KHỔ LUYỆN VÀ KHỔ HẠNH

Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Ở phần A, trong chương VII về Từ bỏ..., chúng ta đã nói đến khổ hạnh. Nhưng khổ hạnh chính cống không phải chỉ Bỏ cái khoái, mà còn Nếm cái không ưa. Khổ hạnh Kytô-giáo, theo truyền thống phương Tây, nghiêng hẳn về hai mặt này.

Khổ hạnh đó có tên là Ascèse. Askêsis đúng nghĩa là thao luyện, sự thao tập của quân lính ấy, nên cực nhọc và vất vả vô cùng. Thao luyện trong tu đức cũng thế, bởi nó đòi đủ thứ kiềm chế. Những phấn đấu để kiềm chế ấy có thể để lại dấu ấn trên một gương mặt khắc khổ.

Trong truyền thống Kytô-giáo, Askêsis chẳng những mang ý nghĩa khổ luyện, mà còn thêm ý nghĩa hy sinh, tế hiến nữa. Tự chuốc lấy khổ sở mà không vì — ít là không chỉ vì — mục đích tu luyện, thì Askêsis phải được gọi là khổ hạnh suông.

Khổ luyện phương Ðông: bằng Lễ và Ðịnh an

Trực tiếp, khổ hạnh đi vào cái tiêu cực: bỏ sướng và bớt sống. Nên nó thành vô nghĩa nếu không vì một cái gì tích cực. Ðể khỏi quên mối thù, Câu Tiễn đã đêm ngày nếm mật nằm gai. Không phải chỉ để nhớ suông, mà còn nuôi thù, cho nó ngày lớn sâu thêm mãi.

Thường thì người ta dùng khổ hạnh để rèn chí, đồng thời tăng sức chịu đựng, sự gan lỳ. Khổ hạnh cũng giúp tôi tự chủ nữa. Phần đông thường lẫn Muốn với Thích. Vậy phải sống khổ chế để phân Muốn ra khỏi Thích, nhờ đó tăng cường cho ý chí chống lại sức lôi kéo của những đam mê.

Nói chung, cái thích của xác thường nghịch cái ích của tinh thần, nên để xác quy phục tinh thần thì phải trị, phải kiềm chế nó. Bởi thế, con đường tu thân luyện đức, đường giải phóng tinh thần, bao giờ cũng là đường Khổ, nhất là ở những giai đoạn đầu tiên. Ðể luyện đức Dũng ư? Dũng của nhà binh thì phải dầm sương giãi nắng, dũng của nhà tu thì phải đánh xác bỏ ăn. Còn luyện đức Nhân? Hy sinh cái thích và sự an vui của mình để bớt cái khổ và sự long đong của người khác.

Ðể khổ luyện đạo đức và diệt nết xấu nói chung, người ta quen dùng phương thức Ðối đầu. Ðây là phép "dĩ cương trị cương" của Kytô-giáo xưa. Có điều lấy cứng chống cứng thì dễ sinh thương tổn. Phương đông không phải là không xài cứng, nhưng nghiêng về cái mềm. Không phải mềm như bún đâu, nhưng mềm dai dẻo như cao su. Tiêu biểu nhất, đó là con đường Nước của Ðạo đức kinh: lấy nhược mà thắng cường!

Tuy không chuyên nhu, nhưng Khổng giáo cũng mềm hơn là tu đức phương Tây. Còn Ấn độ thì phát minh cả một hệ thống kỹ thuật với Nhu là nguyên tắc chỉ đạo. Quả thế, nếu đạo Nho thuần hóa cái Tâm bằng Lễ, thì Ấn độ lại làm trầm ổn nó bằng cách ngồi, cách thở, cách ăn uống và đi đứng, cách suy tưởng và định thần.

* * *

Chúng ta hãy bắt đầu với thao luyện Khổng giáo.

Ðể tiết giảm ham muốn, hướng dẫn tình cảm và thuần hóa con người, Khổng tử đã dùng Lễ và Nhạc: Lễ để đắp đê ngăn ngừa sự lăng loàn của các xung động, Nhạc để hòa hợp các dòng sức cảm tính cho một hướng đi lương chính và nhân ái.

Nên nhớ, Lễ không phải là luật. Luật nhắm trừng phạt kẻ phạm lỗi, lễ ngăn trước cái lỗi ấy. Luật cấm những hành vi xấu, còn Lễ, bằng cách uốn nắn lời nói, cử chỉ, hành động bên ngoài, sẽ tạo sinh những tình cảm và khuynh hướng tốt ở bên trong.

Lễ theo thói thường dễ thiên về hình thức, nên cứng nhắc và hời hợt, khiến tinh thần bị lãng quên và con người mất thoải mái. Chứ trong ý nghĩ của đức Khổng, thì có gì rất thanh thoáng và ý nghĩa sâu xa:

"Lễ là cái thực (cái thành cụ thể) của Nghĩa (ý nghĩa và tinh thần). (Nếu điều gì thấy) hợp, mà đúng là hợp với Nghĩa (ý nghĩa thiêng liêng), thì dù tiên vương chưa đặt, cũng cứ tùy theo Nghĩa mà (sáng) chế ra" (Lễ ký: Lễ vận, IX).

Vì nhắm tinh thần, nên Lễ tùy thuộc tinh thần, chứ không ngược lại. Vì Lễ phải diễn tả một tâm tình (cao đẹp), nên nó không xơ cứng ở hình thức.

Ði đúng hướng ấy, Lễ sẽ có tác dụng là ngăn những việc xấu bốc đồng và ươm trồng những đức tính cao đẹp:

Cái gốc của Lễ và Nhạc là ở trời đất: Lễ thì phân ra cho tôn ti, trật tự, Nhạc thì hợp vào để có hóa hóa sinh sinh:

Âm nhạc có ảnh hưởng lớn đến tâm hồn như thế, nên nghe tiếng nhạc, có thể biết chính trị của một nước là dở hay hay: "Thẩm nhạc dĩ tri chính" (Lễ ký: Nhạc ký, XIX). Vậy để hóa dân, tuy âm nhạc cần thật đấy, nhưng cần hơn cả là một chính sách âm nhạc, làm sao để "Lạc nhi bất dâm, ai nhi bất thương (làm tổn hại)" (Ibidem, XIX). Thiết tưởng phải thêm "Hùng nhi bất bạo (hung dữ)" nữa.

Người làm âm nhạc hay quản lý âm nhạc cần nhớ đến trách nhiệm nặng nề của mình. Bằng những điệu nhạc khi đã phổ biến, về dài về lâu, anh có thể thăng tiến hay tiêu diệt cả nhiều thế hệ. Nếu nhạc đi vào đúng hướng phải có của nó, thì cùng với một thứ Lễ chân chính và bình dị, nó sẽ cải hóa loài người thành nghĩa khí, thành nhân:

Lễ và nhạc là hai nhân tố cần sóng đôi trong giáo dục, với Nhạc cảm hóa bên trong và Lễ tác động từ ngoài: "Nhạc dã giả, động ư nội giả dã; Lễ dã giả, động ư ngoại giả dã. Nhạc cực hòa, Lễ cực thuận" (XIX). Quả thật, Nhạc do Ðồng mà sinh tương thân, Lễ do Dị mà sinh tương kính (XIX). Bởi lý do Nhạc là sự hòa hợp của trời đất, nên kẻ thiếu lòng nhân thì không thể đi vào chân Nhạc (Luận ngữ: Bát dật, III).

Chẳng những Lễ và Nhạc cần đi đôi để bổ túc cho nhau, mà còn phải dùng chúng với liều lượng vừa đủ, kẻo Nhạc quá sẽ sinh buông thả, mà Lễ quá lại gây xa cách:

Cho nên, trong Lễ phải chú ý đến ý nghĩa, tinh thần; còn trong Nhạc, cũng cần một kỷ luật nào đó.

Các nhạc sỹ thường sống theo cảm hứng mỗi lúc, nên khó làm chủ xung động nếu không tập quen cưỡng lại và hướng dẫn chúng. Kẻ muốn tu thân bằng Nhạc còn phải tránh những loại nhạc quá ủy mị hay sắt máu, khiêu dâm. Những loại nhạc ấy, hoặc không đi vào hướng Hòa của trời đất, hoặc thiên về tính địa khí (chtonien) thay vì thiên khí của sự hòa hợp này. Vâng, đức Khổng quên rằng Hòa hợp cũng có hai hướng đi đấy. Con người là chỗ gặp nhau của cả thiên với địa, âm với dương. Nhưng để làm người, làm thánh, nó cần phải lấy thiên, dương trong mình mà lôi địa, âm đi theo, chứ nếu để ngược lại, thì thành "quỷ" (âm khí) mất.

* * *

Phương thức dùng Lễ để hóa dân của đức Khổng đúng là cách chích ngừa để ngăn bệnh, cách đào mương dẫn lối để tạo sinh những tình cảm và thói quen tốt. Có điều phương pháp này thích hợp cho đại chúng hơn, nên không đủ sâu để thỏa mãn tham vọng của một số người muốn tiến xa. Theo Ðạo gia, thì Lễ nông quá nên phủ lấp tầng nền, phân rõ quá, nên điều tốt xuất hiện cũng đánh thức luôn những tiềm năng xấu nữa:

Ðạo gia không chê điều thiện đâu, nhưng chê cách vào thiện nông cạn bằng sự phân biệt ấy. Ðạo gia muốn tiến tới Vô phân, nó là nền móng sâu nhất của Ðạo. Cái vô phân cuối cùng sẽ là vô phân giữa Thân với Sơ, giữa Của Tôi với Của Anh, giữa cái Tôi với tất cả những ai khác, gì khác. Và đây là vượt đơn độc, thắng vị kỷ, điều hết sức khó khăn, bởi nó bứt xé tôi đến tận nền tảng, tận gan ruột. Nhưng có thế mới mở đến bao la và đi vào đúng đạo Trời:

Do đó, muốn tiến sâu vào Ðạo, thì phải tập "Hậu kỳ thân", "Ngoại kỳ thân". Ðối với sinh linh, luôn có thái độ là "Từ", Từ ngay cả với kẻ thù nữa.

Thói thường muốn vơ vào cho mình, mà phải Bất tích (lũy), phải Dữ nhân (mang cho người). Thói thường muốn thắng, mà phải Bất tranh. Thói thường muốn ngồi cao, mà phải Hạ, Tiện. Ðúng là lội ngược dòng, và mức khổ luyện sẽ không gì so sánh nổi. Tự sức mình, liệu con người có làm được như thế chăng? Ðạo đức kinh đề nghị dùng "Nhu đạo". Còn Ấn độ cầu cứu đến Yoga và Thiền, những kỹ thuật khổ luyện khá tinh vi.

* * *

Yoga (do Yuj) là đường tới hay phương pháp tu luyện, định thần. Ðây là thứ kỷ luật có thể được gói ghém trong ba chữ: Yama (giới), Niyama (quy), Dama (tự chế), mà đích nhắm là Ðịnh, An.

Ðể có định an, phải hội nhất nơi mình và hòa đồng với tất cả. Và đây là cái mà Yogi phải hướng về ngay từ ngũ giới.

Ngũ giới, đó là: Giới sát, giới ngoa, giới đạo, giới dâm, giới tích lũy (Yoga-suâtra, II.30). Giới mọi thứ sát sinh vì Yogi muốn hòa với tất cả. Còn để hòa ở nơi mình, thì Yogi phải tránh tham sân, trị xác thịt, giữ tâm ngay thẳng và thành với chân lý.

Thêm vào đấy, còn phải trong sạch và hướng thượng nữa. Và đây là đích nhắm của Ngũ quy: trong sạch (trong ăn, ở, nghĩ tưởng), bằng lòng (với những gì có đó), thanh tẩy, học (đạo), hướng lòng về Chúa bằng mọi việc của mình (II.32). Ðể tránh tội lỗi, phải tập cho quen với những điều tốt ngược lại (33-34). Một tâm hồn nếu muốn thanh cao, còn phải tránh ăn những gì thối tha nữa.

Hành giả Ấn phân thức ăn thành ba loại khác nhau: dương thanh (sattva-tính), âm trọc (tamas-tính) và dục động (rajas-tính). Thức ăn âm trọc là loại hư, thối... tạo sinh những tâm hồn ti tiện, thích cái tà độc và ma quái. Còn thức ăn (uống) dục động như rượu lại kích thích bạo lực và nuôi nhiều ham muốn. Theo Bhagavad - giâtâ XVII, thì thực phẩm dương thanh là loại dìu dịu, tươi xanh, chúng khiến ta vui vẻ, thanh thoát và hướng thượng. Chẳng những chọn chất dương thanh, mà còn phải ăn nó với cung cách dương thanh, nghĩa là từ tốn và không quá mức cần.

Quả thật Yoga là một kỷ luật phủ trọn cuộc sống, từ ngoài vô đến trong, từ thể xác lên đến tinh thần qua tâm trí. Ðể an định ở tâm trí và kiểm soát nó, phải dùng đến tư thế và cách thở của thân, rồi trong Râja-yoga, Thiền, dùng đến cả một kỹ thuật nhiêu khê để kiểm soát cảm giác, tình cảm, trí tưởng và tư tưởng. Khi tâm và thần đã định, thì sự an định ấy cũng có nhiều nấc thang, mà tột đišnh là một an định vô cùng sâu xa, huyền nhiệm, có tên Samâdhi. Chính Samâdhi cũng có tới bốn cấp, khiến sự khổ luyện không thể có ngưng nghỉ.

Khổ luyện trong Kytô-giáo

Tôi nói TRONG KYTÔ-GIÁO, vì không có khổ luyện Kytô-tính riêng. Trong tôn giáo nào cũng thế, ai muốn nên đạo hạnh đều phải lội ngược dòng, phải khổ luyện, thế thôi. Tu đức dù Kytô-giáo cũng là tu đức, nên kỹ thuật nào thích hợp cho tu đức nói chung, thường cũng thích hợp cho chúng ta nữa.

Trong Tân ước, nói đến khổ luyện rõ nhất là Phaolô ở 1 Cor. 9.27:

"Tôi khổ trị thân xác tôi và chế ngự nó, vì e rằng sau khi đã dạy người khác, đến phiên tôi lại bị loại trừ."

Ðây là khổ trị tự mình (chữ dùng là: đánh đấm), chứ không phải ngục tù hay roi vọt mà Phaolô quen chịu từ phía vua quan hay người Do thái. Và việc khổ trị ấy nhằm chế ngự thân xác (trói kẻ thù bại trận mà lôi đi theo ngựa mình). Nếu không trị mình như thế, Phaolô e mình sẽ bị loại khỏi Nước Chúa do tội lỗi.

Phaolô không nói khổ trị thế nào. Có lẽ vẫn là những cách làm quen thuộc trong Do thái-giáo và ở các hiền nhân Hy lạp, như tịnh cốc, không gần vợ, v.v... Sau này, khi nếp tu ra đời, ngoài những "chiêu" quen thuộc đó, người ta còn phát minh nhiều ngón đòn khác, như mặc áo bố có xơ cứng đâm vào da, quấn xích có gai quanh đùi và bụng, dùng dây có bi sắt ở đầu mà đánh vào vai. Ðể cưỡng lại cám dỗ nhục dục, có kẻ còn lăn vào bụi gai hay trầm mình dưới nước băng giá. Có nghĩa là chống lại khuynh hướng tìm sướng khoái bằng mũi dùi của đau khổ. Dần dà, mũi dùi ấy còn hướng về những gì thâm sâu hơn, ở tình cảm và ý riêng.

Xem như thế, khổ luyện trong Kytô-giáo, vốn xuất xưởng ở bên Tây, còn thô sơ quá, chưa đạt tới tầm mức tinh vi và an toàn của Á châu chúng ta.

* * *

Chúng ta hãy nói về Lễ.

Bên Tây cũng có Lễ đấy, nhưng Lễ là ở cúng tế và trong xã giao, chứ chưa nhắm mục đích cao hơn ở Hóa tâm, chưa thành một khổ luyện tu đức như trong tư tưởng đức Khổng. Chúng ta nói ÐỨC KHỔNG, chứ không NHO GIÁO, bởi Lễ của Nho giáo chỉ còn hình thức Lễ, cứng nhắc còn hơn là trong Kytô-giáo nữa. Sự xơ cứng của Lễ trong Kytô-giáo phương Tây, gặp đúng óc nệ Lễ của Nho giáo bên ta, đã sinh ra một "chữ đỏ" (rubriques) rực đỏ, phớt lờ tinh thần.

Vậy vấn đề không phải chỉ là đưa nghi thức dân tộc vào phụng vụ, mà còn — và trước hết — là chỉnh lại quan niệm từ lâu nay về Lễ. Lễ (và Nhạc một phần) phải đi vào cuộc sống và nhắm mục tiêu Hóa tâm, di dưỡng tính tình (nhất là Nhạc). Lễ phải tùy thuộc Nghĩa (ý nghĩa, mục đích), do đó vừa nghiêm túc, vừa rất mềm dẻo và khuyến khích sáng tạo. Với đại chúng, Lễ luôn có chiều hướng đông cứng ở hình thức, nên để chế trị khuynh hướng bất trị này, nên dung hòa Lễ với tinh thần Thuần phác, Vô chấp của Lão giáo.

* * *

Ðể tiến sâu hơn vào Ðạo, việc Hóa tâm, ngoài suy chiêm, còn nên nhờ vả đến kỹ thuật Thiền-Yoga sau khi đã biến chế cho phù hợp với hướng đi của Tin mừng.

Ðể đi đúng hướng Thiền-Yoga, ngoài những kỹ thuật kiểm thân và định thần, còn phải đưa vào cả một chương trình và kỷ luật sống, từ trong ra đến ngoài nữa. Toàn bộ những kỹ thuật và kỷ luật ấy làm nên một Ðại luyện, do đó một Ðại khổ nhẫn. Nhưng khổ mà không ray rứt, nhẫn mà không chịu đựng, luyện mà như nghỉ ngơi. Nên hiệu quả sẽ lớn lao và dai bền, còn an toàn thì gần như tuyệt đối. Có điều vì hiệu quả chậm nên khó thấy, vì lắm việc mà tập luyện phải đúng giờ và kiên trì, vì nơi chốn và giờ tập khó sắp xếp, trong khi cám dỗ của thú vui lại dồn dập tấn công, nên phần đông dễ nản chí và bỏ ngang. Dẫu vậy, nếu đây là chính sách chung của một dòng, một đoàn thể, một giáo hội quốc gia, thì khó khăn ấy dễ giải quyết khi đã có bầu khí và phong trào.

Bạn có thể còn thắc mắc: Thiền-Yoga vốn hướng về Tĩnh và Vô, làm sao có thể phục vụ đắc lực cho một Kytô- giáo nghiêng về Hữu và Hành động được?

Trước hết bạn nên biết, suốt thời trung cổ, lối sống lý tưởng của Kytô-hữu chính là tĩnh tu. Kytô-giáo chẳng chủ trương tĩnh động gì cả, nhưng điều mà chúng ta cần là, dù trong hành động, cái Tâm luôn được định an, và đây là đích nhắm của Yoga-Thiền.

Cũng trong thời trung cổ ấy, ngoại vật luôn được sách thiêng liêng như Gương Chúa Giêsu coi là sắc sắc không không (vantitas vanitatum) trong khi thân xác bị Tiên sa Avila xem là "kẻ thù" mà ta phải đánh thắng. Còn Thiên Chúa thì, trong những huyền nghiệm cao nhất, người ta không thể đặt Ngài vào bất cứ khuôn hiện hữu nào để hiểu và diễn tả ra. Phải nói rằng, cám ơn Thiền nếu nó khiến cho ta phần nào thấy Thiên Chúa bớt Hữu trong hình thể, cũng như thấy ngoại vật bớt sức nặng Hữu để các giá trị thiêng liêng được thêm tỏ sáng.

Một thắc mắc nữa: Kỹ thuật Thiền-Yoga, ở chỗ buông lơi xác thân và ngoại thế, khiến tê liệt những cảm nhận đớn đau và khổ sở, như thế có ngược chiều với con đường chữ Thập hay không?

Ðúng là chúng có khả năng xóa nhòa những cảm nhận ấy đấy. Sự tập trung cảm giác từ bụng trở lên, làm như không còn hạ thể nữa, sẽ làm bớt cả đau đớn lẫn kích thích ở phần này. Một số người xóa nhòa được tất cả, coi cơ thể như của ai đó hoặc tan trong vũ trụ, có thể bình tĩnh ngồi tự thiêu.

Thế nhưng nếu giảm đau là hiệu quả của Thiền-Yoga được, thì nó cũng là hiệu quả của xuất thần, của nhiều huyền nghiệm khác trong Kytô-giáo. Trong cuốn Lâu đài linh hồn, khi nói về "Mũi tên lửa" của tình yêu (cung phòng 6, ch.XI), Tiên sa diễn tả cái đau ghê gớm ở cả hồn lẫn xác. Ở xác, chỉ cần kéo dài một khắc, là đủ "tan nát hoàn toàn". Xung quanh người ta đã tưởng như chết đến nơi. Thế mà, so với nỗi đau của hồn, thì cái đau trên "xem như không đáng nói". Vâng, nỗi khổ của hồn khi ấy "vượt xa hết thảy những gì người ta có thể chịu trên trái đất, khiến trải qua rồi, thì không còn sợ bất cứ thánh giá nào (đổ xuống) nữa". Thế nghĩa là khi hai cái đau cùng diễn ra một lượt, thì cái quá lớn sẽ nuốt chửng cái bé hơn, xem như vô cảm. Lý do là một tập trung mạnh sẽ khiến quên hay không để ý đến những gì khác. Và một tâm hồn thanh cao, vì hướng thượng, không coi những mất mát vật chất đáng kể gì. Nhưng không khổ vì đói một chút có phải là coi rẻ thánh giá Chúa đâu. Miễn anh đừng tập Thiền- Yoga chỉ vì mục đích thoát khổ hay vì lý do phủ định thân xác. Còn như muốn khổ với Chúa, thì thiếu chi cách khác để bứt xé tâm can.

Chỉ lưu ý một điều trong khổ luyện, là dù Yoga hay bất cứ gì như thế, hãy coi chúng như đường đi, chứ không phải đích nhắm. Có những kẻ trường trai chỉ vì chay trường, khiến gây phiền cho những bè bạn muốn mời cơm. Ta nên nhớ, đức Ái là trên hết, chứ không phải sức khỏe, cũng chẳng phải sự an định của tâm. Vì Chúa và vì anh em, ta phải bỏ hết nếu cần, dù đây là ngồi thiền hay đi lễ. Thậm chí như Tiên sa nhỏ sẵn sàng "sa địa ngục" để mang tình thương Chúa đến cho nơi ấy.

Khổ hạnh mang ý nghĩa Diệt

Trong tư tưởng Trung quốc hay Ấn độ, lắm khi con người chỉ được coi như thành phần của thiên nhiên, mốc đi qua của dòng biến dịch. Mà đã biến dịch, thì cái mới tới hẳn sinh ra từ cái đã chết đi, nhờ đó mà thiên nhiên như toàn khối tồn tục được. Dù sao, Sinh đã là giải thích (mục đích và ý nghĩa) của Tử.

Thế nhưng con người, dù với xác thân thuộc về thiên nhiên, bằng tinh thần lại vượt ra ngoài vòng kiềm tỏa của thiên nhiên. Vâng, là bản vị, nó không thể là thành phần của vũ trụ. Sự hoàn thiện của ta như một bản vị vẫn có gì như mâu thuẫn với cái chết xác thân đó. Hay con người thật ra không phải xác thân, và xác thân ấy chỉ là ngục tù của nó, như Platon và Sâmïkhya nghĩ?

Xem ra cũng nghĩ như thế nhiều nhà tu xưa, bên Ấn cũng như trong Kytô-giáo, khi khổ hạnh của họ có gì vượt lên trên sự cần thiết của tu đức. Vâng, nếu khổ do luyện thì chỉ cần đủ mức để đặt xác thân dưới sự chỉ đạo của tinh thần thôi.

Chúng ta hãy bắt đầu với một số khổ chế trong Ấn giáo, như được diễn tả trong bộ Luật Manu liên quan đến giai đoạn tại lâm và bỏ đời.

Một số sách khác, như Mahâbhârata (tập XII) còn dậy phải làm kiệt quệ xác bằng cách giãi nắng dầm mưa và nhịn đói nữa.

Những khổ hạnh giống thế cũng chẳng thiếu gì trong lối tu Kytô-giáo thời xa xưa. Jean-Claude Guy, trong Histoire de la vie religieuse kể ra bốn cách tu bên Syri thời ấy:

Có người trói tay chân vào mỏm đá, phơi mình trần truồng dưới cả nắng thiêu ban ngày lẫn sương lạnh ban đêm, để thực hiện đúng ý câu thánh vịnh:

"Kẻ yêu Chúa không sợ cái nắng ban ngày, cũng chẳng ngại sương giá ban đêm."

Kẻ khác đục rỗng thân cây và chui vào ở, chỉ để lộ cái "mỏ" (miệng) ra để người ta cho ăn, đúng như thánh vịnh nói:

"Con cái loài chim được Chúa nuôi ăn."

Kẻ khác nữa vạch ngoài trời một vòng tròn (đường kính khoảng mười mét) và giam mình suốt đời trong đó. Cũng suốt đời, nhưng các "cột-sỹ" (stylite) lại sống trên một cột không mái che, cột thì cao năm, mười thước, mặt bằng thì 1m40 mỗi chiều.

Rõ ràng những khổ chế ấy có gì như tự sát vậy. Nhưng nếu người ta không "mát" đến thế, liệu một khổ hạnh không phải khổ luyện có phù hợp với hướng đi Kytô-giáo hay không? Và phù hợp trong những ý nghĩa nào?

Chúng ta nên nhớ, Kytô-giáo không chủ trương xác thần nhị nguyên, thậm chí nghịch nhau tự bản chất. Kytô-giáo là đạo Nhập thể mà. Chính thánh Phaolô còn gán cho vật chất một tương lai huy hoàng nữa, và đó là Trời mới đất mới.

Khổ hạnh đúng ý nghĩa Kytô-giáo

Ðối với M. Heidegger, "Hiện hữu - vì - cái chết" là đúng hiện hữu con người. Chết không phải là chỗ lao tới của giây phút cuối, mà của từng phút giây cuộc đời, khiến cho mỗi thời khắc của sự sống đều mang khả thể của sự chết, để cái chết luôn thành món nợ và án treo (sursis) cho ta. Bởi thế, để sống chính hiệu (authentiquement) cuộc sống của mình, ta phải Ði trước (anticiper) vào khả thể (chết) ấy một cách ý thức và tự do, chứ không phải trốn chạy, cũng như chẳng Giúp thêm vào cho mau xong.

Theo K. Rahner, trên bình diện thuần tự nhiên, thì hiện sinh đúng là Hiện hữu - vì - cái chết thật. Là một bản vị, con người phải nhận lấy (assumer) định mệnh ấy cho mình, do đó có Thụ chịu (passion).

Dầu sao, sự thụ chịu ấy là một cú xốc do va chạm giữa một bên là bản tính cuốn về cái chết, và bên kia là bản vị hướng về vĩnh hằng. Như thế, cái chết luôn là chấm hỏi đặt ra cho chúng nhân, là cực điểm và chân trời mà họ gặp trong các thụ chịu của đời mình. Chấm hỏi hóc búa nhất, bởi đây là "khả thể của cái không thể được", tức ngõ cụt trong ý nghĩ Heidegger!

Có điều, với kẻ tin, ngõ cụt ấy đã được khải mạc Chúa Kytô khai thông khi khải mạc ấy đâm ngang vào lịch sử. Ánh sáng đức tin dầu sao cũng không xóa hết bóng tối của đêm trường hiện sinh, nên đón trước cái chết đã thành khổ hạnh rồi. Và mọi khổ hạnh đều mang màu chết chóc khi chúng cứa cắt vào sự sống.

* * *

Ðón trước trong niềm tin cái mà bản tính cuốn đưa tôi tới, ý muốn của tôi không còn kết nối với cái định mệnh mù quáng và tàn bạo của Heidegger nữa, mà gặp trong đức tin Ý chí của Ðấng đang dẫn dắt tôi, Ðấng mà bằng tình yêu và ân sủng đã khai thông ngõ cụt để biến cái chết thành trớn vọt về một sự sống đầy đủ hơn. Như thế, nếu cái tội trở thành Felix culpa (tội có phước), thì cái chết theo sau cũng trở thành Felix mors (cái chết có phước) qua cái chết khải mạc tình Cha của đấng là Sự sống viết hoa. Từ nay, dù túng khổ hay ngục tù, dù nhịn ăn hay hành xác, dù hàm oan mà không mở miệng, dù đời đón chào mà vẫn bỏ đời đi tu ẩn, tất cả không còn vị chua cay của chết thuần túy, nhưng vị đắng của thập giá đã thành hy vọng sống của chúng ta. Vâng, nhất là khi cùng với những thứ đó, còn men nồng của tình yêu Chúa trên thập giá nữa. Và người ta có thể nói: Con đường Kytô-giáo bắt gặp sự chết trên từng cây số một, nhưng thây chết ở đó, ở từng tế bào của nó, lại chứa đầy sức sống và độ ấm của tình yêu.

Chính trong tình yêu mà Ðón trước (anticipation) có thể vượt cao hơn cấp thấp của nó là Thụ chịu. Một đón trước tích cực, có gì như hăm hở giống Chúa Yêsu:

Một khi cái chết có giá như thế, chúng ta có quyền xông lên mà vồ lấy nó, giống như tự sát vậy hay không?

Nên nhớ, đạo của chúng ta là đạo Nhập thể, nên đầy niềm tôn kính đối với tự nhiên và sự sống. Và tuy Nhập thể ấy vươn về Thánh giá, nhưng Thánh giá chỉ là cửa qua tới Trường sinh. Vâng, cái chết không có ý nghĩa ở chính nó. Bởi thế, chúng ta chỉ đến với cái chết khi là vì sự sống của người khác (liều thân để cứu người) hay vì phúc trường sinh của chính mình (ra xưng mình có đạo để được chết vì đạo). Tuy khổ hạnh không khổ luyện đã có chỗ đứng của nó nhờ cái chết của Chúa Yêsu, nhưng sự Ðón trước dù chủ động cũng cần nhất ở cảm nhận thôi, nghĩa là tìm cho mình cái khổ ở cảm giác hay tình cảm hơn là tác hại vào cơ thể và tâm hệ. Ngay cả thánh I nhã, về ăn uống và ngủ nghỉ, tuy cho rằng phải bớt vào mức cần mới gọi là khổ chế, nhưng trong thực hành lại khuyên đừng để hại sức, hại thân đáng kể. Rõ hơn nữa, trong việc "đánh tội", Ngài dạy tìm cảm giác đau, chứ đừng gây thương tích.

Khổ hạnh hôm nay

Ngày xưa, khổ hạnh được đề cao, coi như biểu hiện không thể thiếu của bất cứ thánh thiện nào. Ngày nay, người ta lại nhìn nó với cặp mắt khó chịu và đầy ngờ vực. Một phần vì khuôn thước nới lỏng, phóng túng quen rồi, người ta không hiểu nổi ý nghĩa của khổ chế. Có điều nên nhớ, thái độ này còn mang ý nghĩa văn hóa nữa.

Nếu xưa kia, con người bị hy sinh cho thần thánh, thì nay thần thánh lại bị hy sinh cho sự toàn vẹn và khẳng định mình của con người. Cùng với sự khám phá phẩm giá con người, cái thân thể này và cuộc sống trần thế cũng được xem trọng nữa. Vâng ngày nay, người ta mong muốn một sự hoàn thiện mọi mặt cho con người, và sự hoàn thiện ấy có chân trời vừa đúng chân trời của tự nhiên thôi. Bởi thế, những gì là tiêu cực thì bỏ qua, còn những đức tính thụ động thì bị khinh rẻ.

Thực ra, hướng đi mới ấy của văn hóa cũng đã thúc Kytô-giáo tái khám phá chiều kích Nhập thể của mình, từ đó nổi lên Thần học phát triển và Thần học giải phóng, từ đó xác thân và cảm tính cũng có vai trò trên đường chinh phục Nước Trời.

Vậy nương theo luồng gió, ta hãy phát minh những hướng mới cho khổ hạnh. Khổ hạnh xưa tiêu cực quá ư? Hãy cho nó một nhắm đích (visée) tích cực và chủ động hơn. Tích cực và chủ động trước tiên, đó là khổ hạnh dưới ý nghĩa khổ luyện, với mục tiêu là thăng tiến bản thân. Nay bên Âu Mỹ, cả triệu người đến thỉnh giáo các bậc thầy phương Ðông về Yoga, Dưỡng sinh và Thiền. Thế sao chính chúng ta lại bỏ qua thế mạnh của mình mà không khai thác những kỹ thuật ấy? Nhất là khi chúng lại đang cần cho thế giới hôm nay quá xáo trộn từ trong ra đến ngoài?

Thế giới hôm nay cũng có ưu điểm là muốn xích gần nhau hơn và quan tâm đến bề sâu vô thức. Với khám phá bề sâu này, người ta thấy rõ không có trưởng thành tâm lý nếu không chấp nhận xung quanh. Mà nhu cầu Mở ra (ouverture) ấy lại là đòi hỏi số một của đạo đức, nói chi đạo đức Kytô-tính. Vậy khổ hạnh nên buồm xuôi theo hướng gió bác ái và sống cộng đồng này.

Ngày nay trong Mùa chay, Hội thánh cho phép thay tịnh trai bằng những đóng góp từ thiện. Thiết nghĩ khổ chế là khổ chế, từ thiện là từ thiện, cả hai đều cần như nhau trong cuộc sống chính hiệu Kytô-tính. Bởi thế, không nên thế cái nọ bằng cái kia, nhưng có thể bớt cái này thêm cho cái khác. Và nếu kết hợp được cả hai, thì không còn gì hay bằng. Kết hợp ư? Hãy làm như trong một số hội tu, người ta góp cho người nghèo, không bằng của dư để đó, nhưng bằng của cắt giảm từ chính bữa ăn của nhóm: khổ hạnh đấy, mà cũng từ thiện luôn, hay nói khác đi: một khổ hạnh mang ý nghĩa bác ái.

Vâng ngày nay, ta nên tìm những đau khổ vì hạnh phúc người khác, những từ bỏ nhắm lợi ích cộng đồng. Bỏ một cuộc vui để chiều con muốn được dẫn đi chơi, bớt tiêu riêng để gia đình được sống đầy đủ, bỏ ý mình theo ý chung anh chị em tu hội, chịu thua người khác để họ được vui và biết tự tin, v.v.: đó, biết bao cách để khổ nếu muốn khổ, mà chúng lại mang ý nghĩa rất tích cực của thập giá Chúa: Chết một người để sống cho toàn dân (Yo. 11.50-52).

* * *

Ðiều cuối cùng phải lưu ý: Nếu khổ hạnh khép kín ở mình, nó sẽ đẻ trong ta tính ỷ mình, tự phụ. Trừ phi nó được kề vai sát cánh với người chị em cần có của nó là khiêm nhường, theo ý Tiên Sa Avila. Theo tôi nghĩ, còn có một cách giải quyết khác, phù hợp hơn cho hôm nay. Ðó là kết hợp khổ hạnh với yêu mến, và đây là hy sinh để nên giống đấng mà mình yêu, cũng là chết hay khổ để anh chị em mình được sống và hạnh phúc.

Mở ra như thế (vì anh em) đã thành một với Mở lên (nên giống Chúa): hướng thờ tự của cả hy sinh và mở cửa!

Hy sinh này cũng mang ý nghĩa cánh chung và lập quốc: Chẳng những chết vì hạnh phúc của anh em hôm nay, mà nơi Chúa chịu đóng đinh, còn chết vì một cái sống lớn hơn, cho tôi và cho tất cả. Và như thế, khổ hạnh không còn sắc ảm đạm của "tác tử" (mortification) thời xa xưa. Nó thành Mở thông trong khí thế đầy hưng phấn của đoàn quân chinh phục:

"Khi con tịnh cốc, hãy rửa mặt và xức nước hoa trên đầu" (Mt. 6.17).

Mở ra, mở lên và mở thông cho khổ hạnh rồi, còn thiếu mở rộng suốt tới toàn cuộc sống bằng một tinh thần hy sinh thường hằng, cái tinh thần nó đưa ta dấn sâu vào mầu nhiệm Thập giá Chúa. Tinh thần ấy sẽ phải đi vào cả kiếp sống lao động hôm nay, khi mà lao động gần như phủ trọn cuộc sống cá nhân và xã hội, gần như chiếm trọn mối quan tâm của hầu hết chúng ta. Khổ hạnh chữ Thập theo ý nghĩa hoàn thành Loài người mới và Trời đất mới, sẽ nhập vào lao động, khiến nó vươn xa hơn mục tiêu kiếm sống khi nhắm hoàn thiện và thiêng liêng hóa thế giới này. Và đây chính là ý nghĩa Ascèse, khổ hạnh của lao động trong tư tưởng Teilhard de Chardin.

Khổ hạnh vì yêu Chúa, để như Chúa chết vì hạnh phúc của anh em, đó còn là phương thế tránh những lệch hướng có thể về phía ma-dô. Cũng để tránh nguy cơ này, hãy tìm nỗi khổ tinh thần hơn là cái đau thân xác. Vâng, kẻ ma-dô khoái vì đau, chứ không chịu đau, và khoái cái đau xác thịt hơn là cái đau tinh thần. Hắn hưởng thụ cái đau ấy, chứ không hy sinh cho ai cả.

TÓM LẠI

Khổ hạnh thường mang ý nghĩa Khổ luyện. Khổng giáo khổ luyện bằng kỷ luật Lễ. Ðược uốn nắn trong khuôn thước Lễ, người ta dễ đạt tới những tâm tình mà Lễ nhắm và muốn biểu hiện.

Lễ và Nhạc trước tiên là đạo của đất trời. Lễ phân cho đúng tôn ty mà quan hệ, còn Nhạc hòa hợp để hóa hóa sinh sinh. Nếu Lễ phải tùy theo Nghĩa, thì Nhạc cũng phải nói lên được hướng Hòa của trời đất ở chỗ thanh cao của nó.

Ðể Lễ khỏi xơ cứng, phải dung hòa nó với Thuần phác của Lão giáo. Ðể đi sâu vào Ðạo và tâm thần định an, nên nhờ vả kỹ thuật Thiền-Yoga cùng với kỷ luật sống đi kèm.

Khổ chế mà vượt quá nhu cầu tu đức, thì chân trời của nó hẳn là Diệt thân. Khổ hạnh ở hướng đi ấy, trong Kytô-giáo hay Ấn giáo chẳng thiếu gì. Nhưng Ấn giáo lại coi con người không phải thân xác, nên Diệt thân có thể mang ý nghĩa giải thoát. Còn Kytô-giáo là đạo Nhập thể, nên phải quý trọng sự sống này.

Có điều con đường Kytô-giáo còn là đường chữ Thập, nên khổ hạnh cũng có chỗ đứng quan trọng trong đó. Thế nhưng ý nghĩa của cái chết thập giá lại nằm ở Phục sinh cơ. Và đây là chết trong tình yêu, chết vì anh em mình. Nên chúng ta không thể tự sát dù có thể liều thân vì Chúa và anh em. Còn trong khổ hạnh, chỉ nên đón trước cái chết thập giá bằng cảm nhận đau khổ hơn là bằng tác hại xác thân.

Trong thực hành hôm nay, hãy nghiêng về những khổ hạnh tinh thần như Bỏ ý riêng, những khổ hạnh vì người như nhường cơm sẻ áo và vất vả không nề hà trong phục vụ.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page