Vật chất chỉ tồn hữu trong biến dịch. Biến dịch ấy trong tổng quan là một tiến hóa. Và tiến hóa ấy nhắm đích cuối là con người.
Con người vừa là vật chất, vừa vượt cao hơn vật chất nhờ mặt thiêng liêng. Trong vật chất, nó đổi thay với vật chất. Cao hơn vật chất, nó tự đổi chính mình. Vâng, len lách giữa những tất yếu của vật chất, nó khai phá lối đi riêng nhờ tự suy và tự định. Chẳng những tự đổi được mình, nó còn tác động ra xung quanh để biến đổi xung quanh nữa. Quả thế, nếu vật chất thụ động nên phản ứng (réagir) thôi, thì trong thụ động, con người còn biết hành động (agir).
Về hành động, kinh viện xưa phân biệt loại nội diễn (immanens) và thứ ngoại tác (transiens). Hành vi nội diễn gồm tri thức và quyết định chúng biến đổi con người tôi. Còn hành động ngoại tác thì biến đổi quanh tôi, bởi tận kết ở ngoài tôi, nơi bức tranh mà tôi vẽ nên, nơi kẻ thù mà tôi đánh ngã. Thật ra, dù tri thức hay quyết định, tôi cũng phải làm với xác thân nơi não bộ, do đó tỏa sóng làm chấn động quanh tôi. Và dù chỉ hoa cây cọ hay giơ nắm đấm, tôi cũng làm với cả con người, dù ở tay chân thôi, do đó chính tôi cũng đổi thay do phản chấn. Bởi thế thiết tưởng, việc nội diễn và ngoại tác tuy có phân đấy, mà đường phân không rõ được. Thông thường, hễ tri thức soi sáng ý chí, thì ý chí chọn lựa và hướng căng về hành động. Ðến lượt hành động như praxis sẽ làm sáng thêm lý trí, đồng thời củng cố ý muốn và khơi động tình cảm, nên hiệu quả vừa có cả bên ngoài lẫn bên trong.
Trong chương trước, chúng ta đã bàn đến sức thánh hóa của hành động nói chung. Trong chương này, chúng ta bàn chuyên về hành động tông đồ (apostolique), ở chỗ nó nhắm trực tiếp sự thánh hóa của người khác, đồng thời trở ngược lại để thánh hóa chính bản thân tôi. Tông vụ, ở chỗ nó là "việc chăm sóc các linh hồn" (cura animarum, do đó có chữ curé, cha sở) là sứ mệnh căn bản của Hội thánh, do đó bổn phận chính yếu của mọi thành viên Kytô-hữu. Ðây là tùy theo phần ân mình nhận mà góp sức làm tăng trưởng Huyền thân Chúa Kytô (Eph. 4.16). Mà đã là bổn phận chính yếu tùy chức phận và phần ân, thì nó cũng là thành phần không thể thiếu trong chương trình nên thánh của chúng ta.
Thiên nhiên đã tiến hóa từ đơn giản đến phức đa, từ thô sơ đến hoàn hảo, từ khoáng chất đến con người. Con người, với lý trí để soi sáng thiên nhiên, với ý chí để quyết định về mình và xung quanh mình, đã mang đến cho sáng tạo một ý nghĩa.
Ðến lượt chính con người, nó còn phải làm người, phải tiến hóa để hoàn thiện bản thân nữa. Với cảm thức thiện ác như chiếc ra đa, nó khám phá dần các giá trị luân lý, rồi hoàn thiện mình bằng cách đưa những giá trị ấy hội nhập vào đời sống và hành động. Cùng hướng căng về Sự thiện để hoàn thiện mình (và hoàn thiện lẫn nhau) trong đó, hết thảy chúng ta xây đắp và hoàn thành dần Vương quốc của Sự Thiện theo tiếng gọi, nếu tôi không lầm, của E. Kant. Cũng theo Emmanuel Kant, con người đang hoàn thành mình như thế cũng là con người tự chứng nghiệm với mình về sự hiện hữu của Thiên Chúa như điểm dung hòa của nguyên tắc "Làm thiện bất cứ giá nào" với ước mong hạnh phúc của hết thảy. Vương quốc Sự Thiện đã thành một với Vương quốc Thiên Chúa, Vương quốc tự nhiên với Ngai Chúa còn tít tắp trên cao.
Thật ra, con người không chỉ hướng căng về Sự Thiện từ sâu trong bản tính, mà từ sâu trong bản tính ấy nó còn hướng căng về cái Tối thánh thiêng do cảm thức tục thiêng. Do đó, cùng lúc khai phá luân lý, nó cũng khai phá tôn giáo nữa. Và do đó, ở đỉnh cao của chúng, đạo đức và tôn giáo thế nào rồi cũng gặp nhau.
Cảm hứng từ Platon-thuyết, Do thái-Kytô giáo hồi đầu công nguyên đã nhìn sáng tạo như một mô phỏng. Trước khi xây một thành phố, kiến trúc sư đã sẵn có thành phố ấy trong đầu rồi. Nếu thành phố lý tưởng của Platon nằm trên thế giới các ý tưởng, thì trong Do thái-Kytô giáo, nó lại trụ ở Lời, Logos. Thiên Chúa đã nhìn ngắm Logos của mình, cũng là nhìn ngắm chính mình mà sáng tạo trời đất, nhất là sáng tạo loài người. Mô phỏng một mình Ngài, dĩ nhiên trời đất rất thống nhất với nhau. Nhất là khi ở bên trong, Thiên Chúa còn là "cộng đồng" tam vị nữa.
Là trung tâm và điểm quy chiếu của trời đất, loài người càng là hình ảnh hoàn mỹ của Thiên Chúa (Stt. 1.26-27), do đó thống nhất ở độ cao hơn. Vì con người mang sứ mệnh tự hoàn thiện lấy bản thân, nên loài người cũng phải làm thế bằng cách tự hoàn thành mình như một côïng đồng yêu thương theo hình ảnh Thiên Chúa ở chiều sâu Cha-Con-Thần khí. Bởi thế, cả về ba mặt tâm-sinh-đức lý, con người không cách nào triển nở nếu không mở sang người khác, nếu không sống đức Nhân, nếu không liên đới với cộng đồng.
Như thế, loài người tiến hóa theo đúng nghĩa cũng là loài người như một toàn khối đang đồng lao xây đắp Vương quốc Sự Thiện bằng cuộc sống, bằng hành động của mình. Và như thế, lịch sử đúng người của loài người cũng là lịch sử cộng đồng của sự hoàn thành Vương quốc Sự Thiện nói trên.
Chị có thể thắc mắc: Thế sao không nhìn ra đâu sự tiến hóa ấy, khi mà thay vì yêu thương chỉ thấy chém giết, thay vì đức hạnh chỉ thấy ăn chơi trác táng và lừa lọc khắp nơi?
Xin thưa: Một tiến hóa đúng người phải là tiến bộ về phẩm hơn là về lượng. Bởi số lượng là căn bản để đo vật chất mà.
Nói về mặt luân lý, sự tiến hóa thấy rõ của nó là từ đạo đức bao cấp của lề thói, tập tục chuyển dần sang đạo đức bản thân, đặt nền trên quên mình và tình liên đới, cũng như trên nguyên tắc "làm thiện bất cứ giá nào". Chính đây mới là những nền móng vững chắc từ đó mọc lên những đỉnh cao thánh thiện. Vâng, con người thời đồ đá, giống như trẻ nít, hẳn là ít gian manh và tà độc hơn, nhưng do ý thức đạo đức còn hời hợt, do vốn liếng truyền thống còn ít ỏi, không thể đạt tới những độ sâu lành thánh như một Khổng tử hay Mahâtma Gandhi.
Riêng về ý thức cộng đồng, thì tuy ngày nay lắm cơ chế cũ như đang tan rã, nhưng chính do sự tan rã của những trói buộc bên ngoài ấy, mà những kẻ thiện chí có thể tụ họp thành những gia đình và cộng đồng cơ sở mà nền tảng chỉ là yêu thương và tự nguyện hiến dâng thôi.
Nếu tiến hóa về đạo đức khá rõ, thì tiến hóa về tôn giáo càng rõ hơn. Từ việc đặt thần thiêng vào sự vật này, hiện tượng kia ở thuở bán khai, nay con người quy nó về một Siêu việt thể duy nhất. Từ những hình thức trao đổi thô thiển bằng phù phép và đồng bóng, nay con người tổ chức những tôn giáo lớn với tế tự trang nghiêm, với kỹ thuật vét rỗng và nhập định chúng dẫn đến những kinh nghiệm cực kỳ sâu xa và huyền bí.
Vương quốc Sự Thiện, thật ra, không chỉ là Vương quốc tự nhiên đâu. Ngay từ lúc khởi đầu, loài người đã được tạo nên vì một định mệnh siêu nhiên. Do đó, nên người cũng là vượt cao hơn người để nên thánh trong Thiên Chúa. Một Hiện sinh tố siêu nhiên (un existential surnaturel) theo tiếng gọi của K. Rahner (cảm hứng từ Heidegger) đã biến cuộc sống thành siêu nhiên tự nền tảng. Nên tự nền tảng, Vương quốc Sự Thiện được nâng cao hơn nó và được đẩy đi, không phải về phía đích thôi, mà còn vào trong đích Thiên Chúa; không phải chỉ bằng khí lực người, mà còn bằng Thánh Thần khí luôn. Và như thế, Vương quốc Sự Thiện đã thành Vương quốc siêu nhiên Thiên Chúa cách nào rồi.
Ruah Yaveh đã du nhập thế trần và can thiệp vào lịch sử, để giữa những đẩy đưa lịch sử, Ngài đẩy đưa loài người theo hướng gió của Ngài. Vương quốc Thiên Chúa không thể đi bên lịch sử, nhưng đi giữa dòng lịch sử, dù vẫn phân biệt với lịch sử tục thế. Và điều ấy, chỉ cặp mắt đức tin mới nhìn ra. Và phải lùi thật xa, để bao quát toàn cảnh của một đoạn đường dài, mới nhìn ra những quanh co bí ẩn của nước cờ Thần khí.
Càng huyền diệu và bí ẩn khi lịch sử đã có điểm hội tụ của nó: đức Yêsu Kytô, Lời Chúa thành người. Thiên Chúa không nói bằng lời phát ra từ Ngài nữa, mà bằng Lời viết hoa sinh ra bởi Ngài. Con tầu lịch sử loài người đã được dằn (lesté) bởi khối dằn Người Trời để được hút về đích điểm Phục sinh. Và trần thế, nhờ men Nhập thể và Thánh Thể, nay có hương vị Thịt máu Chúa để biến thành Môi sinh thần thánh hay Cảnh vực thần linh (Milieu divin) trong đó ta sống lên siêu nhiên và biến đổi tất cả theo mình.
Nếu trần thế là nơi Thiên Chúa có mặt, thì đây cũng là nơi Ngài vắng bóng. Cùng một mảnh đất, mà hai sức mạnh đang giành giật nhau: sức mạnh yêu thương của Thiên Chúa và sức mạnh thù hận của Satan. Cùng một gương mặt con người, mà vừa phản chiếu hào quang vinh thắng của đấng Kytô phục sinh, vừa hằn nét tang thương của "sâu, chứ không phải người" (Isaia). Hỏi ta có đau xót khi nhìn gương mặt này, và muốn góp phần biến nó thành gương mặt kia?
* * *
Cộng đồng người nay đã có điểm hội tụ mới: Tân Ađam đức Yêsu Kytô. Mỗi người và hết thảy, vì nối dài thân mình Chúa thành Huyền thân, nên trong Chúa Kytô, như "chung phần bản tính Thiên Chúa" (theias koinônoi fuseôs), do đó thành thủ túc thực sự của nhau, thực sự (fusis) chứ không trong tinh thần (moral), theo nghĩa bóng. Bởi thế, sự nên thánh không còn là việc riêng của cá nhân. Bước tiến của cá nhân có gì nằm trong bước tiến chung của toàn Giáo hội đồng hành:
"Thiên Chúa muốn rằng: con người không nên thánh và được cứu vớt riêng rẽ, bên ngoài những liên đới với người khác" (LG. 9).
Thêm vào đấy, trong Chúa Kytô, tất cả đã thành đồng môi giới với Chúa để có thể ảnh hưởng thiêng liêng đến nhau, tất cả thành đồng sứ giả (envoyé) với Chúa để được sai đến với loài người. Toàn Hội thánh, với nhóm Mười hai (và những người kế vị họ) dẫn đầu đã được Chúa sai đi (Mc. 16.15). Ðến với bầy chiên không ai giúp đỡ (Mt. 9.36), chúng ta phải làm men, khiến dậy men toàn khối bột. Ðể đạt mục đích này, phương thức phải dùng là Làm chứng. Cũng như Chúa Yêsu làm chứng về Cha, chúng ta phải làm chứng về Chúa Kytô. Làm chứng không chỉ là xướng lên một giáo lý, mà còn nói lên một kinh nghiêïm. Làm sao để bằng hành động và đời sống, chúng ta khải mạc Chúa Yêsu, cũng như bằng chính con người mình, Chúa Yêsu đã là Khải mạc viết hoa về Cha:
"Ai thấy Ta là thấy Ðấng sai Ta!"
Chúa phục sinh đã thành sức hút từ điểm cánh chung, nên tất cả phải chạy đua nước rút, một cuộc chạy đua giàu tính cộng đồng, cuộc chạy đua của Dân Chúa như một Huyền thân duy nhất phải cuốn theo mình tất cả những gì gặp xung quanh mình. Tông đồ công vụ 9.31 đã phác họa bức tranh toàn cảnh của một Giáo hội đồng tiến ấy với hai từ nói lên hai nét chính: Oikodomumenê và Poieuomenê, tức (Cùng) xây và tiến.
Như trên đã nói, Vương quốc Chúa là cánh chung, nên đòi chạy nước rút. Tại sao lại bước gấp khi đích mãi cánh chung? Cánh chung trụ ở đâu, và cái nhìn cánh chung có những đặc điểm gì?
Trước hết, cánh chung quan (eschatologie) có gì giống với ước mơ lý tưởng quốc (utopie). Cả hai đều không thỏa mãn được với hiện tại, nên dự phóng một xã hội thật hoàn hảo, với nét đẹp thần kỳ do trí tưởng phác họa nên. Có điều lý tưởng quốc chỉ là ước mơ, không dựa vào đâu cả và không tọa lạc ở đâu xác định. Trong khi ấy, cánh chung quan là một hy vọng, và hy vọng ấy đặt nền trên lời Chúa (hứa), trên niềm tin vào sự trung tín của Chúa. Do đó, nó tạo sự phấn khởi, làm phát sinh một sức năng động để cải quá tự tân cũng như để hành động chuẩn bị.
Eskhaton là điểm cuối hết, là chỗ tròn đầy, trọn kết của thời gian (plêrôma tôn kairôn). Tuy là điểm cuối, nhưng lại đã có mặt từ trong hiện tại, như một cái trớn hay mầm mống. Trớn để vọt về hằng cửu: nước mạch vọt tới Hằng sinh. Mầm để lớn thành cây to: hạt cải biến thành cây mà chim trời đến làm tổ được.
Vì đã có gì rồi, lại đang trờn nhanh đến kết thúc, nên Eskhaton mang một sức hút kỳ lạ, bắt đầu từ thời các ngôn sứ của lưu vong. Sang đến Tân ước, sức hút ấy càng mạnh, khiến ít là vào hồi đầu, tất cả tưởng như tận thế đến nơi.
Tại sao hiện tại đã ở trên đà vọt tới kết thúc, và thời gian đã chứa Vương quốc vĩnh cửu (Lc. 17.21) rồi?
Số là cái "siêu thời gian đã thành biến cố giữa thời gian, hữu thể ngoại thế đã du nhập trần thế, (vâng,) Lời đã nhập thể, và đây là bí ẩn của cánh chung quan Tân ước". Càng bí ẩn và thúc bách hơn khi đấng vào giữa thời gian ấy đã vọt tới Vĩnh cửu khi phục sinh, và cuốn hết theo mình.
Vĩnh cửu đã mọc mầm từ trong hiện tại và Vương quốc Chúa bắt đầu giữa chúng ta rồi, nên lý tưởng quốc không phải là chỗ để tôi chạy trốn (évasion) hiện tại bằng trí tưởng nữa. Bằng trí tưởng, tôi vẫn phác họa một vương quốc lý tưởng, nhưng để lấy sức xây dần về phía đó với sự nâng đỡ của ân Chúa, với sự nương cậy vào lời hứa của Chúa.
Như đã nói, Vương quốc cánh chung vừa có mặt đấy, vừa ở phía trước cơ. Giữa đó và đây, vừa có gì liên tục, vừa có gì bất liên tục. Bất liên tục rõ nhất khi mà, bằng một chân nó ở trong lịch sử, bằng chân kia nó bước khỏi thời gian. Do đó, càng đuổi tới, càng thấy nó lùi xa thêm mãi. Lùi xa không phải vì không có thật hay không thể đạt. Mà vì không thấy rõ, lại không giống như chúng ta hình dung bằng trí tưởng con người. Thật thế, càng vào sâu, tôi càng thấy Vương quốc Chúa khác lạ, khác xa với những gì trước đây tôi nghĩ. Nhưng chính ở chỗ khác lạ và còn xa đó, mà sức hút của nó mãnh liệt thêm, bởi đây là sức hút của Mầu nhiệm tuyệt vời, sức hút từ Thần khí đã có mặt trong tôi.
Vương quốc còn xa mà vẫn giữa chúng ta, nên con người của đức Vọng là con người tin bất chấp, không nản chí bao giờ. Vươn về bằng đức Vọng, họ sống tốt hiện tại của mình. Vọt về bằng đức Vọng, họ dùng ngay những gì trong tầm với làm bàn đạp và dàn phóng. Vâng, họ không xa cách trần gian, không ly thoát cuộc sống, mà biết yêu Chúa trong tất cả, trong anh em mình, đồng thời yêu anh em vì hạnh phúc trọn vẹn của họ trong Chúa phục sinh.
* * *
Eskhaton là thế, thì đường tới cũng thế thôi. Chúng ta đi tới Eskhaton với đức Vọng và bằng hành động trong đức Vọng.
Vọng không chỉ là ngồi chờ, cũng chẳng phải hướng tới bằng ước muốn suông. Mà bằng căng thẳng về và muốn thật, khiến phát sinh hành động nó khai mở con đường, chế tạo xe chở và lên xe phóng đi. Eskhaton đã bắt đầu ở đây, nên tôi không khinh rẻ những giá trị tự nhiên, mà biết lợi dụng tất cả. Eskhaton là cửa vào Vĩnh cửu, nên đích nhắm phải cao hơn một thiên đường tại thế. Vì đích ấy ở ngoài tầm với của tự nhiên, nên vừa tiến về bằng bước chân mình, vừa coi rẻ sức lực mình mà trông chờ vào pháp lực Chúa.
Thật ra, siêu nhiên không có nghĩa là bên ngoài tự nhiên; và ân sủng là chính bản tính tôi được cải hóa và nâng lên, nâng vượt cao trên hẳn nó, khiến nó có thể làm những gì mà tự nhiên suông không mảy may làm nổi. Do đó, tiến về Eskhaton vừa là việc của Thần khi hoàn toàn, vừa hoàn toàn là việc của tôi.
Như trên đã nói, con đường đức Vọng là một đường dây căng từ hiện tại sang bên kia thời gian, trong Vĩnh cửu. Vì, như Michel Demaison nói, "Vọng là hành vi nó nối (một đầu) vào điểm cố định của đức Yêsu lịch sử, và (đầu kia) vào điểm viễn tụ cánh chung". Vậy sống đức Vọng thì tuy sống với hiện tại đấy, mà bằng cái nhìn đức tin, vẫn xuyên qua hiện tại về phía một Eskhaton mờ xa thăm thẳm. Nói rõ hơn, một tông đồ chân chính của Chúa không dựa vào sức mạnh trần thế, cũng chẳng ham những thành công thấy ngay:
"Vương quốc Ta không thuộc trần gian này. Vì nếu vương quốc Ta thuộc cõi trần này, thì quân đội Ta hẳn chiến đấu để Ta khỏi bị nộp vào tay người Do thái" (Yo. 18.36).
Nước Chúa không thuộc trần gian này, nên không có sự tương bằng giữa kết quả thiêng liêng với hành động của tôi và các phương thế sử dụng xét về mặt tự nhiên của chúng, như những bài giảng hay, sự tổ chức giỏi, các phương tiện tân tiến nhất... Những yếu tố ấy chỉ có tác dụng một phần khi có sức Thần khí ở với tôi; mà để được thế, thì tôi cũng phải ở trong Ngài bằng khiêm nhường và tin tưởng nữa.
Thật ra, việc biến đổi thiêng liêng của một linh hồn là do tác động của Thần khí trong lòng họ hơn là do ảnh hưởng từ ngoài của tôi bằng những phương tiện nói trên. Thêm vào đó, Lời gieo vào mảnh đất chẳng những tùy vào sức của Lời, mà còn tùy vào loại đất để sinh hoa kết quả. Vâng, hạt lúa có thể rơi bên vệ đường để chim trời lượm mất, có thể gieo trên đá sỏi để nắng hạ thiêu đi, có thể kẹt giữa bụi gai nó làm chết nghẹt, có thể ươm vô đất tốt để hạt sinh gấp trăm (Mt. 13.4-8).
* * *
Vì kết quả thiêng liêng không hẳn là một với hiệu quả trước mắt của công việc, nên với một tông đồ chân chính, tông vụ luôn là một phiêu lưu, với phía trước con đường là sương mù. Ðấy là thử thách của đức Vọng, cũng là môi trường sống và nên thánh bằng đức Vọng. Tông đồ ham hành động không phải vì thấy rõ kết quả như mồi nhử, mà vì được thúc đẩy bởi Thần khí và bám víu vào Lời Thầy. Nếu trong chiêm, thử thách thanh luyện là đức Tin, thì trong hành, thử thách ấy chính yếu là ở đức Vọng. Bằng đám sương mù này, cùng với thất bại và những chống đối, Chúa đang thanh luyện động cơ, ý hướng, khiến tâm hồn tôi ngày càng "thanh bần trong tinh thần" hơn, nhờ đó có thể rung đúng trong tần số của luồng sóng Thần khí.
Hành động mà không rõ kết quả, cũng như đi mà không biết đến đâu, quả là điều đáng nản. Nếu cảm thấy nản mà vẫn không chùn bước, đó là dấu hiệu có Chúa đồng hành bằng ân sủng của Ngài. Vâng, chỉ cần đường tôi đang đi, tôi thấy đúng là đường Chúa muốn tôi đi!
Chính Thầy chúng ta cũng từng đã trải qua những kinh nghiệm giống thế. Ðừng tưởng là Chúa nhìn rõ hết phía trước bằng lý trí của mình đâu. Chẳng thế sao Ngài lại phải la lớn: "Cha ơi, sao nỡ bỏ con?" (Mt. 27.46). Ngài không biến đá thành bánh để ăn ngay. Ðược dân chúng muốn tôn lên làm vua, Ngài đã không lợi dụng dịp ấy để thiết lập dễ dàng Vương quốc. Bị cả giáo quyền và chính quyền lên án, trong khi đồng bào xa lánh và đồ đệ bỏ đi, Ngài chỉ còn dựa vào một mình Cha, mà cả chỗ dựa ấy cũng địa chấn thành lung lay rồi. Thế nhưng Ngài vẫn bước đều, dù bước lên đỉnh Sọ.
Sự thành công của Chúa là trong đêm của đức Vọng. Tin vào Cha và thi hành ý Cha, phú thác hết trong tay Cha: "Con trao phó hồn con trong tay Cha" (Lc. 23.46).
Ðược thúc đẩy bởi Thần khí mà sẵn sàng đi vào phiêu lưu, thuận ý Cha dù chết cho sứ mệnh, những nét ấy của Ðấng được Cha sai đến cũng là những nét đặc trưng của một tông đồ chính hiệu, kẻ được Thần khí chọn và đóng ấn sai đi. Dấu Thập của đức Vọng ấy chính là cái nó thánh hiến tông đồ:
"Mang trong thân xác ta sự hấp hối của Chúa, để sự sống Chúa Yêsu cũng hiển lộ nơi thân xác này nữa" (2 Cor. 4.10).
Mang dấu chữ Thập, vì chiến đấu cho Vương quốc Chúa cũng là chiến đấu dưới bóng cờ chữ Thập. Vậy, là chiến binh của Chúa dưới bóng cờ chữ Thập, ta phải mang "giáp bào Thiên Chúa", "mão chiến cứu độ", "thanh gươm Thánh Thần" cùng với "lá chắn (Vọng) Tín" để đương đầu với "hỏa tiễn của Yêu tà" (Eph. 6.11-17). Những thức mà ta đeo trên mình ấy chẳng những giúp thánh hóa người khác, mà còn thánh hóa ta trước tiên.
Có bổn phận làm tông đồ, nhưng liệu tôi có khả năng ấy không?
Làm tông đồ được Truyền thống định nghĩa là "Cura animarum", Chăm sóc các linh hồn, nhưng làm sao tôi có thể chạm đến linh hồn để chăm sóc được? Biết còn không nổi, nói chi chạm tới và chăm lo!
Trước hết, cái biết của tôi về thực tại luôn là gián tiếp qua bề ngoài của nó, qua sự trình bày về nó của ý tưởng trong đầu tôi. Nói chi đến nội tâm, nó là không gian riêng biệt của mỗi người! Tôi chỉ có thể ức đoán qua cử chỉ, hành động, thái độ, nhưng thế thì làm sao biết chắc được? Ðành chờ họ tự nói ra thôi, nhưng làm sao biết họ thành thực và nói đúng sự thực đây?
Chẳng những tâm hồn mỗi người là một thế giới đóng kín đối với tôi, mà nó còn là giang sơn hoàn toàn riêng của họ, với quyết định tự do mà tôi không tham gia, với trách nhiệm mà tôi không gánh thay được. Nói chi đến tầng ngầm vô thức mà chính họ không vào nổi, huống nữa là tôi.
Tâm hồn người khác là khu rừng cấm, ngoài tầm với của tôi, thì làm sao để chăm sóc linh hồn họ đây? Hay chỉ làm trung gian đưa lời Chúa đến tác động vào họ? Nhưng nếu chính mình không chạm được tới bên trong họ, thì làm sao tôi có thể làm máng chuyển nước sự sống? Hơn nữa, sự cứu vớt là công việc giữa Chúa với hồn, Ngài là đấng ở sâu hơn trong hồn, thì đâu còn chỗ đứng cho tôi trong công việc ấy? Vâng, trung gian giữa Thiên Chúa với hồn chỉ có một thôi, và đó là đức Yêsu Kytô.
Không can thiệp trực tiếp, nhưng ảnh hưởng gián tiếp từ ngoài thì sao?
Ðiều ấy thì được, nhưng coi chừng kẻo ảnh hưởng ấy làm nhụt phán đoán và lấn át tự do, biến họ thành đồ vật, chứ không thành người để có thể nên người nên thánh. Tôi chỉ nên vào cuộc để khơi động và soi sáng, để một khi họ nắm bắt được vấn đề rồi, thì tôi phải lui bước để nhường chỗ cho Thần khí đổi trao với họ.
Ðấy là đứng về mặt tự nhiên, chứ trên bình diện siêu nhiên, tôi vẫn trực tác được phần nào nếu chịu đồng tác với Thần khí. Vâng, với Thần khí Chúa, tôi có thể chăm sóc các linh hồn nhờ mầu nhiệm "Hiệp thông các thánh". Vâng, nhờ đức Ái và trong Huyền thân, chúng ta thực sự đã nên một từ chiều sâu mỗi người, nhờ đó có thể tương tác vào hồn nhau, khiến cho một hành động chính hiệu tông đồ sẽ mang tính thẩm thấu của Thần khí. Vâng, Giáo hội là Huyền tích cứu độ, nên mọi hoạt động đúng nghĩa Giáo hội đều mang tính huyền tích cách nào đó, nghĩa là thành dấu hiệu sinh ân sủng, nghĩa là chạm được tới các hồn để cải hóa họ. Vâng, miễn là hành động của tôi đi vào hướng thổi của Thần khí và hòa trong sinh hoạt chung của Hội thánh.
* * *
Trong đức Ái nó nối tôi lại với Chúa và khiến tôi liên đới siêu nhiên với loài người, tôi đã thành tri kỷ để hiểu thấu ưu tư, toan tính của Chúa (Yo. 15.15), nên được thúc đẩy để vào cuộc với Chúa, vào cuộc với cả một tấm lòng từ mẫu, muốn sinh cho Cha những người con, sinh bằng sức sinh hóa của Thánh Thần:
"Thiên Chúa đã sai đến lòng ta Thần khí của Con Ngài, để Thần khí ấy kêu lên: Ba, Abba." (Gal. 4.6)
Trong Thần khí tình yêu, thế là một khuôn mặt xa lạ bỗng trở nên thân thương với tôi, khi mà tôi đã có thể đi sâu vào lòng họ để khiến họ hiểu Cha, khiến họ được sinh làm con Cha: một tình phụ mẫu tử thật thiết tha dù thiêng liêng:
"Chính ta là kẻ, bằng Tin mừng, đã sinh các con trong đức Yêsu Kytô" (1Cor. 4.15).
"Ta van xin anh cho con ta, con mà ta đã sinh ra trong tù ngục: Onêđimô" (Phm. 10).
Tình phụ mẫu tử siêu nhiên ấy đến trám chỗ tình phụ mẫu tử tự nhiên mà mỗi trái tim đòi hỏi từ sâu trong bản tính. Tình phụ mẫu tử siêu nhiên biến tôi thành sứ đồ, thành mục tử thực thụ, vì nếu không có nó, tôi chỉ còn quan tâm đến công việc và tác phẩm của riêng mình, nhằm trốn chạy sự cô độc và ve vuốt cái Tôi. Vâng, để trở nên mục tử đúng nghĩa, không thể tôi không yêu bầy chiên của Thầy (Yo. 21.15tt.), yêu bằng chính tình yêu tha thiết và vị tha của Thầy, thậm chí có thể thí mạng vì những đứa con ấy (Yo. 10.11). Vì đây là bầy chiên của Chúa, đây là yêu trong tình yêu của Mục tử vĩnh hằng, nên sinh họ, tôi chỉ muốn sinh cho Chúa, chứ không giữ lại cho mình. Tôi cũng mong họ lớn lên và được Thần khí đích thân dẫn dắt, chứ không mãi lệ thuộc vào tôi, thành như một bản sao của con người tôi.
Tuy thiết tha với sứ mệnh và dùng mọi phương tiện tốt nhất, tôi luôn nhớ rằng tác giả chính của cải biến thiêng liêng là Thần khí Chúa, và không thể có sự tương bằng của sức mạnh tự nhiên với hiệu quả siêu nhiên. Cho nên, lời giảng dù hay mà không mang sức sống nội tâm do ân sủng, lời giảng ấy cũng chỉ vang như tiếng thanh la (1 Cor. 13.1). Dĩ nhiên là, một đôi phen, Thần khí cũng dùng những vang vọng bên ngoài ấy để chính Ngài tự khơi lên một thách thức bên trong cho kẻ nghe. Nhưng đây là việc của riêng Ngài mà tiếng thanh la kia không có phần, hoặc chỉ có phần của một đồ vật, một chiếc loa phóng thanh thôi. Trong trường hợp ấy, giảng viên không phải là kẻ đồng tác với Thần khí để sinh ra những đứa con, con Chúa và con y trong Chúa. Nói cách khác, Lời Chúa thường chỉ thánh hóa kẻ nghe khi đã thánh hóa kẻ nói rồi.
Một khi ảnh hưởng siêu nhiên của tôi là trong Giáo hội, qua sự "Hiệp thông các thánh", thì ảnh hưởng ấy có thể là tổng hợp từ nhiều phía: kẻ thì góp phần bằng lời nói, kẻ lại bằng hy sinh, cầu nguyện. Vì tác giả chính của cải hóa là Thần khí, nên hành động tông đồ cũng là một thỉnh cầu. Nếu cầu nguyện là sức mạnh chính của tông vụ, thì dù trong đan viện hay giữa đời, ai nấy đều làm tông đồ được hết.
Nói như thế, không có ý nói cầu nguyện là tất cả, là đủ rồi. Ðể biết và tin theo, người ta phải nghe đã. Ðể nghe được Tin mừng, không thể thiếu người loan tin ấy (Rom. 10.14-15). Nghĩa là song hành với lời cầu, còn phải có thập giá cứu chuộc, có hành động loan thuyết. Lại để hành động năng suất cao thêm, giảng thuyết viên cần được thụ huấn kỹ và có phương tiện dồi dào. Dẫu sao, công việc chỉ là phương tiện, con người mới là đích nhắm, là quan tâm chính của tông đồ. Chứ đừng quá say mê công việc và thần tượng hóa nó.
Một trong những cái bẫy thường gặp trong tông vụ là góc hẹp của độ mở. Lắm mục tử chỉ quan tâm đến công việc, đến nhóm và giáo xứ của mình. Thứ đầu óc "cục bộ", mà con đẻ là kèn cựa, ghét ghen. Cái bẫy tiếp theo là cái Tôi cùng với xác thể của nó là hám danh và tự ái. Ai mà chả muốn sao cho mình được nổi tiếng, và công việc mang dấu ấn của mình. "Vô kỷ, vô công, vô danh", đó là điều cần nhất cho tông vụ, nhưng cũng là điều khó nhất cho bất cứ tông đồ nào. Chỉ khi nào không còn thiết gì cho mình, mà chỉ thiết cho Chúa và anh em thôi, tôi mới có thể rung trong tần số của Chúa, và Chúa có thể vào cuộc hoàn toàn trong công việc của tôi, khiến sự chăm sóc linh hồn của tôi thành dễ dàng.
Giáo hội thời tông đồ đúng là Giáo hội sứ đồ. Giáo hội ấy là sứ đồ không chỉ theo ý nghĩa thường hiểu: đặt nền trên niềm tin và kinh nghiệm về Thầy của nhóm Mười hai. Mà còn theo một nghĩa riêng: gần như hết thảy được cuốn theo cơn lốc của phong trào loan Tin mừng, không phân biệt tín đồ hay giáo sỹ.
Nhưng rồi hòa bình Constantin đến, với Phúc âm được giảng công khai, với Giáo hội được tôn kính và tràn khắp đế quốc, cái đế quốc mà người ta tưởng như cùng chiều rộng với thế giới. Ngọn lửa viễn phái do đó tàn lụi bớt, và người ta bắt đầu phiêu lưu vào một thế giới khác: thế giới nội tâm. Ðời sống đơn tu ra đời, và cùng với nó là khuynh hướng bỏ đời. Thời trung cổ thành thời cực thịnh của sống chiêm niệm, và vì chiêm niệm, người ta khinh rẻ thế gian cùng với hành động giữa thế gian ấy.
Hành động càng bị khinh hơn khi mà hành động dễ sinh hiếu động, và người ta nguyền rủa: "Sự lạc đạo của hành động" (l'hérésie de l'action). Người ta nghĩ rằng nên thánh là ở cầu nguyện, còn công việc chỉ là bổn phận chẳng đặng đừng thôi. Tiếng Unum necessarium được gán cho Chiêm, khiến Martha xuống giá vì được coi là tiêu biểu cho Hành.
Hành động dù tông đồ cũng được coi là sự hướng ngoại nguy hiểm khi nó đưa ta vào giữa thế gian được coi như đồng minh của Satan. Nhất là khi nó tiêu hao sức sống nội tâm mà người ta phải khó khăn lắm mới thu góp được trong nguyện cầu. Nói cách khác, chiêm niệm được coi là công việc nạp bình, còn hành động chỉ sử dụng nên tiêu hao sức điện nạp ấy. Bởi thế, càng hành động thì càng phải cầu nguyện nhiều hơn. Cầu nguyện, như người ta nghĩ (trong số có Dom Chautard) là "hồn sống của mọi hành động tông đồ". Do đó, đời sống đan tu được nể vì nhất, và "đời sống tu hoạt động chỉ được nhìn nhận bao lâu còn gần gũi với đời sống đan tu", như Maryvonne Keraly than phiền, chị là Phó chủ tịch các tổng bề trên (dòng nữ) Pháp quốc. Nói trắng ra, người ta thầm tưởng không nên thánh bằng hành động được, mà bằng chiêm niệm thôi. Và lý do để biện minh: Chỉ cầu nguyện mới kết hợp ta với Chúa!
* * *
Vatican II quả quyết: "Ơn gọi Kytô-hữu, do bản chất của nó là ơn gọi tông đồ" (AA.2). Nếu đã là ơn gọi, do đó bổn phận nữa, thì sao tôi có thể thoái thác nếu muốn được cứu và nên thánh:
"Khốn cho tôi nếu tôi không loan Tin mừng!" (1Cor. 9.16).
Thật ra, thi hành bổn phận mới chỉ nói lên một điều kiện, chứ chưa phải nguyên nhân của thánh hóa. Nguyên nhân của thánh hóa là, và chỉ là đức Ái Chúa Kytô. Vì đức Ái Chúa, do đó vì thương các linh hồn (chứ không phải vì bổn phận suông), mà anh dấn thân chăm sóc họ, thì chính sự quảng đại của đức Ái ấy mới thánh hóa anh. Vâng, không phải chiêm niệm hay hành động thánh hóa, mà đức Ái nó thánh hóa dù bằng chiêm hay hành. Trong Tín-Vọng-Ái nếu anh lao vào công việc, công việc ấy sẽ thánh hóa cả anh lẫn linh hồn mà anh chăm sóc (AA. 29; LG. 41) khi mà nó đưa anh vào cuộc sống đấng Chăn chiên lành vốn là "dây nối toàn thiện" (PC. 14), đưa anh vào luồng thổi Thần khí giữa Giáo hội, khiến Tín-Vọng-Ái trong anh gia tăng (PC.8).
Một khi vào đời với ý hướng siêu nhiên đến thế, sao khỏi nhận ra hành động Chúa trong nhiều biến cố lịch sử và ở bề sâu của nhiều tâm hồn. Như thế, hành tác biến thành chiêm ngưỡng, thành praxis hay nghiệm tác thiêng liêng.
Ðể dễ thấy Chúa trong dấn thân, lúc thì ta chiêm ngắm Thầy giữa khung cảnh Palestine vào đúng thời Hêrốt, lúc lại cố hình dung thái độ Ngài trong bối cảnh thế giới hôm nay, giữa những gì đang diễn ra dồn dập cho vùng trời và con người mà ta được sai đến với. Những cái nhìn như thế sẽ nuôi dưỡng cầu nguyện tông đồ, một cầu nguyện trở nên sinh động vì cụ thể. Trong Chúa, tôi cũng cảm thông với biết bao người đau khổ xung quanh và van Chúa cùng làm với tôi khi băng bó những linh hồn thương tật. Lời cầu của tôi, vì đi vào cuộc sống muôn mặt như thế, hẳn sẽ phong phú hơn là của các bậc đan tu.
Có điều, để hành động còn chính hiệu tông đồ, do đó thánh hóa, thì tôi phải có cặp mắt trong sáng, để xuyên qua công việc nhìn thấy con người, và giữa quang cảnh tục thế phát hiện sự có mặt của Chúa. Phải chăng chỉ có chiêm niệm mới khiến được mắt tôi trong sáng lên? Và như thế là trở về với quan niệm xưa cũ: cầu nguyện là nạp bình, còn hành động chỉ tiêu hao thôi?
Thật ra, có những công việc tự nó phản chiếu Thiên Chúa, cũng như có cầu kinh chỉ xói mòn lòng sùng đạo. Xói mòn lòng sùng đạo, đó là thứ cầu kinh hình thức và lễ nghi máy móc chúng làm lụi tàn ngọn lửa thiêng liêng. Còn công việc giãi sáng Chúa là khi trong đó, chỉ cần mở mắt tôi cảm nhận thấy Chúa ngay. Quả thế, khi giải tội hay làm linh hướng với tinh thần siêu nhiên, thấy tội người tôi cũng nhìn ra thiếu sót của tôi, thấy cái tốt nơi người, tôi cũng phát hiện sức hoạt động của ân sủng Chúa. Tiếp xúc với những đau khổ lớn lao của con người, tự nhiên tôi phải nhìn thấy gương mặt "sâu, chứ không phải người" của Chúa trên thập giá, và không còn lòng nào chạy theo khoái lạc và tìm kiếm những tiện nghi. Những khi giảng về Chúa cho người khác cũng là lúc tôi tự vấn lương tâm và giảng cho chính mình khi mà đời sống tôi chưa đi đôi với điều tôi khuyên. Soi đường cho người cũng là lúc soi gương cho mình vậy.
Quả có nhiều việc tự chúng đưa tâm hồn lên, giúp ta dễ nhớ tới Chúa, nhờ đó thay thế cầu nguyện một phần. Thay một phần thôi, vì con người là giống tạp thực, cần đến nhiều loại thức ăn chúng bổ túc cho nhau. Vậy cũng như khi ăn, ta cần cả cơm rau, thịt cá, khi chiến tranh cần cả súng máy, súng trường, thì để nên thánh, không thể chỉ chiêm thôi hay hành thôi, mà phải có lúc thì cầu nguyện, lúc lại thực hành năng đức và phục vụ anh em mình. Dù trong nếp sống chiêm hay hành, ai nấy đều chiêm và hành, dù tỷ lệ giữa chiêm và hành có khác nhau. Nói chung, thì chiêm là việc của nội tâm hơn, nên cần nhất đối với con người, khi mà làm người có nghĩa là sống theo tinh thần. Nhất là nếu phải làm những công việc chúng không gợi nhớ đến Chúa dễ dàng, thì chúng ta càng phải nhờ vả chiêm để hỗ trợ cho chúng.
Trong cụ thể của cuộc sống, chẳng những chiêm và hành cần như nhau, chúng còn cần cho nhau nữa. Ðôi tình nhân khi gần gũi, với tình yêu bốc cao hẳn muốn làm gì cho nhau để tình yêu thành cụ thể. Kịp đến khi do hành động mà tình yêu được minh chứng rồi, người ta sẽ trở lại trong vòng tay nhau một cách thiết tha hơn. Trong tương quan với Chúa cũng thế. Chiêm ngắm Chúa khiến gia tăng lòng kính yêu Chúa. Lòng sốt sắng này, tới một độ cao nào đó, sẽ thúc ta muốn làm một cái gì cho Chúa. Thậm chí như Tiên sa nhỏ, sẵn sàng "sa hỏa ngục" để làm cho hỏa ngục yêu Chúa nữa. Ðến lượt hành động, cùng với gian khổ kèm theo như một biểu dương tình yêu ấy, sẽ khiến ta thèm cầu nguyện và trở về với cầu nguyện một cách sâu xa hơn. Quả thật, anh sẽ chẳng cầu nguyện dễ dàng đâu nếu anh chẳng có gì trong tay khi đến với Chúa. Không phải vì anh ỷ vào những cái ấy, mà vì những cái ấy làm chứng với anh rằng anh yêu Chúa thực, chứ không phải tưởng thế thôi. Như thế, chẳng những cầu nguyện là hồn sống của hành động như Dom Chautard nghĩ, mà cả hành động cũng có thể sống động hóa giờ kinh của chúng ta nữa.
Thật ra, chẳng phải cái nào làm hồn sống cho cái nào cả, vì mỗi cái đều phải được sống động hóa bởi đức Ái Chúa Kytô. Phải, hồn sống của cả hành lẫn chiêm là đức Ái siêu nhiên, lòng mến Chúa yêu người. Bao lâu được sống động hóa bởi đức Ái, cả chiêm lẫn hành đều ảnh hưởng mạnh đến nhau, và cần để bổ túc cho nhau.
Ðấy là nói trên nguyên tắc. Còn trong thực hành, thì cầu nguyện thường cần cho hành động hơn là hành cần cho chiêm. Ấy chỉ vì trong chiêm, người ta dễ chiêm vì Chúa; còn trong hành, người ta rất dễ hành vì mình, vì những lợi ích phàm trần và trước mắt của mình. Thêm vào đấy, chiêm thì phải hướng nội, trong khi hành lại dễ hướng ta về đời, nhất là khi phần lớn môi trường của hành động rất tục, khiến làm mờ đục cặp mắt nội tâm của chúng ta. Trong trường hợp này, chúng ta càng cần đến chiêm như sự nạp bình cho hướng tâm để đánh cân bằng với lực ly tâm đã nên quá mạnh. Trừ phi ta đã đạt tới mức miễn nhiễm cao của nhiều vị tông đồ thánh.
Sinh ra là người thì phải làm người. Người ta làm người bằng cách khám phá dần những giá trị luân lý, đồng thời mang những giá trị ấy vào đời sống. Hướng căng về sự hoàn thiện mình bằng cách đó, loài người xuất hiện như một cộng đồng cùng chung xây Vương quốc Sự thiện.
Với điểm hội tụ mới của mình là Ngôi Lời thành người, cộng đồng chung xây Vương quốc Sự thiện chuyển thành cộng đồng chung xây Vương quốc siêu nhiên Thiên Chúa. Vâng, trong một Giáo hội mà bản chất là viễn phái, bất cứ ai cũng phải làm chứng để hoàn thành Nước Trời với phần ân mình lãnh nhận.
Nước Trời đã bắt đầu ngay đây giữa chúng ta. Nó hướng về sự hoàn thành vào điểm thời gian viên mãn. Do đó, cuộc tiến về biến thành cuộc đua nước rút. Ðể từng giây phút, nước mạch luôn vọt tới Vĩnh hằng. Bởi thế, sống đức Vọng là vọt hướng cánh chung bằng chính hiện tại của mình, nghĩa là bằng những gì ta gặp được quanh ta.
Tuy coi trọng những giá trị trần thế và sử dụng chúng vào việc xây Vương quốc Chúa, tông đồ luôn tâm niệm rằng chỗ Nước Chúa hoàn tất không phải ở phía bên này thời gian, trong khi cũng chẳng có tương bằng giữa phương thế tự nhiên sử dụng với hiệu quả siêu nhiên ta nhắm trong công việc của mình. Vì thế, tuy vẫn gắng, mà chỉ tin vào ân Chúa thôi.
Tuy bằng phương thế tự nhiên, tôi không thể "chăm sóc các linh hồn", nhưng với ân Chúa và nhờ sự "Hiệp thông các thánh", tôi vẫn có thể đồng tác động vào nội tâm kẻ khác, nhờ đó sinh ra cho Cha những đứa con thiêng liêng.
Vì tác giả chính là Thần khí mà chúng ta hợp tác với, cũng như do mầu nhiệm Hiệp thông trong đó chúng ta hợp nhất với nhau, nên trong mỗi sứ vụ tông đồ, chúng ta có thể chung lưng đấu cật, kẻ bằng cầu nguyện, hy sinh, kẻ bằng thuyết giáo, hành động.
Hành động khi có động cơ là Tín-Vọng-Ái, hành động ấy vừa thánh hóa người khác, vừa thánh hóa bản thân tông đồ. Thực ra, hồn sống của cả chiêm lẫn hành là đức Ái Chúa Kytô. Có điều với chiêm, người ta dễ hướng nội và hướng thượng hơn, trong khi với hành, người ta dễ bị lôi ra ngoài và gặp nhiều nguy hiểm. Vì thế, để hành động kết quả và thánh hóa chính mình, tông đồ phải hỗ trợ nó bằng cầu nguyện nhiều nữa.