TỔ CHỨC CÁC NĂNG ÐỨC

Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Ông thánh chẳng bao giờ thành ông thần được. Ông thánh là người và mãi mãi là người. Là người trước khi làm thánh, và dù làm thánh vẫn phải làm người. Hơn thế, chỉ có làm người, anh (hay chị) mới làm thánh nổi. Chứ nếu không, "muốn bay, (chị) sẽ bò" đấy. Nghĩa là làm thánh hụt, và còn tệ hơn nữa kia.

Như thế là thế nào?

Là thế này, nếu anh muốn nên thánh, cái đức của anh vừa rất siêu nhiên vừa phải rất "người" nữa. Ðạo đức dù Kytô-giáo vẫn là đạo đức, chỉ thêm có hướng nhắm, độ sâu và sắc thái Kytô-tính thôi. Một Kytô-hữu không thể thương người nếu lòng không rung trong tần số con người, tần số của người thân, của người cùng khổ và của mọi người khác. Y như thế, và có gì hơn thế. Thương người ư? Hãy thương như Chúa thương. Mà yêu như Chúa thì yêu đến cùng tận, đến hy sinh mạng sống, đến làm ơn cho kẻ hại mình.

Vì đạo đức là một, nên nếu các đức tự nhiên phải lấy Nhân làm đích điểm, thì các đức siêu nhiên cũng gặp nhau ở đức Ái Chúa Kytô. Và nếu đạo đức tự nhiên chỉ được xây vững trên những năng đức căn bản, thì đạo đức Kytô-giáo Tây phương xưa cũng lấy bốn đức trụ (vertus cardinales) Hy-La làm nền tảng của mình. Bốn đức ấy là: tiết độ, khôn ngoan, công bình và cương dũng. Bốn đức ấy xem ra hướng về nhiệm vụ, có gì giống như Trực và Nghĩa của chúng ta, do đó thiếu hương vị Tình người, cái "đặc sản" chính tông Kytô-giáo. Vậy có lẽ nên quay về với truyền thống Khổng giáo, ở đó chúng ta tìm thấy một khái niệm về "đức trụ" thâm thúy và trọn vẹn hơn. Ðức trụ Khổng giáo, đó là bộ ba Nhân-Trí-Dũng, rồi Thành và Trung dung. Thật ra, thì Trí, Thành và Trung dung đi với nhau, trong khi đức Thành lại được nhấn mạnh nhất cùng với đức Nhân, nên xin phép tổng hợp lại, là: Thành-Nhân-Dũng.

Nền tảng thứ nhứt: Thành.
Thành với Trí, Trung dung

Nền tảng đạo đức mà là Thành ư? Chắc anh (hay chị) bỡ ngỡ lắm nhỉ? Vì xưa nay trong Kytô-giáo, có mấy khi nói đến Thành đâu, lại phụ nữ Ý thường mở đầu danh sách tội xưng bằng Buggia, nói dối, một cách rất thân thương, y như ăn mì sợi (spaghetti) vậy. Thế nhưng, với truyền thống đạo đức học Ấn độ và Trung hoa, thì Thành lại là cái rất quan yếu.

Ðối với Ấn-Phật giáo, Thành (satya) không phải chỉ là có sao nói vậy, mà còn là có sao (sat) hiểu đúng vậy (satya) và sống theo như thế. Tỷ dụ như với Phật giáo chủ trương Vô, thì Ngã là giả dối, nên nhìn nhận Vô ngã mới là thành. Còn với Ấn giáo chủ trương Hữu, thì Thành là kẻ nhận ra Ngã là một với Siêu việt thể.

Vì Thành là nhìn ra và nương vào sự thật, lại vì Thành dẫn tới Minh (sáng), trong khi Minh là nguyên nhân của giác ngộ, giải thoát, nên Thành là năng đức tối ư quan trọng. Vì Thành với sự thực được coi là quan yếu như thế, nên nói dối cũng là điều rất xấu xa. Với Yoga, thì trong Ngũ giới, giới sát là trọng nhất, rồi liền đó là giới ngoa (cấm nói dối). Nơi thánh Gandhi, chữ Thành luôn ở cửa miệng và dưới ngòi bút. Tĩnh viện của ông cũng có tên Satya-âsrama (am Thành) hay Satya-âgraha-âsrama (am Trụ vào đức Thành). Thành phải là kim chỉ nam cho toàn cuộc sống, dù đây là trong đấu tranh chính trị.

Bên Trung quốc, đức Khổng bàn giải rất nhiều về đức Thành, bàn ngay ở phần Hình nhi thượng, phần nền tảng và siêu hình của giáo lý.

Theo sách Trung dung, cơ sở của Thành là ở Trời. Nơi Trời, thì Hữu với Hành là một. Trời có thế nào, luôn hiển ra trong hành động như thế, không đổi thay. Nên Thành là đạo Trời vậy:

— Thành giả, Thiên chi đạo dã (ch.20).

Con người thì không được thế. Ðức Thành chỉ tiềm ẩn nơi con người như một mầm mống, mạnh yếu khác nhau. Với bậc thánh, thì sự hiểu Ðạo là tự nhiên, như bẩm sinh vậy. Còn phần đông thì phải thường hằng bác học (học cho rộng), thẩm vấn (hỏi cho cùng), thận tư (nghĩ cho kỹ), minh biện (luận cho rõ), đốc hành (thực hành cho siêng năng), thì mới Thành và sống Ðạo nổi:

— Thành chi giả, nhân chi đạo dã (Trở nên thành, ấy là đạo người).

Thật ra, Mệnh Trời làm sao, đã in nơi người thành Tính như vậy rồi, nghĩa là ấn phẩm (Tính) luôn luôn Thành với ấn bản (Mệnh):

Loài vật chỉ có phách thể, nên Tính làm sao, không thể không sống theo như thế. Nhưng con người còn có hồn (khí hồn phách hội), nên như vạn vật, mà cũng "linh ư vạn vật", vì thế phải thắng mình thì mới sống được theo cái Tính lý tưởng, nhờ đó Ðạo hiển ra thành Ðức, và đó là Thành với Ðạo, cũng là Thành với mình:

— Thiên mệnh chi vị tính, xuất tính chi vị đạo (Trung dung I).

Càng sống thành với mình, nghĩa là thành với lương tri của mình, thì lương tri ấy ngày thêm trong suốt, để ta nhìn thấu đến cái Tính lý tưởng hay cái đạo làm người, và đó là Minh (sáng), là Trí (sagesse):

— Thành tắc minh hĩ; minh tắc thành hĩ (Hễ thành thì minh; hễ minh thì thành) (ch.21).

Thành và Minh mật thiết với nhau như thế, nên hễ một cái phát triển, thì cái kia cũng lớn theo. Minh, đó là thứ Sáng trực giác, vừa trí thức vừa thực hành của đời sống nội tâm, nhờ đó ta nhận ra cái đạo làm người khách quan, đồng thời nhận ra cách áp dụng nguyên tắc vào những hoàn cảnh cụ thể. Ðể được như vậy, cần phải luôn thành khẩn, luôn trung tín với sự thật thiêng liêng, với sự thật về mình, về những thiếu sót và không xứng của chính mình, chứ đừng để tự ái, ham muốn hay thành kiến làm tối mắt lương tâm và che đậy sự thật.

Thật ra, do bản tính, ai mà chả yêu sự thật, do đó ham biết thật nhiều (sự thật), biết thật sâu (sự thật) bằng cách kỳ cùng tra vấn Sao và Tại sao. Song những ham hố, thành kiến, cùng với "Mặc cảm cái Tôi" khiến ta, vô thức hay hữu thức, dễ dàng trốn tránh sự thật, về người cũng như về mình.

Tự nhiên Thành, do đó tự nhiên Sáng, chỉ có hai đấng Vô nhiễm, do vô nhiễm mà phản chiếu Ðạo Trời hoàn toàn, và đó là Ðức Yêsu do bản tính (Chính vì Thiên Chúa Cha, cái Hữu viết hoa thế nào, Chúa Yêsu cũng hiện ra như thế: "Ai thấy Ta là thấy Ðấng sai Ta", nên Chúa quả là Thành viết hoa và sự Thực viết hoa - Yn.14.6), và Ðức Maria do đặc ân. Còn người khác, thì nhiều hay ít đã nhiễm rồi, nên bị nhiều bóng mây phủ mờ Ðạo. Vì thế, phải "tự minh thành", nhờ ân sủng và cố gắng phải xua tan dần những bóng mây kia bằng học, hỏi, nghĩ, luận và hành động.

Không phải chỉ học hỏi cái đạo tự nhiên, mà hơn hơn thế, học hỏi cái Ðạo Trời thành người: đức Yêsu Kytô. Và nơi đức Yêsu, cái Thiên mệnh đột giáng: Thiên Chúa yêu tôi như con đẻ và cứu tôi nơi Con đẻ của Ngài. Việc của tôi từ đây chỉ là uốn mình theo cái Thiên mệnh này như Chúa Yêsu, để trở nên cùng dòng giống với Ngài, đấng đã vâng lời cho đến chết:

— Mẹ Ta và anh chị em Ta, đó là kẻ thuận thi ý Cha Ta.

Càng thuận thi Ý Cha và thành với Ðạo, tâm ta càng sáng lên, và ta thành đại trí (sage, sagesse). Không những Trí để hiểu Ðạo một cách lý thuyết, ta còn Minh để thấy rõ phải sống đạo thế nào trong những hoàn cảnh cụ thể, cũng như đánh giá thế nào về một tư tưởng hay hành động. Và đây là ơn Phân định (discernement) thánh Phaolô hay nói đến. Và cũng là sự sáng suốt của chàng mù bẩm sinh trong Phúc âm (Yo.9.1tt.), tuy thất học nhưng vì có sao nghĩ vậy và nghĩ sao nói thế, nên nhìn ngay ra rằng kẻ mà Thiên Chúa nghe không thể là người tội lỗi được (c.31).

Ðể ứng phó đúng mức trong những hoàn cảnh cụ thể, thì phải áp dụng nguyên tắc Trung. Trung không phải là ở đúng mức giữa lý thuyết vốn cứng nhắc, nhưng cứ tùy hoàn cảnh mà đổi thay, như Trần trọng Kim nhận định (Xx. Nho giáo, TTHL, tr.40).

Nói cho chính xác, thì Trung là gì?

Như trên đã nói, hễ Thành thì tâm sáng dần ra, mà hễ tâm sáng thì cái Ðạo hay Ý Trời mới hiện lên trước con mắt lương tri được. Nói cách khác, hễ tư dục tư kỷ, thì cái nhìn thiên lệch và Ðạo mờ khuất mất. Vì thế, phải có thái độ Trung, nghĩa là khách quan và trung thành với sự thật, ngay thẳng trong nhận xét, chứ không nghiêng bên nào giữa hai vế nghịch nhau. Nghĩa là vững ở đức Trung (Trung dung là kiên vững ở Trung):

- Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung (Cái tâm con người dễ gặp nguy (do tư kỷ), mà cái đạo của tâm lại rất tế vi, nên phải giữ lòng tinh tấn và quy nhất, thì mới vững được ở đức Trung vậy), (Thư: Ðại-Vũ mô).

Cứ nhìn vào sự biến dịch, thì sẽ thấy nguyên tắc Trung hiển lộ ngay. Vâng, trong thiên nhiên, bao giờ cũng có dung hợp những thế đối nghịch nhau, nhờ đó mới có tương thông và hài hòa:

— Trung giả dã, thiên hạ chi đại bản dã; hòa giả dã, thiên hạ chi đạt đạo dã. Trí trung hòa, thiên địa vi yên, vạn vật dục yên (Trung là gốc lớn của muôn vật, hòa là chỗ đạt đạo dưới gầm trời. Trung và hòa đến cùng cực, thì trời đất yên vị và vạn vật sinh hóa mãi). (Trung dung, I).

Vì thế, Trung ở thể là thái độ tâm hồn luôn trong sáng và thẳng ngay. Trung ở dụng là cách làm không thái quá hay bất cập, nghĩa là cực đoan và quá khích.

Nền tảng thứ hai: Dũng

Thành là dám nhìn thẳng vào sự thật, nhận ra lẽ phải, và đánh giá theo đó, dù là đánh giá chính mình và người thân của mình. Nên để tâm thành, thì phải rất dũng cảm.

Có hai thứ Dũng: dũng của người phương Bắc và dũng của người phương Nam, theo cách gọi của Khổng tử. Dũng người phương Bắc là thứ dũng để đánh nhau, còn dũng người phương Nam là thứ dũng để tự chủ. Có làm chủ được mình từ bên trong, thì mới khoan được với người và hòa được với xung quanh (Trung dung, X).

Theo đức Khổng, muốn dũng thì phải có liêm sỷ (ch.XX). Liêm sỷ là nhạy cảm với điều đáng thẹn. Ðáng thẹn là những gì xấu, hèn, không xứng với nhân phẩm. Cho nên người có liêm sỷ cũng là người tự trọng, tự kính mình như một con người nên không dám bôi nhọ mình dù chỉ bằng một tư tưởng bất xứng. Và như thế, tự trọng là kẻ yêu những gì cao quý và thiêng liêng.

Người đời thường lẫn tự trọng với tự ái. Vì thế, một "gentleman" dễ nổi đóa khi bị khinh thường, và không dám từ chối một thách đấu. Và một hiệp sỹ, tuy không thèm đánh người ngã ngựa, nhưng sa ngã vào cuộc sống điếm đàng, thì lại không xấu hổ chi.

Kẻ sùng đạo thường có ngộ nhận kiểu khác. Họ tưởng đã khiêm nhường thì không cần tự trọng nữa. Và tuy trau dồi đức hạnh, họ không lo cao quý hóa cảm nghĩ của mình.

Phải nhìn nhận rằng, giáo dục Kytô-giáo dù trong nhà tu, cũng không quan tâm đến tự trọng và liêm sỷ, đồng thời không khích lệ sự dũng cảm. Ðược tiếng đạo đức, đó là người cầu kinh nhiều và có vẻ khiêm tốn. Và người có vẻ khiêm tốn lắm khi lại nhu nhược, vừa không dám chống bạo lực, vừa sẵn sàng uốn gối trước kẻ có quyền có thế, trong những gì thấy không tội. Vâng, lắm người không nghĩ rằng phải tự trọng: trọng mình không phải vì chính mình, nhưng vì phẩm giá người ở nơi mình.

Thú thật, trước đây tôi thường bị "xì căng đan" khi đọc Phúc âm tới chỗ Chúa Yêsu khen người ngoại-nữ khi họ ví mình với chó con (Mt.15.26-28). Thật ra, Chúa Yêsu khen bà chỉ vì chiều cao đức tin thôi, chứ liêm sỷ, thì bà ta chưa hiểu được.

Xin nhắc lại, tự trọng đúng nghĩa không phải là tự ái đâu. Người tự ái sợ nhục với người khác, còn kẻ tự trọng sợ nhục với chính mình. Bởi thế, biết liêm sỷ, chẳng những anh không dám làm điều xấu, mà dù chỉ một ý nghĩ bất xứng thôi cũng đủ làm anh xấu hổ rồi. Ý nghĩ bất xứng hay hèn hạ, đó là ý nghĩ lợi dụng kẻ khác để trục lợi cho mình. Ðó là ý nghĩ luồn cúi và o bế. Ðó là ý nghĩ lừa người hoặc không tin vào bạn thân.

Sang địa hạt siêu nhiên, nếu tôi coi Chúa Yêsu là Thiên Chúa và tri kỷ, thì mọi tội với tôi đều là phản bội, là hành động vô liêm sỷ hết. Nhất là khi tôi không còn chỉ là con người, mà còn là người con Thiên Chúa nữa! Từ nay, ở cương vị là em Chúa Yêsu và con Cha, với niềm kiêu hãnh và tự trọng mới, tôi càng phải có liêm sỷ hơn, và thà chết chẳng thà làm nhơ nhuốc danh xưng này (Chính Phaolô cũng chấp nhận niềm kiêu hãnh trong Chúa - 1 Cor. 1.31). Cũng để xứng với danh xưng này, "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh", tôi phải cố "mặc" lấy cho mình con người mới (Eph.4.24), nhiễm lấy cho mình ý nghĩ và tâm tình Chúa Yêsu, ý nghĩ và tâm tình hẳn rất thanh cao và tinh tấn (Ðúng đó là những gì "cao quý", "đáng ca tụng" mà ta phải mang vào mình - Php.4.8). Nuôi dưỡng mình bằng những ý nghĩ và tâm tình như thế, tâm hồn tôi được thiêng liêng hóa dần dần, khiến tôi có cảm giác: Sống với tôi là đức Kytô. Chẳng những vì Chúa chiếm hết ý nghĩ và trái tim tôi, mà còn vì tâm trí tôi đầy ắp những tư tưởng và cảm xúc của Ngài, dù đối với Cha, dù đối với kẻ tội lỗi hay cùng khổ.

Ðể có được những tâm tình và thái độ như thế, ơn Chúa cần phải lớn, cố gắng cần rất nhiều. Nên không thể không có đức Dũng để thắng sức trì, sức nặng, và cất bổng mình lên.

Ðể luyện con người-thần, cũng phải luyện con người-người. Ðây là luyện ý chí và luyện thành một bản sắc. Vâng, thánh nào mà lại không là một nhân cách hoàn chỉnh nhỉ?

Ðể luyện nhân cách, phải biết con người mình, chỗ mạnh và chỗ yếu, chỗ nổi và chỗ chìm của nó, nhờ đấy có thể tùy nghi uốn nắn và phát huy thế mạnh. Kẻ giàu động tính (activité) thì có nghị lực, kẻ ham muốn nhiều là kẻ sống khỏe nhất. Với những thế mạnh ấy, anh làm thánh cũng dễ, mà làm quỷ cũng mau. Nên dù ngọc hay đá gì gì thì cũng phải rũa, phải mài công phu vậy.

Nền tảng thứ ba: Nhân. Từ Sinh đến Nhân

Dũng là sức mạnh tâm lý để tấn công và chống cự. Nên nó cứng rắn và gồ ghề, su si. Như xe tăng và kẽm gai ấy. Trong luân lý, nó đi với công bình, ngay thẳng, và giúp tiết chế, kỷ luật. Nên nó thật cần để làm vững chắc tòa nhà đạo đức chúng ta. Có điều vì nó khô và cứng, nên dễ sinh bất cận nhân tình. Nó cần dịu êm lại bằng cách dung hòa với đức Nhân.

Nhân vừa có nghĩa là sống xứng như một con người, và tỏ hiện ra ở cung, khoan, tín, mẫn, huệ; lại vừa là thân thiện với loài người, do đó dễ cảm dễ thương. Nhân theo nghĩa thứ hai là một năng đức.

Ðể hiểu đức Nhân, phải đặt nó vào giữa đức Sinh. Nói đến Sinh là mở vào toàn sự sống, mở rộng đến cả thiên nhiên.

Mà sao con người lại không dòng sinh vật và thuộc trái đất kia chứ? Tây phương quen nhìn con người theo chiều cao của nó, nên tách nó khỏi thiên nhiên. Còn Ðông phương lại nhìn theo chiều ngang: con người bơi lội giữa núi sông, cây cỏ. Thực ra, chỉ có hiện hữu người với cả hai chiều kích ấy.

Vào thời cổ đại, con người ở giữa núi sông, đã bị núi sông nuốt mất. Thần thiêng thành một với núi sông, nên núi sông áp đảo con người. Có lẽ để được an toàn, người Phương đông đã hòa mình vào thiên nhiên và coi mình là một tiểu vũ trụ.

Do thái giáo, bằng cách đặt Thiên Chúa ở trên thiên nhiên và đặt thần thiêng vào trong Thiên Chúa, nên giải thiêng được thiên nhiên và giải phóng con người khỏi sự đe dọa của nó. Kế đó, từ vài ba thế kỷ nay bên Âu châu, sự phát sinh và phát triển của khoa học kỹ thuật đã đặt thiên nhiên dưới sự quản lý và điều khiển của con người. Ðang làm chủ, thiên nhiên biến thành phương tiện và nô lệ. Thế nhưng bất ổn lại tăng thêm khi, vì khinh thiên nhiên, con người đã lợi dụng và lạm dụng nó. Và kết quả là nguy cơ tự hủy diệt do nguyên tử lực họ phát minh, do tầng ozone đang mỏng đi, do dioxyde de carbone phế thải, do SIDA và bao bệnh nan y khác mà tội lỗi nuôi dưỡng.

Hồi chuông báo động đã vang lên, và thần học gia Moltmann lưu ý rằng, sự cứu vãn duy nhứt là "quay trở về" (conversion) với những giá trị thiêng liêng, trở về "với niềm tôn kính mới đối với sự sống và các tạo vật khác". Kính trọng sự sống và yêu quý thiên nhiên, ta sẽ không dám lạm dụng nó khi nhìn nó trong Thiên Chúa và thấy Thiên Chúa trong nó. Không thống trị thiên nhiên nữa, ta sẽ sống giữa nó và biến nó thành bạn đồng hành của mình. Và đây là một "cải cách có tính sinh thái" đối với loài người và xã hội chúng ta (Coi Moltmann. Has Modern Society any Future, Concillium. 2-0, tr 54- 65).

Khi đã nhìn ra con người là ở giữa thiên nhiên, thì dù muốn trồi lên từ vật chất, tôi vẫn phải dựa vào vật chất và mang vật chất theo mình. Y như chiếc máy bay với khí quyển vậy. Vì thế, muốn nên thánh, tôi cần tìm hiểu thiên nhiên và nhờ vả tự nhiên. Nhất là khi, như Phaolô nói, thiên nhiên đã cùng đi với tôi trong tội lỗi, đang biến đổi với tôi trong sáng tạo mới, và sẽ đồng số phận với tôi trong vinh quang.

Ðâu là nguyên tắc biến hóa của thiên nhiên, và ở đâu sức mạnh lớn lao của nó? Sức mạnh và nguyên tắc này. Nho giáo khám phá thấy ở đức Sinh:

— Thiên địa chi đại đức, viết Sinh (cái đức lớn nhất của trời đất là Sinh), (Kinh dịch. Hệ từ hạ).

Sinh là nguyên tắc biến hóa của trời đất, nên khuynh hướng của thiên nhiên là trương lớn lên, như Lão tử cũng nghĩ như thế: "Ðại (tức Ðạo) viết Thệ" (Ðạo là Lớn lên). Vì thế mà:

— "Nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh" (Kinh dịch, Hệ từ hạ).

Như thế, Sinh có gì giống như Erôs của S. Freud. Có điều Freud chỉ mới khám phá Erôs nơi con người. Và Erôs này đối lập với khuynh hướng song hành là Thanatos, Tử. Ðối lập với Tử, khuynh hướng tiêu hủy, Erôs đúng là Sinh, khuynh hướng hóa sinh, bành trướng (Eros là tình yêu âm dương, mà tương giao âm dương lại là nguồn gốc của sinh hóa).

Tại sao Khổng giáo không nói đến Tử? Có lẽ vì đức Khổng coi Sinh mới là cơ bản, còn Tử chỉ như những chiếc cầu nhún, tuy cần trong biến dịch, nhưng chỉ để Sinh vượt qua, thấp xuống một tí để lấy đà bay tới.

Bởi thiên về Sinh, nên đối lập âm dương của Trung hoa cũng nghiêng về bù trừ, nhờ đó có Hòa thái. Con người có tự do, nên nó có khả năng đảo ngược thế tự nhiên này để lấy Tử làm chính, và đây là mầm đại loạn. Có tự do, nhưng con người lại có trách nhiệm trong sử dụng tự do, nên nó phải gắng đi vào con đường tự nhiên của Ðạo: lấy Sinh thắng Tử, nghĩa là Hiếu sinh.

Sinh là đại đức của thiên nhiên, nên tài bồi cho Sinh là Thiện, đi ngược với Sinh là ác. Thiện ác trong Khổng giáo rộng mở tới toàn sự sống. Và cũng thế bên Ấn khi Hiếu sinh (ahimsâ) trở thành một lối sống và phong tục. Toàn dân Ấn trai trường là cốt tránh sát sinh. Phật tăng không đi lại mùa mưa để khỏi đạp lên sâu bọ. Nhà người đạo Jaina cũng sơn đỏ để trông rõ côn trùng. Ðối với các Yogin (người thực tập Yoga), thì Giới sát (sinh) là giới đầu của Ngũ giới.

Tôi không nghĩ rằng, cứ tránh sát sinh là dễ thương người đâu. Một tập quán bên ngoài có thể chai cứng ở hình thức mà không sinh một tình cảm nào nữa. Nhưng tôi quả quyết rằng, không thể sót đau trước máu người đổ, mà lại không bất nhẫn phần nào khi phải chọc tiết một con gà. Thế mà có bao kẻ thích xem đấu chết bò để mua vui hoặc dí chết một côn trùng chỉ vì thích thế.

Thật ra, vào thời cổ đại, tục hiếu sinh khá phổ cập. Ahimsâ không phải là "đặc sản" của riêng Ấn độ đâu, dấu vết của nó được tìm thấy ngay cả trong Thánh kinh Do thái-giáo:

— "Tất cả những gì sống và động, cũng như cỏ cây trước đây, Ta cho các ngươi hết. Tuy nhiên, không được ăn thịt chúng cùng với sự sống của chúng, nghĩa là cùng với máu" (Sáng thế thư, 9.2-4).

Thật ra, tuy đề cao con người, Kytô-giáo không tách con người khỏi thiên nhiên. Trái lại, trước cặp mắt huyền nhiệm của Phaolô, thiên nhiên không phải là công cụ thuần túy, mà còn đồng hành đồng phận với con người. Nếu xưa nó bị lợi dụng vào sự phù phiếm của loài người, thì nay khi ta được giải phóng rồi, nó cũng chia sẻ tự do ấy và giúp ta đi về Ðất hứa, để bên ta phục sinh và thăng vinh, nó cũng thành Tân thiên địa (Rom.8.20-22).

Vậy ta không được coi rẻ thiên nhiên, mà trong viễn ảnh Trời đất mới, hãy nhìn nó bằng thái độ thân quý. Thái độ hiếu sinh này sẽ vun trồng lòng Nhân trong ta. Thật ra, trong đức hiếu sinh đã tiềm ẩn lòng Nhân rồi, cái lòng Nhân nó khiến ta "người-hóa" con mèo con chó, để nhờ đó thấy Chúa và sự thần thánh của Ngài trong tất cả.

Ðể dễ hiếu sinh, hãy tìm mọi cách làm dịu giảm Thanatos hay bản năng bạo động. Hãy tránh làm đau dù chỉ một con sâu khi không cần thiết. Và làm êm cơn giận bằng ly nước mát, bằng lối thở nhẹ và đều. Vâng, hãy tập xót thương một con chim gãy cánh, tập vỗ về một chú ngựa già nua. Và thân mật với chúng sinh đến nỗi như Phan sinh nghèo, ta có thể xưng hô chị em với hoa và anh em với chim chóc.

Nhưng trên tất cả, đặc biệt hãy cảm thông với con người. Cảm thông, đó là múa nhảy khi người thổi sáo và thờ thẫn lúc nghe nhạc đám tang (Lc. 7.32). Và đó là quan tâm đến mọi người, xúc động trước cảnh bị xe cán và buồn rầu với tin tức thiên tai dù của những vùng trời xa lạ. Dửng dưng trước đau khổ, đó là chứng bệnh đáng sợ, bệnh ma mộc (tê) tinh thần (Sách thuốc cổ nói: "Ma mộc bất nhân", như người có bệnh tê, dù thân đau ở đâu cũng chẳng biết), nó giết mất tính người trong mỗi con người chúng ta.

Hai kẻ thù khác của đức Nhân là lòng tư kỷ và lối sống khép kín.

Người tư kỷ chỉ quan tâm đến mình và lợi ích riêng mình, còn thì "sống chết mặc bay". Cũng có người không vị kỷ đến thế, nhưng lại hẹp hòi quá, vì chỉ quan tâm đến một vài người rất thân thiết.

Kẻ khép kín chưa hẳn là kẻ ích kỷ hại nhân, nhưng lại sợ người hay kỵ người, không muốn ai phiền mình mà cũng chẳng muốn phiền ai cả. Nên nhớ, sự khép kín, không muốn ngỏ cửa để thông cảm, chẳng những nghịch đức Ái Chúa Kytô, mà còn nghịch với sự trưởng thành cảm tính của đương sự. Nếu nặng, thì đây là tâm bệnh hay mấp mé tâm bệnh rồi. Căn do của tâm bệnh này, thường phải tìm xa ở tuổi ấu thơ.

Ðôi khi kẻ sống khép kín không phải là kẻ thích khép kín. Họ không kỵ người, nhưng vì nhút nhát, họ khó làm quen và cởi mở. Dân Việt chúng ta thường hay nhút nhát thế đấy, nhưng chỉ nhút nhát với người lạ thôi. Có điều nếu phải xa nhà, xa quê hương lâu, thì tính nhút nhát này sẽ gây bất lợi, chẳng những trong giao tế, mà còn cho sự thoải mái bên trong, sự hanh thông tâm lý, đôi lúc cho chính sự luyện đức tu thân.

Ðể dễ cảm thông, thay vì cứ nghĩ đến mình và quyền lợi của mình, ta hãy năng nghĩ đến người khác, đứng ở vị trí họ mà tìm hiểu họ. Vâng, hãy nghĩ đến những cái tốt nơi họ, vì ai mà không có một vài cái tốt nhỉ? Và nghĩ đến quyền lợi, nhu cầu, hoàn cảnh đáng thương của họ. Vì ai mà không có cái lý của mình, ai mà không có những tâm trạng u ẩn cơ chứ!

Yêu người, hãy bắt đầu yêu từ trong mình, bằng sự quan tâm và những ý nghĩ như trên. Và đấy là trang điểm cho gương mặt của họ thành dễ thương dễ mến. Nếu thế mà vẫn chưa thương chưa mến, thì hãy bắt chước Chúa đã bắt đầu yêu tôi khi tôi còn dầm dề trong vũng tội, nghĩa là đáng khinh đáng ghét đối với Ngài. Tình Chúa yêu tôi (ân sủng chủ tạo) khi ấy đã biến tôi thành đáng yêu (ân sủng thụ tạo). Một tình yêu sáng tạo hoàn toàn! Tình yêu sáng tạo này, các thánh Chúa đều có, nên để nên thánh, tôi phải tập sao cho mình cũng có nữa.

Tổ chức các năng đức

Con người có nhân cách là con người hội nhất (intégré), nên không thể để các năng đức, vốn là sức mạnh làm người, hoạt động lẻ loi và tùy tiện. Dù là đức, nhưng hễ đi quá, cũng thành phản đức. "Cùng tắc phản" mà! Thực thế, hễ dũng quá thì tàn nhẫn, nhân quá thì nhu nhược, trực quá sinh mất lòng, và khoan không đúng chỗ sẽ khuyến khích sự ác.

Vậy cuộc sống, dù ở hành động bên ngoài hay thái độ bên trong, nên có hướng dẫn và tổ chức hẳn hoi. Ðể tổ chức các năng đức, phải đặt nền, phối trí và thống nhất.

Trên kia, chúng ta đã phác họa cái nền, nền ấy được làm bằng những năng đức trụ (vertus cardinales), những đức cần cho nhiều đức khác và chúng giữ vững tòa nhà đạo đức. Trước hết, để thắng mình và tu thân, không thể không cần đến đức Dũng. Ðể cân bằng với Dũng, và để các năng đức có "người tính" hơn, ta phải trau dồi lòng Nhân. Cùng lúc, để sự thực và lẽ phải thế nào, quyết nhìn nhận và sống theo như thế, ta lại phải có đức Thành. Nhờ Thành, chúng ta cũng hiểu được Ðạo, cả về nguyên tắc lẫn thực hành, và đó là Trí (hay Minh) và Phân định (diakrisis, discernement). Ðạo sáng lên, thì tôi cũng thấy Ðạo vững ở Trung, và đây là Trung dung, nguyên tắc để sống mỗi năng đức, bằng cách tránh thái quá và bất cập, bằng cách hòa hợp những đức nghịch nhau trong đối xứng.

* * *

Trong tu đức, đang khi xây móng, cùng lúc ta có thể xây nhà. Miễn là hồi đầu, phải quan tâm nhiều đến móng. Thật ra, những đức làm chân móng cũng là thành phần trong ngôi nhà nữa.

Với mỗi nhân cách, đạo đức phải làm thành một biệt thự duy nhất, nên cần một yếu tố để thống nhất căn hộ này. Viên đá đỉnh vòm (clef de vouâte) ấy chỉ có thể là Nhân, theo đức Khổng nhận định:

— Quân tử thể Nhân, túc dĩ trưởng nhân (Kinh Dịch, Văn ngôn truyện).

Lấy Nhân làm căn bản, thế là đủ để lớn vững như một con người. Và Trần trọng Kim kết luận: "Vậy Nhân là đầu các điều thiện, chủ bồi dưỡng sự Sinh của trời đất", "Nhân lại là cái thể yên lặng như núi, bao nhiêu đức khác đều bởi đó mà sinh ra, khác nào như các thứ cây cối đều mọc lên cả trên núi" (Nho giáo I, tr.44 và 46).

Thực ra, Nhân có hai nghĩa: bản tính lý tưởng của con người và tình cảm thân thiện với loài người. Nhưng để sống xứng như một người (lý tưởng), thì trước tiên, lại phải lấy thân ái với người làm cốt. Nên, xét cho cùng, "chữ Nhân vẫn hàm cả cái chữ Ái", nên "Nhân thì có nhiều tình cảm rất hậu, đối với vạn vật không bao giờ là không có hậu tình" (Nho giáo I, tr.46), nghĩa là vừa yêu người, coi mọi người như anh em, vừa mở rộng lòng đến với toàn chúng sinh và vạn vật.

Vậy trong thực hành tu đức, ta phải suy nghĩ nhiều về đức Nhân nó là nền tảng và trung tâm của tòa nhà thiêng liêng. Ta hãy quan tâm đến người khác, tỏ ra quý mến họ và hết lòng phục vụ họ. Và trong lúc chu toàn các nghĩa vụ cũng như thực thi các năng đức khác, ta hãy quy chiếu hết về con người, để khi phải chọn giữa một bên là phận sự hay luật lệ, bên kia là hạnh phúc của anh chị em, ta hãy nghiêng về vế sau, dù ít nhiều phải hy sinh vế trước. Thí dụ, thay vì giữ luật ngày Chúa nhật, ta sẵn sàng bỏ lễ vì một việc bác ái cần gấp.

Nếu trong đạo tự nhiên, Khổng tử lấy Nhân làm gốc, thì trong đạo siêu nhiên, Tân ước cũng lấy Ái làm sườn. Suy nghĩ trong niềm tin, thánh Yoan gọi Thiên Chúa là Yêu thương, và thánh Phaolô coi đức Ái là gốc ngọn mọi năng đức. Về đức Ái này và vị trí của nó trong đời sống thiêng liêng, chúng ta sẽ bàn đến ở phần B, cuối chương 11.

* * *

Thống nhất trong đức Nhân là phối hợp mỗi đức với đức Nhân, bằng cách thấm nhiễm các đức như trực, liêm, tiết, nghĩa, v.v. bởi hương vị ngọt ngào của nhân ái. Chẳng những mỗi đức phải dung hòa với Nhân, mà các đức còn phải phối hợp với nhau, thường thì từng đôi một để mài trơn cho nhau những góc cạnh quá sắc.

Nguyên tắc chính để phối hợp, thiết tưởng là Bù trừ âm dương: bù trừ cho nhau những đức tuy nghịch chiều nhưng đối xứng. Và đây là mềm với cứng, chủ động với thụ động, hướng ngoại với hướng trong, v.v...

Trước khi thử làm những phối hợp cụ thể, chúng ta hãy lập danh sách những năng đức chính và sắp chúng thành âm dương từng loại.

Trong số các đức quen thuộc trong Khổng giáo, chúng ta đã thấy Thành, Nhân, Dũng, Trí, Trung dung. Và cũng đã gặp Cung, Khoan, Mẫn, Tín, Huệ. Ðức Khổng còn nói đến Nghĩa, Khiêm, Kiệm, Tiết và Trực, Trung, Hiếu, Thứ.

Cung, đó là kính người ở bên trong và lễ độ ở bên ngoài. Khoan là thái độ bao dung, dễ thứ tha và chậm trách cứ. Tín là cẩn trọng trong lời nói và giữ lời mình. Mẫn là hăng say với công việc và Huệ là rộng rãi trong thi ân.

Với Nghĩa, người ta hết lòng vì bổn phận và lẽ phải. Hơn thế, còn quảng đại như đạo người đòi hỏi. Do đó, hễ Nghĩa thì vươn tới Hiệp, hễ thấy bất bình là quên mình cứu vớt, dù không có phận sự ấy.

Nếu Nghĩa lấy Lý làm chuẩn, thì Nhân lấy Tình làm kim chỉ nam. Ðối xử theo Nhân Nghĩa thì phải phân biệt trên dưới và thân sơ, do đó chia ra Trung, Hiếu, Ðễ, nghĩa Chi lan, lòng ái quốc, tình đồng loại,v.v... Thiên Chúa vốn "cao hơn chỗ cao nhất của tôi", nên xứng để tôi tận trung báo đáp. Ngài cũng là gốc nguồn mọi phụ mẫu tính (Phaolô), nên xứng cho tôi báo hiếu hết lòng, Ngài còn "sâu hơn chỗ sâu nhất của tôi" nữa, nên tôi phải yêu Ngài "hết tâm hồn, hết sức..." Chúa là Yêu thương (Yoan) do bản chất, nên trong Chúa, các tương quan như vợ chồng, bè bạn đều trở nên thiêng liêng; và trong Ngài mọc lên những tương quan mới, như tình thủ túc giữa những ai thuộc Huyền thân Chúa Cứu thế.

Tương quan giữa những con người "linh ư vạn vật" phải là nghĩa tình hằng cửu. Sự thủy chung này nói lên khía cạnh vượt thời gian kia. Nên sự phản bội và những ân ái một đêm chỉ đưa ta xuống ngang tầm súc vật.

Trong liên đới với Thiên Chúa và loài người, cần đến đức Khiêm và niềm tin nữa. Ðối diện Thiên Chúa, với tôi Khiêm là nền tảng của quy thuận, là chính sự quy thuận trong ý nghĩ thánh Ignace de Loyola (Thần Thao, Ba cấp khiêm nhường - trong tuần II). Còn thánh Augustin thì xin được biết Chúa để yêu Chúa, biết mình để coi thường mình. Vâng, Thiên Chúa là Tất cả, và tự mình, tôi chẳng là gì cả. Vì chỉ nhờ Ngài và dựa vào Ngài, tôi mới thành được tí ti cái gì. Nhìn ra sự thật ấy là Khiêm vậy. Thường thì tôi chỉ kiêu khi sánh mình với kẻ khác. Nhưng nếu coi như có Chúa trong anh em, làm sao tôi kiêu nổi nữa đây? Ðức Khiêm rất quan trọng trong Kytô-giáo, quan trọng như một nền tảng, vì nó đặt tôi vào đúng vị trí của tôi trước Thiên Chúa, đặt tôi vào đúng chỗ hư không của mình, nhờ đó tôi ở vào vị thế có thể tiếp nhận ân sủng, và ơn ấy sẽ đổ xuống dồi dào, trong đó có ơn Chúa tự mạc khải với tâm hồn tôi:

— Con ca tụng Cha, Chúa trời đất, vì đã giấu không cho kẻ trí giả và thông minh biết, mà lại mạc khải điều ấy cho kẻ thật bé nhỏ (Mt. 11.25).

Vì Chúa là Tất cả, Ngài lại biết hết và làm gì cũng được, nên tôi chỉ cần bé lại một tí, và tôi hãy tin tưởng hoàn toàn vào Ngài. Ðức tin, đó là nền tảng thứ nhất của tòa nhà thiêng liêng Kytô-giáo. Tin được vào Thiên Chúa, tôi cũng tin được vào anh chị em tôi. Vì theo cha Rahner, Chúa là đảm bảo cho niềm tin thứ hai này. Chúa sâu hơn cả chiều sâu của tôi, lẫn của anh chị em tôi, nên can thiệp được vào quyết định, vào tương lai của tất cả. Nhất là khi Ngài đã đổ máu để cải hóa mỗi người và hiệp nhất chúng tôi.

Liên quan đến bản thân, còn những đức như Trực, Liêm, Kiệm, Tiết. Trực là giữ cái tâm ngay thẳng, cái ý rất thành, việc đáng nói đáng làm thì nhất quyết làm, không màng tư lợi, chẳng vị người thân, chẳng nể gì cả. Kẻ liêm là kẻ trong sạch, không tham lam. Kẻ kiệm thì tránh hoang phí. Còn kẻ tiết biết kiềm chế những ham muốn quá đáng, như ăn uống và sắc dục (Khổng Tử còn nói tới Trung và Thứ. Trung là hết lòng với người. Thứ là coi người như mình vậy. Nên đây chẳng qua là cách và mức độ sống đức Nhân).

Như thế, luân lý Khổng Mạnh xem như phủ trọn địa hạt luân lý tự nhiên. Cả công bình được nhấn mạnh trong luân lý học Hy-La cũng có thể xếp vào Chính trực. Còn luân lý Kytô-giáo? Nó không đi ra ngoài luân lý tự nhiên, nhưng được đẩy vượt cao hẳn và được Tín-Vọng-Ái thấm nhiễm. Cả những đức xuất phát từ đức Ái và Thần khí, mà Phaolô nhắc đến trong 1 Cor.13.4 và Gal.5.22, như kiên nhẫn, khoan dung, vô vị lợi, cũng được đề cập tới trong luân lý tự nhiên rồi.

* * *

Sau khi đã liệt kê những đức chính, chúng ta có thể xếp loại chúng theo đối xứng âm dương.

Cương, ta có trực, liêm, dũng, nghĩa. Nhu, ta có khoan, nhân, từ, huệ. Như thế, cương thường thiên về lý, và nhu thiên về tình.

Chủ động hay tích cực, ta có tín, huệ, nghĩa hiệp, phục vụ. Thụ động hay tiêu cực, ta có khiêm nhường, nhẫn chịu, từ bỏ, tin tưởng, vâng lời.

Hướng về bản thân, thì có liêm khiết, thanh bần, trong trắng. Hướng về tha nhân, thì có cung, tín, ái, tinh thần cộng đồng, v.v...

Nói đến dung hợp từng đôi, phải chăng là cứ mỗi bên một nửa?

Xét theo bẩm chất, có người thiên về lý, kẻ ngả về tình, cũng như có mẫu người hướng nội và mẫu người hướng ngoại... Hễ đã bẩm sinh, thì không cởi bỏ nổi. Chỉ có thể nương theo khuynh hướng mà giáo dục thôi. Có điều đang khi luyện đức cương chả hạn, phần nào cũng phải luyện thêm đức nhu đối xứng để nó mài trơn cho những chỗ gồ ghề của bẩm chất.

Quả thật, kẻ sống theo lý và ý chí thì dễ kiêu, nên phải cố đơn sơ và tình cảm một tí, thì mới khiêm nhường và tâm an được. Trái lại, kẻ duy tình thì chủ quan và thiếu dứt khoát, nên cũng phải bổ khuyết bằng sự ngay thẳng và tinh thần khách quan. Mặt khác, nếu kẻ hướng nội (introversif) cần quan tâm hơn đến tha nhân và công việc, thì kẻ hiếu động nên thêm thì giờ cho việc cầu nguyện và suy tư.

Cụ thể hơn nữa, một tinh thần kỷ luật và nhiệm vụ cao luôn phải được pha chế với khoan dung để dễ tha cho người khác những yếu đuối nhất thời, cũng như để nhẫn nại chờ đợi, sao cho sự trách phạt diễn ra vào thời điểm tốt nhất cho cải hóa. Có điều, đừng khoan đến nhắm mắt làm ngơ, và đừng hiền khi thuốc đắng cần cho con bệnh. Lý và tình thường luôn phải đi đôi, nhưng gia giảm thế nào thì phải tùy hoàn cảnh, tùy người.

Hễ có tình là phải có quyến luyến. Bởi thế, quyến luyến tự nó chẳng có gì xấu cả. Có điều nó dễ sinh vấn vương và ràng buộc, và đây là trở lực cho hoạt động Thần khí hứng đâu thổi đấy trong ta. Nên tình càng sâu, siêu thoát càng phải lớn mới cân bằng nổi. Ngược lại, nếu chỉ siêu thoát và từ bỏ suông, thì tâm hồn cũng khô cằn, và công việc do thiếu hăng say về phía ta, sẽ không được quan tâm đủ, khiến giảm hiệu năng. Vậy để siêu thoát khỏi thành thái độ dửng dưng và vô tình, thì ta lại phải cân bằng nó với yêu thương và nhập cuộc. Sự dung hợp ấy sẽ thành dễ dàng nếu ta có thể yêu trong Chúa và vào đời với Chúa.

Nên thánh tự mình là điều cần thiết. Nhưng nếu cảm thấy là do mình, hẳn ta tự mãn, tự kiêu. Nhất là khi ta dùng các kỹ thuật như Thiền, Yoga và luyện các đức chủ động, cương dũng. Khi ấy, một vài sai sót nhất thời và những giọt lệ yếu mềm lắm khi lại là liều thuốc hạ nhiệt rất tốt để ta thấy mình hiền dịu hơn, cần đến Chúa và người khác hơn.

Quả thật, không nên khinh thường những đức xem như yếu đuối và thụ động. Chúng là khối dằn (lest) cần thiết cho những chiều cao khỏi lật nghiêng. Một nhà thần học chả hạn, quá quen với lý nên do lý mà được bơm căng và sấy khô. Những khi ấy, ông hãy quỳ xuống trước tượng Ðức Trinh Vương và quỳ bên những tín đồ chất phác, và ông sẽ êm dịu lại, trở nên đơn sơ và hạnh phúc hơn.

Nhưng cũng đừng ai sùng đạo kiểu ướt át và mụ mẫm quá, đến nỗi thờ đức Maria, thánh Yuse, An tôn, Vinh sơn như những vị thần bên Chúa thay vì trong Chúa, đồng thời lấy số kinh đọc để đo độ cầu nguyện, và lấy lượng cảm xúc để đánh giá chiều cao lành thánh của mình.

Mặt khác, cũng đừng đạo đức thuần tiêu cực. Anh dễ chịu đựng (résigné) ư? Nên biến sự nhẫn chịu ấy thành hy sinh. Hy sinh không chịu khổ vì sự khổ (khuynh hướng tự khổ, masochisme) hay một cách thụ động. Vì hy sinh bao giờ cũng nhắm một mục đích tích cực: vì hạnh phúc của người khác, để chia sẻ thánh giá của Chúa và gánh nặng của người thân!

TÓM LẠI

Ðạo đức dù Kytô-giáo cũng là đạo đức, nên hoạt động một phần theo quy luật đạo đức nói chung. Trước hết, nó cần một nền tảng, và nền tảng ấy là Thành-Dũng-Nhân theo Khổng học.

Thành cốt yếu là Thành với mình, với lương tri của mình. Hễ Thành thì lương tri trong sáng và Ðạo hiển rõ, và đây là Trí (Minh) và Phân định.

Dũng cần trong tu đức là Dũng để tự chủ, nhờ đó thắng mình và sửa mình. Dũng thiên về cương và hướng về nghĩa vụ, nên để Ðạo có tính người, ta phải thêm đức Nhân. Ðể luyện đức Nhân thì cũng phải hiếu sinh, đồng thời tránh tư kỷ và khép kín.

Thành-Dũng-Nhân vừa là nền, vừa là thành phần của chính ngôi nhà đạo đức. Ðể thống nhất như một ngôi nhà, phải quy chiếu mọi đức vào Nhân, vào đức Ái của Chúa. Ðồng thời phối hợp những đức âm dương đối xứng từng đôi một: mềm với cứng, thụ động với chủ động, v.v., để chúng mài trơn cho nhau những chỗ sắc cạnh, su si.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page