ÐỜI SỐNG ÐOÀN SỦNG

Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Bàn về hành động và sống cộng đồng trong Hội Thánh, không thể không nói đến đoàn sủng. Nhất là hôm nay khi phong trào Thánh Linh đang hồi sinh mạnh mẽ, với hàng triệu triệu thành viên trong Tin lành cũng như Công giáo năm châu.

Tại sao đoàn sủng lại liên quan đến hành động và sống cộng đồng như thế? Vì đoàn sủng được sắp vào loại "gratia gratis data", ân ban không phải vì mình, mà vì ích lợi người khác, thứ ân ban để phục vụ. Và cũng vì đoàn sủng thường phát sinh từ giữa tập hợp cầu nguyện của các nhóm Thánh Linh để làm sống động chúng.

Sở dĩ phải nói đến đoàn sủng, vì đây là yếu tố không thể thiếu trong đời sống Giáo hội. Nếu Giáo hội ấy được bảo vệ bởi cơ chế, thì nó lại được phát triển và canh tân nhờ kharisma, đoàn sủng hay đặc sủng. Chẳng những kharisma là những đặc sủng kỳ lạ và hiếm hoi, từ ngữ kharisma còn chỉ những ân trợ sức bình dị được thông ban cho hầu khắp, tùy việc làm và chức vụ mỗi Kytô-hữu, mà đích nhắm là sự phát triển của Giáo hội.

Càng phải nói đến đoàn sủng hơn nữa, khi mà đoàn sủng hồi sinh đang tràn lan khắp như hiện tượng đặc thù của thế kỷ này, sự hồi lâm của Thần khí (cho Công giáo) liền sau công đồng canh tân Vatican II.

Luồng gió đoàn sủng

Ðúng là từ một thế kỷ nay, luồng gió mới đã thổi trong thế giới Kytô-giáo, bắt đầu ở khu vực Tin lành. Tôi muốn nói phong trào Thánh Linh, thực ra được gọi bằng cái tên Pentecostal, hay Ngũ tuần, Ngũ thập. Phong trào Ngũ tuần nổi lên trong Tin lành từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, gần như đồng thời ở nhiều nước, nhất là Armenia, Wales, Ấn Ðộ, Hoa Kỳ. Sự phấn khởi hân hoan, cùng với những biểu hiện dị thường như nói tiếng lạ khiến chức sắc bên ấy sinh ngờ vực và chống đối, đến nỗi phong trào phải tách riêng thành một "lực lượng thứ ba", bên cạnh Công giáo và Tin lành. Người ta gọi họ là khối Ngũ tuần, nhưng thực ra họ làm thành nhiều nhóm khác nhau, dưới những danh hiệu cũng rất khác nhau. Mọc lên từ Hoa Kỳ năm 1901 và 1906, họ đạt tới con số 17 triệu vào năm 1970 (nếu tính cả gia đình vào đấy), và gần đây, theo số liệu mới nhất, trên 300 triệu.

Kể từ năm 1950, lối sống đoàn sủng không còn bị các giáo hội Tin lành lên án nữa. Thậm chí một số vùng còn đánh giá nó như một sức mạnh canh tân. Một số giáo quyền, tuy vẫn đối xử nghiêm khắc, nhưng không còn trục xuất, do đó, các nhóm mới không rút ra khỏi giáo hội gốc như các nhóm trước. Phong trào mới này được gọi là Tân ngũ tuần (Neo-pentecostal). Tân ngũ tuần cũng ra đời ở nước Mỹ luôn.

Khi ấy, đứng từ ngoài nhìn vô, người Công giáo đã coi hiện tượng này là quái dị, nhóm người này là quá khích, trong khi đám họ lại nhìn Giáo hội La mã như thành trì của luật lệ, của hình thức chủ nghĩa, đối nghịch với phong cách tự phát của đoàn sủng. Ngờ đâu chỉ ít lâu sau, khi phong trào Ngũ tuần lan sang Công giáo rồi, thì nó lại bùng mạnh hơn đâu hết, và cũng hơn đâu hết nó được giáo quyền đối xử nhẹ nhàng.

Ðiều ấy xảy ra liền sau công đồng Vatican II, vào đầu năm 1967 tại hai đại học (cũng bên Hoa Kỳ) Duquesne và Notre-Dame, bắt đầu với một hai nhóm sinh viên. Sự họp nhau cầu nguyện, đi đôi với việc đặt tay của nhóm trên đầu người mới đã kéo xuống trên người này nhiều ân đặc biệt, như rời bỏ đời sống khép kín để sống thân ái với xung quanh, như từ giã sự phóng túng hay dửng dưng với đạo để lấy Chúa Kytô làm trung tâm đời sống, và cùng với những ơn như thế là ơn tiêu biểu: ơn ngôn ngữ (glossolalie) hay dị ngữ, nói cho rõ hơn, ơn cầu nguyện bằng một ngôn ngữ lạ mà chính mình không biết, mà một ai đó (được ơn) lại hiểu để cắt nghĩa cho nhóm nghe.

Vâng, ơn dị ngữ là hiện tượng tiêu biểu và phổ biến trong các cuộc họp Thánh Linh. Thường đây là lời cầu, lời chúc tụng, đôi khi lời khuyên. Nhưng bằng một ngôn ngữ lạ, có khi tiếng Ả rập hay Hy lạp gì đó. Tuy chưa học tiếng ấy nhưng nói vẫn đúng, có khi đúng từng ly trong cách phát âm. Người được ơn giải thích có thể hiểu hết hay hiểu từng phần, dù cũng chưa học ngôn ngữ đó.

Trong cuộc họp, tuy chỉ có một số người được ơn đoàn sủng, nhưng hầu như mọi người cảm thấy một sự hưng phấn, một niềm an vui sâu xa, một cảm thông với Chúa và với cộng đồng, y như sự hân hoan và ý hợp tâm đầu của Giáo hội nguyên thủy (Tđcv. 2.46; 13.52; Gal. 5.22; 1Th. 1.6...). Sự hưng phấn và sốt sắng ấy tự nó tỏa ra và lây lan xung quanh. Nói chi luồng sức tông đồ khiến nảy sinh ý muốn đổi thay thế giới. Mà đây không phải bồng bột nhất thời: Thánh Thần đã chuyển hóa các tâm hồn, và sự đổi mới có thật bên trong, nên cũng tồn tại luôn.

Không chối cãi rằng, giữa những "hiệu quả Thánh Thần", vẫn xen vào những yếu đuối trần thế, do đó mà có tham thanh chuộng lạ, có suy sụp tâm thần, có cực đoan trong ý nghĩ và lời nói. Ðể rồi người ta phải nhìn nhận với thánh Phaolô rằng: Cuối cùng, chỉ Chúa Kytô và đức Ái mới quan trọng, chứ không phải Phaolô hay Apollô, không phải ơn dị ngữ hay bất cứ ơn nào khác.

Ý nghĩa của đoàn sủng trong đời sống Giáo hội

Thật ra, đoàn sủng không xa lạ gì với truyền thống Kytô giáo. Thời tông đồ đúng là thời khai sinh và nở rộ đoàn sủng, ứng nghiệm lời sấm Yoen:

Sự bùng nổ đoàn sủng đánh dấu ngày ra đời của Giáo hội với hiện tượng kép: lửa hình lưỡi và lời tụng bằng dị ngữ. Dù dị ngữ đấy, mà các dân vẫn hiểu được bằng ngôn ngữ của mình. Hiểu những lời chúc tụng và nói sấm trong xuất thần, với lưỡi đã được lửa Thánh Thần thanh luyện.

Sự giáng lâm của Thánh Thần còn được biểu hiện bằng gió động ầm ầm, chuyển rung nhà cửa, đủ cho thấy đây là giáng lâm đặc loại, có một không hai: sự đổ tràn Thần khí đã được loan báo. Ðúng là Rửa bằng lửa (Mt. 3.11), cũng là bằng Thánh Thần (Tđcv.1.5) mà lửa tượng trưng cho. Cái mà ngày nay phong trào Thánh Linh gọi là phép Rửa trong Thần khí. Hiệu quả của phép Rửa này không chỉ là hiện tượng dị thường bên ngoài, nhưng còn là niềm hưng phấn và an vui sâu xa bên trong, thời ấy cũng vậy (Tđcv. 2.46; 5.41; 8.39; 13.52; 16.34...), mà thời nay cũng thế (O'Connor, Std., tr. 133-134). Ðây là niềm vui từ một kinh nghiệm thiêng liêng thấy rõ, đi đôi với một biến đổi ở nội tâm và trong cuộc sống (ibidem, tr. 135tt.).

Cảm nghiệm biến đổi ấy cũng là cảm nghiệm về một hiện diện tràn đầy trong buổi họp. Bắt đầu của thay đổi là do việc đặt tay trên đầu. Người đặt tay thường là những người được rửa trong Thần khí trước đó. Sau khi tiếp nhận phép Rửa trong Thần khí do việc đặt tay, người ta cảm nhận sự biến đổi nội tâm ngay, hay sau ít nhiều ngày. Biến chuyển nội tâm thường cũng biểu hiện bằng những câu chúc tụng trong dị ngữ.

Hiện tượng là thế, nhưng ý nghĩa là gì đây?

Chúng ta hãy bắt đầu với các loại đoàn sủng. Trong 1Cor. 12.8-10, thánh Phaolô kể ra những ơn hiểu biết, đại trí, chữa bệnh, làm phép lạ, ngôn sứ, phân định thần căn, ơn dị ngữ cùng với ơn giải thích. Tiếp theo, ở câu 28-29, Ngài kể thêm ơn sứ đồ, ơn giáo huấn, lãnh đạo và hỗ trợ.

Xem như thế, hầu hết đây là những ơn được ban vì lợi ích người khác. Chả thế mà thánh Tôma Aquinô sắp chúng vào loại Gratia gratis data, không ích mình nhưng ích người. Còn cha Hiến Minh thì dịch sang Việt ngữ là Ðoàn sủng: ngụ ý: vì đoàn thể. Ngày nay, người ta thích dùng chữ Ðặc sủng hơn, nhất là khi nói đến Ðặc sủng của dòng này, của con đường kia.

Trong hội nghị công đồng Vatican II, hồng y Rufini cho rằng Kharisma là loại ân đặc biệt, dành riêng cho mấy vị lành thánh và trong những hoàn cảnh hiếm hoi. Còn hồng y Suenens thì thu hẹp nó vào loại ân thông thường, nhưng nới rộng nó cho hết thảy tín hữu tùy chức năng và vai trò của họ:

"Ai trong chúng ta lại không thấy trong giáo phận mình những giáo dân, nam hay nữ, thật sự được Chúa gọi? Họ được Thần khí thông ban những đoàn sủng khác nhau để dạy giáo lý, loan Tin mừng, làm tông đồ dưới nhiều hình thức, hoạt động cứu tế và xã hội... Thiếu những đoàn sủng như thế, thì công việc của giáo phẩm thành vô hiệu và nghèo nàn đi..."

Công đồng tuy nghiêng về loại hình đoàn sủng Suenens, nhưng cũng không gạt ra ngoài đặc loại Rufini. Theo công đồng, kharisma, cùng với cơ chế, là tặng phẩm mà Thánh Thần trang bị cho Hội thánh (LG. 4). Khác với cơ chế, đoàn sủng được ban tùy hứng Thần khí (1Cor. 12.11) cho mọi loại tín hữu tùy theo công việc và chức vụ (opera et officia) mỗi người, để canh tân (renovatio) và phát triển (amplior aedificatio) Giáo hội (LG. 12). Những đoàn sủng ấy thật lắm thứ, từ bình dị cho tới diệu kỳ.

Thật ra, chính Tân ước cũng nhìn nhận thứ đoàn sủng bình dị và phổ biến cho mọi tín hữu, để mỗi người một khả năng hầu hoàn thành Thân mình Chúa (Eph. 4.12; 1Ph. 4.10). Cũng để hoàn thành Thân mình Chúa, còn có kharisma ban theo đặt tay phong chức nữa (1Tim. 4.14; 2Tim. 1.6). Riêng đối với ân đặc biệt, có ân đeo cứng lấy người (như ơn sứ đồ của Phaolô và Barnabê), có ơn chỉ đột giáng từng lúc (1Cor. 12.8).

* * *

Theo Lumen gentium, kharisma nhắm lợi ích người khác, lợi ích cộng đồng, điều mà thánh Tôma đã xác quyết khi sắp nó vào loại Gratia gratis data, phân biệt với Gratia gratum faciens (ích cho bản thân) vốn là đặc huệ (tặng phẩm) Thánh Thần, như Tôma nghĩ.

Thế nào là Ðặc huệ Thánh Thần?

Dựa theo Isaia 11.2-3 qua bản dịch Vulgata, kinh viện kể ra 6 đặc huệ như Trí (sagesse), Dũng, Cố vấn, và đưa thêm vào Sùng đạo như đặc huệ thứ bảy. Hẳn người ta phải thắc mắc: Ơn cố vấn chẳng được ban vì lợi ích người khác đó ư, nghĩa là không phải Gratum faciens? Ngược lại, ơn dị ngữ há chẳng được Phaolô xếp vào loại Gratum faciens khi bảo nó chỉ ích cho mình và chẳng ích gì cho kẻ khác (1Cor. 14.4)? Vì thế, cách phân biệt của thánh Tôma giữa đặc huệ và đoàn sủng không vững lắm.

Theo tôi nghĩ, không nên phân biệt đặc huệ với đoàn sủng, mà tạm phân biệt giữa những ơn ích người, ích mình, ích cho cả hai bên. Và theo Vanhoye, cũng không nên thu hẹp danh sách kharisma vào những ơn kể trong 1Cor. 12.8-10. Phaolô không có ý thiết lập một danh sách. Ngài chỉ sơ lược những ơn quen gặp. Cái mà Ngài nhắm ở đây là sự hiệp nhất trong một Thần khí, đấng ban cho mỗi người một ơn khác nhau tùy hứng của Ngài (câu 12.11).

Nói một cách chung, ân Thánh Thần vô cùng đa dạng khi mà không gì có thể giới hạn hành động và loại tác động của Ngài. Hành động và tác động ấy rất tùy nghi: tùy hoàn cảnh, tùy người và điều kiện sinh hoạt của họ mà biến đổi cho thích ứng, nên vượt ra ngoài những khuôn thước loài người có thể nghĩ ra. Kharisma mà lại ! Và cũng thoáng như thế lối sống kharisma!

Trong các loại ân Thần khí, có thứ dùng trước tiên để sinh ích cho cộng đồng, mà ta nên dành tiếng Kharisma, tạm dịch đoàn sủng, để gọi. Sinh ích cho cộng đồng không nghĩa là giới hạn ở đó thôi. Mà có nghĩa là: dù nghiêng về ích người, nhưng thường vẫn ích mình nữa.

* * *

Dù ân Thánh Thần có loại ích người hay ích mình, sự liên quan giữa hai bên ắt phải mật thiết. Theo Donald L. Gelpi, không thể phục vụ trong Chúa thực mà lại không nhiễm Chúa, khiến cho "việc thực sự thi hành tự mình một đoàn sủng phục vụ đòi rằng đoàn sủng ấy phải là cái được biến hóa từ ơn thánh hóa và ơn đức tin". Nói rõ hơn, "ex abundantia cordis os loquitur", hễ đầy bên trong thì tỏa ra bên ngoài bằng đoàn sủng phục vụ. Ngược lại cũng thế, hễ ở trong trạng thái đón đợi Thánh Thần, sẵn sàng để được sai đi, thì cùng với lệnh sai và đoàn sủng đi kèm, ta cũng lớn lên trong Tín-Vọng-Ái.

Tín-Vọng-Ái do ân sủng nhiễm hóa khiếu năng tôi mà thành. Tín-Vọng-Ái ấy có những cánh tay nối dài là ân Gratum faciens (tặng phẩm Thánh Thần theo Tôma) để sinh ích cho tôi, và ân Gratis data hay đoàn sủng, đặc sủng để tôi phục vụ người khác. Vâng, theo tôi nghĩ — và hẳn đây cũng là kinh nghiệm của những ai họp nhóm Thánh Linh—, đoàn sủng thường vọt ra từ sự tràn đổ Thánh Thần giữa cộng đồng cũng như trong các thành viên. Nghĩa là Thánh Thần đổ cho anh trước, rồi mới tràn ra cho anh bằng đoàn sủng phục vụ. Ðể rồi trong khi phục vụ theo sức thổi ấy, chính anh cũng lớn lên trong ân sủng, trong đức Ái Chúa Kytô. Vâng, miễn là anh phục vụ theo sự thúc đẩy và hươíng đi của Thánh Thần, chứ không theo những tính toán của anh.

Nếu đoàn sủng chính hiệu tác động từ trong tôi, thì nó cũng thánh hóa tôi từ gốc của nó trong tôi khi tôi buông theo Thần khí. Chứ nếu ân Thần khí tác động từ ngoài vào tôi để sử dụng tôi như một công cụ, như trường hợp Caipha nói sấm mà "không nói tự mình" (Yo. 11.51), thì đây ắt không phải đoàn sủng theo nghĩa thông thường khi mà người làm hay nói chỉ hành động như máy, như con lừa của Balaam (Dân số, ch. 22).

Chẳng những đoàn sủng vọt lên từ trong anh vì lợi ích người khác, đoàn sủng thông thường còn có môi trường sinh dưỡng là cộng đồng trong sinh hoạt thiêng liêng của nó. Ðoàn sủng tiêu biểu trong các buổi sinh hoạt ấy lại là ơn dị ngữ, chắc hẳn với ý nghĩa: sự hiệp thông vượt trên những dị biệt về ngôn ngữ. Ơn dị ngữ lại phải được bổ túc bởi ơn giải thích ban cho một người khác, hẳn cũng với ý nghĩa: trong Hội thánh như thân mình Chúa, chúng ta là thủ túc nên cần đến nhau để bù trừ cho nhau (1Cor. 12. 12-30).

Việc cần đến nhau và hiệp thông với nhau càng lộ rõ khi mà phép Rửa trong Thần khí không được ban trực tiếp, nhưng qua sự đặt tay của những ai đã đầy Thần khí rồi. Theo Donal L. Gelpi, đoàn sủng tự nó cũng làm phát sinh một ý thức cộng đồng đức tin sâu xa, đức tin thành sống động của một cộng đồng rất sống động dưới luồng hơi Thần khí, khiến cho khi đoàn sủng vắng bóng, thì luật lệ và quyền hành độc chiếm thị trường sẽ làm xơ cứng tất cả, cũng đúng như nhận định của hồng y Suenens:

"Không có những đoàn sủng ấy, thì công việc hàng giáo phẩm (le ministère ecclésiastique) thành vô hiệu và nghèo nàn đi (serait appauvri et stérile)..."

Quả thực vào hồi đầu cũng như trong các nhóm Thánh Linh chính cống hôm nay, người ta sống rất "tâm đầu ý hiệp" (homo-thumadon) như được nhắc đi nhắc lại trong Tông đồ công vụ (1. 14; 2.46; 4. 24; 5. 12; 8. 6; 12. 20).

"Homo-thumadon" bắt đầu với cầu nguyện. Dù người chúc tụng trong đoàn sủng cũng ý thức mình ở giữa nhóm, dù người nghe chúc tụng cũng cảm thông và gửi hồn vô. Từ trong cầu nguyện, mối đồng tâm tỏa lan sang cuộc sống, khiến vào thời đầu, người ta bán gia tài để san sẻ cho nhau, mỗi người hay gia đình được trao theo nhu cầu của mình (Tđcv. 2. 44-46; 4. 32-35).

Sau thời tông đồ, không hiểu sao không đâu nói đến đoàn sủng nữa, trong khi cơ chế cứ chặt chẽ mãi thêm. Có điều trong một Giáo hội mà linh hồn là Thánh Thần, không thể vắng bóng đoàn sủng được. Không lộ liễu nữa, đoàn sủng hoạt động âm thầm nơi một số ít những tâm hồn lành thánh, như Vinh Sơn và An toan hay làm phép lạ, như cha Piô in năm dấu thánh, như Tiên sa nhỏ với cuốn tự truyện làm rung động và biến đổi lòng người. Nhiều đoàn sủng tuy không dị kỳ, nhưng tác động thiêng liêng lại rộng, mạnh và bền bỉ. Như một I-nhã với cuốn Thần thao đã biến đổi sâu xa bộ mặt bên trong của Hội thánh. Như một Yoan XXIII đã đưa Hội thánh ấy tái gia nhập cuộc sống của loài người. Như một Tiên sa Calcutta đã bắt đúng mạch của loài người khốn khổ hôm nay, và đưa được tiếng kêu cứu của đám người không nhà ở, không cơm ăn, không tình thương sưởi ấm đến được tai và tim của mọi người, của cả những thế lực đang thống trị thế giới. Ấy là chưa kể đến những đoàn sủng muôn mặt tiềm ẩn trong biết bao con người đơn sơ đang phục vụ trong đủ mọi ngành giáo dục, cứu tế, v.v., mà thiếu chúng thì, như Suenens nói, công việc của giáo quyền chỉ "xôi hỏng, bỏng không".

Gần đây, khi mà đức Yoan XXIII kêu mời Thánh Thần tái giáng, khi mà Hội thánh vừa họp xong công đồng ngoại thường để canh tân, khi mà lối sống đạo khuôn thước suông không còn đáp ứng đòi hỏi của nhiều tâm hồn, khi mà những tâm hồn ấy đang tập hợp lại để mong chờ một phương thuốc, khi mà số giáo sỹ giảm đi không còn đáp ứng đủ cho nhu cầu mục vụ, khi mà vai trò giáo dân được tái xác nhận dần trong Hội thánh, thì cơn lốc đoàn sủng của thời tông đồ cũng cuồn cuộn nổi lên, khiến cuộc sống tôn giáo thành sinh động hẳn và phóng khoáng dần khi mà tác giả của nó là Ðại nghệ sĩ Thánh Thần vốn "hứng đâu thổi đấy".

Vâng, đoàn sủng không chỉ là ơn dị ngữ này, ơn chữa bệnh kia. Ðoàn sủng nói lên một lối sống đơn thành và tự phát, không phân biệt giáo sỹ giáo dân, không lệ thuộc vào nghi thức này hay nghi thức nọ, cũng chẳng diễn ra trong khuôn khổ của một huyền tích. Ta chẳng thấy sao, dù chưa chịu phép Rửa, gia đình Cornêliô đã nhận Thánh Thần và nói dị ngữ (Tđcv. 10.44-46)? Và dù chưa được Phêrô đặt tay, Phaolô và Barnabê đã thành sứ giả Tin mừng?

Vâng, cách làm của Thần khí phóng khoáng hoàn toàn. Ngài thổi cả trong lẫn ngoài cơ chế. Ngài hành động vừa trực tiếp vừa qua trung gian. Ngài nói thẳng với tâm hồn tôi hay nói qua quyền bính, đoàn sủng, cộng đồng, hoàn cảnh. Không gì có thể định đoạt, be bờ hay cản ngăn hành động của Ngài. Và hành động này, không gì dễ phân loại, dù bằng Gratis data và Gratum faciens. Dù vẫn có khuôn và cơ chế với Thánh Thần hành động trong đó, nhưng như K. Rahner nhận định, thế lực (autorité) thiêng liêng vẫn vượt xa hơn quyền lực (pouvoir).

Chẳng những nói qua những cá nhân (với đoàn sủng hay quyền bính), Thánh Thần còn nói qua toàn khối cộng đồng nữa: "Khi có hai ba kẻ họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ" (Mt. 18.20). Thầy ở giữa họ bằng Thần khí của Thầy. Thần khí ấy quả hoạt động mạnh thấy rõ giữa cộng đồng cầu nguyện trong các nhóm chính hiệu Thánh Linh. Trong các buổi họp này, Thần khí nói với tôi qua anh chị em tôi, qua ý kiến chung hoặc ý kiến của một người nói lên giữa nhóm trong Thần khí. Nhóm cũng là môi giới của Chúa đối với tôi khi tôi tiếp nhận đoàn sủng qua sự cầu nguyện và đặt tay của nhóm, cũng như Phaolô và Barnabê xưa do sự đặt tay của toàn nhóm ngôn sứ Antiôkia.

Tiếp nhận Thần khí qua việc đặt tay ấy được phong trào Ngũ tuần gọi là được rửa trong Thần khí. Sự đổ đầy Thần khí này được cảm thấy ngay hay ít lâu sau đó. Ðây là cảm nghiệm về một Hiện diện, nó đi đôi với một niềm an vui và hưng phấn sâu xa, có kèm theo một cải biến ở tâm hồn và cuộc sống, thường với cùng một đoàn sủng, đặc biệt là ơn dị ngữ: chúc tụng hay ca hát bằng ngôn ngữ lạ, có khi nghe rõ từng tiếng, có khi nghe u-ơ không rõ.

Hồi nguyên thủy, phép Rửa trong Thần khí diễn ra ngay khi các tông đồ đặt tay sau phép Rửa huyền tích, đôi khi trước phép Rửa mà không cần đặt tay (Tđcv. 10.44-46). Vả lại, chính nhóm Mười hai cũng đâu có trải qua phép Rửa nghi thức, mà được rửa trực tiếp bởi Thánh Thần trong ngày Ngũ tuần (Tđcv. 1.5,8).

Trong phong trào Ngũ tuần, phép Rửa trong Thần khí diễn ra nơi những người có đạo sẵn rồi, nghĩa là được đặt tay từ lâu trước do giáo sỹ, trong khi sự đổ tràn Thần khí chỉ thành hiển hiện hôm nay sau sự đặt tay của nhóm. Và như thế, đoàn sủng chỉ vọt lên thành thác trong khung cảnh của cộng đồng cầu nguyện, vọt ra một cách bột phát bên ngoài những khuôn khổ định sẵn.

Vậy vấn đề được đặt ra là: cơ chế và đoàn sủng có gì đối nghịch với nhau không?

Ðoàn sủng với cơ chế

Newman phân biệt nơi Giáo hội hai dòng truyền thống chúng bù trừ cho nhau: truyền thống ngôn sứ làm phát triển giáo lý Tin mừng và truyền thống giám mục để bảo vệ sự tinh toàn của giáo lý ấy. Truyền thống ngôn sứ như dòng lũ cuồn cuộn cho đột phá sáng tạo nó làm giàu thêm và mới mãi, khiến tư tưởng ngày càng gần hơn với chiều rộng bao la và chiều sâu vô tận của Lời. Thế nhưng nước mạnh có thể vỡ bờ và bầu khí tự do làm cỏ mọc xen với lúa. Bởi thế, phải có cơ chế để can thiệp lúc cần, cơ chế với chức năng be bờ và chỉ đạo.

Có điều, với chức năng phòng ngự và be bờ tiêu cực ấy, cơ chế không thể làm dòng nước chảy, xác sinh động và lớn khỏe lên. Sự sinh động và tăng tiến ấy là việc của đoàn sủng ngôn sứ nơi những con người lành thánh và thông minh trước tiên, những kẻ chìm trong truyền thống và sống giữa cộng đồng, nhờ đó thở hít Thần khí và phát lên tiếng sấm.

Ðiều mà Newman nói về tư tưởng có thể được mở rộng tới mọi lãnh vực của cuộc sống thiêng liêng, và khi ấy chúng ta sẽ đứng trước một cặp đối xứng tổng quát hơn: cơ chế và đoàn sủng. Hẳn là Thần khí Chúa phải có mặt trong cả hai, khi mà cả hai đều cần để bổ túc cho nhau vì ích lợi của Dân Chúa, vì sự phát triển ổn định và điều hòa của cộng đồng chúng ta. Bằng đoàn sủng, Thánh Thần hành động một cách thong dong, bột phát. Bằng quyền bính, luật pháp và các khuôn khổ khác, Ngài ngăn chặn sự xâm lấn quá đáng của cỏ lùng và tạo điều kiện cho hoạt động an toàn của đoàn sủng.

Nếu gọi đoàn sủng là ơn Gratis data, ích người, được ban tùy chức vụ và công việc, thì ở chỗ là chức vụ để phục vụ, giáo sỹ cũng mang đoàn sủng do sự đặt tay (1Tim.4.14). Nên trên nguyên tắc, không có đối nghịch giữa đoàn sủng và cơ chế. Càng không có đối nghịch, khi cùng một Chúa và Thần khí Ngài đã thiết lập các chức vụ và thông ban những đoàn sủng (1Cor.12.18), nhất là khi chức vụ gốc được thiết lập trong Thần khí và sự đổ tràn Thần khí có tính khai nguồn cũng được tập trung ở nhóm Mười hai (Tđcv. 1.2; Luc. 6.12-13; Tđcv. 2.4). Ðôi khi, đoàn sủng và cơ chế (hay thiết lập có tính cơ chế) còn như lẫn sang nhau nữa. Ðây là trường hợp của Phaolô được phong sứ đồ bằng đoàn sủng, và ở tư cách sứ đồ do đoàn sủng, Ngài đã phong chức giáo sỹ cho Timôthêô và biết bao kẻ khác.

* * *

Vì cùng một Thánh Thần tác động cả trong cơ chế lẫn đoàn sủng, nên hai đằng phải nhìn nhận vai trò của nhau, phải tôn trọng nhau và hòa hợp với nhau vì ích lợi Giáo hội.

Vì sự hiệp nhất của Giáo hội, kẻ mang đoàn sủng hãy tùng phục giáo quyền trong khi vẫn tuân theo sự hướng dẫn và thúc đẩy của Thần khí. Sự mâu thuẫn giữa ý Chúa và ý bề trên có thể xảy ra, và đây là thập giá lớn nhất cho những tâm hồn thánh thiện.

Có điều hiểu được ý Chúa không phải chuyện dễ. Phải thành với mình và phân định trong tinh thần bất thiên đạt được trong cầu nguyện. Một khi đã thấy rõ ý Chúa rồi, thì tuy vẫn tôn trọng quyền bính, ta phải đấu tranh để thực thi ý Chúa, như I-nhã trong trường hợp giáo chủ Piô V bắt đưa nhật tụng chung (office choral) vào luật Dòng Tên, và như thế cản trở nhiều hoạt động tông đồ của anh em dòng.

Về phía giáo quyền, các vị cũng nên nhìn nhận rằng Thần khí có thể thông ân sủng ngay cả ngoài phép Rửa và thông đoàn sủng ngoài sự đặt tay. Bởi thế, Thần khí cũng sáng soi và thúc động mà không cần thông qua bề trên hay trong khuôn khổ của một định chế. Hơn thế, bằng đoàn sủng, giáo dân hay người dưới cũng có thể soi sáng cho giáo quyền và thông đạt cho nhau những của cải thiêng liêng. Vậy, tuy đôi phen phải can thiệp khi cần, nhưng chức sắc có bổn phận lắng nghe để khiêm tốn phục vụ, đừng "dập tắt Thần khí" mà phải vun trồng và phát triển (LG. 12).

Những cơ nguy trong sinh hoạt đoàn sủng

Trên cõi đời này, thường ở đâu có binh đội của Chúa, ở đấy cũng có lâu la của Satan. Vì thế, trong sinh hoạt đoàn sủng, yếu tố thiêng liêng và yếu tố con người xen kẽ nhau, do đó sinh ra những lẫn lộn, những cơ nguy, hoặc do thái quá hay bất cập, hoặc do cái tốt biến dạng hay bị lợi dụng vào những mưu đồ trần thế. Nhất là khi có giả đoàn sủng.

Ðể tiếp nhận Thần khí hứng lúc nào thổi lúc nấy, tâm hồn phải luôn ngỏ cửa sẵn sàng, chứ đừng giăng rào cản bằng những định kiến và sự cố chấp. Thế nhưng cũng đừng lầm lẫn thái độ đón đợi này với sự thiếu quyết đáp, không lập trường, thái độ thật ra là của những tâm hồn ươn ưởi hay nhu nhược. Làm sao khỏi lẫn giữa hai bên đây? Làm sao để thái độ sẵn sàng khỏi bị hiểu là thả buông và mặc kệ?

Thật ra, sẵn sàng không phải là vô định hướng, mà định hướng duy về phía ý Chúa, một cách chung chung. Có gì giống như thư giãn, không quan tâm đến bất cứ gì, mà vẫn hướng tâm về một cái gì vừa không rõ nét của đối tượng, vừa chẳng rõ nét của hành vi hướng tâm.

Muốn bén nhạy với tác động Thần khí, tôi phải ở trong trạng thái "buông lơi", nhưng chỉ buông lơi đối với thúc động bên trong từ Chúa. Có điều lắm khi do chất liệu thiếu tinh khiết của ăng ten, hễ cửa ngỏ thì chẳng những thần lành có thể vô, mà cả thần tà (nhất là khi nó đội lốt thần mang ánh sáng) và hoang tưởng cũng có thể nhập bọn, nhất là đối với ai quá nhạy cảm hoặc còn lắm đam mê.

* * *

Ðoàn sủng thường đi đôi với những cảm giác mê ly, những hiện tượng kỳ dị, nên dễ cuốn hút cả khán giả lẫn người trong cuộc. Cái tinh thần tham thanh chuộng lạ ấy của Hêrốt sẽ lôi ta ra khỏi cái "duy nhất cần" (unum necessarium) là: nên thánh, cũng là sống đức Ái, nghe Lời Chúa. Thánh Yoan Thánh giá gọi đây là tính tham ăn, sự tham ăn đối với cảm xúc và cảm nghiệm dù thiêng liêng. Theo ngài, ham những thứ ấy là mối nguy và nó dẫn đến nhiều nguy cơ khác.

Những hiện tượng và cảm xúc ấy tự chúng chẳng ích gì đâu. Lại nếu do đó mà có tự mãn, thì tai hại sẽ rất lớn. Theo Yoan Thánh giá, nền tảng của con đường thiêng liêng là đức tin và sự khiêm nhường. Thế mà hễ vấn vương với những hiện tượng lạ ấy, người ta dễ kiêu ngay, tưởng mình hơn người và được Chúa coi trọng. Dĩ nhiên là phải coi trọng ân Chúa, nhưng coi trọng nhất cái mà Chúa nhắm, và đây là sự thánh hóa của mình hay của người. Chúa muốn ta hướng thẳng về chỗ mà xe phải chở tới, chứ đừng vì ham xe mà quên cả việc đi.

Vâng, đừng mong cảm giác mạnh, nếu không phải để cảm xúc ấy khiến ta gần Chúa và sống hết mình vì Chúa. Cũng đừng làm mọi cách sao cho bật ra được một cảm nghiệm hay vọt ra được một đoàn sủng như dị ngữ, nhờ đó ở vào tư thế phát ngôn viên của Chúa, bởi nắm được ý Chúa mà khinh rẻ ý mọi người, thậm chí khinh rẻ giáo quyền hay cảm nhận của Dân Chúa.

Vì hướng đi của đoàn sủng là bột phát tùy hứng Chúa, nên phong trào Ngũ tuần không ưa tổ chức cùng những ràng buộc bên ngoài. Nhưng nếu để "tự nhiên" hoài, thì việc thiếu tổ chức dễ sinh hỗn độn, thiếu kiểm soát và điều khiển sẽ ngỏ cửa cho những "kẻ cơ hội" xâm nhập mà lèo lái, cho bệnh tâm thần triển nở mà làm mang tiếng phong trào. Bởi thế, một giải pháp dung hòa ắt là phải có. Và đây là một thứ cơ chế thoáng và ngầm, giống như thư giãn vậy.

Ðể thành bén nhạy với thúc đẩy Thần khí, một là tâm hồn phải siêu thoát, bất thiên và mơng đợi ý Ngài, hai là do khí chất mà đương sự quá nhạy cảm, do đó trên bờ vực của tâm bệnh. Ðối với loại người trên, thì thúc động chắc là từ Chúa, và luôn đi với một niềm an vui, phấn khởi, tuy sâu xa đấy mà không khích động gì. Còn đối với loại người dưới, thì nếu họ thật ngỏ cửa về hướng Chúa, Chúa cũng dễ thúc động họ, khiến sướng thỏa rồi, cấu trúc tâm lý họ vững vàng lên. Bằng như nếu họ chỉ được thúc động bởi cảm khí tập thể, bởi sự múa may cuồng khoái của người khác, thì hoang tưởng và sự suy sụp tâm thần sẽ ập đến cho họ.

Một điều cần lưu ý nữa, là khi Thánh Thần gợi hứng, thì thường ngài không cho thấy rõ, mà chỉ nghiêng tâm tình về hướng nào đó thôi. Vì thế, phải tự giải thích kinh nghiệm ấy, và sự giải thích có thể sai lạc. Như khi Thánh Thần nghiêng lòng ai về hướng phép Rửa, mà vì hiểu lầm, họ xin chịu lại phép ấy.

Thế rồi, sự thụ cảm có thể khi thì do Thần khí, lúc lại bởi Satan hay nguyên nhân tự nhiên, nên để ứng phó, phải nhờ đến các nguyên tắc của phân định thần căn.

Hiệu quả của đoàn sủng

Hiệu quả trước tiên của buổi họp đoàn sủng là sự cảm nghiệm sâu xa về một Hiện diện khác hẳn. Ngài có mặt thấy rõ, vừa cao xa như một Thiên Chúa, vừa gần gũi như một bạn hiền. Có mặt với chúng tôi đấy, mà cũng hiện diện với bản thân tôi. Từ đó phát sinh một bầu khí sốt sắng, một niềm hoan lạc thiêng liêng, một sự tin tưởng vô bến bờ. Thêm vào đó, một thái độ buông mình phó thác, mà cũng hăng say phụng sự.

Người ta không gác Chúa sang một bên nữa. Chúa không chỉ chiếm một khoảnh khắc, một mảnh đời của anh, vì nay anh muốn dâng hết cho Ngài. Anh đã yêu Chúa bằng trái tim rực lửa: "Thiên Chúa đã sai Thần khí Con vô lòng ta, để hét lên Abba, Cha" (Gal. 4.6). Gặp Thần khí Con và nên một với Con, sao khỏi gắn bó với "Lạy Cha... ở trên Trời".

Yêu Chúa, người ta không còn yêu thầm như thời sống đạo cá nhân trước đây. Người ta muốn gào lên, muốn tán tụng, và người ta u-ơ hay bật ra tiếng lạ. Hơi ồn ào một chút, sự bốc đồng của tuổi thơ mà ! Có thể như non nớt đấy, nhưng bằng sự non nớt đáng yêu của bé. Miễn là đừng quá trớn, đến cuồng tín như một hai kẻ từng làm.

Thấy Chúa rồi, như Yoan và Anđrê (Yo. 1.40-42), họ đi lôi bè bạn cho bằng được đến cuộc họp. Họ thành công vì họ tin và Chúa hành động qua niềm tin ấy. Lắm khi họ cũng thất bại đấy, vì người ta thấy có gì khang khác trong hành vi của họ, trong bầu khí của nhóm.

Vì lòng bốc cháy, nên các nhóm Ngũ tuần rất ưa cầu nguyện. Thường họ họp cầu hằng tuần, nhưng cá nhân thì cầu hằng ngày và bắt đầu năng dự lễ, chịu lễ.

Trong cầu nguyện, thì chúc tụng là khô và khó nhất. Thế nhưng đây lại là sở trường của con cái Thánh Thần. Khi nói dị ngữ, thường họ đương xướng tụng và ca tụng đấy. Họ ngỡ ngàng trước sự cao cả và tình thương bao la của Chúa, nên họ vui sướng mà cầu, và cầu có thể lâu mà không phải cố.

Chẳng những hạnh phúc trong cầu nguyện, họ còn say đọc Thánh kinh nữa, ít ra đây là kinh nghiệm của đại học Notre-Dame. Người ta bỗng thấy Lời Chúa mang một hương vị đậm đà, nên đọc mãi mà không thấy chán.

Chẳng những đắm mình trong cầu nguyện và đọc Thánh kinh, con cái Thánh Thần còn sống đạo thực sự nữa.

Có kẻ đang sống khép kín, nghi kyï mọi người, mà nay thấy cởi mở và nhân ái hẳn lên. Có người đang rượu chè và ham khoái lạc, thế mà nay đổi hẳn. Có những tâm hồn từ lâu sóng gió nay tìm thấy an vui. Và những kẻ, được Chúa yêu dường ấy, cảm thấy thôi thúc phải chia sẻ ơn Ngài với xung quanh, nên họ hăng say làm tông đồ hay đi phục vụ.

Cùng với sự phấn khởi và niềm an vui sâu xa, các thành viên còn cảm nhận rõ sự hiệp thông và có ý thức cộng đồng. Thật ra, đoàn sủng hướng về "sự canh tân và phát triển Giáo hội" (LG. 12), nên "chỉ trong liên hệ với cộng đồng, đoàn sủng mới tròn đầy ý nghĩa".

Tuy đoàn sủng hướng về lợi ích người khác, nhưng thường không phải vì thế mà vô ích cho mình (gratis data) đâu. Nói chung, để vọt ra cho hạnh phúc xung quanh, nó đã được rót đầy trong lòng tông đồ rồi. Bởi thế mới có cầu nguyện sốt sắng, sự hứng khởi và an lạc, đi đôi với ý thức về người khác và sự đổi mới bản thân, Giữa cộng đồng ấy, đoàn sủng ập vô như một cơn lốc, vừa sưởi ấm các tâm hồn, vừa cuốn họ đi xây Nước Chúa. Trong khi hết lòng vì anh em như thế, tôi cũng tốt lên nhờ đức Ái và bởi những gì thiêng liêng mà tôi muốn thông đạt cho xung quanh. Một tia lửa bắt đầu cho ngọn lửa. Một bốc nóng mở vào con đường nên thánh. Ðúng là ơn gọi nên thánh, khi mà trong tu đức học trước đây, sự sốt sắng cảm tính nếu kéo dài hẳn được xếp vào minh đạo (via illuminativa) rồi.

Quả thực từ trước đến nay, bên ngoài luồng gió Ngũ tuần, vẫn có một số kẻ, vào một thời kỳ nào đó trong cuộc đời, bỗng được ơn cầu nguyện sốt sắng, lắm khi sôi nổi, do đó vừa khát khao làm thánh, vừa thấy điều ấy ở trong tầm tay, chứ không như trước kia. Có điều ơn sốt sắng cảm tính thường chỉ kéo dài đôi ba tháng, dăm ba năm, và khi thấy khô khan trở lại, đương sự có cảm tưởng "mèo hoàn mèo", khiến thối chí dần và bỏ cuộc phần lớn. Những kẻ kiên trì, sau khi đã hiểu nên thánh là do ơn Chúa, với sự góp sức của ta thôi, họ sẽ khiêm tốn hơn và nhắm mắt cứ tiến. Thế nào họ cũng phải trải qua rất nhiều thử thách và đêm tối trước khi đạt tới Hôn nhân thiêng liêng.

Ðối với các thành viên của nhóm đoàn sủng, chắc hẳn nhờ bầu khí và sự nâng đỡ của cộng đồng, họ sẽ bền chí hơn và dễ tới đích hơn. Có điều để đạt tới hiệp đạo (via unitiva), không thể nào họ cứ sốt sắng cảm tính hoài như ta thường gặp trong các cuộc họp Thánh Linh. Lý do là vì không thể nên thánh nếu không được thanh luyện kéo dài bằng những đêm tối.

Lợi dụng đoàn sủng để nên thánh

Nếu đặt phép Rửa trong Thần khí vào đúng chỗ của nó trong tu đức học truyền thống, thì phép Rửa ấy vừa là ơn gọi, vừa là cửa vào để nên thánh. Tu đức học cổ điển gần như chỉ nhấn vào ý chí (và đức tin của ý chí, cố nhiên). Nhưng nếu không có một thúc động mạnh, thì làm sao có trớn để vọt đây? Cái trớn đầu hay ơn sốt sắng quả là tối cần. Cần như sữa mẹ khi mà bé thì đâu thể ăn cứng.

Tôi nói đến thứ ơn sốt sắng như một kinh nghiệm bất ngờ, mãnh liệt và bền dai, chứ không phải những cơn gió ấm thoảng qua, do Chúa đôi khi, do nguyên nhân tự nhiên lắm lúc. Sự bốc mạnh ấy thường chỉ xảy ra một lần trong đời, giống như Lượng tử ban sơ (Quantum initial) tối cần cho Bigbang và sự tiến hóa đến vô tận. Sức bật ấy quả rất lớn và ơn ấy trân quý vô cùng. Nên phải chớp thời cơ và lợi dụng triệt để. Ðối với ai chưa được viếng thăm bởi ngọn sóng thần này, họ hãy cầu Chúa thiết tha và chuẩn bị cho mình những điều kiện cần thiết để có thể được tặng món quà quý nhất ấy. Hẳn là mọi người được gọi nên thánh. Nhưng ơn gọi ấy chỉ thành hiệu nghiệm khi có ơn sốt sắng này.

Nên chuẩn bị, nhưng chuẩn bị thế nào đây?

Ðể được món quà rất lớn nói trên, thiết tưởng phải khiêm nhường và vững tin, phải sám hối và cố tránh tội. Môi trường của ân sủng là Giáo hội, môi trường của đoàn sủng là cầu nguyện cộng đồng. Thế nghĩa là: sự cởi mở và hiệp thông với Dân Chúa là thái độ rất cần để được Chúa ban ơn và gọi nên thánh. Trong các nhóm đoàn sủng, phép Rửa trong Thần khí diễn ra qua việc đặt tay của người khác: bằng chứng về vai trò môi giới của mọi Kytô-hữu, của anh chị em xung quanh ta. Nên hãy ý thức rằng ta cần đến cộng đồng, và cần đến sự giúp đỡ của những ai dù bé nhỏ trong Nước Chúa.

Phép rửa trong Thần khí nói lên sự thông lưu dễ dàng giữa Thần khí với đương sự, khiến Thần khí hướng cảm ra sao, anh sẽ làm theo như thế. Nên để được Thần khí rửa, nghĩa là sáng soi, hướng dẫn và thúc động, thì hãy ngỏ cửa về phía Ngài trong thái độ nhu thuận đón đợi, đồng thời cởi bỏ những trở lực về phía mình như ham muốn, định kiến, mặc cảm cái Tôi.

Phép rửa trong Thần khí, như tôi nghĩ và đã nói trên, đúng là sự sốt sắng của kẻ bước vào con đường nên thánh, nên hãy trân quý, hết lòng bảo vệ và cố gắng thanh lọc, khai triển.

Phải thanh lọc, vì đây là giai đoạn nuôi bằng sữa, nhử bằng kẹo, nên đừng quá ham ở lại đó, mà hãy trưởng thành lên từ từ bằng cách yêu Chúa vì Chúa chứ không vì an ủi, bằng cách phục vụ anh em vì hạnh phúc anh em chứ không vì cái hứng của tôi hay sự tri ân của họ.

Sau sự thanh lọc bằng cố gắng bản thân này, sẽ còn đợt thanh lọc cuối do Chúa hoàn toàn, và đó là các đêm tối. Ðến đây, thì con cái Thánh Linh phải trở về với cách ứng phó của tu đức học cổ điển, miễn là đừng quá thiên về chiêm niệm. Vâng, không phải chỉ chiêm niệm mới có đêm tối, mà cả hành động nữa.

* * *

Tu đức học cổ điển nhấn vào cố gắng bản thân. Tu đức học đoàn sủng mở thêm cho nên thánh một chiều kích cộng đồng. Thật ra, cả hai yếu tố bản thân và cộng đồng đều rất cần cho tu đức nói chung.

Chắc hẳn tu đức đoàn sủng dễ đưa ta đến thái độ dựa dẫm, dựa vào cộng đồng để bầu khí cộng đồng khích động ta, nên khi xa rời tập thể, e rằng ngọn lửa sẽ lụi tàn. Tu đức cổ điển trái lại ít quan tâm đến hiệp thông, và tìm thanh vắng hơn là gần gũi, do đó không lợi dụng được bầu khí tập thể và sự nâng đỡ của anh em. Vâng, tu đức học Kytô-giáo, nhất là trong thời cực thịnh của ẩn tu và đan tu, gần như quên mất chiều kích cộng đồng của nên thánh. Tu đức học của các tôn giáo phương Ðông càng cá nhân hơn gấp bội. Nó sản sinh một số quá ít những siêu nhân thiêng liêng, để lại bên dưới cả một đám đông bao la của những người chỉ "theo đạo" bằng một thứ đạo cầu lộc cầu tài.

Tu đức học đoàn sủng rất cần để san bằng hố sâu ngăn cách giữa hai loại phàm nhân và siêu nhân ấy, bằng cách đưa thánh thiện đến gần mọi người, khiến phần đông cảm thấy nên thánh là điều có thể, là ơn gọi chung của mọi đệ tử Chúa.

Có điều kinh nghiệm đoàn sủng còn quá non yếu. Kinh nghiệm thời đầu chỉ diễn ra không đầy một thế kỷ. Còn phong trào Ngũ tuần hôm nay cũng chỉ mới bắt đầu thôi. Tất cả còn chập chững, thì làm sao để nói đến một tu đức học?

May thay, tu đức học cổ điển đã già dặn bằng hai ngàn năm kinh nghiệm, tìm tòi và suy tư. Nó lại có thể được bổ túc bằng vốn liếng ba mươi thế kỷ của tu luyện Ấn giáo. Tu đức cổ điển không phải là thứ tu đức khác lạ mọi mặt đâu. Nó chỉ thiếu một hai nét, mà tu đức đoàn sủng có thể điểm xuyết cho.

Vậy một đằng tu đức đoàn sủng phải làm nhiều cố gắng để gạn lọc và suy tư tìm lối, đằng khác nó phải đến học hỏi gần như tất cả ở tu đức học cổ điển. Nó không thể trở về nguyên trạng của các cuộc họp Dân Chúa hồi tông đồ, lúc mà tu đức học Kytô-giáo gần như chưa có. Lợi dụng kinh nghiệm và phát minh của hai ngàn năm tu đức học cổ điển, nó sẽ biết cách thanh luyện và trau dồi đức hạnh. Thanh luyện khỏi ấu trĩ (nêpios) để biết phân biệt chính tùy, để khỏi nệ vào tình cảm cũng như để thoát ra khỏi sự trói buộc của cái Tôi. Trau dồi Tín-Vọng-Ái ở chiều sâu bằng những kỹ thuật suy niệm và cấm phòng.

TÓM LẠI

Phong trào Ngũ tuần đã tái xuất giang hồ, mà đặc sủng lại cần thiết như sức mạnh canh tân và phát triển, nên tu đức học hôm nay không thể không đề cập đến.

Cũng như vào thời các tông đồ, đoàn sủng (hay đặc sủng) tiêu biểu của các cuộc họp Thánh Linh là ơn nói tiếng lạ, có lẽ nhắm diễn tả một sự hiệp thông phổ cập, vượt trên những dị biệt về ngôn ngữ, tức sắc tộc và văn hóa. Với kẻ được rửa trong Thần khí, kèm theo ơn dị ngữ ấy là cả một biến đổi trong tâm hồn, và đây là sự sốt sắng, hoan lạc, cùng với tinh thần chia sẻ, hiệp thông.

Như thế, tuy nhắm ích lợi của người khác trước tiên, đoàn sủng thường cũng thánh hóa chính đương sự nữa. Phép rửa trong Thần khí làm phát sinh một sốt sắng kéo dài, khiến anh cầu nguyện lâu và hứng thú. Có gì đó giống như ơn sốt sắng khởi đầu cho mọi tiến trình nên thánh xưa nay. Nếu đúng vậy, thì đây là ơn gọi nên thánh đã thành phổ cập cho mọi con cái Thần khí rồi.

Dù sao, ơn sốt sắng vẫn chỉ là khởi đầu của tiến trình. Do đó, có những khuyết điểm của sự ấu trĩ mà ta phải thanh lọc bằng phương pháp của tu đức học cổ điển. Ðồng thời, có sự non yếu của cái mầm mà ta phải vun trồng cho lớn khỏe lên bằng kỹ thuật đã phát minh của suy niệm, tĩnh tâm v.v...

Ðiều nên lưu ý trước tiên, là đừng ham cái lạ và đừng muốn được để ý. Trái lại, hãy vun trồng đức Ái và chú ý đến hạnh phúc của xung quanh.

Ðời sống đoàn sủng đưa ta vào sự phóng khoáng của Thần khí "hứng đâu thổi đấy". Nhưng không nên vì thế mà khinh rẻ cơ chế, vì đây là một trong hai phương thế Chúa dùng để bảo vệ và thánh hóa Giáo hội.

Ðể được Thần khí trực tiếp hướng dẫn, ta nên chuẩn bị bằng thanh tẩy, bằng thái độ siêu thoát và bất thiên. Ðồng thời ngỏ cửa về hướng Ngài trong nhu thuận đón đợi, và mở cửa với cộng đồng trong sự khiêm tốn và thái độ hiệp thông.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page