Trưởng Thành Thiêng Liêng
với Trưởng Thành Cảm Tính

Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Con người là xác thần hai mặt. Sự gặp gỡ của giác năng (sensibilité) thuộc xác với ý thức hồi phản (conscience réfléchie) thuộc tinh thần đã sinh ra một đời sống tình cảm thật phong phú. Nên nếu sự phát triển thiêng liêng không thể bất cần thân xác, thì sự phát triển ấy càng phải thực hiện trên cảm năng.

Khái niệm Trưởng thành

Khi một sinh vật phát triển tới mức chót của nó, thì ta bảo nó trưởng thành. Trưởng thành, đó là độ chín tới của trái cây (muâr), độ lớn khỏe của con vật (maturité), nhờ đó nó đủ khả năng tự sống, tự mang gánh nặng nòi giống bằng sinh sản.

Hơn con vật, con người còn có chiều sâu, một thứ không gian nội tâm. Nên ngoài trưởng thành cơ thể, nó còn trưởng thành tâm lý nữa. Trưởng thành tâm lý làm nên do sự phát triển (développement) và hội nhất (intégration) tới mức của các chức năng tâm lý và tâm-sinh lý, nhờ đó làm nên một nhân cách (personnalité) rõ rệt, với khả năng tự quyết, tự biệt định (auto-détermination) lấy mình. Hẳn là nơi con người, bề mặt thấp hơn chiều sâu, nên trưởng thành NHƯ MỘT CON NGƯỜI phải là trưởng thành tâm lý, hơn là trưởng thành sinh vật-lý (biologique). Bình thường, hai loại trưởng thành đi song đôi với nhau. Bất bình thường, một trưởng thành thân xác lại sánh vai rất ngộ nghĩnh với một ấu trĩ tâm lý. Còn trường hợp ngược lại thì chắc là không thể. Vì không thể có phát triển và hội nhất các chức năng tâm lý nếu chưa đủ phát triển và hội nhất não bộ. Một đứa bé mà "ra phết" như người lớn, nếu không giả hình, thì chỉ là quái thai thôi.

Ở tuổi đôi mươi, gần như mọi người đều trưởng thành cơ thể. Thế nhưng không phải mọi người đều thông minh tuyệt vời, tài ba xuất chúng, sức khỏe ngang voi. Ðây là trường hợp đặc biệt, trường hợp của một vài người. Nên khái niệm Trưởng thành khác với khái niệm Chí thiện (perfection). Người trưởng thành là người phát triển vừa mức, còn người chí thiện thì phát triển vượt mức, thường là về một hai mặt thôi.

Trưởng thành tâm lý (hay cảm tính) chưa đủ giúp tôi làm người. Ðể làm người, tôi phải trưởng thành về mặt đạo đức (hay luân lý, maturité morale) nữa. Ðó là khi những đức tính nền tảng như nhân, trí, dũng đã phát triển tới mức và hòa hợp được với nhau, để làm nên một nhân cách đức lý (personnalité morale), khiến người khác có thể tín nhiệm và kính trọng.

Nói tóm lại, sự trưởng thành được làm nên bởi hai yếu tố: Phát triển và Hội nhất, một phát triển và hội nhất vừa mức, phát triển và hội nhất của các bộ phận và chức năng cơ bản để làm nên một tổng thể, một cá thể nhất định. Trưởng thành nhân bản, hay trưởng thành tự nhiên của con người, bao hàm trưởng thành sinh lý, tâm lý và luân lý. Cần phải có phát triển và hội nhất não bộ để làm cơ sở cho phát triển và hội nhất cảm tính. Và phải có quân bình cảm tính thì sự phát triển đạo đức, được thực hiện ở tình cảm, mới điều hòa và vững chắc được. Phát triển thiêng liêng, đó chẳng qua là phát triển đạo đức được hướng dẫn bởi đức tin và được nâng lên trong ân sủng Chúa.

Trưởng thành thiêng liêng

Ðể có trưởng thành thiêng liêng, phải có phát triển tới mức và hội nhất vừa phải của các "bộ phận" và chức năng thiêng liêng chính yếu, hầu làm nên một nhân cách thiêng liêng (personnalité spirituelle). Xin nhớ, Một chứ không phải Nhiều. Nhiều là ở chỗ con người mỗi lúc mỗi khác, theo hoàn cảnh mà đổi thay, lúc gió thuận thì phấn khởi, gặp bão tố muốn thoái lui, chẳng có gì vững chắc của một niềm tin, một hướng sống.

Trưởng thành thiêng liêng Kytô-tính là lớn vững theo phong cách Chúa Kytô, theo mẫu mực của Ngài, như Phaolô nói:

Ở đây, thánh Phaolô dùng tiếng teleios, con người toàn vẹn, đối chọi với nêpios, đứa trẻ nít, ở câu sau. Nên thánh Phaolô chỉ nhắm một sự phát triển thiêng liêng tới mức cần cho một Kytô-hữu bình thường, chứ không phải một phát triển đặc biệt để làm nên sự thánh thiện theo một ý nghĩa khác của tiếng teleioi (teleios) và teteleiômai của Phil. 3.12 và 3.15.

Cũng ở đoạn văn trên, về phát triển và trưởng thành, Phaolô nhắm "niềm tin và sự hiểu biết Con Thiên Chúa". Niềm tin và sự hiểu biết trưởng thành ấy nghịch với tình trạng ấu trĩ của những kẻ "bập bềnh nghiêng ngả theo (do) mọi luồng (gió) giáo lý".

Như thế, chẳng những niềm tin là quan trọng, mà đối tượng niềm tin cũng đúng là có tính lý thuyết (giáo lý mà). Nhưng đây không phải loại kiến thức để trang trí trí khôn, mà một thứ chân lý ta phải "tuyên xưng (và sống) trong yêu mến (agapê)" (c.15). Chỉ có chân lý ấy, chân lý đồng thời của cả lý trí lẫn tâm hồn, mới khiến ta "lớn lên về phía Ðầu" được. Một đức tin như thế là đức Tin vươn căng về đức Ái, để "tác động trong đức Ái", và cuối cùng, thành một với đức Ái.

Theo các thần học gia, vì nền tảng của đời sống Kytô-giáo là Tín-Vọng-Ái, nên sự trưởng thành Kytô-tính cũng được làm nên bằng sự phát triển tới mức của bộ ba này.

Trong bộ ba này, nếu đức Tin là nền trong cuộc sống hành hương, thì đức Ái lại là chỗ hoàn tất của đức Tin, của đức Vọng, của mọi đức. Nên theo Phaolô, lớn nhất trong ba là đức Ái đó (1 Cor. 13.13). Cũng một mình đức Ái sẽ tồn vĩnh mai sau, khi mà Tín-Vọng chẳng còn (1 Cor. 13.1-10).

Vì thế, theo Phaolô, con người trưởng thành là con người, trên tiến trình sống đức Tin, đã đạt tới đức Ái, thứ "đức Tin tác động bằng đức Ái". Vì chỉ một đức Ái là điểm hội nhất của mọi đức (1 Cor. 13.4-7), của mọi năng lực thiêng liêng nơi chúng ta. Ðồng thời là điểm phát triển hết mức của Tín, Vọng và của các đức đối nhân. Cũng là chỗ sung mãn của ân sủng nó khiến ta thành mật thiết với Chúa, nhờ đó thành một với Ngài, đạt tới sự tròn đầy (plêrôma) của Ngài.

Ở đời này, đức Ái chưa xóa bỏ đức Tin, nhưng bao hàm đức Tin. Ðức Ái chính là sự hoàn thiện của đức Tin ấy, nên nếu đức Ái lớn lên, thì đức Tin cũng lớn theo.

Trong cuộc sống này, đức Tin là cửa vào cứu độ và nền tảng của tòa nhà thiêng liêng, nên nó cần vững khỏe. Vững khỏe rồi, nó không còn trôi nổi, lung lay nữa. Khi ấy, như một khối dằn (lest), nó giữ vững ở những gì chính yếu, khiến không còn câu nệ với những gì tiểu tiết (Rom. 14.1-6; 14-20).

Tin còn là tín nhiệm vào Chúa, phú thác cho Ngài, đồng thời là đặt hết hy vọng vào lời hứa của Ngài. Và đây là Vọng (espérance), là biết và chắc rằng "cái mà Ngài hứa, Ngài dư đủ quyền năng để làm xong" (Rom. 4.21). Nên không phải thứ Tín-Vọng-Ái của những người, tuy dễ sa nước mắt khi gặp an ủi, nhưng lại bỏ nguyện cầu nếu cảm thấy khô khan, và động tí kêu Trời những khi gặp thử thách.

Niềm tin yêu vững khỏe hẳn đưa đến hành động. Ðức Tin tác động bằng đức Ái sẽ khiến ta ý thức về trách nhiệm của mình đối với Nước Trời.

Ðức Tin cỡ ấy là một thứ ánh sáng nóng, thuộc cả lý trí lẫn tâm hồn. Thứ ánh sáng của đại trí (sagesse) ấy, không những nhận ra cái hợp hay không hợp của một lý thuyết dù anh không giải thích được, mà còn cảm nhận ra cái hợp hay không hợp của một tình cảm, một lối xử sự, một công việc. Vâng, đúng là loại cảm thức vượt trên lý luận, loại "bản năng" siêu nhiên của đức Tin, kết qủa của ơn thâm hiểu về mầu nhiệm (Kytô-giáo) như một toàn khối, sự thâm hiểu có tính kinh nghiệm hơn là thuyết lý. Bản năng và cảm thức này, Phaolô gọi nó là Phân định (diakrisis), thứ cảm thức mà hễ trưởng thành thì có (Hyb.5.14), nhưng nơi một số người, có hiển rõ như một đặc huệ Thánh Thần (1 Cor.12.10).

Ðây là phân định siêu nhiên, nên nó cũng siêu thế, vì dựa vào những tiêu chuẩn mà người đời không hiểu nổi, khiến lời nói của anh bị đánh giá là "chói tai" (Yo.6.60), việc làm của em bị chê là "rồ dại" (Lc.23.11).

Ðây là phân định thiêng liêng, vì có dựa vào tinh thần, chứ không vào hình thức, hướng về chính yếu, chứ không quan tâm đến tùy phụ (Rom.2.18). Ðiều chính yếu, đó là Thiên Chúa, chứ không phải Phaolô hay Apollô (1 Cor.3.5-8), là tin có một đấng đáng thờ thôi, chứ đồ cúng cũng chỉ là thức ăn thường (1 Cor.8.7-8); là thực tâm quy thuận Chúa, chứ cắt bao bì không quan trọng (Gal.5.6).

Ðây còn là phân định theo Thiên Chúa, nên phải nhìn ra cái gì tốt (1 Thes.5.21; Hyb.5.14), cái gì thích hợp hơn (Php.1.10).

Vì phân định là năng khiếu của trưởng thành thiêng liêng, và trưởng thành thiêng liêng lại hoàn thành bởi đức Ái nó bao hàm Vọng, Tín, nên "đức Ái càng dồi dào thêm", thì càng "dồi dào lên sự sáng suốt và bén nhạy chân chính để phân định cái gì là thích hợp hơn cả" (Php.1.9-10).

Vâng, chân đức Ái cũng là chân sức sống siêu nhiên, nhờ sự có mặt tràn đầy của Chúa. Sức sống tràn đầy trong hồn sẽ đổ sang các khiếu năng, trong đó có lương tri, khiến nổi lên ở đây một năng đức, một cảm thức giúp phân định. Cảm thức ấy chỉ được nghiệm thấy ở Tín-Vọng-Ái trong hành sử (in actu exercito) của tam đức này. Ðó là một ánh sáng siêu khách quan, cái gì đó như hướng đi của ý Chúa, như lương tri thiêng liêng của ta. Vâng, một đức Minh siêu nhiên, một khiếu "đánh hơi" gần như tự nhiên, khiến nói ra được những gì bí ẩn, một tâm trạng chẳng hạn, mà không ý thức.

Những chiều kích của Trưởng thành thiêng liêng

Lớn khôn về thiêng liêng là lớn vừa tầm Chúa Kytô, nên giống Người như đúc. Chúa Kytô, đó là Thiên Chúa thành người (mầu nhiệm Nhập thể), vì tôi đã hy sinh xác thân (mầu nhiệm Thập giá) để rồi đoạt lại thân xác dưới dạng mới hẳn (mầu nhiệm Phục sinh), nhờ đó biến tôi "thành" Ngài. Cũng như không có thực Ðức Kytô ngoài mầu nhiệm bộ ba, sẽ không có Kytô-hữu chính tông nếu thiếu một trong ba chiều kích sống ấy. Vậy, để lớn lên vừa tầm Chúa, không thể tôi không đi sâu vào mầu nhiệm tam diện của Ngài bằng học hỏi và sống nghiệm.

Vì thế, vừa phải yêu trần gian, gánh lấy trách nhiệm của mình giữa xã hội, lại vừa phải có thái độ siêu thoát, sẵn sàng rời bỏ tất cả khi cần. Cứ hăng say phục vụ đi, dù trong địa hạt phát triển hay cách mạng, nhưng cùng lúc phải hiểu rằng: cuộc sống đây không phải là tất cả cuộc sống, và trần gian phải "biến thể" (trans-substantiation), chết đi với mình để sống cao hơn mình. Thái độ yếm thế, trốn đời, dửng dưng với sự tồn vong của đất nước, thái độ ấu trĩ ấy phủ nhận Nhập thể và chối bỏ nửa gương mặt của Chúa Yêsu phục sinh. Ðối lại, kẻ chỉ biết xây Thiên đường tại thế, làm như tận thế không có, kẻ ấy cũng ấu trĩ không thua, khi nó không nhận ra, cũng là của Chúa, gương mặt "sâu bọ, chứ không phải người".

Một tín đồ "người lớn" ngược lại, vừa biết trân quý hiện tại, vừa vọt thẳng về cánh chung và lôi hiện tại theo. Vâng, ý nghĩa của hiện tại nằm ở cánh chung, và giá trị của nó là trong tương quan với hạnh phúc vĩnh cửu. Sở dĩ con người đáng giá vì nó có khả năng Làm người. Sở dĩ cuộc sống đáng giá vì nó vươn xa hơn cuộc sống hôm nay. Sở dĩ trần gian đáng giá vì tương lai của nó là Trời đất mới.

Ðể thấm lấy Chúa Kytô, nhờ đó sống mầu nhiệm Ngài, một tín đồ chính danh không thể không hướng nội.

Chúa Kytô đã đi khuất mắt tôi bằng thăng vinh (exaltation) để nhờ Thần khí, Ngài trở về với lòng tôi. Nên tâm hồn đúng là chỗ tôi phải gặp Ngài. Không gặp Ngài ở đó, làm sao có Ngài để mang vào cuộc sống đây! Vì thế, phải tập quen tâm sự với Ngài bằng cầu nguyện, thu xếp chỗ nghỉ cho Ngài bằng thanh vắng nội tâm (solitude intérieure). Thanh vắng nội tâm, không vì vắng khách bên ngoài, nhưng vì một mình bên trong, không còn sự kéo ra do ham muốn, không còn sự quấy phá của những bận tâm về người, vật, việc. Chỉ còn mình với mình, những giây phút quý hiếm mà mình nghe được mình, mình nghiệm thấy mình. Ðể tránh sự đóng kín, tự mãn với mình kiểu Narcisse (Trong thần thoại Hy Lạp, Narcisse là kẻ chỉ yêu được chính mình), còn phải có sự vượt mình về phía cái (đấng) sâu hơn mình: Thiên Chúa. Thiên Chúa, tôi chỉ thấy Ngài "qua tấm gương", gương mờ đôi phen, nên bên trong vẫn còn gì trống vắng. Với những ai chưa nếm được sự ngọt ngào của Chúa, thì sự trống vắng ấy lạnh "ớn da gà", khiến người ta luôn trốn chạy nó, cũng là trốn chạy mình, bằng cách lao đầu vào công việc, vào những thú vui.

Người trưởng thành, tuy hướng nội, cũng vẫn hướng tha, và sẵn sàng hành động khi lợi ích của xung quanh đòi hỏi. Vâng, dù một đan sỹ vẫn có thể phục vụ trong dòng và quan tâm đến thế giới trong hy sinh, cầu nguyện. Còn như đây là con người hành động, họ sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, với hướng nhắm thiêng liêng không sai lệch . Ðể được như thế, tuy nhìn ra ngoài, họ không bứt khỏi nội tâm. Nhờ đó, sau những giờ bận bịu, họ dễ trở về với cầu nguyện và với chính mình.

Con người trưởng thành còn là người sống đạo tự mình. Tại nước ta và nhiều nước chưa kỹ nghệ hóa cao, người ta thường giữ đạo do tập tục gia đình và khu xóm, hơn là vì thâm tín mà theo. Áp lực dư luận không cho phép người ta bỏ nhà thờ hay sống phóng túng. Liệu một thứ đạo "bao cấp" quá kỹ có thể trụ được lâu giữa giông tố cuộc đời hay trong một môi trường mới, mất hẳn liên lạc với thế giới quen xưa? Vâng, một người lớn không thể sống bằng sữa mẹ. Người lớn phải sống bằng đôi tay và cái óc của chính mình. Vậy phải luyện cho mình và cho tín hữu một thứ đạo bản thân, đạo do xác tín bởi học hỏi và suy tư, bởi tập tành và sống nghiệm. Ðạo của riêng tôi, bất chấp lề thói và phê phán của xung quanh, bất chấp bách hại và những thử thách khác. Người lãnh đạo gia đình hoặc giáo xứ đừng lấy quyền mà áp đặt một lối sống và suy nghĩ đồng đều, khiến tạo nên một bầy cừu dễ bảo, nhưng thiếu bản lãnh và tác phong. Họ đừng giữ đám trẻ cho mình, mà khuyến khích chúng đến với những nhà thờ, đoàn thể, lớp giáo lý thích hợp riêng cho chúng. Kẻ làm giáo dục phải bớt dần kỷ luật chung hòng giúp thiếu niên tự thảo lấy cho mình một kỷ luật riêng để rèn tu nhân cách.

Nên lưu ý, đạo bản thân không phải đạo lập dị đâu. Nó nhắm cái chính mình hơn là cái khác người (Xu hướng tìm cái Khác dễ đưa tới đổi mới và sáng tạo. Ðể xu hướng ấy khỏi sinh lập dị và tự kiêu, hãy bớt nghĩ đến mình và năng nghĩ đến người trong cảm thông và kính trọng). Ðạo bản thân cũng chẳng phải đạo khép kín: Ðức Yêsu chỉ là Kytô (Kitô có nghĩa là Ðấng chân nhân, được tiền định làm vua và cứu nhân độ thế) khi mở sang thế giới, và điều mà Ngài tha thiết xin Cha, là "biệt thánh chúng", "cho chúng nên một với nhau", vừa dành riêng, vừa mở cửa. Vâng, một tín đồ Chúa phải mở sang người khác (hiếu nhân), mở đến toàn cầu (bình thiên hạ vì Nước Chúa) và đập theo nhịp đập của chung Giáo hội (sentire cum Ecclesia). Chữ Nhất (bản thân) và Hội nhất không những tập trung vào mình, mà còn tỏa ra để gồm thâu ( récapitulation), nhờ đó chữ Nhất của tập hợp Giáo hội được kết thành bởi các chữ Nhất của hàng tín đồ giàu nhân cách (Eph.4.12-13; 2,22).

Trưởng thành thiêng liêng cần trưởng thành nhân bản

Thánh Phao lô đã suy diễn từ trưởng thành nhân bản khi nói về trưởng thành thiêng liêng. Thực ra, nếu trưởng thành thiêng liêng là ở mức "sung mãn của con người Chúa Kytô", thì sự sung mãn ấy lại thực hiện trên con người của chính bạn. Nơi con người này, phải phát triển và hội nhất những sức mạnh thiêng liêng, nhưng sức mạnh thiêng liêng là gì nếu không phải là sức mạnh tâm lý được thanh lọc và cải hóa bởi ân sủng? Vâng, chính những sức mạnh này đấy. Nên trưởng thành đạo đức và thiêng liêng, ít là ở chỗ hoàn bị của nó, giả thiết phải có trưởng thành cảm tính, đồng thời hoàn tất trưởng thành này.

Vậy để leo giốc Các men, chúng ta phải trau dồi sức mạnh cảm năng và lợi dụng nó. Với Yoan Thánh giá, sức mạnh của hồn là ở đó vậy. Chỉ cần sáng soi tình cảm bằng lý trí và hướng dẫn chúng bằng ý chí đã được thanh tẩy! Vâng, chỉ cần quy hướng được các tâm tình về Chúa, thế thôi (Leo núi Các men, III.16). Cùng là năng lượng nguyên tử, phục vụ chiến tranh cũng được, mà phục vụ hòa bình cũng xong.

Nếu Yoan Thánh giá và Phaolô nói bằng kinh nghiệm, thì bằng lý luận, Tôma Aquinô cũng thấy như thế, nên rất coi trọng cảm tính tự nhiên và không phân ly cảm tính tự nhiên với siêu nhiên. Thật thế, chỉ có thích, người ta mới hành động hết mình được (S.Th. I.II.33.a.4). Ngay cả giác hướng (appétit sensuel), nếu được lý trí hướng dẫn, cũng giúp hoàn thiện con người, để cùng với thần hướng (appétit intellectuel), nó ca tụng Thiên Chúa và sướng thỏa trong Chúa (I.II.24.a.3). Vì thật ra, hai đằng rất mật thiết với nhau, khiến hễ cái thích tinh thần (appétit intellectuel) mạnh lên, nó phải tràn sang giác dục (a.1).

Tâm lý con người là chỗ gặp giữa con thú với tinh thần. Với tiếng vang của cảm giác sang ý thức, con thú đã bắt đầu có gì đó của tưởng tượng và tình cảm. Có điều tưởng tượng ấy mới là sao chép cảm giác, và tình cảm ấy luôn hướng ngoại về phía những nhu cầu vật chất thôi. Liên quan đến nhu cầu vật chất, đó là những tình cảm ham muốn chiếm, hy vọng chiếm, sướng thỏa vì chiếm được, giận dữ trong tranh giành, sợ hoảng trước đối thủ khỏe dữ hơn. Con người, vì có khả năng nhìn trở lại mình đang sợ, vui, giận dữ như thế, nên lắm khi bị hút vào nội tâm, chú trọng vào những cảm xúc và căng thẳng của nó hơn là vào đối tượng bên ngoài. Hơn thế, bằng ý muốn tự do, bằng sự tập trung ánh sáng lý trí, con người có thể chuyển đổi đối tượng ham muốn, trì hoãn hành động, hay bơm sức cho tình cảm khiến hành động thành mãnh liệt hơn. Cảm năng hoạt động dưới ba dạng khác nhau: cảm xúc, tình cảm và đam mê. Cảm xúc (ham, sợ, vui, tức...) do kích thích gây ra. Nó sôi nổi, nhưng ngắn ngủi, và dễ vượt khỏi vòng kiểm soát. Hãy đặt nó vào vòng kiểm soát bằng thói quen hãm mình, bỏ ý riêng. Còn tình cảm (yêu, hận, ghét...) là cái gì thường hằng, nhưng chìm lặng hơn, trong khi đam mê là tình cảm mãnh liệt khả dĩ chiếm lãnh ý thức trường, tập trung năng lượng tâm-sinh, lôi kéo cuộc sống về một phía. Tình cảm và đam mê là nguồn gốc của rất nhiều cảm xúc. Ngược lại, những cảm xúc năng có xoay quanh một đối tượng có thể xây nên một tình cảm, một đam mê (passion). Vì thế, bằng bớt hay tăng cảm xúc, bớt hay tăng cơ hội tiếp xúc, người ta sẽ nuôi hay diệt một tình cảm. Tình cảm, nhất là đam mê, chi phối mạnh cuộc sống. Nên phải lựa chọn chúng, ít là thanh lọc và hướng dẫn chúng.

Tùy theo hướng nhắm, có những tình cảm nghiêng về thân xác hơn, như ham ăn và nhục dục, hay nghiêng về tâm linh hơn, như yêu nghệ thuật hay xót thương người nghèo khổ. Mục tiêu giáo dục là giảm bớt sức lôi cuốn của nhu cầu thân xác và tăng thêm hấp lực của nhu cầu tinh thần, nhờ đó hồn trở nên cao quý hơn. Mục tiêu giáo dục cũng là xây dựng những tình cảm chìm ẩn nên sâu xa, những đam mê tốt làm tụ điện cho sức phóng về những tầng cao lý tưởng.

Xung động vọt lên từ bản năng (instinct). Ngoài bản năng thuộc thân xác như duy trì sự sống (hướng về ăn uống) và duy trì giống nòi (hướng về nhục dục), trong con người còn những bản năng khác, thuộc tinh thần: bản năng yêu cái đẹp qua cảm thức thẩm mỹ, bản năng tìm sự thật qua ham hiểu biết, bản năng hướng thiện qua cảm thức ác-thiện và bản năng hướng thiêng qua cảm thức tục thiêng (Về những cảm thức loại này, xin đọc Thiên luận, ch I.A: ch. II.A.E: Người có học tầm đạo, phần A.ch.3,4 và 5). Ðây là những khuynh hướng bẩm sinh thuộc tinh thần, nên trừ cảm thức thẩm mỹ liên quan đến cái đẹp khả giác mà con người tìm kiếm, còn các cảm thức khác thường lạnh lẽo hơn. Cũng như ý chí muốn mạnh, phải được tình cảm thúc đẩy, và ý tưởng muốn nóng, phải được ảnh tượng trợ sức, thì lòng yêu đạo đức và những tôn sùng cũng phải đi vào thất tình: hỉ nộ ai lạc ái ố dục, để sống động lên.

Dùng cái gì làm sống động đây? Tư tưởng thì trừu tượng và khách quan, hẳn không mấy tác dụng rồi. Sự vật dễ kích thích các bản năng thú vật, do đó sói mòn các khuynh hướng thiêng liêng. Vậy chỉ còn biểu hiệu (symbole) vốn khả giác nên khơi động tình cảm, vốn nhắm đối tượng thiêng liêng nên hướng những tình cảm này về đối tượng đó, đồng thời thanh tẩy chúng cho phù hợp.

Sở dĩ biểu hiệu, tuy khả giác đấy, mà diễn tả thiêng liêng được, là vì có một đồng dạng nào đó dù khác loại, khác mặt phẳng. Thí dụ, hình ảnh Nhà Cha (Lc.15) chỉ Nước Chúa và gợi nỗi nhớ nhung, hình ảnh Gối mẹ (Is.66.11-13) diễn tả tình Chúa yêu cưng và gợi niềm cảm mến, tin tưởng. Những hình ảnh như trên quen đi đôi với một tình cảm, nên hễ hình ảnh xuất hiện, nó cũng kéo tình cảm ra với mình. Và trong khi biểu hiệu chuyển đổi mặt phẳng diễn tả, nó cũng biến cải tình cảm thành trong sáng, sao cho phù hợp với mặt phẳng mới.

Một tình cảm đạo đức chưa chắc đã là một tình cảm thiêng liêng, vì một đằng thuộc cảm thức thiện ác, đằng kia thuộc cảm thức thiêng tục. Vì thế, sự chuyển đổi từ bình diện khả giác sang lưỡng bình diện thiện và thiêng là một khó khăn kép, cả về mặt diễn tả lẫn về mặt phóng điện, biến điện. Có điều thiện và thiêng rất gần gũi nhau, nhất là ở độ cao của chúng, nên khó khăn kia cũng giảm bớt đi; và khi chuyển đổi thành công rồi, sự gặp gỡ giữa thiêng và thiện sẽ bội tăng sức mạnh tình cảm cho nhau, khiến cho thiêng cảm thấy càng thần thiêng, và đạo đức vọt cao thành thánh thiện.

Có điều chính cảm giác thiêng và thiện cũng cần được thanh lọc thêm mãi. Ở mức bình thường của nó, thiện thường đi với luật và bám vào hình thức. Nên thiện là ở việc này, lời kia, chứ không do ý nghĩa của chúng và ý hướng của tôi. Còn thiêng, ở mức "bán khai" của con người, lại là sự vật nọ, ngày giờ đó, khiến đường đời kẹt cứng giữa những ta-bu.

Cảm thức thiện ác được thanh lọc khi ta đặt trọng tâm vào mục đích và ý nghĩa của luật. Và tự do trong cảm thức thần thiêng chỉ đạt được bằng giải thiêng và thần hóa thôi. Giải thiêng là tách cái thần thiêng ra khỏi mọi sự vật, nơi chốn, ngày giờ... Nhưng giải thiêng suông thì cũng tục hóa cái nhìn và xóa bỏ thần thánh. Tách thần thánh ra rồi, phải đưa Thiên Chúa trở lại để thần hóa bằng sự hiện diện, bằng hơi hướm của Ngài. Vâng, chỉ cần thay đổi cái nhìn của tôi, và thay nó từ nội tâm.

Trên bình diện sinh vật học, con người đã tiến hóa từ con thú. Sinh ra với sức nặng con thú, người ta phải bớt dần nó để lớn dần tinh thần. Làm người, hay lớn lên về tinh thần, không phải bằng chiều cao trí thức cho bằng chiều cao đạo đức (morale). Ðó cũng là thoát dần trọng lực của ham muốn bản năng để chiếm lĩnh tự do.

Thực tự do là khi ta làm chủ được mình. Thực nên người là khi đã phát triển và hội nhất những năng đức cơ bản như nhân, trí, dũng. Những năng đức ấy giúp con người có sức và thường hằng kiểm soát được mình, không vì giận mà bất nhân, không vì run mà mất dũng, không vì lợi mà bỏ tín, không vì đói mà vô sỉ, không vì ham muốn mà mất tiết độ,v.v.

Ðể sống vững (trong đạo đức) như thế, không thể thiếu trưởng thành tâm lý, ít là ở mức tối thiểu. Vì sống được như thế là đã hòa hợp được cái Tôi với môi trường, nghĩa là hoàn thành một thích nghi xã hội (adaptation sociale), nhờ đó có khả năng tự chế (auto-contrôle), khả năng ứng phó thực tiễn, khả năng hợp tác và tương giao, khả năng thông cảm và đồng cảm. Sự hòa hợp của cái Tôi với môi trường và giữa các cảm lực với nhau không khử hết xung đột (conflit) — tôi có ý nhắm xung đột chiều sâu —, nhưng nơi một con người già dặn, xung đột ấy sẽ không đưa đến tâm bệnh nội xử (névrose) mà hậu quả là mất nhất tính tâm lý (unité psychique).

Ðến đây, nên lưu ý một sai lầm thường mắc. Người ta quen đánh giá là trưởng thành những con người biết an phận thủ thường, chẳng dám nghĩ hay làm gì khác người cả. Nên nhớ, sợ dư luận là nhát, chứ không phải "người lớn" đâu. Và kẻ dễ chế ngự cảm xúc lắm khi chỉ vì cảm xúc yếu quá. Trái lại, chỉ ngựa bất kham mới có thể thành ngựa hay nếu không đi đến bất trị. Thật thế, phải đam mê mới sống mạnh; phải có cá tính mới tiềm tàng nhân cách. Những người giàu tinh hoa như thế không dễ chế ngự mình, không dễ hợp với "đồng bằng" xung quanh. Phải có sức mạnh Hercule (ở ý chí), họ mới ngồi vững trên lưng ngựa bất kham là tâm lý mình được. Nhưng nếu ngồi vững được, nghĩa là trưởng thành, được thuần hóa (assagi), họ dễ làm thánh sống. Bao lâu chưa thánh, họ phải còn những sắc cạnh ở hột xoàn, nghĩa là còn dăm ba xối động thất thường, do những cồn sóng ngầm chưa khai triển hết, cũng như do sự hội nhất khó hoàn chỉnh của những luồng sức lớn lao (Nhất là khi, do cơ cấu tâm sinh lý bất bình thường, mà sinh ra những xung động mạnh quá. Những đức hạnh tuyệt vời. Xx. the basic writings of S.Freud, do A.A.Brill soạn ấn, Nw York. 1938, tr.625-626). Nên một đằng đừng lẫn lộn yếu đuối với trưởng thành, và một huấn luyện viên biết người biết của đừng ham những chú ngựa ẻo lả như thế. Ðằng khác, phải tìm cho những con ngựa bất kham những ông thầy có tầm cỡ, và kiên nhẫn với những cú đá hậu thình lình của chúng. Sẽ thành đồ bỏ nếu bất kham thành bất trị, do đó hoài phí một tiềm năng và tạo ra một nguy hiểm. Bằng như trị được, thì sự trưởng thành tương đối của họ sẽ làm nên những nhân cách vĩ đại và cống hiến cho Chúa những hiệp sỹ trung kiên.

Sự hội nhất cảm tính và sự hoàn thành con người đạo đức luôn phải đi đôi với nhau. Vâng, con người đạo đức không thể tách rời con người tâm lý, và đạo đức sẽ không lớn vững nếu không đi cùng chiều với sự phát triển cảm tính. Cố nhiên, bằng ý chí siêu phàm, một người nào đó vẫn có thể dằn xuống những xung đột bên trong và len lách được với một tối thiểu tự do còn sót trong tâm bệnh. Nhưng trong trường hợp ấy, một phát triển thiêng liêng toàn diện và hoàn hảo sẽ không thực hiện nổi. Ðương sự có thể trổi vượt về một số đức tính như nhịn nhục chẳng hạn, nhưng vẫn có những hụt bẫng thế nào ấy.

Thật ra, tương quan của thánh thiện với quân bình tâm lý đã là vấn đề tranh cãi từ lâu trong Giáo hội.

Trước đây, người ta thường có thái độ dè dặt, coi sự nên thánh độc lập đối với những trục trặc cảm tính chưa xóa hết tự do. Vì xem ra Nước Trời được hứa ban cho những kẻ mù què khốn khổ. Vì tính siêu nhiên và miễn phí của ân sủng: ân sủng Chúa quyết định, chứ không thể bị quyết định, miễn là ta còn đôi chút khả năng hợp tác. Theo L. Beirnaert (La sanctification dépend-elle du psychisme? trong Expérience chrétienne et psychologique, 1964,tr.138) thì:

Dĩ nhiên là ở đâu còn một kẽ hở cho tự do, ở đó tia sáng ân sủng vẫn tràn vào để cải hóa được. Ân sủng khi ấy rõ ràng rất mạnh, và để thuận theo ân sủng ấy dù giữa những sợ hoảng (phobie) và ám ảnh (obsession), ý chí cũng phải mạnh, khiến cho "chỉ duy việc nắm bàn tay Chúa trong đêm, bàn tay mà họ không cảm giác thấy, đã là điều hết sức kỳ diệu rồi." (ibid,tr.240).

Vâng, đúng là kỳ diệu từng hành động và từng chuỗi hành động, có khi kéo dài suốt đời của một siêu nhân nhờ ý chí của mình và nhờ ân sủng của Chúa, ân sủng ngay cả trong hành sử ý chí ấy. Có điều hành động kia, dù lặp lại bao lần chăng nữa, cũng không bao giờ thành trơn tru, nghĩa là thành thói quen và làm nên năng đức (vertu). Vâng, một năng đức bao giờ cũng là thói quen, và do đó khiến hành động dễ và tình cảm bén nhạy. Thế mà để trưởng thành đạo đức, thì phải hội đủ những năng đức chính và những năng đức ấy phải hòa hợp với nhau.

Vâng, đúng là với ơn Chúa và với tự do còn sót, người tâm bệnh vẫn có thể thắng mình và hành động thánh được. Nhưng họ sẽ mãi trên đường, và con người họ ít là một phần dang dở. Vâng, làm sao họ đạt tới bình an của Chúa, nhất là "hôn nhân thiêng liêng" khi còn nhiều sợ hoảng (phobie), nhiều đột phá nhục dục, nhiều ác cảm tự nhiên với giống người...? Mình tấn công mình như thế mà vẫn thắng mình được, thì con người ấy là thánh sống, nhưng một thánh sống chưa trưởng thành, nên chưa hoàn tất trong thánh thiện. Vâng, hoàn tất như một con người thánh sao được khi chưa hội nhất (cảm tính) như một con người.

Hiẹân nay, chẳng những các tâm lý gia, mà ngay cả số đông thần học gia cũng phải nhìn nhận rằng: cảm tính (affectivité) là "yếu tố nền tảng trong kiến trúc nhân cách", là "chiều kích nền tảng của con người", và trưởng thành cảm tính làm nên "điều kiện thiết yếu cho vận hành nhân cách" (fonctionnement de la personnalité) ("Spritual growth is not dichotomous with psychological growth, they are convergent processes strictly interdependant" - L.M.Rulla. J.Ridick, F.Imoda. Entering and leaving vocation: intrapsychic dynamics, Rome - Chicago, 1976,tr.215). Cho nên, dù chủng viện hay tập viện đều khép cửa đối với ứng sinh thiếu quân bình cảm tính, nhất là tới mức bệnh rồi. Không phải chỉ phát triển tâm lý mới cần cho trưởng thành đạo đức, mà đạo đức cũng cần cho điều hòa cảm tính y như vậy. Theo Jung, một tâm bệnh nội xử có thể do một tội lỗi gây nên. Và theo các tâm lý gia, kẻ không thể mở sang người khác (bằng chấp nhận, thông cảm, yêu mến), sẽ trên ngưỡng cửa của tâm bệnh nếu chưa phải là đã bệnh rồi. Theo tôi nghĩ, sự hội nhất thành nhân cách luân lý, ở chỗ nó vang vọng vào tâm hệ (psyché), hẳn là phương thuốc tuyệt hảo để lành mạnh hóa tâm hệ ấy.

Vì có sự song hành đồng chiều giữa phát triển tâm lý và luân lý, và vì trưởng thành thiêng liêng chẳng qua là một loại hình trưởng thành đạo đức (một đạo đức được tác động thêm do ân sủng và có khí vị thần thiêng), nên thiêng liêng cũng phải ăn sâu vào tình cảm. Ðược chở bằng con tàu cảm tính, phát triển thiêng liêng không thể không lôi nó theo mình, để cuối cùng, sự "bình an của Chúa" cũng thành sự bình an của tim tôi nữa. Nếu thiêng liêng âm vang sang cảm tính, thì tình cảm cũng thấm nhiễm thiêng liêng. Cảm tính trong sức mạnh của nó thường đậm màu tính dục, nên dù tình cảm thiêng liêng cũng phải đi vào hướng đó. Ðể thành thiêng liêng, cái nhìn phân cực ấy phải bớt dần trọng lực (của hấp dẫn thể xác) để mạnh dần tâm hồn. Theo Freud, tình dục nên được dồn nén để thăng hoa thành tình yêu, nhờ đó mới bền bỉ được. Chúng ta cần thêm: để sâu xa và xứng với con người.

Yêu là mở sang người khác, để cái mình thiếu thốn thành Chúng mình phong nhiêu và ấm lên. Ðứa bé khi sinh ra thì tập trung vào mình. Nó phải mở ra được thì mới trưởng thành nổi. Và đây cũng là hướng tiến của trưởng thành thiêng liêng, trưởng thành đạo đức.

Kẻ chẳng yêu nổi anh chị em mà nó thấy, hẳn chẳng yêu nổi Thiên Chúa mà nó không thấy. Yêu là điều kiện cần để nên thánh và trưởng thành thiêng liêng. Vậy một tu sỹ không yêu gì cả, trừ chính bản thân mình, thì thà họ bỏ đời sống khô cằn ấy, cố tìm kinh nghiệm yêu thương trong đời sống gia đình, may ra nhờ đó có thể yêu thêm cả Thiên Chúa nữa.

Sự phát triển thiêng liêng và nhân bản liên hệ với nhau như thế, nên để nên thánh, chúng ta cũng phải ráng thành người luôn. Hãy ráng thành "người lớn", và ý tưởng THÀNH NGƯỜI LỚN sẽ bơm sức cho ta gắng trưởng thành lên, trưởng thành cả hai mặt đồng đều.

Người lớn thì làm gì cũng phải làm nghiêm túc, định gì cũng phải định dứt khoát. Ðể quyết định, người lớn sẽ lấy lý trí soi sáng và cân nhắc hẳn hoi; lại sau khi quyết rồi, sẽ không thay đổi trừ phi có lý do quan trọng.

Người lớn cũng không tọc mạch xía vô truyện người khác, không nói xấu nói hành, nhưng nói thẳng nói thật khi ích chung đòi hỏi. Người lớn sống theo xác tín của mình, chứ không do lôi cuốn, dù vẫn biết lắng nghe ý kiến. Người lớn lại phải thủ tín, không dễ hứa, nhưng hứa thì giữ lời, không vì sợ người khinh cho bằng vì tự trọng. Người lớn cần nắm vững cái chính yếu, chứ không vụ hình thức và tiểu tiết (Rom. 14.14-20). Vâng, với họ, chỉ có Chúa Yêsu là cần, chứ không phải Phaolô hay Apollô, nên cũng không ham chạy hết đền khấn này đến kẻ "in dấu thánh" kia, bỏ cả phận sự vì những cuộc hành hương đó.

Làm người lớn, ai cũng hiểu là làm như thế. Và làm được như thế cũng là trưởng thành thiêng liêng vậy.

TÓM LẠI

Sự gặp gỡ của giác năng (thân xác) với ý thức hồi phản (tinh thần) làm sinh ra một đời sống tình cảm phong phú. Việc phát triển đạo đức và thiêng liêng nơi con người thân-tâm hiệp nhất không thể thiếu vai trò của cảm năng.

Người ta chỉ trưởng thành như một người khi hội nhất được về tâm lý. Sự trưởng thành tâm lý khiến ta chững chạc lên, có khả năng tự quyết định về mình. Nhưng để làm người, trước tiên phải sống đạo đức. Trưởng thành đạo đức cần phải đi đối với trưởng thành cảm tính. Thế mà trưởng thành thiêng liêng là trưởng thành đạo đức được hướng dẫn bởi đức tin và được nâng lên trong ân sủng đấy.

Trưởng thành thiêng liêng đặt nền trên một đức Tin vững chãi, đức Tin đủ sâu để tác động bằng đức Ái, để thành một cách nào đó với đức Ái nó là chỗ hội nhất và hoàn thiện của hết thảy các năng đức chúng ta.

Khi đã trưởng thành thiêng liêng như thế, ta sẽ sống đạo tự mình, biết phân định cái gì là do Chúa, là hợp đường lối Chúa. Sống Chúa Yêsu, ta sống mầu nhiệm bộ ba của Chúa, vừa trách nhiệm về thế gian (nhập thể), vừa chấp nhận thập giá và vươn về hướng Trời. Do đó, ta vừa phục vụ, vừa không quên trò truyện với Chúa ở bên trong.

Ðể trưởng thành thiêng liêng, cả bằng tình cảm, ý thức và hành động, ta phải biết thanh lọc và giáo dục cảm tính, hướng nó về điều lành và thế giới thiêng liêng. Ðể từ nền xác thân vọt lên được như thế, phải dùng đến biểu hiệu, chúng vừa khả giác nên gợi cảm, vừa hướng về mặt phẳng thiêng liêng nên chuyển đổi diễn tả và cải hóa được cảm xúc.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page