HÀNH ÐỘNG
"CHĂM SÓC THÂN XÁC"
hay PHỤC VỤ

Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Về hành động trong tương quan với nên thánh, chúng ta đã nói đến "Sự chăm sóc các linh hồn" (cura animarum). Giáo hội (và Kytô-hữu trong đó) còn có thêm một sứ mạng nữa, sứ mạng đức Ái hay từ thiện (mission caritative) mà ngay từ đầu, Giáo hội đã nhận lấy và gọi là Diakonia, Phục vụ. Vâng, tiếng Diakonia được dùng ngay trong mấy năm đầu tiên để chỉ việc "hầu ăn" bên việc "hầu lời" (Tđcv. 6. 2-4). Lại chỉ mấy vị hầu ăn mới mang danh hiệu Diakonos thôi. Sự phục vụ này cũng có thể gọi là "Chăm sóc xác thân" (cura corporum), đối lập với "Chăm sóc linh hồn". Nó nhắm trực tiếp thân xác và các lợi ích trần thế.

Phục vụ thân xác nói chung

Thiên Chúa thành người để biến con người thành thần. Vậy từ đây, chạm đến con người cũng là chạm đến Thiên Chúa (Mt. 25.40,45). Chính trong ý nghĩa đó mà K.Rahner nhận xét: "Cái toàn bộ của nhân bản đã có tôn giáo tính, và cái toàn bộ của tôn giáo tính cũng thành nhân bản luôn". Vậy chỉ cần chân thành yêu thương và hầu hạ anh em, là anh đã thi hành nghĩa vụ tôn giáo, mà không cần nói rõ VÌ CHÚA chi cả.

Nơi con người, Kytô-giáo cũng không lóc riêng lấy mảng linh hồn, mà bỏ đi những gì còn lại, như thân xác và các giá trị trần thế. Với Kytô-giáo, con người là thực tại hai mặt bất khả phân ly: vật chất và thiêng liêng. Và hạnh phúc toàn vẹn của nó (ở điểm cánh chung), bao hàm cả toàn thiện xác thân nữa. Vậy trách nhiệm về anh em, chúng ta trách nhiệm về họ dưới cả hai mặt ấy.

Có điều, do giới hạn của ta và sự phức tạp của người, mà chăm lo cho ai, thường ta không chăm lo trực tiếp mọi mặt được. Vì thế, phải phân công thôi. Nghĩa là kẻ chăm sóc linh hồn, tuy hướng về cả con người, mà đành nhường xác thân cho nhóm khác. Trái lại, kẻ chăm sóc thân xác, tuy không thờ ơ với hạnh phúc cánh chung của anh em, nhưng chỉ biết ký thác họ cho sự an bài của Chúa.

Dù chỉ lo cho anh em về mặt trần thế và thể xác, nếu ta có thể phục vụ tận tụy, đến quên mình vì người, thì đó cũng là chăm lo cho Chúa và hy sinh vì Chúa, đấng đã giúp kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ chết sống lại...

Sứ mạng đức Ái của Hội thánh và tín hữu nằm trong Phục vụ xã hội đó. Người ta có thể phục vụ ngay cả bằng nghề nghiệp, nếu trong nghề nghiệp anh không chỉ muốn kiếm sống thôi, mà còn giúp đời nữa. Có điều Phục vụ xã hội trực tiếp, như quen được hiểu, là bằng các công tác từ thiện, như săn sóc người già và cô nhi, như thăng tiến phụ nữ và kẻ bị bỏ rơi, như cứu trợ nạn nhân của thiên tai và giặc giã. Cùng trong hướng Phục vụ xã hội ấy, thần học hôm nay còn muốn nói cả đến các hoạt động chính trị, kinh tế cũng như văn hóa. Ở đây, chúng ta chỉ bàn chuyên về ba loại hình: nghề nghiệp, công tác từ thiện và những hoạt động chính trị giải phóng. Ðứng về mặt thiêng liêng thôi, cố nhiên.

Nghề nghiệp

Nghề nghiệp như một nhu cầu, một phương tiện kiếm sống, vẫn có thể thánh hóa do ý hướng Thuận Thiên của anh, do đích nhắm nuôi dưỡng người thân của chị. Nghề nghiệp càng thánh hóa hơn, nếu thêm vào những động cơ trên, ta còn muốn phục vụ xã hội. Một khi bằng cố gắng niệm suy mà ý hướng này rõ hẳn lên, thậm chí trở thành chính yếu, thì ta đã biến nghề nghiệp thành phục vụ xã hội, và đức Ái khi ấy nổi hiện hoàn toàn. Vâng, miễn là cái nghề của mình tự nó không xấu, không tác hại, thì ta có thể thánh hóa nó và thánh hóa bản thân bằng ý hướng tốt của ta. Ở trường hợp mà trong tầm tay chỉ còn nghề xấu thôi, nếu ta thà chịu đói, thì sự đói ấy là một tử đạo rồi.

Nếu nghề của anh là sản xuất hoặc phục vụ cho sản xuất, thì nó có thể nằm trong ý nghĩa sáng tạo, đồng sáng tạo với Hóa công. Thật ra, sinh giữa thiên nhiên, con người có sứ mệnh hoàn thiện nó trong khi hoàn thiện chính mình và tập thể của mình. Làm sao để bên sự ấm no, còn "thêm sự ngự trị của công lý, sự mở rộng của tình huynh đệ, và một hướng sắp đặt nhân đạo trong các tất yếu xã hội nữa" (GS. 35). Sự hoàn thiện trần thế ấy, trong viễn ảnh Ðất mới, được coi như một tiên báo, một Ði trước (anticipation) cách nào rồi. Do đó, đây là sự vươn tới thích đáng của đức Vọng Kytô-hữu (GS. 38,39). Niềm đợi trông Ðất mới, thay vì làm suy yếu, phải đánh thức trong ta mối quan tâm vun trồng mặt đất này: "Thân thể của gia đình loài người mới được tăng trưởng trên đất ấy sẽ có giá trị như một bản sơ phác của Thiên quốc mai sau" (GS. 39). Hành nghề với ý muốn phục vụ, lại phục vụ trong viễn ảnh Ðất mới, anh đang xây về hướng ấy cho mình và phần nào cho xung quanh nữa.

Trong ý nghĩa Ðồng sáng tạo (tức hợp tác với Thiên Chúa trong sáng tạo), bao nhiêu có thể hãy biến công việc thành nghệ thuật, để hưởng được sự phóng khoáng và niềm vui của sáng tạo ấy. Và đây là sự giải phóng cho lao động. Thật ra, thì trong một vài lãnh vực, người ta cũng đang bỏ dần những động tác đơn điệu, nhàm chán của những dây chuyền sản xuất, trong đó máy móc xen kẽ với con người. Với chiếc cổ trắng và bằng sự dỡn chơi trên máy tính, người ta có thể điều khiển máy móc và biến hóa thiên nhiên. Với cảm giác đồng sáng tạo với Chúa ấy, anh thấy mình đúng là con Ngài và được thúc đẩy để sống xứng hơn với danh hiệu thiêng liêng kia.

Dẫu sao, những công việc như khuân vác và dọn vệ sinh vẫn luôn còn đó phần nào. Và cũng không thể vắng bóng hoàn toàn một số công việc đơn điệu. Có điều trong niềm hứng khởi của đức Vọng cũng như bằng tiếng Xin vâng trước chén đắng Thập giá, anh vẫn có thể, bằng những viên gạch đơn điệu trên, xây dần về hướng Vương quốc Chúa.

Nghề phóng khoáng nhất là nghề tự do, và việc sáng tạo nhất là nghệ thuật. Nếu hướng đi của Lễ theo đức Khổng, là phân ra để xử sự đúng, thì hướng đi của nghệ thuật (trong đó có âm nhạc) là hợp lại để làm nên cái mới đẹp lạ lùng. Có điều, bằng những hòa hợp nhỏ, ta có thể phá vỡ những hòa điệu thật lớn một khi tách riêng bản năng hạ đẳng ra để phục vụ mình nó thôi.

Nếu nghệ thuật có thể phá vỡ những hòa điệu lớn, thì kỹ nghệ khi được hướng dẫn bởi cái nhìn cận thị, cũng tiêu hủy sự sống hay môi trường sống của con người. Trong quan hệ làm ăn cũng thế, giữa chủ và thợ chẳng hạn, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến mình mà quên đi ích lớn và ích chung, thì rồi sẽ ra mây khói cả sự phát triển vật chất lẫn sự đằm thắm tình người, và hạnh phúc cũng tan theo. Vậy, dù trong tìm tòi khoa học, kỹ thuật, dù trong phát triển kinh tế hay xây dựng xã hội, cái mà ta phải nhắm trong phục vụ là con người, chứ không phải công việc và của cải. Lại nơi con người ấy, không thể tách xác ra khỏi toàn khối, tách bản tính ra khỏi bản vị, tách hiện tại ra khỏi hạnh phúc vĩnh hằng của nó.

Công tác từ thiện

Việc từ thiện, do đức Ái thúc đẩy, do lòng thương dấy lên trong tiếp xúc với đau thương của anh em, với gương mặt "sâu, chứ không phải người" của Chúa phản ánh nơi họ, hẳn phải đưa hồn ta lên và thánh hóa ta dễ dàng. Sự thánh hóa ấy là do đức Ái và đích nhắm cứu vớt của người đang phục vụ.

Cũng như đức Tin, đức Ái đòi hỏi việc làm (1 Yo. 3.18; Gal. 5.6). Việc làm, như một nghiệm tác, khiến đức Ái "thật lên" với tôi, nơi tôi, do đó được củng cố và phát triển. Nhưng nếu việc làm có khả năng nghiệm tăng đức Ái, thì nó cũng nghiệm giảm được luôn. Bởi trong khi tiếp xúc với nỗi đau thể lý, thường ta cũng bắt gặp thương tật tinh thần nữa. Ðó là sự thô lậu của người ít giáo dục, sự hung hãn của kẻ sống thiếu tình thương, sự tởm lợm của những ngôi nhà ổ chuột... Vâng, trước khi đi, chị tưởng như các em ở đó ngoan và dễ thương, các nhà được giúp sẽ tri ân hết lòng. Thế mà đến nơi, lắm khi thấy ngược lại. Bởi thế, phải tập dần để lấy ý chí đưa đẩy bàn tay, và cố đẩy đưa tâm tình nữa.

Thế nhưng việc cố yêu dù không thấy đáng yêu, không có gì an ủi, chính việc ấy mới khiến ta yêu một cách vô vị lợi hơn, và yêu theo cách Chúa đã yêu con người khi nó còn nhuốc nhơ do tội. Vâng, chỉ cốt lợi cho người, chứ không cần gì cho ta! Không cần, dù đây là sự giải thoát khỏi gánh nặng lương tâm, khỏi giới hạn tiểu ngã như trong đường tu Ấn giáo, Mối bận tâm của ta không phải sự thánh thiện của mình cho bằng dạ dầy của người đói, phẩm giá của kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Bạn tu trong Ấn giáo có thể thắc mắc: Một bận tâm, dù vì lý do đó, có khiến sa lầy trong vấn vương và phá vỡ sự định an (dhyâna) hay không? Ðúng là con dao Bận tâm có hai lưỡi đấy. Bận tâm chỉ không làm bấn tâm khi nó được cân bằng với một tin tưởng sâu xa và một hy vọng đặt xa hơn hiện tại.

* * *

Bận tâm vì người, tôi có thể đến với họ bằng nhiều thái độ: thái độ đứng trên, thái độ liên đới, thái độ đồng phận, đồng hành.

Ðứng trên cũng là đứng ngoài. Và bạn có thể lên mặt kẻ cả mà bố thí tiền bạc, mà ban phát an ủi. Ðó cũng là tốt rồi, tốt do mức độ đức Ái ẩn tiềm trong đó. Nếu đức Ái thật lớn, nghĩa là thiện cảm thực nhiều (ít là muốn có như vậy), chị sẽ đến với một thái độ khiêm tốn và gần gũi hơn. Như Chúa đã quỳ xuống rửa chân, chị sẽ ngồi bên để ân cần băng bó. Ðến như thế đã là liên đới (solidaire) rồi, nhất là khi anh hòa mình để hiểu và cảm thông, để rung trong cùng một tần số khổ đau và ước vọng.

Tình liên đới, đến chỗ sâu đậm nhất, có thể khiến tôi rời bỏ lâu đài và tiện nghi, rời bỏ thế lực và địa vị để đến sống bên lề với những kẻ ngoài lề (marginaux), nghĩa là nên đồng phận với họ như Chúa "đã hủy mình, nhận lấy thân phận tôi đòi và nên giống loài người chúng ta" (Php. 2.6-7).

Ðồng phận với nhóm người bị bạc đãi, có lẽ rồi anh cũng sẽ đồng hành với họ luôn, khi mà, hiểu nỗi thiệt thòi của họ và sự bất công của cơ chế, anh sẽ cùng với họ đi vào đấu tranh ôn hòa. Và như thế, anh đã bước sang hoạt động chính trị.

Phục vụ chính trị

Liệu hoạt động chính trị như thế có phù hợp với con đường Kytô-tính hay không? Nhất là tự nó, hoạt động ấy có thánh hóa được chăng? Lại nữa, trong phục vụ chính trị, đâu là vai trò của tín hữu như những cá nhân, đâu là vai trò của Giáo hội như cộng đồng Dân Chúa?

Xem ra một vấn đề như trên động chạm tới cả ba mặt tín lý, luân lý và thiêng liêng. Tín lý, do ý nghĩa của hành động chính trị trong tương quan với giáo lý Tin mừng. Luân lý, vì bởi tương quan đó, mà những bổn phận và giới hạn được đặt ra. Thiêng liêng, khi nói về sự nên thánh trong con đường ấy, với những đức và nguồn sức chuyên riêng phải vận dụng.

Dĩ nhiên là trong phạm vi cuốn sách này, chúng ta chỉ chú ý đến mặt thiêng liêng của vấn đề thôi. Nhưng cũng vì mối quan tâm nói đây, mà đôi khi phải bàn sang một hai khía cạnh luân lý, nhất là tín lý.

Liên quan đến luân lý trước tiên có vấn đề "sinh thái" (écologique). Môi trường chính trị thường đầy những cạm bẫy, bạo động, lọc lừa. Làm sao vướng vào mà khỏi "hôi tanh mùi bùn" được? Thế rồi, vì hành động và kế sách chính trị dễ sinh nhiều hậu quả ghê gớm rất khó lường, sao có thể yên lương tâm đây khi phải làm những quyết định như thế?

Quả thật trong chính trường, khó mà thành thật khi phải đối phó với những rình rập và âm mưu. Và cũng khó nhân từ lúc bầu khí sặc mùi sát phạt. Rồi còn những cám dỗ, nhử mồi, mặc cả. Còn những món tiền lớn phải tiêu mà tôi không sẵn, những thế lực lớn phải cầu cạnh, mà giá mua là cái giá của chính lương tâm mình. Ðúng là trong chính trường, giữ tay sạch, lòng thanh là điều gần như không thể.

Có điều GẦN NHƯ không có nghĩa là hết cách, hết hy vọng đâu. Mà thật ra trong lịch sử, từng đã có những chính trị gia sống thánh. Ðó là vua Louis IX bạn của người nghèo, người chồng và cha gương mẫu, vị chánh án công minh và trung gian hòa bình cho tất cả. Ðó là Mahâtma Gandhi mà phương châm hành động là Bất bạo động, và Bất bạo động ấy cũng là tình yêu không biên giới. Chúa Yêsu nói: "Ai dùng gươm sẽ chết vì gươm" (Mt. 26.52). Thế mà Martin Luther King lại chết dù không dùng gươm, còn Mahâtma Gandhi chết vì chống việc dùng gươm để đối phó. Phải chăng vì thế mà cách hành động nhân từ và chân chính không thể hiệu nghiệm trong chính trường?

Chúng ta chỉ biết rằng cả hai nhân vật trên đã được đời ngưỡng mộ, và con đường Bất bạo động của họ đã làm phát sinh những phong trào phản chiến. Nhất là khi bị chấn động trước những cái chết thật thảm nhưng cũng thật đẹp ấy, người ta đã ý thức rõ hơn về phẩm giá và quyền bình đẳng của mọi mầu da, mọi dân tộc.

Còn hậu quả không lường của những quyết định chính trị? Nếu người trung thực và sáng suốt lại tránh né, thì chả lẽ, để kẻ vô lương tâm làm thay, hậu quả sẽ tốt hơn hay sao? Hoạt động chính trị và kinh tế là hoạt động thuần trần thế. Chúng thuộc trách nhiệm của tín hữu như những công dân. Chứ Giáo hội như cộng đồng Dân Chúa chỉ chuyên phục vụ Lời (Tđcv. 6.2,4) dù vẫn mở ra thế giới bằng sự quan tâm, bằng sáng soi và phê phán trong sứ mệnh ngôn sứ của mình.

* * *

Cũng như đã nói trên về nghề nghiệp, sức thánh hóa của hành động chính trị nằm ở Vọng-Ái như động cơ, ở Vương quốc cánh chung như chân trời của hướng nhắm.

Vâng, động cơ phải là đức Ái (ở đây, đức Vọng hoạt động bằng đức Ái), chứ không căm thù, dù đôi khi vì thương người này mà phải giận người kia, vì muốn điều lành mà chống phá điều ác, như Thầy đã làm trong đền thờ (Yo. 2.15-16). Quả thật, nhiều người vào cuộc bắt đầu vì lòng thương, nhưng rồi do phải đấu tranh nên sinh giận ghét và bạo động, để cuối cùng chỉ còn hít thở căm thù và tính tình sinh tàn nhẫn. Vì thế, phải tỉnh thức. Hãy nghĩ đến người mình cần cứu, hơn là người mình cần chống cự.

Xét về đích nhắm, thì một xã hội lý tưởng trần gian không bao giờ nghịch với Vương quốc cánh chung của Chúa. Trong viễn ảnh của cộng đồng tình yêu Thiên quốc, một xã hội công bình, hòa thuận như trên phải xuất hiện như một "Ðón trước" (anticipation), một "Bản phác thảo" hay "Chất liệu cho Nước Trời" (GS. 38). Sự giải phóng trần thế luôn đã là dấu chỉ của thời đại Chân nhân và biểu hiệu của Trời mới Ðất mới:

"Hãy về nói với Yoan những gì các anh nghe và thấy: kẻ mù xem rõ, kẻ què bước đi, người phong được sạch, người điếc được nghe, kẻ chết sống lại" (Mt. 11.4-5).

Những điều kỳ diệu ấy, chính Chúa là tác giả của chúng. Chúa còn sai đồ đệ vừa đi chữa bệnh vừa loan Tin mừng. Tiếp theo Chúa, tông đồ đã dùng trị liệu thân xác để nói về và thực hiện (bằng cách nói đó) một trị liệu thuần túy thiêng liêng (trong phép Xức dầu bệnh nhân).

Tuy Kytô-giáo không phải là một ý thức hệ (như chính L. Boff nhìn nhận), cũng chẳng đề ra một kiểu mẫu xã hội, nhưng Kytô-giáo chứa đựng những nguyên tắc để xây nên những cộng đồng tốt nhất, lại cống hiến một sức đẩy và tinh thần cho hoạt động mọi mặt hướng về một tương lai sáng sủa hơn. Vậy để nên thánh trong các hoạt động nói trên, chẳng những phải tìm về các nguồn sức ấy, mà còn phải lạc quan và thay đổi cách nhìn của chúng ta nữa.

Cải tạo cách nhìn vũ trụ và con người

Trong đời sống, nhất là đời sống hoạt động, cái mà ta thường hằng gặp gỡ và bị vây quanh là vật chất và con người, thiên nhiên và xã hội. Thế rồi còn công việc nữa. Không nhìn xuyên qua được chúng để thấy Thiên Chúa, thì dễ bị chúng nuốt trửng. Ðể lọc cho trong cái nhìn ấy, thánh I nhã dậy phương pháp "Ngắm để yêu". Ðây là phương pháp người đức hạnh lắm khi thực hành mà không để ý, nhưng chỉ đối với thiên nhiên thôi, như Phan sinh Nghèo khi xưng hô em em, chị chị với cỏ hoa, chim chóc.

Vâng thiên nhiên, đó là cỏ hoa, chim chóc, là sông núi, trời mây. Là những cái rất đơn, rất đẹp, rất bao la, hùng vĩ, lại còn nguyên trinh vì chưa nhiễm vẩn ý định con người, do đó còn ánh lên dung nhan, rung lên tiếng nói của Tạo hóa. Ưa ngắm thiên nhiên trong im lặng và thanh vắng, để ở đó nhìn ra cái gì là linh diệu không lời, có cả nhà tu chính hiệu lẫn thi nhân cỡ Chateaubriand.

Tôi nói kẻ chân tu và thi nhân cỡ bự thôi. Vì thực ra lắm người, tu sỹ đấy, mà không thể rung động trước biển cả bao la và nghe vang lên từ đó tiếng gọi của Vĩnh cửu. Cũng như lắm người, tuy làm thơ chuyên nghiệp, mà nơi trăng lồng ánh nước, chỉ nhìn ra một Vệ nữ với cái đẹp dung tục, chứ cái Siêu đẹp thiêng liêng thì không. Thế nhưng ở đỉnh chót của cả Thơ và Tu, người ta hẳn gặp nhau trong cùng một xuất thần: tu sỹ sững sờ trước sắc trắng thần thánh của một cao sơn phủ tuyết, khác gì đâu với thi nhân đang ngất ngây vì khúc giao hưởng Sêraphim với tiếng sáo trong vắt giữa đêm trăng, với tiếng suối lao sao khi lượn khúc, với tiếng thông vi vút đón thu về.

Ðấy mới chỉ là cái đẹp từ mầu nhiệm Tạo thế: thiên nhiên phản ánh Thiên Chúa từ ngoài Ngài. Nói chi đến sự duyên dáng, cũng của thiên nhiên ấy, nhưng được nhìn qua lăng kính của mầu nhiệm Nhập thể và Phục sinh. Vũ trụ đã được hút vào thực sâu trong Thiên Chúa, được hun nóng bằng nụ hôn thần hóa của Ngài, được thấm lấy cho mình máu thánh Chúa Yêsu. Cái nhìn Nhập thể xoáy vào hết bề dầy vật chất, tới những bí ẩn sống động trong một nguyên tử, một hạt cơ bản, khiến dù khoa học gia cũng thành thi sỹ và huyền sỹ, kiểu Teilhard de Chardin.

Với những người như Teilhard, cái giọt năng lượng đầu tiên (Quantum initial), do Trí năng (Thiên Chúa) mà kết, nổ bung rồi cũng bước về phía trí năng (người) khi được hút bởi Trí năng nguồn và đích. Trí năng người, từ giữa vật chất nổi lên do đó, sẽ nhận lấy trọng trách lái con tàu Thiên nhiên trên quãng đường còn lại. Nó cần đến vừa "tình yêu đối với Thiên Chúa", vừa "niềm tin đối với vũ trụ", hai thành tố chúng làm nên cái "Siêu nhân bản" (l'Ultra-humain). Khi tình yêu kia của huyền nghiệm nhân bắt gặp niềm tin này của nhà khoa học hay bác nông dân, sẽ có ngay phản ứng hóa học. Ðể chỉ những tâm hồn kết quả của tổng hợp hóa học ấy mới đánh hơi mùi thịt Chúa được như Teilhard, mới nhìn ra màu "Trời đất mới""Xác ¨thiêng liêng" ở sức nặng vật chất được như Phaolô, mới cảm nhận tình máu mủ với cỏ hoa, chim chóc được như Phan sinh Nghèo. Họ đã có thể yêu vật chất mà không bị nó nhận chìm nữa. Mà trái lại, còn được nó thánh hóa và chở mang trên hành trình về Ðất hứa. Nếu chỉ coi sự vật như phương tiện suông, chúng ta không thể bắt gặp Thiên Chúa nơi chúng, để rồi bị chúng mê hoặc luôn. Ðể gặp gỡ Thiên Chúa giữa môi trường toàn vật chất này, không thể không kính trọng, thậm chí yêu thương nó cách nào để "người hóa" nó. Mà để "người hóa" được sự vật, thì phải còn tính người, tình người, nghĩa là thiện cảm với con người.

* * *

Con người, đó là gia bảo và đích nhắm của hoàn vũ. Con người, nhìn theo đức Khổng, là chỗ hội họp của vật chất với thiêng liêng, là cái đức của cả đất trời: "Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi họâi, ngũ hành chi tú khí" (Lễ ký). Cựu ước còn đặt con người gần gũi hơn với Thiên Chúa khi hình dung Ngài tự tay nhào nặn nó, nhất là khi truyền sinh khí từ mình sang cho nó để nó nên giống Ngài.

Với Kytô-hữu, con người còn là con yêu Thiên phụ khi nhận được Thánh Sinh khí của Con Ngài để nên một với Con Ngài thành người. Thiên Chúa ấy, Yoan nghiệm rõ Ngài là Yêu thương từ bản chất, khiến không yêu anh em, thì ta không hiểu Ngài nổi (1Yo. 4.8). Yêu anh em là nên một với họ trong Huyền thân Chúa, trong đó chúng ta thành thủ túc của nhau (Rom. 12.5; 1 Cor. 12.27).

Hẳn bạn có điều thắc mắc: Giữa Kytô-hữu với nhau thì thế, nhưng với người ngoài thì sao, khi mà Do thái-giáo gọi họ là "ngoại" một cách khinh miệt, và Kytô-hữu xưa cũng vậy?

Thật ra, "người ngoại" đã thành "người nhà" hết rồi, vì do điïnh mệnh siêu nhiên, họ được biến cải ở bản tính; lại do hiệu lực Cứu chuộc, họ đã mang mầm Nước Trời phần nào. Vâng, cũng như một bé sơ sinh, dù chưa biết đã mang mầm hiểu biết, thì để tiếp nhận mạc khải có tính Ba ngôi, mỗi người phải được hoán cải tự gốc rồi, để khi lớn lên và đủ trí khôn, bằng quyết định tự do, họ có thể làm mọc cây hay teo chột cái mầm siêu nhiên ấy. Vâng, theo Rahner, nơi người ngoại đã có một thứ mạc khải siêu nghiệm tam vị tính, để nếu họ sống như lương tri mách bảo, họ cũng có đức tin tam vị tính cách nào rồi dù họ chưa biết đức Kytô bằng cái biết hữu niệm (prédicamentale). Và như thế, chẳng còn ai thuần túy "ngoại" cả. Và ta phải yêu kính hết thảy trong Chúa Kytô, ít là vì cái nền tảng siêu nhiên siêu nghiệm mà ta có chung với họ. Ðể rồi từ đây, ta đừng nhìn họ như người ta quen nhìn nhau trên đường phố hay ở chiến trường.

Trong thực hành, hãy tập cho quen, tập nhìn mỗi người dù xa lạ bằng một cái nhìn thiện cảm, chứ không dửng dưng hay ngờ vực, cái nhìn nó kéo ta đến gần họ và tạo sinh một cảm giác ấm áp. Nhìn họ như những con người rồi, hãy tiến thêm bước nữa: nhìn họ như anh chị em trong Chúa, nhìn thấy Chúa ở giữa chúng ta, ở từng gương mặt dù thân quen hay chưa biết. Nhất là bằng cố gắng, đừng đặt con người thấp hơn của cải. Lại dù say mê công vệc, cũng không vì thế mà dửng dưng với tha nhân. Luôn hãy nhớ rằng, công việc không có ý nghĩa ở chính nó, mà ý nghĩa của nó nằm ở hạnh phúc của con người cơ.

Có một số kẻ do giáo dục ấu thời mà thiếu lòng nhân. Hoặc vì sống không tình thương, lại tranh đấu nhiều, nên lòng sinh chai đá. Hoặc vì được nuông chiều quá, nên coi người khác như phương tiện. Hoặc vì quen chơi súng gươm và xem phim bạo lực, nên chẳng biết xót thương. Ai đã trót thành tính như thế, hãy kiếm gì cho trái tim nó gặm nhấm, tức yêu thương, để nó mềm ra. Riêng bậc mẹ cha, họ hãy ý thức rằng trách nhiệm lớn của họ là đào tạo con thành con người. Vì thế, phải khuyến khích con chơi thân với chó mèo, với búp bê; phải trách mắng khi chúng chơi dỡn trên sự đau đớn dù của một con sâu, cái kiến; phải dạy chúng biết nhường nửa tấm bánh cho em, hay cho một đứa bạn xấu số hơn.

* * *

Khi đã yêu con người rồi, tôi dễ dàng "người hóa" thiên nhiên luôn. Hãy "người hóa" đến tận cái xấu xí, vì dù sao bên trong đó, vẫn có gì linh diệu ẩn tàng. Và "người hóa" chẳng những cái không mang dấu tay người, mà cả những gì nhân tạo nữa.

Tự cổ chí kim, tự nhiên luôn được trân quý bởi cả tu sỹ lẫn thi nhân. Tự nhiên, đó là tác phẩm còn nguyên trinh của Tạo hóa. Chưa vẩn bụi... người, nó ánh lên hình Ngài. Ngược lại, nhân tạo là sản phẩm bàn tay người, nên hạ phàm, dơ tục thế nào ấy.

Nhưng nếu hiểu thiên nhiên như bản sơ thảo của Thiên Chúa, và Ngài muốn con người hoàn thiện nó, ta sẽ thấy có gì còn dang dở ở đây, khiến cho chỉ con người, bằng cặp mắt người để chiêm ngưỡng, bằng bàn tay người để điểm tô, bằng trái tim người để sưởi ấm, bằng đức tin người để hướng trả về thượng nguồn, mới hoàn tất và thần thánh hóa nó được. Vâng, cứ lặng nhìn sẽ thấy, nhìn những vườn hoa do con người vun tưới, những đền đài do con người xây dựng, những hỏa tiễn do con người chế ra! Vâng, miễn là chúng được hướng về những mục đích tốt. Và nếu như chúng được làm nên bằng những bàn tay dung tục, thì việc của anh bây giờ là "bù đắp vào những gì còn thiếu..." cho tác phẩm bằng cách đưa Thiên Chúa vô. Riêng đối với những tác phẩm xấu tự căn, hãy coi chúng là của Satan, và Satan ấy chỉ lợi dụng khối óc và bàn tay con người như công cụ. Việc của ta khi ấy sẽ là vận động để tiêu hủy chúng đi. Nhất là tạo ra những tác phẩm tốt để thay thế, để làm sáng tỏ sứ mệnh thiêng liêng của con người đối với trái đất này.

Cải tạo cách nhìn xã hội và lịch sử

Thiên Chúa đã tạo vật chất thành khối và hướng con người về cuộc sống xã hội. Có điều vật chất thành khối do "bản năng", còn loài người phải góp phần mình vào sự hình thành và hoàn thiện xã hội ấy. Làm nên và hoàn thiện bằng những quan hệ tự nhiên cũng như quan hệ tự chế nên.

Thế rồi, đức Kytô đến, thành điểm hội tụ mới. Không chỉ thánh hóa từng người, Ngài còn thánh hóa Loài người (đổi mới) thành Huyền thân. Giáo hội xuất hiện giữa loài người vừa như Dân tuyển, vừa như men trong bột mà chức năng là khiến dậy men toàn khối. Bởi thế, có một quan hệ mật thiết giữa Giáo hội với thế giới bao quanh.

Mối tương quan trên được quan niệm thế nào?

Thừa hưởng phần nào sự phân biệt sạch (pur) dơ (impur) của Do thái-giáo, kế đó chịu ảnh hưởng của trào lưu đan tu bỏ đời của những thế kỷ sau thời bách hại, Giáo hội đã một đằng khép kín với thế gian, đằng khác lẫn xã hội các quốc gia có đạo (chrétientés) với chính mình. Kịp đến khi phong trào tục hóa (sécularisation) nổi lên, tách đời ra khỏi đạo, Giáo hội mất chỗ đứng thần quyền, muốn vớt lại phần nào những gì mà tục hóa đã lấy đi. Và đây là ý nghĩa của việc Hiến thánh thế giới (consécration du monde).

Nếu vắng bóng Thiên Chúa giữa xã hội là một mất mát trong ý nghĩ nhiều Kytô-hữu, thì sự việc ấy lại thành dấu hiệu đáng mừng cho ta, theo nhận định của D. Bonhoeffer. Với Bonhoeffer, khi đứa con còn nhỏ, thì cha mẹ dõi theo từng bước và bao cấp hết. Kịp khi nó lớn rồi, cha mẹ cần rút lui để nó trưởng thành lên. Thiên Chúa cũng làm như vậy đối với loài người. Xem ra ngày nay, Ngài như mờ nhạt và bất lực khi mà đâu đâu trong xã hội cũng chỉ gặp con người và những quyết định của nó. Nhưng đây là sự trưởng thành của nó, và Thiên Chúa chẳng muốn gì hơn. Trưởng thành rồi, con người phải tự giải quyết những vấn đề của mình, dưới mọi khía cạnh của chúng. Vâng, dù đây là vấn để giáo dục hay hôn nhân, vấn đề ngành nghề hay giải trí. Miễn là không gì chống lại con người dưới mọi chiều kích của nó. Chúng ta hãy xử sự như đức Kytô, là Làm người vì mọi người:

"Sự tôn thờ thật sự đối với Thiên Chúa, đó là phục vụ loài người."

Do trào lưu tục hóa mà sinh ra những thần học tục hóa và đường thiêng liêng tục hóa. Thần học tục hóa hoặc dựa trên mầu nhiệm Nhập thể: Nước Chúa không ở ngoài trật tự trần thế và lịch sử; hoặc dựa trên cái nhìn cánh chung: lịch sử cứu độ diễn ra giữa dòng lịch sử trần thế, nên việc thăng tiến con người cũng là đòi hỏi của đức tin. Do đó, cùng với thần học hy vọng, đã mọc lên thần học giải phóng và thần học phát triển.

Sánh bước cùng thần học, hướng sống thiêng liêng cũng đổi thay rất nhiều. Người ta nên thánh không bằng cắt đứt (rupture) với đời, mà có mặt (présence) với đời. Nghĩa là trách nhiệm về thế gian, đồng cảm với nó trong niềm vui nỗi buồn, trong thành công hay thất bại, trong khổ đau và lo lắng, đồng thời chung vai gánh vác, cùng giải quyết mọi vấn đề. Thậm chí có người còn đi quá xa, lên án mọi hình thức bỏ đời như đan tu, và lấy tầm mức dấn thân để đo trình độ thánh thiện. Nói cho đúng ra, cái nó đo sự lành thánh của anh chỉ là nhiệt kế đức Ái thôi. Có điều xem như ở vào giai đoạn phát triển hôm nay, một đức Ái hoàn mỹ không cho phép ta thờ ơ với sự tồn vong của thế giới.

Thế nhưng đâu cứ phải vào đời mới lo cho loài người được. Trong sự "Hiệp thông các thánh", chúng ta có thể chung lo, người thì bằng hành động, kẻ thì bằng cầu nguyện, hy sinh. Lại nữa, dù quan tâm đến tất cả, chị không cứu được tất cả; dù muốn tốt mọi mặt cho người, anh chỉ có thể phục vụ ở một hai mặt mà thôi. Nói rõ hơn, người làm mục vụ không thể lo kinh tế quốc dân, người chuyên nghiên cứu không thể đi khắp nơi cứu tế. Thế rồi, lúc đút từng muỗng cháo cho một người đói lả, tôi không cần đặt vấn đề: liệu việc này có tốt cho linh hồn họ không? Và đây cũng là cách làm của đấng mà sứ mệnh là cứu vớt siêu nhiên: Ngài đã chữa nhiều người bệnh mà chẳng nói gì với họ về Cha lúc đó.

* * *

Ở bề sâu của nó, lịch sử cứu độ là lịch sử cứu chuộc của Chúa Kytô luôn được tái diễn hôm nay xuyên qua lịch sử của mỗi người và loài người. Vậy để sống mầu nhiệm Chúa giữa không gian xã hội chúng ta, cần đưa Chúa từ Palestine chuyển sang đất Việt, từ thế kỷ I cỡi lạc đà sang thời đại phi thuyền hôm nay. Có thể chuyển, vì Chúa tuy là một người, nhưng cũng là Ðầu mọi người, Tân Ađam; vì Chúa tuy là Yêsu Nadaret con người lịch sử, nhưng cũng là Kytô "thâu gồm về một mối" (récapitulation).

Chuyển bằng cách, xuyên qua cuộc sống Chúa, chắt lấy cái tinh thần, rồi đưa tinh thần ấy vào sống động hóa cuộc sống hôm nay giữa chúng ta. Nghĩa là hãy nghĩ xem, vào hoàn cảnh tôi bây giờ, Ngài sẽ nhìn đời thế nào và hành động ra sao. Và nghĩ xem, bộ mặt xã hội này còn cách bao xa với Vương quốc Chúa muốn. Rồi giữa mớ bòng bong của các biến cố quyện vào nhau, tìm xem đâu là con đường của Bóng tối, đâu là dấu chân và những gợi ý của đấng là Sự thật, là Ðường. Quả suốt dòng lịch sử, luôn có hai thuyền chiến đối đầu, một của Chúa, một của Satan. Nhưng vì Ác thần đã bị nốc ao (Yo. 16.13), nên kết cuộc sẽ là sự toàn thắng của Vương quốc Chúa. Ðó là ý nghĩa bí ẩn của lịch sử, cũng là cách nhìn lịch sử phải có của chúng ta, cách nhìn lạc quan của đức Vọng, nó hướng căng về sự toàn thắng cánh chung.

Nhưng làm cách nào để vạch ra được đường đi của Nước Chúa ngay ở đường đi của lịch sử? Nhất là khi trần thế không chỉ có một lịch sử, mà cả trăm ngàn lịch sử của những quốc gia khác nhau, của những đế quốc tranh giành nhau, của những thế lực chống phá nhau?

Ðể dễ hiểu vấn đề, hãy nhìn vào một loại tranh làm bằng chấm nổi. Những điểm nổi ấy được sắp đặt thế nào, để hễ nhìn thẳng, ta sẽ thấy một kiểu hình, bằng như nhìn nghiêng, ta sẽ thấy kiểu hình khác. Vâng, đức tin (hay Vọng-Tín) khiến ta nhận ra dưới các biến cố một thứ lịch sử khác với lịch sử được nhìn bằng mắt phàm. Trong thực hành, hãy lùi thật xa, sao có thể bao quát trong tầm nhìn một khoảng thời gian thật lớn, để rồi với cặp mắt đức tin và bằng ơn phân định, hãy nối kết những mốc lớn thành một hướng đi trong toàn cảnh siêu nhiên.

Chúng ta có thể lấy lịch sử Israel thời lưu đầy Babylone làm thí dụ. Vào thời ấy, những cuộc tàn sát và phát vãng nối tiếp nhau. Gần như toàn bộ thành quách và nhà cửa bị san bằng, và máu đào nhuộm đỏ núi sông, vườn ruộng. Những ai sống sót, hoặc bị bắt đưa đi làm nô lệ, hoặc tháo chạy tới những vùng đất xa xôi. Không còn nước, còn dân. Không còn đền thờ biểu tượng của dân tộc, quốc gia và tôn giáo, cũng chẳng còn gì khác để bám víu nữa. Một dúm người làm thân trâu ngựa, giữa một biển người dũng mãnh chủ nhân với đất đai quá rộng và đền đài nguy nga. Tất cả xem như một thất bại lớn, một suy sụp hoàn toàn, của cả dân lẫn thần chủ của dân. Thế nhưng từ điểm đặt viễn vọng kính hôm nay, bao quát cả đoạn dài lịch sử, nếu nhìn trong đức tin và xét về mặt tôn giáo, ta thấy rõ một bước tiến vượt bậc, một thành công quá lớn. Bị phân tán giữa muôn dân, thay vì lép vế, Israel lại khám phá Yaveh của mình là Chúa tể mọi dân. Sự dồn nén cùng cực đã làm nảy sinh những ngôn sứ vĩ đại nhất, như Isaia, Yêrêmia, Edêkien mà tầm nhìn đã đạt tới những viễn ảnh cánh chung hoàn mỹ nhất để dọn đường gần cho khải mạc đấng Cứu thế.

Vì lịch sử cứu độ được viết cả trên những biến cố trần thế, nên để đọc được nó, tín đồ và Giáo hội phải hòa mình vào dòng đời, phải đồng cảm với thế giới trong những ước vọng chính đáng, và rung trong tần số thời đại cứ đổi thay không ngưng, nhờ đó bằng cặp kính viễn vọng siêu nhiên, họ mới nhìn ra đường đi và ý Chúa qua biến cố như dấu chỉ. Phải bất thiên, thành với mình và ngỏ cửa cho Thần khí để tránh bóp méo ý nghĩa các sự kiện, dù bằng tư lợi, thành kiến, dù bằng sự cứng nhắc ý thức hệ hay do nhút nhát, bảo thủ mà không dám chấp nhận bất trắc để phiêu lưu vào tương lai.

Có như thế, ta mới hết lo khi thấy khoa học tiến, mới không run khi loài người tự định đoạt lấy vận mệnh của mình... Nhìn đời với tinh thần lạc quan, ta dễ thắng trong ván cờ của ta và của Chúa, khi mà "tất cả hợp tác vì lợi ích của kẻ Ngài thương", hợp tác vì sự hoàn thành của Vương quốc Ngài nhắm. Với sự lạc quan ấy, ta dễ nhìn ra sự có mặt của Chúa ở bất cứ đâu, trong bất cứ tình huống nào, khiến sống với đời cũng là cầu với Chúa vậy.

TÓM LẠI

Với Kytô-giáo, yêu người thật là một với yêu Chúa. Và trong con người, phải yêu cả xác lẫn hồn. Bởi thế, người ta có thể nên thánh dù trong phục vụ thân xác bằng nghề nghiệp, công tác từ thiện, hoạt động chính trị, v.v...

Nên thánh trong nghề nghiệp là bằng ý hướng phục vụ: đức Ái; bằng đích nhắm xây dựng: đồng sáng tạo với Hóa công trong viễn ảnh Ðất mới cánh chung.

Nên thánh trong việc từ thiện cũng do động cơ đức Ái nó thúc ta chia sẻ những gì mình có cho những người kém may mắn hơn. Với một đức Ái sâu đậm, ta hẳn muốn liên đới với đám người xấu số ấy, thậm chí sẵn sàng rời bỏ cuộc sống tiện nghi để tới đồng phận với họ như Ngôi Hai đã làm.

Ðồng phận rồi, anh có thể đồng hành nữa, đồng hành với họ để đấu tranh giải phóng, để kiến thiết một xã hội thật sự nhân ái, công bình, như một bản sơ phác của Nước Trời.

Ðể dễ nên thánh trong phục vụ trần thế, cần phải đổi cách nhìn đời, vừa siêu nhiên vừa lạc quan. Làm sao để thấy Chúa trong tất cả, trong thiên nhiên cũng như trong tác phẩm loài người. Nhất là làm sao để thấy Chúa nơi con người, cả người "ngoại" lẫn kẻ không quen. Lại trong hành động, hãy cố đồng hành với Chúa bằng cách xem đây là hoàn thành tác phẩm của Ngài, cả nơi thiên nhiên lẫn trong xã hội.

Cũng để lạc quan và siêu nhiên hóa hành động, hãy nhìn lịch sử cứu độ như đang diễn ra đằng sau những biến cố trần thế. Và coi việc cải thiện xã hội và không gian sống không ở bên lề sự kiến thiết Nước Chúa, sự nên thánh của chính mình.

Ðằng sau những diễn biến trần thế là cuộc đối đầu giữa đức Kytô và Satan, mà kết cuộc là sự toàn thắng của Chúa, sự hoàn thành của Nước Trời. Vậy dù chăm sóc thể xác hay linh hồn, ta luôn lạc quan và sống đức Vọng nó hướng căng ta về sự sung mãn cánh chung.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page