Bạn muốn đổi đời ư? Chắc bạn còn muốn nên thánh, muốn theo Chúa đến cùng nữa? Tương lai có thể sáng sủa đấy, nhưng để tới đó, thì phải phấn đấu rất nhiều: "Ðể vào Nước Thiên Chúa, phải vũ lộng sức mạnh" mà (Lc.16.16)!
Trước hết, phải phấn đấu với bản thân. Sức mạnh bản thân nằm ở nhiều khuynh hướng tản mát, cái thuộc vật chất, cái thuộc tinh thần. Vì thế, con người sinh ra là con người bị giằng xé. Nhất là giữa tinh thần muốn bay lên và xác thịt muốn ghì xuống. Nên như Phaolô, hẳn bạn phải than thở:
-- "Muốn điều thiện là điều tôi có thể, nhưng làm điều thiện thì không. Ðiều thiện mà tôi muốn thì tôi không làm, còn điều ác không muốn tôi lại cứ làm. Khốn thay con người là bản thân tôi đây" (Rom. 7. 18b, 19, 24a).
Sức mạnh tự nhiên chi phối tôi, không phải chỉ có thứ tôi biết, mà có cả thứ tôi không ý thức được, vì chúng trốn kỹ trong vô thức.
Sức mạnh hại tôi, không phải chỉ có xác thịt, mà còn thế gian nữa. Thế gian, hay tinh thần thế tục, là cái khuynh hướng thường tình của loài người quen hướng ngoại và hướng hạ, hướng về các giá trị thuần túy trần gian và thỏa mãn hoàn toàn với thiên đường hạ giới.
Trong hành động của tôi, không phải chỉ có các sức mạnh tự nhiên nói trên vào cuộc. Ðồng nhập cuộc còn có Thiên Chúa và thần lành một bên, và bên kia là thần ác, mà Chúa Giêsu gọi là Satan, là kẻ Ác. Thiên Chúa với thần lành tác động vì mục đích tốt, còn Satan tác động vì mục đích ngược lại. Thật ra, trong mọi hành vi nhân linh của tôi, ở hậu trường luôn có hai sức mạnh thiêng liêng đối đầu ấy.
Ðể tiến đức, không thể ta không biết đến cả bạn lẫn thù, biết đến chiến thuật và chiến lược của họ, cùng với cách ứng phó hữu hiệu nhất. Hẳn là bạn muốn rõ đi đường nào, ý Chúa ra sao, những thúc động (motion) này kia do đâu mà có, do Chúa hay Bóng tối đây. Và như thế, bạn phải biết cách phân định và cầu ơn phân định (diakrisis, discernement).
Rõ ràng ác và thiện, có đòi hỏi làm thiện và cám dỗ làm ác. Truyền thống Kitô-giáo không coi đơn giản đó chỉ là việc của ý muốn, ham muốn (désir) và lương tâm thôi, mà phía sau còn có bàn tay của thần ác và thần lành nữa. Vâng, quả là đằng sau những nguyên nhân tự nhiên, có tác động của những đối thủ siêu nhiên: tà thần khí và chánh thần khí.
Thánh Yoan gọi là Ánh sáng, nơi Ánh sáng này có sự sống cho loài người. Ánh sáng đã hừng lên giữa bóng đêm, và bóng đêm không thể có phần với ánh sáng (Yo. 1. 4-5). Bóng đêm đó là sức mạnh của địa ngục:
-- "(Yuđa) cầm miếng bánh (phân chia của Thầy, phần chia với Thầy) và ra liền: lúc ấy là đêm" (Yo. 13.30).
Ðêm tối là giang sơn của Satan. Bắt đầu ra trận (ra truyền đạo), Chúa Kitô đã vật lộn với Satan trong hoang mạc bằng cách đương đầu với ba mũi tiến công, có tính chiến lược của hắn. Cuộc chiến khởi đầu khi ấy chỉ kết thúc vào lúc xem ra cái ác thắng thế, nhưng thần ác lại bị đánh gục bằng ngón đòn tối hậu của chính y (Yo.16.33; 12.31-32).
Cuộc chiến sẽ còn nối tiếp giữa kẻ bại trận với đàn em Chúa là Hội Thánh, cuộc chiến này được minh họa trong chương XII Khải huyền thư bằng sự đuổi bắt Người phụ nữ bởi Quái xà: Yoan đã mường tượng Sáng thế thư 3.15!
Theo gót các ngôn sứ và Khải huyền thư, giáo phụ gọi hai sức mạnh đối đầu là Babylone và Yêrusalem. Sự đối đầu này được Thần thao I nhã đưa vô bài suy niệm Hai hiệu kỳ (Deux étendards). Thật ra, chiến trường không phải là một không gian vật chất, và chiến binh cũng không phải người nọ hay nhóm kia xác định. Chiến trường chính là nội tâm và cuộc sống của mỗi người, của mọi người. Nghĩa là mỗi người vật lộn với chính mình, và hai sức mạnh, Thiên Chúa với Satan, chạm nhau nảy lửa trong chính cuộc vật lộn ấy:
-- "Con người nội tâm trong tôi yêu thích luật Thiên Chúa, nhưng tôi gặp nơi chi thể tôi một thứ luật khác nó chống cản luật tinh thần này và giam hãm tôi dưới luật sự tội trong thân xác tôi. Chính vì thế, tôi lệ thuộc đồng thời vào cả luật Thiên Chúa bằng tinh thần, luật sự tội bằng xác thể" (Rom. 7.23-25).
Theo thánh I nhã, vũ khí của Satan là lòng ham của, hám danh và kiêu ngạo. Ðể đối phó, vũ khí của phe Chúa sẽ là thanh bần, sỉ nhục và khiêm nhu (Hai hiệu kỳ). Như thế, vũ khí của hai bên là ý nghĩ và tâm tình tôi, và chiến trường cũng là chính con người tôi cùng với hành động và cuộc sống của nó. Vậy, để thắng trận cho Chúa và cho mình, tôi vừa phải biết mình và cố gắng, vừa phải cầu ơn sức mạnh và ơn phân định.
Theo thánh I nhã, một mình Thiên Chúa có khả năng trực tác vào hồn, không qua trung gian của một "thụ tạo" (tức nguyên nhân tự nhiên) nào hết. Nghĩa là không thể tìm thấy tí ti gì thuộc nguyên nhân tự nhiên cho hiện tượng (chuyển biến nội tâm). Do Thiên Chúa hoàn toàn, nên cũng tuyệt đối an toàn. Có điều phải phân biệt chính giai đoạn của trực tác ấy với giai đoạn tiếp liền theo, khi âm hưởng hãy còn, vì đây là lúc các thần khí (esprit) khác có thể "nhảy vô ăn có", cùng với chính con người tự nhiên của tôi.
Còn thì, dù thần lành (thiên thần) hay thần ác (Satan) cũng chỉ tác động được khi dựa vào quy luật tự nhiên, tác động bằng hoàn cảnh bên ngoài, bằng các tác nhân tâm sinh lý, khiến ta có thể tìm ra ít hay nhiều nguyên nhân (tự nhiên) cho xung động này hay ý nghĩ kia.
Quả thật, ma quỷ chỉ có thể cám dỗ tôi bằng chính con người tôi, bằng tập quán, khuynh hướng, ham muốn của tôi. Ham muốn vọt ra từ bản năng hay tập quán. Ham muốn được châm ngòi bằng sự có mặt của đối tượng. Ham muốn được kiện hóa bởi tình trạng tâm sinh lý lúc ấy của tôi hoặc bởi hoàn cảnh bên ngoài.
Do bản năng Sinh mới có ham ăn uống, đòi thỏa mãn tình dục cũng như trốn chạy cái chết và những khổ đau. Do bản năng Diệt (Thanatos) mà có nóng giận, muốn bạo động, hủy người hoặc hủy mình. Do mặc cảm cái Tôi mà phát sinh tự ái, kiêu căng, ích kỷ, tham quyền, ham thống trị. Do nết lười, mà không phấn đấu để tiến cao. Do tập quán nghiện ngập mà mất tinh thần tự trọng để sống xứng như một người...
Satan chỉ nương theo những khuynh hướng ấy để hại ta, chỉ dựa vào những dữ kiện ấy để hoạch định chiến thuật và chiến lược của hắn. Vì sức mạnh cũng như chỗ yếu của ta là ở bản năng sinh tồn và mặc cảm cái Tôi, nên cám dỗ chiến lược của tà thần sẽ là tham ăn, hám danh và háo sắc. cám dỗ có tính tiêu biểu mà Chúa chịu trong hoang mạc (Theo Cựu Ước, hoang mạc là chốn tung hoành của ma quỷ) cũng gần giống như thế, và đó là háu đói, hám danh và ỷ mình.
Vì "có tiền mua tiên cũng được", nên theo thánh I nhã, thì kẻ cựu thù quen bắt đầu với miếng mồi tiền của, để từ sự giàu có sẽ dẫn ta đến lòng ham mê khoái lạc, say mê uy quyền, danh vọng và tính kiêu căng. Bởi thế, thánh nhân cũng đề nghị vũ khí đối ứng, và đó là thanh bần, thanh bần trong tinh thần trước hết, rồi thanh bần thật sự nếu có thể. Sự thanh bần khiến thiếu tiện nghi nên xác không được nuông chiều, thiếu thế lực nên ta chịu khinh khi, không dám lên mặt nữa. Theo bài suy niệm Hai hiệu kỳ, thì đây chính là chiến lược của đạo quân Giêsu:
"Hãy ngẫm nghĩ về lời hiệu triệu của Chúa Kytô khi sai bày tôi và bạn hữu của Ngài đi làm cuộc viễn chinh ấy. Ngài dặn họ tìm cách giúp mọi người, trước hết dẫn họ vào tinh thần thanh bần toàn vẹn, thanh bần thật sự nếu nhờ đó Chúa được phụng sự tốt hơn; kế đến, khiến họ mong muốn chịu nhục nhã và bị khinh khi, vì đây là đường tới khiêm nhường. Như thế, đường có ba bậc đi lên: bậc thứ nhất là nghèo hèn, nghịch với giàu có; bậc thứ hai là sỉ nhục và khinh bỉ, nghịch với danh giá thế gian; bậc thứ ba là khiêm nhu, nghịch với kiêu ngạo. Con đường ba bước này sẽ đưa tới mọi đức tính khác" (Thần thao: Hai hiệu kỳ).
Một là Thiên Chúa, hai là Satan, chứ không có chọn lựa thứ ba: "Nóng thì nóng hẳn, lạnh thì lạnh hẳn..." (Kh. 3.15).
Vậy hễ theo Chúa, phải chống Satan. Mà Satan thì không chịu thất bại. Nên chiến với hắn sẽ là cuộc chiến dai dẳng. Thua keo này, hắn bày ngay keo khác, hiểm hơn, dữ dằn hơn:
-- "Trở về mà thấy nhà cửa dọn sạch sẽ và ngăn nắp, quỷ dơ sẽ gọi bảy quỷ khác đến trợ lực..." (Lc. 11.25-26).
Satan đánh ta bằng chính sức mạnh của ta. Sức mạnh của ta là ở ham muốn (désir) nên nó dùng thích muốn để cám dỗ ta.
Cám dỗ thế nào? Cứ buông mình theo ham muốn, chứ đừng nghe lời Chúa và tiếng nói lương tâm để thống nhất mọi ham muốn trong hướng đi của tinh thần.
Con đường phải đi của thụ tạo chỉ là quy thuận Thiên Chúa. Vậy con đường quỷ muốn dẫn ta đi sẽ là: đạt cái mình thích bên trên Thiên Chúa, bên trên luật Ngài. Bằng cách ấy, Satan đưa ta xa Chúa và khiến ta chống Chúa. Mà từ bỏ Thiên Chúa, đó là từ bỏ ánh sáng và sự sống để đi vào cái chết và tối tăm. Satan đúng là "kẻ giết người" như Chúa Giêsu gọi (Yo. 8.44). Chúa cũng gọi hắn là "Cha sự nói dối" vì kế sách của hắn luôn là đánh lừa. Ðánh lừa thế nào? Hắn sẽ nói như rót vào tai: Xá gì một trái táo của Eva, cứ ăn đi rồi sau tính. Thấy ăn rồi, hắn quay lại buộc tội, khiến anh tuyệt vọng như Yuđa, hay trót đâm lao thì phải theo lao vậy. Trong trường hợp anh cương quyết sống tốt, không gì lay chuyển nổi, hắn sẽ giả đi cùng đường với anh, thúc anh làm việc thiện, khiến anh cầu kinh sốt sắng, thậm chí cho anh những mạc khải giả và thần kiến giả nữa (Xx. Yoan Thánh giá, Ðêm tối, q.2, ch.2. Mục đích của Satan thường là để ta sinh kiêu ngạo, ỷ mình), làm sao để cuối cùng hắn đưa được anh lạc sang con đường của hắn bằng tự mãn, bằng cám dỗ đức tin, nhục dục, v.v...
Ở giai đoạn đầu của nên thánh, vừa phải cậy vào Chúa như tất cả do Chúa, vừa phải gắng hết mình như tất cả do mình. Nhưng khi đã cảm nghiệm Chúa rồi, thì càng tiến sâu, càng thấy rõ hơn vai trò của Chúa. Ðây là lúc ta phải bớt dần "tự tin", tiêu diệt tự mãn, để phó thác hoàn toàn cho Chúa, nhờ đó dọn đường cho sống nghiệm thụ động và chiêm niệm thụ động. Nhất là vì khi ấy, Satan có thể lợi dụng ngay ân Chúa để đánh gục ta bằng cảm giác giàu có thiêng liêng chẳng hạn của ta. Vâng, Satan có một tầm nhìn chiến lược, và chiến thuật của hắn thay đổi luôn tùy theo đà tiến của ta, tức của ân Chúa nơi ta.
Ðể đối phó với Satan, vừa phải tin vào Chúa, vừa phải thành với mình, nhờ đó thấy được sự thật về mình, tách khỏi lớp sơn mà Satan trét lên. Cũng nên thành thực với ai có khả năng cố vấn hay trách nhiệm hướng dẫn, vì như Ignace so sánh, kẻ đến tán tỉnh vợ hay con gái người ta sẽ hoảng sợ nếu người này nói thật với cha hay chồng mình (Thần thao: Quy tắc nhận ra những thúc động trong tâm hồn: quy tắc 13).
Cùng lúc, hãy thành với Chúa, nhìn nhận cái xấu của ta và đánh giá đúng về nó. Giả như anh không có lỗi gì nặng, thì hãy tính toán xem, giả như không có ân Chúa liệu anh có đứng vững được và vững mãi hay không. Vậy hãy làm như Marie de l' Incarnation, chấp nhận "sa hỏa ngục" để sáng tỏ sự công minh của Chúa, chỉ xin Chúa giữ lại cho ta "tinh thần của Ngài" thôi (Ecrits spirituels et historiques, II, tr.378. Coi Fr. Roustang, Une initiation à la vie spirituelle, DDB, Paris, 1963, tr.81). Bằng cách ấy, ta sẽ khiến Satan trắng tay, chẳng còn dựa vào gì để tấn công ta nữa. Sẵn sàng đi qua sự chết mà anh đáng chịu nơi Ađam, anh sẽ đạt tới ơn cứu độ nơi Ðức Kitô Ađam mới (Xx F. Roustang, Std, tr.72tt).
Chiến tranh với kẻ muốn hại ta là điều phải diễn ra, nhưng lắm khi lại không có. Không có chỉ vì ta lầm thù với bạn, hay vì đại ác rồi, ta đi cùng một đường với Satan. Thế thì chiến với bạn cũng là điều dễ xảy ra, khi mà ta lầm bạn với thù, hay khi ta không muốn vì bạn làm một hy sinh thích đáng. Trong gia đình, đã chẳng hay xảy ra những đấu tranh như thế giữa mẹ cha với đứa ngu tử hay nghịch tử đó sao? Bởi thế, nếu có chiến tranh với Satan, cũng dễ có chiến đấu với Thiên Chúa.
Chúa là một cha hiền, nhưng hiền không theo ý nghĩa "lành như đất" cho bằng theo ý nghĩa: muốn tốt cho con. Vâng, người cha càng tốt thì càng muốn điều hay cho con, dù chính nó không muốn vậy. Và khi nó không muốn như thế, nó sẽ phấn đấu để tránh cha hoặc chiến đấu chống lại cha. Cha cũng vậy, ông phải chiến đấu với nó để cứu và thuần hóa nó.
Chính vì Chúa muốn điều hay nhất cho tôi, nên Chúa là một người cha khó tính, khó tính theo nghĩa đòi hỏi khá nhiều. Vì thế, hễ dây với Ngài là có chuyện, chuyện lớn nữa kia. Chả thế mà lắm kẻ phải trốn chạy Chúa, như Maisen và bên trong giục họ phải dấn thân vào những khó khăn và nguy hiểm, hay ép họ phải cố bay lên hay từ bỏ những gì mà họ quá ưa thích.
Nhưng trốn chạy sao được khi mà đâu đâu tạo vật cũng phản ảnh vẻ đẹp đấng Hóa Công và nhắn nhủ về sự có mặt của Ngài? Trốn chạy sao được khi mà lương tâm vẫn nhắc nhở về bổn phận và cắn rứt về tội lỗi? Trốn chạy sao được khi mà những "cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm" chỉ để lại trong ta một cảm giác trống vắng thôi:
-- "Tôi được Chúa tạo nên vì Chúa, nên hồn tôi khắc khoải mãi không thôi, kỳ cho được nghỉ ngơi trong Ngài".
Sự ám ảnh của Thiên Chúa có nhiều mức độ khác nhau. Ðối với kẻ chống lại Thánh Thần (cố chấp), Chúa đành bó tay cứu vớt để ra tay trừng trị. Ðối với kẻ dù đại ác như tên cướp trên thập tự, Chúa vẫn không thôi làm phiền bằng gõ cửa. Ðối với kẻ chỉ muốn "bắt cá hai tay", một chút gì đó cho Chúa, một chút gì đó cho mình, Chúa cũng chẳng để hắn yên lương tâm. đối với kẻ đã hiến dâng thật sự, nhưng còn vương luyến một cái gì không thể bỏ, hoặc không sẵn sàng từ bỏ, thì Chúa càng tấn công mạnh để hoàn tất tác phẩm của Ngài. Vâng, Chúa muốn tất cả con người anh, vì Chúa muốn thông ban cho anh tất cả bản thân Chúa. Chúa tham lam thật đấy, nhưng sự tham lam này lại tố giác sự rộng rãi kia.
Ðến đây, chắc hẳn bạn nghĩ rằng: Với kẻ đã dâng hết, Chúa chẳng còn gì để chiến đấu nữa. Không đâu, vì không ai thấy tác phẩm mình đã dẹp, mà lại không muốn nó thành tuyệt mỹ. Ðiều này, các huyền nghiệm nhân thấy rõ hơn ai hết. Những đau khổ họ chịu trong các đêm tối thanh luyện thật khủng khiếp, mà không một đau khổ trần gian nào có thể so sáng tí ti (Coi thêm Fr. Roustang, Une initiation à la vie spirituelle, tr.63tt. Cũng nên đọc Tiên Sa Avila, Lâu đài, VI.11).
Quả thật, một con người, dù với ý muốn dâng hết và quy thuận hoàn toàn, vẫn còn bề sâu những chỗ gồ ghề, su si, có khi chỉ thuần tâm lý, nhưng chúng vẫn cản trở sự thông lưu trơn suốt của dòng ân sủng. Bởi thế mới cần đến môi trường phi trọng lực cho anh tập quen với cuộc sống không điểm tựa ỏ bất cứ thụ tạo nào.
Anh sẽ tự do hoàn toàn, nhưng anh chỉ thực tự do khi trở thành phím đàn bén nhạy dưới ngón tay tinh tế của Thần khí. Ðây là lúc mà anh được "an nghỉ trong Chúa", bằng sự bình an sâu xa và hưng phấn không gì diễn tả nổi. Cũng chính vì sự an vui chỉ Chúa mới có thể ban này mà biết bao người, tự cổ chí kim, đã sẵn sàng từ bỏ hết, chịu đựng hết để đi vào con đường tu luyện.
Ðằng sau cuộc chiến của tôi với bản thân và thế gian, có cuộc chiến giữa thần ác và thần lành. Chiến trường của hai bên không ở đâu khác, mà ở chính hành động và cuộc sống của tôi, cùng với các hoàn cảnh bên trong, bên ngoài. Chiến trường, ở căn bản của nó, là nội tâm tôi.
Ở mỗi biến chuyển của nội tâm, tác động của thần lành và Satan thường xoắn xuýt lấy nhau, thế mà chiến thuật của tên Trùm gian lại quanh co và hiểm độc. Cho nên, biết được khí giới và chiến lược của đôi bên rồi, trong mỗi trường hợp cụ thể, còn phải có kinh nghiệm, khôn ngoan và ơn Chúa mới có thể phân định được đâu là thúc động của thiên thần, Thiên Chúa, và đâu là tác phẩm của Satan.
Ðể rút kinh nghiệm, thánh Ignace khuyên rằng: mỗi khi dòng thúc động (motion) được phát hiện do quỷ, hãy cố nhớ xem nó đã bắt đầu, diễn tiến, rồi kết thúc ra sao, nhờ đó để ứng phó trong các lần tới (Quy tắc để phân định thần căn tốt hơn: quy tắc 6 - Thần thao).
Theo nhận xét của bậc thầy thiêng liêng này, Satan thường khởi sự tấn công ở điểm yếu nhất của ta. Và nếu ta đang trên đà suy thoái, hắn sẽ khiến ta an tâm để cứ thế mà đi, trong khi Thiên Chúa lại gây bất an để làm ta nghĩ lại. Bằng nếu ta đang trên đà hưng tiến, thì chiến thuật của đôi bên cũng đổi chiều luôn. Nghĩa là Satan sẽ gây bất an, còn Thiên Chúa sẽ gây bình an để ta vững chí. Lắm khi trong giai đoạn tiến đức này, Satan sẽ giả làm "thiên thần ánh sáng", sẽ hướng ta về một điều tốt, nhưng đặt cạm bẫy ở đó để khiến ta sẩy chân. Vì thế, theo thánh nhân, dòng biến chuyển phải tốt suốt từ đầu qua giữa đến cuối, thì mới chắc là do Chúa được.
Thực ra, dù quỷ có đội lốt thiên thần, tự nó vẫn toát ra mùi gì của tối tăm, khiến đằng sau một tâm tình đạo hạnh có thể vẫn thấp thoáng cái chi đó ỷ của mình, khoe khoang, của hiếu động, liều lĩnh, của tàn nhẫn hay nhu nhược..., mà một kẻ đơn thành và giàu kinh nghiệm có thể nhận ra. Có điều thành và đơn sơ là đức tính hiếm hoi, trong khi kinh nghiệm là của những ai đã lâu năm trong nghề, tận tụy với nghề.
Sự phân định càng khó hơn khi siêu nhiên thường trộn lẫn với tự nhiên. Ðừng quên rằng thần ác với thần lành đánh nhau bằng chính con người của ta. Cảm xúc dù hướng thượng hay hướng hạ cũng là cảm xúc từ cảm tính của tôi, và ảnh tượng kèm theo cũng thuộc trí tưởng của tôi nốt. Vậy đau là phần của Thiên Chúa, phần của Satan, và phần của chính tôi đây? Thật khó mà thấy rõ được. trừ phi Thiên Chúa tác động trực tiếp, còn thì mỗi biến động nội tâm, ngoài phần góp ngầm hay công khai của các thần khí ra, đều có nguyên nhân tự nhiên tương xứng, ít là một phần. Cho nên, cũng bằng nguyên nhân tự nhiên, tôi có thể ngưng giảm, tăng cường hay chuyển hướng cho những cảm xúc ấy. Và đây là chiến đấu của tôi.
Nếu đây là thứ xung động tự nó không tốt không xấu, tôi chỉ cần tước bỏ động cơ và ý hướng xấu, chuyển hướng bằng một động cơ và ý hướng tốt là đủ. Nếu làm được, tôi đã chuyển bại thành thắng, đánh kẻ thù bằng chính khí giới nó sử dụng (Trong Lâu đài, Tiên Sa Avila trưng dẫn lời một linh mục thông thái: Nếu quỷ có làm tôi thấy Chúa, tôi cứ việc lợi dụng hình ảnh Chúa để yêu mến Ngài hơn). Cám dỗ bao giờ cũng là một xung động, mà xung động thì chở theo nó một năng lượng tâm sinh quý giá. Lợi dụng được năng lượng đó chả hơn là để phí đi hay sao? Ấy là chưa kể sự dồn nén có thể gây nên do phương thức đương đầu. Có điều việc chuyển hướng xung động không phải bao giờ cũng làm được. Và biết đâu khi làm thế, tôi chỉ tự dối mình thôi. Vả lại, đương đầu cũng là cách luyện tập ý chí, miễn là không quá liều lượng.
Theo thánh I nhã, Thiên Chúa có thể - và cũng chỉ một mình Ngài có thể - thúc động (mouvoir) trực tiếp (immédiatement) linh hồn, không nhờ bất cứ một nguyên nhân nào, dù bên ngoài hay bên trong. Hậu quả là tâm hồn tôi được soi sáng và thúc đẩy, sáng đến không thể nghi ngờ sự thật, mạnh đến không thể nghi ngờ ý Chúa (Quy tắc phân định loại II, quy tắc 2).
Ngoài thúc động bất ngờ và hoàn toàn ấy, những thúc động khác đều có kèm theo nguyên nhân. Cố nhiên là có những thúc động thấy rất siêu nhiên, mà hậu quả vượt trên những gì mà tự nhiên có thể gây nên được. Vì thế, phân định không dễ dàng. Theo thánh Yoan Thánh giá, ma quỷ có thể tạo ra trong ta những hiện tượng siêu thường, cả mạc khải và thần kiến nữa. Bằng cách tác động vào nội hay ngoại cảm của ta, cố nhiên. Vì thế, không nên vội tin vào những thứ khả giác (sensible), vì khả giác là trường hoạt động của cả thần ác lẫn thần lành. Trái lại, chỗ hoàn toàn tinh thần, thiêng liêng, thì chỉ một mình Thiên Chúa tới được. Vì chỉ một mình Thiên Chúa "rót vào" hồn trực tiếp một kinh nghiệm vô cùng sâu, nhưng không ảnh tượng, cũng không cảm giác và tình cảm (La nuit obscure, q.II, ch.2 và ch.23).
Ðối với những thúc động khác, thì hoạt động của tự nhiên và của các thần khí xoắn xuýt lấy nhau, nên phải phân định bằng chính hiệu quả đối với nội tâm ta. Sau đây là nhãn hiệu của thần lành được dán trên đó:
1) Kiêm nhường Trước những thúc động siêu nhiên, hồn phải thấy mình không xứng đáng, nên sợ không dám nhận lãnh. Thật ra, thần ác có thể lợi dụng chính những thúc động từ phía Chúa để tẩm nọc độc kiêu ngạo vô. Có điều thần lành khi ấy sẽ lưu ý cho ta chống trả.
2) Không vương luyến Anh được thúc động để dấn thân vào một công việc tốt ư? Vừa hăng say, anh vừa phải sẵn sàng rời bỏ theo ý Chúa, sẵn sàng uốn theo kế hoạch của Chúa, chứ không khăng khăng theo kế hoạch của anh.
3) Bình an Sự siêu thoát đi đôi với một bình an sâu xa. Bình an ấy có thể diễn ra dù dưới những xáo trộn xung quanh và ở bề mặt tâm hồn.
4) Mở ra với xung quanh và hết lòng vì bổn phận Ðược hướng dẫn bởi Chúa, con người không thể sống tinh thần trưởng giả thiêng liêng, bằng lòng với những vượng cảm nội tâm (consolations intérieures) mà không nghĩ đến người khác, hoặc chểnh mảng phận sự bên ngoài của mình (Fr. Charmot, Discernement es esprits et direction, trong Christus số 153 hors-série, 1992, tr.97-104).
Ðối với phần đông, cảm xúc thiêng liêng thường được thấy rõ là do cố gắng cá nhân, với hoàn cảnh trợ sức. Và đó là kết quả của một kỳ tĩnh tâm nghiêm túc, của một bài thánh nhạc được nghe, của một đoạn sách được đọc, của một tấm gương thánh thiện được biết. Có điều cần tin rằng, ngoài những nguyên nhân tự nhiên ấy, còn có ân Chúa ở hậu trường nữa. Ơn Chúa đã thành công trong việc kích động những tâm tình thiêng liêng của ta, trong việc phá đổ những mưu toan của kẻ thù ta.
Quả thật, trong một kỳ tĩnh tâm chả hạn, thiếu gì ơn Chúa được ban phát, cũng như thiếu gì cạm bẫy được giăng ra, những "chọc gậy bánh xe" được thực hiện. Nhất là khi có sự chọn lựa cuộc đời của mình.
Ðể làm chọn lựa tối quan trọng ấy, ta cần biết ý Chúa, do đó cầu nguyện nhiều. Có điều trong cầu nguyện, phải phân định đâu là thúc đẩy của Chúa, đâu là tác động của Satan. Ở đây, thánh I nhã cống hiến cho ta một phương pháp: đáng giá những vượng cảm (consolation) và suy cảm (désolation) (Tiếng consolation và désolation được thánh Ignace dùng với một ý nghĩa chuyên biệt. Chúng tôi thường dịch là Thuận cảm và Nghịch cảm. Riêng trong trường hợp này. Thuận hay Nghịch lại không thích hợp nữa, vì Consolation có thể do Satan làm. Vì thế, tôi đứng thuần trên quan điểm tâm lý học mà dịch là Vượng cảm và Suy cảm).
Thánh sủng, đó là Chúa yêu ta đã khiến ta yêu Chúa. Một tình yêu hiệu nghiệm của Chúa (ân sủng chủ tạo) đã biến cải ta trong Chúa (ân sủng thụ tạo), hóa ta thành Ðáng yêu (aimable) và khiến ta thành Ðang yêu (aimant). Vâng, ân sủng thụ tạo hướng ta về Chúa, và khi ân sủng ấy nhiễm hóa các khiếu năng (facultés), nó tạo nên các năng đức thiên phú (vertus infuses), căn bản là năng đức Hướng-Chúa, với cái sườn của nó là Tín (tín nhiệm vào Chúa, tin vào lời Ngài), Vọng (nương cậy vững vàng vào sự giải thoát cuối cùng do Ngài) và Ái (kính yêu Chúa như một Thiên Chúa đáng kính yêu).
Ðước cải biến trong Chúa và định hướng vế Ngài trong Tín-Vọng-Ái, tôi đã "quen hơi" Chúa từ thâm sâu, nhờ đó dễ "đánh hơi" Ngài, nghĩa là nhận ra đâu có mặt Ngài, ở thúc động này hay ý nghĩ kia, cũng như trong diễn biến các sự kiện. Khả năng "đánh hơi" ấy làm nên đòn sủng phân định thần căn. Ai có ân sủng đều có Tín-Vọng-Ái, do đó có đoàn sủng phân định thần căn. Có điều ân sủng không thể hiện nổi nếu ta không gắng sống theo Chúa, nên ta cũng không thể phân định thần căn nếu không có thói quen lắng nghe Chúa và sống đơn thành. Ðoàn sủng Phân định này chỉ nổi bật nơi những tâm hồn lành thánh, nhất là khi họ làm nhiệm vụ hướng dẫn, cố vấn; và khi ấy, người ta gọi nó là một đặc huệ Thánh Thần (don du Saint-Esprit). 1Yo. 5.20 nói đến thứ nhạy cảm (dianoia) để biết chân Thiên Chúa, còn 1Cor. 12.10 nêu đích danh Phân định thần căn (diakrisis pneumatôn).
Phân định được ở đâu có mặt Chúa thì cũng phân định được đâu mới là con đường Ngài.
Quả vậy, gần gũi kẻ Ngài thương, Thiên Chúa cũng phản chiếu ý hướng Ngài trên tâm tư của hắn. Ý Chúa (thiên mệnh) phản ảnh trên đó thành một thứ lương tri (conscience) siêu nhiên thường hằng:
-- "Ðối với anh, sự xức dầu mà anh nhận của Chúa, sự xức dầu ấy vẫn ở nơi anh, khiến anh không cần ai dậy dỗ nữa,... sự xức dầu của Ngài dậy anh về tất cả..." (1 Yo. 2.27a).
Lương tri nói trên vừa là nhạy cảm phân định, vừa là khuynh hướng lành thánh. Một hướng lành đầy hương vị Kytô, vừa khách quan vừa giúp đánh giá đúng hoàn cảnh cụ thể trước mắt này.
Xét về mặt tri thức, thì đây chỉ là một hướng nhắm mà đối tượng chưa rõ nét, một hiểu biết có gì còn mờ ẩn. từ đó là sự khởi đầu (inchoation) trong tranh tối tranh sáng của một tiếng gọi (appel) và định hướng cơ bản (Yêr. 31.33-34; Hyb. 8.10-11; al. 4.6). Kể từ khi ấy, một ý nghĩ hay tình cảm, nếu đồng chiều với dòng chảy kia, sẽ có cộng hưởng và vang lên trong tôi một thuận âm (consonance), khiến lương tri cảm nhận ngay là từ Chúa. Trái lại, một cung đờn lạc điệu với "cung la chuẩn" nói trên sẽ gây một nghịch âm (dissonance), và hồn nhận ngay ra lý lịch của kẻ nội thù.
Qua ân sủng và năng đức Tín-Vọng-Ái, sự có mặt của Chúa chẳng những sinh ra ở nội tâm một khuynh hướng và lương tri, nhờ đó có khôn ngoan (prudence) và tuệ trí (sagesse), có sự nhạy bén của phân định thần căn, mà sự có mặt ấy còn có thể tác động vào cảm năng thành thứ cảm giác thỏa thuê và hạnh phúc, mà tôi tạm gọi ở đây là Vượng cảm. Cảm giác nghịch lại sẽ là Suy cảm, cảm giác thiếu vắng và cô đơn, cảm giác khô khan và tuyệt vọng, v.v...
Vượng cảm khác nhau về mức độ và loại thể, đi từ sôi nổi tới sâu lắng, với tâm hồn dễ say sưa trong cầu nguyện. Có thứ vượng cảm càng an lặng hơn nữa, một thứ bình minh trong suốt, không gợn một ý nghĩ hay cảm xúc nào.
Dĩ nhiên, nếu đây là vượng cảm thiêng liêng, nghĩa là có khí sắc siêu nhiên và có nguồn gốc thần lành, thì sự bình an, ít là ở bề sâu, luôn phải có. Và cùng với bình an là cảm giác hưng phấn và can đảm (fuerzas theo ngôn ngữ Ignace): một sung sức bên trong để nhẫn chịu, để đấu tranh. Thúc động kiểu ấy còn có dáng sắc trong sáng và ngay chính nữa. Vâng, Thánh Thần là cha đẻ của ngay chính và trắng trong, khi mà Satan lại là Bóng đêm và Dối trá.
Theo I nhã, trong vượng cảm thiêng liêng, người ta yêu Thiên Chúa, và chẳng thể yêu gì khác nếu chẳng trong Chúa và vì Ngài. Nếu vượng cảm thiêng liêng ấy là huyền nhiệm, ở mức cao của huyền nhiệm, mà Tiên Sa Avilla gọi là Mật vị (gout), thì thúc động không còn nổi ở bề mặt tình cảm nữa, mà có thể sâu lắng thành một chiêm ngưỡng tinh thuần (contemplation pure) và tịnh an, mà tưởng tượng và lý trí chẳng dự phần, nên cũng chẳng hiểu chi được. Tình trạng đại định của Thiền nghe nói cũng vô sắc vô thanh giống thế. Ðó là khi sự hội nhất đã thành mỹ mãn ở địa hạt tinh thần, khiến có thuận chiều và hanh thông, với niềm tin đã vững, niềm vọng đủ mạnh, niềm yêu khá sâu, khiến an thỏa hoàn toàn.
Trong tình trạng bốc lửa yêu thành vượng cảm hay mật vị, hành giả có thể nghĩ đến thánh giá Chúa, đến đau khổ loài người hay tội lỗi xưa kia, do đó có xót đau, nhưng sự buồn thương này không làm suy vi vượng cảm, không đè bẹp trong thảm sầu hay tuyệt vọng, vì đó là đau đớn trong tình yêu thương và tin tưởng.
Sự gia tăng tín, vọng, ái, chiều hướng thượng vẻ chính trong, sự khiêm nhường, cùng với bình an và hưng phấn, đó là những dấu chứng của một vượng cảm thiêng liêng, do tác giả Thánh Thần khí. Bất cứ sự thiếu vắng hay suy thoái của một yếu tố nào trong đó đều tố giác phần hùn của Bóng tối, ít là của tự nhiên.
Vì vượng cảm thiêng liêng làm gia tăng Tín-Vọng-Ái, nên hãy cố đắc thủ nó bằng cầu xin, bằng hy sinh và suy niệm. Thế nhưng hãy ước muốn những vượng cảm sâu bền nên tăng sức chiến đấu, hơn là tình cảm bề mặt ướt át, dễ khiến tự phụ hơn là thúc hoán cải cuộc đời. Vâng, vượng cảm đúng là do Chúa nếu khiến con người thực sự tốt thêm. Ðức hạnh trong cuộc sống chính là biểu chứng của tác động thần lành.
Nếu vượng cảm thiêng liêng gồm những đặc điểm kể trên, thì suy cảm âm căn (mà Ignace gọi là Désolation spirituelle, tức là do âm khí) lại lộ ra những nét nghịch hoàn toàn. Theo I nhã, đó là tối tăm và bất an do cám dỗ, do âu lo và bối rối. Ðó là khô khan, ươn ưởi đối với đạo đức và cầu nguyện, đối với tông vụ và các việc lành khác. Ðó cũng là cảm giác xa Chúa, cảm giác mất niềm tin, v.v...
Có vẻ như hồn suy sụp rũ liệt. Mảnh đất khô cằn và căn phòng trống trải. Niềm tin như được thay thế bởi cảm giác hư vô. Sóng gió nổi quanh tôi và Chúa đã xa tôi. Thiên quốc xưa hấp dẫn thế, mà nay chẳng mùi vị gì. Làn sương trong vắt nay được thay chỗ bằng luồng khói tà mị. Sự hướng thượng của tâm tư xem như đã mất, để chỉ còn nổi lên những cám dỗ hạ trọc thôi.
Nên nhớ, đây là CẢM THẤY NHƯ, chứ sự thật có thể khác. Và nên biết, không phải suy cảm nào cũng có âm căn, nghĩa là do Satan và có bản chất tà độc.
Vì thế, phải phân biệt cám dỗ do quỷ với xung động tự nhiên, dù lắm khi hai sức mạnh ấy tương tại vào nhau. Nếu thúc động quá bất ngờ và có khi vị âm tà, thì tạm đủ lý do để kết luận về nguồn gốc địa ngục của nó. Còn ra, thì sự khô khan có thể do ăn quá no, do trì trệ sinh lý, do tác động của những mối bận tâm. Cũng có thể vì ta đã thiếu tinh thần trách nhiệm. Mà cũng có thể đây chỉ là do mặc cảm.
Nên nhớ, khô khan còn có thể do Chúa nữa. Hoặc Chúa thử thách để củng cố anh. Hoặc Chúa chuẩn bị anh cho cuộc phiêu lưu vào những độ sâu thần thánh. Ðể đưa ta bay cao, không thể Chúa không tôi luyện ta trong những môi trường phi trọng lực. Quen bám vào trọng lực để di chuyển, ta sẽ bàng hoàng ghê gớm khi mặt đất biến mất dưới chân. Ðó là cảm giác suy cảm, nhưng thật ra là giả suy. Nhờ mất điểm tựa, mà Tín-Vọng-Ái gia tăng độ thuần khiết. Nếu mất hay giảm Tín-Vọng-Ái thực, thì có khô mà không khổ đâu. Còn thấy khổ vì khô là dấu hiệu tin yêu còn nguyên nhiệt độ.
Một dấu hiệu khác của đêm tối hay suy cảm do Chúa, đó là khi khiếu năng chỉ bị "treo giò" khi cầu nguyện thôi, chứ trong đời sống thường, chúng vẫn hoạt động bình thường.
Trong trường hợp thấy cầu nguyện khô khan, mà không đau khổ vì cảm giác xa Chúa, hoặc chỉ áy náy lương tâm đôi chút thôi, thì nguyên nhân đúng là về phía mình rồi. Có thể đây là do tội lỗi hay biếng lười, do những quyến luyến không muốn bỏ dù do đó thấy bất an... Vậy để lấy lại lòng sốt sắng, không thể không giải quyết những trở ngại ấy. hãy cầu nguyện để cố gắng, hãy cố gắng nhưng tin vào sức Chúa hơn là sức mình.
Ðể kích thích cho tâm tình sôi động lên, thánh Ignace cũng khuyên nên thay đổi khung cảnh, giờ giấc, lối sống. Ðây là một ý tưởng cách mạng đối với thời đại Ngài. Ðời sống thiêng liêng không phải chỉ là công việc của tâm tư, mà của toàn con người tâm sinh lý, cùng với ảnh hưởng của xung quanh nữa.
Chúng ta đã phân tích vượng cảm và suy cảm, phân biệt vượng cảm thiêng liêng và suy cảm âm căn với các loại vượng, suy cảm khác. Thúc động nội tâm thường biểu hiện ở vượng cảm và suy cảm. Nên nắm được đặc điểm của từng loại sẽ khiến phân định dễ dàng, xem cái gì là do Chúa trực tiếp hay gián tiếp, cái gì do Satan và cái gì do tự nhiên.
Có điều những chỉ số (indications) ấy không luôn luôn rõ nét, lại có khi chồng chéo những giống loại khác nghịch nhau. thế rồi, một thúc động có thể kéo dài, với rất nhiều biến hóa. Ðối với loại này, thánh Ignace giúp ta một tiêu chuẩn để thẩm định. Theo ngài, chỉ khi nào những biến hóa ấy, từ đầu cho đến đuôi, nhất là ở phía đuôi, đều tốt cả, thì mới chắc được là do Chúa hoàn toàn. Tình trạng kết thúc nói lên hiệu quả thực của thúc động và đích nhắm của tác giả. Nếu thúc động do Chúa, thì hiệu quả phải là gia tăng tín, vọng, ái. Vậy nếu thúc động mở đầu tốt, mà kết thúc xấu đi thì thế nào đây cũng có bàn tay của kẻ thù rồi. Hoặc kẻ thù có mặt trong suốt tiến trình. Hoặc nó nhập cuộc sau và lái thúc động theo hướng khác.
Ơn phân định thần căn không phải là thứ lương tri tự nhiên, nhưng một bén nhạy lương tri đầu siêu nhiên tính và Kytô tính.
Phân định thần căn cũng không phải phân định ý Chúa. Giữa mớ biến chuyển nội tâm, nó chỉ xét xem cái gì là thuần tự nhiên, cái gì là do Chúa và cái gì do quỷ. Tuy không phân định ý Chúa, nhưng qua những xem xét trên, ơn bén nhạy thiêng liêng ấy rất cần để hiểu đâu là đường đi của Trời.
Ðể nhận ra hướng nhắm của Chúa đối với tôi, ngoài phân định thần căn, cố nhiên còn phải nhận ra ý nghĩa của hoàn cảnh hiện nay và những dấu hiệu thời đại. Cũng cần phải cân nhắc xem quyết định của ta có thể ảnh hưởng ra sao đối với bản thân và mọi người, liệu có "vinh danh Chúa hơn" hay không (Xx Jules J. Toner, A commemtery on saint Ignatius rules for the discernement of spirits, St. Louis, 1982, tr.12-15).
Thánh I nhã chia ra ba trường hợp và định ra ba cách dò tìm ý Chúa.
Trường hợp thứ nhất là khi Chúa sáng soi trực diện, lập tức và tự mình Ngài hoàn toàn. Vâng, Chúa tự làm nghiêng ý muốn tôi, mạnh và chắc đến nỗi "không hoài nghi, mà cũng không thể hoài nghi" (Thần thao, số 175). Việc của tôi khi ấy chỉ còn là quy thuận và uốn mình theo thiên ý.
Trường hợp thứ hai là khi, với ý nghĩ này hay ước ao kia, thấy bật lên những thúc động siêu nhiên khá rõ. Siêu nhiên đã vào cuộc, và mỗi loại thần khí sẽ để lại danh thiếp của mình bằng những đặc điểm riêng. Ðể đọc được ký hiệu và giải được mã số, tôi chỉ cần biết phân tích và đánh giá những vượng cảm và suy cảm (Thần thao, số 176).
Sau đây là một trường hợp cụ thể lấy làm ví dụ:
Trong thời ký viết hiến pháp Dòng Tên, thánh I nhã đã suy tư và cầu nguyện suốt 40 ngày về riêng một vấn đề: Các nhà thờ dòng có nên được đảm bảo bằng của chìm (lợi tức do ruộng đất, bỏ vốn sinh lời) hay không. Thánh nhân nêu lên các lý do thuận và nghịch để cân nhắc. Nhưng ngài dựa hầu hết vào cầu nguyện để dò tìm ý Trời. Suốt 40 ngày trong thánh lễ cũng như xung quanh thánh lễ, ngài trải qua cơ man nào những huyền kiến, ơn sa lệ, huyền ngôn (loquela), cùng lúc với xác tín rất mạnh về lý tưởng thanh bần hoàn toàn, nhưng đôi khi cũng xen vào nỗi ngờ vực, bất an.
Thánh Ignace đã cân nhắc và ghi chú hết những thúc động ấy. Xem ra ý Chúa là dành cho dòng một thanh bần tinh thuần. Nhưng mãi đến 12 tháng ba 1544, ngày thứ 40, sau khi đã đủ độ bất thiên, không còn thiết chi ngoài thiên ý, ngài mới nhận được sự phê chuẩn rõ bằng một xác tín hoàn toàn. Và thế là dứt khoát hẳn. Cùng lúc, "các tối tăm bắt đầu rời xa (ngài) dần..., và (ngài) không còn muốn dâng lễ vì mục đích (tìm ý Chúa về vấn đề) ấy nữa" (Xx Saint Ignace, Journal spirituel, bản dịch và chú giải M. Giuliani, DDB, 1959, tr.97).
Trong thí dụ trên, tuy I nhã ở vào trong trường hợp II, với nhiều vượng cảm và suy cảm, nhưng ngài cũng cân nhắc theo các tiêu chuẩn liên quan đến trường hợp III.
Trường hợp III là hoàn cảnh thiếu vượng cảm và suy cảm. Ðể tìm ý Chúa, chỉ còn biết trông chờ vào lý trí để suy xét thôi. Nhưng suy xét cũng phải có quy tắc để suy xét.
Trước hết phải đặt rõ trước mắt cứu cánh đời tôi. Tôi phải tin yêu Chúa, và nhờ đó cứu mình. Kế đó, định rõ vị trí của bất cứ gì khác: chúng chỉ là phương tiện để tôi đạt mục đích ấy.
Vậy nếu tôi đã làm một chọn lựa không đúng quy tắc liên quan đến hoạt động và nếp sống, thì tôi cần chỉnh lại. Giả như nếp sống kia không thể đổi, thì tôi chỉ chỉnh hướng thôi. Ðã trót chọn nếp sống ấy (nếp sống gia đình hay nếp sống linh mục chẳng hạn) vì ích lợi phàm trần ư? Tôi sẽ cố bỏ đích nhắm kia vì một mục đích thích đáng hơn. Trong trường hợp nếp sống bỏ được, thì tôi phải đặt mình vào trạng thái bất thiên và làm lại một chọn lựa đúng quy tắc.
Trong chọn lựa, phải thành với mình và cân nhắc phải khách quan, đừng để ham muốn và sở thích, thành kiến và thói quen, quyền lợi hay nhu nhược và cả nể chi phối. Ðể được như thế, có thể áp dụng ở đây lời khuyên của bậc thầy này liên quan đến bố thí:
-- Có thể hình dung đây là việc của một kẻ khác, mà vì lợi ích thiêng liêng của họ, ta muốn khuyên bảo họ. Tính khuyên họ thế nào, hãy quyết định thế ấy cho ta.
-- Hoặc đặt mình vào hoàn cảnh lúc hấp hối, vào giây phút đến tính sổ với Thiên Chúa. Hẳn là khi ấy tôi sẽ nghĩ: Giá mà ta đã chọn thế này, làm thế kia. Ðó là điều tốt nhứt mà anh phải chọn bây giờ đấy.
Ðức Thành, tinh thần khách quan và bất thiên, đó là điều kiện cần bậc nhất để nhìn ra ý Chúa. Sự bất thiên (indifférence) mà thánh I nhã rất nhấn mạnh ấy cũng đã được thánh Bernard quan tâm không ít khi ta chưa rõ đường đi của Chúa, cũng là đường đi của ta. Trong trường hợp như vậy, "ý muốn ta phải treo ngưng giữa hai giải pháp, đừng nghiêng về giải pháp nào, mà cố nghĩ mãi rằng biết đâu giải pháp kia hài lòng Chúa hơn. Cứ như thế, hãy sẵn sàng làm theo ý Chúa..." (Sermo de diversis, 26.3. Cf Anndré Louf, Lagrace peut davantage, DDB, Paris, 1992, tr.197).
Một khi lòng không vướng bận, và tâm thành chỉ muốn điều Thiên Chúa muốn thôi, thì khi ấy Chúa ra sao, ý Chúa sẽ đẩy ý ta theo cùng một phía, như André Louf nói: "Cùng với sự quyết tâm làm theo ý Chúa..., trạng thái bất thiên sẽ mở lối cho ta đi vào ý Ngài" (op.c, tr.201). Và như cũng chính A louf tiếp tục "Với điều kiện đã bỏ hẳn mọi ước muốn hời hợt chúng cản ngăn ta đạt tới cái Tôi sâu thẳm (Le moi profond) ở đó Thiên Chúa đang làm việc, thì con người có thể tin cậy vào cái ước muốn nó đang tồn tại êm ái ở chỗ sâu của mình. Ước muốn này, không nghi ngờ gì nữa, đúng là ước muốn của Thiên Chúa liên quan đến vấn đề của ta. Vì tuân ý Chúa luôn là thuận theo cái ước muốn sâu nhất trong ta, thuận theo cái nó là tốt nhất và thật nhất trong bất cứ người nào" (Std. tr.201).
Sau đây là một thí dụ nhận ra ý Chúa ở ý con người trong tình trạng bất thiên:
Một lần kia, Ignace thiếu hai chân giáo viên cho hai trường dòng Tên, một tại Naples, một tại Venise. Tại Venise thì dòng Tên được vô cùng quý mến, còn tại Naples thì ngược lại, dòng bị căm ghét vô cùng. hai trường thiếu, mà Ignace chỉ có một người thôi. Phải gửi người này đến Naples hay Venise đây? Một bê trên khôn ngoan hẳn tùy khả năng trí thức và trạng thái tinh thần của người kia mà quyết định. Thế nhưng Ignace không tự mình quyết định. Ông bảo tu sỹ ấy đi cầu nguyện ba giờ và bằng mọi cách đưa mình vào tình trạng bất thiên, không muốn bên nào mà chỉ muốn ý Chúa. Khi tu sỹ trở lại, câu đầu tiên Ignace hỏi, là anh đã thấy mình bất thiên hay chưa. và khi được trả lời bất thiên rồi, như anh ta nghĩ, thì ngài tiếp ngay bằng câu hỏi thứ hai, đầy bất ngờ cho anh:
-- Vậy bây giờ con ước muốn gì?
Chúa chỉ có thể tỏ ý muốn của Ngài nơi ý muốn của ta, miễn là ta ở trong tình trạng không còn ý riêng nữa, để chỉ mong muốn mình là bản sao của ý muốn Chúa.
Sự chọn lựa không những là của cái đầu (suy xét), mà còn là của con tim (trong cầu nguyện). Tự đầu xuống tim, rồi lại từ tim lên đầu, để rồi khi kết thúc lại trở về với tim. Ðây là lúc mà, đắm chìm trong cầu nguyện, ta dâng lên Chúa bản dự án (projet), xem Chúa có chuẩn phê bằng vượng cảm, với xác tín và bình an hay không.
Thánh Ignace luôn làm như thế. trong suốt bốn mươi ngày cân nhắc về luật thanh bần của dòng, tuy được thúc động liên tục với biết bao vượng cảm, nhưng ngài vẫn không quên cân nhắc các lý lẽ thuận nghịch của vấn đề. Và cũng chính ngài trình bày những lý lẽ ấy với Chúa khi nguyện cầu Chúa. Sự xoắn lấy nhau của cách làm (trường hợp) II và III!
Khi không thể áp dụng phương pháp của trường hợp II, tức khi không có thúc động sâu xa đáng kể, chúng ta hãy bằng lòng với kết quả của một cân nhắc thuần bằng lý trí, một cân nhắc đã làm trong Chúa với tất cả sự thận trọng và trong tinh thần siêu thoát, khách quan.
Một chọn lựa khách quan và vì "vinh quang hơn nữa cho Chúa" vẫn chưa đủ. Ðức khôn ngoan còn phải đưa lựa chọn ấy đối mặt với "dấu hiệu thời gian". Nhờ dấu hiệu này mà nếu ta biết giải mã, ta sẽ khám phá đâu là khát vọng của giới nghèo hay giới trẻ hôm nay, đâu là thúc bách của hoàn cảnh hiện tại khiến phải thay đổi cách nghĩ, cách sống và cách làm. Có thế mới xác định cụ thể được vừa hướng đi của thời đại, vừa nhu cầu của Hội Thánh, vừa đòi hỏi của hoàn cảnh văn hóa - xã hội địa phương, đồng thời sứ mệnh của mình hay của nhóm mình (Xx J-C Dhôtel, Discerner ensemble, supplément Vie chrétienne, tr.38).
Tìm hiểu dấu thời đại là một việc tối quan thiết nhưng cũng rất khó khăn. Phải có điều nghiên điền dã. Phải nghiên cứu sách báo, phim ảnh, truyền hình, truyền thanh, v.v..., cố đọc ra từ đó luồng tư tưởng đang dẫn đạo thế giới và trong nước. Phải biết được cái gì là nguồn sinh, máng nuôi, nút hãm của những đợt sóng văn hóa đang dồn dập quanh mình. Phải biết được nữa cái gì sẽ phát sinh như hậu quả, cái gì có thể nổ ra do phản chấn, cái gì tự nhiên sinh ra và cái gì tố giác sự can thiệp của những sức mạnh siêu nhiên.
Ðể nhìn thấy những đợt sóng ngầm, nhìn ra đường đi và điểm tới của nó như thế, chẳng những phải đi sát thực trạng văn hóa, xã hội, chẳng những phải biết nhìn rộng thấy xa, mà còn phải có một nhãn quan siêu nhiên và một trực giác tiên tri nhạy bén.
Ðể nên thánh, cũng là để sống mật thiết với Chúa Giêsu, thì phải từ bỏ bóng tối và thuận theo ý Cha.
Ðâu là đường của Thần ác và đâu là ý Cha về tôi đây? Nên nhớ, Bóng tối và Ánh sáng đang vật lộn nhau trong ta, nên để tìm hiểu đôi bên, ta cứ nhìn vào chính nội tâm mình, đồng thời dùng lý trí để suy xét.
Suy xét bằng lý trí, ta phải đặt ra trước mắt cứu cánh của cuộc đời, và đó là: Suy phục Thiên Chúa, nhờ đó cứu bản thân. Ðoạn, hãy xem trong hoàn cảnh cụ thể của ta, đâu là cái giúp ta đạt mục đích ấy, và đâu là cái cản trở.
Còn tra vấn nội tâm là tìm hiểu những thúc động, nhất là trong cầu nguyện, xem với chọn lựa này, ý nghĩ kia, thì thúc động ra sao, thuận cảm hay nghịch cảm. Nên nhớ, khi ta đang đi cùng chiều với thần khí nào, thì thần khí ấy sẽ thúc động thuận, gây sự an tâm, còn thần khí kia lại khiến ta âu lo sao xuyến. Dẫu sao, thúc động của thần lành luôn đượm mùi chính khí và gây tin tưởng. Còn thúc động thần ác thường xông mùi tà khí và đưa đến xáo trộn, rồi tuyệt vọng. Coi chừng, nếu anh đang tiến đức, thì thần ác có thể đội lốt thần lành, đi cùng chiều với anh để lái dần anh sang cùng chiều với hắn.
Từ chỗ sâu nhất của tâm hồn của ta, Thiên Chúa vẫn hành động để uốn tâm tình ta theo hướng đi của Ngài. vậy để nhìn ra thiên mệnh, phải làm tan những xáo trộn ở mặt hồ, nhờ đó trông suốt đến đáy. Trước tiên, hãy giải phóng mình khỏi những ép buộc của siêu ngã nếu có. Kế đó, đưa mình vào trạng thái chính tâm, thành ý, cũng là bất thiên để chỉ muốn điều Chúa muốn thôi. Ðiều ta ước muốn từ thâm sâu khi ấy sẽ hiện tỏ, và đó là điều Chúa muốn cho ta, với sai số không đáng kể.