NÊN THÁNH VÀ HÀNH ÐỘNG
HÀNH ÐỘNG VÀ ÐỨC VỌNG

Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Nên thánh nghịch chiều với hành động?

Vật chất chỉ tồn tại khi dịch biến, và đổi thay khi tác động vào nhau và thụ tác do nhau. Chính khi tác động ra chung quanh, sự vật cũng đổi thay ở chính mình.

Chẳng những đổi thay, sự vật còn tiến hóa khi thay đổi như thế.

Tất cả đã khởi đầu bằng một giọt năng lượng tối giản đơn, nhưng do đó lại mông lung, vì không định được ở mình, cũng chẳng phân biệt gì nơi mình. Ðể rồi sau một tiếng nổ, cả một tiến trình phức tạp hóa, cũng là hoàn thiện hóa diễn ra, theo nhận xét của Teilhard de Chardin. Những hạt tử khác nhau đã kết dần lại với nhau thành những hạt nhân, rồi nguyên tử, rồi phân tử. Tiếp đó sự sống xuất hiện, bắt đầu với thực vật có khả năng tự sống và sinh sôi, sau đó với động vật với ý thức từ giác tính vượt sang lý tính. Con người, đỉnh chót của phát triển ở cả ý thức lẫn tự lập, có khả năng và bổn phận tự mình hoàn thành bản thân xứng như một con người và góp phần kiến tạo loài người như một cộng đồng tự nguyện từ bên trong, chứ không bắt buộc từ bên ngoài nữa.

Như thế, rõ ràng sự phức tạp hóa không làm nên thoái hóa, và biến dịch chỉ là điều kiện cho tiến hóa thôi. Chính vì nó tiến hóa trong dịch biến, nên hành động cùng với thụ động, hai yếu tố cấu thành dịch biến ấy, chính là điều kiện không thể thiếu cho việc hoàn thiện của những thể vật chất mà bản tính là chưa hoàn chỉnh.

Vậy để đánh giá đúng hành động trong tiến trình nên thánh, chúng ta cần xét xem con người có phải là vật chất không? Và có phải nó chỉ là vật chất thôi không?

* * *

Với những thuyết nhị nguyên (dualisme), con người là tinh thần, và tinh thần này bị hãm trong thân xác. Biến đổi chỉ là việc của xác thân, do đó không có lịch sử. Tinh thần là hằng cửu rồi, nên cuộc sống chẳng thêm gì cho nó, mà chỉ khiến nó mắc kẹt thôi. Vậy cái mà con người phải vươn tới, không phải là biến đổi mình, mà thoát khỏi biến đổi. Thoát bằng cách nhận ra mình không phải xác thân này, do đó hờ hững với công việc của xác thân. Có như thế mới hết khổ khi khổ chỉ là thụ chịu của xác. Có như thế mới khỏi sa lầy trong hành động khi mà hành động do tham sân si thúc đẩy.

Tách tinh thần ra khỏi xác, Sâmïkhya gọi là Cô lập hóa (kaivalya), và Yoga cung cấp kỹ thuật để tiến hành việc cô lập này. Sang Ấn giáo, cô lập có tên là Giải thoát (moksïa, mukti). Việc giải phóng tinh thần diễn ra theo một tiến trình hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, bằng đọc kinh thư và lý luận, người ta cố xác tín mình là Tinh thần (Brahma, Âtmâ). Ở giai đoạn sau, bằng kỹ thuật Thiền, người ta vươn tới sự Tri-Brahma trực tiếp bằng siêu thức. Phật giáo xem như chẳng tin có Tinh thần hay cái chi chi, nhưng con đường Phật giáo cũng duy tinh thần như thế. Bằng thiền định, họ gắng đạt một kinh nghiệm, cũng là giác ngộ, nhờ đó đạt Niết bàn, nghĩa là Diêït vong: đây là Vô đối với sắc tướng, với thân xác và thế giới, với cái Tôi và tất cả.

Vì phủ nhận thân xác, Ấn, Phật giáo cũng chối từ hành động. Theo họ, sở dĩ có hành động karma là vì dục vọng kâma thúc ép. Và nếu lòng Tham nổi lên, thì cũng do ngu si gây ra. Qua tham sân si, hành đôïng sinh Nghiệp (cũng gọi karma) để ngày càng dìm sâu tôi vào vòng luân hồi, trong ngục tù vật chất.

Ấn, Phật giáo chỉ chấp nhận những hành động tối cần để duy trì sự sống, nhờ đó có thể tu thành chính quả. Họ cũng chấp nhận một loại hành tác thứ hai: hành tác cúng tế đối với Ấn giáo, hành tác đạo đức đối với Phật giáo, gán cho chúng một giá trị thanh lọc, sự thanh lọc cần thiết cho tác dụng sau đó của tu thiền.

Ðạo giáo không phủ nhận Ngã như Phật giáo, cũng chẳng quá siêu thế như nhà tu Ấn giáo, nhưng Ðạo giáo hướng về một cuộc sống nhàn du không vướng bận. Do đó, Ðạo giáo cũng thờ ơ với thế cuộc và không thiết hành động.

Cũng không thiết hành động là các đệ tử Platon. Platon-thuyết thống trị tư tưởng Tây phương hồi thượng cổ, và ảnh hưởng của nó rất mạnh trong Kytô-giáo thời đầu.

Theo học thuyết Platon, tinh thần cũng bị giam trong ngục tù xác thể. Có điều thế giới lý tưởng của Platon là thế giới các ý tưởng. Do đó, Platon-phái tôn thờ khiếu năng sản sinh ý tưởng — nói cho đúng hơn, chiêm ngưỡng ý tưởng — là lý trí. Tinh thần của họ gần như là một với lý trí. Bằng sự chiêm ngưỡng của lý trí, họ rời bỏ thực tại vật chất để leo ngược về phía những ý tưởng ngày càng bao quát hơn.

Ảnh hưởng bởi Platon-thuyết, Kytô-giáo từ đầu đã coi trọng chiêm hơn hành, nhất là trong tu luyện. Tu thời ấy đúng là tu tĩnh. Người ta lấy Maria và Martha làm tiêu biểu cho hai con đường chiêm và hành, và người ta giải thích lời Unum necessarium của Chúa như một thánh hiến (consécration) cho chiêm niệm.

Suốt hằng chục thế kỷ đầu, tu hành Kytô-giáo trôi đi giữa chiêm cầu và khổ hạnh. Người ta cũng lao động chân tay nữa, không phải vì lao động thánh hóa đâu, mà để tránh "nhàn cư vi bất thiện". Nhất là vì để tu, người ta cần sống đã, hay nói cho đúng hơn, cần nuôi thân bằng đôi tay của mình. Bên Ai cập, các tu nhân đan giỏ, dệt chiếu, xe dây, làm thắt lưng. Chiều thứ bảy, ông quản lý đi thu gom hết về, để sáng thứ hai mang vô làng đổi lấy bột, dầu, v.v... Những món này được trữ sẵn ở kho, để ngày chúa nhựt được phát cho mỗi ẩn sỹ mang về chòi riêng dùng cho suốt tuần.

Làm sao để thánh hóa lao động đây, khi mà nó đã chiếm lĩnh một khoảng thời gian khá lớn trong cuộc sống tu? Các vị tổ sư bèn tìm cách mang vô đó một ý nghĩa thiêng liêng: ý nghĩa thanh bần với Pacôme, ý nghĩa khiêm nhường với Biển đức. Thanh bần, vì đây là sống bằng đôi tay của mình!. Khiêm nhường, vì lao động chân tay được dành cho nô lệ! Người tự do thì né tránh nó. Còn hàng quý tộc thì coi sự làm việc nói chung là điều không xứng đáng với tư cách của mình.

* * *

Ảnh hưởng bởi Platon-thuyết, Giáo hội thời đầu đã đặt chiêm trên hành. Nhưng thử hỏi từ trong bản chất, Kytô-giáo có khinh hành động như mấy tôn giáo xuất thân từ Ấn hay không?

Ðúng là trong Cựu ước, lao động đôi khi được nhìn dưới khía cạnh lao khổ, do đó thành hình phạt đối với tội (Stt. 3.17). Ðể hiểu đây là khổ, là hình phạt, hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của cha ông ta xưa, hay của những gia đình cùng túng hôm nay cũng thế. Làm quần quật suốt ngày, lắm khi ban đêm nữa, mà vẫn không có nhà để ở, đủ cơm để ăn. Một lao động đúng là động tới lao tâm lao lực, đi đôi với một cuộc sống chẳng còn sinh thú của sự sống: đó chẳng là gánh nặng không gánh nổi của bác tiều phu (Lão Tiều phu với thần chết) trong thơ Lã phụng tiên đó sao?

Thế nhưng ở chính nó, chứ không ở hậu quả nói trên, lao động chẳng có gì là đáng khinh đối với người thái cổ, dù đây là người thái cổ con cháu Abraham, như thánh vịnh 128(127) nói rõ (câu 2). Và thánh Phaolô trong Tân ước cũng nói theo y như thế (1 Th. 4.11; 2 Th. 3.10.12).

Bằng chứng rõ nhất rằng thánh kinh không khinh lao động, là chủ trương Sáng tạo của nó, mà sáng tạo ấy là việc làm của chính Thiên Chúa. Vâng, Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới suốt trong sáu ngày. Thiên Chúa còn lao động chân tay (dù nghệ thuật một tí) khi Ngài lấy đất nặn thành thân xác Ađam.

Nếu Cựu ước cho rằng Thiên Chúa nghỉ ngày sabbat (Stt. 2.2-3), thì Chúa Kytô lại quả quyết rằng dù sabbat, Cha Ngài vẫn hành động, do đó Ngài cũng chữa bệnh nữa:

"Ngay tới bây giờ (đang ngày sabbat), Cha Ta vẫn làm việc, nên Ta cũng làm việc như thế" (Yo. 517).

Và Ngài cứ làm không ngơi nghỉ, để kịp hoàn thành sứ mệnh Cha trao:

"Bao lâu trời còn sáng, thì Ta phải làm công việc của Ðấng đã sai Ta" (Yo. 9.4).

Vâng, Chúa Yêsu làm việc mọi ngày và suốt ngày, trước thì lao động tay chân, nay thì xuôi ngược từ Bắc chí Nam để công bố Tin mừng và thoa dịu những khổ đau, để xua trừ ác quỷ và thiết lập vương triều. Thậm chí mệt rồi, đã lánh sang bên kia hồ ngơi nghỉ (thật ra là để đồ đệ ngơi nghỉ), mà thấy dân chúng đuổi theo đã tới, Ngài vẫn bỏ hết mà đến với dân, khiến đệ tử cũng phải trở về với công việc (Mc. 6.30tt.).

Hiểu con đường Thầy, theo bước Thầy các đệ tử cũng tất tưởi ngược xuôi đi truyền giáo. Ðã ngược xuôi truyền giáo, Phaolô còn tự dệt lều nuôi thân (Tđcv. 18.3), để khỏi nên gánh nặng cho tín hữu (2 Th. 3.8).

Lắm kẻ hồi ấy vin vào Phaolô, cho rằng cứu độ là do đức tin, chứ không do công việc, dù đây là việc tốt. Thực ra, thánh Phaolô chỉ nhắm công việc của Luật Maisen, và đây là cắt bao quy đầu, cùng với bao kiêng kyï và nghi lễ tỉ mỉ. Lại nữa, dù nói ơn cứu độ là do tin, nhưng ông cũng nói đến "đức tin hoạt động""đức ái gian lao" (1 Th.1.3), nói chung: "Ðức tin hành động bằng đức Ái". Nghĩa là hễ tin thật thì cũng sẽ yêu, và muốn biểu lộ ra bằng hành động. Nói cách khác, hành động luôn là biểu hiện cần thiết của đức tin và đức ái. Chẳng những biểu hiện mà còn thực hiện nữa, khi hành động ấy củng cố tôi trong tin yêu, khiến cho tin yêu thành chân thực, do đó Chúa mới thưởng hay phạt tùy theo hành động tốt hay xấu của tôi (1 Cor. 3.13-15). Ai dám bảo Phaolô không đề cao hành động? Và không tin vào giá trị thánh hóa (vì thế mới có thưởng) của hành động?

Theo Kytô-giáo: Con người xác-thần và sử tính

Theo Kytô-giáo, con người là cả xác thần một lượt. Không phải xác riêng, thần riêng, rồi chúng se duyên với nhau đâu. Thiết tưởng, xác và thần chỉ như hai mặt của cùng một thực thể, thực thể Người.

Vì là xác, con người không thể không biến dịch. Vì là thần, con người thành bất tử và phải vươn cao hơn cái xác. Vì là thần xác một lượt, nên thần biến đổi với xác, và xác hướng về vĩnh cửu với thần. Con người sẽ sa đọa và khốn khổ nếu xác kéo thần theo mình, nhưng sẽ hoàn thiện và có phúc nếu thần kéo được xác lên theo. Kéo xác lên theo thần để hoàn thiện bản thân, đó là làm người và làm thánh, hướng phải đi của mỗi chúng ta, cái hướng nó mang ý nghĩa đến cho cuộc sống thế trần này.

Hiểu như thế, thân xác không còn là nhà tù, nhưng là đòn bẩy nó giúp con người tiến thân. Và nếu bản năng làm nên trọng lực, thì trọng lực ấy lại cần để con người dựa vào mà đi con đường của mình.

Vậy nếu xưa kia do vật chất mà giống người đã sa ngã, thì cũng do vật chất mà nay con người có thể hợp tác với ơn Chúa để hoàn thành bản thân, hoàn thành trên mức mà tự nhiên có thể vươn tới. Thánh Augustin nói: Tạo ngươi, Thiên Chúa chẳng cần ngươi, nhưng cứu ngươi thì không ngươi (hợp tác) không được!

Vì có xác, nên con người sinh ra chưa lớn đủ đâu. Sự hoàn thiện của nó luôn nằm ở phía trước, kỳ cho đến chết. Mà để lớn lên như một con người, thì thước đo bề cao chỉ là đức hạnh. Vả lại, hành vi nhân linh (tức hữu thức và tự ý) nào lại không có mặt xứng hay không xứng, xứng kém hay xứng hơn của nó? Vì thế, có thể nói rằng: con người làm người bằng hành động (xứng đáng) ở từng phút giây của cuộc sống. Từng phút giây ấy in hằn trên gương mặt nó, và hành động của giây phút ấy vẽ thành gương mặt của chính nó. Và như thế cho vĩnh viễn, dù lầm lỡ có được tha, vết nhơ có được tẩy rửa! Nếu gương mặt tôi mang dấu ấn của thời gian, thì chính thời gian, do hành động của tôi, cũng mang dấu ấn của tôi. Một cách nào đó, lịch sử làm nên con người tôi khi mà chính nó cũng được làm nên bởi tôi. Hiện sinh người mang đậm nét sử tính vậy.

Nhờ có thân xác, con người thành thụ động để có thể đổi thay. Nhờ có tinh thần, con người có thể chủ động ngay trong chính sự thụ động ấy. Chẳng những con người có thể làm lịch sử và làm nên chính mình, mà ngay ở những tai ương và đau khổ không thể tránh, con người vẫn lật ngược thế cờ được bằng cách chấp nhận nó và hướng nó về một mục tiêu cao cả, thiêng liêng. Và như thế, một thụ nhâïn (passion) bên ngoài đã biến thành hành vi (acte) bên trong.

Vâng, Kytô-giáo không quá đề cao thụ động và những đức tính tiêu cực như "chịu vậy" (résignation). Kytô-giáo thiên về hành động, về chủ động, vì hy sinh của Kytô-giáo luôn mang ý nghĩa cứu thế, luôn xuôi dòng về hướng Phục sinh. Và như thế, hành động trong Kytô-giáo không có mùi tham sân, khi mà động cơ của nó là Yêu đến quên mình. Kytô-giáo cũng chẳng hành động chỉ vì bắt buộc do bổn phận (hành động vô cầu), mà còn trong sự hưng phấn của Thần khí muốn tái tạo thế giới.

Vâng, nếu xưa trong sáng tạo, Thiên Chúa đã vui khi thấy tất cả đều tốt (Stt. 1.10,12,18,21...), thì nay trong đổi mới, Thần khí Ngài cũng thổi loang một luồng sóng hân hoan (agalliasis, Tđcv. 2.46...).

Âm vang của hành tác trên chủ thể tác viên

Khi tôi đập tay xuống bàn, không phải chỉ bàn rung, mà tay cũng đau nữa, đau do phản chấn. Thường trong hành tác, người ta chỉ chú ý đến hiệu quả bên ngoài, không ngờ hiệu quả có cả bên trong. Hiệu quả nơi chủ thể, đó là những phản ứng hóa học, việc năng lượng tiêu hao, những biến đổi từ tế bào đến mô, với âm vang đến toàn cơ thể. Nghĩa là bất cứ đâu có tác động, ở đấy có thụ động.

Riêng xét về nội tâm, sự thay đổi sẽ là gia tăng kinh nghiệm và hiểu biết, cùng với sự tăng giảm sức mạnh ý chí, độ nghiêng khuynh hướng, độ sâu tình cảm. Nếu hành động được lặp đi lặp lại, sẽ có tập quán sinh ra. Tập quán là một bản tính thứ hai, bởi nó nghiêng về hành động một cách tự nhiên như bản năng vậy.

Tập quán có hai thứ: tập quán then máy và tập quán cảm xúc. Tập quán then máy hướng chuyên về hành động. Tập quán cảm xúc hướng chuyên về tình cảm. Tập quán then máy tạo nên một căng hướng, căng như lò xo căng, để hễ gặp một loại kích thích nào đó liền bung thành hành động ngay, khỏi cố gắng chi cả. Thí dụ, đã nhiều lần gắng dậy ngay khi nghe báo thức rồi, thì sau đó, hễ chuông đồng hồ bắt đầu reo, anh đã nhỏm dậy trước khi kịp ý thức. Hành động do thói quen cũng là hành động trơn tru và khéo léo. Như kẻ quen đá banh, hễ đá là trúng banh và banh trúng cầu môn. Như người quen việc trí thức thì học gì cũng học nhanh, hiểu chóng, hễ thấy các tiền đề là đã nhìn ra kết luận rồi.

Tập quán hành động chỉ làm nên sự trơn tru của hành động, chứ không sự bén nhạy của tình cảm. Nên những hành động thuần hình thức, như nghi lễ vì lễ nghi thôi, sẽ làm thui chột tình cảm và mờ đục ý nghĩa đi, để tất cả cuối cùng chỉ còn là máy móc, chẳng khác gì những robot trước bàn thờ.

Năng đức không phải là tập quán then máy cho bằng tập quán cảm xúc (émotive). Vì con người đức hạnh không phải là cỗ máy bán kẹo và nước uống, nhưng là tâm hồn có lòng nhân nên sẵn lòng biếu nước uống và cơm ăn. Vâng, tập quán cảm xúc gây một cảm xúc đã, rồi cảm xúc này mới khiến anh hành động. Năng đức càng mạnh, thì khuynh hướng cảm tính cũng rất sâu, khiến hành động theo năng đức thành dễ, trơn và tinh tế.

Tập quán đạo đức được tạo sinh và củng cố bằng cả hành vi nội tâm (như suy chiêm, nhìn ngắm những tấm gương, v.v.) lẫn hành vi đạo đức bên ngoài.

Tại sao đạo đức lại cần hành động, khi mà đạo đức chỉ là trạng thái nội tâm thôi?

Vì suy chiêm thì khó và ít dịp làm lâu, trong khi dịp để hành động lại có rất nhiều, do đó tình cảm nhờ hành động mà được khơi lại hoài hoài để chóng thành tập quán. Xin nhắc lại rằng đây không phải hành động máy móc, nhưng hành động được thúc đẩy bởi những động cơ và tình cảm tốt. Từ động cơ và tình cảm sinh ra, hành động sẽ tác động ngược trở lại, khiến ý hướng thêm rõ và tình cảm thêm mạnh, sâu. Chúng ta hãy lấy một thí dụ: Anh gặp một trẻ nhỏ rớt xuống sông. Ðộng lòng thương, anh liều mình nhảy xuống cứu. Cứu được, anh cảm thấy mừng như bắt được vàng. Anh bèn bồng nhỏ đưa về nhà nó, vuốt ve tỏ lòng xót thương nó. Và anh cảm thấy lòng mềm lại, thấy thương đứa bé hơn, cũng như thấy lòng nhân của mình có cơ sở thêm vững. Ðể rồi lần sau nếu gặp cơ hội giống thế, lòng nhân được củng cố rồi sẽ khiến anh vào cuộc dễ hơn và hăng hái hơn.

Quả thật, khi một tình cảm đủ mạnh (mà đức tính là một tình cảm), nó sẽ thúc anh động khi có dịp. Có chuyển được thành hành động như thế, tâm tình và đức tính mới thấy "thật" lên, mới củng cố và phát triển tốt. Chứ một tình yêu mà không khiến hy sinh được vì người yêu, một dũng cảm mà thối lui trước nguy hiểm, thì chỉ là hàng giả và năng đức tưởng tượng. Và người ta sẽ xứng đáng bị chế diễu, như thánh Yacôbê đã làm đối với đức tin:

Trong Phúc âm, Chúa Yêsu cũng luôn đòi hỏi, chẳng những nghe lời Cha, mà còn thi hành nữa. Kẻ nghe mà không thi hành thì giống kẻ xây nhà trên cát, chẳng có gì vững chắc cho y (Mt. 7.26-27).

* * *

Chính hành động và tập luyện bằng hành động đã làm nên những tập quán tốt, những năng đức. Mà năng đức là một khuynh hướng cảm tính, nên làm theo cái đức nó đun đẩy thì chẳng phải gắng chi nhiều, nhất là khi được ngọn trào cảm xúc mạnh chở mang đi. Có điều không phải gắng, thì hành động còn giá trị hay không, khi mà nó được trả công bằng vượng cảm (an ủi) rồi? Nói cách khác, phải chăng giá trị đạo đức của công việc là ở cố gắng, là do những khó khăn? Và một công việc có giá phải là việc do ý chí hoàn toàn?

Quả là hành động duy bằng ý chí (không có gì hứng thú để làm), hành động ấy trau luyện ý chí tôi, khiến đạo đức của tôi thành vững chắc, và tôi cứ hành động theo lẽ phải bất chấp những trồi sụt thường xảy ra ở tình cảm. Và đấy là những đêm và đêm tối rất cần để thanh luyện sự đức hạnh của tôi. Có điều nếu tôi đức hạnh thật, thì dù không cảm thấy sốt sắng khi cầu nguyện, phấn khởi khi làm việc lành, ở sâu thẳm trong tôi vẫn có một đức Ái sâu xa, những khuynh hướng cảm tính tốt đẹp, dù ẩn chìm trong bóng tối của vô thức. Chính vì để nuôi dưỡng những khuynh hướng cảm tính ấy mà tôi phải suy chiêm. Há chẳng phải chiêm để yêu Chúa và anh em, suy để ghét tội và có thái độ từ bỏ đấy ư?

Ngay cả ý chí cũng cần đến tình cảm để tăng gia sức mạnh. Ý chí phần lớn do yếu tố Ðộng (Activité) của tâm, và nó hướng ta về hành động. Nhưng với con người thể-tâm-thần ba mặt, thì dù ý chí mà hoàn thiện cũng không thể thiếu khuynh hướng cảm tính.

Thần khí với đoàn sủng. Hành động kiến thiết với đức Vọng

Lời là Ý thức của Cha về mình. Lời nhập thể đã giãi sáng Cha giữa dương gian. Con người Yêsu quả là Khải mạc viết hoa về Cha Ngài cùng với ý định Cha muốn cứu vớt.

Là Khải mạc viết hoa về Cha, xem ra Lời nhập thể muốn hướng ta về chiêm ngưỡng: một thánh thiện tĩnh, một đường nên thánh đầy hương vị Platon.

Thế nhưng không chỉ có Lời nhập thể, mà còn có Khí giáng lâm; và Thần khí ấy không chỉ soi sáng, dậy dỗ bên trong, mà còn hành động bên ngoài nữa. Vâng, Thần khí giáng lâm đã biểu hiện sự giáng lâm của mình bằng một chấn động mạnh giữa thế giới, chấn động nó chấn động thế giới. Thần khí là Ðộng năng (dunamis, sakti) mà! Ðây là Ðộng năng đã từng tạo thế; Ruah Yaveh lượn trên mặt nước (Stt. 1.2), để rồi sẽ tái tạo thế bắt đầu từ con người Ngôi Hai: Ðộng năng đấng Tối cao (dunamis hupsistou) bao phủ nàng (Lc. 1.35), rồi loài người nơi con người ấy: Lưỡi lửa trên đầu từng người khi mà phòng họp rung lên vì khí động từ cao (Tđcv. 2. 2-3).

Ở chỗ là Ðộng năng hay sức mạnh tạo tác của Thiên Chúa, Thần khí hướng về hành động, để rồi khi được trao tặng cho ta, Ngài cũng hướng ta về hành động nữa. Hành động theo Ngài là hành động tái tạo con người ta nhờ ân sủng, hành động kiến tạo Huyền thân Chúa (Eph. 4.12) nhờ đoàn sủng. Ân sủng và đoàn sủng, đó là những gì Thần khí sinh ra trong ta do sự có mặt của Ngài. Ân sủng và đoàn sủng, đó là những gì phân ra trong cùng một luồng thổi giản đơn của Thần khí, nên không hề tách biệt, mà phân biệt cũng chẳng mấy khi rõ lắm. Do đó, nên thánh và mở Nước Chúa luôn đi đôi với nhau.

Vậy, trong khi tăng trưởng thiêng liêng ở chính mình, mỗi người chúng ta hằng được thúc đẩy để chung tay xây đắp Giáo hội thành con người hoàn chỉnh Chúa Kytô. Sự thúc bách cũng như năng lực làm như thế hiển lộ rõ trong các đoàn sủng, đặc sủng mà Thần khí phú cho mỗi người khác nhau tùy vai trò họ phải đóng.

Vậy đi vào luồng thổi Thánh Linh và tiếp nhận ở đó ân sủng, đặc sủng, bó buộc chúng ta phải sinh lời cho nén bạc vốn, bó buộc chúng ta phải hành động trong đức Vọng cho sự hoàn thành Vương quốc Thầy ở cuối đường lịch sử. Hành động trong đức Vọng đúng là đi vào con đường Thần khí muốn đổi mới mặt đất, nên cũng là buông mình vào luồng thổi ấy đang thánh hóa chính mình tôi. Vâng, tôi không thể nên thánh mà không hành động cho Nước Cha mở đến. Và Nước Cha tăng trưởng cũng âm vang trong tôi thành sự tăng trưởng cách nào đó của chính tôi.

Thế nào rồi Thần khí cũng hoàn chỉnh Thân mình nối dài của Chúa ở điểm cánh chung, và hoàn chỉnh với sự hợp tác của chúng tôi, và đây là niềm vinh dự lớn lao cho tôi. Tôi chỉ việc buông mình theo luồng thổi của Thần khí, và đấy là bằng đức Vọng căng hướng về cái Tương lai cuối mà Thần khí muốn xây nên, là bằng hành động đóng góp bằng phần riêng của mình tùy theo đặc sủng Ngài ban cho mình. Trong khi hành động, tôi cũng phải ý thức về sứ mệnh chung của cộng đồng Dân Chúa, trong đó mỗi người góp phần của mình, và do đó phối hợp hành động với nhau, kỳ cho đến khi hoàn thành kế hoạch Thần khí là đặt tất cả dưới bệ chân của Chúa (Eph. 1.22).

Hành động và sống đạo với năng đức thiên phú

Ðức Vọng hướng ta về tương lai, về dựng xây Nước Chúa, do đó nghiêng nhiều về hành động. Hành động đi đôi với chiêm để xây dựng cho mình. Hành động hướng ra ngoài để kiến thiết cho người khác. Hành động trong hướng đi của Vọng nên hăng say. Hành động trong đức Vọng nên tin tưởng. Mà Tín Vọng, ở chỗ đầy đủ của chúng, cũng hừng lên đức Ái nữa. Tín-Vọng-Ái, đó là năng đức thiên phú đối thần.

Giữa các đức đối thần, đường ranh không rõ nét đâu. Mà cũng không rõ nét đường ranh giữa đối thần với đối vật, nhất là với đối nhân, khi mà yêu siêu nhiên, ta phải yêu tất cả trong Chúa và yêu Chúa nơi anh em mình.

Năng đức là những khuynh hướng, tập quán luân lý. Năng đức tự nhiên do luyện mãi mà thành. Người ta luyện bằng cả hành động bên ngoài lẫn hành vi bên trong. Hành vi bên trong là những cố gắng khơi động tâm tình bằng suy tư và tưởng tượng. Hành động bên ngoài thì bằng cử chỉ, lời nói, việc làm. Ðể luyện đức Nhân chẳng hạn, người ta phải nghĩ tốt về người khác, tưởng như họ có gì rất đáng kính đáng thương. Rồi làm những cử chỉ thân thiện đi đôi với lời nói dịu dàng và những hy sinh giúp đỡ.

Tuy đức là do hành vi bên trong và hành động bên ngoài kết luyện thành, nhưng đóng góp của bản tính cũng chẳng phải là không quan trọng đâu. Ðóng góp ấy là dự kiện tự nhiên (disposition naturelle), tức bẩm sinh do khí chất (tempérament). Kẻ mạnh về cảm tính (émotivité) và nghiêng về hướng tha thì dễ tập quên mình và thiện cảm với người, hơn là kẻ mạnh về động tính (activité) và nghiêng về hướng ngã, hay tính khép kín.

Ngoài dự kiện tự nhiên, còn có dự kiện siêu nhiên nữa. Dự kiện siêu nhiên, đó là ân sủng và sự thấm nhiễm của ân sủng vào khiếu năng thành những năng đức thiên phú. Năng đức thiên phú đưa ân sủng vào cuộc sống trong chiêm hưởng và hành động. Chúng gồm năng đức đối thần hướng tôi về Thiên Chúa và năng đức luân lý hướng tôi về tạo vật, cách riêng về con người.

Năng đức thiên phú là những khuynh hướng, chúng nhắm cuộc sống và hành động. Vì do ân sủng từ trong nhiễm hóa các khiếu năng, chúng mới chỉ là khuynh hướng trong trứng nước thôi. Phải có tưới tẩm bằng suy chiêm và "rodage" bằng hành động thì chúng mới lớn thành cây, kết thành quả và hiện hình lên ở cảm nghiệm bên trong và cuộc sống bên ngoài. Bởi thế, khi vừa chịu Phép rửa, có ân sủng và năng đức rồi, mà đương sự có thấy thay đổi gì đâu. Vì thế, phải phân biệt năng đức thiên phú và mặt tâm lý hay cảm nghiệm của năng đức ấy. Ai cũng biết hai yếu tố mật thiết với nhau, nhưng đâu là quan hệ, thì người ta khó đồng ý với nhau được. Thật ra, điều người ta thường tranh cãi chỉ liên quan đến mối tương quan giữa một đằng là sự gia tăng đức siêu nhiên và đằng kia là cố gắng của con người.

Theo học phái Suarez, nhờ hành vi năng đức mà ta có công đức (mérites), để nhờ công đức mà Chúa tăng thêm ân sủng cùng với đức thiên phú. Nói rõ hơn, sự gia tăng ân sủng và đức thiên phú đã thành món tiền thưởng, mà công đức là nguyên do. Một tương quan thuần pháp lý và ngoại khởi qua trung gian của một yếu tố ngoại tại: cái công tự nhiên của tôi.

Học thuyết Tôma-phái xem ra tinh tế hơn một tí: Hành vi theo năng đức (hành vi tự nhiên, hẳn thế) tước bỏ những trở lực về phía con người, nhờ đó ân sủng và năng đức thiên phú tác động mạnh lên, và hành vi năng đức (hành vi tự nhiên nữa rồi) mạnh thêm, và điều này kéo theo sự gia tăng năng đức và ân sủng từ phía Chúa. Nói cho gọn, cố gắng (tự nhiên) của tôi làm nên một dự kiện (disposition), còn việc gia tăng ân sủng và năng đức siêu nhiên là việc của riêng Chúa hoàn toàn. Ðúng là học thuyết này bảo vệ được tính miễn phí (gratuit) của ân Chúa, nhưng cố gắng con người chỉ có giá trị tiêu cực và tự nhiên là tháo gỡ những chướng ngại để ân Chúa làm việc một mình. Người ta đã phân cách tự nhiên với siêu nhiên, và biến ân sủng thành một món đồ tặng trao nó tách khỏi người được trao tặng.

Như đã nói trên kia, ân sủng không phải là một món đồ, một bản thể đứng riêng. Ân sủng là chính Chúa ở chỗ Ngài yêu tôi và tự thông ban cho tôi (ân sủng chủ tạo); đồng thời là chính tôi ở chỗ được cải hóa thành đáng yêu và sung sức do sự ôm hôn ấy của Chúa (ân sủng thụ tạo). Ðể rồi khi tôi hành động trong ân sủng, thì đó là tôi đang làm bằng sức Chúa tự thông cho, cũng là làm bằng sức tôi được nâng lên và cải hóa trong sức Chúa. Một sự thành một nào đó khiến trong việc ấy, tất cả là do Chúa, mà tất cả cũng do tôi. Một sự thành một sinh động, khiến tôi có thể cảm như "không phải là tôi sống nữa, mà Chúa Kytô sống nơi tôi" (Gal. 2.20). Sự đồng tác của tôi với ơn Chúa gọi là hợp tác (coopération) vì là tùy phụ. Tuy tùy phụ, nhưng vẫn trọn vẹn là của tôi, khiến cho với ơn Chúa, vẫn là tôi hành động để kiến thiết Thân mình Chúa ở cả nơi tôi lẫn nơi Giáo hội Ngài (Eph. 4.7, 12-13). Nếu đây là sự lớn lên thiêng liêng của tôi, thì sự hợp tác của tôi hẳn là căn bản. Còn nếu đây là sự tăng trưởng của người khác, thì sự hợp tác của tôi bằng đặc sủng chỉ là thứ yếu thôi.

Vậy, trong tất cả, hãy làm "gà mái" trước Chúa, hành động hết sức mình, nhưng chỉ tin vào Chúa như tác giả chính của tất cả, như có người đã nói:

— Hành động như tất cả là do mình, tin như tất cả là do Thiên Chúa!

"Như tất cả là do mình" thôi sẽ khiến ta kiêu căng. "Như tất cả là do Thiên Chúa" thôi sẽ khiến ta không làm hết mình. Dung hòa được cả hai ý nghĩ mới làm nên một thái độ thích hợp trong hành động.

* * *

Nếu sự phát triển năng đức đòi hỏi sự hợp tác của tôi bằng cả hành vi suy chiêm lẫn bằng hành động bên ngoài, mà hiệu quả là khơi động tâm tình và củng cố khuynh hướng, thì tại sao lắm lúc tôi có cảm giác suy thoái, mà sự thật không phải thế; ngược lại có khi tôi cảm thấy mình tin yêu nhiều, mà hễ hết "cơn sốt" cảm tính ấy, lại bỏ cầu nguyện ngay? Phải chăng cảm nghiệm và khuynh hướng cảm tính chẳng đóng vai trò gì hết, và do đó, suy chiêm hay hành động cũng vô tích sự luôn?

Ðúng là không nên vụ vào cảm và nghiệm, vì cảm xúc trồi sụt thất thường tùy theo "thời tiết" bên ngoài cũng như điều kiện tâm sinh lúc ấy của tôi. Thế nhưng, phải phân biệt nghiệm cảm với tình cảm có thật. Tình cảm của chị với con chị thì thường hằng, nhưng không vì thế mà chị luôn cảm thấy yêu nó và yêu mãnh liệt được. Nên dù lúc không có cảm xúc yêu, chị vẫn săn sóc con như đang rất yêu.

Ngoài ra, còn phải phân biệt giữa cảm xúc hữu thức và tình cảm vô thức nữa. Ðôi khi lòng say yêu một người rất thiết tha ở vô thức, mà lại biểu hiện ở ý thức bằng những cảm xúc ghét hận khó hiểu. Và đôi khi một tình cảm mạnh do cấm cản mà rút vào vô thức, có thể hướng về một đối tượng khác để thay thế trong đời sống hữu thức (của tâm bệnh, cố nhiên).

Năng đức thiên phú cũng mọc lên từ ân sủng trong vô thức. Phải có sự tập dượt của tôi để nó lộ dần trong cuộc sống và trong nghiệm cảm. Dẫu thế, khi đã sống năng đức ấy sâu xa rồi, đôi lúc tôi vẫn không cảm nghiệm nó và chẳng hứng thú gì khi hành động theo. Nhưng nếu tôi vẫn hành động bất chấp cảm nghiệm, đó là vì năng đức vẫn tác động mạnh vào ý chí của tôi.

Có điều, để năng đức tỏa lan đến hết cuộc sống, thì không thể nó không trở thành một khuynh hướng cảm tính, khiến tôi hành động dễ dàng và đầy hứng khởi. Khuynh hướng cảm tính này thường chỉ lớn lên trong suy chiêm và hành động. Và sự tăng trưởng này có âm vang ở bề sâu, chỗ mà con người nội tâm tôi đang gặp Chúa trong ân sủng. Và như thế, con người nội tâm lớn lên trong ân sủng (ân sủng cả về mặt thụ tạo lẫn chủ tạo). Vậy nếu con người nội tâm và ân sủng thụ tạo lớn lên do hành vi năng đức của tôi, há chẳng phải năng đức cũng lớn theo do đó, khiến cho sự hợp tác của tôi không chỉ đẩy lui những chướng ngại, mà còn gia tăng ân sủng và củng cố năng đức thiên phú?

Thiên Chúa vẫn là nguyên ủy (principe) của sự tăng trưởng ấy, và tôi là đồng nguyên nhân. Nhưng chính tư thế và khả năng đồng nguyên nhân này lại là hiệu quả của ân Chúa. Ân Chúa đã bắt đầu và ân Chúa đi suốt chiều dọc cố gắng của tôi cho đến khi tận kết ở hiệu quả cuối cùng là sự lớn lên của tôi và của Thân mình Chúa. Do đó, tôi phải luôn ở trong tư thế đón đợi và thụ tiếp, và đó là cách để tôi mạnh lên: "Khi tôi yếu, đó là lúc tôi khỏe" vậy!

Cách nên thánh bằng hành động

Hành động, một khi bằng ý hướng (của tôi) nó đi vào đúng hướng của Tạo hóa là phát triển không gian sống và thăng tiến giống người, hay khi nó đi vào đúng kế hoạch Thần khí là hoàn thiện tôi và dựng xây Thân mình Chúa, hành động như thế không thể không kéo xuống ân sủng, đặc sủng Chúa, không thể không thánh hóa tôi và tỏa sức thánh hóa quanh tôi. Có điều làm sao để ý hướng mình đi vào hướng ý muốn Chúa, và trong cụ thể, làm sao để thánh hóa hành động đây?

Trước hết, nên lưu ý rằng hành động gặp nhiều nguy hiểm hơn là suy chiêm, nguyện cầu gấp bội. Cầu nguyện dễ tạo bầu khi thiêng liêng bao quanh tôi. Suy chiêm tự đưa tôi đến gặp Chúa ở sâu trong lòng mình. Trái lại, hành động dễ hướng tôi ra ngoài, về phía những "người trần mắt thịt" mà tôi ưa tiếp xúc, về phía những công việc chúng làm bận tâm tôi ngay cả trước bàn thờ, về phía chính cái Tôi nó muốn bằng thành công tự khẳng định mình như một "siêu sao" trước mắt người khác.

Vậy trước hết, để thánh hóa hành động, tôi phải thanh tẩy ý hướng trong hành động. Làm sao để hạ cái Tôi xuống khỏi ngai vàng, và chỉ hướng sự quan tâm đến hưng suy Nước Chúa và hạnh phúc của anh em! Có thể những động cơ này cũng có mặt cả đấy, nhưng xen lẫn với những động cơ xấu chúng có thể lấn át những động cơ trên. Nên cần "dọn cỏ lùng" và làm nổi cao những cây lúa tốt. Bằng vấn tâm và suy chiêm, bằng bỏ ý riêng và nhiều hy sinh khác, ta có thể tỉa lá dần dần.

Làm sao làm nổi cao cây lúa đây? Nghĩa là làm sao mang tới cho hành động những ý nghĩa hay mục đích cao đẹp?

Chúng ta thử trở về với ý nghĩa thanh bần và khiêm nhường của lao động trong đời sống tu xưa.

Vất vả để kiếm cơm, có lẽ đấy là cách đi vào số phận của người nghèo, cũng là để liên đới với những anh em cùng túng ấy. Sống bằng chính đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình, người nghèo đánh giá đồng tiền ấy bằng sức nặng của mồ hôi nước mắt kia, do đó không dám phung phí nó như những công tử bột con nhà giàu đâu.

Coi khinh đồng tiền và tiêu không cần tính cũng là thái độ của một số tu sỹ hôm nay, khi mà họ không phải lo cho ngày mai vì đã có ông quản lý lo thay rồi. Do đó thiết tưởng thúc con cái hay tu sinh làm việc đôi phen, ít là để thêm tiền mua sách chẳng hạn, đó lá cách giúp những tâm hồn trẻ ấy biết tiết kiệm, biết trọng của cải như tặng vật của Chúa và công sức của anh em, biết liên đới với những người lao động ấy cũng như cảm thông với những thành phần nghèo khổ.

Nhưng coi chừng! Việc trọng đồng tiền cũng là con dao hai lưỡi đấy. Nó có thể biến anh thành con người biển lận, ưa tích lũy mà không dám tiêu khi cần thiết. Tâm hồn anh khi ấy sẽ đầy tràn lòng yêu của, khiến không "hư kỳ tâm", không siêu thoát được. Thế thì đâu còn "thanh bần trong tinh thần" thực sự nữa?

Do đó, bên cạnh công việc làm ăn, phải có những việc làm không ăn. Như bác sỹ khám bệnh không công đôi phen, cho thuốc không lấy tiền. Như thợ xây có thời đi xây không nhà cho viện cô nhi. Như cô giáo dạy ngày có lương rồi, sẽ dạy không lương cho một lớp học tình thương ban tối. Làm để ăn giúp chúng ta sống nghèo vật chất. Làm không lương như một nghĩa cử giúp ta "nghèo trong tinh thần" và biến hành động của ta thành vô vị lợi, thành cao thượng.

* * *

Thật ra, làm không lương dễ đặt ta vào thế thượng phong cũng như đặt kẻ được giúp đỡ vào thế hạ phong của kẻ chịu ơn, phải cầu cạnh. Nên nếu việc làm ấy có thể mang ý nghĩa thanh bần và phục vụ, thì nó cũng có thể thổi phồng cái Tôi, thỏa mãn máu ham thống trị và lòng tự ái. Chúng ta đã chẳng thấy đôi phen một nữ tu bán hàng hay mấy cô bán hàng quốc doanh trước đây, vì không cần bán thứ vốn không phải của mình, đã tỏ vẻ kênh kiệu như những kẻ bố thí đó sao? Vậy làm mà ăn và lụy người khác để có ăn sẽ khiến ta khiêm tốn hơn. Nhất khi đây là việc tay chân, việc hầu hạ.

Việc tay chân ư? Xưa bên Âu châu, việc ấy chỉ dành cho nô lệ thôi, nên người tự do hết sức né tránh nó. Cũng bên Âu châu thời ấy, phải làm để sống tỏ rõ vị trí xã hội thấp kém của mình. Cho nên người quý tộc suốt năm tháng dong chơi, tiệc yến, dành việc coi sóc điền trang cho một quản lý thường dân.

Ngày nay, ở các nước tiên tiến, người ta bắt đầu coi trọng lao động và coi khinh kẻ vô công rồi nghề. Thế nhưng người ta vẫn so sánh giữa các loại hình lao động khác nhau. Lao động điều hành dĩ nhiên hơn hẳn lao động của kẻ thừa hành rồi. Lao động trí thức hay nghệ thuật được tôn kính khác hẳn công việc lấm láp dưới mỏ, công việc khuân vác ở bến tàu, công việc quét dọn ở nhà hàng và công viên. Và dĩ nhiên nghề tự do không thể được sắp ngang hàng với công việc của kẻ hầu người hạ trong nhà, công việc nó đặt họ vào giai cấp và tư thế đầy tớ trước ông chủ và bà chủ.

Vậy, muốn nên thánh bằng khiêm nhường, và khiêm nhường trong hành động, hãy cố làm một số công việc tay chân như làm vườn và quét dọn trước cổng; hãy làm lấy những việc của riêng bản thân, như quét phòng và dọn cầu tiêu, giặt dũ, chứ đừng bắt ai hầu hạ mình khi mình có thể làm được,

Dầu sao cũng nên nhớ: Bất kỳ hình thức lao động nào cũng có thể là con dao hai lưỡi cho đời sống đạo đức. Một người thuộc tầng lớp thường dễ tránh mấy công việc tầm thường để khỏi bị coi khinh. Chứ một người được xếp vào giai cấp trên rồi có thể bị cám dỗ làm đôi việc của người dưới, để do đó được tôn kính như một ông tuy lớn mà lại có óc bình dân.

Trong các việc, thì việc tay chân khi không đòi nhiều tập trung (trong cuốc đất chẳng hạn) dễ khiến ta đưa lòng lên với Chúa. Nhất là khi được làm nơi thanh vắng hay giữa thiên nhiên.

Những việc trí thức thường cũng phải được làm nơi thanh vắng, nên từng lúc khi tạm ngưng, cũng cho phép ta đi vào nguyện cầu, nhè nhẹ thôi, do mệt trí rồi, cố nhiên. Có điều công việc trí thức hay nghệ thuật dễ làm phổng mũi tôi, do đó mà một số thánh tổ lập dòng muốn dòng né tránh nó.

Trong các việc trí thức, thì dạy học có lẽ nguy hiểm hơn, do cám dỗ làm thày cũng như cám dỗ thống trị. Bởi thế, thay vì nghĩ về mình, hãy nghĩ về học trò của mình, coi họ như con đẻ trong Chúa, những đứa con mà tôi muốn bồi đắp cho. Không phải để họ lụy tôi, nhưng để tôi được dâng họ cho Chúa.

Ðối với những việc khiến tôi phải bận tâm, tiếp xúc nhiều, cũng như đôn đáo ngược xuôi, thì cần cố gắng lắm, tôi mới khỏi bị cuốn hết ra ngoài và giữ được sự bình an bên trong. Bởi thế trong khi làm việc, từng lúc tôi phải biết dừng lại, phút giây thôi, để hâm nóng mình bằng những lời nguyện tắt, những cú liếc mắt nhanh về phía Trời. Rồi khi ngưng lâu được, hãy làm sáng tỏ lại ý nghĩa của việc, động cơ của tôi. Sự cân bằng của lực hướng tâm này với lực ly tâm của công việc ấy rất cần cho sự nên thánh bằng hành động. Chúng ta có thể chen Thiền vào giữa những buổi làm việc. Chúng ta phải trở về với phương pháp "Chiêm để yêu" khi đối tượng của chiêm và yêu không chỉ là cỏ hoa và chim chóc (nơi thánh Phan sinh), mà còn là người trần và tác phẩm của nó nữa.

* * *

Linh hồn của hành động là động cơ của nó. Ðộng cơ là cả ý nghĩ lẫn tâm tình, nên yếu tố cảm tính trong việc thánh hóa của hành động là vô cùng quan yếu.

Mà nói đến cảm tính, thì một người hội nhất như một con người không thể không hội nhất về cảm tính và đức hạnh. Sự hội nhất cảm tính và đạo đức ấy sẽ lộ ra trong hành động và đời sống. Cũng như sự hội nhất ở đời sống và hành động sẽ quyết định và củng cố sự hội nhất bản thân về mặt cảm tính và đạo đức nói trên.

Vì thế, chúng ta không nên hành động gặp chăng hay chớ, không nên hành động lung tung, bạ gì cũng làm, vì mục tiêu gì cũng xong. Hãy biết tổ chức cuộc sống và hành động xung quanh một hướng đi duy nhất. Hãy tập trung sức lực vào một hai công việc chủ chốt, tập trung hành động bao nhiêu có thể xung quanh vài mục tiêu nhất định.

Ðể hội nhất con người đức hạnh, thường nên hội nhất bằng lòng Nhân, đức Ái, trung tâm và cao đỉnh của mọi đức. Vậy làm gì, hãy làm vì tình yêu đối với Chúa, tình thương đối với anh chị em. Hãy tìm hạnh phúc của anh chị em, dù đây là hạnh phúc tự nhiên hay siêu nhiên, vật chất hay tình cảm. Có điều cái mà tôi nhắm cuối cùng phải là hạnh phúc toàn vẹn của họ trong Chúa, dù công việc của tôi không dính dáng gì đến lợi ích thiêng liêng của họ.

Nói cho đúng ra, sự hội nhất của hành động không nằm ở thân xác nó là hình thức, cho bằng ở linh hồn nó là động cơ. Bởi thế, một cha sở đối với con chiên, một bà mẹ đối với lũ nhỏ, có thể làm mọi thứ việc cho chúng và vì lợi ích của chúng, mà những việc ấy dù đa tạp, vẫn chỉ làm nên một việc thôi, việc hầu hạ bầy con của mình và biểu lộ tình yêu bằng sự hầu hạ ấy.

TÓM LẠI

Vật chất chỉ tồn tại trong biến dịch. Và sự đổi thay tổng quát là từ đơn nhất sang phức đa, từ thô sơ đến hoàn mỹ. Cho nên, phức đa và biến dịch không nói lên một thoái hóa, ít là đối với vật chất. Cả hành động và thụ động, điều kiện cho những đổi thay ấy, cũng chẳng xấu xa gì.

Thế nhưng con người có phải là vật chất hay không?

Các thuyết nhị nguyên chủ trương con người là tinh thần thôi, nên cần giải thoát nó khỏi nhà tù vật chất, giải thoát luôn khỏi những đổi thay cùng với hành động và thụ động.

Trái lại, Kytô-giáo coi con người là xác thần hai mặt, sáng tạo là việc tốt của Thiên Chúa, con người được làm nên để hoàn thiện tác phẩm ấy, nhất là để hoàn thiện chính mình. Bởi thế hành động, mà phản chấn làm đổi thay chính mình, thành quan yếu đối với chúng ta. Nhất là khi Thần khí, như động năng của Thiên Chúa, đã là tác giả của cả sáng tạo lẫn tái tạo siêu nhiên. Vậy hành động theo hướng sáng tạo và tái tạo ấy cũng là buông mình vào luồng thổi của Ngài, để Ngài thánh hóa ta bằng ân sủng nó đòi ta hợp tác, và thánh hóa xung quanh ta bằng đoàn sủng nó giúp ta hành động.

Dẫu sao, hành động dễ hướng ta ra ngoài về phía công chuyện và người đời, về phía tư lợi và hư danh. Do đó, phải cân bằng sức ly tâm này bằng lực hướng tâm được tạo nên bởi xét mình và nguyện cầu, bởi cố gắng thanh luyện động cơ và ý hướng.

Hãy đưa vào lao động những ý nghĩa như khiêm nhu và thanh bần. Sự làm việc kiếm sống đặt ta vào vị thế người nghèo và giúp ta liên đới với giai cấp lao động. Làm một số việc tay chân và việc hầu hạ cũng khiến ta khiếm tốn hơn. Ngoài ra, dành một phần thời gian cho những phục vụ không công sẽ đưa ta vào tinh thần vô vị lợi và siêu thoát.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page