TỪ BỎ VÀ SIÊU THOÁT

Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Một bức tranh trong Tin mừng, tranh về một cánh cổng: phía trong đang phè phỡn một ông giàu, phía ngoài lại đói meo một anh kiết xác, chàng La giai.

Bức tranh trong Tin mừng ấy phải chăng đã là tranh Tin mừng?

Vẫn bức tranh ấy, nếu đổi vài đường nét và từ phía khác mà nhìn, ta có thể thấy ngược lại: Trong cổng khi ấy sẽ là phú ông bị cùm vào đống của và tra tấn bởi ham muốn; còn ngoài cổng thì chú La giai, tuy vẫn còm cõi, đói khát đấy, nhưng vẻ mặt thư thái và ánh lên ánh sáng nội tâm: Phúc cho kẻ nghèo trong tinh thần, không phải do bụng rỗng cho bằng lòng không: không ham hố nên không ray rứt bởi tham sân, không ràng buộc chi cả. Bức tranh này mới chính cống Tin mừng!

Kẻ nghèo thật bao giờ cũng có và có nhiều, nhưng nghèo trong tinh thần, nhất là tự nguyện mà nghèo thật, thì hỏi có mấy ai?

Thật ra, Ðông cũng như Tây từ mấy ngàn năm nay, vẫn có thứ lý tưởng nghèo này. Do đó mới có đường tu luôn được triển khai trên nền móng của nó.

Trong ngôn ngữ Ấn độ, kẻ đi tu được gọi là người từ bỏ (samïnyâsin), người ăn mày (bhiksïu, bhikkhu, tỳ kheo), người vô gia cư (anâgârin). Nhà sư Phật, theo truyền thống Ấn, cũng xin ăn mà sống, dùng bát mẻ hay bát gỗ mà đựng. Theo luật tu cũ Thái lan, khi ốm yếu, họ chỉ được dùng môn thuốc duy nhất: nước đái bò. Còn tu sỹ Jaina-giáo ở vùng Orissa thì ở trong một hõm đá cao, mỗi bề không quá một thước tây. Riêng đời tu Kytô-giáo, tuy biến đổi liên tục với thời gian, tựu chung vẫn đặt nền trên Từ bỏ (renoncement, abnégation), và nhiều dòng được gọi là khất thực (ordre mendiant).

Tại sao thế?

Vì đây là cuộc chiến nơi con người giữa hai mặt: vật chất và thiêng liêng. Ðúng con người là cả vật chất và thiêng liêng. Nơi nó, dù một hành vi tinh thần nhất, như quyết định và tri thức, cũng phải dựa vào xác như xe chở và máng ăn, hoặc, nói theo Upanisïad, như "đồng cỏ của chú bò" (gocara). Lúc sinh ra, đứa bé nhẹ về thần và nặng về vật. Ðể trưởng thành lên như một người, nó phải gắng đảo ngược, nghĩa là giảm đi về vật chất để phát triển thiêng liêng. Phải, hồn không thể cất bổng mình lên và lôi xác theo nếu ta còn đeo nặng quá nhiều ham muốn. Người xưa quen làm dịu êm ham muốn bằng thuốc đắng của tiết chế và kỷ luật. Ðược thuần hóa bằng cách đó, bản năng mới chịu nhường vị trí đầu tầu cho tinh thần.

Mọi nhà đạo đức đều hiểu thân xác là trọng lực (pesanteur), và tầm bay của con người tùy vào sự giảm khinh của nó. Họ cũng hiểu rằng, bao lâu chưa có sự thuần hóa của thể xác, thì bấy lâu chưa có hòa thái nơi con người. Cho nên, các hiền triết, dù Tầu Ấn hay Hy La, đều chủ trương tiết độ. Nếu đích nhắm ở xa hơn, tại một cõi trời siêu thế, như Niết bàn chả hạn, thì người ta còn đòi phải khổ hạnh (tapas, ascèse) và diệt dục (akâma), phải thoát tục và từ bỏ.

Tinh thần thoát tục bên Phương đông rất cao và để lại trong ta một xu hướng tiềm tàng. Sự tìm hiểu về lý do, phương pháp của từ bỏ này giúp ta tìm ra những điểm gặp gỡ giữa truyền thống Phương đông và Kytô-giáo, nhờ đó xây dựng một khổ luyện đúng Kytô-giáo từ chính con người gốc của chúng ta.

Thoát tục trong Ấn, Phật, Lão

Giữa thập niên 60, thế giới rúng chuyển vì những vụ tự thiêu Phật giáo ở Sàigòn, mà hậu quả là cả một chế độ phải sập.

Thản nhiên ngồi giữa đống lửa, ấy là điều mà thế giới Tây phương không sao hiểu nổi. Cách đó không lâu, một thanh niên Ðức (xin nhớ thanh niên, và thanh niên ấy dòng Ðức thượng võ, chứ không phải một ông già hay cô gái như trước đó ở Việt nam) cũng thử, nhưng chịu không được, phải vừa la vừa chạy, nên được cứu sống.

Gần đây, năm 1989, có vài sinh viên Ðài loan và Nam triều tiên tự thiêu, và họ vẫn làm được như ở Việt nam vậy. Ở Phương đông, người Nhật mới thật là hạng người nổi tiếng gan lỳ. Ai mà chả nể tục Harakiri, tự mổ bụng của họ. Vâng, đây là tự mổ, và có cả một nghi thức trịnh trọng để mổ, nghĩa là mổ từ từ với đầy sáng suốt và bình tĩnh, chứ không phải lúc nổi cơn hay liều một phát. Chính sự gan dạ này, trong thế chiến thứ hai, đã giúp các phi đội cảm tử Nhật, cùng với máy bay, lao mình vào các ống khói của tầu chiến Mỹ.

Xem như thế, nếu người Âu nổi về Ðộng, thì người Á, vốn nòi Ấn, Phật, Lão lại có đức Nhẫn khá mạnh. Ðúng là có nòi thật đấy, nghĩa là trong gen người Việt, Ấn, Nhật, Tầu, Triều tiên, có mã di truyền của khả năng chịu đựng. Vẫn thứ mã di truyền này đang tiềm phục trong gen người Việt công giáo, dù không được sao dịch, triển khai. Trước đây khá lâu, tờ Missi trưng hình một nữ tu công giáo giống Hán với sắc diện rất... Phật khi cầu nguyện, nghĩa là rất an nhiên, như vô cảm. Có lẽ tạp chí muốn cho thấy, như một thiếu sót, cái gì là Phật còn rơi rớt trong thái độ chị nữ tu. Theo tôi nghĩ, nếu có thiếu sót, chẳng qua là thiếu ở hài hòa. Vâng, chưa có sự nhập thể của lửa tình đức Kytô vào mảnh đất thoát tục Phật Lão.

* * *

Ðể hiểu sâu Phật giáo, nên đi vào Ấn giáo, vì chính từ mảnh đất Ấn giáo mà cây Phật đã mọc lên. Ðể hiểu sâu Ấn giáo, không gì bằng đi vào khái niệm Mâyâ, Ảo diệu.

Mâyâ đúng là hồn sống và hướng đi của Ấn giáo. Nó toát ra từ cả tư tưởng lẫn nghệ thuật, trong cảm nhận của tín đồ cũng như trong đánh giá của thầy tu. Ðể có một ý tưởng về Mâyâ, hãy nhìn vào tượng Visïïnu nằm mơ hoặc tượng Siva múa giữa vòng lửa.

Dù Visïnu mơ hay Siva múa, thì vẫn là các Ngài đang sáng tạo, và vạn vật hóa hóa sinh sinh theo nhịp múa hay giấc mơ của các Ngài. Phải, tất cả chỉ có độ bền chắc (consistance) của một giấc mơ hay của bốc đồng nghệ thuật. Trong sáng tạo nghệ thuật, cái mà vũ sư Siva nhắm không phải là vạn vật do điệu múa sinh ra, nhưng là cái đẹp được thưởng thức giữa điệu múa. Vì thế, sáng tạo là trò ảo thuật, Mâyâ, tuy kỳ ảo đấy mà chẳng có "ký lô" nào cả. Làm mà chơi, nên tất cả là trò chơi (lilâ). Tất cả là phù du, hợp đấy mà tan đấy, tựa như cách nhìn của "Gương Chúa Yêsu" (Imitation de Jésus-Christ):

— Hết thảy là phù vân, phù vân trên mọi phù vân!

Ðời là thế, nên kẻ thức giả cần thoát ra khỏi sai lầm và sự trói buộc của lòng tham. Trước phải phân định giả chân bằng lý luận, luận cho đến kỳ cùng. Rồi sự thâm tín đạt được thúc đổi thái độ tâm hồn và lối sống.

Ðối với Ấn giáo, chân (sat) là cái Tôi vốn thiêng liêng và bất biến, bất tử. Giả, đó là cái Tôi bị đồng hóa với xác thân. Trong cuốn Bhagavad-giâtâ. Tụng ca Ðức Chúa, Krishna dậy đệ tử Arjuna rằng: Cái mang xác thân là cái Ngã không chết, bất biến. Vì đồng hóa với xác thân, nên va chạm vật chất, nó mới thấy nóng và lạnh, sướng và khổ. Cần phân định rõ ràng như thế, và vì thế hãy có thái độ "Bình", nghĩa là không nghiêng lệch, coi đau khổ và hạnh phúc như nhau, chẳng ham cũng chẳng ghét, chẳng giận cũng chẳng buồn lo.

Ðể được như thế, nên có thêm sự góp sức của tiết chế. Những điều giới, cùng với khổ hạnh, trường trai và định thần, sẽ giúp làm chủ giác quan, nhờ đó sinh an nhiên, tự tại (ch. II).

Vì đời là ảo ảnh, phù du, nên hãy thoát tục theo nghĩa đen: bỏ hết để chỉ còn nhập định, tham thiền. Thế nhưng, theo Bhagavad-giâtâ, có một hướng tu tốt hơn: Vẫn chu toàn những bổn phận giữa đời, nhưng vì bổn phận đòi thế, chứ không vì cái quả (lợi) mà công việc sinh ra. Hành động không vì lợi, tiếng Việt diễn nghĩa là Hành động vô cầu, trong khi Ấn ngữ chỉ gọi là Con đường hành động, Karma-yoga, thôi.

Bhagavad-giâtâ sắp Hành động vô cầu vào loại dương quang (sattva-tính), hành động của kẻ biết phân định giả chân, kẻ sống thanh thoát vì không vấn vương sự đời. Còn việc làm của kẻ phân biệt lợi hại, sướng khổ, do đó được thúc đẩy bởi ham và ghét, thì có tính dục động (rajas-tính). Trái lại, kẻ biếng nhác hay mù quáng, thì việc làm của họ có tính hắc âm (tamas-tính) (ch.XVIII).

Ngày nay, Ấn giáo càng nhập cuộc hơn nữa. Tân phái lớn nhất của họ, phái Ramakrishna Mission, ngay từ thời cách mạng giải phóng đất nước, đã dấn thân vào các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa. Sự thoát tục ngày càng rời xa nếp sống để đi vào tinh thần!

* * *

Nhìn bên ngoài, thì có lẽ tỳ khưu Phật giáo không thoát tục bằng tỳ khưu Ấn giáo. Luật tu Ấn giáo dậy phải làm tiêu hao, kiệt quệ cái xác thân này đi, như Mahâbhârata tập XII nói: "Mùa mưa, họ lấy mây làm mái che; mùa đông, họ náu mình trong nước; mùa hè, họ phơi mình giữa năm ngọn lửa; còn ăn thì bớt ăn đi".

Thế mà, như tiểu sử đức Phật viết, sau khi đã thử mọi lối tu khổ, nhịn ăn gầy đến trơ xương rồi mà không đắc đạo, Ngài đã phản tỉnh và nhận chén cơm "Phiếu mẫu ". Ðúng lúc sống "tự nhiên" như thế, Ngài đã giác ngộ dưới cây pipal, nay gọi Bồ đề (giác ngộ). Vì thế, so với đường tu truyền thống Ấn giáo, con đường Phật giáo ôn dịu hơn.

Thế nhưng xét về bề sâu, thì Phật giáo lại cực kỳ thoát tục, vì với Phật giáo, sự vật không còn là hiển ảnh của một Nhất thể, và cái Tôi được xướng lên không trụ ở một cái Ngã bất tử nào. Bởi thế, vạn vật chẳng có chi ảo diệu, mà chỉ là những hình (ruâpa) suông được kêu bằng cái tên (nâma) rỗng. Hình và tên, Nâmaruâpa, sang tiếng Hán-Việt đã thành Sắc tướng.

Trong cuộc tranh luận với vua Milinda, nhà sư Nâgasena giải thích như sau: Cũng như Xe chỉ là cái tên được gọi chung cho càng, trục, bánh, v.v., thì danh xưng Nâgasena này chẳng qua cũng là "ngôn từ rỗng" để nói về răng, da, thịt xương, giác, thức, v.v...

Còn kinh nghiệm cái Tôi ư? Có cái Tôi nào tách được khỏi kinh nghiệm của cái Tôi khổ, Tôi sướng... đâu? Khổ, sướng... chẳng qua là hiện tượng chúng dắt díu nhau, cái trước làm nhân sinh ra cái sau làm quả rồi biến mất. Trong Trường bộ kinh, nói với Ânanda, đức Thích ca khuyên tỳ khưu phải thâm tín rằng: Cảm nghiệm không phải là Tôi, cũng chẳng có cái Tôi nó cảm nghiệm. Tiến thêm một bước, cũng chẳng nên quan tâm xem có hay không cái Tôi nó cảm nghiệm đó, nhờ vậy chẳng thiết gì đến vạn vâït vốn là đối tượng kinh nghiệm của chúng ta. Ðây chính là lúc tâm trí được an nhiên, và thức giả đạt Niết bàn.

Từ giữa thế kỷ XX, Phật giáo Nhật bản và Triều tiên không còn đứng bên lề xã hội. Nhiều tỳ khưu chọn nếp sống gia đình, và một giáo phái lớn ra đời, mà phương thế cải đời là hoạt động trong chính giới.

Tuy trễ hơn một tí, Phật giáo Việt nam đã theo cùng một hướng, cái hướng mà họ đặt tên Nhập thế, và những sách giáo lý nhập thế đã ra đời, như cuốn Ðạo Phật áp dụng vào đời sống hằng ngày. Theo tác phẩm này, "Ðức Phật đã truyền dạy những giáo lý thích hợp với con người của thời đại ấy" (tr. 15). Sau này, những hệ thống tư tưởng mới của các phái như Nguyên thi, Tịnh độ, Thiền, Duy thức, Thiên thai vẫn hướng về thời đại của mình và "khế hợp" được với những điều kiện tâm lý, xã hội mới. Cho nên ngày nay, đạo Phật cũng cần được áp dụng một cách thông minh vào hoàn cảnh đất nước chúng ta. Ðến đây, tác giả đề ra mấy áp dụng có tính bên ngoài, như bãi bỏ khất thực, mang tinh thần đại từ bi và đại lực vào cuộc sống lao động, xã hội, kinh tế. Tác giả đã rời bỏ con đường diệt khổ bằng xuất thế hồi đầu, mà tìm diệt khổ bên ngoài bằng những phương thế cũng bên ngoài nốt.

* * *

Nếu thoát tục trong Ấn Phật nhắm niềm vui xuất thế, thì con đường Lão Trang lại hướng về một cảnh tiên giữa thế. Theo Lão tử, thì với tâm trạng: thế nào cũng xong, thiếu hay đủ cũng vừa lòng, thì còn chi để thấy nghèo, thấy khổ nữa. Nguyên tắc "Se contenter de peu" (ít cũng vừa) được diễn xuất trong câu "Tri túc giả phú" (thấy đủ thì giàu) (Ðạo đức kinh, XXXIII). Nói tóm lại, sướng hay khổ không tại cái ngoài mình, mà do thái độ bên trong, không ham không cầu của ta. Quả thế, ham nhiều thì bao giờ cũng thấy thiếu, ham ít thì bao giờ cũng thấy đủ, không ham gì cả thì lòng sẽ thanh thoát, an vui luôn. Cho nên, vấn đề không phải là xây thêm kho, chất thêm của, tạo thêm tiện nghi, tìm thêm thỏa mãn. Mà vấn đề là "Hư kỳ tâm", vét cho lòng nên trống rỗng, cái mà trong Kytô-giáo, chúng ta gọi là "Pauvreté spirituelle" (thanh bần thiêng liêng) đó.

Theo Trang tử, sở dĩ người ta ham, vì người ta còn cái Tôi. Có Tôi, nên mới tách ra khỏi những Không tôi, tức Vật, khách thể, đối tượng. Chứ nếu mình là tất cả và tất cả là mình, thì còn gì để mà ham gì nữa. Vậy trong thiên nhiên, hãy sống theo Tính của mình, tức sống con đường Làn sóng nhỏ của mình giữa những làn sóng nhỏ khác, để tất cả cùng đi vào Luồng sóng vĩ đại của đại dương đất trời. Ðây là luồng sóng của dịch biến vòng tròn, cái vòng xoay gọi là Thiên quân, xoay vô cùng tận. Xoay vô cùng tận, thì "chung tắc thủy", "cùng tắc phản", cứ mở (giải) rồi lại đóng (huyền), do đó có sinh tử, tử sinh mãi. Vậy thì việc chi phải quan tâm đến sống chết, đến nỗi ham sống ngại chết. Cứ "tự nhiên" để đi vào cái bao la của tự nhiên, và đó là tự do, là thoải mái thung dung. Chẳng khác gì cá bơi trong nước vậy.

Ðó là an lạc tiêu diêu, "du vô cùng, rong chơi trong cõi vô cùng", mà đó cũng là thoát tục, "vô kỷ, vô công, vô danh". Thoát tục vừa là cái đích nhắm, vừa là con đường đi của Lão giáo. Ở chỗ là đường đi, Lão giáo trình bày một chiến thuật vô cùng cao thâm, chiến thuật "Nhu đạo", mà chúng ta đã bàn đến trong Con đường Nước.

Sự quan trọng và ý nghĩa của Từ bỏ trong Tân ước

Ngày nay, dù trong Kytô-giáo, người ta cũng ngại nhắc đến những đức tính tiêu cực và thụ động, như nhẫn nhục, từ bỏ, khiêm nhường. Nhưng từ bỏ xem ra lại là đòi hỏi quyết liệt của Phúc âm. Từ thấp chí cao, từ nhỏ chí lớn, từ trong ra ngoài, không gì không thành đối tượng của từ bỏ.

Từ bỏ, dù đây là tương quan thân thích:

— Ai đến với Ta mà không ghét (với ý nghĩa: không coi nhẹ) cha mẹ, vợ con, anh chị em mình..., thì không thể làm đồ đệ Ta (Lc.14.26).

— Còn ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ và con cái... vì tên Ta, thì sẽ được gấp trăm ở đời này và có phần trong sự sống vĩnh cửu (Mt.19,29).

Với kẻ xin về chôn bố, Chúa cắt ngang:

— Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết (Mt.8.22; Lc.9.60).

Và câu nói sau đây của Phaolô có thể là một giải thích cho kêu gọi từ bỏ:

— Người không vợ thì lo việc Chúa, tìm cách làm hài lòng Chúa. Còn người có vợ thì lo việc đời, tìm cách chiều ý vợ mình (1 Cor.7.32-33).

Bỏ cha mẹ, vợ con rồi, đệ tử Thầy còn phải bỏ của cải nữa. Bỏ của, vì: Khốn cho kẻ giàu, và: Phúc cho kẻ nghèo (Bài giảng trên núi). Vì phú ông thì sa địa ngục, còn hành khất La giai được mang tới tận lòng Abraham, cha những kẻ tin. Do đó phải bỏ mọi sở hữu (Lc.14.33). Bỏ luôn cả những thứ được đời coi là phúc, là lộc:

— Vô phúc cho kẻ cười bây giờ (Lc.6.25).

— Phúc cho kẻ bây giờ đang khóc (Lc.6.21).

— Ai không vác thánh giá mình theo Ta, thì không xứng làm đồ đệ Ta (Lc.14.27).

Và ít là hãy có thái độ siêu thoát:

— Thời gian còn ít lắm. Nên kẻ có vợ hãy coi như không có (1 Cor.7.29).

Thoát cả đối với ý riêng để làm theo ý Cha. Và sẵn sàng thí mạng sống để theo Thầy (Lc.14.26). Bên trên tất cả, phải bỏ chính mình tôi (Lc.9,23).

* * *

Tại sao phải bỏ và bỏ hết như thế?

Vì thời gian cấp bách, đang bốc hút về phía cánh chung, phút tận cùng (1 Cor.7.29), mà ở đó các vị trí sẽ đảo ngược: kẻ khóc thành cười, kẻ khổ nên sướng, và sướng cười vĩnh viễn.

Vả lại, xác thịt và thế gian là thù địch của tinh thần. Phải bớt trọng lực (tức xác thịt) thì tinh thần mới có thể bay cao. Phải đoạn tuyệt với thế gian, vì nó tự mãn và chống Chúa. Hơn nữa, đạo Thầy là đạo tình yêu. Thế mà "không ai yêu bằng kẻ thí mạng sống vì người mình yêu". Ðể cứu tôi, chính Thầy cũng đã tự nguyện chết. Huống là tôi phải sẵn sàng chết vì Thầy.

Vả lại, con đường cứu chuộc Chúa khai mở đã là con đường thánh giá, thì ai muốn đi theo Chúa lẽ nào từ chối thánh giá được.

* * *

Trung thành với giáo lý của Thầy mà các sứ đồ truyền lại, suốt hai mươi thế kỷ nay, tu đạo học không ngớt kêu mời từ bỏ, vét rỗng, bóc trần, mà đối tượng cuối hết là bản thân. Phải, sau khi đã để lại phía sau nào giàu sang và danh vọng, nào thế lực và tiện nghi, nào an toàn và lạc thú gia đình, ai nấy chỉ còn vướng mỗi một cái, nhưng là cái "cột đồng trụ": cái Tôi, cùng với thể xác của nó là ý riêng và tự ái.

Ðể thấy rõ tầm quan trọng của từ bỏ, ta hãy nhìn vào hình bìa của tác phẩm La montée du Carmel (Leo núi Carmel), do chính thánh Yoan Thánh giá vẽ lấy: đường lên núi với toàn những mốc Không không, sáu mốc Không tất cả, Không ngay cả trên ngọn núi.

Thực ra, sau những từ bỏ hữu thức rồi, hãy còn cả chùm rễ cái rễ con chúng ăn sâu vào then máy cảm tri quen thuộc, mà những cố gắng chủ động không sao bứt nổi. Ðây là lúc Thần khí phải nhập cuộc với những thanh lọc trực tiếp gọi là Ðêm tối (Nuit obscure, mà Yoan Thánh giá phân biệt với Từ bỏ do ta, mà ngài gọi là Ðêm suông).

Thế nào là Ðêm tối?

Bạn có biết thế nào là cảm giác của những "tập sinh" du hành vũ trụ, khi lần đầu tiếp xúc với môi trường phi trọng lực không? Quen thói dựa dẫm ở nơi có trọng lực rồi, họ cảm như bước bỗng và ngỡ ngàng lo lắng khi không còn điểm tựa. Cũng giống thế, nhưng sâu xa hơn, là cái cảm giác của người rơi vào đêm tối hay chốn chân không huyền nhiệm. Họ mất dần những điểm tựa cho sinh hoạt nội tâm, ở cảm năng, trí tưởng, ở trí hiểu và trí nhớ. Không còn biết xoay xở ra sao, không còn cảm giác an toàn nào! Thế nhưng đây lại là những thanh lọc cuối cùng rất cần thiết để anh bước vào một cuộc sống hoàn toàn mới, mà những tập quán cũ sẽ là trở lực. Ðây cũng là tháo bỏ cái đầu tầu Bản thân (làm bởi cái Tôi và tự nhiên), để nó được thay bằng đầu máy phản lực Thánh Thần.

Quan niệm về Từ bỏ trong lịch sử Kytô-giáo

Ngay từ đầu, cùng với Giáo hội, thánh Phaolô đã hiểu rằng: Sống đối với người đệ tử chỉ có thể là chính Thầy Kytô, phải là bổ túc vào những gì còn thiếu cho hình khổ của Chúa. Chịu Phép rửa chẳng đã là táng đi với Chúa khi xuống nước và sống lại với Ngài khi đi lên đó sao? Và tưởng niệm Thầy là chia sẻ với Thầy khi ăn thân xác được phó nộp và uống máu Giao ước mới? Bởi thế, đỉnh cao của sống đạo cũng là tử đạo: chết với Thầy, vì Thầy.

Chết vì Thầy, theo Giáo hội nguyên thủy, là Làm chứng (marturein, martyr), và đây là biểu hiện lớn nhất của tình yêu đối với Thầy: "Không ai yêu bằng kẻ hy sinh vì người mình yêu".

Sổ tử đạo bị đóng lại vào thế kỷ IV đã bắt buộc sự làm chứng (và biểu lộ tình yêu) đổi hướng. Không còn dịp bỏ đời bằng cái chết thân xác nữa, người ta bỏ đời bằng cái chết sa mạc, và đây là ẩn tu. Khi một viên chức đến báo cho ẩn sỹ Arsène rằng có người để lại cho ông một gia tài lớn, thì ông trả lời:

— Ông ấy để của lại cho tôi ư: Ông ấy vừa mới chết, còn tôi thì chết đã ba chục năm rồi!

Kế đó, sau khi ẩn sỹ đã thành Cha (abbé) của một cộng đồng đệ tử, thì sự chết đi với đời lại chuyển sang một ý nghĩa thiêng liêng hơn: Không sống lăng xăng như đời, mà sống khắc khổ và cầu nguyện ngày đêm. Mỗi đan sỹ phải ý thức rằng: Tôi đã chết đối với đời, và đời chết đối với tôi! Ðể phát nguyện (prononcer les voeux), họ nằm im trên đất, có khăn liệm phủ trên người. Còn tín hữu sống giữa đời, họ cũng được mời gọi chia sẻ phần nào lối sống lý tưởng của đan sỹ, bằng cách cả nhà cùng dậy lúc một giờ đêm để nguyện kinh Matines (Kinh sớm).

Tóm lại, lý tưởng sống đạo trung cổ đầy tính đan viện, lấy bỏ đời làm phương châm và nguyên tắc. Do đó, phải diệt đời trong tâm tư, coi đời như không có, hoặc chẳng "ký lô" nào: "Phù vân trên mọi phù vân, tất cả phù vân hết". Ðây là một trong mấy câu giáo đầu của tập sách gối đầu giường Kytô-hữu suốt cho tới gần đây: cuốn Gương Chúa Yêsu.

* * *

Khuynh hướng xuất thế thời trung cổ nay đã nhường chỗ cho lối đi Dấn thân (engagement). Người ta đang nghiêng về những gì tích cực, như Yêu thương và Hành động. Vì yêu người, anh cảm thấy thúc bách phải lăn xả vào đời để cứu giúp kẻ cùng khốn, dù đây là kẻ thiếu thốn thiêng liêng hay kẻ đói khát vật chất.

Có điều, đã dấn toàn thân vì người, lắm khi phải hòa mình với đám dân bị bạc đãi, phải chấp nhận khổ cực và bất trắc, thậm chí cả tội tù. Nên kẻ thật vì người chứ chẳng vì mình, vẫn kết hợp được Bỏ đời với Dấn thân. Anh không bỏ đời theo nghĩa đen, nhưng vì đời đến quên thân thì đâu còn ham hố sự đời nữa.

Vậy để vào đời theo đúng nghĩa Vì đời, người đệ tử Thầy không thể không cần hướng nhắm Vô thân: luôn quan tâm đến người và đừng có tìm mình. Bằng những từ bỏ, hãy tập thái độ Siêu thoát. Không siêu thoát mà vào đời thì dễ bị đời nuốt chửng và đồng hóa. Bị đồng hóa rồi, anh đâu còn thuộc về Nước Trời để mà vào đời, và vào đời với đúng đích Vì đời nữa.

Ðức siêu thoát (détachement) bao giờ và ở đâu cũng cần, tuyệt đối cần. Và đây mới đúng là đòi hỏi Phúc âm. Chứ bỏ đời bên ngoài mà không bỏ được bên trong, thì hỏi ích gì đâu. Mà thật ra, nếu đức Phật lập đạo của tu đoàn (samïgha), tức đạo xuất thế, thì Chúa Yêsu lại chỉ đào tạo những sứ giả (apostolos, sứ đồ, sứ giả) để đưa Tin mừng nhập thế. Như Thầy đã được Cha sai, Thầy cũng sai họ. Nên Thầy không xin Cha đưa họ ra khỏi đời, mà chỉ xin đừng để họ nhiễm thói đời thôi (Yo.17.15; 17.18).

Sống giữa đời mà không nhiễm đời, đó là sống siêu thoát. Ơn gọi của mỗi và mọi đệ tử Chúa, chứ không riêng của nhà tu: "Ai có vợ, hãy coi như không..."

Chẳng những thế, kẻ theo Chúa còn có bổn phận làm chứng, loan Tin mừng, làm Phép rửa... Thời gian đã tròn và cánh đồng đã chín, nên lệnh vào đời thật cấp bách.

Ðường tới Siêu thoát

Siêu thoát cần thế đấy, nhưng luyện thế nào đây? Trước hết, phải chiếu sáng con đường, và đây là vai trò của tư tưởng. Kế đó, phải tạo niềm thâm tín và xu hướng cảm tính, và đây là công việc của suy niệm song song với lối sống và một số từ bỏ.

Về cả ba mặt tư, hành, niệm ấy, ta nên sử dụng cả kinh nghiệm cũ trong Kytô-giáo lẫn những gì của Phật, Ấn, Lão để làm những chế biến thích hợp.

TƯ TƯỞNG

Trong đời sống thường, ta được hướng dẫn bởi tư tưởng. Nên muốn đổi con người, phải đổi tư tưởng trước. Ngược lại, hễ đổi được con người, thì tư tưởng cũng đổi theo. Vậy tinh thần siêu thoát phải được vững xây trên nền móng của một thâm tín thuyết lý (doctrinal). Và đó là lý do tại sao chúng ta phải tìm cho siêu thoát những nguyên do.

Ai chả biết Kytô-giáo là đạo tình yêu. Chính vì yêu Thầy, kẻ theo Thầy vui lòng bỏ hết. Thế nhưng giả như con đường Thầy không phải đường thập giá, và Thầy cũng chẳng đòi vác nó mới cho theo, thì liệu ta có từ chối giàu sang, quyền thế và khoái lạc hay không? Mà thật ra, có cần hay không những hy sinh ấy để ta yêu Chúa?

Nếu đây là hai người tình thế tục, thì sự yêu nhau vẫn song hành được với tham vọng và rất nhiều ưa thích khác. Người yêu chưa phải là tất cả, nên cùng với người yêu, chị còn cần đến cả trăm thứ khác, như cơm để ăn, sách để đọc, nhạc để giải trí, v.v... Nhưng đức Kytô đâu phải là một trong những thứ chị cần. Ngài duy nhất là cần, vì Ngài "thâu gồm" (recapitulatio) tất cả, lại khác lạ hoàn toàn. Với đấng là Khác hẳn, chỉ có tâm hồn Thoát hẳn (thế tục) mới đáng gọi tri âm. Với đấng là Tất cả, một tâm hồn còn lắm đèo bòng đâu có thể sánh vai cầm sắt (Lc.14.26,33). Vậy mọi quyến luyến phải được gạt bỏ hết, đời này chưa xong, đời sau phải tiếp tục. Nền tảng của từ bỏ là ở bên trong, nên cần một thái độ hơn là những việc làm, dù việc làm đôi khi rất cần để tinh thần được củng cố.

Quả thật khi yêu Chúa, phần nào tôi vẫn yêu Chúa như một người giữa mọi người. Và yêu theo lối yêu chiếm hữu của tôi. Yêu như thế là chưa yêu trúng Chúa và yêu chưa xứng với Thiên Chúa. Cần rất nhiều đêm tối thanh luyện để tôi khỏi chiếm Chúa bằng tình yêu của tôi, cũng là để Chúa chiếm tôi bằng tình yêu của Ngài.

Trong cuốn Zen (Thiền luận) của Suzuki, tác giả chê người Công giáo "còn vướng nặng ý thức về Chúa". Chính Thomas Merton cũng nói rất chí lý rằng: "Thiên Chúa đến gần tâm trí ta bằng cách xa đi. Chúng ta sẽ không bao giờ biết Ngài đủ nếu coi Ngài như một vật nắm giữ được trong khuôn viên ý tưởng của ta".

Phải thanh lọc ý tưởng của ta về Thiên Chúa, dù về Chúa như một vị, theo cách hiểu của ta về bản vị. Theo cách hiểu này, thì một vị chỉ là vị ấy bên những gì khác, chứ không "bao" được những cái khác. Mà thế thì chưa đúng với Thiên Chúa.

Không không, cái chỉ đúng Thiên Chúa, cái ấy vượt xa hơn ý tưởng, cái ấy không vẽ được nên hình, cái ấy nổ bung mọi xác định, vì hễ xác định được, thì cũng có ranh giới luôn. Vì thế, hễ chạm đúng Ngài (chứ không chạm cái mà ta tưởng là Ngài), thì ta phải chết đuối giữa đại dương không bến bờ, để như không còn thấy chi nữa. Chạm đúng Ngài cũng là tuột khỏi chính mình và thế giới quen thuộc, khiến ta không còn trụ ở chính mình với quan niệm của mình về Thiên Chúa, với cảm giác chiếm bắt được Thiên Chúa.

Vì thế, vừa gắn bó với Chúa, ta vừa phải... siêu thoát Chúa nữa. Nghĩa là bỏ cả cách biết và cách yêu Chúa của mình, để mặc Chúa thanh lọc và khiến ta biết và yêu theo cách của Chúa, chứ không phải của ta. Nhờ Chúa, các đại thánh đã đạt tới cấp độ siêu thoát này. Còn ta, trong khi chờ đợi, có thể nhờ Ấn, Phật, Lão chỉ điểm cho.

Như ta thấy, Ấn giáo không nhìn nhận thực tại tính của sự vật, cho rằng sự vật chẳng qua là Siêu việt thể, ở chỗ Ngài hiển ra với ta như thế, và thế để mà chơi thôi. Nên sự vật tự chúng chẳng có sức nặng nào, vì sức nặng của chúng là ở Siêu việt thể. Một mình Siêu việt thể đang hiện hữu thay cho những gì xem ra hiện hữu xung quanh ta.

Với Kytô-giáo, cả Thiên Chúa và sự vật đều có thật. Thế nhưng sự vật chỉ có nơi Thiên Chúa . Bất cứ chỗ nào chúng có, Thiên Chúa cũng có đó như nền tảng siêu việt của chúng. Là nền tảng nên ở đó, là siêu việt nên vượt khỏi đó luôn. Vậy mỗi sự vật đều giãi sáng Thiên Chúa, vừa mờ đi trước Ngài. Chúng có thật đó, nhưng sánh với Chúa, chúng có chẳng bao nhiêu, dường như không vậy. Giữa Ấn giáo và chúng ta, sự khác biệt là thế, mà thực ra cũng chỉ có thế.

Phật giáo còn đi xa hơn. Ðối với Phật giáo, vũ trụ hoàn toàn là ảo ảnh. Là ảnh, nhưng không phải hình ảnh của một đấng tối cao nào. Chúng ta bảo: Vũ trụ dường như hư vô trước Thiên Chúa. Còn họ nói: Vũ trụ chỉ là hư vô suông.

Thật ra, ai đã đi vào huyền nghiệm, đã cảm nghiệm Thiên Chúa phần nào rồi, thì đều thấy những gì còn lại quả là mong manh, "sắc tướng" như thế. Ta hãy nghe một huyền nghiệm nhân Âu châu, nhưng không phải Kytô-hữu chính cống, ông De Jefferies:

— Những cái mà người đời gọi lầm là siêu (tự) nhiên, thì tôi thấy còn giản đơn, tự nhiên hơn là chính thiên nhiên, hơn đất, biển hay mặt trời... Chính vật chất mới là cái siêu nhiên và thật khó hiểu.

TU LUYỆN

Sự học hỏi và suy tư sẽ dẫn đến xác tín. Xác tín thật ra đã là một thái độ tâm hồn, nghĩa là có âm vang ở ý chí và tình cảm. Nhưng để bắt rễ sâu, cần đến những đóng góp ngoại lý (irrationnel) do suy niệm và khổ luyện.

Suy về cái chết hy sinh của Chúa sẽ khiến ta động lòng yêu mà muốn hy sinh hết vì Ngài. Suy về cái chết của loài người, nhất là qua cái chết của một người thân (cái chết này khiến chết thành cái gì "thực tế" với tôi hơn), tôi sẽ cảm nghiệm tính bể dâu của cuộc đời và bớt tha thiết với đời. Suy về bao cảnh khổ quanh tôi, tôi đâu thể bình tâm để hưởng thụ nữa.

Người Tây phương quen suy niệm bằng ý tưởng. Chúng ta nên bổ túc phương pháp này bằng phương pháp gợi ý của Phương đông. Phương pháp gợi ý không đánh trực diện. Bằng sức thẩm thấu của những hình ảnh tượng trưng (symbolique), nó làm dậy lên từ trong ta những tâm tình sâu xa nhất.

Vậy làm thế nào đây?

Hãy để tâm tư lắng đọng, và giữa cảnh tịch mịch hãy nghe (hoặc tưởng như nghe) tiếng suối reo róc rách, tiếng thác đổ vang vang, tiếng sóng vỗ ầm ầm. Nhịp đều đều của những âm thanh muôn thuở ấy vừa gợi ý cho ta về sự nối tiếp trôi đi của tất cả, vừa nói lên từ sâu thẳm lòng ta tiếng gọi huyền u của Vĩnh cửu. Và cũng thế, tác dụng của những hình ảnh như nước chảy, mây trôi, con thuyền không bến...

Chúng ta còn có thể đi vào siêu thoát bằng sự thư giãn tâm hồn nữa.

Bạn đã tập thư giãn cơ thể bao giờ chưa?

Bạn hãy nằm ngửa, xuôi tay chân, thở nhè nhẹ và thả lỏng cơ bắp. Ðồng thời không nghĩ gì, mà cũng chẳng làm gì để khỏi nghĩ; không gắng gì, mà cũng chẳng làm gì cưỡng lại sự cố gắng. Ðó là buông xuôi. Nếu buông xuôi được, thì ta có thư giãn. Không thể có thư giãn cơ bắp nếu không có buông xuôi ở tâm tư, và cũng không thể có thư giãn ở tinh thần nếu không ít nhiều có buông xuôi ở cơ bắp. Một sự buông xuôi có ý nhưng không cố ý. Không có ý thì là lười nhác, nhưng hễ cố ý thì không thư giãn nổi. Nói rõ hơn, sự có ý nói trên chỉ là có ý ngầm, và cái ý này cũng buông lơi trong cùng dòng chảy của buông xuôi.

Ðây là thư giãn toàn diện từ trong ra ngoài, để từ trong ra ngoài có toàn vẹn một ngơi nghỉ. Bên ngoài, đó là sự chùng lỏng của mọi giây cơ bắp. Bên trong, đó là sự lắng xuống của tư tưởng, cảm xúc và những quan tâm. Tuy đích nhắm chỉ là nghỉ ngơi cơ thể, nhưng tác dụng còn là im đi mọi vấn vương, do đó có lợi cho tinh thần siêu thoát. Nay nếu đích nhắm là chính sự siêu thoát này, thì hiệu quả thiêng liêng sẽ lớn thêm. Khi ấy, bất cứ lúc nào dù đứng hay ngồi, dù đi mà không phải cố, ta cũng có thể làm động tác thư giãn bên trong, mặc cho tư tưởng hễ nổi lên thì tự chúng chìm đi, mặc cho ham muốn vì không được chú ý sẽ nguội dần, mặc cho cơn bực như đụng nhằm cao su cũng tắt ngấm. Vâng, chỉ cần một chủ ý ngầm: Làm như nước đổ lá khoai!

* * *

Theo Phật giáo, sở dĩ tôi ham, là vì cái Tôi bị đồng hóa với thân, trong khi giác quan và ý thức được nối với đối tượng của chúng. Nếu đúng như vậy, thì để đối phó, chỉ còn cách: một là trốn chạy cái mình ham, hai là tạo lớp véc ni miễn nhiễm trên giác quan và tình cảm, ba là cách ly thân với cái Tôi, bốn là buông rơi nốt cái Tôi này.

Hãy bắt đầu với chạy trốn.

Chạy trốn ư? Kẻ đi tu đúng là trốn chạy rồi. Bỏ đời để khỏi nhiễm mùi đời mà lại. Ðúng là ở đời, người ta dễ khét lẹt mùi đời. Nhưng không phải tất cả đâu. Giữa đời, vẫn có những kẻ sống thoát tục, những siêu nhân. Có điều, siêu nhân thì hiếm lắm, nên nói chung, hễ muốn khỏi vấn vương, thì phải xa rời đối tượng bằng một khoảng cách đáng kể. Nhất là khi tôi chưa đủ sức đương đầu.

Chưa đủ sức mà không tránh cám dỗ, tôi chỉ có thể sa ngã, và ngày càng lún sâu vào thói xấu, nết hư. Vậy, để bỏ thói hút xì ke, phải cách ly với cơ hội, phương thế và môi trường. Ðể cách mạng bản thân, sống theo Thần khí, nên tránh sự giàu sang nó là bà con của xác thịt.

Nhưng chạy trốn chỉ nói lên sự yếu đuối, chứ không tạo nên sức mạnh khả dĩ đối đầu, những năng đức (vertu). Cho nên, chạy trốn không phải để trốn chạy, mà để tu luyện. Phải biến từ bỏ thành thái độ thường hằng của tâm hồn, đức siêu thoát. Chính đức siêu thoát ấy mới làm nên sự lành thánh của con người, mới trải thành lớp véc ni miễn nhiễm đối với cám dỗ.

Ðức siêu thoát được luyện thành bằng thanh đạm và khổ hạnh. Quen với thanh đạm, giác quan bớt dần đòi hỏi. Rắn chắc do khổ chế, tâm hồn sẽ là bức tường thành vững chắc trước cám dỗ tấn công. Khổ hạnh và thanh đạm, đó là con đường luyện đức truyền thống trong bất cứ đạo giáo nào. Thậm chí những ai muốn dấn thân vào một cuộc đấu tranh cam go và lâu dài cho một lý tưởng như xã hội, chính trị cũng không thể không cần đến lối sống "nằm gai nếm mật" ấy.

Vững khỏe do khổ luyện rồi, chúng ta có thể vào đời để luyện cho vững hẳn. Khi đối phó với những ve vãn của đời, nên bớt thái độ đương đầu mà thay bằng thái độ coi rẻ, chẳng chút thiết tha. Ðây vẫn là phương pháp "Nước đổ lá khoai", phương pháp Nhu của Nước, được nhấn mạnh bởi Lão tử. Thái độ "bất cần" ấy sẽ gia tăng sức miễn nhiễm của tâm hồn.

* * *

Giờ đây, phương thế thứ ba: cách ly thân xác.

Cách ly thân xác quen được sử dụng trong Ấn giáo. Ngồi thiền cho tâm tĩnh đã. Kế đó, bằng tự kỷ ám thị, tưởng như mình chỉ có từ bụng trở lên (nghĩa là quên hai chân). Rồi từ cổ (quên bụng, ngực, hai tay nữa). Cuối cùng, xóa nốt cái đầu.

Bằng cách ấy, dần dà người ta có thể "quên thân" hay quên một phần thân thể. Như võ sỹ Judo phải quên được cánh tay bị bẻ, thì mới đủ bình tĩnh để phản công bằng tay chân còn lại.

Quên được thân, chẳng những ta có thể làm dịu đau đớn, mà còn làm tắt ngấm những kích thích giác quan, những cám dỗ.

Nhưng làm thế có nghịch với giáo lý và con đường Kytô-giáo hay không? Kytô-giáo thì đề cao thánh giá, mà phương pháp trên, do giảm đau, lại xóa bỏ thánh giá. Kytô-giáo thì chủ trương con người là cả xác lẫn hồn, trong khi Ấn giáo lại bảo: tôi không phải thân xác này!

Quả tôi là cả xác lẫn hồn thực đấy, nhưng trong tôi, xác hồn còn đang xung đột, và lắm khi trong cuộc sống, tôi làm như chỉ thân xác mới là tôi. Ðể tiến đức, tôi phải sống tinh thần và thuần hóa xác. Ðể được thế, đôi khi phải làm như xác không hiện hữu, và đây chỉ là vấn đề chiến thuật.

Ðằng khác, giảm đau cũng không phải là phủ định thánh giá. Anh không dùng thuốc để giảm đau, chữa bệnh đấy ư? Vả lại, cũng bớt bị dày vò ở xác thân những ai quen sống tinh thần, như Phạm ngũ Lão vì tập trung suy nghĩ mà bị giáo đâm không biết, như huyền nghiệm nhân vì xuất thần mà chẳng lưu tâm đến cái đau cơ thể dù nó rất ghê gớm, như Thérèse d'Avila nói ra:

"...thân xác hoàn toàn tan nát, mạch chậm như muốn trút linh hồn đến nơi, đúng như thế không hơn không kém".

Ấy thế mà:

"Người ấy (chính nữ thánh) không còn đếm xỉa tới những thánh giá có thể trút xuống trên mình, vì những thánh giá này chẳng đáng gì so với những đau khổ (thiêng liêng) quá sức chịu mà người ấy trải qua".

Nói tóm lại, kẻ càng leo cao trên bực thang lành thánh thì càng "vô cảm" đối với những khổ đau tầm thường. Và đây cũng là hiệu quả của thái độ siêu thoát. Kẻ thật siêu thoát thì sướng khổ không nề. Có điều, yêu Chúa chịu đóng đinh, họ thích khổ hơn là sướng. Tiến thêm một bước, khi chỉ còn yêu một mình Chúa, khiến chỉ có Chúa là cần thôi, thì dù sướng hay khổ họ cũng dâng cho Chúa hết, chứ không trốn chạy hạnh phúc như trước đây:

"Tôi không còn cảm thấy nữa, rằng phải từ bỏ mọi an ủi của con tim", Tiên sa nhỏ nói.

* * *

Phương thế chót: buông rơi cái Tôi.

Chúng ta không phủ nhận cái Tôi như Phật giáo. Nhưng cái Tôi phải là chủ vị, chứ không cá thể. Ðúng là chủ vị, nó phải mở sang người khác, mở ra cộng đồng, mở tới bao la. Nó chỉ khẳng định được mình thành Chính mình, khi khẳng định Thiên Chúa là Tất cả, và khẳng định người như những cái Mình khác với cái Mình của nó. Thế nhưng cái Tôi xác thịt lại muốn làm một rút lui Narcisse (repli Narcisse) vào trong vỏ sò cá thể. Nó tự giam mình trong đó bằng thái độ vị kỷ và khép kín. Vậy con đường làm thánh và làm người chỉ có thể là con đường cách mạng: Lật đổ cái Tôi cá thể mà thay bằng cái Tôi mở tới bao la.

Lật đổ cái Tôi cũng là dứt bỏ thể xác của nó là Ý riêng. Không còn muốn gì nữa, đó là cách muốn một mình Ý Chúa. Ý Chúa chỉ tung hoành được trong tôi khi không còn bị cản trở bởi ý riêng tôi.

Xem như thế, ai dám bảo Kytô-giáo không từ bỏ cái Tôi và thân xác:

— Ai yêu... sự sống mình hơn Ta thì không thể làm đồ đệ Ta!

— Ai muốn theo Ta, thì phải từ bỏ mình...

Có điều chối đấy chỉ là để nhận lại khác đi. Và bỏ đời bằng tinh thần là để biến đời thành Loài người mới và Trời mới đất mới.

Vả lại, "siêu" đến độ chót thì đâu còn phủ định. Chẳng tìm khổ cũng chẳng bỏ an ủi, chẳng phân biệt bạn thù mà gộp cả trong yêu thương, chẳng ghét thế gian mà cũng chẳng không ghét, chẳng đi theo mà cũng chẳng buồn chối từ, thế mới là thư giãn, buông xuôi, là thoát siêu trọn vẹn. Càng trọn vẹn hơn, khi dù đối với Chúa (trong quan niệm sai lệch của ta về Chúa cũng như trong cách yêu Chúa chưa xứng với Chúa của chúng ta), chúng ta có thể áp dụng câu thơ sau đây của nhà sư Triệu Châu:

Chỗ nào có Phật chớ đứng lại,

Chỗ nào không Phật chạy lẹ qua.

Thật ra, ở giai đoạn cuối, chúng ta chỉ từ bỏ cách hiểu và yêu Chúa chưa xứng của chúng ta, để được Chúa cho hiểu và yêu bằng Thần khí Chúa và theo cách của Ngài (Gal.4.6). Không chiếm hữu Chúa nữa, mà để Chúa chiếm hữu ta.

Từ bỏ và các cấp độ siêu thoát

Khi nghe Chúa Yêsu tiên báo về việc đệ tử bỏ trốn, Phêrô đã khẳng khái nói rằng:

— Dù có phải chết, con cũng quyết chết với Thầy!

Nhưng rồi chính ông đã chối Chúa. Không phải ông nói dối đâu, ông chỉ tưởng lầm thôi. Ông tưởng mình yêu lắm và lớn gan đến vậy. Nhưng có thử lửa, mới biết tuổi vàng.

Giữa tinh thần và việc làm, bao giờ tinh thần cũng trọng, vì chỉ tinh thần mới làm nên con người xấu hay tốt, chỉ tinh thần mới đưa giá trị đến cho việc làm của chúng ta. Có điều một tinh thần không hướng căng về hành động, tinh thần ấy chỉ là ảo tưởng, hoặc nếu có, cũng chẳng có là bao. Chẳng những hành động giãi tỏ tinh thần, nó còn khiến cho tinh thần nên thật hơn, do đó được củng cố và nâng cao. Cũng giống như tập nhảy cao ấy. Phải nhảy đã, rồi mới nhảy tới thực. Nhảy được hai mét đã, rồi mới hy vọng nhảy cao thêm.

Trong từ bỏ và siêu thoát cũng vậy. Thường phải có hành động từ bỏ để tinh thần siêu thoát nên thực có. Và từ bỏ càng lớn, thì siêu thoát cũng sâu thêm. Kẻ chết vì Chúa là thánh, không do hành động chết, cho bằng do mức độ yêu và hy sinh mà cái chết kia đã giúp anh vươn tới.

Trên nguyên tắc, kẻ nên thánh phải siêu thoát mọi cái, nhưng từ bỏ thì không ai từ bỏ mọi cái được. Vì thế, phải chọn bỏ những gì có tính quyết định để đạt một siêu thoát trọn vẹn, tức những gì cơ bản thuộc ba diện xác thịt, thế gian và cái Tôi. Thuộc ba diện ấy, thánh Ignace đề nghị ba đối tượng, trong bài Hai lá cờ (Thần thao): của cải, danh vọng và tự ái. Vì của giúp phương tiện chiều xác, nên tôi quyết sống nghèo. Vì danh vọng hút về phía thế gian, nên tôi tìm sỉ nhục. Vì kiêu ngạo đề cao cái Tôi, nên tôi sẽ khiêm nhu.

Truyền thống tu hành Kytô-giáo thì lại chọn: thanh bần, khiết tịnh và vâng lời. Vâng lời để bỏ ý riêng (lãnh vực cái Tôi), tịnh khiết để dằn xác xuống, nhưng ở thanh bần thì nhấn mạnh vào sự lệ thuộc (trong sử dụng của cải), và đây là lãnh vực của vâng lời thôi.

Liệu vài ba từ bỏ như thế có đủ hoàn thành một siêu thoát toàn diện hay không? Vấn đề không phải là sự kiện của hành động từ bỏ, nhưng là đích nhắm của hành động ấy. Nếu anh chỉ cốt độc thân thôi, anh vẫn còn một khoảng lớn của xác thân để chiều chuộng. Chừa ra một chỗ và thả cửa ở không gian còn lại, thì anh chẳng siêu thoát được chi hết. Bằng như giới dâm chỉ được dùng như điểm tựa then chốt hầu làm chủ toàn xác thân, thì anh không giới hạn từ bỏ vào lời nguyện khiết tịnh, mà còn ăn uống có chừng mực và bỏ đi những tiện nghi không cần thiết.

Một khi đã nhắm siêu thoát và chỉ dùng từ bỏ như đường đi tới đích, thì nhờ từ bỏ mà lãnh địa siêu thoát ngày càng mở rộng và tinh thần siêu thoát sâu thêm. Vâng, siêu thoát không phải chỉ là một trạng thái, mà có nhiều độ sâu, cao, rộng khác nhau. Thánh Ignace đã thang bậc hóa tinh thần siêu thoát ấy bằng cách phân biệt "Ba nhóm người" (Trois groupes d'hommes):

Nhóm 1, cũng là cấp thấp nhứt, là của những ai, tuy như muốn (voudrait) bỏ một điều quyến luyến, nhưng chẳng làm gì để bỏ.

Nhóm 2, cũng là cấp cao hơn, là của những ai thật muốn (veut) bỏ sự quyến luyến, nhưng không bỏ cái mình quyến luyến.

Nhóm 3, cũng là cấp cao nhất, là của những ai hoàn toàn không vương vấn nữa, đến nỗi sẽ tự bỏ thật nếu đấy là cách yêu Chúa tốt hơn.

Rõ ràng người loại 1, tuy có ý tưởng từ bỏ, nhưng nó mới đủ mạnh như một ước ao, và ao ước ấy chưa đủ mạnh để chuyển thành ý muốn. Thông thường, thì chính đương sự cũng tự đánh giá được như vậy. Theo tôi thiết nghĩ, cũng có trường hợp có ý muốn rồi, nhưng ý muốn chỉ mạnh đủ cho một hy sinh nhỏ hơn thôi. Như trường hợp Phêrô tưởng mình như có thể chết vì Thầy, nhưng đến việc mới thấy là không phải. Vì Thầy, ông đã có thể bỏ chài lưới để đi theo (Lc.5.11), nhưng chết thì chưa thể. Vậy, nếu từ bỏ lưới chài, thì Phêrô thuộc nhóm 3, còn chết thì còn xa mới tới.

Nhóm 2 là những kẻ vừa tới ngưỡng cửa siêu thoát, nên còn thụ động . Nhóm 3 thì tinh thần ấy già dặn rồi, nên bỏ tự mình được, miễn đó là tốt hơn. Thế nhưng, như ta vừa thấy, tùy theo đối tượng hy sinh (bỏ lưới chài thôi, hay cả chết nữa) mà ở nhóm 3, cũng còn nhiều cấp độ. Cấp của khả năng từ bỏ, nên đây cũng là cấp của trạng thái siêu thoát.

Ðối với thánh Ignace cũng như đối với truyền thống Kytô-giáo nói chung, thì siêu thoát là tình trạng của ý chí, chứ không cần là của cảm tính, khi mà đối tượng từ bỏ là cái mà tôi quyến luyến, chứ không phải cái mà tôi dửng dưng. Nói cách khác, siêu thoát (détachement) Kytô-giáo không cần là một tình trạng vô cảm, do tu luyện mà đạt được, như trong Ấn, Phật giáo.

Do thiền định mà đạt vô cảm (không vấn vương hoặc không đau đớn) về một số mặt là điều không nghịch gì với con đường Kytô-giáo, như đã nói ở trên. Người có tâm hồn cao quý thì ít để ý đến thức ăn ngon hay không. Người đã đi sâu vào con đường thiêng liêng thì thế gian không hấp dẫn nữa. Nhưng đối với tâm hồn thanh cao, thì những mất mát tình cảm lại thấm thía hơn là đối với những kẻ nhiều dục vọng. Và với người say yêu Thiên Chúa, thì sự thiếu vắng Chúa là cực hình không chịu nổi. Cho nên, dù với người thánh hay không, bao giờ cũng còn những quyến luyến, và siêu thoát thực không thể là vô cảm mọi mặt.

Vả lại, nếu dửng dưng với mọi cái, thì đâu còn sức bật để vươn theo lý tưởng, đâu còn yêu thương để có thể chết vì Chúa và anh em. Siêu thoát đúng nghĩa chỉ là cân bằng được giữa một bên là trọng lực của quyến luyến và bên kia là sự bình tĩnh trong hy sinh. Thánh Ignace, tuy thập phần gắn bó với tu hội (Dòng Tên) mà Ngài khổ công gây dựng, đã thú nhận sau khi lượng định về mình mà rằng: Giả như dòng bị Tòa thánh bãi, thì cần có 15 phút để ngài bình tĩnh lại như thường.

Vâng, dù nhà sư đã đạt đại định (samâdhi) cũng vẫn còn một gắn bó: gắn bó với trạng thái an tịnh sâu xa, đến nỗi dửng dưng với cuộc sống và những danh vọng ở đời. Trong chính trạng thái đại định, cùng với siêu thức hẳn cũng có một siêu cảm nó không phải là vô cảm, nhưng một thứ cảm nghiệm nó không còn là xung động của cảm năng thông thường này nữa.

TÓM LẠI

Trong bất cứ tôn giáo nào, hễ muốn lành thánh, thì phải từ bỏ và siêu thoát. Phương đông có cả mấy ngàn năm kinh nghiệm về từ bỏ và thoát tục, nên việc tìm hiểu Ấn, Phật, Lão sẽ soi sáng cho ta về mặt kỹ thuật rất nhiều.

Với Ấn giáo, đời là giấc mơ; với Phật giáo, đời là sắc tướng. Còn Kytô-giáo thì: Tất cả là phù vân. Nếu Ấn, Phật đi vào thoát tục, thì Lão giáo lại chủ trương siêu thoát giữa đời.

Phúc âm coi trọng cả từ bỏ và siêu thoát. Siêu thoát vì thời giờ cấp bách, và hạnh phúc cuối cùng không phải ở thế gian. Từ bỏ vì Thầy đã hy sinh và mở ra con đường Thập giá. Nhưng dù cho từ bỏ, thì nền tảng của nó phải là siêu thoát và lý do là yêu thương.

Ðể siêu thoát, phải tìm lý do để xác tín, phải suy chiêm để vào sâu, phải từ bỏ để củng cố. Và sau đây là phương thế tập siêu thoát chủ động (do cố gắng của con người): từ bỏ, khổ hạnh, thanh đạm, thư giãn thiêng liêng.

Siêu thoát cuối cùng phải là đối với cái Tôi và ý riêng. Siêu thoát ở độ siêu cao là thụ động, nghĩa là do Thánh Thần thực hiện: thay thế cách hiểu và yêu Chúa vụng về của tôi bằng lối nhìn và yêu xứng với Thiên Chúa, nhìn và yêu bằng chính Chúa.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page