Cô Ðơn Và Sự Tự Do

(Những Ðoản Khúc Suy Niệm và Cầu Nguyện

của Linh Mục Nguyễn Tầm Thường, SJ.)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- Ðoản Khúc 66 -

Những Ðôi Chân Ðau

 

Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt, ý định nộp Ðức Giêsu. Ðức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Người đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người:

- Thầy mà lại rửa chân cho con sao?

Ðức Giêsu trả lời:

- Việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.

Ông Phêrô lại thưa:

- Thầy mà lại rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu.

Ðức Giêsu đáp:

- Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh không được chung phần với Thầy.

Ông Simon Phêrô liền thưa:

- Vậy, thưa Thầy xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và cả đầu con nữa.

Ðức Giêsu bảo ông:

- Ai đã tắm rồi không cần phải rửa nữa, toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!

Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói không phải tất cả anh em đều sạch. Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Ðức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói:

- Anh em có hỏi việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là "Thầy" là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em (Yn 13:1-15).

* * *

Phân tích toàn chương 13, ta thấy trong chương này có 3 bài tường thuật:

- Thứ nhất: Chúa rửa chân các môn đệ (câu 1-20).

- Thứ hai: Giuđa phản bội (câu 21-30).

- Thứ ba: Loan báo Phêrô chối Thầy (câu 31-38).

Nhìn chung cả chương 13, sự kiện Chúa rửa chân các môn đệ được đặt trước sự kiện Giuđa phản Thầy và Phêrô chối Thầy. Bước chân của cả hai người này đều đi sai.

Xét riêng bài tường thuật Chúa rửa chân các môn đệ, ta thấy những sự kiện rửa chân được vây bọc chung quanh bằng những hình ảnh như sau:

- Giuđa phản bội, nhắc lần thứ nhất (câu 2)

- Rửa Chân (câu 6)

- Giuđa phản bội, nhắc lần thứ hai (câu 11)

- Gương Phục Vụ (câu 14)

- Giusđa phản bội, nhắc lần thứ ba (câu 18)

Dựa vào toàn mạch văn, sự kiện Chúa rửa chân các môn đệ bị vây bọc chằng chịt ba lần bằng sự phản bội của Giuđa và bàn chân đi sai của Phêrô. Ngay sau đó, nửa chương 13 dành nói về tiệc ly là nhúng miếng bánh trao cho Giuđa. Bầu không khí ở đây toàn là những bước chân đi sai của môn đệ và tình bao dung của Ðức Kitô. Vậy, đâu là chiều sâu trong ý nghĩa Chúa rửa chân các môn đệ?

Chúa rửa chân các môn đệ có là hành vi khiêm nhường để các môn đệ bắt chước, phục vụ nhau không? Chắc chắn là có, vì Phúc Âm nói đến. Nhưng xét theo mạch văn, chỉ vỏn vẹn có câu 14 và 15 nói về vấn đề phục vụ: "Nếu Thầy là Chúa là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em" (Yn 13:14-15).

Hai câu này dễ kéo sự chú ý của người đọc. Nhưng xét theo toàn bài, sự nổi bật này mang tính cách lạc lõng, chưa chắc là tư tưởng chính. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và phêrô cho thấy sự kiện rửa chân không liên quan đến vấn đề Chúa hạ mình phục vụ, nêu gương cho các môn đệ noi theo.

Chúa tiến đến Phêrô, ông co chân lại từ chối. Ông không thể hình dung Thầy lại cúi xuống rửa chân học trò. Ðiều ấy đối với Phêrô là xúc phạm. Trò không thể để Thầy lại rửa chân trò! Chính thế ông kêu lên: "Không đời nào con chịu để Thầy rửa chân cho con đâu" (Yn 13:8). Phêrô nhìn hành động rửa chân là phục vụ. Ông không thấy chiều sâu khác là chân ông cần được thanh tẩy vì chân ông bước sai.

Câu trả lời của Chúa cho thấy việc rửa chân Phêrô mang một chiều kích sâu xa khác, không là phục vụ như Phêrô nghĩ: "Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh không được chung phần với Thầy" (Yn 13:8).

Ðôi chân Phêrô:

Tại sao Ðức Kitô không rửa chân Phêrô, thì ông không được "chung phần" với Ngài?

Ðây là chìa khóa mở ý nghĩa đoạn Phúc Âm Chúa rửa chân này vào chiều kích sâu hơn. Phêrô phải được Chúa rửa chân để được thông phần cứu độ. Trong ý nghĩa này, Chúa không rửa chân Phêrô để nêu gương khiêm nhường phục vụ, mà rửa chân để Phêrô được chung phần ơn cứu rỗi. tại sao?

Phêrô đã đi với Chúa một hành trình rất dài, bao nhiêu lần ngang dọc theo biển hồ Galilê, bao nhiêu đêm dưới ánh trăng. Trò đã theo Thầy bước ngang qua những vườn ô liu im lặng. Chân đi bên chân, chân vào sa mạc, chân lên núi. Thầy trò có nhau. Nhưng khi Ðức Kitô tỏ cho Phêrô mầu nhiệm cứu độ, Ngài phải về Jêrusalem chịu tử nạn thì Phêrô không chấp nhận đi cùng bước chân ấy nữa. Ông kéo Chúa ra, lên tiếng trách Ngài (Mc 8:32).

Bây giờ mới rõ những bước chân!

Ôi! Những bước chân đi sai!

Từ giây phút loan báo cuộc tử nạn này, bước chân Phêrô rất khác. Ông bước những bước xiêu vẹo. Ông nghiêng đổ vì đôi chân đau. Ông ngủ li bì trong lúc Chúa cầu nguyện thống khổ như Tin Mừng ghi lại. "Simon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao?" (Mc 14:37). Lời cầu nguyện của Chúa như thương chính mình, xót xa cho một liên hệ mà những bước chân kia thờ ơ. Phêrô không cầu nguyện dù Chúa đã cảnh giác tỉnh thức kẻo sa chước cám dỗ. Ông sắm sẵn một thanh gươm và vung tay chém (Yn 18:10).

Ông có bước chân riêng của ông!

Ôi! những bước chân đi sai!

Cái nghiêng ngả bi đát nhất trên đôi chân ông là đã chối Chúa. Chối lần thứ nhất xong, bỏ đống lửa đó đi ra phía tiền đường (Mc 14:68). Bước ra phía tiền đường là bước ra phía ngoài, như thế bước chân ấy lại đưa ông xa Chúa hơn một đoạn nữa.

Ông tìm bước chân chạy trốn.

Ôi! những bước chân đi sai!

Trong đời, bước chân tôi cũng nghiêng ngả vậy thôi. Ðường về thánh thiện nhiều gian nan. Lối đến nhân đức lắm bụi sương. Linh hồn hay mệt mỏi hoang vu. Chân đi sẽ đau. Lối đi có thương tích và ngày tháng nhiều khi thất vọng.

Ôi! những bước chân thân phận làm người!

Ðức Kitô biết bước chân những người học trò mình. Bước chân của chúng là đợi trông Thầy có vương quốc vinh quang, với đất đai, với thành quách. Những bước chân ấy sai nhiều lắm. Những bước chân ấy cần phải được thanh tẩy, nếu không làm sao bước theo đường lối của Thầy được. Nó phải được rửa.

Chính Maisen cũng phải bỏ dép mới được bước đến gần Yavê. Thấy lửa bừn cháy trong bụi gai, gai không hề bị thiêu hủy, ông muốn lại gần xem. Thiên Chúa đã gọi ông từ bụi gai mà rằng: "Maisen! chớ lại gần, cởi dép khỏi chân đi vì chỗ ngươi đang đứng là thánh địa đó" (Xh 3:5).

* * *

Lạy Chúa, bước theo Chúa vào tuần thánh, vào tuần tử nạn làm Phêrô nghiêng ngả. Chỉ có những đôi chân thánh mới bước vào chốn thánh được. Các môn đệ chạy trốn. Có kẻ chạy vung áo tìm đường thoát thân. Chống đối đường về Jêrusalem. Vì thế, Chúa mới nói: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ không được chung phần với Thầy". Bước chân Phêrô yếu đuối, nếu Chúa không nâng đỡ làm sao ông đi được.

Ðôi chân con tê dại vì yếu đuối của tội.

Ê ẩm lười biếng không muốn lên đường.

Ðôi chân con bước vào những vùng hoang dại của ảo ảnh. Nếu Chúa không rửa chân, làm sao con bước vào tuần thương khó Chúa đi qua.

Ðôi chân con đau vì thất vọng trong đời sống. Nếu Chúa không rửa chân cho con, làm sao con còn nghị lực bước đi.

Ðôi chân con tật nguyền vì lầm đường.nếu Chúa không rửa chân con, làm sao con sạch dấu ấn vì đã bước vào lãnh địa tà thần.

Cuộc sống cần bước đi. Bước vào nơi thánh. Bước chân ấy đưa con đến hạnh phúc, nhưng làm sao con bước vững được trên cõi đời này.

Cũng như vợ chồng bước đi bên nhau trong đời. Những bước chân dẫm lên đời nhau rất đau đớn. Nếu không lấy yêu thương mà rửa chân cho nhau, làm sao đi với nhau nổi trong hôn nhân.

Lạy Chúa, bước chân con mang nhiều thương khó của cuộc đời, mang nhiều tội lỗi của thân phận con.

Xin Chúa lấy lòng xót thương rửa chân con. Ðôi chân con xa cách, nếu Chúa không lấy tha thứ rửa chân con làm sao con đi về.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page