Như chúng ta thấy (ở chương 29), huyền nghiệm mang tới một thanh lọc tận căn, đi đôi với sự nấu sôi đức Ái đến độ chót. Sỡ dĩ được thế, là vì năng đức thiên phú tiến thẳng vào cuộc sống, thay vì thấm vào từng giọt qua cố gắng tu thân của ta. Nhất là với tự ái và sức nặng thể xác, chỉ có đêm tối mới nạo vét được tới đáy cái Tôi, chỉ có đức Ái Chúa mới nâng cao tới sự nhẹ nhàng của tinh thần. Như thế, xem ra không thể nên thánh nếu không qua mái trường huyền nghiệm.
Thế nhưng một tông đồ, ngày đêm bù đầu với công việc làm sao có nhiều thì giờ và sự rảnh rang để chuyên chiêm, hầu đạt tới ánh sáng chan hòa của huyền thức? Như chúng ta đã thấy (ở chương 29), để tới đỉnh cao là Hôn nhân thiêng liêng, phải trải qua những giai đoạn "tập sự" và thanh luyện kéo dài ở An tĩnh, Hoàn hiệp, Xuất thần, chúng gần như không cho phép làm gì, nói chi đến làm nhiều.
Thế thì phải chăng để nên thánh, cần bớt việc tối đa, hầu có thể cầu nguyện rất dài, rất lâu? Quả thật, rất nhiều thánh mục tử, như cha sở Ars, phải dành cả đêm để cầu nguyện, ngủ thì hầu như không còn, mà ăn chỉ tí ti.
Có điều đâu phải mọi thánh đều huyền tri, hay ít là huyền tri ở mức cao? Lắm vị, dù cầu nhiều đấy, mà chẳng huyền nghiệm chi đáng kể, như trường hợp Vinh Sơn Phaolô, Phan Sinh Xavier, Tiên Sa Lisieux, vv... Nghĩa là người ta vẫn thánh mà không xuất thần chi hết. Vì thánh là ở đức hạnh, nhất là đức Ái, thế mà đức Ái cũng như mọi đức đều phát triển bằng cả hành lẫn chiêm, với một bên nổi bật. Nghĩa là dù chiêm nhân cũng phải phục vụ phần nào, dù hành nhân cũng có lúc phải tâm sự sâu xa với Chúa. Quả thật, con người chỉ đáng người khi có đời sống nội tâm phong phú và đời sống đạo đức sâu xa. Và có như thế, thì hành động của họ mới có một hướng đi thiêng liêng thật.
Thế nhưng, để đức Ái phát huy hết sức mạnh, nó phải vọt thẳng từ trong ra, từ Trời xuống, để thiên phú thay thế dần đắc thủ. Khi thiên phú nhập cuộc để trực tiếp lèo lái cuộc đời anh như thế, thì dù không sáng rõ một huyền thức, cũng phải chắc có một huyền nghiệm nào rồi, và đây là huyền nghiệm hành động, nó nghiêng về sống nghiệm hơn là về nghiệm tri (do đó khó hiển lộ ra).
Vì tính cách lờ mờ, sơ thoảng của thứ huyền nghiệm này, cũng như vì hành nhân thiếu sự rảnh rang để quan sát nội tâm, nên chẳng thấy ai ghi lại sự kiện, cũng như chẳng ai dựa vào để phân tích cả.
Bởi đây là điều cần biết, lại chưa có người khai phá, nên chúng ta đành mò mẫm vậy. Vì phải mò, nên dễ sai, lại không có thì gì nhiều để nói. Bởi thế, phải xin lỗi bạn đọc trước khi múa dìu...
Ðể tìm hiểu huyền nghiệm hành động vốn chưa có người khai lối, có lẽ tốt nhất nên dựa vào những gì nghiệm chiêm có thể cung cấp, mà bắt đầu là Hôn nhân thiêng liêng nó chẳng những là tột điểm của huyền chiêm, mà tột điểm của huyền hành nữa. Vâng, ở Hôn nhân thiêng liêng, không hề còn khoảng cách, thậm chí phân biệt giữa chiêm với hành. Bởi lẽ ở đây người ta sống và nghiệm Chúa từ trong ra đến ngoài, từ trên xuống đến dưới, từ tri thức sang hành động. Vâng, Hôn nhân thiêng liêng đúng là đỉnh cao và điểm hẹn của cả hai con đường hành và chiêm.
Thấy huyền nghiệm hành động ở chỗ hoàn tất của nó rồi, chúng ta có thể từ đấy, ngược dòng bằng suy tưởng về điểm khởi phát để dựng nên những mốc đánh dấu bước tiến.
Hôn nhân thiêng liêng vừa là điểm cực sáng của tri thức, vừa là điểm cực nóng của tình yêu, mà bước tiếp theo hẵn là vĩnh phúc rồi. Kẻ theo đường chiêm, khi tới Hôn Nhân thiêng liêng, sẽ được thôi thúc hành động cho "Nước Cha mở đến", khi mà hành động ấy không còn ngăn trở anh chiêm hưởng Chúa. Kẻ theo con đường hành, lúc tới Hôn nhân thiêng liêng rồi, cũng chiêm hưởng Chúa bằng chính công việc của mình. Ðúng như các sứ đồ xưa, khi gặp Chúa (hiện ra) cũng là lúc được sai đi dạy dỗ và làm phép Rửa.
"Hỡi chị em, hồn mà Chúa chọn làm nơi ở đặc biệt, hồn ấy không còn biết đến nghỉ ngơi, cũng chẳng màng danh lợi, không thiết được chuộng quý. Hồn luôn cận kề bên Chúa, nên hồn chẳng nghĩ chi đến mình. Mối bận tâm duy nhất cua hồn là làm sao để làm vui lòng Chúa, là làm cách nào để biểu lộ tình yêu với Chúa đây. Mục đích cầu nguyện là thế đấy, chị em ạ. Hôn nhân thiêng liêng luôn thúc ta làm hết việc này đến việc khác, và đấy là dấu hiệu ơn Chúa".
Có điều hẳn bạn thắc mắc: Nếu Hôn nhân thiêng liêng là kết quả của nhiều năm tháng nghỉ ngơi trong An tĩnh, Hoàn hiệp và Xuất thần như thế, thì sao có thể đạt tới đấy kẻ trên đường phục vụ luôn phải truân chuyên?
Xin thưa: Như Yoan Thánh Giá cho thấy, huyền nghiệm không những là ánh sáng, mà còn sức nóng nữa. Nếu Tín-Vọng-Ái ở chiêm nhân nghiêng về nghiệm trí, thì nơi hành nhân, chúng ắt nghiêng về nghiệm cảm muốn, do đó các khiếu năng và quan năng chẳng cần ngưng nghỉ, mà chỉ cảm tính vào cuộc thôi. Sự thanh luyện và tăng cường cho đức Ái chỉ nhờ vào độ nóng của đức Ái ấy. Còn ánh sáng của Tri thì thoảng qua đôi lúc cũng đủ.
Nếu trong chiêm, ánh sáng từ trong hừng lên những độ sâu khác nhau, thì cũng ở những độ sâu khác nhau ấy mà đức Ái bốc nóng cho hành nhân cảm nhận. Sự phân cấp huyền nghiệm, trong hành cũng như trong chiêm, tùy vào những độ sâu nói trên. Nếu những độ sâu trong nghiệm tri giúp xác định các giai đoạn An tĩnh, Hoàn hiệp, Xuất thần..., thì trong cảm nhận của hành nhân, ắt cũng có gì vừa tương đương (xét theo độ nóng êm của đức Ái, độ trơn tru của Thuận Thiên), vừa tương phản (như Ðộng đối nghịch Tĩnh) với những hiện tượng ấy.
Trong chiêm, mỗi khi xuất hiện một thứ ánh sáng mới, sẽ có một đêm tối chuẩn bị, thì trong hành, mỗi khi xuất hiện một thứ lửa mới, cũng có những pha chuẩn bị, bằng cảm nhận đơn côi, vắng lạnh, chắc thế, chúng phù hợp hơn với danh xưng "hoang mạc" (désert) mà huyền nghiệm học Ðức dùng thay chữ Ðêm tối trên kia. Vậy, để đối lập với đêm tối của chiêm, ta tạm dùng chữ Ðơn lạnh vậy.
Ðơn lạnh cấp một có thể là cảm giác chán chường và vô vọng trong hành tác, mà không thấy nguyên nhân (tương ứng với Ðêm tối giác cảm). Ðơn lạnh cấp hai sẽ là cảm giác tuyệt vọng, thấy như Chúa bỏ ta và công việc ta làm, trao mặc nó cho ma quỷ. Vâng, Ðơn lạnh trong Hành chắc tập trung vào đức Vọng, trong khi đêm tối tinh thần của chiêm nhân thường tập trung ở đức Tin.
Cũng như Ðêm tối, sự Ðơn lạnh ấy không thể không diễn ra khi đang từ sinh hoạt đức hạnh đắc thủ chuyển sang sinh hoạt đức hạnh thiên phú. Có đơn lạnh, vì khiếu năng hành động chưa quen được với những khách mới tới, do đó có vô cảm, trục trặc hay đất sụt lở dưới chân. Có đơn lạnh khi vét nạo tới đáy để thanh lọc ý chí, tâm hồn, để thuần hóa con ngựa bất kham là các khiếu năng tâm sinh lý cho một cuộc sống và hành động khác trước.
Cốt lõi của nên thánh và hiệu quả của tông vụ nằm ở Thuận Thiên: Thuận Thiên vì yêu. Sự Thuận Thiên phải đổi chiều từ cố gắng của tôi làm theo ý Chúa, sang sáng kiến của Chúa hoạt động thẳng trong ý muốn và hành động của tôi. Sức hút của ý Chúa ấy bắt đầu xâm nhập ý chí tôi, để rồi từ ý chí lan sang các khiếu năng, khuynh hướng và năng lượng tâm sinh mọi mặt, từ thẳm sâu ra tới cuộc sống, làm sao để cuối cùng, không còn một đề kháng dù đức lý hay tâm lý, không còn một ma sát dù ở bề mặt hay bề sâu. Ở điểm hoàn tất này, chúng ta có Hôn nhân thiêng liêng qua ngã đường hành động.
Trong Hành, giống như trong Chiêm, trước huyền nghiệm sẽ trải dài một thời gian chuẩn bị, cả bằng tập đức lẫn sửa thói xấu, nhất là vét rỗng tâm bằng những từ bỏ và thử thách nhiều mặt. Ðây là Ðêm (chủ động) của giai đoạn Khởi và Tiến. Có điều đây là Khởi và Tiến trong hướng tiến về Thành ở huyền nghiệm hành động, chứ không phải ở huyền nghiệm chiêm hưởng.
Cũng như trong Chiêm, kẻ thực sự ở trên tiến trình là kẻ ước muốn nên thánh, tận tâm tận lực vì Nước Trời. Kẻ thực sự có ước muốn mạnh như thế dĩ nhiên là kẻ đang sốt sắng, nên làm việc cũng hăng, mà nguyện cầu cũng hết sức.
Có điều cũng như trong Chiêm, kẻ đang minh minh đức (via illuminativa) thường tàng giấu nhiều tự cao, tự ái, ỷ mình và ưa tích lũy thiêng liêng, nghĩa là coi nên thánh như một cách làm giầu. Thế rồi, trong khi mải mê công việc, họ có thể quên dần mục đích và ý nghĩa siêu nhiên của nó, đến nỗi sinh "ghiền việc", lại muốn gắn nhãn hiệu của mình trên công việc.
Khi ấy, những thử thách Chúa gửi đến, những chống đối và trở lực gặp phải, sẽ giúp họ nhìn ra sự yếu đuối và bất lực của mình. Trong tông vụ, họ chỉ là công cụ và "đầy tớ vô ích" khi mà hiệu quả siêu nhiên chỉ có thể do một nguyên nhân siêu nhiên. Chỉ khi nào họ hết hám danh, vụ lợi và tự ái, chỉ khi nào họ hết nương cậy vào sức mình mà chỉ trông chờ ở Chúa thôi, Chúa mới vào cuộc hoàn toàn, để việc của họ nay trở thành việc của Chúa.
Sự vét rỗng và thuần hóa bằng Ðêm ấy ắt không thể đạt tới căn gốc con người. Ðể đạt tới căn gốc này, phải có sức nóng thiên phú, do đó đêm tối hành động, tức Ðơn lạnh. Thấy đơn côi đấy, mà thật ra có Chúa cận kề. Thấy lạnh lẽo đấy, mà thật ra nóng quá: tại chưa quen sức nóng mới, nên vô cảm.
Ðức Ái thiên phú, cùng với bầu đoàn thê tử các đức thiên phú khác đã nhập cuộc thẳng rồi. Chúng đến thế chân các đức thủ đắc vốn quá yếu để hoàn tất việc tinh chế những "con người của Chúa" (homme de Dieu), nhờ đó chuyển công việc của người thành công việc của Trời. Vâng, huyền nghiệm hành động chẳng qua là hoạt động của các đức thiên phú. Các đức ấy hiển lên nơi con người hành động bằng cái mà thần học kinh viện gọi bằng tên Ðặc Huệ Thánh Thần (dons du Sain-Esprit). Qua đặc huệ và đặc sủng, Thánh Thần nhảy vào dẫn dắt anh trực tiếp, để tự hành động trong công việc của anh nay cũng thành công việc chính hiệu của Ngài.
Các đức thiên phú nói trên, bắt đầu làm câm lặng cảm tính để thanh lọc, tinh chế và thuần hóa nó, cùng với các khuynh hướng kèm theo, cho một phong cách hành động hoàn toàn mới. Việc của hành nhân từ nay không còn là tự ý lèo lái công việc, mà buông mình theo tác động Thần Khí để làm theo và làm với Thần Khí.
Hồn của tông vụ không phải là nguyện cầu, như Dom Chautard nghĩ, nhưng là đức Ái. Ðức Ái Chúa Kytô là hồn sống duy nhất cho cả Hành lẫn Chiêm.
Theo thánh Tôma, "toàn thiện cốt yếu ở huấn lệnh Chúa, trong có lời khuyên (Phúc Âm)... Nhưng cả lời khuyên lẫn huấn lệnh đều quy về đức Ái cả". Do đó theo Gustave Thils, để đi vào tinh thần và ý nghĩ của lời khuyên Phúc Âm, cần ghi tạc sống động vào lòng sự liên đới ấy của lời khuyên với đức Ái.
K. Rahner cũng coi "toàn thiện Kytô giáo là ở sự hoàn thiện đức Ái thôi". Ðức Ái ấy mở đồng thời về phía Thiên Chúa và loài người, nên rất nhân bản, mà cũng hoàn toàn siêu nhiên, lại có tính cách chung và siêu thế. Do tính cách chung và siêu thế, siêu nhiên, cũng như vì sự hoàn thiện đức Ái ở mặt này, mà việc thanh luyện từ Trời phải thật gắt gao.
Tân Ước thích nhìn đức Ái dưới dạng Agapê, nhưng Cựu Ước lại quen ngắm nó như một Erôs.
Thật ra, Yêu trong Hy ngữ có tới ba động từ để chỉ: Fileô, Erômai và Agapaô. Người ta dùng Fileô cho những đối tượng thanh cao, có khi trừu tượng, như Theo-filos, kẻ yêu Thiên Chúa; như filo-sofia, sự yêu đại trí, tức triết học. Người ta dành Erômai khi nói đến những mối tình say đắm, tình lứa đôi. Còn Agapaô là yêu vị tha và cao thượng, hợp với cách thẩm định của lý trí, như giữa cha con với nhau, một thứ yêu chuộng (estime). Có lẽ Fileô thì không đủ, còn Erôs trong thực tế lại quá nghiêng về nhục dục và chiếm hữu, nên để khỏi hiểu lầm, các tông đồ và giáo phụ đầu tiên cố tránh từ ngữ đó. Thế nhưng các huyền nghiệm nhân sau này, nhất là ở phái nữ, hình như không thể diễn tả hết sự thân mật trong kinh nghiệm mà lại không nhờ đến ý tưởng Erôs.
Ðức Ái của giai đoạn đầu, giai đoạn Minh minh đức (illuminativa), dù ảnh hưởng mạnh đến đâu, cũng chỉ làm nên những Vượng cảm (consolation) với độ cồn quá yếu. Ðể nồng thành men say, ngọt thành mật vị (gout, theo tiếng gọi của Tiên Sa), mật trấp (nước mật), thì đức Ái thiên phú phải trực tiếp vào cuộc. Có điều vì nó là một thứ mật và lửa mới mẻ, mà cảm năng lại chưa quen, nên không cảm nhận chi hết. Nếu trong Chiêm, thì đây la Ðêm tối; nếu trong Hành, hẳn đây là Ðơn lạnh. Ðêm tối và Ðơn lạnh sẽ giúp khiếu năng tri và cảm cai sữa và lọc trong, nhờ đó đức Ái thiên phú có thể nổi hẳn lên và làm chủ cuộc sống.
Khi Thần Khí đã làm chủ cảm tính (và ý chí) hoàn toàn bằng Tín-Vọng-Ái thiên phú, thì cảm tính hết còn gây nguy hiểm, khiến hành giả có thể yêu thương tự nhiên, khi mà nước tự nhiên ấy đã hòa tan trong sông biển của siêu nhiên rồi:
"Con đã hưởng
nhận phần thưởng dành cho ai can
đảm chiến đấu. Con không cần
từ chối mọi an ủi của con tim
nữa, bởi tâm hồn con đã
được củng cố do đấng
duy nhất mà con yêu. Con sung sướng
nhận ra rằng, khi yêu Chúa thì trái
tim lớn trương lên, và trái
tim ấy có khả năng yêu người
thân mạnh gấp ngàn lần, hơn
là nếu nó hướng về một
thứ tình vị kỷ và vô bổ".
(Tiên Sa Lisieux)
Như thế, đức Ái thiên phú không hề đối lập với tình yêu tự nhiên. Khi nó đã chiếm hữu hoàn toàn cảm tính rồi, thì hòa tan trong siêu nhiên, tình yêu (tự nhiên) sẽ bội tăng sức mạnh.
Bước tiến của đức Ái đi từ thủ đắc sang thiên phú. Tới thiên phú, thì đó là huyền nghiệm. Ðến lượt huyền nghiệm đức Ái cũng tiến nữa, và tiến từ nông sang sâu. Kịp đến khi đạt hết chiều sâu, thì như trong chiêm, nó lại tràn ra hết bề mặt, để không còn phân biệt giữa trong với ngoài, giữa tự nhiên với thiên phú, cũng như giữa yêu Chúa với yêu anh (chị) em. Ðây là Hôn nhân thiêng liêng, và đường tiến tới cao điểm ấy có thể là chiêm hay hành cũng được.
Ở trên, chúng ta đã đặt ra hai mốc chính của tiến trình đức Ái: mốc thủ đắc và mốc thiên phú, mốc chủ động và mốc thụ động.
Nếu xét về hiệu quả ở đức hạnh, cũng được phác họa nhiều thứ tiến trình khác, của đức Ái minh nhiên hay mặc nhiên. Thánh I nhã chẳng hạn nói đến Ba hạng người và Ba cấp khiêm nhường. Ở Ba hạng người, thì cao nhất là kẻ siêu thoát, chỉ muốn điều Chúa muốn thôi. Ở Ba cấp khiêm nhường, thì siêu thoát lại ở hạng hai, còn chỗ cao nhất dành cho kẻ vượt trên bất thiên, đã chọn nghèo túng và sỉ nhục để nên giống hoàn toàn với Chúa của lòng mình.
Yoan Thánh Giá trình bày một thang cấp khác, thang muời bậc, nó chi tiết hơn:
-- cấp dưới cùng: không thiết chi ngoài Chúa.
-- cấp hai: khắc khoải kiếm tìm một mình Chúa.
-- cấp ba: thấy Chúa thánh thiện đến nỗi, bất cứ gì tôi làm, tôi cũng thấy bất xứng cả.
-- cấp bốn: yêu mạnh đến nỗi muốn làm bất cứ gì có thể vui lòng Chúa, chứ không nghĩ đến mình.
-- cấp năm: khát Chúa đến nỗi như không đợi chờ nổi.
-- cấp sáu: tình yêu rất thanh khiết và phát triển đến nỗi ta tiến rất lẹ, bay rất nhanh.
-- cấp bảy: đức Ái mạnh đến nỗi vượt trên mọi toan tính, khiến hành giả lớn mật, bạo gan, chẳng gì mà không dám làm vì Chúa.
-- cấp tám: thuộc về kẻ đã tìm thấy cái mình thiết tha ao ước, nên an thỏa hoàn toàn (trong Ðấng lòng mình yêu). Tình trạng ấy, trong giai đoạn tám này, chỉ đạt được từng lúc và trong thoáng chốc thôi.
-- cấp chín: đã được thanh lọc thuần khiết và cảm nhận Chúa có mặt thường hằng, nên lửa dù bốc rất cao, mà lửa ấy vẫn êm dịu, ngọt ngào. Hẳn đây là Hôn nhân thiêng liêng, chỗ mà chiêm và hành không còn khoảng cách, chỗ mà từ đó sang vĩnh phúc chỉ còn một bước thôi, lúc cuộc sống chấm dứt rồi.
-- cấp mười: chỉ đạt ở thiên quốc, chỗ mà hồn thấy Chúa trực diện bằng cái nhìn trong suốt, cái nhìn nó biến hồn nên giống Chúa như in.
Ðức Ái thập cấp của Yoan Thánh Giá đúng là đức Ái của chiêm nhân. Quả là ở vài giai đoạn giữa và cuối, nó có thúc bách hành động đấy, nhưng hành động mới được coi như hậu quả của chiêm lại chưa đủ nhấn mạnh, cũng như yêu người chưa được nối liền ngay với yêu Chúa. Cho nên, để tạo thế quân bình giữa hành và chiêm, phải đưa yêu người và tiếng gọi lên đường vào buổi gặp Chúa đầu tiên. Vâng, tiếng gọi của Chúa luôn là tiếng gọi lên đường lưỡng diện: tìm Chúa ở nội tâm và tìm hạnh phúc của loài người. Ngay lúc gặp Phêrô trong mẻ cá thứ nhất, Chúa đã hứa: Ta sẽ biến anh thành ngư phủ kéo cá người! Và khi gặp lại các tông đồ sau Phục Sinh, Chúa sai họ đi giảng và làm phép Rửa. Vâng, sự gặp gỡ Chúa luôn đi đôi với tiếng gọi lên đường.
Thế nhưng, vì người ta có những khả năng và khuynh hướng rất khác nhau, nên Chúa có thể mời một số người vào con đường tu ẩn. Có điều dù tu ẩn, họ vẫn phải tham gia vào sứ mệnh mở Nước Cha, tham gia bằng hy sinh cũng như cầu nguyện. Như thế, người ta có thể mở Nước Cha và nên thánh hoặc bằng con đường Hành, hoặc bằng con đường Chiêm. Kẻ đi con đường Chiêm và Xuất thế trình bầy bộ mặt cánh chung và siêu thế của Ðạo. Còn kẻ đi con đường Hành và Nhập thế thì làm chứng cho việc Nhập Thể của Ngôi Lời. Hai con đường và hai loại người có thể bổ túc cho nhau vì ý nghĩa kép ấy của Nước Chúa nhờ vào nhất tính của Hội Thánh huyền thân Chúa Kytô.
Dù Chiêm hay Hành, nếu nên thánh thì bước tiến vẫn là từ đức hạnh thủ đắc sang đức hạnh thiên phú, do đó huyền nghiệm là cần. Huyền nghiệm chẳng qua là biểu hiện của đức thiên phú khi nó vào cuộc thẳng với cuộc sống chúng ta. Vâng, chỉ có Tín-Vọng-Ái thiên phú mới đủ sức làm những thanh lọc cuối cùng và đưa đức hạnh đến đỉnh cao của nó. Vả cũng chính sự vào cuộc trực tiếp của thiên phú mới chuyển hẳn cuộc sống và công việc sang cho đầu tầu Thần Khí, nhờ đó hoàn tất sự Thuận Thiên của chúng ta. Có điều ý thức về huyền nghiệm (huyền nghiệm ánh sáng trong chiêm) không phải là cần. Một huyền nghiệm phảng phất vì tiềm ẩn trong cuộc sống và hành động mới là điều không thể thiếu cho sự hoàn thành thánh thiện nơi chúng ta.
Huyền nghiệm là sự vào cuộc trực tiếp của các đức thiên phú chúng đến thanh lọc tận căn và đốt nóng đến độ chót. Bởi thế, huyền nghiệm rất cần để ta nên thánh, nhất là thánh cao. Thế thì làm sao để nên thánh, nhất là thánh cao, những con người suốt đời bôn ba vì Nước Chúa, không có nhiều giờ chuyên chiêm được? Vậy hẳn phải có một thứ huyền nghiệm khác cho hành nhân, huyền nghiệm ấy hẳn không sáng lên được như trong chiêm, do đó mà gần như không có nghiệm tri, không được ý thức.
Nếu huyền nghiệm trong chiêm thiên về sáng và tác động đến các khiếu năng tri thức, thì huyền nghiệm trong hành hẳn nghiêng về nóng và xâm chiếm đến cảm tính và ý chí thôi, nên đương sự gần như không thấy chi, mà hành động cũng không hề bị cản trở.
Nếu trong chiêm, ánh sáng mới làm khiếu năng không quen mà thấy tối, thì trong hành, lửa mới do không quen mà cảm tính cũng thấy đơn côi, vắng lạnh. Ðây là lúc Tín-Vọng-Ái thiên phú bắt đầu vào cuộc, sẽ thay chỗ dần cho các đức đắc thủ vốn yếu ớt, khiến từ đây cuộc sống và hành động sẽ do Thần Khí làm chủ hoàn toàn.
Tùy theo độ sâu của tác động đức Ái-Vọng thiên phú mà có những biểu hiện trong đức hạnh khác nhau, chúng nói lên những cấp bậc khác nhau của thánh thiện. Cấp cao nhất sẽ là một với Hôn nhân thiêng liêng, điểm hẹn cho cả Chiêm lẫn Hành.
HOÀN TẤT đầu
Tuần Thánh 1995
sau bảy năm làm việc
Hoành Sơn