Những gì nói ở chương trước cho thấy rõ sự song hành của các tiến trình tâm lý, luân lý và thiêng liêng. Trưởng thành (maturité) là một thực tại ba mặt, ba mặt tuy phân biệt mà vẫn bắt rễ sang nhau, đến nỗi dù nói một, hầu như cũng là nói chung cho ba đấy. Và cũng thế, tiến một mặt là tiến mọi mặt, với sai số thường không đáng kể.
Trong ba địa hạt nói trên, nền tảng nhất hẳn là tâm lý. Dù có lớn lên về đạo đức, thiêng liêng, sức lớn ấy cũng là của tâm hồn. Mà tâm hồn thì lớn lên từ chính nền tảng năng động của mình: hệ tâm lý. Vậy nếu không có trưởng thành tâm lý, do đó không có hội nhất các chức năng và sức mạnh nội tâm, thì không thể có một đạo đức vững, đạo đức thực. Cho nên để nên thánh, việc tiên quyết là phải đổ cho chắc chân móng ấy đã, nghĩa là rèn luyện tư cách và nhân cách.
Tư cách (caractère) nói lên ở đây thái độ và cách ứng xử tương đối ổn định của một người, do chính người ấy, bằng ý chí và thói quen, đã tạo nên. Một con người mà khuynh hướng và cơ năng tâm lý đã thống nhất hết để làm nên con người như thế, chứ không thế khác; con người ấy là một nhân cách (personnalité). Nhân cách là bản vị (bản vị tâm lý, chứ không phải hữu thể học) mà tư cách làm nên, tư cách tỏ lộ ra. Con người có tư cách là một pháo đài vững chắc, đáng kính nể và kiêng nể.
Con người ấy đã tự mình làm nên mình, con người Chính mình, độc đáo, không phải sản phẩm hàng loạt, cũng không phải "bầy đàn" do ngoại cảnh hun đúc, do đám đông lôi theo, một con số giữa đám đông ấy.
Người kiểu "bầy đàn" chẳng xứng là người, mà là cừu thôi. Giáo dục xưa nhấn mạnh quá vào tùng phục (bằng thứ tùng phục mù quáng) và đồng bộ, nên tự nó không làm nên những nhân cách, những vị tướng, những kẻ đi đầu.
Một cơ quân dĩ nhiên không cần nhiều tướng lãnh. Nhưng trên mặt trận bên trong, chỉ có mình là tướng của riêng mình. Nên ngoài thứ đạo đức bản thân (personnelle), sẽ không vững một đạo đức. Cả cha Rahner cũng khuyến khích thứ đạo đức riêng mình này. Trong một nhóm thụ giáo, chỉ cần một kỷ luật chung vừa đủ, để mỗi thành viên còn chỗ tự tạo một kỷ luật riêng với sự góp ý của người hướng dẫn. Mỗi thiếu niên cũng phải tập suy nghĩ tự mình và đánh giá tự mình dựa trên những nguyên tắc tổng quát ai nấy đều chấp nhận.
Nói như thế không có ý khuyến khích sự lập dị đâu. Lập dị (singulier) không đồng nghĩa với độc đáo (original), mà còn nghịch nghĩa nữa. Vì độc đáo nhắm cái chính mình (soi-même), còn lập dị nhắm cái khác người (Muốn gì khác với thông thường, mới dễ đi đến khám phá. Nhưng nếu muốn khác người chỉ vì mặc cảm hay tự kiêu, thì đó là điều xấu và có hại cho tương giao). Hơn thế, độc đáo nói lên chiều sâu của con người, trong khi lập dị chỉ cốt bề mặt thôi.
Nói như thế cũng không khuyến khích sự khép kín, cách ly. Vì đạo đức bản thân là của con người trưởng thành, mà con người chỉ trưởng thành khi mở ra, và thoái hóa khi đóng lại. Mở ra không phải là thành y hệt xung quanh. Ðể mở ra phải là chính mình đã:
Quân tử hòa nhi
bất đồng,
Tiểu nhân đồng nhi bất hòa.
Ðồng (sao nguyên bản của tập thể) nói lên thái độ bầy đàn. Người quân tử, tuy uốn nắn mình để hòa hợp với người ("do thái với Do Thái, hy lạp với Hy Lạp"), nhưng vẫn nguyên là chính mình ở nền tảng. Không dễ gì tách khỏi tập thể và cưỡng lại sức ép dư luận. Thế nhưng để đạo đức chắc, đạo đức tự mình, chúng ta cần thứ can đảm ấy, can đảm để Bất đồng, và kế đó, can đảm để Hòa với.
Con người thật đạo đức cũng là con người có tư cách, mà có tư cách lại là người hội nhất (intégré) rồi. Hội nhất không phải vì các năng lượng bị cuốn theo cơn lốc của một loại dục vọng duy nhất, của một xung động bệnh hoạn nào đó thôi. Mà hội nhất vì các năng lượng và chức năng cùng hội hợp trong một hướng đi đã chọn, mà động cơ là một giá trị cao quý, mà đích nhắm là ích lợi thiêng liêng cho người và cho mình. Như thế, hội nhất tâm lý chỉ thành vững chắc nếu đi cùng chiều với một bản năng khác, và đó là sự hướng thiện. Vâng, một nhân cách hoàn bị phải bao trọn hai mặt: tâm lý và luân lý. Thế mà sống đạo đức thì phải lội ngược dòng, nên đòi một ý chí gang thép, một đức nhẫn bàn thạch cho một rèn luyện lâu dài và cam go.
Ðể tạo nên nhân cách, tạo chính mình, không thể không biết mình từ nền tảng.
(Về các yếu tố thành phần và tám khí chất, tôi dựa theo R. Le Senne, Traité de caractérologie, Paris, 1960).
Ðể xây dựng mình cho vững, thì phải xây dựng từ nền tảng. Nền tảng ấy có tính tâm lý, thậm chí tâm sinh lý. Thuở xưa bên Tây, người ta liên hệ khí chất (tempérament) với hoạt động của một số bộ phận cơ thể. Theo danh y Hippocrate, có bốn khí chất: máu, mật, mật đen và bạch huyết (flegme). Tâm lý học của thế kỷ XIX cũng phân loại gần y như thế. Và đó là: khí chất máu (sanguin), khí chất mật (bilieux, hay ưu tư, cáu kỉnh), khí chất bạch huyết (lymphatique) và khí chất thần kinh (nerveux, dễ kích thích).
Sau đó ít lâu, người ta bắt đầu đi tìm những nền tảng thuần tâm lý học, những yếu tố mà tổ hợp (combinaison) khác nhau hẳn sinh ra những khí chất khác nhau. Những yếu tố này, chính yếu có ba: Cảm (émotivité), Ðộng (activité) và Âm hưởng (retentissement). Mỗi yếu tố lại được phân đôi: hướng cảm và vô cảm, hướng động (ưa hành động) và bất động (hay hướng tĩnh), âm hưởng nổi và âm hưởng chìm.
Thật ra, người ta cảm (xúc) với độ nhạy và cường độ khác nhau, chứ chẳng ai vô cảm hoàn toàn. Về động cũng thế, có người hiếu động và có người ưa tĩnh, nhưng chẳng ai là không hành động nhiều ít, hướng động với nhiều mức độ khác nhau. Lại đối với kích động từ ngoài, tiếng vang vọng bên trong, ở người này thì thoáng qua, ở người kia sâu đậm, và giữa hai cực Nổi và cực Trầm ấy, có biết bao trung gian, khiến cho lắm kẻ Nổi hơn Trầm, lắm người Trầm hơn Nổi, chứ chẳng ai chỉ một trong hai. Vì thế, khi nói ai hướng cảm, hướng động và trầm, thì điều ấy chỉ có nghĩa: Cảm và Ðộng hơn mức bình thường, cũng như nghiêng về Trầm hơn là Nổi, có thế thôi.
Ðể gọn tiện, xin dùng những ký hiệu sau:
C: hướng Cảm
c: vô Cảm
Ð: hướng Ðộng
đ: hướng Tĩnh
T: âm hưởng Trầm
N: âm hưởng Nổi
CẢM (émotivité). Một biến cố, qua nhận thức, có thể chấn động guồng máy tâm linh (psychique), giải thoát một số năng lượng để làm thành: hoặc một căng động (tendance), hoặc một cảm xúc (émotion), hoặc cả hai. Nếu sức đổ hết vào hành động, thì cảm xúc không còn gì nuôi dưỡng, vừa chớm đã tàn ngay, đến nỗi không kịp ý thức. Ngược lại, nếu không thoát ra được bằng hành động, sức phản chấn sẽ dội đi dội lại bên trong, khả dĩ gây tổn thương cho tâm hệ (psukhê) hay tạng phủ. Ðối với người nhạy cảm nhưng âm hưởng nổi, thì cảm xúc có thể sục sôi, nhưng mau tàn. Chẳng những độ cảm xúc tăng theo độ hướng cảm của cá nhân, nó còn tùy thuộc vào điểm quan tâm (centre d'intérêt) của họ nữa. Nếu kích thích trung bình, mức quan tâm không lớn lắm, mà xúc động đã lớn rồi, thì đây là con người hướng cảm (émotif). Con người âm hưởng nổi thì mau cảm (nhạy cảm), nhưng không bền và sâu. Còn con người âm hưởng trầm thì cảm sâu nhưng không cảm ngay, nên bình tĩnh bề ngoài được.
ÐỘNG (activité). Nếu kẻ hướng cảm hướng về bên trong, hướng chủ quan, thì người hướng động lại hướng về bên ngoài, hướng đối tượng. Về một đối tượng mà hắn phải làm thành.
Nếu hướng cảm bị chi phối bởi đối tượng, thì hướng động lại thích khống chế đối tượng: họ chủ động, chứ không thụ động. Nên dấu hiệu của hướng động là càng gặp trở lực càng hăng vượt thắng, chứ không thối chí, chùn chân. Do bản chất, họ là cây cung giương sẵn, hễ có dịp là hành động. Vâng, cái đến từ ngoài chỉ là cơ hội thôi, chứ không phải nguyên nhân. Trái lại, kẻ hướng tĩnh cứ gặp cản trở là buông hành động liền. Họ thiếu ý chí và yếm thế, trong khi người hướng động thì giàu nghị lực và lạc quan.
Ở đây, cần phân biệt hành động do khí chất với hành động do các nguyên nhân khác. Có người vì cảm xúc mạnh quá mà nổ ra hành động. Lại có người hiếu sắc, ham ăn, nên "miệng đói thì đầu gối phải bò", thế thôi.
Nếu đã hướng cảm, lại hướng động luôn, thì anh sẽ cuốn đi với hành động. Anh là Con người hành động (homme d'action), và tham vọng anh thật lớn. Ngược lại, nếu hướng cảm, còn hướng tĩnh nữa, thì chị sẽ hướng nội (introversif, theo ý nghĩa tâm lý, chứ không phải thiêng liêng). Nhất là khi âm hưởng lại trầm.
Kẻ hướng động nhắm đích tới, chứ không kẹt ở đường đi. Họ luôn thay đổi để ứng phó, để vượt qua suối đèo. Họ kiên định (persévérant), chứ không cố chấp (entêté). Kẻ cố chấp không buông hành động, nếu không vì tự ái, thì cũng vì không thể đổi thay. Không thể đổi thay ư? Thế là họ thụ động, chứ không chủ động. Kẻ hướng tĩnh, ngậm thêm hướng cảm và âm hưởng nổi, thì dễ đổi, làm hay bỏ tùy hứng. Họ buồn vu vơ và có thái độ giả tạo.
ÂM HƯỞNG (retentissement). Một biến cố bên ngoài gây một tiếng vang bên trong qua trung gian của biểu tượng (représentation). Âm hưởng ấy, nơi người này mau đến mau qua, nơi người kia sâu dai, chậm chạp. Do đó, kẻ thì phản ứng tức khắc, người lại đắn đo hay thấm thía từ từ.
Những vang vọng nếu kéo dài sẽ chìm vào vô thức, và lần tới sẽ đeo thêm trọng lương vào ấn tượng mới, khiến cho kích động bên ngoài rút cuộc chỉ châm ngòi cho thùng thuốc giấu sẵn bên trong.
Theo Otto Gross giải thích, một tế bào nào đó làm công tác phản xạ đầu khi sản sinh một biểu tượng, và qua biểu tượng ấy gây một sức căng hóa học, do đó một đổ ập năng lượng mang tính hóa học. Ðó là chức năng sơ nhất (primaire) của não.
Chức năng nhị tiếp (secondaire) sẽ là bồi bổ hóa học cho tế bào đã bị tiêu hao do công tác sơ nhất. Tùy sự bồi bổ này mất ít hay nhiều thời gian, mà vận động của tế bào sẽ liên tục hay giật cục do những quãng đợi chờ. Trong trường hợp sau (giật cục), chỉ có những phản xạ kiểu sơ nhất nối đuôi nhau, nên dù mạnh cũng không có chiều sâu, không dai bền. Bằng như sức bồi bổ dồi dào khiến không quãng ngắt, thì sự vang vọng kéo dài sẽ đạt tới độ sâu nội tâm để tập hợp thêm biểu tượng, và qua đó, sức mạnh.
Ðiều Otto Gross nói có thể khá đúng về mặt hóa học. Nhưng hoạt động tâm lý đâu phải chỉ có mặt sinh hóa (biochimique). Nó còn mặt tâm lý với tác nhân tâm lý, quy luật tâm lý nữa chứ. Ấy là chưa kể ảnh hưởng của văn hóa, giáo dục cũng như tác động của ý chí tự do.
Về mặt tâm lý, khi một biến cố diễn ra, trong ta xuất hiện biểu tượng về biến cố ấy. Biểu tượng này gây một phản chấn. Phản chấn có thể vọt ngay thành hành động hay xúc cảm, và đó là âm hưởng nổi. Phản chấn có thể âm ỷ ở chiều sâu — đôi khi đạt tới vô thức —, ở đó nó tập hợp quanh mình một hệ thống những ý tưởng và ảnh tượng, cùng với từng chùm sóng năng lượng bám đeo theo. Cái sức mạnh này, tuy đến chậm, nhưng đến như một "légion" (đoàn quân). Nếu nó nổ thành hành động, thì gió bão ùn ùn không ngớt. Bằng như không thoát ra được bằng hành động, nó sẽ quật lại ông chủ bằng một sói buốt âm ỷ mang cảm tính (affective).
Như thế, người âm hưởng nổi (chức năng sơ nhất) sống với hiện tại và đổi thay theo bên ngoài. Còn người âm hưởng chìm (trầm) sống mạnh từ quá khứ, nên trung thành và kiên định. Có điều, nặng về quá khứ, họ dễ sính quá khứ và trở thành bảo thủ trừ phi cố hướng về tương lai. Cát thì viết dễ và viết rõ, nhưng lại mau mờ. Ðá thì khó tạc, nhưng điều đã tạc hẳn "trơ gan cùng tuế nguyệt".
Về mặt đức hạnh, con người ứng Nổi dễ đổi thay và nhẹ dạ, vì sống với hiện tại nên khó chống cám dỗ, lại vô kỷ luật và ham ăn chơi, tìm sướng khoái. Trái lại, kẻ ứng Trầm dễ đi vào khổ hạnh và hy sinh, nội tâm kết thành khối vững, tư tưởng có hệ thống và tính thích ngăn nắp. Nếu lý trí phát triển, họ dễ đánh giá khách quan. Có điều họ khó quên hận thù cũng như khó nguôi đau khổ. Ðàng khác, không dễ gì họ bỏ được thói quen và thành kiến.
Nếu đã trầm, lại hướng cảm và hướng tĩnh nữa, người ta sẽ thành hướng nội và thích hợp với đời sống suy chiêm, đan tu.
NHỮNG YẾU TỐ KHÁC. Ngoài ba yếu tố chính yếu trên, các nhà tâm lý học nêu thêm mấy yếu tố phụ nữa, và đó là: độ lớn ý thức trường, óc tổng hợp hay phân tích, sự hướng thân hay hướng tha, khuynh hướng chủ chốt, và cấu trúc tâm lý.
a) độ lớn ý thức trường
Ý thức có thể tập trung vào một điểm nhỏ: trí hẹp; hay tản mát giữa nhiều ấn tượng khác nhau: trí rộng. Ðằng thì có sức, đằng lại có không gian; đằng thì nhìn gần, đằng lại tập trung không đủ. Dĩ nhiên trong trường hợp khẩn bách, thì ai mà chả tập trung. Chỉ lúc bình thường, cách nhìn mới dễ thấy khác nhau do khác ở tầm nhìn. Người ý thức hẹp, như con ngựa che mắt chỉ nhìn thấy phía trước, nên cứng nhắc trong suy, cảm, động, thành con người thành kiến, quá nguyên tắc. Kẻ rộng ý thức trường, ngược lại, cứ lang thang từ biểu tượng này sang biểu tượng kia, mà chẳng biểu tượng nào làm con chủ bài nổi. Thiếu tập trung, thì yếu quyết định. Bù lại, họ khéo luồn lách vì thấy nhiều lối đi mà chẳng vội chọn lối nào. Vì không ngả hẳn hướng nào, họ cũng chẳng va chạm ai, nhờ đó đôi khi được bầu làm bề trên hay trọng tài. Có điều, đây là thứ bề trên để hòa giải, không phải để hành động. Người ý thức rộng càng khó quyết định hơn nữa, nếu cùng với ý thức rộng, họ còn âm hưởng trầm và hướng tĩnh. Trái lại, nếu ý thức hẹp đi đôi với chức năng nổi, người ta dễ thành con mồi cho hưng cảm (manie) và định kiến (idée fixe).
b) Óc phân tích hay tổng hợp
Sự thông minh tăng trọng cho tư cách. Với thông minh, người ta thấy rõ, thấy đúng, thấy chính xác, bao quát và sâu hơn, nhờ đó bội tăng khả năng và sức mạnh.
Óc thông minh có thể nghiêng về tổng hợp hay phân tích. Óc phân tích nhìn ra cái Khác với, nên xoáy vào chi tiết, những thành phần tế vi. Còn óc tổng hợp, bằng trực giác nhìn ra cái Giống với, cái Toàn thể, nên thấy được cái mới từ những thành phần cũ.
Sự thông minh và học thức gia tăng khả năng hệ thống hóa cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, cùng với tính chặt chẽ và uẩn súc của lý luận, khiến cho chức năng trầm thêm trọng lượng rất nhiều.
c) hướng thân hay hướng tha
Ðây không phải là khuynh hướng luân lý của vị kỷ, vị tha.
Ít hay nhiều, ai nấy đều hướng tha và hướng thân, nhưng mặt này có thể lớn hơn mặt kia, đến nỗi lấn át nó. Nếu một trong hai yếu quá, sẽ có lệch lạc đến cập bờ bệnh hoạn, nhất là đối với kẻ hướng thân.
Sở dĩ hướng tha hay hướng thân tự nó chưa có tính luân lý, vì người hướng tha vẫn có thể dùng tha nhân như phương tiện khi mà, tuy bản chất hiếu nhân khiến họ dễ cảm thông, họ đã dùng thế thượng phong trong lãnh vực tình cảm để thống trị hoặc lợi dụng trong những trò chơi ác độc nhắm làm khổ.
Trái lại, người hướng thân tuy dễ ích kỷ, nhưng nếu lợi dụng được khuynh hướng ấy để tìm Chúa trong mình bằng cầu nguyện, suy chiêm, họ sẽ tiến tới một đời sống nội tâm phong phú. Có điều, họ cần tập hướng tha bằng cách quan tâm đến thế giới, đến người khổ đau hay tội lỗi.
d) khuynh hướng chủ chốt
Mỗi người có nhiều sở thích, khuynh hướng. Khi một khuynh hướng trội lên, nó có thể kéo các khuynh hướng kia theo để làm nên một luồng sức. Khuynh hướng chủ chốt này, khi gặp hướng động sẽ lớn thêm, và suy yếu khi gặp hướng tĩnh.
Trong giáo dục và tu thân, nên biết lợi dụng một khuynh hướng mạnh để bù vào chỗ yếu kém của một khuynh hướng khác. Nhất là tạo ra một điểm tụ nhân cách bằng sự kết hợp các khuynh hướng quanh một khuynh hướng chủ chốt, quanh một tham vọng cao cả.
e) cấu trúc tâm hệ (structure du psyché)
Âm hưởng trầm, hơn hay kém giữa người này với kẻ kia, là do các hình thái cấu trúc muôn mặt của tầng nền tâm hệ, khiến cho mỗi người có những hướng nhạy bén (thuận hay nghịch) không giống với người khác. Hướng nhạy bén khác nhau là do hệ thống hóa (systématisation) khác nhau. Nguyên nhân là cả bản tính lẫn văn hoá và giáo dục. Vậy đây có phần góp lớn của quá khứ: quá khứ cá nhân ở giáo dục và kinh nghiệm, quá khứ giống nòi ở bộ nhớ vô thức. Do đấy mà cách phản ứng bất thần của một người Việt không thể lẫn với của người Âu hay người Phi châu.
Ngoài những yếu tố phụ mà các tâm lý gia quen nói đến trên kia, thiết tưởng nên lưu ý đến hai yếu tố khác nữa: giới tính và tuổi tác.
-- Giới Tính
Người nam hướng động hơn, và người nữ hướng cảm hơn. Nghĩa là độ hướng động gia tăng với nam tính, và độ hướng cảm lớn thêm với nữ tính. Thế nhưng giới tính còn tràn xa hơn thế. Nó thấm nhiễm và biến đổi gần như hoàn toàn tâm hệ, khiến phản ứng nào cũng sặc mùi nam hay nữ. Và một phụ nữ, dù tính đàn ông đến đâu, trong những trường hợp cực cùng (extrême) và bất ngờ, sẽ để lộ ngay nguyên hình giống phái. Và với đàn ông nữ tính cũng thế, trừ phi bộ phâïn sinh dục biến đổi nghiêm trọng.
-- Tuổi Tác
Tuổi tác ảnh hưởng đến ba yếu tố nền tảng. Người trẻ thường năng động và người già cầu an. Người trẻ dù chức năng nổi đến đâu, khi già cũng trầm đi khá nhiều. Người già cũng dễ xúc cảm nữa.
Từ ba thành phần nền tảng: Cảm, Ðộng, Âm hưởng, tâm lý học phân ra 8 khí chất chính yếu từ 8 tổ hợp của những yếu tố ấy: Và đó là:
CđN gọi theo đặc
điểm chính, là Sôi nổi
(nerveux)
CÐN gọi theo đặc điểm
chính, là Nóng vội (colérique)
CđT gọi theo đặc điểm
chính, là Tình cảm (sentimental)
CÐT gọi theo đặc điểm
chính, là Ðam mê (passionné)
cÐN gọi theo đặc điểm
chính, là Lanh động (sanguin)
cÐT gọi theo đặc điểm
chính, là Lỳ lạnh (flegmatique)
cđN gọi theo đặc điểm
chính, là Ươn ưởi
(amorphe)
cđT gọi theo đặc điểm
chính, là Quán định (apathique)
1. SÔI NỔI (nerveux): C đ N
Ðúng là sôi, sôi sục (impétueux) ấy. Nhưng lại nổi, tức nông cạn, không sâu rễ, nên cũng chẳng bền. Vì tuy hướng cảm, nhưng cảm ngưng ở bề mặt, gần như không vang vọng tới tầng hầm của những kết cấu do quá khứ. Vậy chỉ có kích thích từ ngoài là nguyên nhân của xúc cảm thôi. Ðể rồi kích thích hết, ngọn lửa cũng tàn theo. Ðể rồi, với một kích thích khác, cảm xúc lại đổi chiều. Con người của hiện tại, một con người dễ đổi thay, khó kiên trì và thiếu chung thủy. Vừa thích đấy, đã chán ngay, thích thì thích đáo để, mà ghét cũng mau nữa. Vui thì thật ồn ào, mà buồn thì ỉu xìu. Vì hướng tĩnh, nên năng lượng, bị bít nẻo căng động (tendance) sẽ dồn cho cảm xúc. Do đó mà sục sôi (impulsif). Có điều nếu sôi qúa, có thể xì ra qua nắp an toàn thành hành động. Sôi sục khi ấy sẽ là sục sôi phản ứng (impulsion réactive), nên đây là người thụ động. Khác với sục sôi nổ bung (impulsion explosive), không do kích thích từ ngoài cho bằng do thùng thuốc chất sẵn bên trong, ở tầng chìm (chức năng T), khiến kích thích chỉ làm công tác châm ngòi, một điều kiện hay cơ hội thôi.
Con người không kết cấu bề sâu, không được hướng dẫn bởi suy tư và đánh giá khách quan theo nguyên tắc, nên đây là con người vị kỷ, ưa cái dễ dàng, tìm những thỏa mãn hiện tại, do đó thích mốt, khoái cờ bạc, ma túy, khoái thú vui nhục dục. Vâng, đây không phải con người phù hợp với đời sống kỷ luật và khổ hạnh đâu. Có điều, thiếu bề sâu, anh cũng thiếu thâm căn cho sự ác. Vì thế, lắm kẻ dối trá mà không gian hiểm, hay khoe khoang mà chẳng kiêu căng, làm ầm lên đấy mà chẳng hại người bao giờ.
Vì hướng tĩnh, lại cảm mạnh, nên nếu năng lượng dồn quá vào cảm xúc mà không phát tiết ra hành động được, năng lượng ấy sẽ tàn phá bên trong, thậm chí nhờ tưởng tượng, nó biến thành một sức mạnh tà quái, khiến đương sự mê thích cái rùng rợn, chết chóc, tà độc, đê hèn, và đây là cơn lốc nó xoáy về hư vô.
Tĩnh, nhưng Cảm và Nổi, người sôi nổi tuy vẫn động mà không hành động. Người hành động nhắm tác phẩm, còn y chỉ nhắm cảm giác và sự thay đổi ở hành động thôi. Ðể sướng khoái, y không cần thực tại khi mà tưởng tượng đủ sức cung cấp cho y cái để hưởng. Y dễ thành thi sỹ, nghệ sỹ nhờ cảm xúc mạnh và tưởng tượng phong phú, cũng như nhờ độ nhạy cảm lớn do chức năng nổi của mình.
Do tính khí, con người sôi nổi có nhiều nguy cơ trụy lạc. Y phải cố gắng nhiều mới có thể tự chủ. Bằng khép mình vào kỷ luật mà y vốn không ưa. Bằng tập cân nhắc, suy tư mà y không sở trường. Y có thể lợi dụng ưu điểm ở hướng cảm và tưởng tượng phong phú để đi vào suy chiêm cảm tính (méditation affective) về hành động của những nhân vật cụ thể, như Chúa Yêsu, Ðức Mẹ... Bằng tình yêu siêu nhiên do đó và với ơn Chúa, y có thể làm được cái mà tự tính khí y không làm nổi.
2. NÓNG VỘI (COLÉRIQUE): C Ð N
Hướng cảm tăng sức cho hướng động, nên CÐ là con người sục sôi hành động. Cũng là con người đầy sức sống và ham sống, do đó dễ diễn đạt, nói năng, cũng như thích ăn uống và giầu nhục dục. Vì vui tính và thích người, nên tính tình chị hăng nồng, dễ cảm thông, mau giúp đỡ. Sự thiện cảm phát lộ trên gương mặt, khiến chị coi dễ thương, thành người lôi cuốn mọi người.
CÐ nhưng chức năng Nổi, anh thành kẻ hướng ngoại (extraversif), nhanh trí và tháo vát. Có điều hành động vội vã, mong kết quả ngay. Do nhu cầu hành động, chưa xong việc này, anh đã bắt đầu việc khác. Thiếu chức năng Trầm, nên cũng thiếu ăn khớp, yếu kế hoạch; lại hướng về những chương trình ngắn hạn hơn là chương trình đại quy mô, có chiều dài thời gian và bề xa đích nhắm. Sự sôi sục, nóng vội dễ biến anh thành người của những cuộc nổi loạn, biểu tình.
Nhạy cảm, thêm hướng ngoại, anh là người nói nhiều, nói giỏi, nói mạnh, nói phóng đại và đầy sức thuyết phục. Anh thích phiêu lưu và hành động táo bạo, nên khi cuộc sống không cung cấp đủ, anh tìm bù trừ bằng cách viết tiểu thuyết loại giật gân.
Ưu điểm của khí chất này là ở CÐ, nhưng khuyết điểm là do N. Vậy cứu cánh là ở chức năng Trầm mà cả anh và chị phải dựa vào dù nó quá yếu. Nghĩa là phải gắng hướng nội, suy tư để đặt mỗi yếu tố vào chỗ đứng phải có của nó trong một hệ thống hay kế hoạch. Và trước khi hành động, phải tính hành động sao cho có mức độ và trung dung.
3. TÌNH CẢM (sentimental): C đ T
Hướng bất động (đ) gặp C sẽ đưa cảm xúc dội ngược vào trong. Vang vọng càng sâu xa với T nét đậm. Ðây là con người sống bằng nội tâm, nhưng chưa phải theo ý nghĩa thiêng liêng của nó. Họ hướng về mình như một chủ thể, và họ phong phú ở bề sâu, trong suy tư, tưởng tượng và tình cảm.
Tuy đây là con người tình cảm, nhưng vì bề sâu có sắp đặt (được hệ thống hóa do T), nên họ chỉ nhạy cảm tùy vấn đề thôi, nhất là nếu ý thức trường lại hẹp nữa.
Họ có nhu cầu yêu thương và được yêu thương, nên họ hiếu nhân và thành người tốt bụng.
Không ham hoạt động và dửng dưng với bên ngoài, họ ưa sống với mộng mơ và ít năng khiếu khoa học, kỹ thuật, kinh tế. Vì hướng tĩnh, nên họ cũng thiếu nghị lực. Họ là người nhút nhát và không mấy dứt khoát.
Không quan tâm đến ngoài và thiếu cái nhìn thực tiễn, họ là người ít thực tế, lại vụng về nữa. Họ dễ bị đả thương về mặt tình cảm, nên có khuynh hướng tự vệ và khép kín.
T sâu và C mạnh khiến họ hướng nhiều về tuyệt đối, nên dễ bất bình trước khuyết điểm xung quanh và ray rứt về sự thiếu xứng đáng của mình. Ý thức luân lý sâu nhưng không nghị lực thi hành, họ tìm thăng hoa trong nghệ thuật và tư tưởng.
Nhược điểm của người tình cảm là ở yếu tố đ. Họ phải dùng C và T để sửa lại chỗ yếu do đ gây nên. Dùng suy và chiêm để nuôi động cơ và cảm xúc, họ sẽ được thúc đẩy để hành động. Tính trầm buồn, họ hãy gieo mầm hưng phấn bằng ý tưởng nhập thể, phục sinh. Hướng về đau khổ của xung quanh, họ sẽ bớt bị gặm nhấm bởi đau riêng của chính mình, lại còn luyện được cho mình một tình thương bao la mà họ thừa khả năng vươn tới.
4. ÐAM MÊ (passionné): C Ð T
Ð hướng về đối tượng, về trần thế và xác thân; C hướng về tâm hồn, trong khi T hệ thống hóa tư tưởng và hội nhất các chức năng. C-Ð-T sẽ bội tăng sức lực cho nhau, khiến khí chất đam mê thành phong phú nhất, vững chắc nhất, từ đó vọt lên những con người làm lịch sử.
T điều hòa Ð, giúp đặt mỗi vấn đề vào trong toàn cảnh, giúp thấy nhanh, thấy rõ và thấy sâu: sự sắc nét của một cái nhìn. Ð nhờ T soi sáng hẳn tạo ra sự ngăn nắp và tinh thần độc lập.
Nhờ T xoáy thêm vào chiều sâu, C sẽ bốc bổng về hướng thiêng liêng. Nhờ CT nâng lên, Ð khỏi bị trọng lực ghì xuống, nên kẻ đam mê không phải là kẻ ham khoái lạc. Tuy Ð bơm nghị lực cho, nhưng CT hãm bớt lại, khiến kẻ đam mê không phải là kẻ can đảm nhất đứng trước nguy hiểm. Tuy T thiên về quá khứ, nhưng nhờ Ð anh vẫn phóng được về tương lai. Vì tương lai ấy mà tất cả tập trung trong cùng một hướng nhắm (visée), và đây là sức mạnh của một giòng thác, giòng ấy ổn định và vững bền.
Người đam mê là người dồn sức cho một đam mê thôi, nên hờ hững với những gì bên lề. Và tuy rất lý tưởng, họ là người thực tế. Họ không dừng ở mơ ước, vì điều ước mơ không thể họ không thực hiện. Tất cả cho thực hiện, nên họ sẵn sàng đập tan những gì cản lối, do đó dễ sinh tàn nhẫn.
Con người của hệ thống hóa, của kỷ luật, nhưng lại là con người của xúc cảm và sục sôi, anh vừa thích điều khiển, vừa có khiếu chỉ huy. Anh dễ kiêu đấy, nhưng không phô trương, không thích hào nhoáng.
Nặng về C, chị dễ thành sùng đạo. Thêm T vào, chị mực thước và đạo đức. Ðể rồi với Ð, lòng sùng đạo kia biến chị (hay anh) thành chiến sỹ tông đồ.
C khiến ta hướng về con người hơn là công việc. Nhưng với T, con người mà ta yêu có dạng lý tưởng và tổng quát hơn, nên mong muốn của ta là cải hóa xã hội. CÐT là những núi lửa đam mê, nó tạo thành những tham vọng lớn, tham vọng biến cải trần gian.
5. LỲ LẠNH (flegmatique): c Ð T
Nếu CN khiến bồng bột, sôi nổi, cởi mở, thì cT trái lại sẽ tạo nét lãnh đạm, kín đáo và khiến ít nói. Suy nghĩ chín chắn, đây là con người mực thước và nhìn rộng, thấy xa. Mặt không biến sắc trước nguy cơ, tim không đập dồn trước khiêu khích, anh là người can trường, vẻ thản như không.
Không có C lôi cuốn, lại được T sắp đặt ngăn nắp bên trong, anh là kẻ ưa trừu tượng, khách quan, con người của nguyên tắc, luật lệ và tập quán. Ít tình cảm, lại khách quan, anh không chú ý đến con người, mà chỉ quan tâm đến công việc. Anh cũng không ưa phù phiếm, lại là người tiết độ và nghiêng về tiết kiệm. Anh khá đúng giờ và dễ có năng khiếu toán. Vốn thẳng thắn và tính khí không thất thường, anh đáng được người xung quanh tín nhiệm.
6. LANH ÐỘNG (sanguin): c Ð N
Thiếu C, lại Nổi nữa, đây là con người hướng ra ngoài và căng về hành động. Hành động do nhu cầu và thiếu bề sâu, nên đây là kẻ hiếu động, tìm niềm vui ở hành động, và yêu thích thể thao. Thiếu sự phong phú nội tâm, nên khi không động được mà trở về với mình, y sẽ thấy trống trải và đơn côi khủng khiếp.
Con người của hiện tại và bên ngoài, y quan sát chính xác dù không sâu sắc, y quan hệ khéo léo nên giỏi xã giao. Tuy xã giao, nhưng y chẳng hiếu nhân vì thiếu C. Thiếu C, y ưa trừu tượng, khách quan, dễ có khiếu về khoa học thực nghiệm (không phải khoa học lý thuyết kiểu Einstein). Y chẳng ái quốc, cũng chẳng phải con người xã hội hay sùng đạo chi cả.
7. ƯƠN ƯỞI (amorphe): c đ N
C và Ð là hai sức bật duy nhất. Cho nên, yếu cả C lẫn Ð, con người sẽ không sức sống, không nghị lực. Một con người thụ động và trì hoãn, lưỡng lự và ươn lười, để hiện tại làm chủ do chức năng N. Không gì thúc bay lên, chỉ có khoái lạc lôi cuốn, người của trọng lực mà. Cảm tính yếu, thì cũng chẳng ái quốc, sùng đạo, chẳng lý tưởng cái chi chi.
8. QUÁN ÐIŒNH (apathique): c đ T
Không sức sống, lại chìm nghỉm trong T, đây là con người nô lệ cho quá khứ và thói quen. Thói quen riêng: tập quán; thói quen chung: phong tục. Và cuộc sống cứ lạnh lẽo trôi đi giữa hai bờ đê chán ngắt đó. Lỡ ra bị bứt khỏi môi trường sống quen thuộc, y sẽ mất phương hướng và buông xuôi một cách nguy hiểm.
Không sức để bật ra khỏi T, tầng chìm, y là con người khép kín. Khép kín trong căn phòng trống rỗng của lòng, y phải buồn, bằng một thứ buồn chịu đựng, thế thôi.
Không C, lại đeo những đặc điểm trên, y vừa không dễ mến, vừa chẳng thích giúp ai, lại khó làm hòa nữa. Cứng nhắc trong một ý tưởng, y là con người ương ương dở dở. Y cũng có khuynh hướng hà tiện và tàn nhẫn. Dù y có năng khiếu gì, năng khiếu ấy cũng giảm suy do cđ.
Nên nhớ, chẳng ai là không có C,Ð và T dù với cấp độ khác nhau, nên không hề có quán định thuần túy cũng như không có đam mê thuần túy, v.v. Anh hay chị đều là người của nhiều khí chất, với một hai khí chất nổi bật, thế thôi. Do đó, sau khi chia thành 8 khí chất chính rồi, người ta lại phân nhánh (subdiviser) chúng, thành Tình cảm nặng về chức năng Trầm..., Ðam mê bán sôi nổi..., Lỳ lạnh thuần túy hay lỳ lạnh cởi mở, v.v... Với những khí chất phong phú như Ðam mê, sự phân nhánh càng phức tạp hơn nhiều.
(Phần lớn dựa theo tác phẩm của Jung: "L'homme à la découverte de son âme", ed. Mont Blanc, Genève, 1962)
K. Jung không gọi Khí chất, mà dùng tiếng Mẫu người (types). Theo ông, có hai mẫu chính: hướng nội (introverti) và hướng ngoại (extraverti). Những mẫu ấy được kiến trúc trên bốn chức năng và ba yếu tố phụ hưởng.
A. BỐN CHỨC NĂNG (fonctions)
Ðó là trực giác, cảm giác (hay thụ giác), tình cảm và tư duy. Mỗi người có đủ bốn chức năng ấy và vận dụng chúng trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng mỗi người lại mạnh về một chức năng; và mạnh chức năng nào, họ sống theo chức năng ấy. Kẻ sống theo lý trí thích nghi cuộc sống với tư tưởng, kẻ sống tình cảm thì giao tế dễ; kẻ sống cảm giác thì quan sát giỏi...
Có điều tư tưởng thì trừu tượng nên lạnh lẽo, tình cảm dễ nghiêng lệch nhưng là hồn sống nội tâm. Nên một con người quá trí thức, đêm ngày dìm mình trong tư tưởng hay tù hãm trong la-bô (laboratoire), một lúc nào đó sẽ thấy cô đơn khủng khiếp, để rồi con quỷ Tình, mai phục sẵn trong mình, sẽ quật ngã ông trong phút giây: ông cảm thấy đờ đẫn, như bị ám bởi một sức mạnh tà thiêng nào đó.
Nếu con người tư duy phê phán theo các nguyên tắc của lý trí, thì con người tình cảm lại ngả theo giá trị (valeur). Nếu người sống lý trí dễ nghi ngờ, thì người tình cảm lại có cái yếu là cả tin. Nói chung thì người dễ tin, đến mù quáng trong niềm tin, thường thấp kém về mặt trí thức. Còn người đa nghi, không phải kiểu Tào Tháo, mà kiểu Descartes và tông đồ Tôma, lại là nhà bác học, thần học, v.v...
Người sống trực giác thì sống với cái bao la hơn là cái hiện thực trước mắt, và vượt hiện tại về hướng tương lai xa. Chức năng Trầm của họ có thể bắt tay với vô thức, khiến trực giác sẽ là tri giác (thấy trực tiếp, perception), nó như vọt ra từ vô thức, rất diệu kỳ. Vâng, đúng là từ vô thức, ở đấy diễn ra trong chớp nhoáng công tác hệ thống hóa và phối trí thông tin, thứ thông tin được tích góp từ ức triệu đời kinh nghiệm. Vì thế mới nói, kẻ sống trực giác sống trong cái bao la của không gian, trong cái vô tận của thời gian, không ý thức lắm về thực tại, khiến công việc này chưa xong, đã bỏ sang với những hy vọng mới. Sự thực của họ là cái Phải có, hơn là cái Hiện có đây. Cái Hiện có đây, đó là thực tại của mẫu người đối lập, người sống cảm giác.
B. BA YẾU TỐ PHỤ HƯỞNG:
— Ký ức. Quá khứ là căn bản để họ thẩm định tương lai và hiện tại.
— Những đóng góp chủ quan (còn trong vòng kiểm soát được). Tùy con người bên trong (của tôi) thế nào, mà tôi sẽ ưa hay ghét cái này hoặc cái kia, kiểu người này hay kiểu người khác.
— Những cảm xạ (affect). Ðây là những sức mạnh độc lập và quái dị, thường xuất hiện ở con người man dã, nguyên thủy, và đôi lúc vọt thình lình từ chính con người văn minh, vọt như tia chớp và chế ngự hoàn toàn. Những hoang tưởng (fantaisies) nào đó kết thành ấn tượng bất ngờ, thành thành kiến và đố kỵ, gây sợ hoảng, v.v...
C. HAI MẪU NGƯỜI:
Ðó là hướng nội (introverti, introversif) và hướng ngoại (extraverti, extraversif). Nói hướng nội hay hướng ngoại chỉ là nhắm cái khuynh hướng vượt trội trong hai, chứ chẳng ai hướng nội đến chẳng nghĩ gì ngoài mình, và đảo lại cũng đúng nữa. Chính vì thế, dù hướng ngoại đến đâu cũng suy chiêm được, và kẻ quen nghĩ đến mình vẫn có thể tập quan tâm đến người khác.
Theo Jung định nghĩa, thì người hướng nội nghiêng về chủ quan (subjectif), trong khi người hướng ngoại đánh giá cao khách thể. Và đấy là hai cách tiếp cận thiên nhiên, hai cách thích nghi với nó. Kẻ hướng ngoại thì tấn công và đắp xây ngoại vật, còn người hướng nội thì chịu đựng nó, nên có thái độ khép kín và thủ thế.
Người hướng ngoại quá sẽ tìm bù trừ trong một hướng ngã (chủ quan) vô thức và kỳ cục, bằng một quan tâm trên mức xứng đáng, hay bằng một thứ ưa thích (gout) trẻ nít chả hạn. Người hướng nội quá, vì lấy mình làm thước đo (chủ quan) cho tất cả, sẽ bị khách thể quật lại khi nó thành một sức ám ảnh. Thí dụ như, một lúc nào đó, bỗng nổi lên trong kẻ độc đoán một khát khao được yêu ghê gớm bởi chính kẻ mà hắn vẫn gò ép trong khuôn (Gần đây, thiên về sinh hóa, có người phân chia tính khí theo sự trội thăng của một trong ba chất dẫn truyền thần kinh: Dopamine (sôi nổi, thích mới), Sérotonine (hướng tĩnh), Norarénaline (tình cảm, hướng về đáp đền). Cũng gần đây, một số người Công Giáo Mỹ trở về với Cửu tính khí của cổ Afghanistan).
Khí chất không phải là định mệnh. Nó chỉ là nền tảng từ đó mình xây dựng mình. Nó chỉ là hướng gió mà buồm phải nương theo để vượt về phía muốn đến. Vậy phải biết khí chất mình để lựa đích nhắm, định đường đi. Và trước khi lên đường, cần kiểm tra then máy, sửa chỗ này, tăng cường cho chỗ kia, đề phòng trước những trục trặc có thể.
Biết khí chất mình, thật ra không dễ. Trở lực lớn nhất là tự ái. Do tự ái mà chủ quan. Ai chả mong muốn một khí chất phong phú nhất và từ chối những khí chất quá tầm thường. Thế mà ai lại không phảng phất vài đặc điểm của những khí chất mình mơ ước. Họ sẽ cố thổi phồng những nét ấy và lờ đi những nét không tốt. Vì thế, phải khách quan, và nhờ người khác nhận xét nữa.
Biết nền tảng khí chất rồi, phải dự phòng và chấn chỉnh.
Sao phải dự phòng, và dự phòng cái gì?
Biết đâu tôi đang ngồi trên một hỏa diẹâm sơn làm thành bởi khí chất và những gì đó thuộc tầng ngầm vô thức? Vì quả đôi lúc có những xung động vượt khỏi tầm kiểm soát của tôi. Ðây là những cơn giận đột ngột, những hoang tưởng như không nguyên do, những thành kiến hoặc ác cảm vô lối mà tôi không bỏ đi được. Có thể là do những cảm xạ (affect) từ vô thức phụt ngang ra. Có thể là do những ẩn ức kết tinh hồi thơ ấu. Cũng có thể do chính khí chất và cấu trúc tâm lý đó thôi. Một con người tình cảm, với sự gặp gỡ của C với đT, dễ đứng bên bờ của vực thẳm bệnh tâm thần. Chỉ cần một thoái hóa (dégénérescence) đáng kể hay một tai nạn nào đó. Những thử nghiệm cho thấy 25,6% loại hướng cảm có nguy cơ này, trong khi tỷ lệ ấy ở vô cảm chỉ là 9% thôi. Nói chi đến sự liên minh của hướng cảm với đ và T!
Người tình cảm là người dễ bị chấn thương nhất. Hướng cảm, mà do đ lại không thể thoát ra bằng hành động, do T bị gặm nhấm ở bề sâu, nên chỉ cần một lời chỉ trích từ phía người thân là có thể con tim xuyên suốt, chỉ cần một tai ương mình gây cho người do sơ ý là lương tâm hành hạ suốt đời. Vâng, người tình cảm là người ý thức sâu về luân lý, người thiếu nghị lực để làm theo đòi hỏi lương tâm, nên dễ mặc cảm và bối rối. Càng dễ bối rối khi mà phép Hối giải nặng về Xét và Xưng do thói quen trung cổ để lại, khiến đêm ngày lo không biết xả rác (bằng xét, xưng) đã sạch chưa.
Bệnh bối rối (scrupuleux) là bệnh rất khó chữa và phải chữa lâu ngày. Phần nào đã là bệnh hoạn, đã mấp mé trên bờ vực của mặc cảm tội lỗi, của suy nhược tâm thần (psychasthénie), nên cần trị gấp và cương quyết trị.
Kẻ bối rối vì tội nên bớt xưng tội. Họ hãy khách quan hóa trường hợp của mình, coi như của một người nào đó mà mình muốn giúp. Khách quan thấy thế nào, định khuyên họ ra sao, anh hãy làm đúng thế cho anh. Vì nguyên nhân bối rối tập trung nhiều ở T, nên hãy tự giải tỏa bằng cách quan tâm đến công việc, bằng cách giải trí, thể thao,v.v. Nhất là bằng cách phát triển lòng tin tưởng, phó thác.
Với kẻ siêu T, khuynh hướng tiết kiệm mạnh quá dễ đưa tới hà tiện, tiếc tiền. Phải lưu ý đứa trẻ ngay khi thấy triệu chứng ấy nơi nó, vì thứ bệnh này sẽ nặng hẳn lên vào lúc đời xế bóng và trở thành nan y. Với kẻ có khuynh hướng hoang phí, thì phải tập cho y làm sổ chi thu, ép y làm việc kiếm tiền để biết coi trọng đồng tiền. Còn ai nghiêng về dè xẻn lại phải bớt tính toán và tập ở rộng với người khác.
Nguy cơ còn có thể là nguy cơ tội ác. Không phải khí chất là nguyên nhân tội ác đâu. Nhưng nó có thể sinh ra những "hướng chiều" chúng là tác nhân (facteur). Quả thật, nếu siêu-T nhút nhát, thì siêu-N lại dễ làm liều. Y phải tập hãm thắng bằng cách "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói", đắn đo một phút hẵng hành động. Ðối với những quyết định quan trọng của đời, y phải sửa soạn bằng nguyện cầu và suy tư, thậm chí bằng tĩnh tâm nữa.
Ðối với ai nghiêng về ham muốn, ăn chơi, chỉ có thói quen khổ hạnh và "làm ngược" (agere contra) mới giúp trị được con ngựa bất kham ấy. "Agere contra", thích gì làm ngược ý thích đó, là phương châm sống mà thánh I-nhã (Ignace de Loyola) đề nghị với những ai muốn nên thánh và làm chủ mình. Thói quen sống đạm bạc và tiết độ cũng sói mòn những khuynh hướng như phóng túng và thỏa mãn nhục dục. Ði đôi với phương pháp hãm thắng ấy, phải có cách chuyển dòng cho nước nữa. Dòng nước là năng lượng tâm-sinh. Theo quy luật tâm lý, ta có thể giữ dòng mà chuyển hướng hay chuyển đối tượng. Vậy, thay vì thú vui nhục dục, hãy tìm tình yêu trong sáng; thay vì cờ bạc, hút sách, hãy đến với những đam mê thanh cao, như văn thơ, âm nhạc, hoạt động xã hội hoặc tông đồ. Vâng, phải tìm chỗ thoát cho những xối trào, chứ nếu chỉ kìm hãm xuông, thì dễ có bùng nổ.
Ðấy là dự phỏng. Và phần nào đã là chỉnh đốn. Phải chỉnh đốn vì thường có lệch nghiêng. Ðộ nghiêng có thể tăng theo với thời gian, và khi thành lệch lạc, thì sẽ mất ổn định, khó phát triển, dễ đi đến nghẽn tắc, thoái hóa.
Vậy, dù siêu Nổi hay siêu Trầm, dù siêu Cảm hay siêu Lãnh, siêu Tĩnh hay siêu Ðộng, tất cả đều có vấn đề. Người Ðộng quá hãy dùng CT để vững lại ở bề sâu; người Tĩnh quá hãy nổ kíp (amorce) C để giúp xe chuyển bánh. Trong khi ấy, người siêu-Nổi cần trụ lại bằng thói quen cân nhắc, suy tư, còn người nhút nhát do quá Trầm hãy cố phiêu lưu một tí (Vì phải thúc cho mình bạo lên bằng xúc cảm lớn, người nhút nhát dễ nóng lên bất ngờ, thành người "cục")...
Trên đây, mới chỉ là vệ sinh và chỉnh đốn. Bây giờ đến việc chính là Xây dựng: Từ nền tảng khí chất đã khám phá và dựa vào những đòn bẩy khí chất ấy, ta phải cải hóa mình thành người tốt, một thánh nhân theo kiểu mẫu phù hợp với khả năng của ta, nghĩa là tùy ơn gọi (vocation) của ta. Ðây là khai thác hết nguyên liệu, khai triển hết tiềm năng, hội nhất mọi yếu tố trong một tác phẩm độc đáo. Chỉ có thể hội nhất nhờ tập trung. Chỉ có thể tập trung trong một hướng nhắm (visée) nhờ một cái đích biết đặt ra và cố vươn tới: tôi có ý nói, một lý tưởng.
Lý tưởng vừa là đích nhắm, vừa là chân trời; còn định hướng cuộc đời là ơn gọi vậy. Tên Ơn gọi vì đây là ý Chúa. Tên định hướng vì đây là hướng nhắm hợp lý của tổng thể các tiềm năng và khuynh hướng nơi tôi. Ý Chúa (hay thiên mệnh) không lơ lửng trên mây, mà in hình rõ nét ở chính con người tôi thành một thứ ơn gọi tự nhiên: ơn gọi thủy thủ hay nghệ sỹ, cùng với ơn gọi làm người và phục vụ trong chính những môi trường sống ấy.
Ơn gọi siêu nhiên thấm nhiễm ơn gọi tự nhiên đó, đồng thời thiêng liêng hóa đích nhắm và thu hẹp vòng cung định hướng vào một loại hình nhất định. Như trong trường hợp của một người thuộc khí chất đam mê, với khí chất ấy anh được làm nên cho cả ngàn những lý tưởng quan yếu khác nhau. Khuynh hướng và khả năng riêng, cùng với phương tiện và hoàn cảnh nhất định, tất cả thu khá hẹp vòng cung định hướng rồi. Dầu với những giới hạn đó, vòng cung định hướng vẫn còn khá rộng. Ơn gọi siêu nhiên hoặc chỉ phủ lên vòng cung ấy một lớp mạ (bóng) siêu nhiên (để anh tùy nghi chọn lấy một nghề nghiệp và con đường thích hợp, đồng thời làm chứng trong đó); hay, cùng với lớp phủ siêu nhiên ấy, thu hẹp vòng cung vào một lý tưởng đặc biệt: tông đồ..., vào một loại hành động thôi: giáo dục thiếu nhi..., và vào một nếp sống rõ hẳn: độc thân giữa đời, dâng hiến trong một hội tu...
Vì ơn gọi siêu nhiên, tuy nằm ở ý Chúa, mà vẫn lộ ra nơi bẩm chất, hoàn cảnh, tâm tình tôi, nên tôi phải dò tìm nó vừa trong cầu nguyện, vừa bằng thẩm vấn chính mình. Sở dĩ Chúa gọi tôi vào con đường này hơn là con đường kia, vì tôi thích hợp với con đường ấy do khả năng, bản chất, và cũng vì Chúa đã sinh tôi ra trong một gia đình như thế, cũng như đặt trên đường tôi đi những tấm gương tốt, những hoàn cảnh thích hợp. Thế rồi, vào lúc đã chín mùi, Chúa sẽ nói với tôi bằng những tâm tình và ánh sáng bên trong. Vâng, ơn gọi không rơi cái độp, bất ngờ hoàn toàn đâu. Ngay cả với Phaolô trên đường Damas cũng vậy. Ði đúng ơn gọi là vào đúng con đường hợp với khẩu vị và khả năng, khiến tôi phát triển dễ, hội nhất mau, do đó đắc thủ niềm an vui sâu xa của Chúa.
Ơn gọi, nhất là ơn gọi chuyên biệt, vừa là ý Chúa, vừa là con người tôi. Không thể có ơn gọi tận hiến (consécration totale) nơi một người thiếu ý chí hay giữa một khu vực điếm đàng. Nên phải sửa soạn mảnh đất cho ơn gọi và vun trồng khi nó tới.
Nếu ơn gọi không rơi độp bất ngờ hoàn toàn, thì nó cũng không vừa chớm đã lớn vọt ngay. Bắt đầu có thể là cái gì đó còn yếu ớt, lờ mờ. Với công vun xới, nó sẽ rõ dần và mạnh lên. Ơn gọi có gì là chính con người tôi đó. Nên đây là công việc của mỗi người đối với bản thân, của mỗi gia đình và cộng đồng dân Chúa đối với con em mình.
Nếu xét từ mình vươn tới, thì đây là ơn gọi; nếu xét từ phía đích nhắm thì lại là lý tưởng (idéal). Lý tưởng chưa là sự thực, mà mới là ý tưởng. Cái mà lý tưởng nói lên bao giờ cũng hoàn hảo, ở mức mà thực tại chỉ có thể vươn gần tới thôi. Chẳng hạn như để có ơn gọi làm lính, tôi chỉ cần sức khỏe và can đảm kha khá. Chứ lý tưởng Người lính không nhắm lính suông, nhưng lính hoàn hảo: Người lính lý tưởng mà! Lý tưởng thì người ta vươn tới, chứ đạt tới thì không thể. Nên đây là chân trời, chứ không phải thực tại. Trừ một mình Thiên Chúa, toàn mỹ đấy, mà cũng hiện thực luôn. Thiên Chúa là đích cuối, nhưng xa vời quá, nên không ai dám chọn Ngài làm lý tưởng. Lý tưởng, để hấp dẫn con người, phải có gì như thấy được. Bằng thịt xương đấy, mà cũng lý tưởng luôn, chỉ có một mình Ðức Yêsu Kytô.
Vâng, lý tưởng (idéal) tự nó mới chỉ là ý tưởng (idée), nên trừu tượng và lạnh lẽo. Phải cụ thể hóa nó bằng một kiểu mẫu (type, modèle): mẫu chiến sỹ nơi Nguyễn Huệ, mẫu bác ái nơi Thérèse vùng Calcutta. Mẫu thì chưa hẳn là lý tưởng, nhưng khá gần rồi.
Nếu kiểu mẫu đang sống hay mới đây còn sống, thì nó thành thần tượng. Bằng như đã xa xưa, thì với trí tưởng phải sống động hóa nó. Là kiểu mẫu đang sống, lại là người chí thân, Chúa Yêsu đúng là thần tượng của tất cả.
Có điều, tuy Ngài có mặt đây mà mắt tôi không thấy, nên với kẻ chưa kinh nghiệm Ngài, Ngài mới chỉ là ý tưởng thôi. Phải làm sao cho cái mới chỉ có hình ý tưởng ấy nên dạng hình người với bộ ngực phập phồng và đôi mắt thiết tha. Tôi chỉ làm được thế, phần nhờ ân sủng Chúa, phần bằng suy chiêm của tôi.
Chúa Kytô là tất cả, nên cũng là lý tưởng và kiểu mẫu cho mọi người với bản chất khác nhau của họ. Cả ức triệu vị thánh, thiên hình vạn trạng thánh, nói lên điều ấy. Mỗi vị tìm thấy nơi Ngài cái gì đó "hợp gu" mình, và, phát triển về hướng ấy, họ đã nên hoàn thiện, nghĩa là giống Ngài về một mặt của Ngài. Vì thế, thích Chúa ở mặt nào, ta có thể chiêm ngưỡng nét đẹp ấy nơi một kiểu mẫu trung gian, một thánh tùy chọn theo "gu".
Mỗi vị thánh thích hợp với một "gu", do đó với một loại hình khí chất và khuynh hướng, một loại hình giới tính và tuổi. Hợp với con người tình cảm, do CđT mà hướng tĩnh, hướng nội, có các vị thánh chuyên đời cầu nguyện, hình ảnh Chúa Yêsu trên Ta-bo và tại Nazareth. Hợp với người hướng động, có các thánh truyền giáo và từ thiện, hình ảnh Chúa Yêsu trước đồng lúa mênh mông hay giữa kẻ đui mù, phong hủi.
Chúa Yêsu trước cánh đồng mênh mông hẳn hợp gu giới trẻ vốn năng động và lý tưởng, còn Chúa trong Vườn Dầu và trên núi Ta-bo sẽ an ủi kẻ đau khổ và mang hy vọng cho những ai già yếu.
Sống được lý tưởng thì, nhờ lý tưởng, sẽ hội nhất được các chức năng và giá trị để làm nên một nhân cách. Sống lý tưởng và rèn nhân cách cũng là luyện ý chí đấy.
Ý chí là sức mạnh để thắng sức trì và vượt trở lực. Nó cũng là sức mạnh giúp tôi làm chủ mình, cưỡng lại những ham muốn không chính đáng và chịu đựng khổ đau.
Chịu đựng khổ đau là việc của ý chí thụ nhận, thích hợp với loại người đT hơn. Nhưng nếu chỉ thụ động thôi, thì, một khi đau đớn vượt quá sức chịu đựng, sẽ có dồn nén, do đó tật bệnh, mất ký ức. Cho nên, ý hướng (intention) thụ nhận cần được phụ trợ bằng ý hướng chủ tác. Không chịu đựng suông, phải tiến chiếm nữa. Chỉ cần một cái nhìn lạc quan, và tất cả sẽ đổi. Thí dụ: Lỡ hụt chuyến xe, thay vì tức mình, anh hãy nhủ lòng: Biết đâu thế lại tốt, tôi có thêm giờ ngắm cảnh ở đây, Chúa sắp đặt hết mà. Tạ ơn Chúa.
Người hướng động dễ chủ động và lạc quan. Nhưng coi chừng, chủ động nhiều dễ thiếu khiêm nhu, hoặc khó cảm thông và nhường nhịn. Nhất là để gặp Thiên Chúa thì, như Vivekânanda nói, không thể không có thái độ "đàn bài", nghĩa là đón nhận (réceptif). Vậy người năng động hãy tra thêm vào thái độ tấn công chút gia vị của sự mềm yếu dễ thương; trong khi người thụ động hãy chủ động hơn trong chính chịu đựng của mình. Khi đau khổ tới, chị hãy đón tiếp nó bằng thái độ tình yêu: — Con khổ lắm, Chúa ơi. Nhưng con sung sướng được vác chung thánh giá với Ngài. Trái lại, đang lúc tất bật với việc xã hội này, tuần giảng thuyết kia, anh hãy nhớ mình hành động với Chúa, dưới sự an bài và hướng dẫn của Chúa.
Ðể rèn ý chí, nhờ đó luyện nhân cách và theo đuổi lý tưởng, ta cần áp dụng nguyên tắc AGERE CONTRA, Làm ngược cái mình thích. Tại sao đó là rèn ý chí? Thông thường khi đứa bé thích ăn kẹo, nó nói Muốn ăn kẹo. Nó không hề muốn khi không thích. Nó không hơn gì con mèo nó "muốn" ăn cá và bắt chuột. Muốn và thích bị lẫn lộn, và thực ra không có muốn vì đây chỉ là buông theo khuynh hướng thôi. Không phải chỉ đứa bé, mà người lớn cũng quen "muốn" kiểu ấy.
Ðể thật sự có thể Muốn, nghĩa là muốn Tự mình, thì phải tập tách Muốn ra khỏi Thích. Bằng cách, hễ muốn chi, thì làm ngược lại, Agere contra. Khi LÀM NGƯỠC đã thành thói quen, các xung động không còn thống trị nữa, ta đã có ý chí thật, và đó là tự do.
Sự tiết độ, thuật dưỡng sinh, phương pháp Thiền là những phương thức Agere contra an toàn và hữu hiệu nhất. Chúng giúp ta sớm đạt tới bề sâu của "cái Dũng người phương Nam" (theo tiếng gọi của Ðức Khổng), tức sức mạnh tự chủ.
Dĩ nhiên, không ai có thể sống toàn bằng Agere contra. Vệ sinh tâm lý cần đến một liều lượng tối thiểu Thỏa mãn. Vả chăng, sống đâu phải để chịu đựng. Phần chịu đựng chỉ là phần nộp phạt do sai lỡ, phần tiết kiệm để đầu tư. Thánh giá là vốn đầu tư cho Phục sinh, nên nhờ Phục sinh mà có ý nghĩa (1 Cor.15.17).
Vì thế, sau lao nhọc, cần giải trí; giữa những gò ép, phải có xả hơi. Miễn là xả hơi vô hại và giải trí thanh tao, thế thôi.
Agere contra phải từ cái thích giác quan tiến dần vào những cái thích ngày càng sâu xa, tinh thần hơn, nhờ đó chiếm lĩnh toàn không gian nội giới. Ðó là những khuynh hướng và tình cảm dù trong sáng nhưng tự nhiên. Ðó là cái Tôi và sự tự ái. Cuối cùng, là chính ý muốn.
Ðây là đặt ý muốn tôi tùy thuộc vào ý muốn Chúa. Người ta quen gọi nó là Bỏ ý riêng. Không phải buông xuôi đâu, mà là Muốn cách toàn vẹn, trong sáng nhất không còn bị đưa đẩy dù bởi những đợt sóng ngầm rất tinh vi. Do đó, cần đến sự thanh lọc đặc biệt của ân sủng. Ân sủng để từ bỏ mình trọn vẹn, nhờ đó có thể muốn Ý muốn Chúa một cách thuần túy.
Khi từ bỏ Thích và uốn được Thích theo Muốn rồi, thì sự hội nhất đã hoàn hảo và nhân cách vững vàng. Hội nhất tốt và nhân cách vững, đó là khi Thích và Muốn không còn xa nhau nữa, vì Thích đã thuận với Muốn để thành đạo đức. Vâng, sự hội nhất chỉ tìm thấy ở những con người thánh thiện thôi.
Một thánh nhân thực phải thánh tự mình. Một đạo đức vững không thể là đạo đức được cơ chế bao cấp, môi trường tạo nên và dư luận kéo đi. Thật ra, để giáo dục hay tu thân, một môi trường tốt tuy không cần tuyệt đối, nhưng cũng rất cần. Và cũng hữu ích không kém những khuôn thước và kỷ luật chung. Dầu sao, chúng chỉ là phương thế và điều kiện, còn nguyên nhân phải là ân sủng của Chúa và ý muốn của kẻ dưỡng tính tu tâm. Ðằng khác, cùng với đà tiến đức của đương sự, phải giảm dần những sức ép bên ngoài ấy để có chỗ cho ý chí cá nhân thi thố, nhờ đó con người trưởng thành lên. Kỷ luật chung khi ấy sẽ thu hẹp vào những nét chính cần yếu, và mỗi thanh thiếu niên tự soạn lấy cho mình một kỷ luật riêng với sự tham vấn của ai hướng dẫn mình.
Mọi chức năng và sức mạnh bên trong phải hội nhất để làm nên một con người riêng, con người độc đáo và ổn định, và đó là nhân cách. Con người không còn nghiêng ngả theo ham muốn và đổi thay theo hoàn cảnh cũng là con người đạo đức luôn.
Ðể rèn nhân cách, phải biết khí chất của mình. Do tổ hợp khác nhau của ba yếu tố chính: Cảm (và vô cảm, với nhiều mức độ), Ðộng (và nghịch với nó là tĩnh hay bất động), Âm hưởng (nổi hay chìm), người ta phân biệt 8 khí chất chính yếu: sôi nổi, nóng vội, tình cảm, đam mê, lanh động, lỳ lạnh, quán định và ươn ưởi.
Biết khí chất rồi, tùy mình mạnh hay yếu ở điểm nào, hãy lo dự phòng những hiểm nguy, chấn chỉnh những thiếu sót, nhất là khéo léo nương theo để xây dựng mình về hướng thích hợp nhất.
Ðể được thế, nên chọn lý tưởng thích ứng và dò tìm ơn gọi bằng cách thỉnh ý Chúa trong cầu nguyện, bằng cách xem xét khả năng, khuynh hướng, hoàn cảnh và tâm tình của ta.
Rèn nhân cách cũng là luyện ý chí. Ðể luyện ý chí, phải phân nó khỏi thích bằng làm ngược cái mình thích.