Sống đạo gồm mặt tĩnh: cầu nguyện, và mặt động: làm chứng.
Cầu nguyện là sức sống của mọi tôn giáo. Trong tôn giáo, ít hay nhiều, người ta luôn có nhu cầu khấn vái và tế tự. Với Phật giáo và Jaina-giáo, khấn vái và tế tự là của cư sỹ thôi. Muốn giải thoát hay Niết bàn thì phải thiền định, tìm Siêu việt ở bề sâu.
Kytô-giáo rất trọng chiêm ngưỡng, nhưng không bỏ hành động. Suy chiêm, khấn vái và cúng tế làm nên phần tĩnh của sống đạo và có tên là nguyện cầu (oraison).
Con người là thụ tạo và thụ cứu. Không gì nó có, nó hưởng mà không là của cho không. Ðể sống xứng như một người, kẻ thụ ân không thể không hướng về đấng thi ân trong thái độ cầu vọng khi chờ đón và cảm kích khi tiếp nhận.
Ân nhân đây cũng là kỳ nhân nữa. Vẻ đẹp tôn quý của Chúa càng rực rỡ thêm trong hào quang thánh thiện và trong tỏa sáng lòng nhân. Nhất là khi kẻ chiêm ngưỡng cũng là kẻ đã chịu ân quá sâu của Ngài. Nên nhìn Ngài ắt ngất ngây vì Ngài, và hiểu Ngài cũng là chiêm hưởng Ngài. Từ chiêm ngưỡng và thán phục, ắt sinh sùng bái và tụng chúc.
Sùng bái và tụng chúc là hậu quả tất nhiên của chiêm ngưỡng, rong khi chiêm ngưỡng cũng là ngất ngây trước cái đẹp. Nếu ngắm cái đẹp chỉ vì nó đẹp thôi, thì đây là chiêm ngưỡng thuần túy nghệ thuật. Nếu xuyên qua vẻ đẹp, người ta hướng về bản thân người đẹp, thì đã phát sinh kính ngưỡng và yêu thương. Tình yêu còn trong chiêm ngưỡng sẽ là tình yêu vô vị lợi, của kẻ muốn nâng niu con người đẹp hơn là chiếm hữu con người ấy, nhất là khi vì thế mà dày vò đóa hoa. Lòng muốn chiếm hữu chỉ mạnh lên khi sự chiêm ngưỡng yếu đi.
Có ngưới nói đến sự vô vị lợi trong chiêm ngưỡng Thiên Chúa, do tính phi chiếm hữu của tình cảm mỹ lý (esthétique). Nhưng Thiên Chúa đâu phải là bức tranh đẹp, trong đó cái đẹp phân khỏi vật thể của bức tranh. Thiên Chúa là một bản vị, mà bản chất là đẹp. Nên chỉ thưởng thức đúng cái đẹp Thiên Chúa khi chúng ta yêu Ngài, muốn chính Ngài. Ðây không còn là lãnh vực thuần túy của mỹ lý nữa. Chúng ta đã bước sang lãnh vực của tình yêu.
Có điều tình yêu cũng có năm bảy đường tình. Một tình nặng về thịt chỉ muốn chiếm lấy cho riêng mình, muốn hạnh phúc của mình hơn là của người kia. Ðúng hơn, đây chỉ là một đam mê. Trái lại, tình khi nặng về thần sẽ hướng về hạnh phúc chung của đôi ta, và khi không thể có hạnh phúc cho cả hai, thì người ta sẵn sàng hy sinh chính mình. Do đó, tình yêu đúng nghĩa bao giờ cũng cao thượng, khiến chỉ tâm hồn cao thượng mới có khả năng yêu. Do đó, tình yêu luôn là một cố gắng vươn lên, nó cần có huấn luyện và được thanh luyện.
Nếu tình yêu chạm đúng đấng tối thiêng liêng là Thiên Chúa, nó không thể không thành tình yêu vị tha. Theo Yoan Thánh giá, chính sự chiêm hưởng Thiên Chúa sẽ là lò thanh luyện hữu hiệu nhất cho tình yêu ấy. Ðêm tối thanh luyện chẳng qua là chính ánh sáng không sáng của ơn chiêm niệm này ở lúc khởi đầu.
* * *
"Ðưa hồn lên với Chúa" (elevatio mentis ad Deum), theo định nghĩa Cầu nguyện của Yoan thành Damas, là hướng về Ngài trong những thái độ nói trên. Ðó là cầu nguyện đấy, và cũng là hồn sống của cầu nguyện. Cầu nguyện là chiêm bái, chúc tụng; cầu nguyện cũng là tri ân và xin ân. Tùy trường hợp mà một điểm nào đó được nhấn mạnh, nhưng không nên vì thế mà sao nhãng những điểm khác.
Với ý nghĩa như vậy, cầu nguyện đúng là bổn phận cốt yếu của con người, kẻ có khả năng biết đấng Tối cao và biết mình lệ thuộc Ngài hoàn toàn, nhờ vả Ngài tất cả. Và như thế, cầu nguyện phải là hơi thở của hồn, bởi nó đưa hồn tới nguồn sữa mẹ, sữa tự nhiên và siêu nhiên, cùng lúc đưa hồn vào sâu trong thái độ tùng thuận và mở cửa, thuận dòng với ơn Chúa và những tác động của Ngài.
Thế nhưng thử hỏi, bằng cầu nguyện ta có khả năng chạm tới Chúa và nên một với Ngài hay không? Hay đây chỉ là ảo giác, và rốt cuộc ta chỉ gặp gỡ chính mình, do đó Chúa mà ta gặp chỉ là phóng thể (projection) của chính mình?
Lúc còn trong bụng mẹ và cả năm sau đó, đứa nhỏ sống sự lệ thuộc hoàn toàn đối với mẹ. Mẹ, đó là nguồn sữa vô tận, là sự sống và chở che, là nưng niu, vỗ về. Vâng, mẹ là tất cả đối với nó và tất cả của nó. Lớn thêm tí ti, nó cảm thêm sức ép của uy quyền người cha. Người cha là sức mạnh lập pháp và hành pháp, tư pháp, mà nó phải quy phục hoàn toàn.
Cảm thức lệ thuộc lưỡng diện ấy ăn sâu vào nền tảng tâm hệ lúc ấu thơ, sẽ tồn tại đó để chi phối ngay cả tuổi trưởng thành. "Tinh thần ấu thơ" không phải chỉ là của bệnh tâm thần hay của Lão học, Phúc âm, mà là của mọi con người bình thường nữa. Nên quả "con nít là bố đẻ của người lớn", như người ta quen nói.
Cái sức mạnh toàn năng Người cha, thành ám ảnh bên trong như một Siêu ngã để chi phối Ngã, sức mạnh ấy rồi sẽ được phóng thể thành Thiên Chúa và quỷ thần, hầu che chở và thi ân, ngăm đe và ra lệnh, cũng như trừng phạt và lên án.
Những giải thích trên của mấy ông phân tâm học không phải hoàn toàn vô căn cứ đâu. Có điều họ còn quên một nét ở bức chân dung Thiên Chúa (và quỷ thần nói chung), nét mà thiếu nó Ngài chẳng còn gì là Thiên Chúa nữa. Và đây là tính thần thánh của Ngài. Vâng, thiếu chi những cảm giác thiếu thốn và sợ hãi, nhưng đâu phải mọi cảm giác lệ thuộc đều có hương vị khác thường ấy như đứng trước Thiên Chúa. Sự giải thích cuối cùng của tâm tình tôn giáo là ở cảm thức thần thiêng (sens du sacré), cảm thức dị kỳ mà chỉ loài người mới có, lại có rất sớm, ngay cả trước nhu cầu sống xã hội nữa (Về cảm thức thần thiêng, xin đọc Rudolph Otto. Le sens du sacré).
Dù sao, cảm thức tục thiêng vẫn còn là của tôi, và của tôi những tâm tình tôn giáo sinh ra từ cảm thức ấy. Cuối cùng, câu hỏi vẫn còn nguyên vẹn: — Làm sao, với những tâm tình người như thế, tôi có thể chạm tới Thiên Chúa? Vâng, nếu chỉ có tôi và tình cảm của tôi, không cách nào tôi có thể vượt khoảng cách ghê gớm từ thụ đến chủ tạo để chạm được đấng là Khác hẳn (l'Autre). Cái làm tôi có khả năng chạm tới Ngài, cái ấy không thể do tôi, nhưng hoàn toàn có thể do đấng là toàn năng. Bằng ân sủng Chúa đã có mặt với tôi, nên bằng nguyện cầu tôi mới gặp Ngài được.
Ân sủng nối đất với Trời, nên ân sủng là do đức Kytô truyền sang, đấng mà bản tính là Ân sủng. Nhờ ân sủng và do Thần khí, nơi đấng "gồm về một đầu" (récapitulation), tôi đã thành con của Cha, thành tế sư vương giả. Từ đây, tôi có đủ tư cách để kêu Abba Cha (Rom.8.15) và cầu thẳng với Thiên Chúa Cha:
— "Ngày ấy, các con sẽ cầu nhân danh Thầy. Thầy không bảo Thầy cầu Cha cho các con, vì Cha yêu các con..." (Yo.16.26-27).
Phải, miễn là tôi hướng về Thiên Chúa thực. Ít là mở ngỏ về phía đấng là vô cùng vô cực ấy, dù với một quan niệm còn chất phác về Ngài. Chỉ cần đừng xem Ngài như một quỷ thần bất cứ, một thần tượng hay nam, nữ nhân lý tưởng, mà một cách mơ hồ lòng tôi vẫn ước mơ.
Một khái niệm nào đó về một đấng cao cả, mà hết thảy lệ thuộc vào, một khái niệm (dù không rõ rệt) như thế đủ giúp tôi gặp đúng Chúa, hay đúng hơn, để Chúa cho tôi gặp đúng Ngài, bằng ân sủng của Ngài. Khi nào việc gặp gỡ ấy đã thành một kinh nghiệm thiêng liêng, tức khắc tôi sẽ (tạm) hiểu Chúa là đấng không cách gì hiểu nổi, nghĩa là đấng Khác hẳn. Hiểu bằng cảm nghiệm, có gì như trực giác, chứ không phải do tư duy.
Khi đã hiểu, đã nếm Chúa rồi, tự nhiên tôi chỉ còn muốn cầu trực tiếp với Chúa; và dù có cầu với Ðức Mẹ, các thánh chăng nữa, mặc nhiên tôi vẫn nhắm Chúa như đích cuối và chân trời của nguyện cầu. Hơn thế, tôi chỉ trò truyện với các ngài trong Chúa, và cùng với các ngài tôi thở than với Chúa.
Cầu như thế, tôi không còn tách riêng Ðức Mẹ hay thánh này thánh kia thành những vị thần con con, gần như độc lập đối với Chúa và độc lập đối với nhau. Dù cảm thấy Chúa gần mình, tôi vẫn khiêm nhu trong thái độ lệ thuộc, vẫn cảm thấy hơi ấm của Giáo hội hiệp thông. Giáo hội ấy rộng khắp năm châu và rộng tới Trời cao, đang bao trùm lấy tôi, đánh tan cảm giác cô độc trong tôi, khi mà tất cả thành anh em, bạn hữu, thành cha mẹ, con cái, thành thày dạy và môi giới trước Chúa của tôi. Tại sao tôi lại không thể nương cậy vào họ? Tại sao không thể cầu ơn với Ðức Mẹ, các thánh, với những người thân quen đã ra đi trong Chúa nhỉ?
* * *
Vì yêu thương tôi, Cha luôn sẵn sàng đón tiếp tôi. Ngài vẫn chờ tôi ở cửa và gõ, để hễ tôi đáp lại là vào liền. Cho nên gặp Chúa thì dễ (dù có khi tôi không cảm thấy), chứ muốn gặp Chúa mới khó, vì muốn là việc của tôi.
Bằng ân sủng, Chúa đang hiện diện đó với tôi. Chỉ cần xoay mặt lại với Chúa, là cuộc đối thoại sẽ bắt đầu. Giả như tôi đang xa Chúa vì tội lỗi, thì Chúa vẫn chờ đó bên ngoài, nên lời van xin của tôi vẫn thấu đến tai Ngài được. Vả lại, chính lời van xin kia, dấu hiệu của cố gắng quay về, đã là ân Chúa và do sự gõ cửa của Chúa. Nếu ân Chúa bắt đầu, hẳn ân Chúa sẽ kết thúc thôi. Bao giờ Chúa cũng yêu tôi trước và đi bước trước (1 Yo.4.10; Rom.5.8-10).
Vì gặp Chúa, kể cả gặp trong cầu nguyện, luôn luôn là ơn Chúa, nên phải biết phân biệt cảm giác gặp Chúa với thực tại của sự gặp gỡ ấy. Có thể có cảm giác, kể cả nước mắt xối xả, mà gặp Chúa thực thì chẳng có bao nhiêu. Ngược lại, đôi lúc hầu như không cầu nguyện nổi dù cố gắng rất nhiều, mà kết quả thiêng liêng lại dồi dào dù anh không thấy. Do đó, dù khô khan, cứ vững tâm cầu nguyện. Không có gì an ủi mà vẫn cố được, há chẳng phải là do ân Chúa đấy sao? Tình cảm thường đi đôi với gặp gỡ, nhưng tình cảm không phải là gặp gỡ, càng không thể sản sinh sự gặp gỡ ấy.
* * *
Vì cầu nguyện đưa sâu vào trong Chúa, ở đó tôi tương giao mật thiết với Chúa, nên cầu nguyện phải là hơi thở của hồn đang khao khát tình lang và chỉ sống nhờ sữa mẹ. Ðã là hơi thở, thì không thể ngưng lâu mà sống được. Nên phải cầu nguyện hằng ngày, cầu nguyện thường xuyên.
Làm sao có thể cầu nguyện luôn khi mà ta còn làm việc, nghỉ ngơi, ăn ngủ? Bạn có biết khi yêu thì người ta luôn gần nhau thế nào không? Dù ở đâu, họ vẫn nghĩ đến nhau; dù làm gì, họ vẫn làm vì nhau dù không ý thức rõ. Với Chúa, bạn cũng có thể làm như vậy. Thỉnh thoảng khi có giờ, hãy đun sôi tình yêu bằng một lúc suy chiêm, cầu nguyện. Rồi khi làm việc, hãy có những cú liếc nhanh về hướng lang quân để khơi thêm ngọn lửa. Bạn cũng thêm củi vào lửa mỗi khi hy sinh cho Chúa, nhất là để sống theo đức Ái và lẽ phải. Vâng, bạn có thể thấy Chúa rất rõ khi thấy Chúa trong anh em mà bạn đang hy sinh phục vụ. Sống và hành động như thế, dần dà bạn sẽ "cảm giác" Chúa trong những gì bao quanh. Một cảm giác mơ hồ thôi, do công việc bộn bề. Và đó là cầu nguyện (hay chiêm niệm) tiềm mặc (oraison virtuelle) đấy.
Có gì như của "hôn nhân thiêng liêng", nhưng một thứ hôn nhân chủ động, do luyện mãi mà thành. Hôn nhân thiêng liêng thụ động, giai đoạn chót của huyền nghiệm và kết hiệp tại thế, sẽ khiến cho cảm giác CHÚA CÓ MẶT thành thường hằng, khiến việc sống vì Chúa cũng thành rất tự nhiên nữa. Hôn nhân thiêng liêng xóa bỏ ranh giới giữa cầu nguyện và cuộc sống, khi sống đã là cầu nguyện đúng nghĩa rồi.
* * *
Cầu nguyện là "nâng hồn lên tới Chúa" trong chiêm ngưỡng, và hướng về cuộc sống trong van xin. Nhưng với phần đông, chiêm ngưỡng là chuyện xa vời, chúc tụng chỉ là nhập đề cho xin ơn, để chỉ xin ơn mới là đích nhắm. Vì thế trong đọc kinh (thường người ta cầu nguyện bằng đọc kinh), ở phần chúc tụng người ta như vô cảm, và cũng vô cảm khi lời kinh xướng lên các nhu cầu của Giáo hội và thế giới. Tôi chỉ cầu nguyện sốt sắng khi tai ương đang hay sắp ập xuống trên tôi và gia đình tôi. Tôi đi hết đền khấn này đến chốn hành hương kia, và van vái hằng giờ không mỏi mệt.
Cứu trợ, che chở, ủi an, dường như đó mới là cái người ta mong tìm ở tôn giáo. Và như thế, tôn giáo đã thành phương tiện chứ không phải lẽ sống, thành ma túy ru ngủ hơn là ngòi nổ cho cách mạng đời sống, cho những kiến tạo tốt đẹp (Xem thêm J-F. Catalan, Expérience spirituelle et psychologie, Desclée de Brouwer, Paris, 1991, tr.71tt).
Ðể tôn giáo khỏi thành vụ lợi như ở tuổi bán khai của nó, cầu nguyện phải được nâng cao tới mức ca tụng và chiêm ngưỡng, còn van xin thì phải hướng về "Nước Cha mở đến" trước tiên.
Nói như thế không có nghĩa là gạt bỏ phần của cái Tôi, chối bỏ sự thực về tính yếu đuối của con người, về tư thế lệ thuộc của nó đối với Thiên Chúa. Dù tự cường và phát triển đến đâu, con người vẫn không giải quyết được mọi vấn đề của mình. Tật bệnh không thể hết, cái chết không biến khỏi địa cầu, động đất, bão lụt, núi lửa phun cùng với bao tai ương khác rình rập tôi và hết thảy trên mọi nẻo đường cuộc sống. Thế mà để sống, tôi cần đến một tối thiểu an toàn, một chút sáng hy vọng. Vâng, tôi rất cần đến Thiên Chúa và sự phù giúp của Ngài. Ðừng để tin tưởng mài nhụt sức tự cường của tôi, nhưng cũng đừng để tự tin đạêt tôi vào vị trí không phải của mình, mà của đấng Tự hữu. Một sự chiếm đoạt bất chính!
Nói tóm lại, phải luôn thanh lọc đức tin và thanh lọc cầu nguyện. Ðức tin trưởng thành giả thiết tự cường, nhưng cũng khiến nhận ra rằng, tất cả những gì tôi có đều do Thiên Chúa mà có. Nhìn nhận cả hai sức mạnh, và đặt cái nọ lồng trong cái kia như thế, tôi sẽ thấy mình vững chắc lên, không gì lay chuyển nổi: "Khi tôi yếu, đó là lúc tôi khỏe vậy". Tự tin do tin tưởng càng hút vào cầu nguyện, chứ không đẩy xa nó đâu.
Ðây là thứ cầu nguyện nó không khinh rẻ "lương thực hằng ngày" của bản thân và người thân, nhưng nhìn lương thực ấy trong viễn cảnh lợi ích toàn bộ của con người, do đó phụ thuộc vào lương thực thiêng liêng. Và cũng thế đối với nhu cầu thế giới, mà cầu nguyện của tôi phải mở rộng tới.
Cầu nguyện có thể là chiêm ngưỡng, có thể là xin ơn. Về suy chiêm riêng biệt, chúng ta đã nói ở chương IX rồi. Tại đây, chỉ bàn đến nguyện cầu theo nghĩa tổng quát, nhất là theo nghĩa thông thường: việc trao đổi, truyện trò với Chúa. Sau đây là Bảy quy tắc thực hành, giúp ta đạt dồi dào kết quả
Quy tắc 1: Uốn theo Thánh Thần — Chính Thần khí đức Yêsu làm bật lên trong ta tiếng kêu Abba, Ba (Rom.8.15; Gal.4.6). Và dù ta chưa biết cầu, Thần khí vẫn cầu thay ta bằng lời than vãn khó tả (Rom.8.26). Ngài làm thế kể từ lúc ta gặp Cha, nghĩa là từ lúc chịu Phép rửa và sống bằng sữa ân sủng. Vậy việc của ta chỉ là hòa lời và hòa lòng với Thánh Linh, để mình cuốn theo dòng nguyện cầu nguồn gốc và siêu nghiệm nơi Ngài (Siêu nghiệm (transcendantal): ngay trước cả cảm nghiệm hay ý thức, nhưng lại làm nền và khuôn cho cảm nghiệm hay tri thức. Như đã nói trên, sự có mặt cầu nguyện của Chúa Thánh Thần trong ta là điều kiện siêu nghiệm để ta có thể cầu nguyện hữu thức với Cha. Ðây là suy diễn từ Thần học siêu nghiệm của K. Rahner, mà thần học này lại được gợi ý từ triết học siêu nghiệm của Kant).
Trong thực hành, để bắt đầu cầu nguyện, ta hãy thỉnh Thánh Linh cầu cho ta và với ta. Thế rồi, lắng nghe Ngài ở bề sâu tâm hồn, một cách hồn nhiên hãy buông theo những thúc đẩy thiêng liêng. Buông đấy, mà vẫn cố gắng đấy, cố nhưng không căng, không bận tâm chi cả. Như trong thiền ấy.
Buông lắng nghe Thánh Linh, ta dễ biết Cha muốn gì ở ta, muốn ta xin gì ở Ngài. Cha muốn gì ở ta ư? Ta phải thấy mình còn cách xa những gì Cha muốn. Một cách khiêm tốn và đơn sơ, ta nhận thiếu sót của mình mà vẫn tin vào tình Cha. Cha muốn ta xin gì ư? Hẳn là xin "cho ý Cha được thực hiện", nơi ta và xung quanh ta. Cũng là xin những gì ta đang cần, đang thiếu, cho cuộc sống thiêng liêng đã, cho cuộc sống vật chất sau, nhưng tùy Cha định liệu.
Ðể ngày càng hiểu Cha muốn gì nơi tôi, hãy suy niệm Lời Chúa, suy về kinh Lạy Cha, về một số kinh quen thuộc chúng làm nên những bài tập hướng dẫn cách nguyện cầu. Nhất là hãy đi sâu vào tâm tình Chúa Yêsu, những khắc khoải sâu xa của Chúa được tỏ lộ trong lời nguyện cuối cùng sau đây:
— Xin cho chúng biết Cha, biết con được Cha sai đến. Xin giữ chúng trong sự thật và khỏi nhiễm mùi thế gian, dù chúng được con sai đến giữa thế gian. Xin cho chúng nên một, để thế gian tin rằng Cha đã sai con, và Cha yêu chúng như đã yêu con... (Yo. ch. XVII).
Quy tắc 2: Ở bề sâu — Ðúng là phải trở về với bề sâu của lòng, nơi đó Chúa Yêsu đang có mặt và đợi ta, nơi đó Thần khí Con đang cầu nguyện với Cha và chờ ta hợp xướng. Chính Thầy đã khuyên, là phải rút vào chỗ kín đáo nhất trong phòng, rồi khóa cửa lại, thì mới có thể trò truyện với Cha đấng đợi ta ở nơi ẩn khuất (Mt.6.6). Vâng, dù cầu riêng hay cầu chung, việc gặp Chúa chỉ có thể diễn ra ở bề sâu này. Và nếu không gặp ở bề sâu ấy, thì chẳng còn chỗ nào khác để gặp nữa. Vì thế, đừng lẫn đọc kinh với cầu nguyện, dù anh có thể cầu nguyện bằng đọc kinh. Kinh có thể là những công thức dọn sẵn một cách công phu và đúng thần học để dẫn ý trong cầu nguyện. Trong trường hợp ấy, chúng đóng vai trò sư phạm, dậy anh biết cầu gì và cầu thế nào. Nhưng kinh sẽ thành tiếng vẹt nói nếu không kéo được ý anh theo kinh. Kinh còn có thể cản trở cầu nguyện khi kinh xin một cái, mà anh lại mong muốn một cái khác. Vậy khi nhờ kinh mà biết cách cầu rồi, đôi khi nên rời khỏi kinh để nói thẳng với Chúa những gì anh muốn, những lời tâm sự giữa con với cha hay giữa bạn tri âm với nhau.
Quy tắc 3: Một cách đơn thành — Tâm sự với Chúa, đôi khi các thánh dùng những lời lẽ thân mật, đến như "nhõng nhẽo". Ðúng như đứa trẻ cảm gì nói luôn, nghĩ đâu nói đấy, không biết rào trước đón sau, không biết lễ nghi phiền phức. Thế là thiếu khoảng cách đấy, nhưng sự gần gũi rõ nét hơn. Thật ra, ý thức khoảng cách có thể vẫn còn, nhưng trong cơn say yêu, người ta để nó sau lưng. Cũng như khi đập vỡ bình thuốc thơm đắt giá, không phải Maria không quan tâm đến kẻ nghèo, nhưng khi bốc yêu rồi, thì người ta không tính toán nữa (Yo.12.3 tt.).
Chỉ trong tình yêu, người ta mới bi bô trẻ nít được. Và chỉ trong thái độ đơn sơ ấy, sự chân thành mới đầy đủ. Vì thế, Nước Trời là của ai giống trẻ con (Mc.10.14-15). Hãy cởi mở với Chúa như đứa nhỏ với mẹ, và rồi ta sẽ gặp Chúa, đấng lộ mình ra với trẻ con, chứ không phải với kẻ lớn khôn (Mt.11.25).
Quy tắc 4: Xuống thung lũng phì nhiêu — Ðơn thành với Chúa, ắt hiểu mình là gì trước Chúa. Quả thật, ta không thể nhận ra cái gốc KHÔNG của mình trước đấng Toàn Có, nếu chẳng thấy mình thiếu thốn và cần Chúa luôn luôn. Ðó là "đi xuống thung lũng phì nhiêu của mình" (Tiên sa nhỏ), ở đó nước dồi dào và đất màu mỡ, khiến ta sống đầy đủ và lớn lên như thổi.
Sự bớt mình là điều kiện để Chúa lớn thêm (Yo.3.30). Nhận mình yếu là cơ sở để tin vào Chúa. Không còn nghĩ mình là gì, đáng gì, có gì, tôi dễ dàng đón đợi từ Chúa tất cả. Và một khi đã trọn niềm tin vào Chúa, Chúa sẽ đến trọn vẹn với ta và hành động trong ta mà không gặp trở lực nào.
Coi mình yếu không phải là ỷ lại, từ bỏ phấn đấu đâu. Không sức tự mình, nhưng đầy sức tự Chúa: "Tôi có mọi sức trong đấng tăng sức cho tôi" (Php.4.13). Nên tôi bạo lên gấp trăm, vì tôi không chiến đấu đơn độc (Cậy có Chúa mà bạo lên phải chăng là thiếu đức Dũng? Sự có mặt của Chúa bằng ân sủng phải biến đổi chính con người tôi thành can đảm, thì can đảm mới làm nên bản sắc của tôi. Sự nương cậy vào Chúa là thái độ hợp ký và cần thiết của đức tin, nhưng bên cạnh đó, đức Dũng vẫn cần như một trong những nhân tố cấu thành sự toàn thiện).
Quy tắc 5: Cố gắng kiên trì — Buông theo Thần khí, thì cũng phải có hành vi thả mình trôi theo. Và phó thác cho Chúa không có nghĩa thây kệ Chúa. Tất cả do Chúa đấy, mà tất cả cũng do anh, do anh ở mặt phẳng dưới, cố nhiên. Chúa không thể làm nếu không có anh hợp tác. Nghĩa là luôn phải cố. Bắt đầu thì mệt, về lâu sẽ dễ, sẽ quen đi. Theo Abba Agathon, cầu nguyện là "chiến đấu suốt đến chết". Và theo giải thích của Tiên sa Avila, thì "yêu một Thiên Chúa mà ta không thấy, yêu thế quả là điều gay go".
Nếu giây cung của anh còn yếu, lo đứt nếu căng quá căng lâu, thì hãy căng từng lúc, ngăn ngắn thôi. Nghĩa là khi cầu mà thấy mình đang đãng trí, anh đừng buồn bã, bứt rứt làm gì, cái gì đã qua cho qua luôn vì chẳng lấy lại được nữa. Hãy quan tâm đến hiện tại, xem cách nào bù đắp hữu hiệu nhất. Nếu gắng lâu, có lẽ anh sẽ ngại, do đó cũng không thực muốn gắng. Nhưng nếu gắng giây lát thôi, chắc anh thấy làm được. Giây lát thực sự cố gắng sẽ giúp anh lấy chất lượng bù cho số lượng mất mát. Và cố gắng một khi hữu hiệu hẳn làm anh phấn chấn lên, khiến hết buồn ngủ hoặc ươn ưởi, vì dư âm của phút giây sốt sắng sẽ kéo dài trong những phút giây tiếp theo.
Trong cố gắng nói trên, anh có thể tăng chú ý vào lời kinh đang đọc, hay, tạm bỏ kinh đấy, hãy truyện trò với Chúa một cách đơn sơ. Hãy nói với Chúa về chính tình trạng đáng thương hay đáng trách của mình: — Chúa ơi, con lười, con khô khan thế đấy, làm sao được bây giờ. Chúa hãy muốn đi, và con cố gắng được ngay!
Quy tắc 6: Với cả thân xác nữa — Một khi "Lời đã thành thịt", thì thịt ấy làm hiển lộ Cha ra ("Ai thấy Thầy là thấy đấng sai Thầy") và thành chỗ tôi đến gặp Cha. Chẳng những thân xác Chúa thần thánh, mà cả thân xác tôi cũng ương mầm để được thần thánh hóa theo. Nhờ đó, chẳng những tôi có khả năng yêu Chúa với tim, hồn (Nl.6.5), mà bằng cả thân xác nữa.
Thánh Inhã Loyola đã sáng chế cách chiêm ngắm bằng ngũ quan: dùng từng giác quan để nhìn, nghe, ngửi, nếm, sờ (bằng tưởng tượng, cố nhiên) nào là hỏa ngục, nào là Chúa Yêsu, Ðức Mẹ, v.v., như trong một giai thoại Phúc âm nào đó. Bắt chước Ấn giáo, đôi khi Công giáo Ấn cũng đưa múa nhảy vào phụng vụ. Bắt chước hành giả Ấn giáo, nhiều người Công giáo còn tìm Chúa bằng phương pháp tọa thiền nữa (Về con đường thiền, có thể đọc những tác phẩm như của Lassale, Zen, voie de l'illumination, của W. Johnston, Zen et connaissane de Dieu...).
Khi cầu nguyện, suy chiêm mà tâm tình bất định vì đang lo chuyện này chuyện khác, hẳn khi ấy ta thấy tim đập nhanh, thở dập dồn và thần kinh như lật bật. Vậy, phải tâm tịnh đã. Ðể tâm tịnh, không gì tốt bằng thư giãn, thở chậm nhẹ và điều hòa, trong khi, khác với thư giãn, trí khôn vẫn giữ sáng suốt. Thế rồi, để có thái độ khiêm cung và sùng kính, ta chỉ việc nhìn xuống và cúi thấp đầu, là thấy hiệu quả ngay.
Quy tắc 7: Cầu nguyện trong văn mạch cuộc sống — Người còn ham hố và phóng túng không dễ cầu nguyện đâu. Người kiêu căng và tự mãn cũng không ở vào tư thế thích hợp để gặp đấng là Chủ tể. Vậy để bước vào cầu nguyện, nhất là để nâng cao cấp độ cầu nguyện, ta phải nâng cao mức sống luân lý và tôn giáo nữa. Vâng, ta chỉ cầu nguyện dễ khi sống tinh thần hy sinh, khi thuận theo ý Chúa. Ta chỉ cầu nguyện sâu khi lòng siêu thoát, không vương bụi trần. Và ta chỉ thân mật được với Chúa khi quên mình vì anh em.
Dù sao, nếu cuộc sống chưa được như thế, ta cũng đừng thất vọng. Hãy lợi dụng sự nghèo túng như đòn bẩy để "nâng tâm hồn lên". Nghĩa là nhìn nhận sự thiếu sót và thấp kém của mình để chỉ biết nương nhờ vào lòng Chúa thương xót. Nhận thức được như vậy đã là ơn Chúa và khởi điểm của đường về.
Nếu thế, phải chăng càng thánh thì càng có cảm nhận đầy tay, do đó khó ở trong tư thế để nhận ơn? Quả thật, ở mức thánh nửa vời, người ta thường phải đấu tranh chống khuynh hướng tự mãn ấy. Nhưng khi thánh thật rồi, gần đấng là Chiều cao, người ta tự thấy mình thấp bé hẳn đi. Tự nhiên thấy mình bé, vị thánh dễ thành đơn sơ và ăn nói tự nhiên với Chúa.
* * *
Khi nguyện cầu đã tỏa hương sang cuộc sống, thì cuộc sống thành cầu nguyện rồi. Người ta sẽ cầu bất cứ lúc nào và bất cứ đâu, trong khổ đau cũng như khi vui sướng, trong lo âu, thất vọng cũng như khi hứng khởi tràn trề.
Ðể được như vậy, trong khi say sưa nguyện cầu, đôi lúc cũng nên nghĩ đến cuộc sống nữa. Và hãy nói với Chúa về những vấn đề của mình.
Thánh Ignace đề ra phương pháp "Chiêm ngắm để yêu" (contemplatio ob amorem) trong Thần thao cuối tuần IV. Sau khi đã ngắm Chúa nơi Chúa nhiều rồi, bây giờ người ta ngắm Ngài nơi tạo vật. Vâng, hãy tập nhận ra dấu vết Chúa nơi hoa lá, chim muông, trước trời cao biển rộng, cả ở những con người và tác phẩm của họ nữa. Quen nhìn ra Chúa ở những gì quanh ta, ta mới dễ gặp Chúa ở thiên nhiên, trên đường phố, cũng như giữa những bận bịu của cuộc sống lao động và bon chen. Thỉnh thoảng giữa những lúc tất bật ấy, ta hãy hướng lòng về Chúa, bằng một cú liếc nhanh thiêng liêng, bằng mấy câu "nguyện tắt" (oraison jaculatoire). Thỉnh thoảng một giờ cầu thời mạnh (temps fort) và từng lúc những phút giây hâm nóng như thế sẽ duy trì sự có mặt của Chúa, sẽ giúp ta nguyện cầu liên tục bằng chính cuộc sống của mình.
Bằng cách xóa bỏ sự phân ranh giữa chiêm đạo và sống đời như thế, ta sẽ đắc thủ mức "Chiêm trong hành động" theo cách gọi của Nadal khi diễn giải con đường Ignace. Sẽ không còn kiểu phân biệt xưa kia giữa hai nếp sống chiêm và hành với ưu thế dành cho chiêm. Ðây là di sản Platon-thuyết nơi giáo phụ, quan điểm xuất thế của đời sống đan tu: ý tưởng đứng trên thực tại và chiêm ngưỡng đứng trên hành tác.
Thấy Chúa trong tất cả thì không còn chối bỏ trần thế và coi khinh tín đồ vì thấy họ lăn lộn giữa đời. Thấy Chúa trong tất cả, ta cũng không dám lạm dụng vật chất để phạm tội. Vật chất, ở chỗ nó phản ảnh Thiên Chúa, sẽ thành đòn bẩy biểu hiệu để phóng ta về phía chiêm ngưỡng và cầu nguyện thường hằng.
Mỗi chúng ta nối dài con người Chúa để thành nhị-Kytô (alter Christus). Toàn thể chúng ta nối dài thân mình Chúa để thành Huyền thân, Giáo hội. Nơi Chúa, tất cả chúng ta thành một thân cho một Ðầu và do một Thần khí. Cái tính Một ấy, theo hướng đi Nhập thể, từ trong phải hiển hiện bên ngoài. Hiển hiện trong một niềm tin đồng tuyên xưng, trong sự "ý hợp tâm đầu" (homothumadon) của lối sống, trong đồng thanh của chúc tụng, nguyện cầu:
— "... Sự hiện thể chính yếu của Hội thánh là ở việc dự đầy đủ và chủ động của toàn dân Thiên Chúa vào cùng một lễ nghi phụng vụ, nhất là trong cùng một lễ Tạ ân, một nguyện cầu, bên cùng một bàn thờ ở đó giám mục chủ tọa, có linh mục đoàn và phục dịch viên vây quanh" (Sacrosanctum Concilium, số 41).
Dù cầu một mình, nhờ ơn thông hiệp, ta vẫn cầu trong lời cầu của Chúa Yêsu và Giáo hội. Cầu nơi lời cầu của Chúa Yêsu, vì Ngài là môi giới toàn vẹn và duy nhất, Môi giới viết hoa:
"... Thiên Chúa chỉ có một, và chỉ có một môi giới giữa loài người và Thiên Chúa. Ðó là đức Yêsu Kytô, đấng là người, đấng đã nạp mình làm giá chuộc chúng ta" (1 Tim. 2.5-6).
Giải thích thánh vịnh 102 (101), thánh Augustin cũng nghĩ rằng, khi ta khổ đau và nguyện cầu, thì đó là Chúa Yêsu lo âu và nguyện cầu nơi chúng ta. Chính vì mỗi người và hết thảy đều cầu nơi lời cầu của Chúa, nên tất cả làm thành chỉ một tiếng nói trong Chúa (giải thích thánh vịnh 37, câu 6), tiếng nói của Hội thánh thân mình Chúa.
Ðể lời cầu hiện rõ là của cộng đồng, lời cầu ấy phải thành hợp cầu của dân. Việc thờ tự chung này có tên là Phụng vụ (liturgie), nó đặt nền trên tế sự của Chúa Yêsu và có phần trong tế vụ của thiên giới. Ðã là hợp cầu, thì phải thể hiện bằng đồng thanh, đồng cử điệu. Vì thế, ít hay nhiều, cầu nguyện ấy phải được thiết kế. Lời cầu được quy hoạch như thế sẽ thành kinh, và cử chỉ quy định sẽ thành nghi lễ, trong khi sự phân công rõ làm nên những chức vụ. Sự cơ chế hóa lắm khi là rất cần để làm khuôn thước cho cả những biểu phát tự do của con tim và đoàn sủng, như đã thấy trong Tông đồ công vụ và nhiều thư thánh Phaolô. Ðúng là một tối thiểu tổ chức rất cần như một vành đai an toàn, vành đai đủ chắc để cản ngăn những quá trớn và lạm dụng. Có điều vành đai ấy phải đàn hồi để khuyến khích những biến chế và sáng kiến hữu ích, giúp cho cầu nguyện sinh động hơn và đáp ứng đòi hỏi của mỗi hoàn cảnh. Vậy "chữ đỏ" (rubriques) không nên đi vào chi tiết để choán hết chỗ của tự phát đoàn sủng. Thần khí cần đến một khoảng trống nào đó để tung hoành phỉ chí, Ngài thích "hứng đâu thổi đấy", rất phóng khoáng từ trong bản chất của mình.
Trong thực hành, nên thúc đẩy chia sẻ Lời Chúa và cầu nguyện tự phát. Nên chọn bài đọc và ca kinh thích hợp cho mỗi hoàn cảnh. Giáo quyền đã bắt đầu cho phép như thế, nhưng không gian dành cho tự phát còn hẹp. Không gian tuy hẹp đấy, mà xem ra đã rộng quá rồi, khi mà phần đông chẳng thiết lợi dụng vì không ưa động não. Cho phép "Lời nguyện giáo dân" ư? Ông thầy nào đó sẽ soạn sẵn để giáo dân đọc. Ðọc chứ không phải cầu. Thậm chí để đọc, người ta còn lấy nguyên mấy mẫu in sẵn. Ðúng là căn bệnh lười tệ hại, cộng với thói quen bao cấp truyền tử nhập tôn.
* * *
Nghi thức không phải chỉ là lời kinh, ca, âm nhạc, mà còn cử điệu nữa. Nếu lời đi với ý tưởng, thì cử điệu có thể động thẳng đến tâm tình. Một cử điệu tự nhiên thể hiện một tình cảm. Một cử điệu quy ước, nếu quen đi đôi với một tình cảm, cũng gợi cảm như một cử điệu tự nhiên vậy.
Một cử điệu quy ước thành tự nhiên có thể do luyện tập cá nhân, có thể do truyền thống văn hóa lâu đời.
Bằng ca kinh và cử điệu, bằng không gian, thời gian được cấu trúc cho sùng kính chung, phụng vụ sẽ giáo dục ta cầu nguyện và tạo nên quanh ta một bầu khí giúp ta chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa và trao đổi tâm tình với Ngài. Ðể được thế, một đằng ta phải tôn trọng những quy định, đằng khác phải vượt xa hơn "chữ đỏ" để nhắm cái mà nghi thức muốn gợi ý cho ta. Bằng cách ấy, ta cố sống các mầu nhiệm Chúa để các mầu nhiệm ấy thành hiện thực cho ta lúc này, nhờ đó nuôi sống ta.
Ðể khơi động tâm tình trong cầu nguyện, nhất là trong nguyện cầu phụng vụ, chúng ta rất cần đến hình ảnh và cử chỉ.
Ðể nói lên sự suy phục Thiên Chúa ư? Hãy cúi đầu thật sâu, và lập tức anh thấy mình ở trong thái độ ấy. Ðể hiểu Chúa yêu anh thế nào ư? Hãy nhìn vào máng cỏ hay nhìn lên thập giá, và anh sẽ hiểu ngay. Chứ cứ trừu tượng mà nói: "Chúa yêu loài người", "Tôi thụ ơn Chúa", thì chỉ thấy trơ trơ, trừ phi những ý tưởng này, do nghiền ngẫm lâu ngày, đã được nối kết với một tình cảm. Có điều, để nối với tình cảm hay khơi động tình cảm, ý tưởng ấy vẫn phải nhờ môi giới của ảnh tượng thuộc trí tưởng, mà ta có thể gọi là hình tưởng. Nhất là khi đối tượng nhắm lại thuộc lãnh vực thiêng liêng, như Thiên Chúa và ơn thánh hóa. Và tình cảm muốn gợi khi ấy cũng phải thiêng liêng theo.
Khi đối tượng nhắm là siêu giác như thế, thì hình ảnh biểu thị trở thành biểu hiệu (symbole) rồi. Tuy biểu hiệu là hình ảnh, nhưng cái mà nó chỉ lại siêu giác, vô hình. Sở dĩ hình ảnh có thể chuyển đổi biểu thị như thế, là vì cái mà nó chỉ, như ánh sáng chả hạn, vẫn có gì giông giống với những cái như thánh thiện và vinh quang. Vâng, dù vật chất hay thiêng liêng, mọi thực tại đều mô phỏng một tiêu mẫu chung là Thiên Chúa sáng tạo.
Vì cái mà hình ảnh nói lên trực tiếp thì khả giác, nên hình ảnh có khả năng khơi động một năng lượng tâm-sinh, một giác cảm hay tình cảm. Vì có chuyển hướng trong biểu thị, nên năng lượng tâm sinh kia, bị nén về phía dưới, sẽ thăng hoa để nên thuần khiết hơn, cao quý hơn, thiêng liêng hơn. Và đây là do quy luật Chuyển đổi năng lượng (transfert d'énergie). Con người vốn thân tâm đồng tại, đồng hoạt mà! Cảm tính có thể kéo xác lên theo tinh thần hay dìm tinh thần xuống theo xác, và đây là việc của biểu thị nó tác động qua trung gian của tưởng trường (l'imaginaire, champ d'imagination).
Ảnh tượng nói đây không thuộc địa hạt của ba giác quan chiếm hữu là khứu, vị, xúc chúng trực cận sự thỏa mãn các nhu cầu tồn sinh (như ăn uống) hay truyền sinh (nhục dục). Những ảnh tượng này như lẩn trong thực tại vật chất, chứ không giữ một khoảng cách để nên hình ảnh suông về những thực tại ấy. Chỉ có ảnh tượng thính, thị mới đạêt thực tại đối diện với ta để trình bày nó với ta, khiến nó thành đối tượng của chiêm ngưỡng được. Vâng, ý tưởng về cánh đồng lúc ban mai, qua ảnh tượng (của trí tưởng) về màu xanh, về tiếng gió rì rào, tiếng chim hót líu lo (kèm theo đôi chút cảm giác mát mẻ), sẽ khiến lòng tôi sảng khoái, và thấy lâng lâng, thanh thoát.
* * *
Ảnh tượng tâm lý, di tích của cảm giác và chế phẩm của trí tưởng, vì từ thực tại vật chất mà phát sinh trong ta, nên ít nhiều vẫn hướng về thực tại vật chất khi trong ta xuất hiện. Ðể diễn tả một thực tại thiêng liêng, tuy ta phải mượn chúng, nhưng chuyển hướng biểu thị và cải biến xung động cảm tính luôn đi kèm. Thí dụ, ở câu "bão tố ngày chung thẩm", hình ảnh Bão tố làm nổi lên trong tôi nỗi kinh hoàng, nhưng vì biểu thị chuyển hướng về Ngày chung thẩm, nên nỗi kinh hoàng kia cũng được cảm thức thần thiêng chuyển hóa thành thiêng liêng.
Vâng, phải có cảm thức thần thiêng để vừa chuyển hóa tâm tình vừa chuyển hướng biểu thị cho một hình ảnh. Chứ nếu không, một ảnh tượng đẹp về Ðức Mẹ sẽ giam hãm tôi trong xác phàm đẹp của một phụ nữ bất cứ, chứ không giúp tôi phóng mình lên để gặp đúng Ðức Maria Mẹ Chúa Trời, với một thân xác đã trở thành "thiêng liêng" và bất tử. Về hình ảnh Nhà thờ cũng thế. Lẽ ra, nhà thờ phải là biểu hiệu về Tập hợp thiêng liêng (Ekklêsia, tập hợp), tức Giáo hội. Nhưng kẻ không đủ khả năng tự giải phóng mình khỏi cám dỗ vật chất, sẽ dừng lại ở nhà thờ vật chất, mà không nhìn ra sự hiện diện của Chúa giữa chúng ta bên ngoài những khu vực thánh đường.
* * *
Biểu hiệu dù do cá nhân tự chế, vẫn phải dựa một phần vào cảm thức chung của một vùng. Cảm thức chung ấy hình thành chầm chậm, tạo nên những cách nhìn và cách biểu thị đặc thù, khiến cho hoa hồng thành biểu hiệu của tình yêu bên Tây, hoa sen nói lên sự cao quý, thậm chí huyền nhiệm cho phương Ðông.
Mỗi khu vực văn hóa đều có cả một hệ thống biểu hiệu chính yếu của mình, mà chỉ ai mang sẵn "gen" văn hóa của nhóm người ấy mới hiểu nổi. Như con hạc chả hạn, nó nói nhiều với Trung hoa về thế giới bên kia, nhưng lại câm lặng hoàn toàn với hầu hết các khu vực khác.
Những biểu hiệu tập thể nền tảng nhất được Jung gọi là Nguyên tiêu (archétype). Nguyên tiêu có thể là biểu hiệu về một cái gì chìm sâu trong vô thức, hay chính cái thuộc vô thức này mà hình ảnh nói về, nhưng nói hết thì không thể. Bởi thế, nguyên tiêu có thể được diễn tả bằng những hình ảnh khác nhau tùy theo khu vực văn hóa. Sự ác chả hạn xuất hiện bên Tây dưới dạng con rắn có cánh và sừng (dragon), trong khi bên Ấn nó lại hiện hình dưới dạng người có sừng và đen đủi (các loại quỷ asura, preta, yaksïa, daitya, râksïasa).
Cựu ước và Tân ước vẫn dùng nguyên những biểu hiệu có tính nguyên tiêu của vùng Ðịa trung hải, nhưng biến cải ý nghĩa theo niềm tin riêng. Và đó là rồng của sự ác, là nước của nguồn sống, là Tây phương của bóng tối sự ác và sự chết, v.v... Trong Phép rửa Kytô-giáo, người ta từ bên Tây mà xuống nước để tiến lên ở bên Ðông. Dìm xuống nước cũng là đi vào hỗn mang và lòng Mẹ nguyên thủy để tái sinh trong đời sống siêu nhiên.
Chịu rửa trong nước và Thần khí là để sinh thành con Chúa Cha. Nếu vai trò của Người cha nguyên sơ là ở trên cao, thì vai trò của Người mẹ nguyên sơ lại ở chiều sâu, cái nó nói lên sự thân mật và khơi dậy cảm giác an toàn (Xx. Charles A. Bernard, Théologie symbolique, Téqui, Paris, 1978, tr.37). Tây phương thiên về chiều cao vì được chi phối bởi nguyên tiêu Người cha, nên cũng yêu ánh sáng và sự rõ ràng, chính xác của lý trí. Các thánh được họ trình bày với cặp mắt nồng cháy và hướng lên, trong khi vẻ mặt thì rạng rỡ. Trái lại, được chi phối bởi nguyên tiêu Người mẹ, Phương đông nghiêng về chiều sâu, khiến đức Phật của họ mắt lim dim, hướng về chỗ thâm u nhất của mình. Lý tưởng của họ không nằm ở sự rõ ràng của hình thức, nhưng sự mờ ảo của phân biệt âm dương, sự xóa bỏ hình thức của Vô và Vô vi.
Ðể dễ đi vào đời sống thiêng liêng, người Phương đông hãy khai thác điểm mạnh này và hãy hướng nội, vào thiền; đồng thời bù đắp một phần vào chỗ yếu bằng cách tập phân định (discerner) rõ và hành động có kế hoạch. Vẫn biết rằng chúng ta cần phải đi vào các biểu hiệu chính của kinh thánh để hiểu thấu Phúc âm, nhưng cùng lúc cũng phải trở về với các hình ảnh Phương đông quen thuộc để diễn tả và khơi động tâm tình tôn giáo của mình. Hãy chú ý nhất đến các biểu hiệu có tính nguyên tiêu của khu vực chúng ta, vì chẳng những chúng giàu khả năng biểu thị, mà chúng còn là động năng cảm tính rất mạnh và có rễ ăn rất sâu (Xx. C.G. Jung, Essai d'exploration de l'inconscient, ch.VI và VIII).
* * *
Chúng ta cần uốn tâm tình tôn giáo theo những đường cong của không gian và thời gian thiêng liêng. Không gian và thời gian thiêng liêng, tuy dựa vào không gian và thời gian tự nhiên, nhưng biến đổi chúng theo mình, theo cấu trúc đặc biệt của mình. Nếu không gian và thời gian tự nhiên bằng phẳng (plat), thì không gian và thời gian thiêng liêng lại nhấp nhô, với những độ cao thấp rất khác nhau từ chỗ này đến chỗ khác, do cơ chế phụng vụ cũng như do tâm tình tôn giáo tập thể.
Về không gian, thì đỉnh sóng nằm ở nhà thờ và các điểm hành hương. Ðối với nhiều tâm hồn đạo đức, thì đỉnh sóng còn nằm ở các nơi thanh vắng và mát mẻ, với núi sông cây cối, với cảnh trí bao la, ở đó họ dễ cảm nhận sự có mặt của Chúa.
Về thời gian, thì ngày đại lễ, cùng với những mùa quan trọng như Vọng-Giáng sinh, Tuần thánh-Phục sinh hẳn có mật độ thiêng liêng lớn hơn cả. Cứ việc uốn thời gian mình theo đó, là ta sẽ thở hít bầu khí nguyện cầu chung thích ứng và nạp sức thần ở điện thế cao.
Có điều cũng đừng quá phụ thuộc vào đỉnh cao, đến nỗi phân biệt tục thiêng quá đáng, chia cách nhà thờ với đường phố, ngày lễ với ngày thường trong năm, khiến không thể thánh hóa chính đời sống diễn ra trong lao tác và tương quan xã hội.
* * *
Anh có thể quý mến một người Âu Mỹ, nhưng lại cảm thấy gần gũi với người Việt của mình hơn. Với các biểu hiệu đặc thù Ðông Tây cũng thế. Và cũng thế với cử điệu.
Việc quỳ gối có ý nghĩa rất nhiều với người La mã, vì nó quá quen với ông cha họ khi những người này tỏ lòng kính cẩn đối với vua và thần linh. Nhưng quỳ gối mà ngay lưng lại chẳng nói gì với một người Việt thuần việt. Với người Việt cũng như Trung hoa, cúi đầu dù không quỳ vẫn khơi dậy những tâm tình cung kính. Vì thế, nếu vô nhà thờ mà cúi đầu, vái hai ba vái như đồng bào ta quen làm ở đình chùa, thì chẳng những họ cảm thấy gần gũi với ta hơn, mà ta cũng cảm thấy dễ hơn sự có mặt của Chúa trên thập giá và trong nhà chầu. Vâng, ta không thể yêu Chúa mà không bằng trái tim Việt, không thể nên thánh mà không thánh từ chính con người Việt của chúng ta.
Cầu nguyện cộng đồng thường tập trung ở phụng vụ huyền tích, nhất là ở thánh lễ. Trong huyền tích và phụng vụ huyền tích, các hình ảnh và cử chỉ tượng trưng cũng nắm vai trò quan trọng nhất.
Trong huyền tích, người ta thường tái diễn để dự vào các biến cố Thánh giá và Phục sinh. Biến cố, chứ không huyền thoại.
Huyền thoại, đó là sự phóng thể của ham muốn và họa đồ của kinh nghiệm người xưa. Còn Nhập thể, Thánh giá, Phục sinh là những biến cố, qua đó Thiên Chúa can thiệp ngoại thường vào lịch sử. Không phải can thiệp bằng trung gian, mà can thiệp bằng chính mình Ngài. Vâng, chính đấng là siêu thời gian đã thành lịch sử. Lịch sử đã đụng phải Ngài để bị chiếm bởi Ngài. Vì Ngài có một chân trong lịch sử và chân kia ở vĩnh cửu, nên tuy biến cố diễn ra vào một thời điểm nhất định, mà biến cố vẫn cao hơn thời gian, vừa để nối các khoảnh khắc của thời gian với hằng tại, vừa nối các khoảnh khắc ấy lại với nhau quanh biến cố thành một lịch sử cứu độ duy nhất. Vì thế và nhờ mầu nhiệm Nhập thể, biến cố cứu chuộc khi được khánh niệm và tái diễn trong huyền tích, có thể thành hiện tại cho ta lúc này và ở đây. Khi ấy, biến cố vừa được tái diễn y nguyên như lịch sử, vừa biến hóa theo hoàn cảnh lịch sử của chúng ta vì đây là biến cố vì chúng ta. Giáo hội chẳng là thân nối dài của Chúa (trong không gian và suốt dòng thời gian) một cách huyền nhiệm đó sao? Mầu nhiệm Chúa Yêsu, như một biến cố lịch sử nó làm lịch sử, nhờ khánh niệm sẽ ăn sâu mãi vào lịch sử để biến cải nó và cuốn nó về phía hoàn tất cánh chung nơi Trời đất mới.
Khánh niệm là chiêm ngắm, mà cũng là đưa mình vào đó để được biến đổi trong đó. Biến đổi nhờ kinh nghiệm và do tác động huyền tích của khánh niệm.
Huyền tích diễn tả mầu nhiệm bằng hành động. Bằng việc làm và lời nói có tính biểu trưng. Huyền tích là "dấu hiệu hữu hiệu" mà! Nên trong ký hiệu (signe, tức nghi thức), phải vượt ký hiệu về phía ý hiệu (signification, tức mầu nhiệm Chúa và sự cứu vớt thiêng liêng). Có thế, huyền tích mới thành đòn bẩy thay vì nhà tù để giam hãm ta giữa bốn bức tường "chữ đỏ" (rubriques). Ðể nghi thức khỏi giam hãm ta, thì nghi thức đừng cầu kỳ và cứng nhắc, lại nên dành chỗ cho tự phát đoàn sủng, cho cả im lặng của thờ bái, suy chiêm.
Niệm tưởng các biến cố Chúa từ hoàn cảnh lịch sử và xã hội của chúng ta hôm nay, chúng ta có thể bước một chân vào cuộc sống, để sự chiêm ngưỡng bây giờ sẽ mở cửa vào những kinh nghiệm sống sắp tới. Có như thế, phụng vụ mới không tách khỏi cuộc sống, mà còn thành trái bom nổ giữa cuộc sống để "cách mạng" nó. Ðệ tử chính danh của Thầy không thờ ơ với cõi trần, nhưng cũng không dừng lại ở cõi trần. Tự đồng hóa mình với Chúa Yêsu, họ theo Chúa tiến vào lịch sử để chuyển hướng đi của lịch sử về phía Trời đất mới.
Nên thánh, đó là đi sâu vào Chúa Kytô trong những mầu nhiệm của Ngài. Thế mà huyền tích lại giúp ta nên một với Chúa một cách hoàn hảo trong những mầu nhiệm ấy, nên phụng vụ huyền tích phải nên nguồn mạch và bảng chỉ đường cho cuộc sống thiêng liêng của ta. Chúng ta hãy dùng khánh niệm huyền tích như chìa khóa để đọc lịch sử loài người, và tới kín múc năng lượng huyền tích để hành động thay đổi mình theo Chúa và thay đổi thế gian thành Vương quốc Chúa.
* * *
Bằng huyền tích và qua Giáo hội, Chúa Yêsu đang đồng hành với ta trong cuộc sống của ta, đang dự vào cuộc sống ấy để kết nạp ta vào cuộc sống của Ngài. Và như thế bằng ân sủng huyền tích. Ân sủng huyền tích có mặt trong mọi khúc quanh đời ta và vào những giờ phút quan trọng nhất: lúc sinh ra trong đời sống thiêng liêng, lúc chất lên vai gánh nặng loài người bằng thành lập gia đình, lúc sa vào những hoàn cảnh-giới hạn lão, bệnh, tử...
Tất cả bắt đầu với Phép rửa.
Phép rửa, chắc anh hay chị chịu lâu rồi, hồi còn nhỏ lắm, chưa biết cái chi chi. Nhưng do Phép rửa, anh chị vẫn đang sống ơn Phép rửa, đang kết hợp với Chúa chịu chết và phục sinh, để trong mầu nhiệm kép này, Chúa không thôi biến cải ta. Vâng, miễn là anh chị đi cùng chiều với tác động ân sủng.
Tặng phẩm Phép rửa vẫn còn nguyên đó, và vào mỗi dịp Phục sinh trong năm, vào mỗi dịp kỷ niệm Phục sinh trong tuần (ngày Chúa nhật), chúng ta lại tưởng nhớ ân huệ nói trên, cái buổi đầu mà ta gặp gỡ Chúa và gia nhập cộng đồng Dân Chúa.
Chúng ta cũng được tái rửa cách nào đó trong mỗi Phép rửa mới, nhất là khi có ta tham dự, vì Phép rửa không phải chỉ là bể hiệp cẩn của tân tòng với Chúa, mà còn của toàn Hội thánh với Chúa, như Origène khẳng định.
Theo giáo phụ Clément thuộc Alexandrie, Phép rửa đã mang đến hết những gì có cho sự toàn thiện của ta. Những huyền tích khác chỉ khai triển tiềm năng ấy, chứ không thêm gì mới hẳn, cũng chẳng nâng lên một địa vị khác hoàn toàn. Cùng một ý tưởng trên, thánh Augustin cho rằng, xét về ân sủng và phẩm giá, ngài tuy là giám mục mà chẳng có gì khác một giáo dân.
Vì thế, phải trân trọng ơn Phép rửa, phải tôn trọng tư cách con Thiên Chúa của người để yêu kính họ, tôn trọng tư cách con Thiên Chúa của mình để sống xứng tư cách ấy. Cùng lúc, hãy nhìn nhận ơn được sai đi của Hội thánh: "Như Cha sai Thầy, Thầy cũng sai anh em", ơn ấy cũng là của chính mình, chứ không dành riêng cho giáo sỹ đâu. Mỗi người chúng ta đều trong quân ngũ cả, chỉ khác nhau về chức năng, có thế thôi.
Quả thật, chúng ta đều chung một ơn gọi nên thánh: Hãy nên toàn thiện như Cha các con toàn thiện", dù ơn ấy biến đổi theo người và hoàn cảnh. Chúng ta chung một sứ vụ: "Hãy đi tới muôn dân", dù không chung một phân công. Ít nhất, chúng ta có thể và phải làm chứng bằng đời sống trong môi trường sống và làm việc của mình. Nên thánh, đó là nên một với Chúa và cắm sâu vào Giáo hội, do đó không thể thờ ơ với nỗi khắc khoải của Thầy, với số phận các thành phần Dân Chúa.
Trong Chúa Kytô, tôi đã thành ngôn sứ với Ngài. Với Ngài, tôi phải nói về Vương quốc Trời, ít ra là bằng đời sống. Trong Chúa Kytô, tôi cũng thành tế sư nữa. Là môi giới giữa Thiên Chúa với loài người, không thể tôi không thật lòng cầu cho "Danh Cha được kính, Nước Cha mở rộng, Ý Cha được thi hành..."
Quên mình để lo cho Nước Cha và hạnh phúc anh em, đó là khai triển ơn Phép rửa, là nên thánh, là thành một với Thầy trong mầu nhiệm Thánh giá-Phục sinh cũng như trong sứ mạng cứu thế:
— "Nếu chúng ta đã chết đối với sự tội (trong Phép rửa), thì rồi chúng ta phải sống thế nào đây? Hay anh chị em lại chẳng biết rằng, chịu rửa (dìm) trong Chúa Yêsu Kytô, đó là trong cái chết của Ngài mà chúng ta hết thảy đã chịu rửa (dìm)? Vậy bằng Phép rửa, chúng ta đã được mai táng với Ngài trong sự chết để rồi, cũng như đức Kytô đã sống lại từ giữa kẻ chết do vinh quang Chúa Cha, chúng ta cũng sẽ sống một đời sống mới" (Rom.6.2-4).
* * *
Sự nên một với Chúa sẽ thành hoàn mỹ trong lễ Tạ ơn, tức phép Thánh Thể. Trong phép Thánh Thể, bằng dấu hiệu rõ nhất của đồng hóa là ăn uống, ta thành trọn một với Chúa nơi con người của Ngài đã "thành" của ta. Ở đây, Chúa có mặt thật bằng trọn vẹn chính thân mình Ngài, trọn vẹn CHO tôi và VỚI tôi. CHO TÔI vì tôi "dự phần thiên tính" (theias koinônos fuseos) với Chúa. VỚI TÔI vì tôi hiệp thông đối vị với Ngài cũng như trao đổi Abba thân mật với Cha.
Hiệp thông đối vị (communion personnelle) là hiệp thông thiêng liêng nhất, nên hẳn cũng là căn bản của hiệp thông, nhất là trong phép Thánh Thể. Nên phải nhấn mạnh vào đó, và do đó nhấn mạnh vào nguyện cầu. Ðối vị, nên Chúa đang nói với tôi, và tôi phải lắng nghe, phải tâm sự với Ngài. Phút tâm sự thiêng liêng nhất, vì gần gũi không thể tả. Cầu nguyện chung của cộng đồng, vì đây là niệm tưởng chung của Dân Chúa. Cầu nguyện riêng của mỗi người giữa lòng Giáo hội ấy, vì đây là phút tâm tình ở bề sâu. Vì thế, giữa những khúc ca kinh phải có lúc im lặng: im lặng của suy tư sau Phúc âm, im lặng của tôn thờ sau Hóa thánh (consécration), im lặng của tri âm sau chịu lễ.
Sự có mặt của Thầy là có mặt tế hiến (Chúa chết để cứu tôi) và có mặt yến hội (Chúa phục sinh để thành thức ăn nuôi sống tôi). Nên phải đi vào mầu nhiệm kép và ý hướng kép ấy của Chúa trong suốt thánh lễ. Mặt khác, đừng chia thánh lễ bằng những nhát cắt dứt khoát, làm như "Ðây là mình Thầy" thì chưa có máu, rồi "Ðây là chén máu" vẫn chưa vẹn con người. Thánh lễ là một hành động ăn suốt, một chuyển động liên tục, mà mỗi phần cắm sâu vào phần khác để làm nên chỉ một dòng chảy thôi. Bởi thế, khi niệm tưởng đã phải có tâm tình hiệp thông rồi; và khi chịu lễ, vẫn không thôi tưởng nhớ: "Hãy làm... mà nhớ tưởng..."
Tưởng niệm và hiệp thông cũng là hội nhập vào, là đồng tế với Chúa, do đó cùng nhau đồng tế với chủ tế linh mục, giám mục. Hãy đến thánh lễ với đầy tay đóng góp bằng những hy sinh và chia sẻ. Và từ thánh lễ đi ra, hãy cố sống cái mà thánh lễ đã dậy ta, để cuộc sống làm nên một thánh lễ kéo dài và một hy sinh thập giá được tái diễn mãi.
Thánh lễ vừa là trung tâm của thờ tự Kytô-giáo, vừa hội nhập vào lễ tế thiên quốc, ở đó Chiên con vẫn mang dấu tích hy sinh (Kh.5.6), ở đó van xin trong cầu nguyện đã chuyển thành chiêm ngưỡng trong no thỏa, an vui.
Xung quanh lễ Tạ ân, dần dà đã sinh ra một số loại hình sùng kính sốt sắng, như viếng, chầu, kiệu Thánh Thể. Có điều phải chỉnh lại những sai lệch liên quan đến sự trong sáng của đức tin. Và đó là thói quen sự vật hóa, tĩnh vật hóa Thánh Thể, tách nó ra khỏi hành vi niệm tưởng và hiệp thông, tức thánh lễ. Vâng, Chúa chỉ hiện diện đó như tế phẩm và thức ăn. Nên dù chầu Thánh Thể hay "rước Chúa" ngoài thánh lễ, những việc này chỉ mang ý nghĩa khi quy hướng về chuyển động thánh lễ trong niệm tưởng và hiệp thông.
* * *
Trong Phép rửa, Thiên Chúa gọi tôi qua Chúa Kytô, và cũng nơi con người gạch nối này, tôi đã đáp lại, nhờ đó được biến cải thành con Cha, nhờ đó Thần khí của Con trong tôi đang cầu thay tôi "bằng những lời than vãn khó tả". Như thế, tự bề sâu vô thức, diễn ra một trao đổi với Thiên Chúa, và đây là cầu nguyện-nền tảng, hay nền tảng của cầu nguyện.
Sự trao đổi ở bề sâu này chỉ bị gián đoạn do tội lỗi thôi. Mà tội thì luôn có thể xảy ra cho mỗi và mọi người. Nên mỗi và mọi người đều phải ăn năn và thường hằng hối lỗi.
Giáo hội tuy thánh ở Ðầu, vẫn tội ở chi thể. Nên Giáo hội là đoàn người luôn phải cải quá tự tân (metanoia), luôn trên đường về để cầu ơn tha thứ.
Tuy tội ở chi thể, Giáo hội vẫn thánh ở Ðầu. Là thân mình nối dài của Chúa, Giáo hội cũng là chỗ hẹn của tha thứ và làm hòa với Chúa. Giáo hội cầu ơn cho tôi, cho tất cả. Và Giáo hội thi hành sự thanh tẩy thường xuyên và bằng nhiều cách. Vâng, chính Giáo hội tha thứ, chính Giáo hội tiếp nhận lại tên đãng tử quay về với Cha, về trong Giáo hội, về với Giáo hội.
Thời mạnh của Làm Lành và đỉnh cao của Tha Thứ là Hối Giải huyền tích. Trong Hối Giải huyền tích, sự tháo cởi là của cả cộng đồng. Giáo sỹ thi hành thay mặt cộng đồng (nhân danh Chúa) và thuận với cộng đồng (Xx. Dictionnaire de la vie spirituelle, tr.868). Có điều, đứng lên giữa cộng đồng, bằng cử chỉ tha thứ, giáo sỹ làm hiện tỏ sự môi giới của Hội thánh như Huyền tích nền tảng, làm hiện tỏ việc cho Làm Lành như dấu hiệu hữu hiệu của lòng Chúa xót thương.
Vâng, đây là trao đổi giữa Cha và tôi qua trung gian Hội thánh, một trao đổi mang tính ân tình, chứ không phải pháp lý. Vậy phải vượt trên cái hệ Luật-Thú-Xét xử kiểu tòa án đã đeo cứng Hối Giải từ bao nay và trở về với hệ Hối-Về-Tiếp đón rất đơn sơ và đầy tình người của câu truyện Phúc âm về đứa con phóng đãng.
Quả thế, điều kiện cần và đủ về phía tội nhân chỉ là Hối và bày tỏ lòng hối ấy ra. Không phải hối vì phạm luật cho bằng vì phản bội Cha và Chúa.
Tại sao phải tỏ bày lòng hối? Vì đây là huyền tích, nên cần đến dấu hiệu. Biểu hiện thông thường của sám hối là thú tội và đền bù. Vì thú chỉ là biểu hiện của hối, nên hối mới là căn bản. Vậy đừng quá mất nhiều thì giờ vào xét mình, và đừng quá tỉ mỉ, bối rối trong thú tội, trừ khi cần để được linh hướng tốt hơn. Trái lại, hãy dành nhiều thì giờ cho cầu nguyện và suy nghĩ, hầu có được niềm hối hận chân thành.
Sám hối Kytô-giáo vừa là giã từ quá khứ xấu, vừa là vươn về một tương lai tốt xứng hơn. Nên đây vừa là hối (đối với việc trước), vừa là cải (quyết tâm đổi khác). Hối nhân không buồn về vết nhơ và hình phạt cho bằng vì sự xúc phạm đối với Chúa và lỗi phạm đối với anh em. Không những buồn vì tội lỗi của mình, họ còn nên buồn vì tội chung của thế giới ở chỗ nó đóng đinh Chúa Yêsu. Vâng, họ nên đặt tội riêng của mình vào giữa đống tội gớm ghê của loài người mà ăn năn, hối tiếc.
* * *
Huyền tích là ân Chúa đồng hành với tôi, nhất là ở những khúc quanh quan trọng của cuộc đời. Vậy ân sủng huyền tích không thể vắng bóng khi tôi chuyển từ trạng thái sống bao cấp sang trách nhiệm rất lớn là xây dựng xã hội và tương lai giống người từ "tế bào nền tảng" gia đình. Vâng, hôn nhân Kytô-hữu không thể không là một huyền tích trọng đại. Là huyền tích, hôn nhân phải mang đức Ái siêu nhiên đến biến cải tình yêu đôi lứa thành thuần khiết, thiêng liêng, sâu xa, bền chặt, nhờ đó gia đình hiển hiện là Giáo hội tại gia (ecclesia domestica), là biểu chứng cho sự kết hiệp vĩnh hằng giữa Chúa với Dân riêng của Chúa.
Ân Chúa luôn đồng hành với tôi trong cuộc sống, nhất là trong những tình huống éo le, đặc biệt, nên khi cần bổ sức trên đường dài, chân chồn gối mỏi, hoặc khi cần an ủi trong đau thương vì người tình bỏ đi, vì người đời hắt hủi, v.v..., hãy đến với Chúa Yêsu trong thức ăn và hy sinh Thánh Thể. Còn khi chán nản và cô độc trên giường bệnh lâu ngày, nhất là khi lo sợ trước giờ phút lâm chung, ta hãy gặp Chúa và cộng đồng Dân Chúa trong Xức dầu bệnh nhân. Vây bọc giữa thần thánh và có Chúa đồng hành trên Can-va, "Hôm nay, con sẽ ở cùng Thầy trên thiên quốc", ta sẽ vững trong đức Vọng vì có điểm tựa vững vàng.
Giả như trong hoàn cảnh cùng cực, không nhìn đâu ra dấu hiệu (huyền tích) cứu vớt, anh hãy cứ tin rằng, vượt trên những hình thức bên ngoài, Chúa vẫn ở đó bên ta với tất cả kho tàng sức mạnh đạt được trên thánh giá cho ta.
Ðứng trước đấng Tối cao, đấng yêu thương ta đến thế, lẽ nào ta không thích chiêm bái, cảm tạ, xin ơn. Chúc tụng, tri ân và cầu ơn, đó là nội dung của cầu nguyện.
Sở dĩ bằng cầu nguyện, ta chạm được tới Chúa, vì bằng ân sủng, Chúa đã ở trong ta; và ở trong ta, Thần khí của Con đang cầu Cha cho ta. Cầu nguyện của ta đặt nền và nương theo lời cầu ấy của Thần khí.
Cầu nguyện phải là hơi thở của đời sống thiêng liêng. Vậy mỗi ngày, tuần, năm, hãy dành cho cầu nguyện những thời gian cần thiết; để rồi trong những lúc khác, lúc bận bịu, nên có những cú liếc nhanh, những lời cầu vắn tắt, hầu hâm nóng lòng sốt sắng của mình.
Ðể dễ cầu nguyện, thì trong cuộc sống, ta cũng phải sống tốt, sống hy sinh và luyện tinh thần siêu thoát. Khi chưa được như thế, ta vẫn cầu nguyện được bằng cách nhìn nhận trước Chúa nỗi túng nghèo thiêng liêng của mình.
Chúng ta cầu ở bề sâu tâm hồn và cầu giữa cộng đồng Dân Chúa. Cầu nguyện chính thức của cộng đồng làm nên phụng vụ. Phụng vụ Kytô-giáo tập trung chính yếu quanh các huyền tích. Bằng huyền tích, ân Chúa đồng hành rõ rệt với tôi trong cuộc sống, nhất là vào các giờ phút gay go và ở những khúc ngoặt quan trọng.
Ðưa tôi vào sâu trong các mầu nhiệm của Chúa, huyền tích cũng mở vào cuộc đời của tôi, để bằng cuộc đời ấy, tôi diễn lại mầu nhiệm Thánh giá-Phục sinh của Thầy.