HUYỀN NGHIỆM:
BẢN CHẤT VÀ TIẾN TRÌNH

Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Các tôn giáo đã có bề dầy lịch sử và bề sâu phát triển đều phong phú về huyền nghiệm. Ít nhất, đó là Ấn giáo, Phật giáo và Kytô giáo (Ðạo giáo và Hồi giáo cũng có ít nhiều). Ấn, Phật luôn coi huyền nghiệm là cùng đích của con đường. Huyền nghiệm, đó là giác ngộ nó giải thoát ta, đưa ta nhập Niết bàn hay đồng hóa với Brahma.

Kytô-giáo không coi huyền nghiệm là cần cho cứu độ. Nhưng hữu thức hay vô thức, phần đông vẫn tưởng huyền nghiệm làm nên thánh nhân. Dẫu sao thì huyền nghiệm vẫn là một trong những biểu hiện của thánh thiện, dù không chắc hoàn toàn. Nói rõ hơn, một thánh nhân bình thường thế nào cũng trải qua một số kinh nghiệm diệu kỳ nào đó, dù không phải cứ có kinh nghiệm ấy là thánh đâu. Vì cả lý do trên lẫn lý do dưới, việc tìm hiểu huyền nghiệm rất hữu ích cho cả người làm linh hướng lẫn kẻ đang leo đồi thánh thiện.

Huyền nghiệm: hiện tượng và loại hình

Kytô-giáo xưa tưởng chỉ "người của Chúa" (homme de Dieu) mới có ơn huyền nghiệm. Còn nhiều người trong Ấn, Phật giáo lại tưởng Kytô-giáo chỉ là đạo lập công, không biết đến huyền nghiệm, nên họ coi rẻ coi khinh.

Vậy huyền nghiệm là gì, và có gì khác nhau giữa huyền nghiệm Dân Chúa và huyền nghiệm "dân ngoại"?

Trước hết, không nên lẫn huyền nghiệm với "hiện ra" (apparition). Trong Hiện ra (như ở Lộ đức, La vang), kẻ thấy thì nhìn bằng mắt, nghe bằng tai đối tượng ở ngoài mình. Còn kẻ huyền nghiệm không thấy bằng cảm giác, mà bằng trí tưởng, tuệ trí..., nghĩa là bằng kinh nghiệm nội tâm. Cái mà họ cảm nhận có thể là một hiện diện kỳ bí, mà hiện diện sâu nhất sẽ là "từ bản gốc (Thiên Chúa) đến bản gốc (hồn)" (substance à substance), không qua ý tưởng hay ảnh tượng hoặc trung gian (medium) nào khác.

Thực ra theo thánh Tôma Aquinô, chỉ trong cuộc sống vinh phúc mai sau, hồn mới biết Chúa không qua trung gian nữa, mà biết thẳng Ngài ở yếu tính (yếu tính Thiên Chúa đến thay thế ý tưởng ta về Ngài). Còn trong cuộc sống lữ khách này, dù biết sâu đến đâu cũng phải qua một cái gì phản chiếu (1Cor. 13.12), cái mà thần học gọi là mô thức thiên phú (formes infuses).

Ðối tượng của huyền kiến thường là Thiên Chúa của kinh nghiệm. Vâng, của kinh nghiệm, chứ không của tri thức trừu tượng và khách quan. Ðối tượng ấy cũng là một mầu nhiệm được hiểu, không bằng cách hiểu lạnh lẽo của khoa học, mà bằng một thứ trực giác nó đánh cuộc cả con người tôi.

* * *

Nghiên cứu các loại huyền thức trong và ngoài Kytô-giáo bên phương Tây, có học giả phân chúng thành ba loại: huyền nghiệm yếu tính (d'essence), huyền nghiệm hôn hiệp (nuptiale) và huyền nghiệm trống vắng (d'absence).

- Huyền nghiệm yếu tính cho một cái nhìn nghiêng về siêu hình và có hướng nhất nguyên (monisme), hơi hướm Tân Platon-phái. Hồn thấy mình như hòa vào cái Thể siêu việt gốc nguồn, mà nó là phản ảnh. Tiêu biểu cho loại hình kinh nghiệm này có thể tìm thấy nơi Thầy Eckhart. Eckhart phân biệt giữa Thiên Chúa và Thiên tính. Thiên tính thì không thể được xác định thành một dạng thức, một cái gì rõ rệt. Từ vùng âm u ấy sẽ hiển định lên đấng là Thiên Chúa. Ðối xứng với Thiên Chúa thì có hồn. Tự bề sâu thăm thẳm của nó, hồn được làm vừa đúng để chứa đựng Thiên Chúa. Lý do là vì hồn được Thiên Chúa sinh ra bằng một hành động vĩnh hằng và theo khuôn mẫu Ngài.

Trước khi làm nên vạn vật, trong có con người, Thiên Chúa mới chỉ là Thiên tính thôi. Ðã thành xa lạ với khuôn mẫu của mình là Thiên Chúa rồi, hồn chỉ tìm lại nguyên căn (identité) mình khi được hư vô hóa bởi ân sủng. Do ân sủng mà trở về hư không rồi, hồn được nâng khỏi tình trạng thụ tạo để đón nhận Thiên Chúa cũng trở về với Thiên tính. Và đây là cái nhìn hơi lệch về nhất nguyên chủ nghĩa của Eckhart.

Tuy De Jefferies (1848-1887) không biết đến tiền bối Eckhart (1260-khoảng 1327) hay một huyền nghiệm nhân nào khác, nhưng cũng như Eckhart, ông kinh nghiệm cái "Hiện tại vĩnh hằng", cái Thiên (deity) vượt trên Thiên Chúa (deity), và cái hồn thiên tính của mình.

Kinh nghiệm De Jefferies, nhất của Eckhart (nói cho đúng ra, cách hiểu của họ về kinh nghiệm ấy) có gì khá giống với kinh nghiệm cổ điển của Upanisïad vốn phân biệt Brahmâ Thượng đế hữu định với Brahma siêu việt vô định.

- Huyền nghiệm hôn hiệp tập trung nhiều ở môi trường đan viện, giữa giới nữ lưu. Với họ, Chúa Yêsu là Tình lang và Phu quân. Tình phu phụ thiêng liêng ấy làm nên do một hiệp nhất sâu nó biến cải hồn trong Chúa, nó nâng hồn lên (như) ngang hàng Chúa để hồn có thể nói năng rất bạo dạn, tự nhiên, đôi khi "nhõng nhẽo" nữa.

Trong Ấn độ giáo, ở những nơi mà trào lưu sùng mộ (bhakti) lên cao, sự phân biệt Chúa-Hồn ngày càng thêm rõ, cả trên bình diện tư tưởng lẫn huyền thức. Cùng với sự phân biệt, có sự xác định đôi bên như những cái Tôi (ngã) cụ thể. Có điều những người như huyền nghiệm nữ Mirâ Bâi, trong quan hệ "ăn ở" với ông vua chồng mình, chỉ dùng ông này để thể nghiệm sự hôn hiệp của mình với Ðức Chúa thôi.

- Huyền nghiệm trống vắng theo Von Balthasar là kinh nghiệm thông hiệp với Chúa Yêsu ở chỗ Ngài khác với Cha Ngài, vào lúc mà Ngài, vì mang tội chúng ta, được đặt vào địa vị tội nhân để chết như một tội nhân. Vẫn theo Von Balthasar, đây là đỉnh cao nhất của huyền nghiệm.

Theo H. Brémond, kinh nghiệm nói trên là về sự thiếu vắng Thiên Chúa, với cảm giác khô khan, với đức Vọng trống trơn (pure espérance) không ước muốn: "Cha ơi, sao nỡ bỏ con?"

Chẳng những Vọng tinh thuần, mà Yêu cũng giống thế: một tình yêu vô vị lợi, với niềm tùng thuận vô biên, không với điều kiện chi hết.

H. Brémond xếp kinh nghiệm đau khổ nói trên vào loại hướng thiên (théocentrique), đối nghịch với loại hướng nhân (anthropocentrique) trong đó Thiên Chúa được cảm thấy như hướng về con người và sự cứu vớt của nó, khiến nó được no nê trong vui thỏa của hiệp thông.

Kinh nghiệm trống vắng, khô cằn này phải chăng là đêm tối thụ động được nói đến trong Yoan Thánh giá? Nếu quả đây là thứ đêm tối ấy, thì đây cũng là cách thanh luyện cần thiết để đưa vào những huyền nghiệm no say cuối cùng, và như thế, kinh nghiệm trống vắng đâu chỉ là hướng thiên, cũng như kinh nghiệm no say đâu chỉ là hướng nhân và ở vào thế đối nghịch?

Ngoài ra, Thần khí Chúa vốn tự do và phóng khoáng, nên không thể khoanh vùng rõ các hoạt động của Ngài trong tâm hồn ta. Sự phân chia theo cấp loại chỉ nói lên cố gắng của lý trí để hiểu về một cái mà bản chất là vô cùng khó hiểu. Trong thực tế, Thiên Chúa thường dựa theo thiên hướng, tập quán và tình trạng đức hạnh mỗi người để tu sửa, bồi dưỡng và hướng dẫn họ. Với I-nhã Loyola, một hiệp sĩ đích danh mà lý tưởng là xả thân vì minh chủ, đức Kytô đã hấp dẫn ông qua ý tưởng Phụng sự (service). Tiếng Phụng sự vang lên bất tận trong cuốn Thần thao với một âm sắc thâm trầm. Phụng sự chính là hướng đi của con đường mà Thần thao đề nghị với ta. Những bài niệm xương sống của nó: Vương quyền (Le Règne), Hai hiệu kỳ (Les deux étendards), Người ba loại và Khiêm ba cấp, bằng cách đối lập Yêrusalem với Babylone và Chúa với Satan, sẽ dẫn dắt cho hành giả biết "chọn mặt gửi vàng"; thế rồi bằng cách nêu lên những mẫu phụng sự khác nhau, sẽ cho ta thấy đâu là chọn lựa xứng đáng nhất, cũng là quảng đại nhất. Huyền nghiệm của huyền sỹ nổi danh I-nhã quả đúng huyền nghiệm Phụng sự, một loại hình không có gì giống với những huyền nghiệm quen được bàn trước đó, trong đời sống đan tu, cố nhiên.

Thiết nghĩ, với ai từng đã biết nhiều về tôn giáo Phương đông, thì không phải môi trường Rhéno-flamand sản sinh ra huyền nghiệm yếu tính, và môi trường đan viện Kytô-giáo là lò đúc riêng của huyền nghiệm Hiệp hôn.

Khi còn thiếu vắng tình yêu, Ấn giáo và Phật giáo đã dồn sức cho cái đầu, tưởng như tri thức là thiêng liêng và cao quý nhất. Huyền nghiệm được chuẩn bị bằng hạ thức (cái biết lý tính qua học hỏi) sẽ tận kết ở siêu thức. Tri thức dù là ở siêu thức, vẫn có gì lạnh lẽo do khí sắc "siêu hình" của nó. Mà cái nhìn siêu hình thì nghiêng về đơn nhất yếu tính, do đó nhất nguyên: "Thiên địa vạn vật nhất thể", "Trời là một với tôi". Thật ra, cái Thể tối cao thường được nghiệm ở hai cấp khác nhau: cái siêu việt thì chưa xác định thành gì để có thể được biết là gì, còn cái xác định rồi thì trở nên Chúa tể vạn vật ngay: "Vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu" (Ðạo đức kinh). Vâng, cái Thiên siêu đẳng thì vượt trên Thượng đế. Và Brahma vô tạo thì vượt trên Brahmâ chủ tạo (créateur). Và có lẽ cũng thế đối với Thiên tính và Thiên Chúa của Thầy Eckhart, đối với thần (deity) và siêu thần (beyond deity) của Richard Jefferies.

Thế nhưng khi đã kinh nghiệm tình yêu trong phong trào bhakti rồi, Ấn giáo liền rời bỏ cái đầu để tìm kiếm con tim, rời bỏ tri thức để chuyển sang tình cảm. Brahma trung tính (neutre) và siêu hữu-tri (sat-cit) đã rút lui vào bóng tối để nhường chỗ cho Ðức Chúa lang quân của hồn, một Ðức Chúa xác định như một bản ngã, thậm chí với một thân xác thiêng liêng. Chưa hết, người ta còn kéo Ngài xuống thấp hơn, cho gần gũi với loài người: Ngài đã giáng trần (ava-trä) làm người, làm ông hoàng Râma, làm mục tử Krishna. Ðối diện và phân biệt với Ðức Chúa, có hồn mà Chúa yêu thương, và vì yêu thương nên tìm đủ mọi cách để cứu vớt, giải thoát. Ðể rồi dù trong tình trạng giải thoát, tôi vẫn còn là tôi trong Ngài, trong hôn phối thiêng liêng và vĩnh cửu với Ngài.

Như thế, huyền nghiệm bao giờ cũng là một kinh nghiệm hiệp nhất. Có điều hiệp nhất yếu tính (hồn tan vào trong Brahma vô biệt) khác hẳn thứ hiệp nhất bản ngã nói trên. Kẻ theo con đường cái đầu thì tập trung (định thần) vào một điểm ở đầu. Kẻ theo con đường tình thì tập trung vào điểm giữa trái tim. Trong Ấn giáo cổ thời, người ta coi huyền nghiệm yếu tính (Brahma vô biệt nơi mình và vô phân với tôi) là cao nhất. Nhưng trong Ấn giáo ngày nay ngả theo Bhakti, thì cao nhất lại là huyền nghiệm hôn hiệp (Xx. Bhagavad-giâtâ, ch.XII). Với Kytô-giáo, khải mạc cao nhất về Thiên Chúa là mầu nhiệm Ba ngôi, tức Thiên Chúa hữu biệt rõ ràng. Có điều Ba ngôi ấy lại một Thể, nên trong huyền nghiệm Ba ngôi, hành giả khi thì thấy Một, lúc lại thấy Ba trội hơn. Còn giữa hồn với Chúa, thì dù cảm nhận hiệp nhất sâu đến đâu, vẫn thấy "Chúa với hồn tuy hai mà một, hồn với Chúa tuy một mà hai", chứ không bao giờ chỉ có mặt hòa đồng.

Người ta cũng chia ra hai thứ: huyền nghiệm thiên về biết và huyền nghiệm thiên về cảm. Chỉ có thể nói là "thiên" thôi, vì nếu biết bằng nghiệm, thì cái biết ấy là thứ trực giác nó choán hết nội tâm, khiến không thể thiếu nghiệm cảm. Có nghĩa là tri đấy cũng là cảm đấy, và ngược lại.

Huyền nghiệm còn nằm ở độ sâu ngoài tầm với của ý thức, nên không cách nào trí năng hiểu rõ bằng ngôn ngữ của mình. Khoảng cách giữa hai bên ấy khiến cho cùng một kinh nghiệm có thể được giải thích khác nhau bởi những nghiệm nhân khác nhau, tùy theo tập quán tư tưởng và niềm tin của họ.

Khoảng cách giữa nghiệm và hiểu còn được nối dài thêm bởi khoảng cách vô cùng lớn giữa huyền nghiệm hiện tượng ấy với huyền nghiệm căn bản. Huyền nghiệm căn bản là ân sủng, hay sự thật của hôn hiệp giữa hồn với Chúa, sự thật nó chìm ở chỗ tột sâu và chỉ hiển lộ mai sau trong huyền kiến vinh phúc (vision béatifique). Sự thật của hôn hiệp này, trong một số điều kiện và dưới tác động của Thần khí, có thể hừng lên ngay phía dưới ý thức trường thành huyền nghiệm hiện tượng, quen gọi huyền nghiệm, trống trơn. Huyền nghiệm hiện tượng có thể diễn ra với sự tham dự của lý trí, trí tưởng hay cảm giác. Hoặc diễn ra ở một vùng sâu hơn, vùng tuệ trí hay buddhi, mà khiếu năng không vươn tới được, nên cũng chẳng hiểu chi hết. Tuệ trí, trong tự vựng huyền nghiệm học Kytô-giáo, còn được gọi là "mũi nhọn trí năng", "đỉnh tinh thần", "mũi nhọn của hồn" hay "bản thể" (cũng của hồn ấy).

Dẫu sao, cái được gọi là Mũi nhọn hay Bản thể đó chưa hẳn là điểm sâu chót của nội tâm. Ở chỗ sâu nhất này, ta bắt đầu gặp Chúa trong ân sủng. Ân sủng tỏa thành động năng trong những đức thiên phú, mà hạt nhân là Tín-Vọng-Ái. Tín Vọng Ái là hôn hiệp với Chúa nó hướng về cuộc sống. Khi luồng điện Tín Vọng Ái căn bản vốn thiên phú này nối phần nào được với mạch điện ý thức, thì có chớp sáng huyền nghiệm. Huyền nghiệm là sự gặp Chúa bên trong bắt đầu thấy được phần nào ở bên ngoài, tức ở ý thức. Nội tâm càng được rửa sạch và dọn quang, thì cái nhìn ý thức càng soi tới sâu hơn, ở "mũi nhọn linh hồn", chỗ mà chỉ Thiên Chúa tới nổi, chứ Satan thì không.

Ở chỗ sâu nhất của nội tâm, sự hiệp nhất với Chúa bằng các đức thiên phú bị chìm trong bóng tối vô thức hoàn toàn. Tại sao thế? Vì đây là ánh sáng thuần túy, ánh sáng không bụi theo cách diễn tả của Yoan Thánh giá về Ðêm tối thụ động, nên không gì phản chiếu sẽ không sáng nổi với khiếu năng ta. Ðể sáng lên về phía ý thức, ánh sáng (của kinh nghiệm căn bản kia) phải chiếu lên các tập quán tư tưởng và do đó lồng vào các khuôn văn hóa của đương sự. Nó hiển lên nhờ khuôn, nhưng cũng do khuôn mà biến dạng phần nào. Do đó mà có hồn thấy Chúa như minh quân, hồn lại thấy như một tình lang lý tưởng. Ramâkrishna cũng huyền nghiệm Chúa Kytô, nhưng lại diễn tả Ngài như một thượng thần trong Ấn độ giáo của ông. Rất có thể ông gặp Chúa (ở kinh nghiệm nội tâm) thật, nhưng ông không thể tách ra khỏi các phạm trù tôn giáo của mình khi hiểu và nói về Chúa.

Huyền nghiệm: phần Thiên Chúa và phần con người

Trước đây, Kytô-giáo tưởng rằng chỉ trong Hội thánh mới có huyền nghiệm. Kịp đến khi tiếp xúc với huyền nghiệm Ấn, Phật giáo, người ta bắt đầu nghĩ đến khả thể về một huyền nghiệm tự nhiên. Chỉ có thể gọi là tự nhiên nếu nguồn gốc của nó là tâm lý suông, thậm chí tâm bệnh lý. Chứ làm sao gặp gỡ Thiên Chúa được nếu chẳng gặp trong siêu nhiên?

Chúng ta hãy xét vấn đề trên bình diện nguyên tắc, sau đó mới đi vào phân tích hiện tượng. Trên nguyên tắc, dù ngoài Giáo hội (hữu hình) vẫn có ân sủng, và đấy là ân sủng đức Kytô, do hành động cứu chuộc của Ngài mà có. Ðã có thể ban ân sủng, tức sự kết hiệp với Chúa bằng huyền nghiệm căn bản, thì hẹp gì mà Chúa không thể cho phép từ kinh nghiệm căn bản ấy phát sinh huyền nghiệm hiện tượng?

Bạn sẽ chất vấn: Dù ngoài Kytô-giáo nếu có huyền nghiệm thực, thì huyền nghiệm ấy luôn mật thiết với Chúa Kytô; vậy cớ sao huyền nghiệm Ấn, Phật giáo chẳng mang một đường nét Kytô-tính nào, lại còn đi ngược giáo lý ở nhiều điểm nữa?

Câu trả lời đã được sơ phác ở cuối tiểu đề trên. Và đây là khoảng cách giữa huyền nghiệm căn bản (hay ân sủng cùng Tín Vọng Ái thiên phú) với huyền nghiệm hiện tượng, cộng thêm khoảng cách giữa huyền nghiệm này với việc hiểu nó bằng lý trí và giải thích nó bằng ngôn từ. Do khoảng cách kép ấy, mà Chúa tuy có một, nhưng kinh nghiệm về Chúa có nhiều, và giải thích kinh nghiệm càng dễ "tam sao thất bản". Phải, Thiên Chúa vốn vô dạng, vô biên, nên đối với cách nhìn hữu dạng hữu biên của ta, Ngài không thể giới hạn trong một chân dung rõ ràng và duy nhất. Mỗi người khi nghiệm Ngài hay hiểu Ngài đều đã "chế biến" Ngài, phần nào đã "sáng tạo Ngài theo hình ảnh của mình".

Nếu đây là huyền nghiệm huệ trí, thì phần góp của con người rất ít, khiến ta thấy được chân dung "gin" của Ngài phần nào. Có điều thấy (bằng thần) đâu phải là hiểu (bằng lý trí), huống nữa diễn tả ra.

* * *

Như trên đã nói, nếu nghiệm Chúa thực, thì phải nghiệm siêu nhiên thôi. Vấn đề bây giờ đặt ra, là có thể có hay không những hiện tượng y như huyền nghiệm, mà thực thì không có gặp gỡ (đấng thiêng liêng)?

Nếu đây là thị kiến giác cảm (qua giác quan) hay hình tưởng (qua trí tưởng), thì chỉ cần tác động đúng cách đúng chỗ vào cơ thể là phát sinh ngay. Tác động vô, thì dù tự nhiên, thần lành hay thần ác đều làm được (mà không cần đối tượng có thực ở đấy). Tự nhiên, đó là bức xạ tâm lý từ các nguyên tiêu vô thức, đó là từ vô thức những sóng thần cảm xạ (affect). Tự nhiên, đó còn là một tâm hồn quá nhạy cảm và yếu đuối, khiến nghĩ đến gì có thể thấy ngay cái ấy, và sự yên trí đôi khi hiển hiện thành thương tật trên người.

Từ kinh nghiệm đức tin đến kinh nghiệm huyền bí

Sự gặp gỡ thân thiết của hồn với Chúa trong ân sủng được hiển lộ phần nào trong huyền nghiệm với ý thức ta. Vì thế, đây là một hạnh phúc khó tả theo kinh nghiệm của Tiên sa Avila, Yoan Thánh giá và bao người khác. Ðây là mùi vị tiên báo cho vĩnh phúc mai ngày.

Không thể tả, huyền nghiệm cũng là kinh nghiệm không thể hiểu và không thể mờ phai. Cái ấn tượng sâu xa và khó quên ấy sẽ mãi hướng ta về siêu nhiên và củng cố ta trong đạo đức, và vì thế rất có ích.

Huyền nghiệm tuy cho ta nếm thử "Chúa ngọt ngào biết bao" (quam dulcis), nhưng lại để thòm thèm, khiến chỉ "một ý nghĩ hay lời nói nhắc cho thấy rằng chưa thể chết ngay (để về hưởng Chúa trọn vẹn) đủ khiến cảm nhận, không hiểu do đâu, như một nhát (búa), một mũi tên lửa... Và vết thương đau ghê gớm... ở chỗ sâu, mật nhất của hồn, ở đó tia lửa dù chỉ thoáng qua, cũng biến thành tro bụi tất cả những gì nó gặp ở bản tính phàm trần chúng ta" (Lâu đài, 6.11). Chính vì mạnh như thế, huyền nghiệm hủy diệt trong phút giây mọi vấn vương, đồng thời gắn chắc ta với Chúa. Vì huyền nghiệm "mê ly" đến thế, nên nó là đích nhắm duy nhất của con đường Ấn, Phật.

Tuy không coi trọng huyền nghiệm như vậy, nhưng vì sự phong nhiêu và phong phú của nó, một Kytô-hữu đức hạnh không khỏi ước ao, mơ tưởng.

* * *

Ngoài huyền kiến vinh phúc (vision béatifique) ra, Chúa Yêsu khi ở trần thế còn sống thường hằng cái kinh nghiệm "Cha ta với ta là một", cái kinh nghiệm cấp cuối mà con người có thể đạt tới ở đây: Hôn nhân thiêng liêng. Trong số các tông đồ, ít nhất có Yoan và Phaolô vượt tới chiêm thụ động (contemplation passive).

Xuyên qua tác phẩm của mình. Yoan để lộ một tầm hiểu rất sâu về quan hệ Ba ngôi, về sự sống siêu nhiên trong tương quan với mầu nhiệm Nhập thể, về cuôïc chiến giữa các sức mạnh thiêng liêng ở hậu trường cuộc sống. Làm sao có nổi một thứ trực giác thần học cao đến thế vào buổi khai sinh của đạo nếu không được sáng soi đặc biệt bởi huyền kiến trí năng (theo cách phân chia của Yoan Thánh giá)?

Và cũng vậy đối với Phaolô, cùng với Yoan được coi là thần học gia đầu của Kytô-giáo. Theo chính Phaolô tiết lộ, ông tiếp nhận chân lý đạo từ Chúa phục sinh trực tiếp (2Cor. 12.1). Nhờ đó có thế đứng sứ đồ ngang với những sứ đồ khác (Gal. 1.12-17). Rõ hơn nữa, ông cho biết đã được mang tới tầng trời thứ ba, tức thiên đường (2Cor. 12. 1-4), và ông tỏ ra rất quý trọng những ân huệ này.

Có điều, dù biết và quý huyền nghiệm, như Chúa Yêsu, Phaolô và Yoan chẳng hề thôi thúc tín hữu phải cố đạt được nó. Họ chỉ hướng lòng ta về Trời và chỉ đường cho ta đi tới đó thôi. Vâng, vinh phúc Kytô-giáo được tìm ở cánh chung cơ, chứ chưa có mặt bây giờ như trong Phật, Ấn giáo. Ðích tới đã chẳng nằm ở đây, lúc này, thì huyền nghiệm dù cao nhất như Hôn nhân thiêng liêng cũng còn khoảng cách lớn với trực kiến vinh phúc (béatifique). Vâng, huyền nghiệm mới chỉ là xem "qua tấm gương", chứ chưa "mặt đối mặt" đâu (1Cor. 13.12). "Mặt đối mặt" vẫn là cái phải vươn tới trong đức Vọng, nên tiếp xúc dù trong Xuất thần hay Hôn nhân vẫn phải qua đức tin tăm tối.

Con đường Chúa mở ra và tông đồ truyền lại luôn là con đường đức tin, được đón nhận từ ngoài qua huấn giáo (catéchèse), được sáng soi từ trong bởi Thánh Thần. Lời giáng trần thành Lời được khách quan hóa. Thánh Thần giáng lâm khiến Lời đang bên ngoài ấy được nhập tâm, và Tín-Vọng-Ái được phú vào (thiên phú). Kể từ lúc này, nhờ thúc đẩy của ân sủng và cố gắng sống đạo, sẽ hình thành dần nơi ta một kinh nghiệm đức tin. Ðức tin thiên phú nhờ đó, từ bên trong sáng dần ra bề mặt ý thức, sẽ làm nên sống nghiệm huyền bí đức tin (mystique expérientielle de foi) nó làm nền gốc để từ đó có thể mọc lên huyền nghiệm chính danh Kytô-giáo.

Kinh nghiệm đức tin gọi là sống nghiệm, vì nó tàng ẩn trong cuộc sống, trong hành động, cả trong thẩm định lờ mờ của động cơ Vì Chúa, chứ chưa hiện rõ trên màn hình tư tưởng. Kinh nghiệm ấy đã có gì là huyền (mystique) bởi do tác động từ trong của đức tin thiên phú, của ân sủng nói chung. Ân sủng đang phát triển và lộ ra với sự hợp tác của ta trong học hỏi và hành động. Ân sủng ấy rồi sẽ hiển định ở tâm tư thành một thứ động năng đức tin (dynamisme de foi) và nhạy cảm đức tin (sensibilité de foi), qua đó tôi có khả năng đánh giá một lý thuyết trong tương quan với toàn hệ thống giáo lý của đạo, đánh giá một sự việc trong tương quan với toàn hệ thống luân lý đức tin.

Sự đánh giá bằng sống nghiệm đức tin ấy thường nghiêng về thực hành hơn lý thuyết. Cố nhiên một thần học gia thông minh cũng có thể nhìn ra vấn đề dù không cảm nhận được. Nhưng nếu kèm theo học thức và sự thông minh, còn có ánh sáng bên trong của đức tin, thì sự sáng suốt của ông sẽ được lũy thừa trong một thứ trực giác sâu xa. Trái lại, với ai thánh thiện mà ít học, thì sự nhạy cảm đức tin của họ cũng bị giới hạn rất nhiều do thiếu chiều rộng của kiến thức và nút thắt của lý luận. Chính vì thế, thánh Tiên sa Avila luôn đòi hỏi sự học thức của các linh hướng.

Vì con đường đức tin kết hợp cả trong lẫn ngoài, cả sống nghiệm lẫn khách quan, nên tin cũng là một quy thuận hai mặt: quy thuận cơ chế bên ngoài đi đôi với quy thuận Thần khí bên trong.

Có điều con đường ấy, tuy khởi phát từ khách quan niệm lý (objectivité conceptuelle), nhưng lại tận kết ở sống nghiệm, mà đỉnh cao là huyền kiến (hay sống nghiệm) vinh phúc, nên huyền nghiệm, ở chỗ là sao bản trần thế và nếm trước của vinh phúc, luôn là điều đáng ước mong của mọi người.

Có điều Kytô-giáo là đạo của tình yêu, nên cái mà thánh nhân muốn cuối cùng, cái ấy không phải là vinh phúc, do đó huyền nghiệm, nhưng là vinh quang Chúa Kytô và hạnh phúc của anh em. Chính vì thế, họ sẵn sàng từ giã cái giường huyền nghiệm ấm êm để ra đi truyền giáo. Thậm chí có vị thánh còn muốn sống mãi để mở Nước Cha, muốn đi vào chín tầng địa ngục để biến nó thành thiên đường của yêu thương.

Huyền nghiệm: giai đoạn chuẩn bị

Tiến trình huyền nghiệm được trình bày rõ và chi tiết nhất trong hai cuốn Tự truyệnLâu đài của Tiên sa Avila.

Tự truyện so sánh tri nghiệm với bốn cách tưới vườn, mà huyền thức bắt đầu với cách tưới thứ hai. Tưới cấp một bằng nước kín từ giếng, nên vất vả thì nhiều, mà tưới tẩm chẳng bao nhiêu. Tưới cấp hai thì bằng gầu guồng, nước khá dồi đào lại đòi ít công sức, nên có giờ ngơi nghỉ trong Chúa, và đây là huyền nghiệm An tĩnh (quiétude). Tưới cấp ba do nước suối, nước sông, gần như chẳng vất vả gì, mà nước lại ngấm đầy tất cả: đây là Hoàn hiệp (union pleine) với các khiếu năng ngủ hết (sommeil des puissances). Tưới cấp bốn thì do mưa tưới, nghĩa là Trời làm, khiến cho mọi khiếu năng, thậm chí giác quan, đều ngưng hoạt động. Hiện tượng này có tên gọi Xuất thần (extase).

Mười hai năm sau khi hoàn tất Tự truyện, Tiên sa khởi công Lâu đài mà chị viết xong cùng năm 1577. Có lẽ vào thời Tự truyện, chị chỉ biết đến Xuất thần, còn bây giờ sang Lâu đài, chị đã tiến xa để có thể thao thao bất tuyệt về Hôn nhân thiêng liêng. Quả thế, trong Lâu đài, ngoài ba bậc An tĩnh, Hoàn hiệp và Xuất thần ra, có thêm Hôn nhân thiêng liêng nó làm nên cung (phòng) bảy. Nói rõ hơn. Có bốn cấp huyền nghiệm, từ cung bốn đến cung bảy. Còn ba cung hay ba cấp đầu là của phần Thực hành (Pratique) chuẩn bị. Sách Lâu đài này, Lâu đài nội tâm hay Lâu đài linh hồn, cũng được gọi là Sách các (cung) phòng nữa.

Tại sao lại gọi cung phòng, hay nơi ăn chốn ở? Tiên sa coi hồn như lâu đài Chúa ngự. Lâu đài ấy là một khối pha lê trong suốt, với các cung Chúa ở được sắp theo thứ tự từ ngoài vô, cũng là từ dưới lên. Chỗ cao nhất chính là chỗ sâu nhất theo cách hiểu của Augustin: "Chúa cao vượt chỗ cao nhất của tôi và sâu vượt chỗ sâu nhất của tôi (Bắt đầu từ đây, chúng ta tiến vô Lâu đài, vô từng phòng từ dưới lên và từ ngoài vào. Chúng ta đi dưới sự hướng dẫn của Tiên Sa Avila khi mà chỉ có chị được ơn biết lối. Nhưng chúng ta sẽ cố diễn giải lại cách diễn giải của chị theo những hiểu biết mới hơn của chúng ta về thần học và tâm lý học. Nên nhớ, cả Yoan Thánh Giá lẫn Tiên Sa đều trình bày huyền nghiệm trong khuôn khổ của hệ thống ba bậc: Khởi, Tiến, Thành).

* * *

Có thể coi cung một và hai thuộc giai đoạn thanh tẩy, còn cung ba dành cho cấp tiến đức (proficiens). Thuộc cung một là kẻ đang tội lỗi nay nghĩ lại đôi phen và nhìn ra tình trạng tệ hại của mình. Họ bắt đầu ăn năn và vật lộn khó khăn với thói hư tật xấu.

Cuộc chiến với nết xấu tiếp nối ở cung hai, khi mà sa ngã đã bớt và đứng dậy dễ dàng. Người ta bắt đầu suy niệm thật sự và nghe ra tiếng Chúa đôi phen.

Cung ba thuộc những ai đang tích cực tiến đức. Họ cố tránh phiền lòng Chúa dù nhẹ thôi. Họ cầu nguyện lâu giờ và đi vào con đường hy sinh, khổ hạnh.

Với kẻ mà khuynh hướng bản năng chưa được thăng hoa và định hướng tốt, trong khi thói xấu còn nhiều và cám dỗ mãnh liệt, thì họ phải cố cầu nguyện dù khô khan, phải cố hãm mình để tiến tới tự chủ, hầu có thể đứng vững lúc phong ba nổi lên, hầu có thể đứng lên nếu lỡ chân vấp té.

Việc chống chọi với thói xấu, để dễ sinh kết quả, phải đi đôi với cố gắng luyện đức và tập hy sinh. Cám dỗ nhục dục ư? Lúc thì bậm môi chống cưỡng, lúc lại thăng hoa bằng những tâm tình cao thượng. Cám dỗ tham lam ư? Hãy rộng rãi với ai cần đến. Cám dỗ hám danh ư? Hãy tìm vinh quang tôi trong vinh quang Chúa, vinh quang Giáo hội, vinh quang của người thân...

Với kẻ nhờ ơn sốt sắng mà bắt đầu hăng say nên thánh, họ dễ mắc một số khuyết điểm mà họ không thể coi thường. Tôi có ý nói sự nệ cảm và hướng thân (égocentrisme), do đó sinh tự phụ và có một lối nhìn cận thị.

Kẻ được nuôi quen bằng mật sẽ không thích ăn những thứ không đậm đà dù rất bổ dưỡng. Kẻ mới say men vượng cảm, sẽ nệ cảm và lấy cảm giác đánh giá những kinh nghiệm thiêng liêng. Thế mà cảm tính, nhất là giác tính, theo Yoan Thánh giá, lại dễ chứa cạm bẫy, do đó chẳng nên ham làm gì.

Thật ra, kẻ đang say sưa với nụ hôn của Chúa sẽ chẳng buông theo những cảm giác háu ăn và háo sắc được. Trái lại, họ hãm mình nhiều và thích hy sinh. Thế nhưng, nếu tránh ngoại cảm, họ lại yếu về nội cảm, tức tình cảm. Họ thường yêu Chúa bằng thứ tình sôi nổi, mà tình cảm sôi nổi lại ở bề mặt cảm tính, nên khá gần với cảm giác bên ngoài. Satan có thể lợi dụng điểm yếu ấy, để từ một tình cảm cao quý, thiêng liêng, đưa ta dần đến những tình cảm ngoại vi, thậm chí gần gũi nhục dục chẳng hạn.

Kẻ bắt đầu sốt sắng cũng là kẻ dễ tự phụ. Họ tưởng như mình thánh rồi, và nên thánh chẳng khó chi. Vì họ ỷ mình, nên ân Chúa yếu bớt. Vì họ tự cao, nên lúc gặp khô khan và thấy lòng hướng hạ, họ sẽ bỡ ngỡ, xấu hổ, bứt rứt không yên. Nhất là nếu lỡ sa ngã, dù chỉ một lần, họ sẽ tuyệt vọng, thối chí. Họ nên nhớ, họ sinh ra từ hư vô và rất yếu đuối. Họ phải biết rằng vượng cảm chân chính là ân Chúa, và không phải sốt sắng là gặp Chúa, cũng không phải cứ sốt sắng mới gặp Chúa đâu. Vậy điều đáng ngạc nhiên không phải là tôi sa ngã hay hướng hạ. Ðiều đáng ngạc nhiên là dù non yếu như thế, trước đây nhờ Chúa ta đã sống tốt được, và dù bất xứng như vậy, đã có lần Chúa viếng thăm, an ủi ta. Vậy hãy tri ân, và lợi dụng ngay cái tội như đòn bẩy giúp đi lên bằng cách khiêm nhu, vét rỗng mình.

Kẻ mới dò dẫm trên đường toàn thiện cứ tưởng như đường mình đi, điều mình nghĩ mới là phải, nên không chịu nổi nếu thấy ai làm khác và sống khác. Họ hãy lo nên thánh cho mình hơn là xét nét người (Mt. 7.5), và hãy tìm ý Chúa hơn là bắt Chúa và người khác theo ý ta. Nên biết rằng còn nhiều cái họ chưa biết đâu, và nếu xét về kinh nghiệm, họ chỉ là "lính mới tò te" thôi. Vâng, đừng ham dạy dỗ hay phê phán, vạch đường chỉ lối cho người chỉ vì ỷ mình và ham thống trị!

Huyền nghiệm: tiến trình

Tiến trình huyền nghiệm, hay chiêm thiên phú, bắt đầu với cung bốn hay cách tưới hai, được gọi là An tĩnh (quiétude). Kế đó đến Hoàn hiệp (union pleine), đến Xuất thần (extase) cũng gọi Ðính hôn thiêng liêng (fiancailles spirituelles), để rồi tận kết với Hôn nhân thiêng liêng (mariage spirituel).

Với An tĩnh, Chúa chỉ xâm chiếm ý chí (theo Tiên sa), xâm chiếm có lẽ mới đến "mũi nhọn linh hồn" gì đó. Với Hoàn hiệp, Chúa lấn thêm các "khiếu năng bên trong" (facultés intérieures) là trí hiểu (entendement), trí nhớ và trí tưởng (imagination). Có lẽ phải thêm cảm tính nữa, dù không được nói đến. Khi Chúa tiến ra đến giác quan và thân xác (trở nên cứng đơ), thì có Xuất thần. Theo Tiên sa, khi từ trong ra đến ngoài, tất cả được Chúa chiếm lĩnh một cách thường hằng và vững chắc, trong hành cũng như chiêm, thì người ta đạt Hôn nhân thiêng liêng.

* * *

Trở lại với Lâu đài của Tiên sa Avila, chúng ta hãy bắt đầu với bước thứ nhất:

- An tĩnh (quiétude)

Huyền nghiệm khai mạc với An tĩnh khô khan (aride) nó chuẩn bị cho An tĩnh chính yếu là ngọt ngào (suave).

An tĩnh khô khan là một thứ đêm tối giác cảm, tối không do thiếu sáng cho bằng chói sáng, theo giải thích của Yoan Thánh giá. Vâng, Thiên Chúa bắt đầu gửi đến một ánh sáng hoàn toàn mới, hoàn toàn mạnh, khiến anh tối tăm mặt mày. Ðây là tri thức từ đức tin thiên phú, ở đáy vô thức chiếu lên. Ðây là sức nóng từ đức Ái thiên phú ở tinh thần tỏa đến. Bên trong và bên ngoài bắt đầu đối mặt. Vì đối mặt lần đầu nên chưa nhận ra nhau: tối tăm và khô khan là do đó. Không còn suy niệm, tức hành ý (discourir) được nữa, mà cũng chẳng còn cảm, hưởng chi.

Tuy không thấy sốt sắng như trước, nhưng tình yêu (ưa chuộng, d'estime) lại mạnh, khiến khổ vì vắng Chúa, lo vì sợ phiền lòng Ngài. Lại yêu thích thanh vắng và chẳng thiết gì cả. Chứ nếu khô khan trước Chúa mà chẳng ngán thụ tạo, thì đó không phải đêm tối, không do Chúa làm đâu.

Những cám dỗ có thể xảy ra trong kỳ này là cám dỗ đức tin, cám dỗ nhục dục, cám dỗ kiên nhẫn.

Khi tâm hệ phía ngoài đã quen với ánh sáng mới và tình yêu Chúa (yêu mà không thấy nóng) đã dọn quang rác rưởi của yêu mình, thì hồn sẽ hưởng một hoan lạc chưa từng biết, và đây là An tĩnh ngọt ngào (quiétude suave). Cái vị ngọt này không phát sinh mảy may từ cảm tính bề mặt, mà thấm từ sâu thấm ra, khác hẳn với thứ vượng cảm gặp trước đây trong chiêm thủ đắc (acquise) (Tiên Sa Avila phân hẳn vị ngọt ấy, mà chị gọi là Gouât, khẩu vị, ra khỏi vượng cảm thông thường mà chị gọi là Contentement, vừa lòng - Lâu đài IV.1). Tuy tình cảm dạt dào, nhưng chìm trong thanh tĩnh. Sức hút mãnh liệt, khiến hồn neo vững ở bề sâu, dù bên ngoài còn sóng nhỏ vật vờ do lý trí và trí tưởng lang thang, Sức hút rồi có thể từng đợt mạnh hẳn lên, và một khiếu năng nào đó bị chiếm đoạt trong một thời gian ngắn ngủi.

Sức hút bề sâu và an định ngọt ngào sẽ bón thúc cho vườn đức hạnh trổ hoa muôn sắc, và ngăn cản thế tục không cho lôi kéo anh nữa. Thế nhưng sự ngọt ngào kia chỉ đến như từng cơn thủy triều, khiến cho nguy cơ tuột dốc còn đó, và hồn không thể lơ là canh gác được. Ngay cả lúc Chúa viếng thăm, hồn vẫn nhiều ít phải cố gắng. Ðây là cố buông mình theo ơn Chúa thúc động, cố kìm giữ cho khiếu năng khỏi khuấy động giấc ngủ thiêng liêng. Cố nữa đôi lúc để thêm một cọng rơm cho lửa đang cháy bằng một cái liếc mắt, một lời thở than ngắn ngủi. Vâng, một cọng rơm là đủ, chứ cả mớ củi (của lý luận hay bài kinh) có thể làm lửa kia tắt mất.

Ngoài những khi lửa cháy mạnh như thế, hãy lưu ý kẻo do sai lỡ, do tự mãn tự phụ mà lửa Ái ấy lụi tàn. Hãy tự khiêm và nuôi dưỡng lòng kính sợ. Hãy nhớ kỹ rằng chỉ có Chúa là tác giả của cơn say thiêng liêng kia, còn tôi chỉ việc ngửa tay đón nhận. Chẳng có thể tạo ra nó, tôi cũng không giữ nó nổi thêm một giây, do đó đừng gồng mình lên làm gì, chỉ hại thần kinh vô ích.

Nhiều kẻ yếu thần kinh, hễ tưởng gì thấy nấy, và đó là hoang tưởng, rất nguy hiểm. Nên nhớ, kẻ yêu Chúa thật là kẻ tìm Chúa chứ không tìm an ủi hay những kinh nghiệm lạ. Nhất là khi trong cái chuọâng lạ, còn ẩn ngầm tính háo danh.

- Hoàn hiệp (union pleine)

Trong giai đoạn trước, lý trí, trí nhớ và trí tưởng còn hoạt động được. Ðôi phen, một trong ba bị hút, nhưng chỉ giây lát thôi. Hoàn hiệp bắt đầu khi các khiếu năng ngủ hết, mà ngủ không hoàn toàn. Hoàn hiệp chỉ diễn ra chừng nửa giờ chi đó, nhưng đã ở trên đường dẫn tới Ðính hôn (xuất thần), rồi Hôn nhân thiêng liêng.

Nói ngủ (sommeil des puissances) như Tiên sa, cốt là để chỉ thứ tĩnh lặng của các khiếu năng đang bị hút vào Chúa, ở bề sâu của hồn. Chúng như ngưng hoạt động, không để ý đến đời phía ngoài và mình phía trong. Lý trí đôi khi cựa quậy, tìm xem cái gì đang diễn ra mà kỳ diệu thế, nhưng rồi chẳng hiểu, nó lại nằm im. Có thể xem như yêu đấy, mà chẳng rõ yêu gì và yêu cách nào. Vâng, khiếu năng gần như im lặng với tất cả, trừ Chúa. Xác do đó bị ảnh hưởng: chân tay không cử động và đời sống thực vật chậm lại, dù chưa có xuất thần.

Tuy hoàn hiệp diễn ra chừng nửa giờ, nhưng tỉnh lại thì dường như mới bắt đầu thôi, bởi ý thức thời gian đã mất. Tỉnh rồi thì biết rõ mình vừa ở nơi Chúa. Cảm nhận tuy không rõ nét, nhưng ấn tượng rất sâu, đến nỗi không thể mờ phai theo chiều dài năm tháng.

Ðây là sức hút rất mạnh của Chúa từ bên trong, mạnh hơn ở giai đoạn trước rất nhiều, nên vị ngọt cũng ngọt lịm khác xa trong An tĩnh. Cả niềm xác tín về Hiện diện cũng thật lớn lao. Sự kết hợp với Chúa gần như đã trọn vẹn, với kèm theo một an định sâu xa.

Con người luân lý vì thế đổi lốt hoàn toàn, tới mức kỳ diệu. Lửa Ái nung nấu khiến anh phải gào lên trong tán tụng bằng những lời bi bô, không thứ tự nào cả (Có gì giống như lời chúc tụng bằng ơn dị ngữ trong buổi họp Thánh Linh), trong khi lòng cũng khát mong cho mọi người tán tụng theo như thế. Yêu Chúa, anh rất quảng đại trong hy sinh, sẵn sàng chịu điêu đứng vì Chúa, dù cái chết hay hỏa ngục, sẵn sàng làm những gì khó nhất để tôn vinh Chúa, dù phải đảo lộn thế giới này. Nghĩ đến tội lỗi người đời, anh như đứt từng khúc ruột và muốn xả thân cứu vớt.

Trong hoàn hiệp, trí năng như ngủ hoàn toàn. Tuy chẳng hiểu gì, nhưng hành giả lại hiểu rất nhiều chỉ trong tích tắc bằng thứ trực giác đầy bề sâu nó mang đến một cái biết "không chính xác rõ ràng" kiểu Descartes, nhưng lại vượt xa mọi thứ biết trước đây. Do trực giác, cũng là nghiệm giác ấy, những chân lý trừu tượng quen thuộc như "Có Thiên Chúa", "Chúa có khắp chốn", "Tôi đến từ hư không" nay bỗng thành hiển nhiên, cụ thể vô cùng.

Ở giai đoạn An tĩnh, chiêm hành vẫn còn phân cách. Sau Hoàn hiệp, chị bắt đầu hành động với sự có mặt cảm thấy của Chúa. Dẫu sao, hơi hướm Chúa từ chiêm ra đã mờ nhạt phần nào. Cả yêu người cũng chưa thành một hẳn với yêu Chúa đâu. Trong hành động, Chúa vẫn còn khoảng cách nào đó như vậy, khiến cho Satan vẫn quanh quẩn đâu đây, và sự cảnh giác cần được duy trì. Trong giai đoạn này, Satan thường xuất hiện dưới lốt thần lành để đưa anh xa dần ý Chúa và gần lại ý anh. Vậy thái độ cần cho anh là luôn trông chờ "cho ý Cha thực hiện" !

- Xuất thần hay Ðính hôn

Sức hút có thể tăng cường độ đến nỗi các khiếu năng bị xâm chiếm hết, rồi cảm giác cũng cuốn theo. Ðây là trời mưa, nên xảy ra vào lúc tôi không ngờ, mà cũng không cưỡng lại nổi.

Hồi đầu, chỉ có xuất thần sau lâu giờ cầu nguyện. Sau này, chỉ cần một ý tưởng thôi, là đủ bốc thần lên khỏi xác. Hồi đầu, xuất thần diễn ra từng đợt ngắn liên tiếp. Về sau, nó có thể kéo dài một hơi suốt cả ngày.

Cũng hồi đầu, khiếu năng đôi lúc còn cựa quậy; chứ sau đó, chúng an giấc hẳn, cả giác quan cũng thế luôn. Nhìn từ ngoài, xem như đương sự ngất xỉu. Có điều nếu ngất xỉu, thì khiếu năng tắt mạch, mà giác quan cũng ngưng tiếp xúc với thế giới. Chứ đằng này, tất cả chỉ bị hút mạnh về phía trong, đến nỗi quên hết thảy. Một đôi khi, như trong trường hợp Phan Sinh nghèo và Catarina Siena, đương sự có thể xướng lên mạc khải để người ngoài ghi chép.

Trong Tự truyện, dù nói đến ba chữ Xuất thần, Ðoạt thần và Phi thần, Tiên sa cho rằng chỉ có một hiện tượng (dưới ba danh hiệu ấy) thôi. Nhưng theo diễn tả trong Lâu đài, thì có vẻ đây là ba tiểu cấp khác nhau của Xuất thần, mà bước một là Xuất thần đơn.

Với Xuất thần đơn (extase simple), việc "lịm đi" diễn ra từ từ, với cảm nhận đau khổ vô song, mà cũng sung sướng vô ngần. Trong giai đoạn này, huyền ngôn (paroles surnaturelles) và mạc khải dễ xảy ra.

Việc xâm chiếm sẽ mạnh như gió cuốn, đại bàng xớt mồi, khi tới cấp Ðoạt thần (rapt, ravissement). Cảm giác như ngưng tắt khi ấy, bởi nếu cảm giác còn hoạt động bình thường, thì ắt xác chết mất do không chịu nổi.

Khi Ðoạt thần quá mạnh, đến nỗi thấy như hồn lìa khỏi xác, đất sụt dưới chân, thì đó là Phi thần (vol d'esprit). Trong Phi thần, xác thường được nâng lên khỏi đất.

Trong Ðoạt thần hay Phi thần, tình yêu có thể phụt lên thành tên lửa xuyên suốt, chỉ trong nháy mắt thôi, mà đau không gì sánh nổi, sướng không sao tả được.

Nói chung, thì ở giai đoạn Xuất thần, tình yêu không có vị ngọt thuần túy. Sướng khổ được cảm nhận đồng thời, hòa lẫn với nhau. Thấy Chúa thật đáng yêu, mà khoảng cách lại còn đó, thì sướng đấy cũng là rất khổ vậy. Chính vì yêu khát và khát yêu như lửa dễ bốc, nên hơi tí là xuất thần ngay.

Dẫu sao, vàng vẫn chưa thuần thành, nên luyện lọc còn phải tiếp, nhất là khi rời bỏ cung sáu sang Hôn nhân thiêng liêng. Ðêm tối mà Chúa gửi lúc này thường là đêm tối tinh thần, nó cạo rửa tới đáy sâu, nền tảng nhất, nên cũng rát đau kinh khủng, như địa ngục vậy. Một trong những đêm tối như thế là cảm giác bị Chúa ruồng bỏ. Phải chăng đây có gì giống với kinh nghiệm của Chúa Yêsu: "Cha ơi, sao nỡ bỏ con"?

Gần Chúa quá rồi, không thể vấn vương gì với thụ tạo nữa. Yêu Chúa vì Chúa thực tình rồi, hồn chẳng muốn sướng riêng cho mình, mà muốn mọi người cùng hưởng với mình. Vì Chúa, hồn có thể làm những gì thật táo bạo.

Trong cung sáu nói trên, hồn gặp nhiều huyền kiến, cả hình tưởng lẫn tuệ trí, nhờ đó đi sâu vào những mầu nhiệm cao cả. Chỉ như một tia chớp lóe lên, và hồn nắm được ngay cả mớ chân lý, mà dù một đời học hỏi cũng không có được, xét cả về khối lượng lẫn chiều sâu.

- Hôn nhân thiêng liêng, hay Hóa hiệp (union transformante)

Ở đây, cùng với giác quan và thân xác, các khiếu năng vẫn sinh hoạt bình thường. Chiêm không còn tách khỏi cuộc sống, và giữa chiêm hành cũng chẳng có chi khác biệt. Chúa có mặt không từng lúc như trước đây, mà thường hằng trong cảm nhận của anh, có mặt mà không làm gián đoạn công việc nữa. Nghĩa là khi bận bịu, anh vẫn cảm nhận Chúa có đó một cách phảng phất, như hai vợ chồng yêu nhau cùng làm bên nhau trong một gian phòng. Kịp đến lúc rảnh rang, chỉ cần nghĩ tới, là anh lại "đối diện" ngay với Chúa, thật sung sướng biết bao. Dù cường độ của "gặp gỡ" gia tăng, nhưng bão táp thì chẳng còn. Yêu thật nhiều đấy, mà thuyền vẫn đằm, chứ không đong đưa trên đầu ngọn sóng. Nghĩa là dù lửa lớn bên trong, dù cuồng phong bên ngoài, một bình an sâu xa vẫn ngự trị và tỏa bóng tới ngoại diện con người hành giả.

Từ đây, Chúa và hồn "tuy hai mà một" khi mà nước mưa đã hòa với nước sông, và nước sông tới biển đã hòa trong nước biển. Chúa và hồn như cũng trao đổi với nhau những quan tâm của đôi bên. Chúa thì lo đến sự an toàn và lợi ích của hồn, khiến hồn thâm tín không bao giờ bị Chúa bỏ, bị Chúa rút lại sự có mặt thường hằng của Ngài. Còn hồn thì không còn thiết sống hay chết, địa ngục hay thiên đường, mà chỉ lo đến vinh quang của Chúa và hạnh phúc của anh em.

Tình yêu Chúa quả không còn khoảng cách với tình yêu anh em nữa. Hễ thấy ai khổ, là hồn khổ lây trong Chúa nỗi đau khổ của họ. Hồn sẵn sàng dấn thân dù vào địa ngục để cứu nếu còn có thể cứu. Lại dù yêu ai đến đâu, hồn không thể yêu ngoài Chúa, mà yêu vì hạnh phúc của họ trong đức Yêsu Kytô.

Không bị treo nữa, nên các khiếu năng dự vào những gì mà thần (noũs, esprit) đang hưởng. Trí năng có thể hiểu đôi chút, bằng cách siêu thường, về những gì mà thần đang nghiệm tri. Có thể nói cuộc sống trở nên một huyền nghiệm kéo dài. Và huyền kiến trong giai đoạn này thường là huyền kiến tuệ trí về Ba Ngôi. Với hồn, Ba Ngôi có mặt khi thì dưới dạng phân biệt (từng ngôi), lúc lại dưới dạng đồng nhất (một vinh quang, một thể). Có thể có biểu tượng đi kèm: ngọn lửa hay đám mây sáng theo kinh nghiệm Tiên sa Avila, hình tròn trắng hay trái cầu trắng trong kinh nghiệm I-nhã.

Ðêm tối và các cấp loại

Trong đêm tối, không phải chỉ có tối. Theo kinh nghiệm và hiểu biết của Yoan Thánh giá, thì vì chói bằng ánh sáng quá sáng lại chưa quen, nên lóa mắt người ta chẳng thấy gì. Vâng, đây là khởi đầu của một ánh sáng và sức nóng mới. Ta ngỡ ngàng vì không còn cảm nhận chi (bằng những khiếu năng thường), nhưng giữa tối tăm ấy vẫn có một hiểu biết (và yêu thương) nào đó thấp thoáng ở bề sâu.

Vậy đêm tối là một cái gì tích cực, với chức năng kép là sáng soi và thanh tẩy. Ðây là thanh luyện luân lý nó thiêu hủy thói xấu và tự ái. Ðây là thanh luyện tâm lý nó lấy đi chỗ dựa là những khiếu năng quen thuộc, là sản phẩm của chúng (như ảnh tượng, ý tưởng...) cùng tập quán tri cảm cũ xưa.

Ðêm tối có hai cấp, cũng là hai giai đoạn, với đêm tối giác cảm (nuit des sens) là cửa vào và đêm tối tinh thần (nuit de l'esprit) là cửa ra. Vì thế, nói đến tiến trình huyền nghiệm, không thể không nói đến những đoạn đường hầm phải qua là các cấp loại đêm tối ấy.

- Ðêm tối giác cảm

Sau lâu năm chuyên cần suy niệm, tới giai đoạn nào đó, chỉ cần một ý tưởng thôi, đủ cho anh sốt sắng hằng giờ: anh đã đạt chiêm hưởng thủ đắc (contemplation active, acquise) rồi đó. Ðể từ chiêm này chuyển sang chiêm thiên phú hay thụ động (contemplation infuse, passive), Chúa phải dẫn anh qua Ðêm tối giác cảm nó thanh luyện anh cả về mặt luân lý lẫn tâm lý, trong khi bắt đầu phú cho anh một thứ nghiệm tri mới từ trong đi ra.

Ðây là lúc hồn không thể nhiều ý nhiều lời trong quan hệ với Chúa nữa. Hồn không thể hành ý (discourir) vì cảm thấy chán ngán, khô khan. Tệ hơn nữa, còn gặp cám dỗ về đức tin và nhục dục.

Ðêm tối giác cảm đã là bắt đầu huyền nghiệm, chỗ mà hẳn Tiên sa đã gọi bằng tên An tĩnh khô khan (quiétude aride) nó dẫn vào An tĩnh dịu êm (quiétude suave). Một thứ tia hồng ngoại nó vượt qua ngưỡng (seuil) nghe và cảm, khiến sáng quá thành tối, nóng quá thành lạnh đối với ta.

Ðây là thứ khô khan khác hẳn những khô khan bình thường, do tình trạng tâm sinh hay do lầm lỗi. Nếu do tình trạng tâm sinh, thì trạng thái ấy qua rồi, sốt sắng hẳn trở lại ngay, và ta suy niệm dễ. Nếu do thiếu cố gắng, từ chối hy sinh, tìm ý mình hay lỡ chân sa ngã, thì tuy ngại đến với Chúa, người ta chẳng ngại đến với thụ tạo đâu. Bởi thế, sau đây là dấu hiệu của kẻ gặp đêm tối thực: Tuy không thể suy niệm nhưng họ kiên trì trong cầu nguyện, lại ưa thanh vắng, lo phiền lòng Chúa, và chẳng thiết tha sự đời. Bởi thế, họ rất khổ vì khô. Khô đây không phải là không yêu, mà khát yêu (soif d'amour). Sự khát yêu hay "lo hoảng vì yêu" (angoisse d'amour) ấy xuất hiện đôi phen vào lúc không hiểu tự đâu lòng bỗng bốc lửa bằng một thứ lửa dị kỳ. Và lửa ấy có thể phụt lên từng chập, như tia bắn vậy (angoisse d'amour d'inflammation).

Ðêm tối giác cảm là thuốc cai sữa nó giúp ta bỏ dần thức ăn trẻ nít, và đây là sự thích ngọt, quen lấy tình cảm làm thước đo thánh thiện. Vụ vào tình cảm mà tình cảm lại gần gũi với cảm giác, người ta dễ bị quỷ đội lốt thần lành đến dẫn ta qua thứ đạo đức ướt át thoái dần về phía nhục dục chả hạn lúc nào không hay. Lại nữa, lính mới trên đường tiến đức cũng là kẻ mang nhiều ở ba lô sau lưng những tự mãn, tự phụ và tự ái, mà đêm tối phải đến tiêu hủy bằng cách lột trần hết cho hồn thấy rõ sự khốn cùng và bất lực của mình.

Vậy trong giai đoạn Ðêm tối giác cảm hay An tĩnh khô khan ấy, hãy cố đi vào khiêm nhường và đơn sơ phó thác. Ðừng ham hành ý (discourir) nữa, mà bằng lòng với thứ chiêm ngưỡng thuần túy (contemplation pure) hay chiêm ngưỡng dường như không đối tượng, để nhìn bằng thứ "nhìn suông" (regard simple), như không thấy Chúa đâu. Một cách đơn sơ nữa, hãy yêu Chúa vì Chúa, chứ đừng vì an ủi, cũng đừng theo thói "tham ăn thiêng liêng", cố tích góp thật nhiều, hết việc lành này đến công lao khác. Trong lúc ấy, nhờ ánh sáng không sáng và lửa không nóng, Chúa sẽ làm việc ở bề sâu vô thức anh, đốt cho các tật xấu và trở lực tâm lý héo khô đi tự gốc. Tâm hồn anh nhờ vậy cũng trở nên trầm tĩnh và đạt tới niềm an định sâu xa.

- Ðêm tối tinh thần

Ðêm tối tinh thần diễn ra ở độ sâu nhất của nội tâm, ở chỗ gọi là Thần (noũs, buddhi), chỗ mà tri nghiệm không còn phân ly với yêu thương, nhưng vì hết thảy xuất phát từ trong, nên khác lạ với thức tri và cảm ở bề mặt ý thức. Ðây là thứ ánh sáng thuần túy, không có bụi trần phản chiếu, nên không cho nhìn thấy gì. Ðây cũng là tình yêu không làm rung dây đàn xác thịt, nên cũng không cho cảm thấy chi. Không rung lên ở dây đàn tâm sinh tự nhiên, nên yêu không bốc lửa (inflammation) như đôi phen trong đêm tối giác cảm, do đó không có yêu say đắm (passionné), mà chỉ có yêu ưa chuộng (estimatif), yêu theo đánh giá của tinh thần. Do nghiệm định và đánh giá ấy mà có đói khát dù không cảm đói khát, bởi thế sinh lo hoảng vì yêu, lo sợ mất Chúa, tưởng như bị Ngài bỏ. Cũng thì lo hoảng vì yêu như ở đêm tối giác cảm, nhưng lại diễn ra ở độ sâu nền tảng, nên đớn đau ghê gớm.

Ðây là đêm đầy ánh sáng, lạnh đầy sức nóng, nhưng sáng có thể dồi dào hơn nóng (nghiêng về hiểu) hoặc ngược lại (nghiêng về tiếp xúc trong yêu). Sáng đây là thứ sáng khác, thứ trực tri bằng "cảm thức thần linh". Tia sáng này phát ra từ mặt trời bên trong, "tia sáng của tối tăm" theo cách gọi của thánh Denys. Nóng đây cũng là nóng ở độ sâu vô cảm, nên hủy thiêu đến rễ, nạo vét đến đáy, đến xương, khiến hấp hối trong một thứ đau không hiểu nổi. Y như lửa nó vừa soi sáng, vừa đốt củi cháy đen. Có gì như lao mình vào tay đấng mình yêu, mà lại bị đấng ấy cự tuyệt, đánh bật ra khỏi Ngài. Thử tưởng tượng cú sốc!

Ánh sáng và tình yêu này diễn ra tận đáy linh hồn, chỗ chỉ có một mình Chúa tiếp xúc và tiếp xúc thẳng với tôi, như "từ gốc tới gốc" (substance à substance), khiến Satan không bén mảng tới được, mà chỉ có thể khuấy phá gián tiếp từ ngoài, ở lớp giác cảm và hình tưởng.

Những huyền kiến và huyền tượng khác

Trong thời gian của những giai đoạn huyền nghiệm nói trên, có thể diễn ra một số kinh nghiệm ngoại thường như khải mạc (révélation), huyền ngôn (parole) (Trong Nhật ký thiêng liêng, I-Nhã nói đến Loquela nội tâm và ngoại giới, hẳn đó là huyền ngôn. Trong huyền nghiệm Ấn Ðộ, còn thấy nói đến âm thanh và màu sắc ánh sáng) và huyền kiến (vision). Huyền kiến có thể được coi như gò đống nổi cao lên giữa cánh đồng huyền nghiệm. Còn huyền ngôn và mạc khải là những hiện tượng bất thường, kẻ có người không.

Bàn về huyền kiến và huyền tượng, chúng tôi chỉ nhắm đề ra những tiêu chuẩn giúp phân biệt giả chân, những quy tắc giúp tùy nghi ứng phó. Ðể được thế, cần biết đâu là địa tầng tâm lý ở đó diễn ra huyền kiến này hay huyền tượng kia.

Ðối tượng của huyền tượng hay huyền kiến có thể được cảm thấy như ở ngoài hoặc ở trong tôi. Ở ngoài khi do cảm giác (vì cảm giác hướng ngoại), nghĩa là chính giác quan bị tác động. Mà để tác động được vào chúng, chỉ cần sóng điện từ hay sóng đàn hồi thôi. Vâng, chỉ cần bắt chước những sóng ấy mà tác động vào thính giác hay thị giác, là khiến nhìn thấy hình ảnh nhân vật này, tiếng nói của quỷ thần kia rất dễ. Và đây là trường hợp Maisen nghe tiếng Chúa trong bụi cây (Xh.3.2tt.), Bernadette nhìn thấy Ðức Mẹ ở Lộ đức. Trái lại, khi Marguerite Marie Alacoque gặp Chúa bằng "nội giác", thì đây là huyền kiến hình tưởng (vision imaginaire): Chúa tác động vào trí tưởng của nữ thánh, để nơi ảnh tượng tâm lý ấy, Ngài có mặt đặc biệt với chị và chị cảm nhận Chúa trong tâm hồn mình.

Tiên sa Avila và I-Nhã Loyola nói đến huyền kiến Ba Ngôi của họ. Huyền kiến Ba Ngôi luôn là huyền kiến tuệ trí, và huyền kiến tuệ trí chính yếu là về Ba Ngôi, đôi khi cũng về một mầu nhiệm nào khác. Ba Ngôi khi ấy hoặc ở dưới dạng phân biệt, hoặc ở dưới dạng đồng thể. Không biết đây có gì giống với huyền kiến yếu thể (d'essence), huyền kiến về Thiên Chúa ở chỗ là bản nguyên: "Cha thì không ai biết" (Yo. 1.18 ; Lc. 10.22) hay không?

Nếu kinh nghiệm Ba Ngôi của I-Nhã nghiêng về hiểu, của Tiên sa nghiêng về hiện diện, thì thật ra hai vế đều có, bởi tri đây là nghiệm tri, là tri ở thần (noũs), và thấy đây cũng bằng thần nốt. Ðúng như Yoan Thánh giá hiểu, huyền kiến dù hình tưởng hay tuệ trí, là cả sáng và nóng một lượt, với một trong hai vế nổi bật hơn.

Khi Thiên Chúa trao đổi trực tiếp với hồn từ gốc (substance) Ngài đến gốc hồn (trong huyền kiến tuệ trí), thì Satan không bén mảng tới nổi, nên ta tuyệt đối an toàn (Trao đổi "từ bản gốc đến bản gốc" có thể diễn ra trong huyền kiến tuệ trí, trong mạc khải về chính Thiên Chúa, thường dưới dạng Ba Ngôi). Satan dù có khuấy phá ở bề mặt cũng chỉ uổng công thôi, vì Chúa đã neo vững hồn nơi Ngài tự bề sâu ấy. Có điều, như I-Nhã nhận xét, phải phân biệt lúc huyền nghiệm thực với thời gian liền sau, khi mà dư âm còn mạnh, khiến không rõ lằn ranh, nhưng Satan và bản tính thì dễ dàng nhập cuộc rồi.

Cảm giác, cảm tính và trí tưởng (thiết nghĩ phải kể cả tư tưởng nữa) là những mảnh đất vô chủ, mà ở đó cả thần ác, thần lành và bản tính đều tung hoành được, nên rất khó nhận ra ai là tác giả của trò chơi này, vở tuồng kia. Bởi thế, theo Yoan Thánh giá, không nên ham và tin vào các huyền kiến và huyền tượng vốn diễn ra trên địa bàn ấy. Ðó đây từng giờ phút, thiếu gì những vụ việc như "Ðức Mẹ hiện ra", "Thánh Thần nhập", "hồn hiện về", "Chúa Cha phán", v.v... Về quỷ thì, theo Yoan Thánh giá, hắn thường được thấy xuất hiện dưới những hình thù khủng khiếp, nhưng cũng có khi dưới lốt thần lành. Một đôi khi trong tích tắc, hắn đến "từ tinh thần đến tinh thần" với hồn ta, và đây là một cảm nhận khủng khiếp, làm chết ngay được nếu kéo dài.

Ðối với huyền kiến hình tưởng (và ắt hẳn cũng thế đối với các huyền kiến do cảm giác cũng như các huyền tượng khác), sau đây là những tiêu chuẩn giúp xác định nguồn gốc Thiên Chúa của chúng:

1. Ấn tượng chúng để lại rất sâu sắc, qua nhiều năm tháng không thể mờ phai. Có điều theo tâm lý học chiều sâu, những gì từ vô thức tập thể vọt lên cũng đề lại ấn tượng sâu bền như thế.

2. Hiệu quả sẽ là sự ngọt dịu, nhất là bình an sâu xa trong tâm hồn.

3. Hiệu quả còn là sự phát triển đạo đức, mà đặc biệt là của đức khiêm nhường và thuận Thiên.

Riêng I-Nhã đề ra một quy tắc phân định thần căn về các hiện tượng thiêng liêng nói chung: Chỉ đúng là do Chúa cái gì từ bắt đầu suốt cho đến kết thúc đều tốt, nhất là càng lúc càng tốt. Bởi thế, nếu cái gì bắt đầu tốt, mà rồi kém tốt dần, để cuối cùng không tốt nữa, như cám dỗ đức tin và nhục dục, như cảm nhận tự phu, tự cao, ghét ghen v.v..., thì đúng là có cái đuôi của thần ác đâu đây rồi.

TÓM LẠI

Huyền nghiệm chân chính là một tri nghiệm siêu nhiên diệu huyền, nó diễn ra ở những độ sâu khác nhau của nội tâm. Gốc nền của chúng là thứ kinh nghiệm siêu nghiệm (transcendantal) và căn bản về Thiên Chúa ở tận đáy sâu vô thức: kinh nghiệm do Tín-Vọng-Ái thiên phú.

Huyền nghiệm căn bản này, qua đời sống đức tin, nếu phát triển vượt mức, có thể được Chúa cho lộ ra phần nào ở ý thức bằng huyền nghiệm. Chỗ hoàn tất của huyền nghiệm sẽ là huyền kiến vinh phúc. Vậy huyền nghiệm chính là dự báo của vĩnh phúc, do đó đáng ước ao.

Huyền nghiệm, cùng với Ðêm tối, có sức lớn lao để thanh tẩy tâm hồn, phát huy đức hạnh, nhất là gia tăng mạnh đức Ái, nên vô cùng hữu ích cho việc nên thánh. Có điều với nên thánh, nó chỉ là một phương tiện, lại chẳng tuyệt đối cần.

Huyền nghiệm thường được chuẩn bị bằng lòng sốt sắng nên thánh, bằng cố gắng tu đức, cầu nguyện và suy niệm kiên trì.

Huyền nghiệm là do Chúa phú và nó đến từ trong, thường với tiến trình bốn bước: An tĩnh, Hoàn hiệp, Xuất thần và Hôn nhân thiêng liêng.

Với An tĩnh, sức hút mới chỉ chạm ý chí. Với Hoàn hiệp, các khiếu năng bị xâm chiếm hết, xem như ngủ yên. Với Xuất thần, cả giác quan và thân xác cũng vào cuộc. Với Hôn nhân thiêng liêng, mọi sinh hoạt trở lại bình thường khi mà chiêm hết ly cách với hành, khi mà Chúa có mặt thường hằng với ta.

An tĩnh là kinh nghiệm ngọt ngào khác thường, nó được sửa soạn bằng An tĩnh khô khan (Ðêm tối giác cảm). Tuy không suy niệm được và hết sốt sắng, nhưng hành giả yêu thanh vắng và chẳng thiết sự đời.

Hoàn hiệp mang tới một vị ngọt ngọt hơn, một an định sâu xa hơn, mà kết quả là một đức hạnh kỳ diệu.

Với Xuất thần, hành giả thành thụ động hoàn toàn. Huyền kiến thường xảy ra, còn hồn thì vô cùng khổ trong một nỗi sướng vô cùng lớn.

Trong Hôn nhân thiêng liêng, hồn chỉ còn thiết tha với ý Chúa và vinh quang Ngài, cũng như hạnh phúc của loài người tất cả. Sự kết hợp vô cùng sâu và thường hằng với Chúa không còn ngăn trở hành động nữa.

Trong tiến trình huyền nghiệm trước Hôn nhân thiêng liêng, hồn phải trải qua những đợt thanh luyện khốn cực bằng Ðêm tối giác cảm và Ðêm tối tinh thần. Thật ra, Ðêm tối là thứ ánh sáng mới hẳn khiến hồn nhìn không thấy, và lửa nóng cũng mới khiến hồn không cảm nhận được, thế thôi.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page