CON ÐƯỜNG NỘI TIẾN:
NIỆM VÀ NHẬP ÐIŒNH

Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Ðường vào

Ði vào chiều sâu cũng là khám phá mình như một chủ thể. Chủ thể ư? Con người vẫn có nó và vẫn sống hướng về mình đó thôi. Cái Tôi tuy hiện hữu và chi phối cuộc sống, nhưng ý thức về nó lại là chuyện khác. Nhìn ra nó, nhưng thấy nó tới độ sâu nào lại là chuyện khác nữa.

Theo Jung, thì cái Tôi phải sinh làm nhiều đợt. Khi đứa bé ra khỏi lòng mẹ, thì đây là lượt sinh thứ nhất của nó. Lượt sinh thứ hai diễn ra vào tuổi dậy thì, lúc cô cậu ra khỏi sự "bao cấp" tâm lý của mẹ cha để tự khẳng định mình, tự trách nhiệm lấy mình. Vào lúc đứng tuổi, khi những xung đột bên trong làm nổi lên một cái Tôi thiêng liêng và chân thực hơn, thì đó là lượt sinh thứ ba. Anh sẽ sinh lại một lần cuối, lúc mà từ giã cuộc đời, anh trở về với cõi mà từ đó anh đã sinh ra.

Thật ra, dù ở tuổi dậy thì hay trung niên, cái Tôi thực chỉ nổi lên khi có giao động mạnh. Giao động nó làm nứt cái vỏ ngoài để anh nhìn thấu qua khe hở. Giao động bằng sức của tình yêu, hay chấn động do những va chạm mạnh khác. Dù bằng cách này hay cách kia, xem như đây là một cái gì sinh ra từ một cái gì tan rã đi.

Trong mỗi người bình thường, luôn có hai cái Tôi, và cái Tôi chân thực luôn bị phủ lấp bởi cái Tôi mặt nạ xã hội. Ðây là cái Tôi được dùng để ra mắt với xung quanh, để sắm một vai trò trên sân khấu thế giới. Ðây cũng là cái Tôi mà dư luận tạo ra cho tôi, bằng cái thang giá trị thế tục mà qua đó họ đánh giá tôi. Cần có sự thức tỉnh của tình yêu, của những va chạm lớn để tôi giác ngộ về mình, cũng là để lột bỏ mặt nạ mà nhận lại cái Tôi chân chính. Tình yêu chân thành sẽ giúp tôi phát hiện mình và phát hiện đồng thời cái mình của người mà tôi thương. Những va chạm mạnh với ngoài, gây một chấn động bên trong, cũng có thể lôi tôi ra khỏi sự chế ngự của dư luận và trở về với chính mình.

Trở về với bản thân cũng là khám phá mình ở một mật độ thiêng liêng hơn. Nên không thể trở về với bản thân mà không tách khỏi cái Tôi làm bằng ham muốn, cũng là cái Tôi căng thẳng về bên ngoài. Có nghĩa là, hễ trở về với bản thân thì cũng thêm đạo hạnh; và hễ tốt hơn như thế, thì cũng dễ nhìn ra mình.

Thế nhưng cái mình này, dù đã tinh thần đấy, vẫn còn thuộc vòng ngoài của tinh thần, ở chỗ mà tinh thần nhập thể vào sự hợp lý và tình cảm chân chính. Dù thoát vòng vây của cảm giác rồi, vẫn còn vòng vây của trí tưởng, trí hiểu, trí nhớ và tình cảm. Thiết nghĩ chỉ một mình Thánh Thần, bằng những đêm tối và sức mạnh gửi đến, mới dẫn ta xuyên suốt được qua những vòng vây cuối nói trên. Và như thế, ta đã tiến sâu vào huyền nghiệm (expérience mystique).

Huyền nghiệm là một gặp gỡ đặc biệt của tôi với Chúa, cũng là gặp gỡ sâu nhất của tôi với mình. Tôi không thể đạt tới chỗ sâu nhất của tôi mà lại không đồng thời gặp Chúa ở đó. Ngược lại, tôi không thể gặp Chúa ở chỗ sâu nhất (có thể đạt tới) của Ngài nếu không đạt tới chỗ sâu nhất của tôi.

Chúng ta sẽ thắc mắc: Con đường huyền nghiệm há chẳng dành riêng cho đan tu đấy ư, và như thế các chứng nhân giữa đời làm sao có thể đi sâu vào Chúa và vào mình được? Xin nhớ, chúng ta còn có "chiêm bằng hành động", và một khi sống thánh, dù giữa công việc, ta vẫn gặp ta và gặp Ngài trong một thứ huyền thức giống như của hai vợ chồng đang làm việc bên nhau và có những cảm nhận mơ hồ nhưng thân thương về nhau.

Có điều, để nên thánh và đi sâu vào Chúa, vào mình, thì dù tông đồ cũng phải có những giây phút dành riêng cho cầu nguyện. Ðể đi sâu vào Chúa trong cầu nguyện, người ta phát minh những kỹ thuật riêng, bên Ðông cũng như bên Tây. Chúng ta hãy tìm hiểu một số phương pháp và lọc lấy những gì phù hợp và hiệu nghiệm nhất.

Xin nhớ, trong các tôn giáo khác vẫn nghe có huyền nghiệm. Phải chăng đây là huyền nghiệm thực, và có bàn tay Chúa ở đó? Chúng ta chỉ biết, nội dung có thể khác nhau, mà biểu hiện (tâm lý và thể lý) lại giống nhau. Do đó biết đâu huyền nghiệm ngoài Công giáo chỉ là những hiện tượng tự nhiên, một thứ nghiệm thức về mình ở chiều sâu, chứ không có gặp gỡ Thiên Chúa thật. Nhưng cũng biết đâu, tuy lý trí hiểu về Siêu việt vẫn sai đấy, nhưng trong huyền nghiệm nói trên, chân sư Ấn Phật đã gặp đúng Chúa.

Thiên Chúa đã đặt vô loài người một định mệnh siêu nhiên, và Chúa Yêsu đã chết để thần thánh hóa hết thảy. Nên theo thần học siêu nghiệm, thì trong mỗi người đã tiềm phục những "điều kiện tiên nghiệm" của sự thần thánh hóa ấy, khiến cho, chỉ cần nghe và sống theo tiếng nói lương tri của mình, thì dù chưa biết Chúa bằng lý trí, người ta đã có mạc khải và đức tin ở chiều sâu vô thức rồi. Vâng, nếu sống tốt và khiêm tốn, một Phật hữu vẫn có thể gặp Chúa của tôi trong huyền nghiệm dù không nhìn ra Ngài bằng lý trí!

Niệm và chiêm trong Kytô-giáo Tây phương

Văn chương Kytô-giáo nguyên thủy chưa phân rõ hai mặt nghiệm và lý. Một bức thư của Yoan hay Phaolô, chẳng những có bề sâu tư tưởng, mà còn hướng dẫn hành động và mang hương vị của kinh nghiệm thiêng liêng.

Dần dà, bài thuyết giáo thành chuyên biệt để đáp ứng đòi hỏi của những nhóm người khác nhau, cho kẻ có học thì lý luận chặt chẽ, cho người bình dân thì đơn sơ và thực hành. Riêng đối với phần đông vốn không biết đọc biết viết, thức ăn chỉ còn là một thứ cháo đạo đức. Bằng những suy diễn lắm khi rẻ tiền, tác giả kích thích họ cải tà quy chính, hoặc tu tâm dưỡng tính theo gương thánh nhân.

Trong bối cảnh ấy, vào gần cuối thời trung cổ, đã xuất hiện các tác phẩm suy niệm, được gọi là "cầu nguyện có phương pháp" (oraison méthodique), một thứ cầu nguyện tư riêng có tổ chức. Vào thời ấy, để khuyến khích tín hữu nên thánh và để chấn chỉnh hàng giáo sỹ, nhiều nhân vật và dòng tu đã truyền bá sâu rộng loại hình cầu nguyện này. Ðám người mà họ nhắm là tín hữu trung lưu ít học và hàng giáo sỹ dòng triều cũng ít học gần như thế, nên không thể tìm thấy trong tác phẩm của họ, như Thần thao (Exercices) của Cisneros chả hạn, những tư tưởng cao siêu.

Sau này, vào thế kỷ XVII, khi suy niệm đã thành thói quen chung của những tâm hồn đạo đức, thì cách làm không nền tảng trí thức xưa đã ăn sâu rồi. Dù sao thì gần đây, trong vườn hoa thần thao cũng mọc lên ít nhiều tác phẩm đáng được đánh giá là đỉnh cao của văn chương tôn giáo, như Dâng cao (Elévations) của Bérulle, Lời cầu (suy niệm về Ba ngôi) của Elisabeth de la Trinité, v.v.

* * *

Cách đây không lâu, người ta coi suy niệm là cửa phải qua để bước vô con đường nên thánh. Là cửa, nó cũng được coi là bước thứ nhất của con đường này. Ðể tiến cao, suy niệm phải ngày càng đơn giản (về mặt ý tưởng) để có thể vượt mình bằng chiêm niệm (contemplation). Lý do là vì, mỗi hình ảnh hay tư tưởng, qua nhiều suy niệm đã nối kết với tình cảm tương ứng, nên mỗi khi được gợi đến, nó đánh thức ngay tâm tình này, và nghỉ ngơi thật lâu được ở đó, không cần phải có thêm ý tưởng khác tiếp sức. Suy niệm ở trình độ ấy đã thành chiêm niệm rồi. Nhưng đây mới là chiêm niệm chủ động, do cố gắng mà thành, lại tùy mình có thể kéo dài hay ngưng ngắt. Chiêm chủ động sẽ chuyển sang chiêm thụ động khi Thần khí trực tiếp vào cuộc, vào toàn cuộc, để Ngài thành tác giả duy nhất của một kinh nghiệm hoàn toàn mới mà trong đó, ý muốn ta không còn hiệu lực nữa.

Ðối với phần đông, sự nhai đi nhắc lại một số ý tưởng và hình ảnh quen thuộc, sau nhiều năm sẽ thành nhàm chán. Ðây là lúc nên chuyển sang một lối cầu nguyện khác, đơn sơ hơn.

Thật ra, có những thánh nhân không được tạo ra bởi các phương pháp suy chiêm. Và có những tâm hồn tuy suy niệm suốt đời, mà vẫn được suy niệm nuôi dưỡng mãi.

* * *

Thật ra, suy niệm có cần để nên thánh hay không? Nên thánh là sống thánh, từ trong ra đến ngoài. Cho nên, phải nghĩ thánh, cảm thánh, muốn thánh, hành động thánh. Có người chỉ muốn hành động thôi. Nhưng một hành động đúng nhân linh không thể không được hướng dẫn bởi lý trí và ý hướng, được sinh động hóa bởi ý muốn và tâm tình. Nếu đây là hành động Kytô-tính, nó phải được thôi thúc và nuôi dưỡng bởi Phúc âm.

Người ta có thể đi sâu vào Tin mừng bằng nhiều cách: nghe giảng, đọc Lời Chúa, niệm Thánh kinh, cầu kinh, phụng vụ. Suy niệm chỉ là một phương pháp, dù đây là phương pháp tốt nhất để mầu nhiệm Chúa và giáo lý Chúa thấm sâu vào hồn.

Có kẻ bảo, chỉ cần kinh nghiệm bên trong thôi. Nhưng nếu trường hoạt động của Thánh Thần là bên trong, thì Thánh Thần lại lấy tất cả từ Chúa Kytô mà dậy. Mà Chúa Kytô thì đến bằng ngôn từ, bằng cuộc sống, bằng hành động và con người của mình.

Vì thế, mạc khải Kytô-giáo có cả trong lẫn ngoài, và hai đằng song hành với nhau, tương tác trên nhau. Suy niệm chính là cách đưa cái bên ngoài vào bên trong, đưa hiểu biết lý trí vào sống nghiệm cảm tính. Vâng, nếu Phật giáo thiền tông chỉ cần duy nhất có huyền nghiệm, thì huyền nghiệm Kytô-giáo lại được mở đường bằng học hỏi và niệm suy. Và dù người ngoài Kytô-giáo có thể gặp đúng Chúa Kytô ở chiều sâu vô thức bằng huyền nghiệm, thì sự gặp gỡ ấy vẫn có gì non yếu ở một chiều kích, tôi có ý nói chiều kích Nhập thể. Trong mầu nhiệm này, Thiên Chúa đang là tinh thần đã thành vật chất, đang là bề sâu đã thành bề mặt, khiến cho một kinh nghiệm Kytô-tính đầy đủ luôn phải bao gồm cả hai chiều kích ấy.

Một vài phương pháp suy niệm

Tuy đích nhắm là kinh nghiệm và đường đi là tưởng suy kích cảm, nhưng cảm thì cũng có ba bảy đường tình cảm. Có thứ tình cảm sôi nổi nhưng hời hợt, dễ bùng lớn đó mà cũng dễ qua mau. Có thứ tình cảm trầm êm, mà bền, rễ đâm khá sâu vào ý chí, do đó hướng về hành động. Thiên về cảm tính (affectif), phải kể đến phương pháp Hội Saint-Sulpice. Thiên về ý chí nhưng vẫn trọng tâm tình, rõ nhất có phương pháp thánh Ignace, cũng là phương pháp Dòng Tên.

Con người là chi thể Chúa Kytô, và sống đạo là trở nên giống Chúa. Ðó là nền tảng thuyết lý của phương pháp Saint-Sulpice. Nên việc của hành giả là chiêm ngưỡng Chúa hoặc một thánh nhân từ ngoài, về một khía cạnh nào đó, rồi cố thấm nhập vào mình đức tính này, tâm tình kia của họ. Bước tiếp theo sẽ là quyết tâm thực thi đức tính nói trên, và đây là bắt chước. Tóm lại, màn kịch gồm ba hồi:

A. TÔN THỜ: Chiêm ngưỡng Chúa ở một đức tính để mến phục và thờ lạy. Sự thờ lạy luôn được nhấn mạnh trong phương pháp Xuân bích (Saint-Sulpice).

B. THÔNG HIỆP: Biết rằng phải sống như thế, nhưng nhìn vào mình, chỉ toàn thấy những thiếu sót, nên khiêm nhường, tha thiết xin Chúa mang những đức tính ấy thấm nhập vào hồn tôi.

C. HỠP TÁC: Tiếp đó, quyết tâm sống đức tính nói trên trong ngày.

Phương pháp thánh Ignace tập trung hết vào Chúa Kytô. Hành giả không ngắm nghía một đức tính, nhưng chiêm ngưỡng Chúa trong đức tính ấy. Hành giả cũng không muốn làm đẹp mình cho bằng làm Thầy được vinh quang. Hành giả không mon men bên rìa, mà tập trung vào chính mầu nhiệm bộ ba: Nhập thể, Thánh giá và Phục sinh của đức Cứu thế.

Ba mầu nhiệm này là đối tượng niệm suy của ba tuần (mỗi ngày bốn giờ suy niệm). Nó được nhập đề bằng một tuần thanh luyện. Trong tuần thanh luyện, hành giả đặt rõ trước mắt mục đích và ý nghĩa đời người: phụng sự Thiên Chúa và cứu hồn mình. Vậy những gì đi vào hướng ấy thì phải chọn, những gì đi ngược hướng ấy thì phải bỏ.

Sự chọn lựa tiến sang một giai đoạn mới khi ta bước vào các mầu nhiệm Chúa Kytô, mầu nhiệm Cứu chuộc. Luồn vào giữa cuộc đời Chúa, những bài Vương quốc (Le règne) và Hai lá cờ (Deux étendards), bằng cách đối lập hai chân dung của đức Kytô và Satan sẽ thúc ta phải chọn con đường chiến đấu dưới bóng minh quân Yêsu. Kế đó, các bài Ba loại người và Ba cấp khiêm nhường khuyến khích ta tìm một phụng sự quảng đại nhất.

Suy niệm theo phương pháp Ignace phải dùng đến cả trí tưởng lẫn lý trí, phải vận dụng cả ý chí lẫn tình cảm. Trí tưởng rất cần để bố cảnh (composition de lieu): việc ấy diễn ra ở đâu, quang cảnh thế nào, con người và thái độ các nhân vật ra sao, v.v... Lý trí vào cuộc phải tìm ý và tìm hiểu mục đích, lý do, ý nghĩa. Thánh Ignace nhấn rất mạnh vào ý chí. Ý chí tối cần để làm những chọn lựa thường rất khó khăn: chọn lựa cuộc đời và lý tưởng. Có điều đây là chọn lựa tự nguyện và quảng đại, nên không thể làm được nếu thiếu ơn Chúa và những tình cảm sâu xa.

* * *

Trong suy niệm, hành giả dễ cạn ý. Ðể gợi ý và để ý dồi dào, họ có thể đặt ra cho mình những câu hỏi, như: Ở đâu và lúc nào? Khung cảnh và hoàn cảnh? Có những ai và sự việc diễn biến ra sao? Tại sao và để làm gì? Hậu quả? Lời nói, cử chỉ, việc làm và thái độ của từng nhân vật? Trong khi ấy, cảm nghĩ và tâm tình của họ?...

Thánh Ignace còn đề ra một cách làm, mà ngài gọi là "Ứng dụng giác quan" (application des sens). Nói cho đúng hơn, đây là ứng dụng trí tưởng tượng liên quan đến từng cảm giác thính, thị, xúc..., tự hình dung xem cảnh vật ra sao, diện mạo, cử chỉ, tiếng nói... của từng nhân vật thế nào... Ðể sống động hơn, thánh Ignace khuyên ta nên đặt mình vào trong đó, tưởng như mình cũng đang nghe Chúa hay hầu hạ Ðức Mẹ, liệu xem khi ấy mình cảm gì và nghĩ gì...

Thánh Ignace cũng giới thiệu một phương pháp thứ hai: "Chiêm để yêu" (contemplatio ob amorem). Cứ việc ngắm phong cảnh và đưa Chúa vào hiện diện ở từng ngọn cỏ, lá cây, ở tiếng chim hót, tiếng suối reo, tiếng gió rì rào... Chiêm ngắm thiên nhiên thì dĩ nhiên phải làm nơi thanh vắng, vào lúc thư thái và mát mẻ.

Tôi thiết nghĩ, cũng nên áp dụng phương pháp này đối với con người, với cảnh trí và tác phẩm của nó. Nghĩa là nhìn Chúa có mặt ở mỗi người ta gặp trên đường để có thiện cảm với họ, chứ không coi họ như những con số lướt qua. Nghĩa là nhìn Chúa có mặt giữa chợ đời và trong diễn biến này, diễn biến kia của lịch sử. Nghĩa là nhìn Chúa có mặt dù nơi và giữa những máy móc đang gào thét. Nhìn ra Chúa ở những gì rất nhân tạo như thế, nhất là khi ở đó, ý loài người lại tách khỏi Ý Chúa, thậm chí chống lại ý Ngài, thì quả là khó bằng lên Trời. Nhưng có vậy, chúng ta mới vào đời mà vẫn có Chúa luôn ở bên.

Tôi cũng xin thêm vào đây một phương pháp mà tôi từng đã đề nghị. Vì phương pháp này quá đơn giản, nên e rằng những ai quen suy niệm sẽ tưởng như nó không thay suy niệm được. Thế nhưng, như ta vẫn biết, các bậc thầy trong suy niệm luôn lưu ý chúng ta: chỉ cần cảm nghiệm thôi, chứ không cần nhiều ý tưởng. Hễ một ý tưởng còn đang nuôi dưỡng lòng, thì đừng bỏ sang ý tưởng khác. Nhiều người tưởng như đã suy thì phải suy cho hết bài, hết ý. Họ đã lầm suy niệm với học bài. Suy chỉ là con đò, cảm nghiệm mới là bến tới. Suy về sự chết ư? Chỉ là để thoát tục thôi. Vậy nếu làm cách khác, giản đơn hơn, mà thoát tục được, thì đâu cần suy niệm nữa?

Phương pháp giản đơn này đã được gợi ý từ một số cách niệm của Phương đông. Tất cả chỉ cần một cảnh trí hay một âm thanh gì đó thích hợp. Giả như không sẵn những thức ấy, thì hãy tự tạo lấy bằng tưởng tượng. Bạn khó tưởng tượng ư? Vì bạn chưa luyện đấy thôi. Luyện thị tưởng ư? Hãy tập trung vào một cái lá, vào một đường gân lá chả hạn. Hãy in lấy vào tâm từng đường nét, màu sắc. Rồi nhắm mắt để thấy lại nó bằng trí tưởng. Khi hình ảnh mờ nhạt rồi, lại mở mắt để nhìn tiếp. Bạn cũng làm thế khi phân ra để quan sát một thanh âm giữa đường phố, khi chọn một điểm trên cơ thể để xem đang có cảm giác gì lúc cơn gió thoảng qua, sau đó cố nhớ lại thanh âm, xúc thức đó.

Và sau đây phương pháp có thể dùng thay suy niệm đôi khi. Hãy lắng nghe trong yên tĩnh (hoặc tưởng như nghe thấy) tiếng thác đổ hay sóng vỗ đều đều để "cảm giác" sự bể dâu của đời và sự kêu mời của vĩnh cửu. Nếu trời xanh dịu, hãy để hồn bay cao về phía thượng giới hay để sự bao la Thiên Chúa thấm nhập linh hồn. Còn như nếu trời u ám, hãy đi vào cảnh chiều núi Can va, của đời người cũng như của Chúa. Rồi nếu đêm về, hãy khiến cho "thanh vắng" ngấm sâu vào từng thớ thịt, và tỏa ra từ sâu thẳm trong ta hương vị của bình an...

* * *

Vùng Athos để lại cho ta một phương pháp đặc dị: phương pháp Ðịnh an (hésychasme, do hêsukhia). Ngồi thở đều cho tâm an đã, rồi đọc tên Yêsu, đọc đi đọc lại ngoài miệng hay trong tâm tưởng, với tất cả sự thành kính và tín thác. Ðồng thời bằng trí tưởng và ý hướng, đưa âm thanh ấy vào sâu trong trái tim. Thông thường, người ta cúi nhìn vô rốn mà niệm, và từ rốn đẩy ngược lên tim, có lẽ nhắm giải thoát những sức mạnh kỳ diệu từ thẳm sâu vô thức. Xin nhớ, lời niệm phải ăn nhịp với hơi thở. Có lẽ thánh Ignace cũng phần nào chịu ảnh hưởng của phương pháp Ðịnh an khi ngài dạy cách đọc kinh (như Lạy Cha) theo nhịp thở.

Lời niệm Ðịnh an có thể là Yêsu Yêsu..., hay dài hơn: "Yêsu Kytô Con Thiên Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội"... Phải lặp đi lặp lại, và chỉ ngừng khi thấy mệt thôi. Bắt đầu thì phải cố đấy, nhưng về lâu về dài, như Théophane le Reclus nói, "nó tự chảy xuôi như tiếng suối rì rào trong lòng", "dù cả lúc ta bận bịu". Và cùng với tiếng suối reo, ngọn lửa sẽ bốc lên. Ðến lượt ngọn lửa lại thúc cho lời kinh tái tục êm ái và mang lại sự an tĩnh cho tâm hồn.

Lời niệm tên Yêsu có gì giống như lời niệm A di đà Phật của Phật giáo, giống như lời niệm mantra (câu kinh thư) mà mỗi tu sỹ Ấn giáo được sư phụ chọn cho. Có lẽ tiếng Om ngân nga của Ấn hữu không cùng loại, vì Om được chú ý, không ở ý nghĩa cho bằng ở âm Ô-ôm-m... mà người ta cho là có tác dụng tâm-vật lý.

Liệu pháp Xốc (choc) và câu thoại đầu trong Thiền tông

Theo Thiền tông (mà tiếng Nhật là Zen), thì giác ngộ là hậu quả của một đột biến. Nên đây là Ðốn ngộ, đối lập với chủ trương Tiệm ngộ của các tông phái Phật giáo khác. Theo các tông phái này, phải học hỏi và tu luyện công phu, thì tham sân si mới mất đi và chân lý hiện lên dần dần. Trái lại theo Thiền tông, chẳng cần những thứ rác rưởi này, mà chỉ cần một chấn động tâm sinh lý đủ mạnh và đúng lúc để các tầng bao bì vỡ tung và giác ngộ vọt ra. Một cú dập cửa của ông thầy khiến trò té xỉu, thậm chí gãy lọi tay chân. Một câu nói bất ngờ của chân sư làm anh ngỡ ngàng quá mức . Những câu hỏi không lời đáp, gọi là "câu thoại đầu", mà ngày đêm anh đặt ra cho mình. Ðây là những câu hỏi mà theo bối cảnh niềm tin Phật giáo, hễ đặt ra là anh đụng đầu vào bức vách, như:

— Khi chưa có trời đất, thì tôi là gì?

— Muôn pháp quy về một, thì cái một quy về gì?

— Chẳng phải tâm, chẳng phải vật, cũng chẳng phải Phật, thì là gì?

— Niệm Phật là ai (ai niệm Phật)?

Càng hỏi càng tắc trả lời, thì "nghi tình" càng mạnh. Mạnh đến hết cỡ, sẽ có nổ bung thình lình, và đây là giác ngộ, là kiến tính, và tất cả hanh thông.

Trên kia, chúng ta đã nói đến tình yêu với chức năng làm bật chiều sâu. Nhưng tình yêu tự nhiên chỉ tiến qua vỏ ý thức, tới vùng vô thức nhưng khả thức, được Freud gọi là "tiền thức" (préconscient). Chiều sâu đúng vô thức, ta chỉ đạt tới nó một cách vô ý thức trong "đại mộng" (grands rêves), trong bệnh tâm thần hay cảm xạ (affects).

Giác ngộ là một hanh thông và hanh thông thiêng liêng, không giống với những hiện tượng quái đản trên. Nó mang tới một minh mẫn tuyệt vời, một bình an không gì sánh nổi. Nên ít ra phải có đạo đức như dự kiện (disposition) cần thiết. Và sự thuần phác để sẵn sàng cho một thông đạt từ bên trong. Ðồng thời, một hướng về mạnh mẽ mà không sôi nổi như một kíp nổ đợi chờ. Nếu cần có trước những dự kiện như thế, thì đâu còn Ðốn ngộ tuyệt đối (tức bất ngờ hoàn toàn và không có chuẩn bị gì). Thế nhưng Ðốn ngộ tương đối có thể xảy ra khi gặp chấn động. Chấn động từ phía Thần khí nếu Ngài nhập cuộc trực tiếp bằng chính Ngài trong cái mà Kytô-giáo gọi là Chiêm niệm thụ động. Chấn động tâm sinh lý do tác động của ông thầy hay câu thoại đầu nào đó, khiến có một thông suốt tới nền tảng cái Tôi, và ở đó có lẽ tôi nghiệm thấy mình gặp Chúa, dù sự gặp gỡ vẫn có từ trước do ân sủng.

Thiền định của Phương đông

Ấn giáo và Phật giáo đã có một truyền thống "vào rừng" (tu luyện) vững chắc trước khi Thánh Antoine khởi đầu "hoang mạc" (désert) Kytô-giáo. Bởi thế, truyền thống nhập nội của họ cũng già dặn hơn của ta cả chục thế kỷ. Và biết bao kinh nghiệm quý giá họ có thể truyền đạt cho ta.

Hẳn bạn sẽ thắc mắc: Mỗi đường tu được sản sinh do nhu cầu và mục đích riêng. Nhu cầu và hướng đi của ta khác họ nhiều lắm. Thế thì rập khuôn nhau thế nào được?

Xin thưa: Một đằng thì đích nhắm có chỗ gặp nhau; đằng khác, mỗi phương pháp làm nên bởi nhiều thành tố, trong đó có những cái chung và cái riêng; vấn đề sẽ là chọn hay bỏ cái gì đây, đồng thời làm những thích nghi và hoàn thành những tổng hợp mới.

Như mọi người hẳn đã biết, trước khi Yoga được mang vào thiền viện, nó đã là một phương pháp luyện kim và luyện phép. Trở thành công cụ tu luyện giải thoát, bắt đầu nó phục vụ Sâmïkhya-Yoga vốn chủ trương nhị nguyên: tinh thần và xác thân là hai thể đối lập, nên tinh thần phải cố cô lập (kaivalyam) mình, nghĩa là giải thoát mình khỏi ngục tù xác. Thế mà sau này, Yoga vẫn chuyển sang đầu quân cho cả Ấn giáo nhất nguyên lẫn Phật giáo vô nguyên, và phục vụ đắc lực cả hai ông chủ.

Sử dụng trong Mật giáo (Tantra), Yoga nhấn vào vận động (hatïha) cơ thể và có tên là Hatïha-yoga. Còn sử dụng trong Ấn, Phật giáo, nó nhấn vào tập trung tâm trí (dhiâ), và có tên là Thiền đạo (dhyâna-yoga).

Từ nhiều thập niên qua, thiền đã len lỏi vào nhiều khu vực Kytô-giáo ở khắp năm châu. Nhiều sách được viết để hướng dẫn Kytô-hữu vào con đường này. Dù sao chăng nữa, Thiền vẫn chưa được chính thức nhìn nhận và tìm hiểu, vì nó xa lạ với cách suy nghĩ Phương tây.

Tại sao thế?

Khác với Tây phương nhìn tất cả trong Hữu, thì Ðông phương lại nhìn trong Vô. Khác với Tây phương ưa động, Ðông phương lại ưa tĩnh. Khác với Tây phương biết bằng ý tưởng, Ðông phương tìm biết bằng cắt dòng tư tưởng. Khác với Tây phương niệm bằng trí, Ðông phương vào thiền bằng cả thân lẫn tâm. Thực ra, khi huyền nghiệm rồi, dù người Âu châu cũng hiểu ngay rằng chính ở chữ Vô kia mới có gì Hữu nhất. Nhất là với cái mà họ gọi là Thần kiến tuệ trí (vision intellectuelle) siêu ý tưởng.

Phương pháp thiền định

Kytô-giáo là đạo nhập thể, nên không rẻ xác thân, không khinh hình thức. Kytô-giáo là con đường Kytô, là chính đức Kytô: "Ta là đường" mà! Nhưng Kytô-giáo cũng là giáo lý nữa. Thiên Chúa đã đến với tôi từ bên ngoài khi nhập thể, khi dậy dỗ tôi bằng ngôn từ và giúp tôi hiểu bằng ý tưởng. Thần khí Ngài sẽ đến sau để chuyển quà tặng hữu hình ấy thành thức ăn bên trong. Vì thế, tôi phải học hỏi lời Chúa trước, rồi nhập tâm lời ấy. Nhập tâm tốt nhất là bằng suy niệm. Và suy niệm tốt nhất là có tập trung và có phương pháp. Vâng, không thể bỏ học hỏi và suy niệm, ít là trong thời gian đầu.

Sau khi đã nhập tâm giáo lý qua con đường ý tưởng rồi, chúng ta có thể đi vào các lối định thần siêu ý tưởng của Phương đông. Chúng ta không lo trật đường nữa, vì hồn đã thành một với giáo lý. Ðịnh thần Phương đông khi ấy chỉ giúp ta gặp gỡ Chúa ở sâu hơn bằng chuyến tàu phá băng và xuyên nội.

Ngay trong suy niệm, ngoài phương pháp liên kết ý tưởng ra, chúng ta cũng nên dùng thêm phương pháp ám thị và gợi ý của suy niệm Ấn độ nữa. Bạn ngạc nhiên lắm phải không? Ấn độ cũng suy niệm thật đấy, nếu có thể gọi đó là suy niệm.

Và sau đây, hãy nghe một bậc thầy Ấn giáo:

— Hãy tĩnh tọa, thở thật đều, tưởng như mình đang hít thở Thiên Chúa.

Hay một bậc thầy khác:

— Hãy tĩnh tọa, thư giãn, quên lắng hết. Tưởng như Thiên Chúa là nguồn sáng trắng chói lọi, từ cao trùm xuống không gian và phủ kín tôi tư bề. Hãy nhủ thầm với luồng sáng ấy rằng: Tôi trắng trong, tôi an tĩnh. Tôi là con Thiên Chúa. Ngài là cha, là mẹ, là chồng thân yêu của tôi. Ngài là tình thương bao la, vô tận...

Một Thiên Chúa như thế há chẳng có thể là Thiên Chúa của Phaolô, mà "trong Ngài ta sống, động và hiện hữu" hay sao? Và để cảm nghiệm được như thế, thì phương pháp trên há chẳng là hữu hiệu và đơn giản nhất?

Phương pháp ấy đơn sơ, nhưng dễ sử dụng thì chưa chắc. Tâm trí chúng ta là một chợ trời, dập dìu kẻ bán người mua là ý tưởng và ảnh tượng, chúng nổi trôi tự do và dắt díu nhau từng đoàn lũ, chứ không chịu đứng yên. Thế mà đây lại đòi tập trung (concentration), định vào một cái duy nhất và giữ vững ở đó. Giữ cho vững, đó là DhâranÏa. Ở một đối tượng, Ekâgra. Hễ thành công, nghĩa là Ðịnh được, thì đó là Thiền, Dhyâna. Thiền ở tột đỉnh, khi ngoại vật không còn ảnh hưởng tới, khi nội giới trống không và an tĩnh tuyệt vời, thì đây là Ðại định, Samâdhi.

Ðể tiến tới Tâm an, thần định, một đằng về trí phải luyện tập trung, đằng kia về thân phải luyện thế ngồi và luyện thở, tất cả đều là mới mẻ đối với con người thường tục.

Luyện thở chỉ mấy tháng là quen, luyện thế ngồi thì lâu hơn đối với đàn ông lớn tuổi, luyện tập trung càng khó nữa, nhất là đối với ai ưa hoạt động và nhiều ham hố. Tốt nhất, hãy bắt đầu với cả ba thứ một lượt, mỗi ngày luyện mươi phút, rồi tăng dần dần lên.

Tập trung bước 1: cảm giác

Một cuốn sách thiền sẽ dậy anh ngồi hoa sen, thở điều hòa và tập trung ngay vào sống mũi giữa hai mắt. Nhưng có nhiều bậc thầy dậy anh luyện từ từ, bắt đầu với những cái dễ, rồi khó thêm dần dần, nhất là đối với tập trung. Nhờ vậy, bước tiến của anh vững hơn, anh lại học hỏi được nhiều điều bổ ích, như trị bệnh, luyện trí tưởng và trí nhớ, v.v...

Vậy hãy bắt đầu với các giác quan, nhất là thị, thính và xúc. Chú mục vào một tấm ảnh, một bông hoa, phân biệt rõ từng màu sắc, đường nét. Nhìn ngược trở lại cái tôi đang quan sát đó.

Lắng nghe và phân biệt từng âm thanh xung quanh, chọn lấy một âm thanh duy nhất, xem đây là âm thanh của cái gì, cường độ, âm sắc ra sao, khoảng cách, biến hóa thế nào. Nhìn ngược trở lại cái tôi đang nghe và phân tích đó.

Lấy xúc giác mà rà soát từng chỗ trong người, xem có những cảm giác gì. Tập trung vào một điểm, xem đang nóng lạnh, đau nhức đến đâu. Nhìn ngược trở lại cái tôi đương cảm giác.

Bằng cách tập trung cảm giác như thế, chúng ta vừa luyện được giác quan bén nhạy, ý thức trong suốt, vừa củng cố được ý chí, sức kiên nhẫn và tự chủ nữa. Khi cảm giác đã sắc bén và dễ điều khiển bằng ý muốn rồi, ta không còn lệ thuộc vào chúng. Riêng đối với cơ thể, ta cũng thành chủ động, để có thể hướng dẫn các đường sức, làm nóng cái chân đang lạnh bằng ám thị và tập trung, cũng như bằng tập trung, đưa sức dồn vào bàn tay để chữa bệnh cho mình hay cho kẻ khác.

Bằng cách nhìn ngược trở lại, xem cái tôi đang cảm giác thế nào, ta cũng luyện được cách quan sát mình và bắt đầu trở về với nội tâm.

Nên chú ý, suốt quá trình luyện tập, dù ở bước thứ nhất này hay ở những bước tiếp theo, điều tối quan trọng là phải tránh sự căng thẳng, dù ở cơ thể, tâm trí hay thần kinh. Gắng thì phải gắng mạnh, nhưng một cách thoải mái, luôn ở trong trạng thái thư giãn cả trong lẫn ngoài. Sau khi đã mệt, hoặc hơi thấy nóng đầu, rối loạn gì đó, thì hãy ngưng ngay và thư giãn một lúc.

Phương pháp thư giãn

Nằm ngửa trên mặt phẳng ngang, không gối đầu, tay chân xuôi theo mà không thẳng căng. Hãy thở rất êm, nhẹ và điều hòa. Hãy tưởng như từ chân lên tới đầu, đâu đâu cũng buông lơi hết. Có thể đạt được buông lơi bằng cách buông nặng từng phần thân thể xuống mặt phẳng. Trong khi ấy, đầu cũng buông lơi mọi chú ý dù vì thế mà ngủ thiếp đi.

Nên thư giãn như thế chừng mươi lăm phút sau mỗi khi mệt nhọc, căng thẳng, sau mỗi buổi tập luyện và định thần.

Tập trung bước hai: tưởng tượng

Tập trung cảm giác quen rồi, chúng ta có thể tập trung tưởng tượng. Tưởng tượng dùng đến vật liệu nó là di sản của cảm giác cũ.

Sau mỗi quan sát bằng cảm giác, như ở Tập trung 1, ta hãy ngưng bên ngoài và cố nhớ lại từng chi tiết. Hễ mờ nhạt rồi thì bắt đầu lại với cảm giác. Khi đã quen, hãy tách khỏi cảm giác mà cố tạo ra bên trong cho mình những màu sắc, đường nét, thanh âm, ánh sáng, cảnh trí, con người...

Một tưởng tượng phong phú sẽ rất cần cho cả suy chiêm, lẫn sáng tạo trong nghệ thuật, cũng như trong khoa học và tư tưởng.

Tập trung bước ba: đơn nhất hóa
và đơn giản hóa đối tượng (Ekâgra)

Bây giờ, hẳn ta đã quen tập trung, và định lực của ta bắt đầu vững. Hãy thêm bước nữa bằng cách đơn nhất hóa, đơn giản hóa tối đa đối tượng. Tập trung duy nhất vào một cái gì đó chả hạn, và cái ấy dưới khía cạnh nào đó thôi.

Hãy nhìn bầu trời xanh trong vắt, và chú ý đến màu xanh trong vắt ấy. Màu xanh ấy sẽ đưa tâm hồn lên, vào sâu trong cõi bao la, vào sâu trong chính tâm tư mình. Hoặc chú ý duy nhất vào sự bao la, thăm thẳm, để cho nó thấm sâu vào mãi, và tự nhiên ta muốn cầu nguyện, cầu với đấng là Bao la và đang bao kín lấy ta. Một suy niệm thật đơn, thật nhẹ, mà kết quả lại phi thường đấy. Vâng, đúng là suy niệm, hay nếu bạn muốn, vì không suy nên cứ gọi là niệm. Quen niệm với dồi dào ý tưởng rồi, không dựa vào suy và tưởng nữa, hẳn bạn rất bối rối. Nhưng suy làm gì, khi nếu không suy, bạn vẫn đạt kết quả của suy, thậm chí còn hơn suy?

Vâng, hãy lợi dụng mọi cảnh trí để đưa tâm hồn lên. Nhìn bèo nổi, mây trôi, ta sẽ hiểu ra sự mong manh của kiếp người. Nhìn chân trời đang ló rạng, ta sẽ nương theo đức Vọng với niềm hăng say phấn khởi. Thấy mây mờ phủ kín, ta hãy bơi giữa chân không vừa với ý thức bất lực, vừa với sức mạnh của phó thác. Trời mát mẻ ư? Ta hãy phiêu diêu giữa lòng Thần khí. Trời nóng nực ư? Ta cứ reo vui với nắng, hoặc đói khát với Chúa trên bờ giếng Yacóp, vì tương lai của cánh đồng cứu thế mênh mông.

* * *

Từ địa hạt của suy niệm, các bạn hãy cùng tôi bước vào ngưỡng cửa của Thiền.

Sự vào thiền đòi hỏi một sức tập trung đã mạnh, trong đó giác quan đã im hơi lặng tiếng, không phải vì chúng suy nhược, mà vì chúng kiên vững khi mà điểm tập trung đã được định vị, và đối tượng tập trung đơn giản hóa về phía hư không. Ðể nói cho dễ hiểu, hãy tập trung chú ý giác quan vào một điểm, và khi giác quan đã định được ở điểm ấy rồi, hãy bỏ điểm (tức đối tượng) ấy khỏi chú ý, nhưng sự tập trung chú ý thì giữ nguyên.

Ðây là nguyên tắc, bây giờ vào thực hành. Giả thiết bạn đang ngồi hoa sen, trong khi lưng và cổ vẫn thẳng, bạn hãy tập trung nhìn vào một điểm trước mặt dưới đất, cách xa chừng một thước rưỡi, tập trung vào một ngọn điện hay nến nhỏ xíu trong một phòng tối chả hạn. Khi tập trung đã quen, hướng tập trung đã định, bạn cứ để mắt lim dim, nhưng đừng chú ý đến điểm sáng kia nữa.

Trong định thần, hành giả thường tâp trung vào sống mũi. Theo một chân sư, thì nếu bạn theo con đường tình cảm, thì nên tập trung vào hoa sen giữa trái tim. Dĩ nhiên, đây là tập trung bằng trí tưởng thôi, vì chẳng ai nhìn thấy giữa sống mũi, mà chỉ thấy từng bên của mũi. Lại càng chẳng thể nhìn thấy trái tim và giữa trái tim (hoa sen). Nhưng bằng thói quen tập trung vào thân thể, chúng ta vẫn tập trung được vào đúng điểm mình muốn, thậm chí còn dẫn được lực đạo (nadiâ) xuyên qua các huyệt đạo (cakra, luân xa) nữa.

Tập trung bước bốn:
thiêng liêng hóa điểm tập trung

Khi tập trung vào một điểm, có thể tưởng như Chúa đang nhìn tôi từ đó, một cái nhìn thấu suốt tâm can, nhưng một cái nhìn dịu dàng. Khi tập trung vào hơi thở, hãy tưởng như mình đang thở hít Thần khí của sự sống siêu nhiên. Thần khí ấy, qua hơi thở đang thấm nhập cả thân xác, cả hồn...

Ðể thiêng liêng hóa dễ dàng, hãy ý thức về "khoảng cách", và đây chính là niềm "kính sợ" (crainte révérentielle) và thần phục.

Tập trung bước năm: định hư

Khi lòng đã thanh (tâm hư, siêu thoát), thần đã định, hành giả nên tiến thêm một bước, cái bước ta có thể gọi là Ðịnh hư. Ðịnh hư là tập trung vào cái... Không gì cả.

Với sức tập trung (định lực) ngày càng mạnh, điểm tập trung ngày càng đơn giản, bây giờ ta đã có khả năng xóa bỏ đối tượng hữu hình mà định lực không mất đi. Chứ nếu trước đây không lấy cái hữu hình mà luyện, thì bỏ đối tượng tập trung rồi, tập trung hẳn cũng tiêu mất.

Trong thực hành, hãy ngồi thật ngay hay bước đi thong thả. Mắt hướng về bức tường, hay lim dim không để ý chi. Thở thật đều và thật nhẹ. Trí giữ thật trong suốt, và hễ ý tưởng hay ảnh tượng gì nổi lên thì để kệ cho nó chìm đi. Lòng thật êm ả, không một ham muốn hay bận tâm chi hết.

Thật ra, hai điểm sau: trí trống và lòng không liên hệ mật thiết với nhau. Hễ tâm không siêu thoát thì trí sẽ rộn ràng, và hễ trí nhộn lên thì lòng cũng sinh nhiều vương vấn khó bỏ. Trái lại, hễ một bên tiến, thì cũng kéo bên kia lên theo, và cứ thế chúng sóng đôi bay cao thêm bất tận.

Từ tập trung đến suy niệm và chiêm hưởng

Kinh Yoga (Yoga-suâtra) của Patanỵjali định nghĩa ở đầu chương III:

Vì thiền định có thể hiểu theo cách thứ hai, nên một số học giả Phương tây vừa dùng cách thở và ngồi của Ấn độ, vừa suy niệm theo cách họ vẫn làm. Thật ra, cho hợp với hướng đi toàn bộ Phương đông, thì suy niệm phải cụ thể, đơn giản và tự nhiên. Hơn thế, đích nhắm của Thiền và Yoga không phải là biết, mà nghiệm, không phải là cái có hình thức, mà cái siêu ảnh tượng và ý tưởng. Thậm chí còn phản hình thức nữa, như: "Ngài không phải thế này, cũng chẳng phải thế kia" (neti neti); "Tôi không phải đầu, mình, tay, chân, cũng chẳng phải giác, cảm hay tri thức".

Khi đã tập trung, suy niệm quen rồi, một ngày kia, tia sáng có thể vọt lên, tia của trực giác, thật huyền diệu. Như vẻ đẹp của một bông hồng quen thuộc, mà bỗng nhiên nay mới nhìn ra, khiến tâm tôi bật sáng. Như những nốt nhạc bên ngoài, mà "giác ngộ" thành bản nhạc du dương là việc bên trong tôi. Một hừng sáng nhờ đối tượng mà có, nhưng đây là hừng sáng của hồn tôi, và khi hồn sáng lên rồi, thì đối tượng không còn, mà cũng chẳng cần nữa. Và đây là trạng thái Ðại định, và là sự chiêm hưởng lạ kỳ, bí ẩn. Tập trung và suy niệm, cùng với đối tượng của chúng, chỉ là đò ngang hay nhịp cầu giúp tôi sang sông. Tình trạng Samâdhi mới là bến bờ mà tôi phải tới.

Những chuẩn bị và luyện tập

Trong đường thiền, thì tập trung, định thần mới là cốt yếu. Mà tập trung, thì dù đi, đứng hay ngồi, anh vẫn tập trung được. Miễn là thấy thoải mái. Miễn là tâm an, thần định, trí hư. Nhưng để dễ kết quả, thì nên ngồi kiết già, tập vận tức và điều tức. Còn về mặt tâm lý, thì có bớt vương vấn mới dễ có tâm an. Thiền cũng như Yoga đều coi Tham, sân, si, dâm, kỷ là nguồn gốc của những mối bận tâm. Nên vào Thiền hay Yoga đều phái giới. Yoga có ngũ giới là: Giới sát, giới ngoa, giới đạo, giới dâm, giới tích lũy (Y-S.II.30).

Ðể có ý thức siêu nhiên Kytô-giáo, thì, nếu sáng sớm hôm sau suy niệm, tối lúc đi ngủ phải ngủ với những ý tưởng thích hợp, và sáng dậy cũng thế. Ðó là chuẩn bị xa. Chuẩn bị gần gồm có:

Xác thân trong suy niệm, định thần

E. Jacobsen nhận xét: "Không cần chứng minh cũng thấy rằng, văn minh, kỹ thuật đã dằn vặt và làm teo xác thân chúng ta. Và đây là sự thật mà người người đều công nhận... Chúng ta đánh mất ý thức về bản chất và hoạt năng của thân thể mình. Chúng ta chỉ biết đến cái mặt ngoài của nó, và chúng ta thu hẹp kích thước nó thành công cụ tồn sinh, thế thôi".

Vâng, ngày nay người ta tìm hiểu rất nhiều về thân thể và khám phá bộ máy tâm sinh lý đến tận vô thức, nhưng vẫn chỉ thấy bề mặt của con người hay của xác thân. Hơn thế, họ còn cách ly xác với tinh thần, cách ly hoạt động của cả hai bên. Họ không biết rằng con người là sự hội nhập xác thần, nên dù trong tiến trình nên thánh, ngay trong cả nhập định, cũng không thể loại xác thân ra ngoài, mà phải đưa nó vào, không phải chỉ như một công cụ, thậm chí rất tùy phụ, mà như một đồng tác nhân với tinh thần trong việc chinh phục nội giới.

Trong suy chiêm, thiền định, phần đóng góp quan trọng nhất của cơ thể là ở cách thở, rồi ở thế ngồi.

Phương pháp thở: vận tức và điều tức

Con người hội nhập thân tâm có trung tâm không phải chỉ ở phía đầu: huyệt bách hội, mà còn ở một phân dưới rốn: huyệt đan điền. Ðây là điều mà hằng mấy ngàn năm trước, các học giả Phương đông đã khám phá ra. Ðan điền, đó là chỗ tập trung các luồng sức. Các võ sư, đạo sỹ, yogin đều biết dùng ý và hơi thở để đả thông các huyệt đạo, để tụ khí ở đan điền, rồi từ đan điền dẫn nó đi các nơi, nhất là hướng về cực điểm là huyệt bách hội.

Vì thế, vận tức và điều tức rất quan trọng để điều khiển các luồng sức, để tác động đến tâm hệ (psukhê), để nhập định tham thiền.

Vận tức có nhiều phương pháp, tùy đích nhắm là chữa bệnh, luyện nội công, tu theo Hatïha-yoga, hay tu theo Thiền. Ngoài phương pháp vận tức của thiền môn khá đơn giản, còn các phương pháp khác thường rất cầu kỳ, có thể dẫn đến "tẩu hỏa nhập ma", nên không thể không có thầy chỉ dạy và hướng dẫn. Ta hãy xem qua một vài phương pháp như thế, để biết thôi.

Vận tức của thiền môn thì đơn giản thôi, nên không nguy hiểm gì. Không có dùng ý dẫn lực đạo, mà chỉ có hít, nín, thở, hoặc hít, nín, thở, nín. Nín càng lâu càng hay, nhưng nếu yếu tim thì đừng nín dài. Thường hít một thì, thở một thì, còn nín thì 1 hay 2 là đủ. Cốt là điều hòa, sâu và chậm. Sau hít có thể phình bụng, và thót bụng sau thở ra. Chỉ có mũi, phổi (và bụng) làm việc thôi, phần thân còn lại phải hoàn toàn thư giãn. Lại chẳng nghĩ ngợi chi cả.

Vận tức, nên làm vào lúc chưa ăn, lúc chiều, tối hoặc sáng sớm. Sách Tàu quen nói đến 180 hay 360 châu thiên, tức vòng dẫn lực đạo và hít thở. Lắm người Ấn khuyên làm cho tới đổ mồ hôi vì nóng. Nhưng theo một số sách thiền, thì 10 phút thôi cũng đủ.

Nếu định thần (vào thiền, suy niệm), thì sau khi ngồi kiết già hay bán kiết, hãy vận tức một lát, sau đó thở nhẹ lại và điều hòa để bắt đầu tập trung. Lúc tập trung, thì phải giữ tâm luôn sáng suốt.

Sau vận tức và định thần, nên xả thiền bằng 10 phút thư giãn hay một lúc đi lại thật thong thả với tâm trí thanh an. Hatïha-yoga còn dậy chà xát nữa.

Phương pháp ngồi: hoa sen hoặc bán kiết

Sự vận tức sẽ thanh lọc cơ thể, điều hòa các sinh hoạt bên trong và tác động vô các huyệt. Tác dụng sau chắc cũng thuộc khả năng của các tư thế. Riêng đối với thế hoa sen (padmâsana), cũng gọi kiết già, và thế bán kiết (siddhâsana), có người bảo nó cản sức đi xuống dưới, để dồn sức vào nửa người trên. Dù sao chăng nữa, theo kinh nghiệm của tiền nhân, nó rất có ích đối với việc định thần.

Hoa sen ngồi như sau: dùng tay kéo bàn chân trái vắt lên đùi mặt, rồi kéo bàn chân mặt vắt lên đùi trái. Vắt như thế rất đau, nên phải tập lâu, kỳ cho hết đau mới định thần thoải mái được. Thường trẻ em và phụ nữ luyện rất chóng. Ðể bớt đau rát, cũng như để luồng nhân điện khỏi thoát ra, có thể ngồi trên một tấm da thú hay vải len, và trên đùi mặt cũng có một tấm lót. Nếu ngồi hoa sen quá đau, hãy thay bằng bán kiết, với chân mặt vắt lên đùi trái, thế thôi. Chân trái cứ ruỗi hoặc để dưới đùi mặt cũng được.

Vắt chân xong, hãy để hai bàn tay úp trên hai đầu gối, hoặc ngửa trên đầu gối với ngón cái và ngón hai bấm vào nhau (giữ cho luồng nhân điện khỏi thoát đi, như có người nói), hoặc cả hai bàn tay để ngửa dưới rốn, tay trái đặt trên tay mặt.

Ngồi xong, hãy nhướn mình và cổ lên, đầu hơi cúi nhìn xuống, để xương sống và cần cổ thật thẳng đứng. Ðể dễ kiểm soát đường thẳng đứng này, có thể ngồi dựa vào tường, sát từ mông lên đến đầu. Sau đó, rùng mình một cái, để mọi cơ bắp chùng lỏng ra.

Bây giờ, bạn đã vững vàng và thoải mái để có thể vận tức và tập trung được rồi. Ðể dễ tập trung, người ta khuyên ngồi diện bích (quay mặt vào tường).

Thiền và sống thiền

Bên Nhật, thiền đi cả vào cách uống trà, bắn cung, đấu quyền kiếm và chơi viên cảnh nữa. Thiền khi ấy là cả một lối sống và nếp sống, nó tập trung ở An, Ðịnh, Hư tâm (lòng thanh thoát, không vương bận gì).

Thiền gia còn trường trai để thể nhẹ nhàng và hồn thanh thoát. Cố nhiên, chúng ta không cần chay quá, vì dù sao, đây cũng chỉ là phương thế, lại hễ vụ vào chay cũng là chấp mất rồi.

Vâng, thiền là cái gì bao trọn cuộc sống, từ trong ra đến ngoài, chứ không như bên Tây, tu chỉ là việc của tâm, niệm chỉ là việc của trí, và người ta cứ ăn thịt thả cửa, cứ uống rượu, hút thuốc và hoạt động chết thôi.

Nhưng như thế, thiền có nghịch với hành động và sống lý tưởng không? Thưa không, thiền chỉ nghịch với thứ hành động nhiệt náo. Hành động theo hướng thiền thì phải mạnh nhưng trầm, cuốn về phía đích chứ không bắt bướm giữa đường đi (nghĩa là hành động chỉ vì nhu cầu động đậy).

Thiền cũng không nghịch với lý tưởng. Trái lại, phải say yêu lý tưởng, và lý tưởng ấy phải rất thiêng liêng, thì vào thiền mới kết quả, mới tiến tới đại định, huyền nghiệm; chứ nếu không, tất cả chỉ còn là ươn lười, là tamas (âm tối) mà thôi.

TÓM LẠI

Chỉ có tình yêu mới giúp tôi ý thức sâu xa về bản thân. Chỉ có chấn động mạnh mới làm bật lên một số tầng ngầm của tâm hệ. Chỉ có Thần khí Chúa mới giúp vượt tới những chỗ sâu và thiêng liêng nhất của nội tâm. Thần khí có chức năng lấy những gì Chúa dậy bằng ngôn ngữ bên ngoài để dậy lại bằng kinh nghiệm bên trong tôi.

Ðể gặp Chúa sâu xa, nên bắt đầu bằng suy niệm. Ðối tượng của suy niệm Kytô-giáo là các mầu nhiệm Chúa Kytô và giáo lý của Ngài. Dầu sao, suy niệm chỉ là đường đi, tâm tình hướng thượng và mến Chúa yêu người mới là đích nhắm. Nên nếu chỉ một ý tưởng đủ nuôi sống tôi, thì không cần sang ý tưởng khác làm gì.

Cũng thế, khi các phương pháp giản đơn bằng gợi ý và thẩm thấu của Phương đông có thể giúp tôi hướng thượng và gần gũi Chúa, thì sao tôi không thể áp dụng để bổ túc cho những cách suy chiêm quen thuộc? Phương pháp đắc dụng nhất của Phương đông là Vào thiền.

Ðể vào thiền, nên luyện thở, luyện thế ngồi, đi đôi với luyện tập trung. Về tập trung, người ta có thể tập trung vào hơi thở, vào sống mũi, vào điểm giữa trái tim. Cũng có thể tập trung vào một ý tưởng hay hình ảnh, vào một sự vật hay cảnh trí thiên nhiên, đồng thời nghĩ suy quanh đối tượng ấy. Sự tập trung nên ngày càng đơn giản và thoát khỏi hình thức, trong khi thần vẫn định, tâm vẫn an, trí vẫn sáng suốt và lòng hướng thượng.

Dù cố gắng đến đâu chăng nữa, việc gặp gỡ Ðấng siêu sắc tướng vẫn tùy thuộc tất cả vào Thần khí Chúa. Nên trong khi cố gắng áp dụng phương pháp, tôi phải nhìn nhận sự yếu đuối của mình, phải cầu nguyện và phó thác hết.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page