LÒNG SÙNG ÐẠO
VÀ NHỮNG TÔN SÙNG

Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Lòng sùng đạo

Do một bản năng tinh thần nào đó, tự nhiên ai nấy đều hướng về siêu nhiên bằng cảm thức thần thiêng, nhờ đó mới biết sợ ma, mê tín và tạo ra quỷ thần.

Không phải hễ có lý trí, là thông thái cả đâu. Ðộ nhạy trí thức rất khác nhau từ người này đến kẻ kia, tùy theo thiên tư và giáo dục. Về cảm thức thần thiêng cũng thế. Có người do bẩm chất mà sùng đạo dễ dàng, có người lại phải cố gắng và luyện tập, "khốn như chi chi" họa may mới có được đôi ba cảm xúc thiêng liêng.

Người dễ sùng đạo thường cũng là người nhạy cảm. Do đó, đi chùa và cúng quảy thường không phải là cái khoái của đàn ông. Có điều tình cảm thì lên xuống thất thường, nên ai muốn sống đạo vững, thì phải tập hướng dẫn mình bằng ý chí, hơn là buông theo thủy triều cảm tính. Lại nữa, một tình cảm sôi nổi thường thiếu bề sâu, nên không thể lấy cột nước mắt mà đo nhiệt độ đức Ái hay sự lành thánh được.

Thông thường, khi Thiên Chúa muốn đưa một ai vào con đường nên thánh, Ngài bắt đầu thổi vào họ một dòng nhiệt lưu giác cảm, khiến trong một thời gian nhiều ngày nhiều tháng, họ say sưa với những ý nghĩ siêu nhiên, họ ưa thanh vắng và cầu nguyện sốt sắng họ chồng chất lên mình hết việc hy sinh này đến việc đạo đức kia. Vâng, họ cần kẹo ngọt để bước theo. Và sức thổi phải mạnh để họ lấy đà. Cái hữu hình và khả giác thường là cửa ngõ dẫn đưa họ dần tới một lòng sùng đạo chân chính vốn vượt trên cái khả nghiệm khả giác.

Dẫu sao, một lòng sùng đạo bình thường nơi một sinh vật thân tâm hợp nhất luôn phải có mặt cảm tính của nó. Nên dù trong Ấn giáo và Phật giáo vốn chủ trương tinh thần thuần túy, phần đông vẫn ưa thứ đạo ấm áp của Bhakti và Amida hơn là thứ đạo lạnh lẽo của tri thức (Bhakti, hay sùng ái, là ngành Ấn giáo chủ trương ân sủng và tình cảm. Còn Amida hay đức Phật Amitâbha ánh sáng vô biên, cũng là của ngành Phật giáo thiên về tình cảm như thế).

Nếu ý thức lý tính (conscience rationnelle) hướng về cái cao siêu, lý tưởng, nên tổng quát và trừu tượng, thì tình cảm lại ưa trụ ở những gì có thể sờ mó thấy, nên đặc thù và cụ thể, từ đó dễ mọc lên những đấng tuy tối cao nhưng có hình hài, và đây là bồ tát, là Krishna (Bồ tát là những vị, tuy thành phật rồi, nhưng muốn ở lại trong một thân xác phiêu hốt để cứu vớt sinh linh. Còn Krishma là hình thức giáng trần được sùng bái nhất của thượng thần Vishnu). Hơn thế, dù nơi các văn minh phụ hệ đặc, mà thiên tính bao giờ cũng có mầu nam tính, thì để bù trừ, người ta vẫn dựng nên các thiên mẫu, như Durgâ và Ishtar (Durgâ là vị Thần mẩu trong Ấn giáo, còn Ishtar là một đại thần nữ của vùng Lưỡng hà). Có lẽ cũng vì lý do đó, mà Bồ tát quan thế âm đang là nam nhân bên Ấn, bỗng biến thành Phật bà bên Trung quốc và Việt nam. Còn trong Kytô-giáo, thì đức Maria ngày càng được tôn sùng, bằng một tôn sùng đôi khi quá trớn, khiến sinh cảm tưởng Kytô-giáo là Maria-giáo vậy.

Thêm vào đấy, bên Thiên Chúa tối cao, do tối cao mà thành "kính nhi viễn chi" với nhiều kẻ, người ta thấy mọc lên một số thánh được sùng bái như những vị thần nho nhỏ, những "Thiên Chúa ở gần tôi" do sự nhỏ bé của họ. Quả thật, đạo ở chiều sâu thì trụ vào một Siêu việt thể, chứ đạo ở bề mặt, do nhu cầu cảm tính, dễ phân tán thành những tôn thờ vụn vặt như thế. Người ta chạy đến Ðức Mẹ để được an ủi. Người ta tuốn đến các đền Antôn, Vinh sơn và Martinô để cầu ơn. Người ta viếng Lisieux vì vẻ dễ mến của một tâm hồn và một con đường.

* * *

Chỉ khi nào sùng kính được thúc đẩy bởi những động cơ thiêng liêng, thì chân dung thiêng liêng của thần thánh mới được chú ý. Chân dung ấy cũng biến đổi, tùy theo hướng quan tâm, khiến cho, cùng là Ðức Mẹ đấy, mà có kẻ sùng Mẹ vô nhiễm, kẻ lại đến với Mẹ đồng công, Mẹ khiết tâm. Với Chúa Yêsu cũng vậy, có người thích hôn thánh giá, có người say sưa trước nhà chầu, và có kẻ ký thác đời mình cho Trái tim yêu dấu Chúa.

Những tôn sùng quá thiên về tình cảm dễ thoái hóa thành thứ đạo hời hợt, thậm chí trật đường phần nào khi người ta coi Ðức Maria hay thánh nọ thánh kia như môi giới không thể thiếu cho tôi "trước tòa Chúa", thay vì phải ý thức ngược lại rằng, chính Chúa mới là chỗ (và môi giới) để các thánh nên gần gũi với tôi, nhờ đó họ có thể cầu Chúa cho tôi trên nền tảng của mầu nhiệm "Hiệp thông các thánh".

Có điều, xét về mặt tâm lý, người ta thường ngại đến thẳng với Chúa, vì ở chỗ là Chúa, dẫu sao Ngài cũng là quan tòa. Mà trước một quan tòa như vậy, ai mà có lương tâm thanh thản được nhỉ? Tự nhiên, người ta thích "chạy đến" với các nhân vật bề dưới hơn, nhờ họ chở che hay "nói giúp một lời". Thế nhưng, hễ đi sâu vào đời sống nội tâm, thường người ta có cảm nghĩ ngược lại, là chỉ có Chúa mới cần, duy nhất cần, và người ta không mấy trao đổi với các thánh nữa.

Quả thật, chỉ có Chúa mới cần, và không thể lấy nhiệt độ cảm tính mà đo lường thánh thiện. Có điều tình cảm lại là sức bật quý giá để ta cố gắng và hy sinh, nên phải nuôi dưỡng nó và khéo léo hướng dẫn nó. Nhất là ở giai đoạn đầu của con đường nên thánh. Nơi người thường, nếu sùng đạo có ướt át hay lệch lạc tí ti, nếu Ðức Mẹ và các thánh có được tìm đến nhiều hơn là Chúa, thì điều ấy cũng chưa gì đáng ngại. Ðến với thánh Antôn để tai qua nạn khỏi, đi hành hương Lộ đức để khỏi bệnh nan y, lần hạt mỗi ngày để được "ơn bền đỗ", đó là những việc tốt đấy dù chưa đủ chiều sâu. Vâng, ít là người ta có dịp để cầu nguyện và tìm được sự an ủi, niềm tin trong đó.

Thế nhưng phải coi đó là khởi đầu của một tiến trình dài lâu và nghiêm túc hơn. Cầu nguyện phải được hướng dẫn từ từ để thành vô vị lợi, để hướng về Thiên Chúa và đi vào chiều sâu. Ngoài ra, cũng nên tránh làm ngứa mắt người ngoài, khiến họ coi rẻ Ðạo, do đó họ bị ngăn cách với Ðạo.

Tắt một lời, đừng dập tắt lửa sùng đạo, nhưng giúp nó đi dần vào đúng hướng.

* * *

Nguyên lý nền tảng: Nguồn gốc, gương mẫu và trung tâm của mọi sùng đạo phải là Con người Yêsu Kytô.

Chỉ con người Yêsu Kytô mới là gạch nối giữa Trời và đất, nên không thể đến với Cha mà không qua môi giới của Ngài, không thể gặp Cha nếu không là gặp trong Ngài. Là trung gian, Chúa Yêsu cũng là nguyên ủy của sùng kính. Bởi lẽ ta chỉ có thể yêu Cha bằng Thần khí của Con (Rom.8.15; Gal.4.6), yêu tất cả bằng đức Ái siêu nhiên mà Chúa Yêsu thông đạt cho. Là nơi chốn để ta gặp Thiên Chúa, Chúa Yêsu còn là nơi chốn để chúng ta gặp nhau và hiệp thông với nhau. Nên mọi sùng bái Kytô-giáo phải có tính Kytô-hướng, chứ không thể phân tán lẻ tẻ khi người ta coi thánh này thánh kia gần như những tiểu thần riêng biệt. Là nơi để chúng ta gặp Cha, Chúa Yêsu cũng là gương mẫu để chúng ta sùng bái, yêu mến Cha. Vâng, việc của ta là nên giống Chúa Yêsu, là đồng hóa với Ngài. Giống Chúa trước tiên phải là giống Chúa trong liên đới với Cha, trong sự tùng thuận vô điều kiện đối với Cha.

— Thức ăn của Thầy là làm theo ý Ðấng sai Thầy (Yo.4.34).

— Xin đừng theo ý con, mà cứ ý Cha (Lc.22.42).

— Là mẹ Ta và anh chị em Ta, đó là kẻ thi hành ý Cha Ta trên trời (Mt.12.50).

Ý và lòng của Con là một hoàn toàn với ý và lòng của Cha, nên đau đớn nhất của con người Yêsu là cảm giác thiếu vắng Cha: "Cha ôi, Cha ôi, sao nỡ bỏ con...". Là con với Chúa, như Chúa tôi chỉ có thể yêu tất cả trong tình tôi yêu Cha. Vâng, mọi sùng bái của tôi phải hướng về Chúa Yêsu, và trong Chúa Yêsu hướng về Cha.

Sùng đạo với phụng vụ và các việc đạo đức khác

Sùng đạo không phải là một thái độ mở rộng suông. Không thể nó không nhắm một đối tượng cụ thể: Thánh tâm bị xuyên thủng vì bội bạc, Ðức Mẹ kêu mời đền tội ở đâu đó, v.v... Và nó muốn tỏ lộ ra bằng những việc làm: lần hạt, chầu Thánh thể, đường Thánh giá, hành hương... Mấy việc trên là những việc đạo đức mà tín hữu sùng đạo xưa nay quen làm. Với kẻ muốn có gì sâu hơn, thì họ suy niệm và hy sinh.

Vào thời đầu của Giáo hội, việc đạo đức được làm chung cả nhóm, và đây là hình thức sơ khởi của sinh hoạt phụng vụ. Phụng vụ hồi ấy tập trung vào huấn giáo tân tòng, vào Phép rửa, vào suy tôn Lời Chúa và khánh niệm cái chết của Chúa.

Sau này, khi phụng vụ đã được hình thức hóa và đồng bộ hóa quá đáng, thì nó mất dần khả năng diễn tả những tâm tình riêng tư của cá nhân, của từng loại người. Vì thế, có kẻ chỉ dựa vào bầu khí chung (trong nghi lễ) để cầu nguyện riêng, hoặc tự tìm những không gian khác, ở đó họ có thể mình đối diện với chính mình.

Khi tu hành đã phát triển thành nếp sống được kính ngưỡng nhất, thì việc đạo đức tín đồ cũng rập khuôn phụng vụ đan tu, như dậy nửa đêm để cầu nguyện, như "đánh tội" và suy chiêm, như đọc chuỗi Lạy Cha, rồi Kính mừng thay cho thánh vịnh mà đan sỹ quen tụng.

Tự mình, tín hữu cũng tạo nên những điểm hành hương và khởi xướng nhiều hình thức đạo đức, dù lắm khi hời hợt, lại trộn lẫn mê tín nữa. Về lâu về dài, một số hình thức đạo đức này đã xâm nhập phụng vụ chính thức, khiến cho phụng vụ sống động hơn, nhưng cũng trở nên rườm rà và vàng thau lẫn lộn, khiến công đồng Vatican II phải thanh lọc và đơn giản hóa.

* * *

Một đằng thì cầu nguyện đan tu có mùi xuất thế, đằng khác, cuộc sống "Tất cả cho cầu nguyện" của họ được coi là lý tưởng hơn cả, nên khi không có nhiều giờ như đan sỹ để làm việc ấy, giáo đồ đã sinh mặc cảm, coi mình như Kytô-hữu hạng hai thôi.

Do đó, phải tạo ra cho tín hữu một cầu nguyện tuy vắn tắt, nhưng rải rắc theo chiều dài cuộc sống, một cầu nguyện có hương vị vào đời, khiến nó không ly cách với đời, giúp cho đạo hội nhập hơn vào cuộc sống tại thế.

Vì Thiên Chúa không ở bên lề cuộc đời khi mà Ngôi Hai đã thành người giữa lòng đời, đã đưa mình vào chính vũng tội, để "ở đâu tội lắm, ở đó ân sủng càng dồi dào gấp trăm" (Rom.5.20)!

Ngày nay, phụng vụ có xu hướng nhập thế và dành đôi chỗ cho sáng tạo. Nhưng chỗ dành cho sáng tạo còn quá tùy phụ và nhỏ nhoi (Ấy thế mà các giáo xứ vẫn không buồn lợi dụng, vì lười động não), chưa đủ để phụng vụ có thể uốn mình theo những đường cong khác nhau của các mô hình văn hóa, của các loại nhu cầu tâm hồn.

Người ta cũng chưa mấy quan tâm đến các đền thờ sống là gia đình và nhóm nhỏ, mà đền thờ vật chất chỉ tượng trưng cho. Nếu tôn trọng những nhà thờ sống ấy, thì nên cử hành thánh lễ bất cứ đâu người ta hợp lại nhân danh Chúa (Mt.18.20), để gia tăng ở đó sự hiệp thông thiêng liêng, nghĩa là tạo ra ở đó những Huyền thân thực sự.

Ngoài phụng vụ và giờ kinh tập thể, mỗi người nên tập cho quen với cầu nguyện cá nhân, bằng kinh và những việc đạo đức mình ưa thích, bằng tâm sự tự phát với đấng đang có mặt với mình, từ sâu thẳm lòng mình. Vâng, mỗi sùng nhân đều cần cả hai thức ăn chung và riêng, hai sinh hoạt tự phát và trong khuôn khổ, chúng cần song hành để bù trừ và hỗ trợ cho nhau.

Khi đối tượng tôn sùng là Chúa

Ở chỗ là người, Chúa Yêsu vừa là Ðường tới Cha, vừa là đích của con đường ấy, khi mà, thờ bái Cha, ta cũng thờ bái cả Con Cha thành người nữa. Riêng con người Chúa được tôn sùng nhiều nhất trong mầu nhiệm Thánh Thể và từ lâu trong biểu tượng Thánh tâm.

THÁNH THỂ

Ðây là cao đỉnh của Hiện diện tại thế hôm nay. Vì hôm nay, con người Yêsu không còn có mặt trước ta bằng hiện diện thể lý (physique) nữa, nhưng bằng hiện diện huyền tích (sacramentel). Nghĩa là nơi bánh rượu như ký hiệu (signe), Chúa hiện hữu và có mặt với ta bằng nhân tính thật của Ngài.

Ngay từ xa xưa, thần học đã khẳng định và nhấn mạnh vào Thực diện Thánh thể (présence réelle eucharistique), nhưng sự trình bày dễ nghiêng về một hiện diện ÐẤY hơn là hiện diện VỚI. Không không, Chúa đâu cần có mặt bàng quan Ở ÐÂY, cho bằng có mặt thân mật VỚI kẻ tin Ngài, để hiệp nhất họ với Ngài và hiệp nhất họ lại với nhau.

Vâng, chúng ta cần nhấn vào hướng đích gặp gỡ này của Thánh thể, hiểu rằng, Chúa có mặt toàn vẹn đây, là để có mặt toàn vẹn với tôi và giữa chúng ta. Một sự có mặt "mặt đối mặt" và "lòng với lòng", khiến đây là gần gũi thiêng liêng, mà cọ sát vật chất (với bánh rượu) chỉ là ký hiệu.

Cọ sát vật lý ư? Anh chả vẫn va chạm hàng ngày với bao kẻ trên xe cộ và đường phố đấy thôi, thế mà anh có thấy gần họ đâu. Trái lại, anh vẫn cảm nhận một gần gũi nào đó với người mà anh yêu dù họ đang vắng mặt. Ðúng là không gian nội tâm khác với không gian vật lý, và một gần gũi tâm lý khác với sự có mặt bên ngoài.

Sự có mặt của Chúa có gì như của cả hai loại có mặt kia. Chúa có mặt đây thật, chứ không vắng nhà. Nhưng có mặt không qua hình ảnh xác thân Ngài, mà qua hình ảnh rượu bánh. Chúa cũng có mặt không bằng sự có mặt của kẻ qua đường, nhưng của người tri âm muốn trò truyện với tôi, muốn trao ban chính mình cho tôi. Hiểu như thế, tôi sẽ cảm thấy Chúa gần gũi, cảm thấy rằng tôi không thể để mặc Chúa đấy, mà phải tiếp truyện Ngài.

* * *

Chúa có mặt đấy cho tôi như lễ vật hy sinh. Nhờ hành vi niệm tưởng, chúng tôi dự vào cuộc thọ tử đau thương ấy. Tuy thọ tử, nhưng đã phục sinh, Chúa đang thành thức ăn cho tôi, nên niệm tưởng Chúa cũng là sống Chúa, có phần với Chúa vậy. Chẳng những có phần với Chúa, trong Chúa chúng ta cũng có phần với nhau, khi mà Máu của Tân giao ước đã quy tụ ta thành Dân Chúa, thành Huyền thân Chúa và thủ túc của nhau.

Vì thế, đến với thánh lễ, chúng ta phải đến với tinh thần đồng tế và chia sẻ: cùng tế với Chúa Yêsu và cảm thông với Ngài, cùng yêu nhau trong Ngài và tha thứ lẫn cho nhau. Thái độ ấy, để thành "tinh thần và sự thực", thì phải đi đôi với cuộc sống. Vậy đến với thánh lễ là đến với hai tay đồ cúng, và đồ góp cúng ấy không phải là bánh rượu vật chất, cho bằng sự tùng thuận ý Cha và những hy sinh dù bé nhỏ. Từ thánh lễ đi ra cũng là đưa thánh lễ vào đời, bằng quyết tâm dâng hiến, bằng hành động phục vụ.

Chẳng những hàm súc nhất về ý nghĩa, thánh lễ còn dồi dào nhất về ân huệ. Nên để tốc chiếm Nước Trời, không thể ta không lấy thánh lễ làm điểm quy chiếu và xuất phát cho cuộc đời ta.

Bắt đầu từ thánh lễ cũng mọc tỏa ra nhiều hình thức sùng bái. Người ta viếng Thánh thể, chầu Thánh thể, kiệu Thánh thể. Có những dòng tu mọc lên vì mục đích chầu suốt ngày đêm. Có những quy định để chầu khắp nơi luân chuyển. Sự tôn sùng Thánh thể được nuôi dưỡng nhờ đó, và do đó phổ biến dễ và phát triển mạnh. Trước bàn thờ nghi ngút khói và ngào ngạt hương hoa, bao tâm hồn đang say sưa chiêm tưởng, hoặc giữa tiếng cầm ca du dương, hoặc trong bầu khí thanh lặng. Họ ở đấy để an ủi "Người khách trọ cô đơn" (l'Hôte solitaire), "Người tù thần thánh" (le Divin prisonnier) đang buồn đau vì tội lỗi và sự hờ hững của loài người.

Quả thật, lòng sùng kính, mến yêu rất dễ nảy sinh từ những ý nghĩ chất phác và ủy mị ấy. Nên đừng dập tắt ngọn lửa, nhưng phải chỉnh lại hết thảy cho đúng hướng "Thần khí và sự thật". Vì Chúa có mặt không bằng một có mặt tĩnh, nhưng trong chính chuyển động (mouvement) thánh lễ, trong hành vi "làm cái này" để niệm tưởng và dự vào. Vì thế, để đúng ý nghĩa và hưởng ích nhiều, dù chịu lễ ngoài lễ hay viếng chầu Thánh thể, ta cũng phải hướng về thánh lễ, để cùng Giáo hội nhớ tưởng cái chết của Chúa và cảm thông với Chúa.

Lại trong thánh lễ cũng như trong chầu Thánh thể, ngoài những gì cùng làm và cùng đọc để biểu lộ sự hiệp thông cộng đồng, chúng ta nên xen vào những thời khắc im lặng dành cho chiêm tưởng và tâm sự bên trong.

THÁNH TÂM

Lòng sùng bái Thánh tâm đã được ương trồng từ thế kỷ XII trong dòng Biển đức. Thánh Anselme và Bernard hướng suy chiêm của mọi người vào năm dấu thánh và trái tim bị đâm thâu. Ðệ tử của Bernard bắt đầu đồ họa trái tim, khi mà người ta nhìn ra ở trái tim bị mở ấy những kho tàng vô giá, chốn nương náu của các tâm hồn, biểu hiệu của tình yêu đang đòi đền đáp. Phái nữ của dòng Biển đức cũng gia nhập cuộc chơi với những tên tuổi lớn, như Mathilde và Gertrude. Thế nhưng người phụ nữ đã khai hỏa cho một phong trào hùng mạnh, có tính toàn cầu, lại thuộc dòng Thăm viếng: thánh Marguerite-Marie Alacoque của tu viện Paray-le-Monial vào thế kỷ XVII. Chính nữ thánh được Chúa hiện ra với "Trái tim đã yêu vô tận loài người". Và qua nữ thánh, Chúa trao cho Dòng Tên của cha linh hướng Claude de la Colombière (được tuyên thánh năm 1992) sứ mệnh truyền bá lòng sùng bái ấy. Từ đó, phong trào lớn mạnh rất nhanh, và năm 1765, đức Clément XIII cho phép một số nhóm và nơi tổ chức lễ Thánh tâm, lễ này được đức Piô IX mở rộng đến toàn thế giới vào năm 1856. Tiếp theo đó, đức Lêô XIII dâng loài người cho Thánh tâm năm 1899, và năm 1928, đức Piô XI nói đến bổn phận đền tạ Thánh tâm. Kịp đến năm 1956, bằng thông điệp "Kín nước" (Haurietis aquas), dựa vào thánh kinh và truyền thống, đức Piô XII trình bày một học thuyết đầy đủ cho lòng tôn sùng này.

* * *

Dù phong trào sùng kính Thánh tâm đã lớn nhanh và toàn cầu hóa hàng thế kỷ, hình như nay nó đang tàn lụi dần. Ðã là phong trào, thì có lúc thịnh lúc suy. Càng có lý do để suy khi nó kết nối với một tâm lý và ngôn ngữ đã lỗi thời. Không phải chỉ vì con người hôm nay duy lý hơn, mà còn vì bầu khí xưa của phong trào quá ướt át, thiên về khổ lụy với những hình tượng máu me, đâm chém, kèm với những kinh, những bài thuyết giáo, những sách đạo đức có luận điệu kích cảm rẻ tiền, lại thiếu một nền tảng tín lý vững chãi.

Những khuyết điểm như thế cần được sửa bỏ ngay nếu muốn tôn sùng ấy còn được con người hôm nay chấp nhận. Trước tiên, đừng cô lập và tách riêng trái tim thịt, nhưng trả nó về con người Yêsu, con người của chủ vị Ngôi Hai nhập thể.

Thật ra, vấn đề đâu phải là trái tim ở chính nó: một khối thịt và một cơ quan! Vấn đề là cái mà nó tượng trưng cho, và đây là tình yêu nhân tính của đấng Yêsu Kytô!

Tình yêu của một Thiên Chúa ư? Tình yêu ấy tinh thần quá, nên với tôi, nó cũng xa vời, khó hiểu. Vẫn tình yêu ấy, nhưng nay ở nhân tính, nó có thể rung trong lồng ngực, ánh lên nơi dung nhan và tràn ra với suối lệ. Mà đây là tình yêu vị tha và sâu thẳm của một con người cũng tuyệt vời, con người của ngôi Con Thiên Chúa. Nên sức rung của trái tim ấy dễ làm sao xuyến trái tim tôi và đưa nó vào cùng một nhịp đập.

Thật ra, trái tim đâu phải là cơ quan tạo sinh xúc cảm. Có điều cảm xúc mạnh sẽ dội sang trái tim thành "nhói tim", cũng như sang ruột thành "đoạn trường" hay "đau lòng". Do đó, gần như trên khắp thế giới và từ rất xa xưa, trái tim đã thành biểu tượng của tình yêu, khiến hễ nhắc đến nó là nghe sao xuyến sao ấy. Chính vì thế, Thánh tâm nên được coi như biểu tượng bình thường của tình Chúa đối với Cha và với chúng ta: "Hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em". Mà Thầy yêu thế nào? Yêu "đến tận cùng", đến hy sinh mạng sống. Và tình ấy rất bén nhạy, khiến Thầy xốn xang khi thấy Maria khóc em, thấy người đàn bà Naim khóc con. Thậm chí nhói đau ghê gớm, khi vì tội loài người mà cảm nghiệm sự thiếu vắng Thiên phụ:

— Cha ôi, Cha ôi, sao nỡ bỏ con?

Lòng sùng bái Thánh tâm, cũng là sùng bái tình yêu nhân tính Chúa, lòng sùng bái ấy cần lấy Thánh kinh làm điểm tựa. Nhưng không phải một thứ Thánh kinh được suy diễn lệch lạc như quen làm trước đây. Trái tim bị đâm chẳng hạn, dưới cái nhìn của Yoan, là sườn Tân Ađam được mở, để từ đó, như một Tân Eva, Hội thánh được khai sinh; còn máu và nước mà Yoan thấy chắc cũng nói về Phép rửa trong đó ta được chôn đi với Chúa và tái sinh trong Chúa.

Nếu chỉ nhìn Thánh tâm như biểu tượng (emblême) của tình yêu nhân tính Chúa như vậy, thì chẳng có chi đáng buồn nữa, khi mà phần đông tuy quên dần Thánh tâm nhưng vẫn nghĩ nhiều đến tình yêu của đấng Con Chúa làm người. Có điều vẫn nên dùng hình ảnh Thánh tâm như biểu tượng, khi mà trái tim mãi vẫn là biểu tượng tự nhiên của yêu thương. Có điều cách nói về Thánh tâm, cũng như cách đồ họa Thánh tâm, không thể lặp lại y như nhiều năm về trước.

Người ta có thể căn vặn: Thì Chúa chẳng đã hiện ra ở Paray-le-Monial như thế đó sao? Thưa: Nói với con người, Chúa luôn dùng ngôn ngữ của người ấy, nghĩa là tùy theo cách hiểu của họ. Nói cách khác, thông điệp Chúa ở trên ngôn ngữ, cũng như con người Chúa phục sinh ở trên mọi hình ảnh, thế nhưng phản chiếu từ tâm hồn Marguerite-Marie Alacoque, thông điệp ấy và chân dung ấy phải đã có dạng thức như vậy. Nên việc của chúng ta là lọc lấy ở đó cái gì là đường nét chính để trình bày lại theo cách mà con người hôm nay có thể hiểu.

* * *

Chúa Yêsu đến để mạc khải Cha, để đưa ta, như những người con, đến với Cha. Thế nhưng, sùng ái Chúa Yêsu trong mầu nhiệm Thánh thể và qua hình ảnh Thánh tâm là điều dễ. Chứ yêu mến một Cha vô hình bằng một tình yêu cảm tính, thì mấy ai dám nghĩ đến? Cả với Thánh Thần cũng vậy, ngài là đấng sinh ta trong đời sống siêu nhiên, làm chứng với tâm hồn ta về đấng Kytô, và lấy từ đức Kytô mà thủ thỉ dậy ta trong lòng.

Thế nhưng say yêu Cha và say yêu Thánh Thần, vẫn đã có người làm được đấy. Phương cách, theo tôi nghĩ, là hình tượng hóa các ngài: nhìn các ngài dưới hình tượng Người Cha, Người Mẹ thân yêu, như đã được đề cập đến trước đây (Xx. ch.10, tiểu đề: Từ con người Yêsu đến Ba ngôi), và rồi chúng ta sẽ thấy các ngài dễ yêu liền. Dĩ nhiên là không nên giới hạn các ngài trong khuôn khổ những hình tượng ấy. Các ngài là siêu việt mà!

Khi đối tượng sùng bái là đức Maria và các thánh

Chúng ta có thể đặt Thánh tâm vào con người Chúa để sùng bái, và sùng bái Thánh tâm như biểu tượng cho tình yêu Chúa nơi nhân tính Ngài. Tôn thờ con người Chúa, hay tôn thờ Thánh tâm nơi con người ấy, không thể ta không quy nhân tính nói trên về chủ vị Ngôi Con. Vâng, ở nhân tính, Chúa Yêsu phải được tôn thờ như một Thiên Chúa. Và một tôn thờ chính cống Kytô-giáo bao giờ cũng tập trung nơi con người Yêsu Nadaret, dù đây là đối với Cha. Và cũng quy hướng về con người Yêsu Nadaret mọi sùng kính đối với đức Maria và các thánh.

Phải chăng khi sùng kính các vị này, chúng ta chỉ nhắm Chúa Yêsu hay Thiên Chúa, khi mà họ chỉ là phản ảnh muôn mầu của Ngài? Và khi cầu với họ, thực sự chúng ta chỉ trông chờ ở một mình Chúa thôi?

Chúng ta biết rằng, khi con người nhìn ngắm một vật, thường nó xoay từng mặt để ngắm nhìn. Tuy cái mà nó thấy chỉ là từng mặt, từng thành phần của ngôi nhà, nhưng mặc nhiên nó vẫn hướng về toàn bộ ngôi nhà khi ngắm các phần ấy. Với mầu nhiệm Kytô-giáo cũng thế. Bằng đức tin của mình, một Kytô-hữu chính danh luôn sống mở về phía Mầu nhiệm toàn bộ, dù trong lúc này đây, anh chỉ nghĩ đến và say yêu một cái gì đó của Mầu nhiệm nói trên. Và thật sự nơi "mũi nhọn linh hồn", anh vẫn tiếp xúc với Mầu nhiệm này bằng đức tin thiên phú, anh vẫn gặp gỡ Chúa Yêsu bằng đức ái, Chúa là nền tảng duy nhất của Mầu nhiệm nói trên.

Cũng có gì giống thế khi một Kytô-hữu chính cống sùng kính một thánh nhân, yêu thích một vẻ đẹp nào đó ở vị thánh này. Tuy đang nghĩ đến hay trao đổi với vị thánh đấy, nhưng trong đức tin tiềm mặc, anh vẫn xoay mặt vị thánh về hướng Chúa, từ đó gương mặt này tiếp nhận ánh sáng để chói ngời lên. Ðây là điểm phân biệt một tín đồ chính hiệu với một kẻ mê tín. Kẻ mê tín thì chọn đến với một vị thần trong số nhiều vị thần, dù coi họ có cấp dưới cấp trên. Không chối cãi rằng, trong Kytô-giáo, cũng có người coi thánh nọ thánh kia như những vị thần ít nhiều độc lập như thế. Một chủ nghĩa đa thần nào đó trong Kytô-giáo. Và một cái nhìn phân tán, chưa hội nhập được tất cả trong Thiên Chúa, nơi con người đức Yêsu Kytô.

Có điều cũng đừng hiểu ngược lại theo kiểu duy lý, coi thánh nọ thánh kia chẳng qua là những nhãn hiệu khác nhau của cùng một hố sâu không đáy được mệnh danh là Siêu việt thể. Vâng, Kytô-giáo là tôn giáo của Sáng tạo, chứ không phải của Nhất thể (l'Un). Ngay từ trong Thiên Chúa, đã xướng lên được ba cái Tôi, ba Chính mình (self) riêng biệt rồi. Vì thế, tuy hiện hữu và sống động trong Thiên Chúa, mỗi thánh vẫn có chân dung riêng của mình, vẫn có những tương quan khác nhau đối với tôi, với chúng ta. Vậy đừng biến Chúa thành một thứ "Hố đen" (trou noir, black hole), mà mọi thực tại khi đến gần đều bị hút ngay vô và mất tăm trong đó. Kẻ ít học và đạo đức còn nông dễ đa thần hóa các thánh, còn người học cao hay đạo đức hơi sâu lại không muốn nhìn mặt Ðức Mẹ và các thánh nữa. Cũng như anh tuy hướng hết về Thiên Chúa, mà vẫn kính nể cha mẹ và yêu thương anh em, thì trong Chúa anh vẫn cần đếm xỉa đến sự có mặt của Ðức Mẹ và các thánh trong kế hoạch cứu độ. Mọi ơn đều do Chúa thật đấy, nhưng việc thông ơn vẫn do ảnh hưởng của thánh này, người lành nọ phần nào. Vì mầu nhiệm "Hiệp thông chư thánh" mà! (Xx. K. Rahner, Eléments de théologie spirituelle, Paris, 1964, tr.36-45).

* * *

Ðúng là sự tôn sùng Ðức Mẹ và các thánh đặt nền trên mầu nhiệm "Các thánh hiệp thông" và dựa vào vai trò Ðồng môi giới (với Chúa) của Kytô-hữu.

Nhờ mầu nhiệm "Chư thánh hiệp thông" thuộc cả ba thế giới Dương, Âm, Thiên quốc, chúng ta có thể san sẻ cho nhau nhiều của cải thiêng liêng, nhất là từ kẻ dư sang người thiếu. Cho nên trong cuộc sống lữ hành này, chúng ta có thể hướng về Trời và cầu với phú ông các thánh, cũng như có thể hỗ trợ nhau bằng cách van xin Chúa và bằng những hy sinh. Các vị đang hưởng vĩnh phúc hẳn biết ta rõ, thương ta nhiều, nên có ảnh hưởng lớn đến ta trong tư thế "sủng thần" của các ngài. Còn chúng ta, nhờ khả năng hy sinh và cố gắng, cũng có ảnh hưởng gì đó đối với cõi Âm. Không phải nhờ sức mạnh của ta, mà nhờ sức mạnh Con chiên Thiên Chúa truyền sang cho Thân mình nối dài của Ngài, tức Hội thánh và mỗi tín hữu. Vâng, chúng ta có phần trong vai trò Môi giới, Tế sư của Chúa Yêsu, và chúng ta đang kéo dài sự hy sinh cứu chuộc của Chúa bằng niệm tưởng thánh lễ đi đôi với hy sinh của chính mình. Vâng, bằng cách này, chúng ta đang hoàn thành Trời đất mới, đang kéo nhau cùng tiến lên, đang kết thân với nhau xuyên qua ba tầng thế giới. Ðó là nền tảng mà dựa vào đó, chúng ta có thể kết thân đặc biệt với một vị thánh bằng những tôn sùng.

Có hai cách tôn sùng, và đây cũng là hai độ nông sâu của nó.

Rất nhiều tín hữu đến với đức Maria và các thánh để xin khỏi bệnh, thoát tai ương, được thi đỗ, trúng số hay làm ăn phát đạt. Nhập bọn với họ, cả người ngoài đạo cũng đến hành hương Trà kiệu, La vang vì những mục đích như thế. Ðây là cách sùng hời hợt và có tính vụ lợi.

Vị tha và chân thành hơn, đó là những ai đến vì mến thương một chân dung lành thánh, vì ưa chuộng một con đường thiêng liêng. Kết thân với thánh Tiên sa hài nhi Yêsu chả hạn, họ muốn tiến vô con đường Ấu thơ với sự giúp đỡ của thánh nữ, và cùng với ngài truyền bá con đường ấy.

Kẻ đi vào thứ tôn sùng cao đẹp này không phải không có lúc, vì gặp khó mà nhờ cậy đến vị thánh mà mình thương mến. Có điều đây không phải cái chính mà họ chờ đợi ở tôn sùng.

Riêng với kẻ tôn sùng để cầu lộc cầu tài, họ hãy thêm dần những mục đích cao hơn. Bên cạnh những nhu cầu trần thế ấy, họ phải quan tâm đến nhu cầu thiêng liêng nữa. Và họ hãy xin cho mình hiểu Chúa, xin cho con cái mình nên người. Nhất là cố tiến đến thứ tôn sùng bề sâu, sùng vì muốn nên giống với.

* * *

Có một vị toàn thánh và siêu thánh, đức Maria.

Lòng kính ngưỡng đối với đức Maria đã để lại dấu vết ngay từ trong Phúc âm Luca và một số bản văn Tân ước khác. Còn sùng bái như một tình cảm phổ cập thì đã hình thành từ khá sớm sủa, để đạt tới đỉnh cao nhất của nó vào tiền bán thế kỷ XX.

Một phong trào càng mạnh và sôi nổi, thì nước tràn bờ càng dễ xảy ra. Nếu lòng sùng mộ bình dân có thể đặt một vị thánh bên Chúa dù dưới Chúa, thì sự sùng bái quá trớn lại đặt đức Maria gần như choán chỗ Chúa. Cha Laurentin, chuyên gia Maria-học, trong Questions mariales (1963) đã nhận định một cách dí dỏm, nhưng không kém phần xác đáng như sau:

— "Ngày nay ở một số khu vực, có sự căng thẳng giữa một bên là sùng đạo Kytô-hướng và bên kia là sùng đạo Maria-hướng..., một bên quy tất cả về Ðức Mẹ, bên kia lại chẳng đếm xỉa tới Ngài. Chính việc biến lòng tôn sùng Maria thành thứ tôn giáo Maria trong thực hành, đã gây nên phản ứng nghịch, thành một thứ đạo không có Maria".

Cái nguyên tắc sống: "Nhờ đức Kytô, với đức Kytô và trong (nơi) đức Kytô", với nhiều nhóm, gần đây đã chuyển thành: "Nhờ đức Maria, với đức Maria và trong đức Maria". Và họ tưởng như không thể làm gì, ngay cả đến với Chúa, mà không nhờ Ðức Mẹ. Họ không hiểu rằng, sở dĩ Ðức Mẹ thành môi giới cho ta, là vì đức Kytô đã là Môi giới viết hoa giữa ta với Thiên Chúa, giữa chúng ta với nhau, giữa chúng ta với chính Ðức Mẹ.

Một sùng kính đi trật đường, thay vì phục vụ phong trào, lại làm suy yếu nó, khi mà do lỗi của ta, Ðức Mẹ bị nhiều kẻ gạt sang một bên, và Công giáo bị khinh rẻ.

Một nữ tu kia thú nhận rằng:

— Khi tôi còn nhỏ, đối với tôi Ðức Mẹ là một bà tiên. Khi tôi ở tuổi vị thành niên, Ngài trở thành huyền thoại (mythe). Kế đó, tôi đặt Ngài lên thật cao, (nên cũng) thật xa vời.

Sau khi biết đặt đức Maria vào đúng chỗ của Ngài bên Chúa Yêsu rồi, nữ tu ấy ngày nay đã đạt tới một sùng bái sâu xa:

— Nay thì gần như lúc nào tôi cũng ở với Mẹ, và cùng với Mẹ đến nhà Tiệc ly, đến đỉnh Can va (Xx. Dictionnaire de théologie spirituelle, Cerf. 1987, tr.636).

Một sùng kính chính hiệu luôn phải đặt đức Maria vào đúng chỗ của Ngài bên Chúa, dưới bóng Chúa, và đặt vai trò của Ngài phụ thuộc vào vai trò của Chúa. Bằng tiền định và đặc ân, bằng đức tin (Lc. 1.45) và do đầy ân sủng (Lc.1.28), bằng đức Vọng (Lc.1.45), đức Ái và niềm quy thuận hoàn toàn (1.38; 8.21), Mẹ đúng là vị đồng hành mật thiết nhất của Chúa trên hành trình cứu độ.

Vai trò đức Maria có gì là một với vai trò Giáo hội, với cùng một độ mở toàn cầu như nhau. Luca đã thấy thế khi lời sấm Simêông liên kết Mẹ và Con trong cùng một cái đau, trong cùng một hiệu lực phổ biến (2.34-35). Ðến lượt Khải huyền thư lại đặt lồng vào nhau hai thực tại có tầm cỡ giống nhau: Maria và Giáo hội (12.1,5,6).

Lòng sùng kính đức Maria quả cần chung cho tất cả, cũng như cho tất cả, Giáo hội là nơi chốn để mỗi người tiếp nhận phần ăn thiêng liêng, để mỗi người tới góp phần mình cho việc phụng sự Chúa. Bên đức Yêsu Tân Ađam, Ðức Mẹ đóng vai trò nào đó của Tân Eva, của Giáo hội-mẹ. Và truyền thống đã có lý khi nhìn đức Maria như sự rút gọn của Hội thánh.

Có hiểu như thế, thì bên nguyên tắc: "Nhờ đức Kytô, với đức Kytô và trong (nơi) đức Kytô", ta mới có thể kèm thêm một hệ luận (corollaire): "Nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ", khi mà ta cũng nói được về Giáo hội-mẹ như thế (Xx. LG.60-67).

* * *

Vai trò toàn cầu của Ðức Mẹ ngày càng tỏ lộ thêm qua các cuộc hiển linh 9, nhất là từ vài thế kỷ nay. Hình như bất cứ đâu Giáo hội gặp khó khăn lớn, ở đấy Ðức Mẹ cũng vào cuộc rõ rệt, phần để củng cố niềm tin, phần để kêu mời ăn năn và canh tân đời sống. Và cứ thế mọc lên những điểm hành hương, ngàn vạn điểm trên năm châu bốn biển, mà những nơi danh tiếng như Lộ đức hằng năm thu hút cả triệu tín đồ.

Tại Lộ đức này, năm nào cũng thấy có phép lạ, nhưng phép lạ vật chất chẳng nhiều đâu. Sở dĩ người ta đến đông là vì bầu khí cầu nguyện tự nhiên và sốt sắng có một không hai ở đây. Lắm kẻ cũng tới vì tò mò, nhưng một số đã ra về với lòng biến đổi hẳn. Và đây mới là phép lạ lớn nhất, cũng diễn ra nhiều nhất. Như Chúa Yêsu, Ðức Mẹ không thích những Hêrốt chạy theo sự lạ, mà chỉ yêu những Gia kiêu cải quá tự tân.

Ðức Mẹ cũng chẳng ưa những người mất quá nhiều giờ vào những cuộc hành hương liên tiếp, mà biếng trễ phận sự của mình. Kẻ tôn thờ chân chính thì thờ trong thần khí và sự thật (Yo.4.23). Nên đền thờ chính là ở trái tim và cuộc sống. Cứ hành hương khi rảnh để cầu nguyện sốt sắng thêm, nhưng hãy chú ý hành hương vào chính nội tâm của mình.

Kẻ sùng bái Mẹ thường có thói quen lần hạt, đến nỗi tràng hạt Văn côi đã thành biểu tượng cho lòng tôn sùng ấy. Nhưng một chủ trương số lượng liệu có vật chất hóa và hình thức hóa quá trớn một tôn sùng đáng lẽ phải thiêng liêng hơn không? Vâng, ích gì tràng hạt 50 hay 150 khi nó được đọc một cách máy móc. Chính thánh Tiên sa nhỏ cũng thấy vô ích những tràng kinh Kính mừng đọc như vậy.

Hãy đọc ít hơn, nhưng cầu nguyện nhiều hơn. Cùng với Mẹ, nên đồng hành với Chúa, bằng suy chiêm chút ít, qua các chặng đường Vui, Thương, Mừng của Ngài.

Có những nhóm muốn một sùng kính cực độ, bằng cách "Tận hiến cho Mẹ", thậm chí đeo xiềng nô lệ của Mẹ. Ðây là phong trào mà người khởi xướng là thánh Grignion de Montfort (1673-1716). Một phương pháp "Nhờ Maria tới Yêsu". Ðể "nhớ lại và làm lại (renouvellement) lời khấn hứa lúc chịu Phép rửa", nhờ đó sống đúng danh xưng Kytô-hữu, với ý thức trách nhiệm thích đáng. Ðể được như thế, kẻ tận hiến cho Mẹ phải "nhiễm lấy tinh thần và đức tính của Mẹ".

* * *

Sống đúng tương quan với Ðức Mẹ rồi, tôi còn có thể đi xa hơn: chọn Ngài làm mẹ riêng, làm gương mẫu riêng, làm tri kỷ và đấng bảo trợ đặc biệt. Và đây là đi vào sùng bái, vào hết chiều sâu của sùng bái. Vẫn trong giới hạn và khuôn khổ của nguyên tắc Kytô-hướng, cố nhiên.

Lại dù sùng bái đến đâu chăng nữa, hãy thể hiện lòng tôn sùng ấy bằng những hình thức và đường lối phù hợp với hệ thống ký hiệu của thời nay và của khu vực văn hóa.

Bạn có biết vì sao phong trào sùng kính Ðức Mẹ dễ bốc cao như thế không? Có vai trò của ý Chúa và của Thánh Thần đấy, mà cũng có vai trò của tâm hệ (psyché) nữa. Bạn thấy không, lòng sùng bái Phật bà Quan âm cũng mạnh không kém giữa các Phật tử Trung quốc và Việt nam. Bồ tát Quan thế âm (Avalokitesívara), bên Ấn đang là nam nhân, sang Tàu biến thành phụ nữ. Phải chăng một nữ thần được mến yêu bên Trung quốc, để gia nhập Phật giáo đang thịnh hành, đã biến vào Quan thế âm, mang lấy chân dung thiêng liêng cũng như tên gọi của Quan thế âm, nhưng giữ lại giới tính? Nhưng làm sao phải giữ lại giới tính, và duy chỉ giới tính? Chắc hẳn vì một nhu cầu tâm lý, do sự đòi hỏi ngầm của nguyên tiêu Người mẹ.

Thay vì Phật bà, bên Ấn cũng có Thần mẫu Durgâ. Lễ hội Durgâ, Durgâ-puâjâ, diễn ra vào khoảng tháng mười, luôn là lễ hội vĩ đại nhất, kéo dài cả tháng trời, vượt xa mọi lễ hội khác, kể cả lễ hội của đấng Tối cao là Vishnu, là Shiva. Vâng, nguyên tiêu Ðại mẫu, từ trong vô thức tập thể, vẫn tác động mạnh vào tâm tư và cuộc sống. Siêu việt thể đã đóng vai Người cha rồi, nên để bù trừ, người ta cần đến những thần mẫu hay thánh mẫu để cậy nhờ, ký gởi. Lắm khi quá đà trong nương cậy, người ta biến tôn giáo thành hầm trú ẩn, đoạt mất khí phách người và vét cạn tinh thần tự lập. Ðó là cái mà người trí thức hôm nay quy trách cho những phong trào sùng bái Thánh mẫu quá ủy mị và ướt át. Thiết tưởng giải pháp không phải là chặn bỏ phong trào ấy, mà khiến nó trưởng thành lên. Cũng chẳng nên dồn nén tình cảm, vì đây là năng lượng tâm lý, là sức khởi động bình thường. Chỉ cần đừng tùy thuộc vào nó, thì nó sẽ tùy thuộc vào mình để phục vụ mình.

Con người ai nấy đều trải qua giai đoạn trẻ con, rồi người lớn. Sinh lý, tâm lý đã vậy, thiêng liêng cũng thế luôn. Kẻ đi vào sùng tín, khởi đầu thường rất nệ cảm. Sau một thời gian, để bay cao, anh phải giải thoát mình, tiến dần đến siêu cảm, nghĩa là dù có nghiệm gì hay không, anh cứ kiên trì cố gắng. Siêu thoát chủ động rồi, anh có thể được kêu mời để tiến sâu hơn vào từ bỏ, và đây là việc làm của Chúa, có tên gọi là Ðêm tối, hay đêm thụ động nó tối cực kỳ.

Liên hệ sơ nguyên với Người mẹ bao giờ cũng ám ảnh con người và tác động mạnh từ vô thức. Có điều mỗi người, bé tuy lệ thuộc hết vào mẹ, lớn lên phải cởi dần cái ách ấy để khẳng định mình, tiến tới một tương quan trực hay gián tiếp, tuy vẫn đậm đà tình cảm, nhưng phóng khoáng, tự do. Lớn đầu rồi mà còn níu áo mẹ, chẳng phải là ấu trĩ, là bất bình thường ư?

Vì thế, cứ để phong trào bành trướng, nhưng nương theo phong trào mà giúp cho mỗi người hiểu dần ra vị thế của Mẹ và bước vô con đường của Mẹ:

— Sao con lại làm thế? Cha mẹ tìm con, lo lắng biết bao nhiêu?

— Nhưng tìm con làm gì? Cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con ư?

Ðức Maria đã không giận, cũng chẳng tủi thân. Mẹ chỉ tìm hiểu ý nghĩa lời ấy, và tâm niệm để thấm lấy (Lc.5.21). Vâng, Mẹ không chiếm hữu con Mẹ. Mẹ sẵn sàng hiến con cho sự nghiệp cứu thế (Lc.1.38,45). Và Mẹ đã âm thầm theo con, hầu hạ con giữa các phụ nữ khác, ở bên con trên đỉnh núi thảm hình (Xx. Huấn dụ tông tòa Marialis cultus, 1974).

Sống với Mẹ là, như Mẹ, sống vì Chúa. Sùng bái Mẹ là đi vào tâm tình, thái độ của Mẹ. Cũng như Mẹ đã không chiếm hữu Chúa, Mẹ cũng chẳng hề muốn chiếm hữu ta. Mẹ muốn ta trưởng thành lên, muốn ta tùng thuận Chúa hoàn toàn.

Không phải trưởng thành là hết quy phục đâu. Vẫn lắng nghe và tùng thuận đấy, nhưng một cách tự nguyện. Kytô-hữu chính danh vừa có tinh thần trách nhiệm cao, vừa uốn ý mình theo mọi đường cong của ý Chúa. Mẹ đã sống như vậy. Vẫn là "tỳ nữ" Chúa, mà vẫn chủ động vượt đường dài đến hầu hạ Elidabet, cũng như đứng ra xin Chúa cứu nạn cho đám cưới Cana.

Rất nhiều kẻ đến với Chúa và Mẹ, vừa với thái độ ỷ lại, vừa với đức tin mỏng teo. Ðau yếu ư? Họ bắt vạ các Ngài. Bệnh không khỏi? Họ oán trách và mất tin tưởng. Một số kẻ khác, tuy tự chủ và sống khắc khổ, nhưng lại ỷ vào sức mình để nên thánh, hơn là nương vào ân sủng Chúa đưa dẫn mình.

Cứng như thép trong tự chủ, mềm như sáp trước tác động Thánh Linh, hai điều ấy xem như mâu thuẫn lớn. Thế nhưng Kytô-giáo lại là chốn "hòa hợp của những gì đối nghịch" (l'unité des contraires), và sự dung hòa này thành dễ đối với Phương đông vốn quen nhìn tất cả trong bù trừ âm dương, vốn giàu khả năng phát minh những kỹ thuật như Thư giãn, nó là sự phối hợp giữa một bên là chủ ý vững mà không chú ý, và bên kia là buông hoàn toàn mà tay lái vẫn chắc. Ðây cũng là chiến thuật Nước của Ðạo đức kinh: vững ở mình, mềm uốn theo hoàn cảnh.

Việt nam sẵn một truyền thống lâu đời về lòng sùng bái Phật bà quan âm, nên đây có thể là cái kênh đào sẵn để dẫn nước cho phong trào sùng bái Thánh mẫu, để đến lượt Ðức Mẹ sẽ đưa đồng bào ta tới Chúa Yêsu. Miễn là đừng để phong trào dừng lại quanh một thứ Phật bà đổi tên và khép lại ở Ðức Mẹ. Miễn là vượt dần khỏi sự trói buộc của nguyên tiêu Ðại mẫu.

Ðể được thế, hãy giúp các sùng nhân đọc, suy niệm và sống Tân ước, nhờ đó Lời Chúa sẽ chỉnh lại hướng đi của tôn sùng trong khi làm phát triển trong ta ơn phân định, khiến thấy được cái gì là hợp, cái gì là không ở tâm tình, ý nghĩ, cách làm. Lời Chúa cũng đưa ta vào sâu trong đức Ái, nhờ đó thanh lọc tình yêu, lòng sùng kính của ta. Và một khi đã yêu, ta sẽ không còn thấy mâu thuẫn giữa tự do và lệ thuộc, phó thác nữa.

TÓM LẠI

Khi tôn giáo đi vào cảm tính, thì nảy sinh ngay các tôn sùng hướng về những đối tượng phần nào có thể cảm giác được. Vì tình cảm là một sức bật, nên rất cần cho tôn giáo nói chung, cho cố gắng sống đạo, ít là vào buổi ban đầu.

Tôn sùng có hai mức: nông và sâu. Mức nông là của những ai đến với thần nọ thánh kia, chỉ cốt để cầu lộc cầu tài và tránh tai họa. Mức sâu thuộc về những kẻ muốn nương cậy thiêng liêng, muốn thấm lấy tâm tình và đức hạnh của vị thánh mình yêu, muốn gia nhập con đường Ấu thơ của Tiên sa Lisieux chả hạn.

Tôn sùng cần được biểu lộ và nuôi dưỡng bằng những việc đạo đức cụ thể, như lần hạt và hành hương, như hy sinh và chiêm ngưỡng. Nó cần đến cả bầu khí cầu nguyện tập thể lẫn những trao đổi tư riêng với vị thánh của lòng.

Chúa Yêsu là Ðường tới Cha và Ðích của tôn thờ. Ngài đáng được tôn thờ ở ngay nhân tính của Ngài, vì nhân tính ấy thuộc chủ thể Ngôi Hai. Sự thờ bái nhân tính thường được biểu hiện qua hai dạng tôn sùng, đối với Thánh tâm và Thánh thể. Mọi sùng kính Thánh thể ngoài thánh lễ phải quy về niệm tưởng thánh lễ để tìm ra ý nghĩa và đi sâu vào nguồn mạch ân sủng trung tâm ấy. Trong tôn sùng Thánh tâm, cũng phải quy Thánh tâm về nhân tính Chúa, trong khi nhân tính được quy về chủ vị Ngôi Con. Thánh tâm, đó là biểu tượng của tình yêu thuộc nhân tính Ngôi Con nhập thể.

Vì các thánh là đồng môi giới với Chúa Kytô, nên các thánh có thể được cầu trong tư thế đồng môi giới này. Nhờ sự "Hiệp thông các thánh", ta có thể chọn kết thân riêng với một vị thánh, mà chân dung thiêng liêng hay con đường thiêng liêng (spiritualité) hấp dẫn ta.

Trong tất cả các thánh, đức Maria ở vào vị thế siêu đẳng, và vai trò đồng môi giới (với Chúa) của Ngài phổ quát hoàn toàn. Vị thế của Mẹ là ở trên cùng một trận tuyến với Tân Ađam. Và chức năng của Mẹ có gì như của Giáo hội-mẹ. Nên, cũng như không thể có Kytô-giáo phi Hội thánh, thì cách nào đó cũng không có Kytô-giáo đầy đủ mà thiếu đức Maria. Miễn là phải đặt đức Maria vào đúng vị trí cạnh Chúa và vị trí Giáo hội thu nhỏ của Ngài!


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page