HỐI CẢI VÀ ÐỔI ÐỜI

Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Có những người như Phaolô, đang là kẻ bắt bớ Kytô-hữu, bỗng trở nên tông đồ năng nổ nhất của Thầy. Có những phụ nữ như người trong thành đang nổi tiếng tội lỗi , mà rồi thấy đến khóc dưới chân Chúa, hình như theo Chúa đến tận mồ nữa. Ta hãy lần theo vết chân cải hối của những con người ấy, và cố dứt khoát như họ.

Quyết định: tự tạo mình hay tự hủy mình

Ở cõi trần này, mỗi hiện tượng được giải thích bằng hiện tượng có trước, và đây là nguyên nhân tương xứng của nó. Thí dụ: sấm nổ là do sự gặp gỡ giữa hai đám mây mang điện tích nghịch nhau.

Thế nhưng hành động của con người, ở chỗ là hành vi nhân linh, lại được định đoạt và giải thích bằng cái có sau, cái mục đích. Không phải đích của hành động cho bằng đích mà con người nhắm bằng hành động của mình. Phải, chỉ vì cái đích ấy mà anh ta hành động, chứ anh không hành động do nguyên nhân đun đẩy (Hành động đúng nghĩa phải là hành động tự ý, mà hễ tự ý thì có chủ đích).

Ở chỗ anh ta nhắm đích mà hành động (chứ không bị đưa đẩy do cơn điên), anh ta có trách nhiệm về hành động của mình. Trách nhiệm không những vì hậu quả của hành động, mà còn vì đích nhắm của hành động. Nên trách nhiệm đã có trước khi hành động diễn ra, ngay cả khi, vì không gặp dịp, nên hành động không có. Thí dụ: Nếu tôi muốn giết chị B, tôi đã phạm tội ngay khi có ý đó, dù chưa thể giết chị.

Do đích nhắm, nên cũng là do ý hướng và động cơ (motivation). Con người thành tốt hay xấu là do ý hướng và động cơ tốt hay xấu trong hành động.

Cái tốt hay xấu càng ăn sâu vào người khi nó đã thành tập quán, nghĩa là do thói quen mà thành tật xấu hay tính tốt. Vậy, bằng hành động và thái độ bên trong, con người có khả năng tự tạo mình hay tự cải mình. Tính người không phải chỉ là bản tính trời sinh, mà còn là bản tính do mình phải làm nên nữa. Tôi có ý nói Bản tính lý tưởng. Hễ là người, tự nhiên anh có bổn phận Làm người, nghĩa là sống thiện để nên Nhân, nên Thánh.

Là người ư? Thiên Chúa tạo nên tôi mà chẳng cần tôi! Còn làm người thì: "Thiên Chúa không thể cứu anh nếu không có anh (hợp tác)". Nên người và nên thánh, tất cả là do Chúa, mà tất cả cũng do mình. Trên hai bình diện khác nhau, dĩ nhiên. Ở chỗ là do tôi, tôi có khả năng tự tạo lấy mình, đồng sáng tạo mình với Thiên Chúa. Con người tự tạo bằng quyết định, quyết tâm của nó. Sự vật chỉ thụ định, bị quyết định (déterminé) bởi các nguyên nhân bên ngoài và qua các quy luật thiên nhiên. Như sự vật, con người cũng bị chi phối bởi hoàn cảnh, bị tác động từ ngoài bởi các quy luật lý hóa, tâm sinh lý, xã hội. Nhưng hơn sự vật, nhờ khôn khéo và bằng ý muốn tự do, con người có thể len lách giữa các trói buộc ấy, đồng thời nương theo sức đẩy của chúng để đi con đường của mình, nhờ đó làm nên lịch sử, tự tạo tương lai, tự tạo chính mình.

Nó tạo lấy mình bằng quyết định (décision). Bằng quyết định, con người vượt khỏi và ngồi lên trên trói buộc, để biến những tất yếu (tức quy luật và hoàn cảnh) thành công cụ và xe chở. Bằng quyết định, con người tự hiện hữu lên (ek-sister) và đặt dấu ấn của mình trên hiện hữu.

Hành động đúng của mình là do tự mình làm, bằng quyết định. Hành động ấy vừa có tính lịch sử, vừa làm lịch sử. Hành động do mình, nên anh có trách nhiệm về hành động của mình. Và đây là khía cạnh luân lý của hành động. Dưới khía cạnh luân lý ấy, hành động làm nên con người anh và nó đóng cứng anh vào vĩnh cửu. Vâng, hành động vừa có sử tính, được đánh dấu bởi thời gian, vừa vượt thời gian để được đánh dấu bởi vĩnh hằng.

* * *

Con người tự tạo mình cũng là con người có bổn phận ấy. Ðây là bổn phận làm người và sống đạo làm người. Vâng, con người sinh ra với hướng đích (finalité) như thế, không tránh đâu cho khỏi. Ðích sống tốt ấy cũng là đích sống vì Thiên Chúa, Ngài vốn là Sự thiện viết hoa. Tôn giáo và đạo đức đã gặp nhau ở đích nhắm, ở cao đỉnh cũng như ở gốc nguồn.

Chẳng những Hướng đích nền tảng là quy thuận Thiên Chúa, là sống lành, mà do định mệnh siêu nhiên như một thiên ân miễn phí, nó còn là hiệp thông với Thiên Chúa ở bề sâu, để rồi chia sẻ hạnh phúc với Ngài, ở chỗ Ngài là tam vị.

Ðây là hướng đích của một bản tính thiêng liêng và tự do, nên nó phải được con người tự ý chấp nhận. Tôi có thể thuận theo hay cưỡng lại định hướng này, và do đó có phúc hay có tội. Phúc nếu chọn Thiên Chúa làm cùng đích của đời sống. Tội nếu thay vì Thiên Chúa, tôi đi chọn tạo vật làm lẽ sống của mình. Hai hướng đi thiện ác, cũng là hai Chọn lựa căn bản (option fondamentale) nghịch nhau.

Chọn lựa sau, một phỉ nhổ vào Chúa cả và Cha hiền, đúng là bội phản, một Tội ác (hamartia), tội chết (péché mortel). Mọi quyết định và hành động, nếu mang tầm cỡ Chọn lựa căn bản này, dù để mở đầu hay củng cố cho nó, cũng đi vào thứ Tội ác và Tội chết đó. Trái lại, nếu Chọn lựa căn bản tuy yếu nhưng vẫn là Thiên Chúa, thì những lỗi lầm do thiếu dứt khoát, thiếu trọn vẹn hay yếu đuối nhất thời, chỉ làm yếu đi Chọn lựa căn bản kia, chứ không đảo ngược nó. Có điều, nếu những lỗi lầm ấy quá dồn dập do tính tình phóng túng, thì chúng có thể đảo ngược dần và đảo ngược thật.

Ý nghĩa sự tội và niềm hối cải

Tất cả từ Thiên Chúa mà có, tất cả hướng về ngài như nguồn gốc và chỗ dựa để tồn tại. Nhưng sự vật thì vô tri, do đó tự mình vô nghĩa. Vì thế, giữa vật chất, Thiên Chúa phải dọi vào một tia sáng để từ đó vọt lên một chiều sâu: Con người. Quả thế, chỉ con người mới thốt lên được tiếng Tôi, để thoát khỏi sự u tối, để đặt mọi cái ra ngoài và để một mình bên trong, nhờ đó "đặt tên" cho tất cả, nghĩa là sáng soi cho tất cả, đồng thời đại diện tất cả để trao đổi với Thiên Chúa. Với chiều sâu nó là không gian và giang sơn riêng của mình, con người làm chủ hoàn toàn chính mình. Nó có tự do để tự tạo lấy mình bằng cách quy thuận Thiên Chúa. Với con người, Thiên Chúa chỉ muốn kéo bằng một thiệp mời. Ngài chờ ở ta một phúc đáp, và phúc đáp ấy phải xứng với phẩm giá Người của ta, xứng với tư cách Chúa và tình yêu thương của Cha. Vâng, nhất là khi ta đã được cứu, được dìm trong máu của Con Thiên Chúa, để nơi Thiên tử thành người này, ta đã gọi Thiên Chúa bằng Cha.

Ơn càng sâu thì nghĩa càng nặng. Chọn lựa thích đáng chỉ có thể là: Tất cả cho tình yêu Thiên Chúa, trong đức Yêsu Kytô! Hết thảy những gì chưa được như thế đều không xứng cả, nói chi đến tội tích cực và sự phản nghịch.

Vâng, trong Kytô-giáo, tội không phải chỉ là một vết nhơ (hay vết thương) ở ta. Tội trước hết là một phản bội đối với Thiên Chúa. Nó đầy tính tôn giáo, tính tương quan (relationnel), đối vị (interpersonnel). Nên việc của đứa nghịch tử là phải làm lành với Cha, làm lành nhờ và trong hành vi làm lành thay ta của Chúa Yêsu trên thánh giá. Làm lành bằng giá máu Thầy, làm lành nhờ ân huệ Cha. Sự đóng góp phải có của tôi trong sự làm lành ấy là lòng hối hận.

Ðể sám hối đúng, thì nên suy tư. Theo thánh Augustin, tội là ở quy thuận (conversio) tạo vật và từ bỏ (aversio) Thiên Chúa. Theo thánh Ignace de Loyola, khuyết lỗi là ở chỗ xử lý tạo vật sai chức năng của chúng: Cái đưa ta đến Chúa, đáng lẽ phải dùng thì lại không; cái đưa ta xa Chúa, đáng lẽ phải bỏ thì lại bám chặt.

Lý thì thế đấy, nhưng cái lý nó khách quan và lạnh lẽo, khó làm rung động tâm hồn. Vì vậy, trước khi đến với cái lý của trí, hãy nhờ vả cái lý của con tim đã: Chúa thương tôi, lấy máu mà chuộc tôi, thế mà tôi lại phụ bạc, thật khốn nạn! Chỉ sau khi, trước thập giá đã cảm nghiệm tình thương và chắc vào ơn tha thứ rồi, tôi mới có thể bật lên tiếng khóc sám hối. Và sau khi đã khóc vì hối như thế, tôi mới hiểu thấm thía cái lý của Augustin và Ignace, nhờ nó chỉnh cho đúng và xây cho vững niềm sám hối đã bắt đầu.

* * *

Ðể hiểu đúng và sâu về sám hối Kytô-giáo, chúng ta có thể mang so sánh hai trường hợp của Phêrô và Yuđa (Ở đây, chúng tôi nói theo M. Oraison, Psychologie et sens du péché, Desclée de Brouwer, 1968, tr.18-22).

Phêrô yêu Chúa, nhưng anh lại phổi bò, nên có lúc sôi nổi, lúc lại ỉu xìu, lúc tưởng như dám làm tất cả, lúc lại hơi tí thì rét run. Bởi thế, vừa mới tuốt gươm chém đứt tai tên quân hầu, vừa mới tuyên xưng: Dù mọi người bỏ Thầy hết, con cũng quyết không bỏ Thầy đâu, vâng, vừa mới hăng là thế, mà chỉ một lúc sau, anh đã run rẩy trước một đứa hầu gái, và chối bai bải chẳng biết Thầy. Nhưng Thầy đã quay lại nhìn anh. Chỉ một cái nhìn thôi, và Phêrô vụt nghĩ lại. Không phải mình đối diện với mình, nhưng mình đối diện với Thầy, sự đối diện giữa hai bản vị. Vâng, sám hối Kytô-giáo là thế. Người ta không nhìn mình, không nhìn tội và hậu quả của nó thôi. Trước hết và trên hết, người ta nhìn đấng mà mình đã phản bội, đã không thèm biết hay đếm xỉa đến.

Ðược Chúa nhìn và nhìn Chúa rồi, Phêrô bắt đầu khóc. Khóc để rồi còn khóc nữa mỗi khi nhớ đến. Khóc vì hối và hối vì yêu, nên chẳng vì hối mà tuyệt vọng hay mặc cảm. Vâng, Phêrô không giận mình vì hèn, cho bằng buồn lòng vì đã phiền lòng Thầy.

Yuđa cũng lỗi với Thầy, nhưng Yuđa đã không thể khóc như Phêrô. Tuy hắn không được Chúa quay lại nhìn, nhưng đã được Chúa mách trước: Một người trong anh em sẽ nộp Ta! Rồi đang khi phạm tội, anh lại được nghe Thầy trách một cách buồn bã: Anh nộp Ta bằng một cái hôn sao? Sở dĩ anh không thể khóc như Phêrô, chỉ vì anh đã không nhìn Chúa, mà chỉ nhìn mình. Khi bán Thầy, anh nhìn cái lợi của mình; và khi thấy Thầy bị lên án tử, anh lại nhìn tội ác của mình. Thế là, không khóc được, anh đi treo cổ.

Hãy tin vào sự tha thứ, chứ đừng tuyệt vọng như Yuđa. Không tin vào sự tha thứ, anh đã lôi Chúa xuống ngang tầm con người. Anh sỉ nhục Chúa khi nghĩ rằng Chúa không thể bao dung hơn con người.

Giả như chưa cảm nghiệm tình Chúa yêu, nên chưa thể hối vì yêu, thì ít là anh hãy hối vì kính sợ. Anh hãy đặt mình vô cùng bé trước đấng vô cùng lớn, để vừa nhìn ra sự xúc phạm, vừa nhìn nhận sự yếu đuối, khiến chỉ còn biết tin vào lòng thương vô biên của đấng mà bản chất là Yêu (1 Yo.4.8). Vâng, ít là ta hãy có cảm nghiệm về tội như Cựu ước thời ngôn sứ và thánh vịnh:

Ðứng trước đấng vô cùng thánh ấy, nhiều vị thánh Tân ước cũng từng đã có cảm nghiệm bất xứng này. Có điều Cựu cũng như Tân ước luôn tin vào sự tha thứ của đấng chí công.

Cảm nhận của con người hôm nay về tội

Luân lý hôm nay coi trọng con người, cộng đồng cũng như cá nhân. Con người ấy phải tự lập thân và kiến thiết xã hội. Nên tội là thiếu những trách nhiệm ấy, tức không xây dựng cho mình, cho người khác, cho thế giới.

Phạm tội là phạm đến con người ư? Miễn là không: Chỉ phạm đến con người thôi. Thánh Yoan cũng nghĩ thế, nhưng ngài đồng hóa yêu người với yêu Chúa, khiến cho lỗi luân lý cũng là tội tôn giáo nữa. Vâng, người anh em hắn thấy mà hắn không yêu nổi, thì Thiên Chúa mà hắn không thấy, sao hắn có thể yêu đây? Vậy ta có thể yêu Chúa bằng cách yêu người khác trong Chúa, gắng xây đắp hạnh phúc cho anh em ở cả hai chiều kích tự nhiên và siêu nhiên.

Ngược lại, nếu thiếu bổn phận với con người, thì ta cũng xúc phạm Thiên Chúa luôn. Từ chối cơm ăn, áo mặc đối với anh em, đó là từ chối với chính Vua thiên quốc (Mt.25.45).

Việc đề cao con người hôm nay giúp ta ý thức hơn về chiều kích đối nhân của tội lỗi. Nên thánh không đặt trọng tâm vào khổ hạnh và tái lập trật tự bên trong nữa, mà dồn sức vào Ái nhân.

Cũng ngày nay, đức Ái nhân thêm một hướng đi toàn cầu và chính trị: Tội, đó là làm ngơ trước những cơ cấu xã hội bất công hay chà đạp nhân phẩm. Ðó cũng là bưng tai trước tiếng kêu rên của xung quanh, không thèm biết đến những tai ương đang diễn ra trên thế giới.

* * *

Vì có sự tôn trọng nhân phẩm, nên tội cũng được cảm thấy như một tha hóa. Ðáng lẽ phải tự trọng, thì tôi lại nhu nhược, xu nịnh và có những hành vi không xứng. Ðáng lẽ phải kính người, tôi lại bước trên quyền lợi của họ và không đếm xỉa đến ý muốn của họ. Tôi cũng không nhìn nhận họ là chính họ với bản sắc riêng, ý nghĩ riêng, mà chỉ muốn thống trị họ, biến họ thành bản sao chép của mình.

Tự trọng, thì mỗi người phải sống cuộc sống của chính mình (authentique). Ðể được như vậy, phải rời bỏ khuôn sáo, cái chung chung, của tất cả mà chẳng là của ai (impersonnel). Nghĩa là đừng lạc mất trong đám đông, mà phải dám có ý nghĩ riêng, cảm nhận riêng, cách sống riêng, dù vẫn hòa hợp với người khác: "Quân tử hòa nhi bất đồng" mà!

Mỗi học viện hay viện tu cần duy trì một tối thiểu sống chung để tạo môi trường cho sống cộng đồng. Mỗi thành viên trong đó phải thắng sự cám dỗ của cá nhân chủ nghĩa và khuynh hướng lập dị, nghĩa là bỏ bớt cái lợi riêng và cái khác người không cần, nhờ đó dễ hòa hợp với xung quanh và cùng mưu ích chung. Nhưng cũng đừng vì thứ ích chung ngắn hạn mà quan tâm quá đáng đến sự đồng dạng (uniformité), đến nỗi ngăn cản sáng tạo, ngăn cản mỗi thành viên phát triển bản sắc riêng, phát triển cái chính mình. Vâng, dù chung một lý tưởng, ai nấy đều có quyền và trách nhiệm đáp ứng ơn gọi ấy theo một cách thức phù hợp với khuynh hướng và khả năng riêng. Vâng, quyết định của một bề trên hay tập thể không thể thay thế quyết định của chính tôi, dù đây là quyết định thuận theo quyết định trên. Là một tội nếu tôi không dám có quyết định, và cũng là tội khi tập thể hay cá nhân nào muốn áp đặt quyết định của mình một cách võ đoán.

* * *

Ở tội hôm nay cũng hiện nổi sắc thái cộng đồng của nó. Ðằng sau mỗi hành vi tội lỗi là tấm phông của cái Tội viết hoa, mà Phaolô gọi là Hamartia. Và đây là Chọn lựa căn bản của giống người, nó chọn chống nghịch Thiên Chúa. Ðây cũng là xu hướng tự mãn và vị kỷ của cái gọi là Thế gian. Mỗi tội có gì như được thực hiện giữa lòng cái Hamartia đó. Mỗi tội như mọc lên từ Hamartia, chất thêm sức nặng lên Hamartia và tô điểm thêm cho vòng hoa chiến thắng của Sự ác.

Vì thế, một tâm hồn cởi mở không thể không đau đớn trước cái Tội chung ấy, không thể không đặt mình vào vị thế giữa loài người tội lỗi, và đặt tội mình vào giữa khối tội chung, cái Tội nó là bất hiếu với Cha, cái Tội nó đóng đinh Con Thiên Chúa thành người.

Vâng, tôi sẽ đứng về phía Thiên Chúa để lên án tội. Tôi sẽ đứng về phía loài người phạm tội để ăn năn. Tôi sẽ đau buồn trước những bất công trên thế giới, những sa đọa khắp năm châu, những cảnh huynh đệ tương tàn diễn ra trong và giữa các nước, cũng như giữa các màu da, chủng tộc...

Thế rồi, tuy thú tội với Hội thánh, tôi cũng đứng về phía Hội thánh đang cần ăn năn để đau buồn mà thú tội với Cha ("Vì cũng bao gồm những tội nhân, nên Giáo hội vừa là thánh, vừa được kêu mời thanh tẩy mình. Giáo hội ấy kiên trì tiếp tục sự cố gắng sám hối và canh tân" - LG.8).

Thực hành hối cải

Trên kia là ý nghĩa của sám hối. Bây giờ phải bàn sang thực hành. Trước hết, đừng lẫn sám hối với bối rối và mặc cảm tội lỗi.

Người đời thường quan tâm đến cái hại mình gây nên cho kẻ khác, nhất cho người thân, hơn là động cơ và ý hướng của mình trong hành động. Vâng, hành động thường được đánh giá ở hậu quả đối với tha nhân, hơn là ở chính nó và trong tương quan với Thiên Chúa. Nên một tai ương họ gây ra cho con cái hay mẹ cha sẽ ray rứt họ suốt đời. Hậu quả nếu không sửa chữa được, sẽ khiến họ hết hy vọng được tha thứ. Họ không có tha thứ tâm lý, nên họ mất hẳn bình an. Và đó là mặc cảm tội lỗi.

Mặc cảm tội lỗi cũng có thể gây nên bởi một nguyên nhân tâm lý: một xốc xúc cảm (choc émotionnel), một xung đột luân lý (conflit moral), một căng thẳng với cái Tôi lý tưởng, một ức chế nó kết hợp với bản năng sự chết (thanatos) để gặm nhấm và phá phách tâm hệ (psukhê). Ðặc điểm của mặc cảm tội lỗi bệnh hoạn, là nó chống lại sự bình an và tha thứ, chỉ tìm thỏa mãn trong sự dày vò. Cái Tôi có thể bị đẩy đến cái chết, và nó trốn chạy vào điên loạn.

Bối rối và mặc cảm vì tội là ngưỡng cửa đi vào mặc cảm tội lỗi bệnh hoạn, nên phải cố thoát ra, phải cứu chữa thật sớm. Ðừng xem tội chỉ như vết nám trên gương mặt của mình. Và đừng nhấn quá vào hình phạt hỏa ngục. Hãy đặt tội trong tương quan đối vị với Cha, một vị Cha tuy công minh đấy, nhưng lại rất nhân từ, vẫn gõ cửa và đợi chờ để thứ tha. Vâng, dù phạm tội hay sám hối đều phải được nhìn trong bối cảnh của một sự đối thoại, và đối thoại ấy là giữa hai con tim.

Với tội nhân vừa được thức tỉnh để nghĩ lại, sự bối rối hồi đầu có thể là thuốc đắng Chúa tạm dùng để cản anh tái sa ngã. Nhưng mau chóng, sự bối rối ấy phải mở vào sám hối và đổi đời trong hy vọng và yêu thương.

Vả lại, bối rối là sợ phạt và lo cho mình, chứ chưa phải khổ cho Chúa, buồn vì phật ý đấng đã yêu tôi và đáng được tôi yêu trên tất cả. Do động cơ còn vị kỷ ấy, bối rối chưa xứng với Chúa, chưa xứng cả với tôi.

Cái dễ gây bối rối nhất là xưng tội, và do đó xét mình. Nhiều người xem tòa giải tội như bãi đổ rác, và tội xưng đến đâu là nợ xong đến đó. Vì thế, họ chỉ lo xét và xưng, không biết thế đã hết và đủ chưa, hay còn chi tiết nào nữa. Mà càng đi vào chi tiết thì càng lắm điều ngại nói, nên bối rối vì thế lại gia tăng. Nhiều truyện kể trong các sách thiêng liêng trước đây dễ làm ớn da gà và góp phần không nhỏ vào sự phát triển của chứng bệnh bối rối. Như truyện những con cóc thập thò ở cửa miệng người xưng chẳng hạn (Truyện kể về một người giấu tội: Người ta thấy mỗi khi anh xưng một tội, thì có một con cóc từ miệng anh nhảy ra. Cuối cùng, còn một con thật lớn cứ thập thò mãi mà không chịu ra, vì anh ta ngại nói. Thế rồi, anh ta giấu luôn, khiến con cóc lớn thụt vào, và những con đã ra cũng nhẩy hết vào theo... Và còn vào thêm một con cóc mới, vô cùng dữ dằn: Tội giấu tội!).

Ðặt nặng vấn đề Xưng, người ta dành quá nhiều giờ cho Xét. Còn để ăn năn, người ta đọc mỗi kinh ăn năn tội. Thế mà điều kiện chính để được tha, lại là lòng Sám hối, mà sự thú tội chỉ là cách biểu lộ lòng sám hối ấy, lại chẳng phải là cách duy nhất, luôn luôn cần.

Vì thế, hãy dành cho ăn năn một thời gian lâu hơn và một cố gắng lớn hơn là đối với xét mình. Tìm mọi cách để thành tâm hối và cải. Tìm mọi cách giúp người đến xin tha đi sâu vào sự hối cải đó.

Việc xưng tội rất có ích khi có kèm theo linh hướng. Việc linh hướng sẽ giúp thay đổi cách sống, đối phó với cám dỗ, đề phòng dịp tội và tìm phương tiến đức. Ðể được như thế, hai bên (bên giải và bên xưng) phải thảnh thơi và đủ thì giờ. Ðể làm linh hướng, chẳng những người ta phải có hiểu biết thần học và kinh nghiệm thiêng liêng, mà còn hiểu biết về tâm lý học nữa. Không ai chối rằng tòa giải tội không phải phòng mạch phân tâm, nhưng một tối thiểu kiến thức về phân tâm học sẽ rất hữu ích cho cha giải tội vốn cũng làm ít nhiều công tác cố vấn (counselling) và linh hướng (guide spirituel) nữa.

* * *

Vì có hai ba cấp tội, nên cũng cần đến hai ba mức cải hối.

Ðối với ai đã có chọn lựa căn bản tốt và đang sống trung thành với con đường tự vạch ra dưới ánh sáng Thần khí, thì tội lỗi thường là do nhẹ dạ, yếu đuối nhất thời. Khi ấy, như một đứa con ngoan lỡ đánh vỡ bát, họ chỉ cần sà vào lòng Chúa xin tha là đủ, và Chúa sẽ quên ngay. Không nên ray rứt nhiều với những điều nhỡ ra như thế. Ở cấp minh đức (voie illuminative), thì lo lắng thường không do Chúa, mà do quỷ muốn cản bước ta đi. Vâng, không nên lấy lòng người (vốn dễ chấp) mà đo lòng Thiên Chúa. Hãy tin vào Ngài, để dù lỡ ngã cũng đứng lên ngay để tiếp tục bước, tay trong tay với Cha.

Còn kẻ khô khan, quen sống dễ dãi, tuy theo Chúa đấy mà chẳng quyết tâm gì, chẳng cố gắng bao nhiêu, thì hắn đang trên lằn ranh giữa thiện và ác, tình trạng khá tồi tệ đấy:

— Nóng thì nóng cho hẳn, lạnh thì lạnh cho rồi. Không lạnh không nóng, dở dở ương ương, Ta sẽ mửa ngươi ra! (Kh.3.15b-16).

Kẻ không nóng không lạnh là kẻ lấp lửng giữa hai bên: thiện và ác, tệ hơn nữa: Thiên Chúa và Satan. Tội hắn chưa nặng gì, nhưng hắn lại phạm dễ. Cách sống ấy rồi có thể làm lệch dần cán cân về phía bóng tối, để cuối cùng chọn lựa căn bản sẽ là: quy thuận Satan. Ðường thiêng liêng là con đường dốc, nên hễ ai không lên, thì rồi sẽ xuống.

Vì thế, gấp rút hắn phải chuyển hướng. Bằng suy nghĩ, cầu nguyện, tĩnh tâm, hắn phải đi vào chọn lựa, phải đạt được cho mình một quyết định dứt khoát: Bước theo Thầy!

Riêng người trụy lạc, đã lún sâu trong vũng lầy rồi, thì khó rút chân ra lắm. Giả như có rút lên được, thì do tập quán ăn sâu, hắn cũng khó kiên vững. Nhất là khi sự buông thả đã làm tiêu tan nghị lực. Bởi thế, hắn rất cần đến ơn Chúa và sự nâng đỡ tinh thần của một người, một nhóm. Hắn phải cầu nguyện cho mình, và chúng ta phải cầu nguyện cho người anh em lạc lối ấy, cho các tội nhân nói chung.

Người tội lỗi phải tiến dần đến một quyết định và tăng dần sức mạnh cho quyết định ấy. Một quyết định dứt khoát, quyết định về một điều căn bản: Bỏ tối ra sáng! Ðể thực hiện, cần hoạch định một kế hoạch thích ứng và cụ thể. Ðây cũng là một khuôn thước, một kỷ luật, để, ép mình vào đó, người ta có thể sửa mình. Ðể khỏi rơi vào những cạm bẫy cũ, cần tránh bạn xấu và đổi môi trường sống. Ðể làm suy yếu tật xấu, các khuynh hướng xấu, phải tập "Làm ngược" (agere contra), tập hy sinh, hãm mình và sống tiết độ. Bắt chước thánh Phêrô, hãy sám hối hằng ngày trong một thời gian. Bắt chước cách làm của một số thánh nhân xưa, có thể nuôi dưỡng tinh thần thống hối (esprit de componction). Miễn là phải hối trong hy vọng và yêu thương, để niềm hối tiếc ấy khỏi trở thành ám ảnh. Cách đối phó tốt nhất với một tập quán xấu, là vun trồng một tập quán ngược lại.

Thế rồi, trong chiến đấu, nếu thỉnh thoảng có gặp thất bại, hãy coi đó là chuyện bình thường. Vả "thua một trận chiến (une bataille) đâu phải là thua một cuộc chiến (une guerre)". Vậy đừng thất vọng, nản chí, mà cứ hăm hở tiến lên.

Trong các thói xấu, hãy tìm xem cái nào là chủ chốt và nền tảng, để tập trung sức công phá vào đó. Ðây có thể là tính ươn ưởi, thiếu dứt khoát, khiến dễ bị lôi kéo, dễ sa ngã và khó đứng dậy. Ðây có thể là tính lười biếng, khiến "nhàn cư vi bất thiện" dễ dàng. Hay tính ham cờ bạc, do đó tiêu hoang và trộm cắp. Hay ham sắc dục để bỏ bê bổn phận. Hay một nghiện ngập nào đó cùng với sự đánh mất nhân phẩm và bao tật xấu từ đấy sinh ra. Hay tự ái và vị kỷ, nó sinh đố kỵ, ganh ghét, thù hằn...

Ơn tha thứ và tiếp nhận trở lại dưới mái nhà

Sự "nghĩ lại" của kẻ bỏ nhà thật ra là do tiếng đập cửa của Chúa, do ơn soi sáng của Thánh Thần. Tiếng gọi và ân soi ấy có ngày giờ (kairos) của nó. Ngày giờ ấy có thể đi qua mà không trở lại. Cho nên, phải chớp thời cơ, đừng lỡ chuyến tầu.

Chúa sáng soi thì anh phải nghĩ lại, nghĩ về cái đúng cái sai, cái xứng cái quấy, và một cách chân thành, xem mình đã sống ra sao, cốt lõi vấn đề ở đâu; đồng thời nhận lấy trách nhiệm về mình, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người này người kia xúi bẩy:

— Do người đàn bà Chúa đặt bên tôi, nàng đã trao tôi trái táo...

— Do con rắn lừa tôi...

Hãy tin vào lòng quảng đại của Cha, đừng suy bụng ta ra bụng Thiên Chúa. Vâng, chỉ khi tin vào lòng thương và hy vọng được tha thứ rồi, ta mới hối hận nổi, chứ không, thì chỉ có mặc cảm thôi.

Ðúng sám hối thì phải buồn vì sự bội bạc của mình và tin vào dạ khoan dung của Chúa: "Ở đâu tội càng nhiều, ở đấy ân càng dồi dào gấp bội".

Sám hối tốt thì không chỉ buồn về vết nhơ của mình, sợ vì hình phạt sẽ tới. Trên tất cả, sám hối tốt là trở về với Cha:

— Con đã lỗi với Trời, với Cha. Thật con chẳng xứng làm con Cha.

Trở về với Cha cũng là trở về với cộng đồng Dân Chúa, do đó, giữa cộng đồng, cần một dấu hiệu bày tỏ lòng ăn năn: sự thú nhận và xin tha. Vào những thế kỷ đầu, sự thú tội có tính công khai, nhưng không đi vào chi tiết. Sau này, nó biến thành riêng tư, nhưng phức tạp hẳn.

Thật ra, việc xưng tội chi tiết vừa phải thường là cách tốt nhất để được hướng dẫn thiêng liêng. Nhưng hướng dẫn chỉ khả dĩ khi có đủ thời giờ. Trong thực tế, xưng tội lắm khi chỉ mang tính hình thức và chiếu lệ, hơn là trong chiều hướng cải quá tự tân (metanoia). Hơn nữa, vì quá nhấn vào xưng tội, vào sự cần thiết xưng hết, nên xưng trở thành một ám ảnh, dễ gây lương tâm bối rối. Thực ra, cái đáng phải nhấn là hối, chứ không phải xưng. Xưng chỉ là cách tỏ bày lòng tiếc hận ấy, mà không phải là không có không được luôn luôn.

Huyền tích Làm lành không tách khỏi cuộc sống (Ðể nhấn mạnh vào tính đối vị của Hối giải, nay người ta gọi phép này là Réconciliation. Tiếng này trong Việt ngữ phân thành hai nghĩa khác nhau: Hòa giải khi hai bên là đồng đẳng, Làm lành khi nói về con đối với cha chẳng hạn), vì tôi không thể xin Chúa tha, mà chính tôi lại không tha cho anh em (Xx. Kinh Lạy Cha). Huyền tích ấy cũng không biệt lập đối với các huyền tích khác, vì đây là dìm mình trở lại trong Máu và nước đã rửa ta, nhờ đó xứng đáng khánh niệm cái chết của Chúa và hiệp thông sâu xa nhất với Ngài.

Thực sự hoán cải và đổi đời

Ðối với ai đã thực sự bỏ nhà, thì họ phải trở về với một quyết tâm mạnh. Ðây cũng là tái lập Chọn lựa căn bản. Không làm thế, thì khó quay lưng với cách sống cũ. Ðường về có thể quanh co và bước tiến có thể chậm chạp, nhưng làm sao để cuối cùng phải đạt được sự dứt khoát nói trên.

Sự quyết tâm giúp bắt đầu một cuộc sống mới, nhưng cuộc sống ấy sẽ không êm ả đâu, vì cuộc chiến càng gay go khi thói xấu đã đâm rễ lớn. Do đó, cùng với quyết tâm, phải hoạch định một kế hoạch. Dĩ nhiên, với một trở về thực lòng, bao giờ cũng có một ý định chiến đấu. Nhưng để chiến mà thắng trận cuối cùng, thì phải có một kế sách thích đáng.

Một kế hoạch hay thì không phân tán ở từng nết xấu phải sửa hay từng đức tính phải luyện, mà tập trung vào những điểm chiến lược.

Nếu ân Chúa đủ, quyết tâm mạnh và kế sách tốt, thì bước đi sẽ vững, sự chuyển hướng sẽ hoàn toàn, để đang là sài lang, sẽ thành những Phao lô, Phan sinh Assisi, I nhã quận Loyola.

Với phần đông, chọn lựa căn bản không chuyển đổi đột ngột và rõ ràng. Phải chăng vì ân Chúa không đủ mạnh, vì thiếu một cú xốc như Phao lô gặp trên đường Ðama? Phải chăng vì bạn thiếu dứt khoát, không dám phiêu lưu, khi mà đổi đời luôn là việc phiêu lưu? Phải chăng vì bạn chưa trung tín lắm trong điều nhỏ, nên Chúa không trao một trách nhiệm lớn?

Với kẻ đã thật lòng hối cải, thường Chúa sẽ khích lệ bằng kẹo ngon, sẽ nuôi cho lớn bằng thức ăn nhẹ, và đây là những thuận cảm: sốt sắng trong cầu nguyện, thích thú với việc lành. Nhưng khi bước đi của em bé đã vững rồi, Chúa sẽ cai sữa để dẫn vào một cuộc sống trưởng thành hơn, ở đó cảm xúc bớt đi hay vắng hẳn, giúp họ tập bước bằng chính đôi chân của mình, tức bằng ý chí. Ân Chúa vẫn mạnh đấy, nhưng không lộ ra bề mặt. Khi ấy, nếu khô khan và chịu thử thách mà vẫn đứng vững được, thì hãy tin rằng, có sức Chúa tiềm ẩn dưới cảm nhận yếu đuối của anh.

TÓM LẠI

Mỗi người chúng ta đứng giữa hai chọn lựa căn bản: quy thuận Thiên Chúa bằng sống thiện, hay quy thuận Satan bằng sống ác. Tội phạm trong hướng đi sau, hoặc để bắt đầu, hoặc để củng cố cho chọn lựa căn bản ấy, thường có tính trầm trọng. Còn tội phạm do yếu đuối nhất thời thì không đáng quan tâm lắm, trừ phi nếu năng xảy ra, nó có thể đưa ta xa Chúa dần dần.

Trong Kytô-giáo, tội mang tính đối vị. Vì tội không chỉ là vết nhơ luân lý của tôi, mà còn là sự bội phản đối với Chúa. Nên sám hối cũng vậy. Sám hối xứng Kytô-hữu là trở về và làm lành với Cha. Nên hối đấy cũng là cải hoán đấy.

Ngày nay, người ta đề cao con người. Tội đích tội là sự xúc phạm con người. Ðược thôi, miễn là không tách con người khỏi Thiên Chúa: Cái mà anh không chịu làm cho người anh em nhỏ nhất của Chúa cũng là cái mà anh từ chối đối với chính Chúa.

Ngày nay, người ta cũng khám phá chiều kích tương quan của con người và của tội. Nên buồn vì tội mình rồi, ta cũng nên đứng về phía loài người để buồn vì tội chung thế giới.

Hãy buồn vì tội, nhưng đừng sa lầy trong đó bằng bối rối hay mặc cảm tội lỗi. Hãy hướng về thánh giá Chúa hơn là về vết nám trên gương mặt ta. Hãy tin vào sự tha thứ của một Thiên Chúa khoan dung hơn là sợ hoảng trước hình phạt đón đợi.

Thế rồi, khi sắp vào tòa hối giải, hãy quan tâm nhiều đến hối hận, hơn là đến việc xét và xưng.

Ðối với ai lỡ phạm vì yếu đuối nhất thời, họ hãy xin tha và đứng dậy ngay, rồi quên đi và tiếp tục bước.

Ðối với kẻ khô khan và quen sống phóng túng, họ hãy lo kẻo có ngày Chúa mửa họ ra.

Còn với kẻ đã lún sâu trong vũng lầy, họ phải cầu nguyện nhiều, cố xây dựng một quyết tâm và thảo ra kế hoạch đường dài để chiến đấu chống tập quán cũ và vun trồng tập quán mới.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page