KHO TÀNG LỚN NHẤT
Ở SÂU NHẤT TRONG TÔI

Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Một nông dân, trước khi chết, dặn các con rằng: Trong ruộng nhà có vàng chôn đấy. Thế là từ đấy, chúng đào sâu cuốc bẫm từng tấc đất một. Vàng chẳng thấy đâu, nhưng vì đất được đảo kỹ, nên lúa tốt đầy đồng: đất nhà đã mang vàng đến cho họ.

Người đời thường kiếm vàng hạnh phúc đâu đâu, ngờ đâu vàng ở ngay vườn nhà không biết. Vườn nhà ít được ngó ngàng tới, mà đào vàng ở đây lại vất vả vô cùng, bởi đây là nội tâm! Nội tâm bị bỏ hoang, rác rưởi bừa bãi và bếp tro lạnh ngắt, chẳng gì hấp dẫn cả. Vì thế, họ càng trốn chạy nó, tìm giải khuây ở các ngã ba đường, tìm quên mình ở các hoạt động chúng hút hết chú ý.

Người thường, đó là hầu hết mọi người, nghĩa là hầu hết quen hướng ngoại và ngại hướng nội.

Văn minh hôm nay với đà hướng ngoại

Một bác sỹ Nhật sang Ðức, tò mò hỏi một ông bạn đồng nghiệp:

— Hằng ngày, anh có những bận bịu chi?

Bác sỹ Ðức khoe, nào là ngày làm việc, chiều đi đánh gôn, tối đi tiêu khiển, cuối tuần ra bờ biển hoặc leo núi.

Chỉ thấy bác sỹ Nhật cau mày:

— Thế anh tư duy vào lúc nào?

Tư duy, nói đúng hơn, đó là trầm tư, lúc đi vào trà đạo, ngắm hòn non bộ, chăm mấy cây kiểng hay dạo bước dưới ánh trăng. Những thú tiêu khiển thanh nhã ấy, dù bên Nhật, Tầu hay Việt nam đều có, nhất là xưa kia. Chúng làm lắng an tâm hồn và dọi sáng cho những tư tưởng thâm trầm triết lý.

Tây phương không thiếu triết lý, nhưng chỉ có triết gia, chứ hiền nhân thì gần như không.

Chính vì cắt đứt với cái Muthos (tư tưởng huyền thoại) âm u, huyền bí, và kết bạn với Logos (tri thức lý tính) sáng sủa, rõ ràng, nên Phương tây nổi nang về khoa học, về phương pháp sử dụng vật chất, nhưng trong vật chất họ chỉ nhìn thấy cái là bề mặt, là "đối tượng" thôi.

Hướng về cái bên ngoài quen rồi, khi nhìn Thiên Chúa, Tây phương cũng nhìn như một đấng ở trên, nên ở ngoài, đấng siêu việt. Thiên Chúa đúng Thiên Chúa, theo định nghĩa rất quân bình của một nhà tư tưởng, cũng là thánh nhân, Âu-cư-tinh, phải là đấng "sâu hơn chỗ tuyệt sâu của tôi và cao hơn chỗ tuyệt cao của tôi". Thế nhưng nếu Phương đông nhấn vào vế trước, thì Phương tây lại chú ý đến vế sau.

Thiên về bề cao của thiêng liêng, đó là khuynh hướng ăn sâu của Tây phương, như chính J. Moltmann và Yves Raguin đã công nhận. Nên chẳng những hướng lên trong tư tưởng, Tây phương còn hướng lên trong tình cảm và diễn tả nữa. Trong khi nhà sư, cặp mắt lim dim, định thần vào trong mình, thì nhà tu Kytô-giáo lại hướng về trời với cái nhìn bốc lửa, với hai tay giơ cao, với gối quỳ thờ lạy, với xưng hô Lạy Chúa. Lý tưởng của chàng mã thượng Ignace de Loyola là Phụng sự đức Minh quân Yêsu được tỏ lộ trong hai bài niệm suy nổi tiếng: Vương quốc và Hai lá cờ. Còn lý tưởng của các nữ thánh là hầu hạ vị Lang quân vương đế. Hèn chi hội họa và điêu khắc bên Tây đã chẳng hướng ánh mắt của các thánh lên, trong khi bên Ðông lại hạ làn mi Ðức Phật xuống. Trong Kytô-giáo, duy chỉ vùng phía Ðông, khu vực núi Athos, mới cho thấy dấu vết của một lối tu khác với truyền thống: Phái Hésychasme (Ðịnh an) đã cúi nhìn xuống bụng khi miệng niệm tên Yêsu.

Văn minh hôm nay, từ Tây lan sang thế giới, tuy giúp giải quyết những vấn đề kinh tế, nhưng cũng lôi Ðông phương ra khỏi lý tưởng an định của mình. Lối nhìn theo Tây, cùng với những lo toan vật chất, đã hướng lòng ra ngoài và làm dậy bao ham muốn. Người nhà tu, Phật giáo cũng như Công giáo, hầu hết lao mình như con thiêu thân vào hành động, còn suy chiêm hay định thần thì biếng trễ. Nên thánh nên Phật bằng phục vụ và sống tương quan ư? Thiếu nội tâm làm hồn sống, thì hành động chỉ còn là cơn sốt, tương quan sẽ trở thành hời hợt, và phục vụ chỉ nhắm mỗi hư danh.

Hướng ngoại quá rồi, ngày nay người ta cảm thấy cô đơn và trống rỗng, nên một số đã trở về với thiền, yoga và đời sống chiêm niệm. Dầu sao, số ấy vẫn còn quá ít, và loài người vẫn xa lạ với chính mình.

Tại sao cần hướng nội?

Tôi không có ý nói thứ hướng nội do khí chất (introversif), vì đây chỉ là một tiềm năng, một khuynh hướng tổng quát, nên mở ra nhiều phía khác nhau. Khuynh hướng ấy có thể mờ ẩn do giáo dục, hoặc do giáo dục mà xác định xấu đi, khiến anh chỉ biết có mình và chị chủ quan trong đánh giá.

Tôi cũng không muốn nói thứ hướng nội do tật thương tâm lý, thứ hướng nội có tên là khép kín, nó dẫn ta vào ngục tối của bệnh tâm thần.

Cũng đừng lẫn hướng nội với thói quen suy luận, vì suy luận là của lý trí khách quan, nó hướng tôi về phía đối tượng, nghĩa là bên ngoài, thay vì giúp tôi vào sống bên trong. Thế nhưng hướng nội cũng không luôn bằng tình cảm, vì nếu đây là ham muốn, thì đối tượng của nó cũng không ở bên trong nốt.

Về hướng nội, tôi muốn gợi ý về một ngôi nhà thiêng liêng bên trong, ở đó anh nghỉ ngơi được với chính mình. Nghĩa là ở đó anh tìm thấy sự thanh lặng, một thứ an vắng lặng mà anh thích, chứ không phải thứ an vắng lặng của nghĩa trang. Cảm giác vắng lặng đó có tên là sự thanh vắng bên trong (solitude intérieure), hoặc nó mang lại sự trầm ấm, hoặc nó là con đường dẫn tới kinh nghiệm này.

* * *

Dù tự nhiên anh có hướng nội hay không, một hướng nội chính cống bao giờ cũng là kết quả của nhiều cố gắng. Ðây là cố gắng để thoát khỏi hấp lực của bên ngoài, cái hấp lực quá mạnh nó biến phần đông thành hướng ngoại. Ðây là cố gắng để thanh luyện, vì nội tâm sẽ thành kinh tởm khi đầy rác rưởi và phong ba. Ðây là cố gắng để trang trí, mà tác phẩm được họa nên bằng những tâm tình cao đẹp. Ðây cũng là cố gắng để yêu thương sâu xa, vì không tình cảm nào cao đẹp bằng tình yêu thiêng liêng cả.

Tôi chỉ thật sự gặp mình khi sống thân mật với mình. Tôi chỉ thật gần gũi với mình trong một Chúng mình thân thương. Nghĩa là tôi phải vượt xa hơn mình để đến với một cái mình khác. Mình đấy nhưng lại khác với mình. Vâng, người ta không thể gặp mình khi không có tình yêu thức tỉnh. Tôi nói Tình yêu, chứ không phải ham muốn. Ham muốn thì hướng ra ngoài, chỉ tình yêu mới hút về bên trong.

Tôi không nghĩ như các chân sư Ấn giáo, kể cả Ramakrishna, rằng chỉ bằng duy một cái Tôi (âtman) đủ để vượt chiều sâu tới Âtman (The Self, cái Chính mình) tuyệt đối của huyền nghiệm. Vì trong kinh nghiệm này, họ đã gặp chính Thiên Chúa của Tình yêu, và ở Ngài họ an nghỉ hoàn toàn, đúng như Augustin diễn tả:

— Thiên Chúa sâu hơn chỗ sâu nhất của tôi...

— Và lòng tôi khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.

Ðây là an nghỉ trong say đắm của tình yêu, một thứ tình không thể diễn tả bằng tình yêu thế tục được. Chứ đây không phải là thứ an tĩnh bề mặt của kẻ mới bước vào nghề thiền đâu. Vì thế, theo các chân sư Phật, Ấn, phải căng thẳng về với hết cả tâm hồn và suốt ngày đêm. Và quán cả ngày đêm với một câu hỏi, câu thoại đầu, không phải để tìm một đáp số, mà để nổ bung trong ngõ cụt của nghi tình. Kiến tánh không ở giải ngộ, mà ở chứng ngộ.

Vâng, chân lý thật sự thì không phải chân lý khách quan của lý trí, cũng chẳng phải đối tượng của cảm năng nội ngoại nào cả. Chân lý ấy, mỗi chủ thể phải tự chứng nghiệm cho mình, ở chỗ tối sâu của nội tâm. Nội tâm có rất nhiều tầng, nhiều lớp, và tầng lớp càng sâu, thì càng vô thức hơn cả. Thiên Chúa, chúng ta chỉ thực gặp Ngài ở những chiều sâu đó. Và càng vào sâu hơn trong mình, thì ta cũng càng vào sâu trong Chúa luôn.

Tôi thiết nghĩ, dù tôn giáo nào, nếu quả gặp "Cái ấy" ở chỗ tối sâu như thế, thì Cái ấy cũng là cái mà ta gọi là Thiên Chúa, và gặp được cũng là do ân Chúa mà nên. Có điều, vì Cái ấy vừa như thể là một với mình (do hiệp nhất và do ở sâu trong mình), vừa sâu vượt và khác mình, nên hiểu và diễn tả về Cái ấy, thì Ấn giáo nghiêng về đồng nhất (l'Un) và Kytô-giáo nghiêng về Khác biệt (l'Autre). Nhưng dù Ấn hữu trong huyền nghiệm cũng thấy cái Một ấy vượt khác xa tôi, và trong huyền nghiệm Kytô-hữu thấy Ðấng là khác ấy có gì là một với tôi khi mà Ngài khiến tôi "nên một với" Ngài và "ở nơi Ngài" (Yo.17.21). Theo Raguin, con đường của Phật giáo bắt đầu là Trong-mình (immanence) để kết tận ở vượt mình (ex-stase). Còn con đường Kytô-giáo thì ngược lại, bắt đầu bằng vượt-mình (transcendance) để tìm thấy Ngài-nơi-trong-mình (en-stase). Quả thật, Thiên Chúa chỉ vượt tôi từ sâu trong tôi, nên tôi không thể gặp chân-Thiên Chúa nếu không tìm Ngài bằng nội tâm và ở nội tâm, ở chỗ tối sâu trong nội tâm ấy. Chỗ tối sâu ấy bao giờ cũng tối tăm, nói cho đúng hơn, tối tăm đối với lý trí quen "rõ ràng và sáng sủa". Vì thế, theo kinh nghiệm của các huyền nghiệm nhân, thì anh chỉ gặp Chúa lúc chẳng thấy chi hết.

Hướng nội chính là lý tưởng sống của Phương đông

Nói rằng Phương đông hướng nội, và hướng nội nhất ở Phương đông là người Ấn, e có kẻ sẽ chỉ thẳng vào cả biển người Ấn đang lăng xăng kiếm chác ở các vỉa hè và xó chợ, như tại Calcutta:

— Ðấy, cái Ấn độ hướng nội của Phương đông các anh đấy!

Quả thật, bên Ðông cũng như bên Tây, con người thường chẳng ai hướng nội cả. Có điều Phương đông, nhất là Ấn, cố nhiên, có một truyền thống hướng nội ba ngàn năm, và khám phá biết bao kỹ thuật tuyệt vời để đi vào chiều sâu vô tận của mình. Bởi thế, dù suốt đời lăng xăng bên ngoài, người ta vẫn coi tham thiền, nhập định là lối sống lý tưởng, và rất kính trọng những con người ở trong con đường ấy. Thế mà mục đích của nhập định, tham thiền là đạt cứu cánh ở trong mình, chứ không phải ở trên mình nơi một đấng Siêu việt, một Chủ tể.

Khổng giáo không tham thiền, và Khổng giáo cũng nói đến chiều cao, mà họ gọi là Thiên. Nhưng tìm Thiên, nhà nho lại tìm ở trong mình, vì Thiên lộ ra ở trong Tâm.

Thật ra, Thiên phải được hiểu ở hai cấp khác nhau. Ở cấp dưới, Thiên là Hoàng thiên thượng đế của cúng tế, của tín ngưỡng dân gian. Ðây cũng là Thiên đối xứng với Ðịa (Thần đất) trong lễ Giao tế Trời và lễ Xã tế Ðất, trong vái lậy Trời Ðất xin chứng giám trong những việc hệ trọng. Vậy Thiên này chưa phải Tất cả, huống nữa là Tuyệt đối, Siêu việt. Siêu việt thực sự trong Nho giáo, chúng ta có lẽ chỉ bắt gặp ở chữ Thiên trong Thiên mệnh và Thiên đạo thôi.

Cả Thiên lẫn Ðịa đều có Thể (gốc) và Khí (esprit). Thiên khí thì trong sáng: Thần (Esprit). Ðịa khí thì u âm: Quỷ (không phải diable). Tụ nơi con người, Thiên khí thành Tinh anh, còn Ðịa khí thành Phách, Vía: "Thác là thể phách, còn là tinh anh" mà. Vậy con người, Nhân, đúng là sự kết tụ và tinh hoa của cả Trời lẫn Ðất, như Lễ ký nói:

— Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí (ch. Lễ văn).

Thiên theo ý nghĩa siêu hình là cái tối cao và thiêng liêng, nó mang tới cho Ðịa cái Lý, nhờ đó Ðịa mới sáng lên, vận hành tốt và vững tồn. Cái Ðạo của Thiên, Thiên đạo, đã chiếu in trên thiên nhiên thành đạo của Ðất, Ðịa đạo. Chính vì thế, nếu Thiên đạo là "Làm vơi chỗ đầy, làm lợi chỗ thấp", thì Ðịa đạo cũng biến theo mà thành "Làm mất chỗ đầy, và chảy đến chỗ vơi". Chính vì thế, truy tra đến nơi cách vận hành trong hoàn vũ, Cách vật, người quân tử phần nào có thể thấy Ðạo Trời.

Nhưng để hiểu sâu Ðạo Trời, thì Cách vật rồi, còn phải Trí tri nữa. Trí tri, đó là tìm hiểu Ðạo Trời ở chỗ tột cùng của nó, không ở ngoài mình cho bằng ở trong mình, ở chính lương tri thuần nhiên của mình. Thật ra khi Cách vật, người quân tử đã không bị hút hết vào sự vật bằng cái nhìn khoa học khách quan thuần túy. Vì xuyên qua đó, ông còn muốn nghiệm suy, như một hiền nhân (sage), cái Lý thường hằng mà thiên nhiên phản ảnh. Ông đã sử dụng đến thứ trực giác thiêng liêng.

Dầu sao, thiên nhiên vẫn chỉ là vật chất, nên phản ảnh Thiên đạo nơi thiên nhiên vẫn có gì mờ đục và hạn chế rất nhiều. Chỉ tại chính thâm tâm mình, người quân tử mới gặp gỡ Thiên đạo và Thiên mệnh với ánh sáng đầy đủ.

Nơi chính lương tri này, đạo Trời chiếu in thành đạo Người, Nhân đạo, và ý Trời (Thiên mệnh) chiếu in thành Tính người. Tính, đó là sự hiển sáng toàn vẹn của Thiên đạo thành Ðức (Trời) nơi tôi, trong lương tri của tôi:

— Thiên sinh đức ư chi, Trời sinh đức nơi ta. (Luận ngữ: Thuật nhi).

Tính con người không phải là bản tính sẵn có cho bằng một hướng đi, một khả năng tiềm tàng, một lý tưởng mà tôi phải tự mình thực hiện. Ðây là tiếng gọi của Trời, mà cũng là thúc bách của đạo làm người. Ứng đáp tiếng gọi ấy là phá tan sự ác và phát triển sự thiện (Kinh Dịch: Ðại hữu). Càng sống "thuận Thiên hưu mệnh" hay "hợp chi Thiên mệnh" (Lễ ký: Quan nghĩa), thì càng làm "minh minh Ðức", khiến cái Ðức trong tôi sáng tỏ lên.

Nhưng để sống theo Thiên mệnh, thì phải "Tri mệnh", hiểu ý Trời và đi đúng con đường Người (nhân đạo), thì phải biết tìm Ðạo trong chính mình: "Cầu tại ngã giả dạy", chứ không "Cầu tại ngoại giả dạy" (Mạnh tử: VII.3). Ðể nhìn ra ý Trời nơi mình thì phải Thành để cho tâm sáng: Minh. Ðể tâm thành và sáng, thì phải đạt sự thanh lặng bên trong, không còn những ham muốn, bận bịu chúng làm xáo trộn mặt hồ tâm giới:

Tâm trong sáng rồi, thì chiều sâu lộ ra, ở đó chúng ta thấy ý Trời và gặp chính Trời:

* * *

Thi hành Ðạo bằng phương pháp Vô vi, trái với Khổng tử chủ trương Hữu vi, Lão giáo càng tìm Ðạo ở sâu trong tâm hơn nữa. Ðạo trong Lão giáo, như Thiên trong Khổng giáo, là cái nguyên lý bất biến, từ đó sinh vạn sự vạn biến. Cái "Thường đạo" không gọi được tên, không hiểu được bằng ý tưởng rõ ràng ấy, thánh nhân gặp nó bằng một trực giác nội tâm. Khi mà mình sáng lên với mình từ trong, thì Ðạo cũng sáng lên nơi chính ánh sáng đó. Theo Lão tử, biết người mới chỉ là Trí thôi, biết mình mới là Minh, là tự giác:

— Tri nhân giả trí, tự tri giả minh. (Ðạo đức kinh: XXXIII).

Ðể minh tâm, tự giác, đạo sỹ phải đi vào thanh lặng bằng nhập định, đi vào tự nhiên bằng cách buông xuôi theo Tính, theo cái tự nhiên của trời đất giao duyên, vạn vật sinh hóa, và khi ấy cái Ðạo bất biến vô sinh sẽ ló dạng. Cái Ðạo sơ nguyên này, theo Trang tử, phải lấy Thần (esprit) mà hiểu, chứ lấy Trí mà suy thì chẳng thấy được.

Sự thức ngộ luôn là nhờ trực giác nội tâm. Ấn giáo cũng quả quyết như thế, như câu truyện kể trong UpanisÏad sau đây:

Bằng câu truyện trên, Upanisïad đã đưa ta đi dần tới chỗ phải hiểu ra: Chỉ có chính mình, nói đúng hơn, chính cái tâm của mình mới là xe chở mình tới Chân lý. Chân lý ấy, tôi gặp gỡ trong một huyền nghiệm, như Cái nó vượt xa đó, mà cũng là một với chính mình:

— Anh là Cái ấy (tattvam asi)!

— Thiên Chúa là ngã (brahma ca âtmâ)!

Nhưng xem ra không phải cái Tôi, cái Ngã này, mà cái Tôi sâu hơn tôi, cái Thượng ngã (antarâtman, paramâtman). Và một cách nào đó, câu "Thiên Chúa sâu hơn chỗ sâu nhất của tôi, và cao hơn chỗ cao nhất của tôi" được nói hơi khác đi trong Chândogya-upanisïad 3.13.7:

— Cái ánh sáng ở trên tôi, nó sáng bên trên mọi sự vật, bên trên hoàn vũ, bên trên các thượng giới mà trên nữa chẳng còn chi, ánh sáng ấy đúng thâït là một với ánh sáng bên trong con người!

Tuy Phật giáo không nói đến cái Thể siêu cao, cũng chẳng nghĩ rằng có Ngã, nhưng cũng như Ấn giáo, họ tìm Niết bàn trong tâm hồn, ở chỗ sâu vượt cả nội tâm, ở chỗ không còn thấy chi nữa.

Tuy Phật giáo nguyên thủy chuyên chăm thiền tọa, nhưng khuynh hướng từ lâu của Zen, của Thiền tông, là đưa Thiền vào cuộc sống, từ trà đạo đến bắn cung, đến quyền kiếm, ăn ngủ và mọi cách xử sự giữa đời. Thiền khi ấy sẽ là một thái độ nội tâm, thái độ an lặng, siêu thoát, nó toát ra thành phong thái và chỉ huy hành động.

Bề sâu đức Kytô và bề sâu Kytô-hữu

Thiên Chúa là Tinh thần viết hoa, nên cũng là Bề sâu viết hoa. Tinh thần gặp tinh thần, Ngài thực sự gặp tôi nơi bề sâu của tôi, nơi đó diễn ra cuộc đối thoại của hai cái Tôi, đối thoại nó là một với kết hợp.

Bề sâu của tôi không ngang bằng với bề sâu của Chúa: "Thiên Chúa sâu hơn chỗ sâu nhất của tôi", nên không thể gặp Ngài nếu Ngài chưa đưa tôi xa vượt chiều sâu của tôi. Tôi nói "Ngài đưa", vì tôi không thể tự vượt mình.

Vì Thiên Chúa đã gọi con người từ bề sâu của Chúa, nên con người mới có thể hiện hữu như một bề sâu, như một chủ thể với một thế giới nội tâm. Kể từ đây, điểm gặp gỡ thực giữa Thiên Chúa với con người bao giờ cũng là ở bề sâu con người ấy. Cố nhiên, Thiên Chúa có thể nói với con người qua thiên nhiên hay bằng những môi giới ngôn sứ. Nhưng tiếng nói bên ngoài chỉ đưa đến tiếp xúc thật khi có một gặp gỡ ở bên trong. Vâng, sự gặp gỡ trong ân sủng diễn ra ở chỗ sâu nhất, chỗ mà từ đó tôi đã tiếp nhận ơn gọi hiện hữu từ Ðấng đã đoái nhìn đến tôi. Ân sủng hay sự gặp gỡ này, xuất phát từ sâu trong, sẽ từ trong đi ra để nhiễm hóa các tầng lớp ngoài, nhờ đó tôi có thể gặp Chúa bằng cảm xúc, cầu nguyện và hành động. Vì thế, đời sống tôi luôn phải quy chiếu về điểm gặp bên trong để thành siêu nhiên, và tôi không thể tăng trưởng siêu nhiên nếu không phát triển đời sống bên trong này.

Ngày nay, sau khi nhập thể, là Bề sâu nay Thiên Chúa đã có bề mặt. Và đức Yêsu ấy bắt đầu nói với loài người bằng ngôn từ cũng như bằng cuộc sống. Thế nhưng thứ ngôn ngữ này lại nhắm mạc khải cái là bề sâu: Chúa Cha và tình Ngài yêu ta. Con người và cuộc sống Chúa Yêsu, đó là Mạc khải viết hoa về Cha, mạc khải duy nhất và toàn vẹn. Nên không thể tới Cha nếu không qua Ngài, qua cái bề ngoài đang mạc khải bề trong của Ngài. Bề trong ấy cũng đang sôi sục tình yêu đối với Cha và lòng khát khao thi hành ý Cha, khiến không ai có thể thành "cùng giống" với Chúa: "mẹ Ta và anh em Ta" nếu không thuận theo thiên mệnh.

Các biến cố đời Chúa cũng quan trọng ở bề sâu của chúng. Ở bề sâu ấy, chúng là mầu nhiệm, mà cơ bản là bộ ba: Nhập thể, Thánh giá và Phục sinh. Ðể rồi trong Hội thánh, các cử chỉ, lời nói và vật dụng lại quy về mầu nhiệm ba nhánh này để có chiều sâu và hiệu lực, để trở nên huyền tích (sacrements). Ðể rồi chính cuộc sống tôi, sau khi lột xác trong huyền tích rồi, cách nào đó cũng phải thành huyền tích, khi "sống với tôi là đức Yêsu, một đức Yêsu bị đóng đinh".

* * *

Bao lâu còn tại thế, tuy là pha lê để tỏ lộ Cha, nhưng Chúa Kytô vẫn có gì mờ đục với loài người, mờ đục ngay cả với đệ tử. Chẳng những vì xác thịt và thế gian làm họ mù quáng, mà còn vì Ngài vẫn bên ngoài, ở giữa họ như một khách thể (objet). Vì thế, Chúa phải đi khuất mắt, thì Thần khí Chúa mới đến (Yo.16.7) để đưa Ngài vào trong họ, để trong họ gào to lên Abba, Cha, nghĩa là để mạc khải thật sự với lòng ta về Cha và Ngài.

Thần khí (Thánh Thần) là Bề sâu viết hoa, Bề sâu của cả Cha lẫn Con, nên gặp Ngài ta cũng gặp ở bề sâu của mình. Bề sâu trong bề sâu của tôi, Thần khí ấy đang gấp rút bề sâu hóa tâm tôi, để qua đó bề sâu hóa cả xác tôi nữa, biến tôi thành con người thiêng liêng (pneumatikos) (1 Cor.15.44), cũng là con người bề sâu (esô anthropos) (Eph.3.16).

Con người Chúa thế nào, con người tôi sẽ thế ấy. Vậy đường của Chúa đi phải là đường của tôi đi. Con đường Kytô-giáo tuy có bề mặt vì Chúa đã nhập thể, nhưng cũng có chiều sâu, và đây mới là quan yếu, vì Thần khí đến rồi. Từ nay không cần thờ ở Yêrusalem hay đâu khác, vì kẻ thờ chân chính sẽ thờ "trong Thần khí và Sự thật", một thờ phụng mà căn bản là đức tin, mà nơi chốn là tâm hồn. Chỉ ở tâm hồn và nhờ Thần khí gào lên trong tâm hồn Abba, ta mới gặp gỡ Cha.

Con đường tìm gặp Chúa ở bề sâu ấy, từ bao thế kỷ nay Giáo hội đã khai phá và quy hoạch. Ðể sống theo Thầy và rập khuôn Thầy, các tu sỹ suy niệm lời Thầy và đời Thầy. Nhiều phương pháp suy chiêm như thế đã được phát minh.

Dưới tác động "lấn chiếm" của Thánh Thần, từ suy niệm họ dần bước vô chiêm niệm thụ động (contemplation passive), mà đỉnh cao là một kinh nghiệm vượt trên mọi hiểu biết, vượt thoát khỏi phạm vi hoạt động của những khiếu năng thông thường: trí tưởng, trí hiểu, trí nhớ. Sống đạo đã tiến tới chỗ sâu nhất của nội tâm: "Thiên Chúa sâu hơn chỗ sâu nhất của tôi". Vâng, huyền nghiệm là hiểu biết và sống nội tâm ở chỗ siêu nội của mình.

Kytô-giáo đã thật gặp gỡ Phương đông huyền nhiệm. Hay nói cho đúng hơn, Phương đông đã đạt giấc mơ của mình nơi huyền nghiệm (expérience mystique) Kytô-giáo.

Phương đông ưa thích huyền nhiệm (mystique), mà huyền nhiệm thì hướng về thần thánh ở trong tôi (immanence). Thế nhưng, đúng như Raguin nhận xét, giảng thuyết Kytô-giáo xưa nay quen trình bày một Thiên Chúa trên cao như vua, mà Thiên Chúa kiểu ấy thì thức giả Phương đông lại coi thường. Trong Ấn, Phật, Ðạo, người ta phân con đường thành hai cho hai cấp khác nhau: cấp dưới của dân giả thì hướng về thần như vua để cầu tài cầu lộc, còn cấp cao của tu nhân thì tìm kinh nghiệm giải thoát bên trong bằng nhập định hay tọa thiền.

Kytô giáo tổng hợp cả nội ngoại hai hướng, nhưng nếu chỉ trình bày Thiên Chúa như đấng ở trên tôi thôi, thì sao đáp ứng được đòi hỏi sâu nhất của hồn người là muốn nên thần nên thánh, huống nữa đây là hồn người Phương đông. Thế mà Kytô-giáo lại là mầu nhiệm, và sống đạo là đi vào kinh nghiệm được đồng hóa với Thiên Chúa thành người đã chịu đóng đinh, để cũng thành một với Ngài trong Phục sinh. Không có chiều kích huyền nhiệm này, Kytô-giáo hết còn là Kytô-giáo để thoái hóa thành một thứ luân lý bề mặt và một thờ tự không chiều sâu chi cả.

Ngày nay, Kytô-hữu muốn chuyển hướng sống đạo từ suy chiêm sang hành động. Nhưng hành động mà không có một căn bản nội tâm, thì sống đạo cũng chuyển thành sống đời luôn. Vì thế, kẻ hành động không bỏ hẳn cầu nguyện được. Thế nào cũng phải nghiệm Chúa trong tâm, thì mới nghiệm Chúa trong cuộc sống nổi.

Nghiệm Chúa trong hành động sẽ không thấy Chúa rõ bằng trong suy chiêm đâu. Nhưng dù trong hành động, nếu nghiệm Chúa, người ta vẫn nghiệm ở bề sâu, ở chỗ tối sâu của tâm hồn. Thứ nghiệm thức này, do thánh Ignace de Loyola khai phá, được Nadal gọi là "Chiêm nơi hành tác" (contemplatio in actione).

Nghiệm Chúa trong hành động, đó là con đường mở ra cho Kytô-giáo vốn là đạo nhập thể nên nhập thế, Ðạo nó là Thiên Chúa đến giữa đời và đạo của sứ đồ loan cho khắp thế giới, đạo của Trời đất mới dựng nên từ ngay trong cõi thế này.

Có điều, để xây dựng dương gian về phía Trời đất mới, với đúng hướng đi và sự thật ấy, tôi phải nên một với đức Kytô, bằng chính tâm hồn mình, cố nhiên, một tâm hồn mở ra với Chúa, và trong Chúa mở ra với anh em, chứ không khép kín ở những ham muốn vị kỷ hoặc giới hạn ở ước mơ về một thiên đường tại thế. Ðể được như vậy, lòng tôi phải gần Ngài khi mà óc tôi tính toán, khi mà cánh tay tôi vung lên, khi mà chân tôi sải bước đường trường.

Một tâm hồn đã đạt tới "hôn nhân thiêng liêng" (mariage spirituel) theo cách gọi của Thérèse d'Avila, sẽ không cần tập trung cầu nguyện (dù vẫn say mê cầu nguyện), do đó phải ngưng việc nhiều phen. Vì với người ấy, sống đúng là cầu nguyện rồi:

— Tôi sống, mà không phải tôi nữa, chính đức Kytô sống nơi tôi! (Gal.2.20).

Nhưng bao lâu chưa đạt tới mức ấy — mà dễ gì đạt tới! —, thì tôi không thể "chiêm trong hành động" nếu từng lúc tôi không cầu nguyện tập trung.

Không may, con người hôm nay vốn hiếu động, cứ vin vào chiêu bài "Phục vụ là cầu rồi", để an tâm lao mình vào hành động, chứ không thiết cầu nguyện nó là việc không mấy hứng thú và đòi hỏi gắng sức nhiều.

Một số người khác, kể cả tu nhân, lại bằng lòng với những cái như tràng hạt Văn côi, cho rằng cứ đọc nhiều là đủ. Cầu nguyện là "đưa lòng lên tới Chúa" (elevatio mentis ad Deum), nên đây là cố gắng của tâm hồn, chứ đâu phải của miệng suông. Giả như đọc kinh mà đưa lòng lên được, thì bằng đọc kinh, anh đã cầu nguyện rồi đó. Có điều, chỉ bằng đọc kinh thôi, chị khó kết hợp sâu xa với Chúa. Nên cần thêm vào đó mấy món ăn đặc biệt bổ dưỡng, mà cũng khó nấu nướng hơn. Và đây là những phương pháp chúng giúp ta vào sâu hơn trong Chúa, cũng là vào sâu hơn trong mình.

Ðường đi vào cũng là đường đi lên về phía Sự thiện, nên để hướng nội, tôi không thể không tu tâm dưỡng tính, sao cho tâm tình và cuộc sống luôn thuận với đạo Trời và đạo làm người.

Ðể khám phá chiều sâu, tôi cần môi giới của kẻ khác (l'autre). Ðây là Chúa mà tôi cố yêu, đây là những người mà tôi xót thương và hy sinh cho họ.

Ðể đi sâu vào Chúa, cũng là tiến sâu vào mình, tôi phải suy chiêm về cuộc đời và giáo lý đức Yêsu, về mầu nhiệm bộ ba Nhập thể-Thánh giá-Phục sinh. Ngoài những kỹ thuật suy chiêm sẵn có của truyền thống Kytô-giáo, tôi có thể cầu viện với Phương đông về các phương pháp nhập định của họ.

Ðể thực đến được với Chúa và nên một với Ngài ở bề sâu, tôi cần hoàn toàn đến sức thổi của Thần khí, và do đó phải thiết tha cầu Ngài.

TÓM LẠI

Con người tuy có bề sâu, nhưng do ham muốn lại hướng ra ngoài, và do lý trí mà hướng về khách thể. Bởi thế, nếu nên thánh phải leo giốc, thì để hướng nội cũng cần lội ngược dòng.

Quen thói hướng ngoại ấy, người thường khi nhìn Trời Phật cũng nhìn như vua chúa ở trên, chứ không ở trong. Thật ra, "Thiên Chúa sâu hơn chiều sâu của tôi, và cao hơn chiều cao của tôi", nghĩa là, tổng hợp lại, Ngài vượt chị từ chính bề sâu của chị. Vì thế, nếu không vô nội tâm và vươn xa hơn chủ thể về phía Cái gì khác (l'Autre), thì không gặp Ngài được.

Tìm Siêu việt trong mình, đó là cách làm truyền thống của Phương đông hướng nội. Với Khổng giáo, phải "tịch nhiên bất động""tận kỳ tâm" thì mới "tri Thiên" nổi. Với Lão giáo, để minh tâm phải tự tri, và Thường đạo thì phải lấy thần (esprit) mà hiểu. Vì thế, Ấn giáo và Phật giáo phát minh những kỹ thuật để đi sâu vào nội tâm và đắc ngộ ở đó.

Trong Kytô-giáo, Thiên Chúa làm người đã tới bằng bề mặt là con người, cuộc sống và lời nói của Ngài. Nhưng bề mặt ấy lại mạc khải một bề sâu: Chúa Cha. Hơn nữa, Thánh Thần đã giáng để đưa Chúa Kytô và lời Ngài vào sâu trong ta, để ở đó Chúa gặp ta bằng ân sủng.

Vả lại, các biến cố liên quan đến Chúa cũng có bề sâu, khiến chúng thành mầu nhiệm. Và mầu nhiệm này, khi được tái diễn bằng một số dấu hiệu bên ngoài, đã làm nên huyền tích để cải hóa ta trong Chúa. Nhờ huyền tích mà được dìm trong mầu nhiệm Thánh giá-Phục sinh của Chúa, đến lượt mình, tôi phải diễn lại các mầu nhiệm ấy bằng cuộc sống. Vậy đời sống Kytô-hữu có nền tảng ở bề sâu. Và phải vào sâu trong mình bằng suy chiêm, ta mới cung cấp cho hành động một bề sâu đúng nghĩa Kytô-giáo.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page