũng như tất cả các vấn đề liên quan đến đời sống con người, vấn đề Sinh Sản cần được ý thức và quan niệm không phải dưới một vài khía cạnh riêng biệt - như khía cạnh sinh lý, dân số và xã hội - mà phải lưu tâm đến toàn thể con người, đến ơn thiên triệu thiên nhiên cũng như siêu nhiên, tạm thời cũng như vĩnh viễn của họ. Ngoài ra, vì nhận thấy nhiều người có khuynh hướng tìm cách chứng minh hợp pháp hóa các phương pháp nhân tạo để kiểm soát việc sinh sản bằng cách căn cứ vào các nhu cầu của tình yêu trong hôn nhân, vào "trách vụ trở thành cha mẹ" của đôi vợ chồng, nên Ta sẽ minh xác quan niệm chính thống về hai thực tại quan trọng của đời sống trên đây. Lẽ tất nhiên trong lãnh vực này, Ta căn cứ trên những điều Công Ðồng Vatican II đã trình bày và quyết định trong Hiến Chương Mục Vụ Vui Mừng Và Hy Vọng (Gaudium Et Spes) về Tình Yêu trong hôn nhân.

8. Bản chất thực tiễn và sự cao quí của tình yêu trong hôn nhân được biểu lộ hoàn toàn khi người ta nhìn qua nguồn gốc tối thượng của nó là Thiên Chúa Tình Yêu (1Gio 4:8.16) "là Cha toàn năng, nguồn mạch của mọi tình Cha con, trên trời cũng như dưới đất" (Eph 1:3).

Chính vì thế, hôn nhân không phải là kết quả của ngẫu nhiên hay của các năng lực tự nhiên, vô ý thức. Trái lại, đó là một tổ chức khôn ngoan do Ðấng Tạo Hóa, vì tình thương, đã thực hiện nơi nhân loại. Ðôi vợ chồng cống hiến chính bản thân mình cho nhau, hòa đồng bản thể của đôi bên lại để hoàn thiện hóa cá nhân mình hầu cộng tác với Thiên Chúa trong việc lưu truyền sự sống và dưỡng dục các đời sống mới.

Hơn thế nữa, đối với những người đã chịu phép Rửa Tội, hôn nhân còn mang sắc thái cao quí của Bí Tích ban ơn thánh, lý do hôn nhân tượng trưng sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội.

 

Các đặc tính của tình yêu trong hôn nhân

9. Ðược ý thức như thế, hôn nhân sẽ bật nổi sáng chói với những đặc tính, những đòi hỏi đặc biệt của tình yêu hôn phối. Do đó chúng ta cần phải có một ý niệm xác thực về vấn đề này.

Trước tiên, đó là một thứ tình yêu hoàn toàn nhân bản, nghĩa là vừa hữu hình, vưa siêu hình. Ðây không phải chỉ là một việc di chuyển tình cảm và bản năng từ người này sang người ka, mà đó chính là một động tác của lý trí và tự do, một động tác cần được bảo vệ và gia tăng qua những vui buồn của đời sống thường nhật, để đôi vợ chồng trở nên một tâm hồn, một tinh thần và cùng nhau đạt tới đỉnh hoàn thiện của nhân loại.

Ngoài ra, đây còn là một thứ tình yêu Trọn Vẹn, nghĩa là một hình thức đặc biệt của tình bạn cá nhân, nhờ đó hai vợ chồng cùng nhau chân thành yêu mến, chia sẻ mọi sự, không giấu giếm, không tính toán ích kỷ. Một người phối ngẫu yêu bạn mình không phải vì những cái bạn đã cho mình, mà chính vì bạn, với niềm hân hoan vui sướng được lấy chính bản thân mình phong phú hóa cho bạn.

Ðây cũng là một thứ tình yêu Chung Thủy và dành Riêng cho một người cho đến lúc chết. Và đó chính là cảm nghĩ của đôi vợ chồng ngày hai người tự ý, tự nguyện hiến trọn thân mình cho nhau khi nói lên lời giao ước hôn nhân. Lòng chung thủy ấy tuy đôi khi khó thực hiện, song ai cũng công nhận là có thể giữ được, và lòng chung thủy ấy là một thái độ cao quí, đáng trọng. Kinh nghiệm hôn nhân qua bao thế kỷ, với những cử chỉ đáng phục của muôn vạn người chồng trong các thế hệ chứng tỏ rằng: lòng chung thủy không những hợp với bản chất của hôn nhân, mà còn là nguồn hạnh phúc sâu xa bền vững.

Cuối cùng, đây là một tình yêu Phong Phú không hề tiêu hao trong việc truyền thông giữa hai vợ chồng, trái lại, đủ sức tiếp tục bằng việc tạo thành những đời sống mới. "Hôn phối và tình yêu trong hôn nhân, tự bản chất nó, được hướng về việc sinh sản và nuôi dưỡng con cái. Trên thực tế, con cái là ân huệ tối thượng của hôn nhân và mưu ích rất nhiều cho chính cha mẹ chúng" (Công Ðồng Vatican II, Hiến Chương Mục Vụ Vui Mừng Và Hy Vọng - Gaudium Et Spes, số 50).

 

Trách nhiệm trở thành cha mẹ

10. Vì lý do trên, tình yêu trong hôn nhân đòi hỏi đôi vợ chồng phải ý thức sứ mạng "trách nhiệm" trở thành cha mẹ của mình, một trách nhiệm mà con người hiện nay thường xuyên nhắc tới và hết thảy chúng ta cần phải thấu hiểu ý nghĩa xác thực của nó, Trách Nhiệm ấy cần được cân nhắc, thảo luận dưới nhiều khía cạnh khác biệt nhưng liên hệ với nhau.

Xét về phương diện sinh lý học, nhận "trách nhiệm trở thành cha mẹ" tức là thấu hiểu và tôn trọng các tiến trình hoạt động của sinh lý: trí thức giúp ta khám phá ra khả năng sinh sản, định luật luân lý nằm ngay trong bản chất con người (Summa Theologia, Ia, IIac).

Xét về phương diện các khuynh hướng của bản năng và tính dục, trách nhiệm trở thành cha mẹ có nghĩa là: phải dùng lý trí và lòng cương quyết để điều khiển các khuynh hướng ấy.

Xét về phương diện các điều kiện vật lý, kinh tế, tâm lý và xã hội, trách nhiệm trở thành cha mẹ có nghĩa là: biết cân nhắc suy nghĩ để rồi sẵn sàng làm cho gia đình mình tăng thêm nhân số, hoặc để rồi căn cứ vào những lý do xác đáng, và trong tinh thần tôn trọng lề luật luân lý, quyết định tạm ngưng việc sinh sản trong một thời gian ngắn hay vô hạn định.

Ðặc biệt nhất là trách nhiệm trở thành cha mẹ bao hàm sự tôn trọng trật tự luân lý do Thiên Chúa ấn định bằng cách biểu lộ một lương tâm ngay chính thẳng thắn. Vì thế việc đảm nhận trách nhiệm thành cha mẹ đòi hỏi đôi vợ chồng phải chu toàn nhiệm vụ đối với Thiên Chúa, với chính mình, với gia đình, xã hội trong tinh thần tôn trọng các bậc thang chính thống của các giá trị. Chính vì thế nên trong lãnh vực lưu truyền sự sống, họ không có quyền tự do hành động theo sở thích, tự ý lựa chọn những phương pháp cho là chính đáng, trái lại, phải hướng hành động mình theo đúng thánh ý tạo dựng của Thiên Chúa, thánh ý đó được biểu hiệu bằng chính bản chất và các động tác của hôn nhân cũng như bằng các lời giáo huấn liên tục của Giáo Hội (Hiến Chương Mục Vụ Vui Mừng Và Hy Vọng - Gaudium Et Spes, số 50 và 51).

 

Việc tôn trọng bản chất và cứu cánh của động tác vợ chồng

11. Những tác động dùng để kết hợp vợ chồng với nhau trong tình thân mật trong sạch hầu tạo thành và lưu truyền đời sống con người, là những "tác động lương thiện và xứng đáng" (Hiến Chương Mục Vụ của Công Ðồng Vatican II, số 49). Ðó là những tác động hợp pháp, ngay cả trong trường hợp hai vợ chồng có thể đoán trước được là chúng sẽ không có hiệu năng sinh sản vì những lý do ngoài ý muốn của mình: những động tác ấy vẫn có mục đích biểu lộ và làm cho sự liên kết của đôi vợ chồng thêm bền chặt. Trong thực tế, kinh nghiệm cho ta thấy: không phải mỗi động tác, mỗi giao kết của hôn nhân đều tạo ra được một mần sống mới. Thiên Chúa khôn ngoan vô cùng đã thu xếp và thiết lập những định luật, những chu kỳ tự nhiên của Mầm Sống: Chính những chu kỳ ấy có sức giảm bớt số sinh. Tuy nhiên Giáo Hội vẫn nhắc nhở loài người phải tuân hành các định luật tự nhiên và các lời giáo huấn của Giáo Hội luôn luôn xác định rằng: Ðộng tác hôn nhân phải hướng về việc lưu truyền đời sống (Thông Ðiệp Casti Connubii của Ðức Piô XI).

 

Hai khía cạnh bất khả phân ly: giao hợp và sinh sản

12. Nền giáo huấn của giáo quyền căn cứ trên nguyên tắc này: Thiên Chúa đã quyết định liên kết (và con người không ai có quyền tự ý hủy bỏ) hai sự việc của hôn nhân giao hợp và sinh sản.

Quả vậy, tự bản tính sâu xa của nó, động tác hôn nhân liên kết chặt chẽ hai vợ chồng, giúp họ tạo thành những đời sống mới theo đúng những định luật cố hữu nằm ngay trong bản thể người đàn ông và người đàn bà. Chỉ khi nào bảo vệ nổi hai hình thức cốt yếu căn bản là: giao hợp và sinh sản, động tác hôn nhân mới giữ được trọn vẹn ý nghĩa của một thứ tình yêu chân thành giữa hai tạo vật và đạt được mục đích sứ mạng cao cả của loài người là trở thành cha mẹ. Ta thiết nghĩ rằng, những con người của thời đại này đủ điều kiện để nhận thấy rằng nguyên tắc căn bản trên đây vừa hợp lý vừa xứng nhân bản.

 

Trung thành với ý định của Thiên Chúa

13. Ðúng thế, người ta có thể ghi nhận rằng bắt ngươì phối ngẫu của mình phải chấp nhận một động tác hôn nhân ngược với điều kiện thuận lợi, hoặc ngược với ý muốn của họ là một cử chỉ không xứng đáng với một thứ tình yêu chân chính, và do đó, đi ngược hẳn lại với trật tự luân lý cần phải có trong mối liên quan giữa đôi vợ chồng. Ngoài ra, chỉ cần suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ nhận thấy khi một động tác hôn nhân giữa hai người phối ngẫu phá hoại khả năng lưu truyền đời sống, một khả năng mà Chúa tạo thành đã liên kết hẳn với động tác hôn nhân theo những định luật riêng, thì động tác ấy trái ngược với ý định cấu tạo của hôn nhân cũng như với ý muốn của Ðấng tao thành đời sống. Vì thế, nếu người ta sử dụng quyền năng của Thiên Chúa ban để phá hủy - dù chỉ phá hủy một phần - ý nghĩa và cứu cánh của nó, thì người ta quả đã đi ngược lại bản tính mối tương quan sâu xa giữa người đàn ông và đàn bà, và đồng thời chống lại chương trình và ý muốn của Thiên Chúa. Trái lại, nếu chúng ta sử dụng quyền năng của tình yêu hôn nhân trong tinh thần tôn trọng các định luật diễn biến của mầm sống, thì mặc nhiên chúng ta công nhận rằng mình không nắm quyền "sinh sát" đối với nguồn mạch của đời sống con người, mà ngược lại, chúng ta đã giúp thực hiện các ý định của Chúa tạo thành. Nếu con người không có toàn quyền, một thứ quyền vô hạn đối với thân xác của mình, thì lẽ tất nhiên, họ cũng không có quyền hạn vô song đối với các khả năng tạo thành mầm sống (hiểu theo đúng nghĩa của nó), vì các khả năng ấy có mục đích cố hữu là sinh ra sự sống, sự sống do chính Thiên Chúa là nguyên lý. Ðức Gioan XXIII đã có dịp nhắc nhở điều này trong Thông Ðiệp Mater Et Magistra: "Ðời sống con người là siêu việt: ngay từ nguyên thủy đời sống ấy đã trực tiếp mang ấn dấu bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa".

 

Những phương tiện bất hợp pháp dùng để điều hòa sinh sản

14. Căn cứ vào những điểm cốt yếu trong quan niệm của Công Giáo cũng như của con người về vấn đề hôn nhân, Ta thấy cần phải tuyên bố một lần nữa là: không thể nào chấp nhận việc điều hòa sinh sản bằng cách trực tiếp ngăn chặn sự diễn biến đã khởi sự của một mầm sống, và nhất là việc cố ý phá thai, dù với lý do y tế cũng vậy, lý do vì việc đó bất hợp pháp (Catechisma Romanus Concilii Tridentini, Thông Ðiệp Casti Connubii của Ðức Piô XI, Gaudium et Spes của Công Ðồng Vatican II).

Ngoài ra, như giáo huấn đã nhiều lần tuyên bố, chúng ta không thể chấp nhận việc trực tiếp vô hiệu hóa khả năng sinh sản nơi người đàn ông hay người đàn bà, dù là vĩnh viễn hay chỉ tạm thời trong một thời gian (Thông Ðiệp Casti Connubii).

Chúng ta cũng không có quyền chấp nhận bất cứ một tác động nào có mục đích hay dùng làm phương tiện để ngăn chận việc sinh sản, hoặc trước khi hoặc đang khi làm động tác hôn nhân, hoặc làm trở ngại việc diễn tiến tự nhiên của động tác ấy, (Catechismus Romanus Concilii Tridentini, Thông Ðiệp Casti Connubii, Mater et Magistra).

Chúng ta cũng không có quyền bào chữa cho những động tác hôn nhân được cố tình vô hiệu hóa, vì lẽ để tránh một tai hại nào đó hoặc với lý do các động tác ấy đã vốn có hiệu năng, xẩy ra trước hay sau, và vì thế cũng có giá trị như nhau. Trong thực tế, phải công nhận rằng, thỉnh thoảng người ta có quyền chấp nhận một tai hại nhỏ để tránh một tai hại lớn hoặc để thực hiện một việc tốt đẹp (Diễn văn của Ðức Piô XII tại Hội Nghị quốc gia các luật gia Công Giáo Ý ngày 6-12-1953), nhưng không bao giờ ta được phép làm một việc ác để đạt tới một việc tự bản tính nó vốn xấu hoặc một việc bất xứng với nhân cách, dầu là với mục đích bảo vệ hay tạo ra điều tốt cho cá nhân, gia đình hay xã hội. Chính vì lý do đó, ta không thể quan niệm rằng một động tác hôn nhân vốn dĩ xấu, vì được cố tình làm thành vô hiệu năng, lại có thể trở thành một động tác tốt, dầu nó có phong phú hóa cho cả một cuộc đời của đôi bạn.

 

Tính chất hợp pháp của những phương tiện y khoa, y dược

15. Trái lại Giáo Hội không hề coi là trái phép việc sử dụng những phương tiện y dược xét ra thực cần thiết để chữa các chứng bệnh của cơ thể, mặc dầu người ta đoán trước rằng việc sử dụng ấy sẽ cản trở sinh sản, miễn là việc cản trở ấy không phải do chính đương sự trực tiếp ưng muốn (Diễn văn của Ðức Piô XII đọc trước Hội Nghị quốc gia các Bác Sĩ chuyên môn về thận, ngày 8-10-1953).

 

Tính chất hợp pháp của việc lợi dụng các thời kỳ không đậu thai

16. Như Ta đã trình bày trong đoạn 3 trên đây, hiện nay người ta chống đối lại lời giáo huấn của Giáo Hội về nền luân lý hôn nhân, và chủ trương rằng con người có quyền dùng tri thức của mình để quản trị và điều khiển các năng lực nằm trong thiên nhiên vô tri để mưu ích cho toàn thể nhân loại. Người ta đặt câu hỏi: nếu có thể, trong một vài trường hợp, sử dụng phương pháp nhân tạo để kiểm soát việc sinh sản hầu đem lại hòa đồng êm ấm cho gia đình và giúp cho việc giáo dục con cái (đã sinh ra rồi) được dễ dàng tốt đẹp hơn, thì tại sao lại không sử dụng?

Ta cần phải trả lời một cách minh xác rằng: Giáo Hội sẵn sàng chấp nhận, tán thưởng việc dùng tri thức trong một lãnh vực, một công tác Thiên Chúa cùng hoạt động với tạo vật trí thức, nhưng Giáo Hội khẳng định rằng: trong trường hợp này, phải tôn trọng nền trật tự đã được Thiên Chúa thiết lập.

Vì thế, nếu có những hoàn cảnh, những lý do thể lý, tâm lý, hoặc ngoại cảnh đòi hỏi vợ chồng phải hạn chế bớt việc sinh con, thì trong trường hợp đó, Giáo Hội cho biết có thể căn cứ vào các chu kỳ tự nhiên, cố hữu của cơ năng sinh sản để làm động tác hôn nhân trong những thời gian không đậu thai, và chỉ có phương pháp điều hòa sinh sản ấy mới không đi ngược lại những nguyên tắc luân lý căn bản mà Ta vừa nhắc nhở trên đây.

Giáo Hội không mâu thuẫn khi chủ trương rằng: người ta được áp dụng phương pháp các thời gian không đậu thai, đồng thời lên án việc sử dụng những phương pháp trực tiếp gây trở ngại cho việc sinh sản, dù với những lý do có vẻ đúng đắn, lương thiện. Quả vậy, hai sự việc trên đây hoàn toàn khác biệt nhau: trong trường hợp thứ nhất, đôi bạn sử dụng một cách hợp pháp những dữ kiện tự nhiên, còn trong trường hợp thứ hai, họ cản trở một diễn biến của thiên nhiên. Tuy trong cả hai trường hợp, hai người phối ngẫu đều tích cực, đồng ý với nhau tìm cách tránh không cho có con vì những lý do thỏa đáng, nhưng đặc biệt trong trường hợp trước, hai người tự kềm chế, không sử dụng quyền hạn của hôn phối trong những thời gian có thể đậu thai vì những nguyên do hợp lý, và sử dụng quyền hạn đó trong thời gian không thể có con để biểu lộ tình thương nhau và bảo vệ lòng chung thủy với nhau. Trong hành động này, hai người đã chứng tỏ một tình yêu hoàn toàn và thực sự lương thiện.

 

Những hậu quả nghiêm trọng của việc áp dụng các phương pháp nhân tạo để điều hòa sinh sản

17. Những người thiện tâm thiện chí sẽ có dịp nhận chân giá trị của nền giáo lý Giáo Hội trong lãnh vực này, nếu họ chịu bình tâm suy nghĩ về những hậu quả tai hại của việc áp dụng các phương phap nhân tạo để điều hòa sinh sản.

Trước tiên, họ cần lưu tâm đến hiện tượng nguy hiểm của sự bất trung trong hôn nhân cũng như đến việc luân lý trở thành sa đọa trong trường hợp các phương pháp trên được đem áp dụng. Không cần nhiều kinh nghiệm ta cũng thấy được rằng con người vốn yếu đuối và tất cả, nhất là giới thanh niên, thường dễ đi ngược lại nền luân lý, nếu không luôn luôn có người kèm bên khuyên bảo và nếu bây giờ ta còn giúp cho họ có dịp để vi phạm các lề luật luân lý, thì thật hết chỗ nói! Một nguy cơ khác rất có thể xảy ra là nếu để con người tự do áp dụng những phương pháp ngừa thai, dần dần có thể họ sẽ hết kính trọng người phụ nữ, mà khi đã coi thường sự thăng bằng về tâm lý và thể lý của người đàn bà, cuối cùng họ sẽ coi đó là một dụng cụ thỏa mãn dục tình một cách ích kỷ, chứ không coi là người bạn đường đáng mến đáng trọng nữa.

Chúng ta cũng cần nghĩ rằng, nếu chấp nhận việc tự do hạn chế sinh sản, rất nhiều chính quyền, vốn dĩ đặt nhẹ các yêu sách của luân lý, sẽ triệt để lợi dụng khai thác ngay. Nếu các đôi vợ chồng được phép hạn chế sinh sản vì lý do gia đình, thì lấy cớ gì cấm đoán các chính quyền áp dụng chủ trương ấy để giải quyết các vấn đề của tập thể? Lúc đó, ai sẽ có quyền cấm đoán một chính phủ không những tán thưởng, mà hơn thế nữa còn ép buộc dân chúng phải áp dụng những phương pháp ngừa thai mà họ cho là hiệu nghiệm hơn cả? Và thế là muốn tránh né những khó khăn của cá nhân, gia đình hay xã hội, trong việc tuân giữ luật Chúa, cuối cùng người ta đã hoàn toàn dành cho các chính quyền được tự do thao túng một lãnh vực thân mật, cá nhân riêng biệt nhất của đôi vợ chồng.

Vậy nếu ta không muốn để loài người được quyền độc đoán quyết định về sứ mạng lưu truyền đời sống thì ta bó buộc phải chấp nhận một ranh giới nhất định ngăn cấm không cho ai vượt qua: Con người không có toàn quyền đối với thân xác cũng như các cơ năng của thân xác mình. Không ai, dù với tư cách cá nhân dù với tư cách chính quyền, được phép hủy bỏ ranh giới trên, là ranh giới được ấn định bằng lòng tôn trọng đối với toàn bộ cơ thể và cơ năng con người theo đúng những nguyên lý trình bày trên đây, và theo đúng "nguyên tắc toàn bộ" mà đấng Tiền nhiệm của Ta là Ðức Piô XII đã nói (trong bài diễn văn đọc ngày 8-10-1853).

 

Giáo Hội bảo đảm cho những giá trị của con người

18. Ta biết trước lời giáo huấn này khả dĩ được sự tán thành của con người, vì hiện nay số người chống đối lại chủ trương của Giáo Hội rất nhiều, và họ biết dùng những phương pháp tối tân để khuếch đại sự tuyên truyền của họ. Thực sự Giáo Hội không ngạc nhiên khi thấy mình trở thành một "dấu hiệu chống đối" (Lc 2,34) giống Ðấng đã thiết lập mình. Nhưng Giáo Hội vẫn luôn luôn khiêm tốn, vừa cương quyết tuyên bố tất cả nền luân lý - luân lý tự nhiên cũng như của Phúc âm. Giáo Hội không phải là người tạo ra nền luân lý, vì thế Giáo Hội không thể làm trọng tài, mà chỉ làm người canh giữ, giải thích lề luật ấy. Giáo Hội không có quyền tuyên bố một điều là hợp pháp khi nó bất hợp pháp, lý do vì ngược hẳn với lợi ích thực sự của con người.

Giáo Hội biết rõ rằng: khi đứng lên bảo vệ toàn bộ nền giáo lý hôn nhân, Giáo Hội đồng thời cũng thiết lập một nền văn minh thực sự nhân bản, Giáo Hội khuyến cáo loài người không nên chối bỏ trách nhiệm của mình và hoàn toàn phó thác cho các phương diện kỹ thuật: chính nhờ đó Giáo Hội mới bảo đảm nổi phẩm giá của các đôi vợ chồng. Giáo Hội luôn luôn trung thành với nền giáo huấn và gương sáng của Chúa Cứu Thế và luôn luôn chứng tỏ mình là người bạn chân thành và vô vị kỷ của nhân loại vì Giáo Hội muốn giúp đỡ họ, ngay từ trên con đường trần gian này, để "như con cái tham dự vào đời sống của Thiên Chúa là Chúa hằng sống và là Cha của mọi người" (Thông Ðiệp Populorum progressio).

 

(Trích dẫn từ Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ, số 187, tháng Bảy năm 1993)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page