Ðường đi và đích tới của tôi là Chúa Yêsu. Vậy việc của tôi là nên giống Chúa và đồng hóa với Ngài. Ðồng hóa trong ba tư thế của Ngài: Nhập thể, Thánh giá, Phục sinh. Càng thành một với Ngài theo cách ấy, tôi càng thánh thiện hơn lên. Ơn gọi nên thánh nằm ngay trong bản tính tôi đã được nâng trong siêu nhiên giới. Lý tưởng sống ba mặt kia nằm ngay trong ý nghĩa và sự thực của Phép rửa: Chôn đi với Chúa và sống lại với Ngài! Không kém thế, cũng như không còn gì hơn thế. Cho tất cả, chứ không chỉ một vài người! Vâng, ơn gọi nên thánh là phổ biến.
Sự thánh thiện tôi phải vươn tới không phải là cái mà nhất định tôi tới được. Vì đây vừa là ân huệ về phía Chúa, vừa là hợp tác về phía tôi:
Không ai đến được với Ta nếu Cha... không kéo hắn (Yo.6.44).
Thiên Chúa tạo anh thì không cần đến anh, nhưng không thể cứu anh nếu thiếu anh (hợp tác) (Augustin).
Vâng, nên thánh là định hướng, chứ không phải định mệnh. Sự định hướng ấy là ơn gọi (vocation) phổ cập đến mọi người. Tiếng Ơn gọi này vừa nói lên sự quảng đại của Chúa, vừa diễn tả lòng tôn kính của Chúa đối với tự do của mỗi chúng ta. Tuy Chúa muốn điều tốt nhất cho tôi, nhưng Chúa để tùy ý muốn của tôi.
Thiên Chúa sinh ra chẳng ai giống ai. Xác đã không giống, mà tính tình, năng khiếu càng khác xa hơn nữa. Ðã khác ở chỗ Là người, thì càng khác ở chỗ Làm người. Tùy vào khuynh hướng và khả năng bẩm sinh, cũng như tùy hoàn cảnh cho phép, mỗi người có thể tự lập thân bằng ý chí và sự khôn khéo của mình.
Sinh ra mỗi người với tiềm năng riêng và hoàn cảnh riêng như thế, hẳn Thiên Chúa cũng đặt vô đó những hướng tiến và chân trời khác nhau, và đây là ơn gọi của họ. Ơn gọi không chỉ ở mệnh Trời, mà nơi chính con người, vì ý Chúa đã hằn in trong nó ở những gì mà nó có, ở những gì nó đã đạt được, cũng như ở những gì đang mở ra ở phía trước. Chỉ cần nó chính tâm thành ý để nhận ra ý Trời ở chính mình và trung kiên tiến theo, thì rồi nó có thể thành Nhân, thành Thánh, theo ngôn ngữ đức Khổng.
Cái Con người lý tưởng mà ta phải hoàn thành nơi mình, nhiều văn minh tìm đạt nó bằng sự ngay thẳng, lương chính. Theo Cựu ước, sự lương chính (dikaiosunê, justice) bắt tay với Luật Chúa. Kẻ lương chính (dikaios) là kẻ giữ luật Chúa một cách nghiêm cẩn.
Theo Khổng tử, lý tưởng con người nằm ở chữ Nhân. Chữ Nhân này được diễn ý bằng Hai người ( ). Phải chăng đây là Hai người như một, ai cũng như nhau, cùng một Tính (bản tính lý tưởng) do cùng một Thiên mệnh?
Tuy cùng một thiên mệnh, cùng một ơn gọi làm người, nhưng tùy người mà phân chia khác nhau. Bằng chứng là đức Khổng đã tùy theo thiên bẩm mà giải nghĩa chữ Nhân với mỗi người mỗi khác. Với Nhan Uyên, thì Nhân phải là khắc kỷ, phục lễ, nghĩa là bỏ tư dục và đối xử với mỗi người theo đúng phận của họ. Với Trọng Cung, đó là trang nghiêm và kính nể mọi người. Với Tư mã Ngưu, đó là nhịn nhục khi ăn nói. Riêng với Phàn Trì, thì đức Khổng lại giảng Yêu người (Luận ngữ, Nhan Uyên XII).
Tại sao một chữ Nhân mà lại nhiều nghĩa như vậy? Vì Nhân là Nguyên, tức nguồn gốc và chỗ quy về của mọi đức như "cương, nghị, mộc, nột", như "nghĩa, lễ, trí", như "khoan, tín, mẫn, huệ", như thành, dũng, trung, an. Có điều ở đỉnh cao nhất, thì đó là "Ái nhân"; vui với người vui, khổ với kẻ khổ, nghĩa là cảm thông, thương xót, quý mến. Vì Nhân là lý tưởng chính của mọi người, nên mọi người phải lập chí luyện nó cho kỳ được, dầu chết chẳng từ nan: "Hữu sát thân, dĩ thành nhân" (Luận ngữ, Vệ Linh công XV).
Nhân như thế, có gì đã là đức Ái (agapê) của Kytô-giáo rồi. Nên Nhân cho đến cùng, thì cũng là Thánh nữa. Mà Thánh được như vậy, hẳn đã có gì siêu nhiên.
Thật ra, thì trong đạo tự nhiên đã tiềm phục siêu nhiên rồi, khi mà ai nấy đều sinh ra trong định mệnh siêu nhiên. Theo cha Rahner, cái định hướng siêu nhiên bất di bất dịch kia không chỉ là ý định nằm riêng trong ý muốn Thiên Chúa, mà còn hằn in trên con người để biến cải nó tự nền tảng, khiến cho ở nó, tiếng nói lương tri đã có gì của mạc khải, và đáp ứng của ý chí đã có gì của đức tin. Chắc hẳn cũng vì cái định hướng siêu nhiên này, mà con người tự mình đã có khả năng phủ định tự nhiên để đi vào con đường giải thoát như trong Ấn, Phật giáo.
Không còn tự nhiên thuần túy nữa, thì nên người cũng là nên thánh trong ý nghĩa Kytô-giáo. Có điều khi đấng mà bản chất là Thánh đã thành người, thì nên thánh còn là nên một thứ người vượt cao hơn chính nó, khiến trong đạo đức Kytô-giáo có những cái mà ta không hiểu nổi bằng những phạm trù của đạo đức học tự nhiên.
* * *
Kể từ đây, nên thánh cũng là nên một với đức Yêsu, một Yêsu bị đóng đinh (1 Cor.2.2). Ngay từ cửa vào là Phép rửa, chúng ta đã được chôn đi với Chúa và sống lại theo Ngài. Sự đồng hóa này gồm hai mặt: tĩnh và động. Tĩnh: đã được biến hóa thành nhị-Kytô, để nơi Ngài, tôi xưng con với Thiên phụ. Ðộng: sự đồng hóa ấy cũng là động năng giúp tôi sống theo đó như một lý tưởng phải vươn tới suốt đời, sao để như Thầy, bằng con người và đời sống của mình, tôi làm hiển lộ Thiên Chúa: "Ai thấy Ta là thấy đấng sai Ta".
Sự thần thánh hóa trên chỉ khiến con người tôi bội thăng tính người, chứ tính ấy không sứt mẻ, y như đức Yêsu vẫn là người nguyên vẹn. Thánh thiện Kytô-tính là thánh thiện theo mẫu con người Yêsu Nadaret và bằng sức sống (ân sủng) của con người đó. Mà thánh theo cách ấy là ơn gọi của mọi Kytô-hữu đệ tử Thầy (Mt.5.48), chứ không phải của thiểu số nhà tu (Eph.1.4; 1 Th.4.3; LG. 39,42). Không phải nói thế cho có chuyện đâu. Ðây là đòi hỏi phát xuất từ chính ý nghĩa của Phép rửa, là "ơn gọi cơ bản mà Phép rửa là dấu hiệu hữu hiệu" như đức Phaolô VI quả quyết.
Từ nhiều thế kỷ nay, sự ra đời của nếp sống tu, sự phân chia cái thiêng và cái tục, sự phân cách giáo dân với giáo sỹ, tất cả khiến cho Kytô-hữu ngày thêm thụ động do "bao cấp". Nên thánh ư? Truyền giáo ư? Ðâu phải việc tôi, việc mấy ông cha, bà sơ mà! Chỉ đám người như thế mới được gọi, vì nói đến ơn gọi là nói đến sự dành riêng, tách khỏi, của tu sỹ, giáo sỹ!
Ngày nay bên Âu Mỹ, sự giảm sút kéo dài của những loại ơn gọi này buộc phải nghĩ đến một thứ ơn gọi tổng quát hơn, của hết thảy những ai chịu phép rửa. Vâng, tình thế hôm nay thôi thúc xét lại về cấu trúc Hội thánh, về vai trò đoàn sủng (charismes) như bổ túc cho cơ chế như trong Giáo hội hồi đầu. Quả thế, do Phép rửa, mọi tín hữu đã được gọi nên thánh và góp phần tích cực vào việc kiến thiết Huyền thân đức Kytô (1 Cor. 12.7; Eph.4.11-13).
Ơn gọi vừa nói quen được gọi là "Ơn gọi chung" (vocation générale), cái tiếng chung, "cha chung không ai khóc", không nói lên được cách Chúa yêu mỗi người như chỉ có mình họ trên đời, do đó cũng gọi từng người và đặt họ vào những con đường khác nhau ngay lúc họ chưa sinh ra (Yêr.1.5; Gal.1.15). Vâng, tình yêu riêng biệt của một Thiên Chúa phải làm bột sinh những con người độc đáo và những ơn gọi không tổng quát hóa được.
Nếu ơn gọi chính cống của mỗi người là độc đáo, thì một đáp ứng chính cống "người" cũng phải độc nhất vô song, nghĩa là không thể xếp loại, nhờ đó tạo nên những khuôn mặt Nhân và Thánh muôn người muôn vẻ.
Ơn gọi và ứng đáp là hai yếu tố song hành và liên quan mật thiết đến nhau. Bắt đầu, ơn gọi mới chỉ là cái mầm nó mở ra nhiều khả thể. Tùy vào cách ứng đáp của tôi mà mầm ấy lớn lên, thành hình và định loại dần. Sự tăng trưởng và định loại ấy vừa do tôi, vừa do ơn Chúa, và ơn này cũng biến đổi một phần theo cách đáp ứng, tình trạng và hướng mở ra của tôi, khiến cho "kẻ đã có thì lại cho thêm nữa". Cho nên, ơn gọi thế nào, vừa là do Chúa muốn, vừa là do tôi làm nên. Và như thế, cả về loại giống lẫn cấp độ. Vì thực ra, ơn Chúa và ơn gọi không ở trong tôi như một "dị vật" (corps étranger), mà như thành phần của chính con người tôi.
* * *
Nên thánh, nên giống Chúa Yêsu, nên một với Ngài, đó là ba cách nói về cùng một sự thực. Ðộng năng và sức khỏe của việc ấy là tinh thần đức Ái. Nên thánh tới đâu là do yêu tới đó, đơn giản thế thôi. Nồng độ đức Ái chính là thước đo thánh thiện vậy.
Một khi nên thánh là do yêu, thì nên thánh là vì Chúa, chứ không phải vì sự hoàn thiện của tôi. Vậy nếu ai chỉ nhắm sự hoàn thiện bản thân (bất chấp Chúa), thì kết cuộc, họ chỉ có thể nên Thần mang ánh sáng (quỷ Lucifer), chứ nên thánh sao được.
Trong giai đoạn đầu của cuộc phiêu lưu thiêng liêng, ý tưởng Nên thánh luôn là một kích thích tố cần thiết, như trong trường hợp của Augustin khi nghe nói về ẩn sỹ Antoine:
Chúng ta còn chờ đợi gì nữa chứ? Những người dốt nát như Antoine đã đứng lên tấn chiếm thiên quốc! Còn chúng ta đây, với cái học không tim, chúng ta lại dãy dụa trong xác thịt. Có phải vì họ đã đi trước, mà chúng ta xấu hổ phải theo sau không? (Confessions, VIII).
Ignace de Loyola cũng thế. Sau khi đọc Flos sanctorum, lóa mắt trước hành vi phi thường của một Phan sinh, một Ða minh..., anh cũng nổi máu anh hùng, muốn làm hơn cả những vị đó; và để bắt đầu, anh chàng cố nhịn ăn lâu hơn họ. Quả là hồi đầu, Inigo (Ignace) coi nên thánh như một cuộc đấu bò, và giấc mơ làm thánh còn đậm mùi hiệp sỹ. Chả thế mà, khi thấy đức Maria bị chế diễu, anh suýt rút dao đâm chết kẻ dám xúc phạm đến bà Chúa của lòng mình.
Nhưng rồi Thiên Chúa đã sửa dần ý nghĩ của ông thánh non ấy. Cuối cùng, anh chỉ còn ước ao được ở với Chúa Yêsu, được phụng sự dưới cờ chữ thập của Ngài. Chính lúc Inigo không còn mấy nghĩ đến sự hoàn thiện của mình nữa, mà chỉ chú tâm: "làm Chúa được vinh quang hơn" thôi, anh đã bắt đúng ý nghĩa thánh thiện Kytô-giáo, và nên thánh thực sự.
Nên thánh kiểu Kytô-giáo là nên một hoàn toàn với đức Kytô bằng cách yêu Ngài, bắt chước Ngài, đồng hành với Ngài. Nhưng bắt chước sao được nếu không mang vương miện bằng gai đâm? Ðồng hành sao được nếu không theo đến đỉnh Sọ của đau khổ? Vâng, tôi sẽ không biết đức Kytô nếu không nhận ra dấu đinh (1 Cor.2.2). Và không hiểu nổi Ngài nếu không là bằng kinh nghiệm vác thánh giá (Lc.9.23).
Cái nó sinh chúng ta thành con Thiên Chúa, cái có tên gọi là Phép rửa và Thánh thể, đã nói trắng ra như vậy. Há chẳng phải Phép rửa đã chôn ta đi với Chúa để ta sống đời sống khác trong đấng đã phục sinh (Rom.6.3-4)? Há chẳng phải bằng lễ Tạ ân, ta vừa tưởng niệm đấng bị nộp, vừa chia sẻ với nhau máu của Tân giao ước?
Vâng, đời sống chính cống Kytô-hữu, từ cửa vô cho đến đoạn kết, tất cả đều mang "dấu thánh giá". Quen với dấu quá mất rồi, lắm khi ta quên luôn ý nghĩa. Giá mà ta hiểu việc mình làm khi đến dự tiệc máu và công bố cái chết của Thầy (1 Cor.11.28-29,26)! Vâng, giá mà ta hiểu được Thầy khi đến chia phần của Thầy:
Ta không gọi anh em là nô bộc nữa, vì đầy tớ thì không biết việc của chủ. Ta gọi anh em là bạn tri âm, vì những gì Ta nghe từ Cha, Ta đã cho anh em biết hết (Yo.15.15).
Gọi là "tri kỷ, tri âm"... Vâng, nếu ta hiểu được nỗi bận tâm, những thao thức của Chúa, như Tử Kỳ hiểu được ý đàn Bá Nha! Khi ấy như Phaolô, ta sẽ thấy thúc bách phải "bù vào trên thân mình những chi còn thiếu cho cực hình đức Kytô, vì thân mình Ngài là Giáo hội" (Col.1.24).
Bởi thế, đời sống một Kytô-đồ đích danh phải được đóng ấn hy sinh. Không phải là chúng ta không nên có những niềm vui và thỏa mãn rất cần cho vệ sinh tâm lý, nhưng chúng ta phải luôn có thái độ sẵn sàng đối với thánh giá; hơn thế, cố yêu thánh giá vì đó là con đường Thầy.
Ðường Thầy là đường qua Biển đỏ tới Ðất hứa, một đường hanh thông, chứ không ngõ cụt. Vậy chúng ta không tìm đau khổ vì chính khổ đau, kiểu như "ma dô" (masochisme) ấy. Trái lại, hãy tiến vào đau khổ với thái độ hưng phấn, với hy vọng phục sinh.
Hy sinh, đó là những thử thách Chúa gửi đến, mà ta sẵn lòng tiếp nhận: Mecum in paena, với Thầy trong lao khổ. Hy sinh, đó là những cắt giảm tự ý để có phần thêm trong thánh giá Chúa và để phục vụ anh em. Thái độ hy sinh khiến ta lớn lên trong Chúa. Tinh thần hy sinh là nền móng cần cho mọi tòa nhà đạo đức, đồng thời là bảo chứng cho một đức hạnh Kytô-giáo chính tông.
Hiểu ý nghĩa Thập giá và hiểu với Thầy rằng: "Không ai yêu hơn là kẻ thí mạng vì người mình yêu", Hội thánh nguyên thủy đã cống hiến nhiều tử đạo, và chỉ trọng duy sự tử đạo. Theo họ nghĩ, tử đạo là cách làm chứng lớn nhất, nếu không là duy nhất. Ðến khi không còn cơ hội làm chứng kiểu ấy nữa, họ mới vạch ra một con đường phiêu lưu mới và một cách chết mới: chết đi với xác thịt và trần gian, chết đi với sở hữu và sở thích, chết đi với những an toàn thế tục, và đó là con đường Xuất thế của tu hành.
Ngày nay, có lẽ vì con đường ấy đã thành nếp, một kiểu "an ninh xã hội" mới, lắm khi cản trở bước phiêu lưu thiêng liêng, nên một số kẻ muốn tìm tòi những mạo hiểm khác đi, muốn lối tu không cơ chế giữa đời hay trong hoang mạc, muốn hiến thân như một người không ràng buộc, nên cũng không trói buộc bởi khuôn khổ.
Thật ra, nếp sống tu vẫn là con đường nên thánh với những lối đi đã khai thông, những phương pháp được chứng nghiệm rồi. Có điều càng xa thuở lập dòng, thì sự hưng phấn của những bậc anh hùng tiên phong càng nguội đi nơi con cháu, khiến cho dưới nếp áo tu, dễ phát hiện quá đông những kẻ tìm sự bảo đảm nơi cơ chế, hơn là thích phiêu lưu xuyên qua cơ chế, hay chỉ dùng cơ chế như đòn bẩy thôi.
Ðệ tử mong Thầy dạy và cứu, nhưng không ai hiểu nổi lối cứu và bài học của Thầy. Vì để hiểu Thầy, phải lộn đầu đi ngược:
Các con vẫn nghe dạy rằng..., nhưng Thầy thì Thầy bảo các con...
Thủ lãnh chư dân thì..., nhưng giữa các con với nhau lại không thể thế...
Với người trần, muốn đổi thay và giải cứu, phải bạo động cách mạng, nhưng Thầy thì truyền: Hãy cất gươm đi! Với người trần, ít ra cũng phải "Dĩ trực báo oán", nhưng Thầy thì khuyên: Ai vả con má phải, hãy chìa thêm má trái... Nếu con yêu kẻ yêu mình thôi..., thì người tội lỗi cũng làm được như vậy... Nên hãy yêu kẻ thù và thi ân cho kẻ ghét con...!
Vâng, con đường chữ Thập, chẳng những thế gian không hiểu nổi, mà phụ đề của nó là Bài giảng trên núi, họ cũng nghe chói tai, thậm chí đệ tử phần đông cũng không thiết sống như vậy. Thế mà đây lại có vẻ như hiến chương Nước Trời, do cách trịnh trọng của Thầy khi công bố nó. Quả thế, sau khi cầu nguyện và thành lập "chính phủ lâm thời" là nhóm Mười hai xong, Chúa đã lên ngồi trên cao, với đệ tử vây quanh, với đám đông phía dưới. Thế rồi, ngước nhìn nhóm Mười hai ấy, Ngài cất tiếng dõng dạc: Phúc cho kẻ nghèo, cho kẻ khổ đau và bị ức hiếp...!
Những sắc lệnh khó giữ đến nỗi Luther phải cho rằng: một mình đức Yêsu đã làm thay tất cả; còn Luther-phái lại nghĩ: vì bất lực trước đòi hỏi ấy, chúng ta bắt buộc phải ăn năn và tin nơi Thầy.
Thế nhưng theo Thầy thì:
Với loài người, việc ấy quả là bất khả thi, nhưng với Thiên Chúa thì không (Mc.10.27).
Vâng, Thần khí Chúa, và chỉ một mình Thần khí ấy, có thể giúp ta lộn đầu xuống để nhìn ra và hiểu được cái giáo lý và chân lý nghịch thường của Nước Chúa này. Và thật ra, sau Chúa, sau Stêphanô, hằng đoàn lũ tử đạo đã cầu ơn cho kẻ giết mình, hằng đoàn lũ chứng nhân đã rũ bỏ của cải, danh vọng và quyền thế để trở nên nghèo hèn, bị khinh khi, sỉ nhục và hiếp đáp.
Ðể hiểu và bước vào thế giới mới này, nhờ Thần khí ta phải làm một cuộc tẩy não đau đớn. Ðó là cởi bỏ những tiêu chuẩn định giá thường tình, từ bao đời đã ăn sâu trong gen người thế, như nhận xét "Bố đĩ giàu, bố đĩ tiên", như giấc mơ "Ða tử, đa tôn, đa phú quý", v.v... Ðó cũng là nắn lại khổ người cho vừa với khổ áo may ngược của Bài giảng trên núi, nó là cái thang giá trị đảo lộn mọi giá trị.
Cuộc tẩy não chỉ thành công khi Thần khí biến đổi tôi thành tri kỷ của Chúa (Yo.15.15), nhờ đó Chúa có thể tâm truyền cho tôi bí quyết của Con đường. Con đường ấy là hạ mình nâng người, cũng là phục vụ, diakonia:
Con người đến để hầu (diakoneô), chứ không để được hầu! (Mc.10.45).
Ðến để hầu, nên "hậu kỳ thân". Quên mình vì yêu, và yêu đến quên mình. Yêu từng người và tất cả, dù kẻ thù cũng vậy. Yêu trong chính tình yêu Chúa, đấng chịu chết để cứu chuộc tôi. Yêu Chúa đến nỗi muốn chia sẻ đau khổ của Ngài, nên giống hệt Ngài ở khuôn mặt "Ðây là Người" (Yo.19.5).
Tuy đạo đức Kytô-giáo không nghịch với đạo đức tự nhiên, mà còn là sự hoàn tất của đạo đức này nữa, nhưng đạo đức tự nhiên dù cao đến đâu, dù của Zenon-phái (stoicisme) hay của Khổng Mạnh, cũng chưa đủ để thành đạo đức Kytô-tính. Ðạo đức chính cống Kytô-tính phải nằm trong con đường hy sinh của thập giá, con đường "Phúc cho kẻ nghèo" và "Yêu kẻ thù" của Bài giảng trên núi, con đường Hầu hạ đối với kẻ dưới, kẻ cùng túng và cùng đinh.
Con đường rất khó đi và ít người đi trọn. Nhưng để làm Kytô-hữu, dù chưa thể âu yếm kẻ thù và rời bỏ sự an toàn do của cải, ít nhất tôi phải ngỏ cửa về phía ấy và không làm gì nghịch lý tưởng ấy. Vâng, ít là không thể trọng của hơn trọng người, không thể hống hách với bề dưới, không thể thù hằn và không được báo thù. Tiến thêm một bước, hãy cầu ơn hiểu đường Chúa đi và suy chiêm để mến mộ nó. Một khi tình yêu Chúa đã tràn đầy lòng ta, thì với tình yêu này, chẳng còn gì là khó nữa:
Ama et fac quod vis, Hãy yêu rồi muốn gì cứ làm!
Nên một với Chúa Yêsu cũng là nên thánh theo Chúa. Nên thánh kiểu Chúa là đi vào con đường cứu thế của Ngài: Chết đi cho người khác được sống. Và đây là tiếng nói của tình yêu.
Tình yêu quan trọng và thiết yếu đến nỗi, suy về Thiên Chúa, thánh Yoan đã khám phá, và bàng hoàng với khám phá: THIÊN CHÚA LÀ YÊU! (1 Yo.4.8,16).
Vì bản chất Thiên Chúa là Yêu, nên khám phá tiếp theo hẳn là tất yếu:
Ai không yêu anh chị em, thì không biết Thiên Chúa!
Và Yoan vụt nhớ lại rằng, chính ở giây phút quan trọng nhất là tử biệt sinh ly, Chúa Yêsu đã trối, và chỉ trối lại duy nhất một điều, một luật lệnh:
Hãy yêu nhau như Thầy đã yêu các con!
Duy một mình luật và lệnh ấy sẽ biến chế tôi thành con người chính cống Kytô-hữu. Lệnh Yêu, và yêu như Thầy đã yêu.
Anh có thể bỡ ngỡ: Sao không bảo Yêu Chúa, mà lại yêu anh em? Vì "Kẻ không yêu anh chị em hắn sờ mó thấy, sao hắn có thể yêu Thiên Chúa mà hắn không thấy được" (1Yo.4.20)? Vậy có thể nói: anh chị em là môi giới để tôi gặp gỡ Chúa, và yêu họ là cách để tôi yêu Chúa và có sự sống nơi Chúa:
Vì tình yêu đến từ Thiên Chúa, và kẻ yêu thì sinh ra từ Ngài, đạt tới sự biết Ngài (câu 7).
Tình yêu chân thực, xem ra tình yêu ấy chỉ có thể đến từ Thiên Chúa. Nói chi đến tình yêu Kytô chính quy, "yêu... như Thầy yêu".
Thầy đã yêu thế nào? Có gì khác với cách hiểu của loài người về tình yêu hay không? Hãy lấy vài thí dụ tiêu biểu về tình yêu trần thế:
Một cô phải lòng một cậu, và người ta nói: Cô ấy yêu cậu ta.
Một phụ nữ đứt ruột sinh được một con, nên bám vào đứa con như vào cái phao sự sống, và người ta bảo: Chị ta yêu con như sự sống của mình.
Hai loại tình yêu, tình đôi lứa và tình mẫu tử, đếm được như sao trên trời, như cát dưới biển. Chả hóa ra tình yêu tự nhiên quá, dễ quá ư? Nếu yêu là thế, thì "yêu như Thầy" có gì hơn thế hay không?
Ðể trả lời, bắt đầu hãy mang phân tích hai loại tình nói đó.
Chàng A mê nàng B ư? Chàng sẽ điên lên nếu B yêu người khác và từ chối tình chàng. Và nếu trước đây yêu chàng, nay B lại yêu kẻ khác, thì chàng A sẵn sàng giết cả hai nếu có thể. Nghĩa là chàng chỉ muốn B sống vì mình, chỉ yêu B vì chính mình. Chứ nếu yêu B vì chính B, chàng phải mừng khi B được yêu, khi B có hạnh phúc. Vâng, yêu "tự nhiên" như kiểu chàng A, thì kẻ ác, thậm chí loài vật, cũng yêu được cả. Nên yêu như thế chưa có gì thiêng liêng, chưa xứng như một người đâu. Yêu vì mình, ít là vì mình trước tiên, ắt hẳn chưa xứng danh tình yêu rồi.
Bây giờ đến lượt tình mẫu tử: bà M yêu cậu con trai N của mình. Giả như chồng có con riêng, thì dì ghẻ nào mà chả vì con mình mà hiếp đáp con chồng như trong truyện Tấm Cám. Nếu gọi đây là yêu con, thì thứ tình ấy vẫn bị đời nguyền rủa. Con mèo mẹ cũng yêu theo kiểu ấy, khi mà vì ghen, nó sẵn sàng cắn chết con.
Vậy một tình yêu xứng người không thể là tình yêu chiếm hữu, mà do thân xác, ta vốn có chung với súc vật. Là người thì phải làm người, nghĩa là khắc kỷ tu thân. Khắc kỷ ngay cả trong đời sống tình cảm, để cho dù tình cảm cũng phải được tu sửa thành cao quý. Nói cách khác, có một đạo đức tình yêu, mà con người phải "như thiết như tha, như trác như ma" mới hoàn thành. Yêu xứng như một người thì phải yêu thiêng liêng. Yêu thiêng liêng không có nghĩa là phủ nhận khuynh hướng bản năng, nhưng dù trong âu yếm, trong tương quan xác thân, ta vẫn phải vươn cao hơn xác thân, lấy tinh thần và đạo đức mà hướng dẫn nó, chứ không để nó lôi cuốn. Phải làm sao cho thân xác được nâng lên trong tình cảm, để cùng với tình cảm, nó có thể được nâng cao trong thiêng liêng. Thiêng liêng chính là sự cứu vớt của tình cảm, trong khi tình cảm là sự cứu vớt của thể xác đó. Ai từng đã cố gắng ắt hiểu ra như vậy. Có điều xác thịt lắm khi mạnh quá, khiến kẻ chưa thánh dễ bị chìm xuồng. Miễn là ta đừng thối chí, đừng để chìm luôn. Hiểu mình yếu đuối do bản chất, ta hãy ăn năn và tin tưởng, rồi lại ngẩng cao đầu và đứng dậy. Thân phận con người mà! Chúa hiểu ta và Chúa vẫn đồng hành với ta.
Một tình yêu thiêng liêng thì hướng lên, thay vì để trọng lực thấp hèn hóa. Một tình yêu thiêng liêng sẽ mở sang người, chứ không đóng kín ở mình, chỉ tìm sướng khoái của riêng mình. Ðúng mở sang người khi ta tìm hạnh phúc của người. Không phải vì thế mà bỏ qua hạnh phúc của ta đâu, nhưng luôn coi hạnh phúc của người quan trọng hơn là của ta. Do đó, sự hy sinh luôn là bằng chứng của một tình yêu chân thật, và ai cũng hiểu như thế. Mà tình yêu như thế thì không thể là sản phẩm của một tâm hồn đê tiện. Có điều, một tâm hồn dù đê tiện vẫn còn ít nhiều khả năng hướng lên. Nhờ khả năng này, một cái gì đó của tình yêu chân chính đôi phen có thể trồi xuất. Và chính tình yêu này sẽ biến hắn thành con người khác, khi do tình yêu mà hắn trở nên cao thượng.
* * *
Yêu đến quên mình vì người yêu, tình yêu ấy đã là thiêng liêng, đã có khả năng thiêng liêng hóa con người. Một tình yêu như thế không thể không nằm trên hướng cứu độ và thành phương thế cứu độ. Và như thế, hẳn phải đã có đức Kytô bên trong cách nào đó, khiến cho đấy là nhờ Chúa và trong Chúa, dù kẻ yêu có thể không biết Chúa.
Nhưng nếu yêu đúng như Chúa Yêsu yêu, chẳng những ta phải quên mình vì người, mà tình yêu của ta còn phải có tính chủ động và sáng tạo nữa. Thông thường hễ nói Tôi yêu, thì có nghĩa là Tôi cảm thấy mình yêu, cũng là cảm thấy người đối diện đáng yêu. Chính cái vẻ đáng yêu ấy của họ đã lôi cuốn tôi và quyết định tình yêu của tôi. Một tình yêu bắt buộc, bị động hoàn toàn. Có gì đó như "Vay trả trả vay" vậy. Người kia đã mua tình tôi bằng giá là sự đáng yêu của họ rồi. Do đó, tôi chẳng cho không cái gì hết. Trái lại, Thiên Chúa đã yêu tôi lúc tôi còn tội lỗi, nghĩa là chẳng đáng yêu gì đối với Ngài:
Thiên Chúa đã yêu ta trước (1 Yo.4,19).
Chính Ngài yêu ta và sai Con làm tế phẩm đền tội chúng ta (1 Yo.4.10).
Khi ta còn chết do tội, Ngài đã cho ta sự sống trong đức Kytô (Eph.2.5).
Thiên Chúa chứng tỏ Ngài yêu ta ở chỗ: Ngay khi ta còn tội lỗi, đức Kytô đã chết vì ta (Rom.5.8).
Quả thật, không phải vì tôi đáng yêu nên Chúa yêu tôi, nhưng trái lại, chính vì Chúa yêu tôi (ân sủng chủ tạo) nên tôi mới thành đáng mến (ân sủng thụ tạo). Tình yêu Chúa chủ động và sáng tạo hoàn toàn. Chủ động vì quyết định từ Ngài. Sáng tạo vì biến tôi thành con người có giá, con người đáng yêu siêu nhiên.
Yêu như Chúa, tôi cũng phải yêu bằng thứ tình giống thế. Tình ấy, tôi phải trao dù cho kẻ chẳng có gì trả lại, và đó là người nghèo hèn, xấu xí, kẻ nghiện ngập, bê tha..., thậm chí kẻ thù nữa. Chưa thể yêu họ bằng tình cảm ư? Hãy cố yêu họ bằng ý chí vậy. Và đối xử y như với người mà mình ưa thích. Y như cách làm sau đây của Tiên sa Hài nhi Yêsu:
Một nữ tu kia, dù nói hay làm gì, cũng khiến Tiên sa thấy chói tai gai mắt. Ðôi khi không chịu nổi sự ác cảm, Tiên sa đã đánh bài tẩu mã, hòng tránh điều không hay có thể. Nhưng thường thì nữ thánh vẫn ép mình tỏ ra thân ái, hễ gặp là mỉm cười. Dần dần, nụ cười đó trở nên tự nhiên đến nỗi một lần kia, nữ tu ấy phải vui vẻ hỏi Tiên sa:
Chị Tiên sa Hài nhi Yêsu ơi, em có gì hấp dẫn, mà hễ thấy em, là chị tươi cười như thế?
Ðã là người, không ai có thể yêu hoài bằng ý chí suông. Nhưng đừng lo, khi bằng cố gắng mà đức Ái siêu nhiên đã phát triển rồi, thì "mối tình ý chí" kia sẽ ngấm vào cảm tính, khiến cho cái là siêu nhiên cũng biến thành "tự nhiên" nữa.
Trong thực hành, để phát triển tình yêu đối với ai mình không thể yêu, thì ta hãy nghĩ tốt cho họ. Nghĩa là, thay vì chú ý đến khuyết điểm, ta hãy nghĩ đến ưu điểm họ có thể có, những hoàn cảnh đáng thương họ có thể gặp, những lý do khả dĩ biện minh cho việc họ làm. Và thế là ta cảm thấy gần gũi họ hơn.
Ta cũng tập cho quen nhìn họ trong Chúa Yêsu và nhìn bằng cặp mắt Chúa. Về trường hợp nữ tu nói trên, chính Tiên sa đã giải thích như sau: "Cái nó hấp dẫn tôi, đó là Chúa Yêsu ẩn nấp ở đáy linh hồn chị... Chúa là đấng biến thành ngọt ngào những gì đắng cay nhất..."
* * *
Nếu phải yêu kẻ mình không thích, thì với kẻ mình thích, lại không thể yêu bằng tình yêu Kytô-tính được sao? Ðược chứ, miễn là chủ động hóa được tình yêu của chị, để yêu vì Chúa và vì người, vì cả lợi ích thiêng liêng của họ nữa.
Vâng, yêu vì người (hơn là vì mình), đó là một thứ tình cao quý xứng danh Kytô-tính. Yêu mà nhắm ích lợi thiêng liêng của người là hướng về điểm phải tới của họ mà yêu, nghĩa là muốn cho họ tốt, cầu họ nên người, giúp họ nên thánh. Ðúng là một tình yêu nghiêng về sáng tạo.
Ðể yêu được như thế, ta không thể cứ để... tự nhiên đi. Phải mài rũa, uốn nắn tình yêu. Bằng thuốc đắng và trong nước mắt đấy. Khiến tình yêu không chỉ là thiên đường, mà còn là thánh giá nữa. Một tình yêu như thế, thì không ai xấu hổ vì nó cả. Vì nó không còn là yếu đuối, mà là sức mạnh. Nó không còn là si mê, mà là đạo đức.
Trong thực hành, phải thắng sự lôi cuốn của đam mê để lôi nó theo mình. Nhiều lúc phải dằn bớt "cơn sốt", không làm theo những thúc bách khi ấy, nhờ đó thuần hóa nó từ từ, nhờ đó có khả năng lấy lẽ phải mà soi sáng trái tim, lấy ý Chúa mà điều khiển con tầu bản tính.
Hồi mới vào
dòng, Tiên sa nhỏ đã sống
dưới quyền một bề trên
mà cô thương mến. Biết bao phen
cô muốn đến với mẹ để
tìm an ủi. Sự thôi thúc mạnh
đến nỗi cô bé phải bám
chặt tay vịn cầu thang để cưỡng
lại. Chính nhờ đó mà
sau này, tình cảm của cô thành
trong sáng và sâu xa.
(Tự truyện, đoạn
viết cho Marie de Gonzague)
* * *
Yêu đến quên thân, yêu kẻ mình ghét và kẻ thù, yêu khác thường như thế, tự sức mình ta không làm nổi, nhưng Chúa có thể làm trong ta, làm với ta. Ðấy là lúc Thần khí Chúa đến biến cải lòng ta, để được biến cải rồi, ta sẽ yêu bằng chính đức Ái của Chúa. Ðức Ái Chúa trong ta, chẳng những cải hóa trái tim ta, mà từ ta còn tỏa sức sang cải hóa những người ta thương, như đã cải hóa Augustin bằng sức mạnh nước mắt của người mẹ. Tình yêu mà được thế, đúng là tình yêu sáng tạo và cứu chuộc.
* * *
Yêu như Thầy yêu, tình yêu ấy chẳng những sâu, mà còn phải rộng nữa. Không thể vì yêu một người, mà dửng dưng với mọi người. Không thể vì đổ hết cho con mình, mà tim chẳng còn gì cho những đứa bé con người khác. Chúa vẫn tha thiết với Yoan, mà vẫn nguyên vẹn con tim cho Phêrô và những đồ đệ kia. Chúa vẫn luyến ái chị em Lagiai, mà vẫn mải lần theo vết chân các chiên lạc.
* * *
Chúa chỉ để lại một luật: Yêu như Chúa yêu, vì yêu là hoàn tất mọi luật rồi (Mt.22.37-40; Rom.13.10).
Phải chăng vì trong tình yêu, mọi luật được giữ chu đáo? Phải chăng vì từ tình yêu, nảy sinh thái độ và hành vi của những đức tính khác, như nói trong 1 Cor.13.4 tt.? Phải chăng vì, ở điểm hoàn thiện của chúng, những đức tính trên sẽ lấn sang nhau và gặp nhau trong tình yêu? Phải chăng vì chỉ tình yêu mới động viên được toàn sức lực, mới đưa chính bản vị con người vào cuộc, trong khi mà các đức tính khác chỉ đòi nhập cuộc một cái gì nông hơn, và các luật khác chỉ khoanh tròn những hành vi nhất định?
Nếu nhìn cuộc sống đạo đức một cách hiện sinh, coi nó như tiến trình thực hiện bản thân của mỗi người, thì mỗi đức tính, dù chưa được nhiễm hóa bởi tình yêu hay chưa đạt tới sự hoàn tất của nó trong tình yêu, vẫn làm nên một nấc thang đi lên, một mở ra về phía, trong tiến trình duy nhất hoàn thành bản thân. Thế mà để hoàn thành bản thân, không thể thiếu tình yêu vốn có chức năng làm cho mọi đức ăn sâu vào bản vị. Cho nên dù tình yêu chưa đến, thì các đức ấy đã quy về tình yêu khi mở lên về phía hoàn thành bản thân này.
Dù sao, ở mức độ nói trên, chúng chưa thành một với tình yêu. Và ở chỗ hoàn tất (trong tình yêu), chúng cũng chỉ diễn tả tình yêu ở một góc cạnh nào đó. Nên luôn luôn vẫn có sự phân biệt (chứ không phân cách) giữa đức Ái với các đức khác trong lịch sử hoàn thành bản thân của con người mà bản chất là phức đa.
Dù các đức kia hướng về sự hoàn tất của chúng trong đức Ái, cũng chỉ đức Ái mới là siêu việt do bản tính. Ðức Ái vượt mọi mức độ vì tự nó là vô mức vô độ. Do đó, không thể tính trước được hành động của một con người khi yêu. Và bên ngoài tình yêu, cũng không thể đánh giá được những việc, như đập toang bình hương thơm quá đắt của Maria trên đôi bàn chân Chúa. Cũng như để đánh giá cái chết của Chúa chỉ để cứu những kẻ vô ơn đáng ghét là loài người chúng ta đây.
Vì bản chất Thiên Chúa là Yêu, nên con đường Kytô-giáo phải là Quảng đại không định mức vậy!
Ơn gọi nên thánh tuy là một cho tất cả, nhưng nhập thể vào mỗi người, nó mang cấu trúc tâm sinh và phản ánh điều kiện sống của riêng con người ấy. Uốn nắn mình theo đó, nhất định nó phải thành đa dạng. "Siêu nhiên giả thiết có tự nhiên trước" mà!
Nói chung, ơn gọi nên thánh phân ngành theo những hướng chính sau đây: hướng tại thế trong nghề nghiệp, bên nghề nghiệp, siêu nghề nghiệp; và cuối cùng, hướng xuất thế.
Nên thánh trong nghề nghiệp là ơn gọi của hầu hết tín hữu. Vì nghề nghiệp nắm giữ ít là phân nửa cuộc sống họ. Vì nghề nghiệp không phải chỉ là phương tiện mưu sinh, nó còn xâm chiếm khu vực tâm sinh nữa. Xưa kia trong hướng nghiệp, người ta chỉ quan tâm đến đòi hỏi kỹ thuật của mỗi ngành nghề, do đó kỹ năng cũng như năng khiếu của ứng sinh (candidat). Thế nhưng có lắm người, khi vào làm trong nhà máy hay hầm mỏ rồi, mới cảm thấy xa lạ với môi trường và con người ở đấy, khiến anh không thể có bạn hữu trong nghề, mà cũng không hạnh phúc với nghề. Với tâm hồn nghệ sỹ chẳng hạn, anh không chịu nổi sự lạnh lẽo của sắt thép hay sự tù túng dưới lòng đất. Trái lại, anh chỉ thấy thoải mái khi sống giữa những loại người khác hẳn, loại người có tâm hồn nhạy cảm và phong cách phóng khoáng. Vâng, để vào nghề như một con người chứ không phải như một robot, chẳng những anh phải có kỹ năng và năng khiếu thích hợp, mà còn phải có những điều kiện tâm lý thích ứng nữa. Vấn đề cảm tính được đặt ra. Ðồng thời được đặt ra vấn đề "ý niệm về mình" (self-concept).
Theo Donald E. Super, không phải chỉ có vấn đề làm nghề, mà còn vấn đề sống nghề, do đó hội nhất bản thân (intégration personnelle) trong nghề. Ði vào một nghề cũng là dùng nó để đóng vai trò mình muốn đóng, để triển khai một ý niệm về mình, tức triển khai và làm hiện thực cái hình ảnh về con người mà mình là, mình muốn thành. Do đó, thông minh, kỹ năng, sức khỏe không đủ, còn phải yêu nghề và yêu môi trường nghề nghiệp, muốn thành công và thích được hoan nghênh trong khu vực ấy. Sự thực về mình và ý niệm về mình phải hợp nhau. Kinh nghiệm hành nghề giúp tôi uốn nắn lại ý niệm đó. Ý niệm được sửa sai rồi cũng giúp sửa sai ý niệm về ơn gọi của tôi.
Trong trường hợp nghề không đáp ứng mảy may những đòi hỏi của một ý niệm đúng về mình, thì nó không giải phóng được tôi, cũng không khai triển được những tiềm năng tâm sinh của con người tôi. Và như thế, cuộc sống một phần có thể là thất bại.
Ðối với kẻ muốn vô một hội tu, ngoài con đường thiêng liêng của hội, họ phải xem hội tu ấy có chuyên ngành tông đồ gì không, và ngành nghề chuyên ấy có giúp mình hội nhất bản thân được không. Chả hạn nếu chỉ thích dậy học các em bé, thì chị không thể có ơn gọi trong một cộng đồng mà lý tưởng là săn sóc bệnh nhân. Trong lúc sốt sắng, chị có thể hy sinh vì vẫn có thuận cảm (an ủi). Nhưng cuộc đời đâu chỉ dệt bằng những phút giây như thế, và một căng thẳng kéo dài có thể gây xáo trộn tâm sinh nghiêm trọng.
Trong hoàn cảnh khó tìm sinh kế hôm nay, nhiều tín hữu chỉ muốn làm bất cứ nghề nào để sống, rồi dành thời gian còn lại cho những sinh hoạt mình ưa, như sinh hoạt họ đạo chả hạn. Dù sao, nếu không gặp nghề mình thích, cũng không nên bằng lòng với một nghề nghịch với khả năng hay khuynh hướng thực của mình.
Dù sao, việc nên thánh luôn ăn vào mọi ngóc ngách cuộc sống, chỗ mình thích cũng như chỗ mình không ưa, nên hãy biến mọi công việc và tương quan thành đòn bẩy để bay lên với Chúa và để cứu chuộc với Ngài. Nếu có gì còn ngãng trở ở đó cho sự hội nhất bản thân, mà chị không tránh nổi, thì với đấng mà "tất cả đã được đặt dưới chân", chị vẫn có thể an toàn chui qua lỗ kim, dù với trở lực lớn lao của một chú lạc đà.
Ðối với ai muốn vô hội tu hoặc thành giáo sỹ, thì vấn đề đạo hạnh và tâm lý phải đặt ra song song và trước hết. Do thiết định của cuộc sống tu, và phần nào của nếp sống giáo sỹ, có những yếu tố nghịch chiều với ba khuynh hướng cơ bản của con người: đoan nguyện thanh bần đối lập với lòng ham sở hữu vật chất, đoan nguyện tịnh khiết đối lập với lòng ham nhục dục, đoan nguyện vâng lời đối lập với lòng ham quyền uy. Vì thế, phải có một ổn định và vững chắc tâm lý trên mức bình thường thì mới vượt qua được ba cửa ải đó mà không bị sứt mẻ . Ngoài ra, đối với ai muốn đi vào nếp sống đan tu, tâm tính họ còn phải thích ứng với bầu khí im lặng và thanh vắng kéo dài nữa.
Thật ra, nếp sống tu không phải là sự sống thánh. Nếp sống tu chỉ cung cấp một khung cảnh và những phương tiện khá tốt để nên thánh, thế thôi. Cho nên, đừng tưởng ơn gọi nên thánh là một với ơn gọi vào dòng, cũng đừng tưởng lầm ở ngoài dòng không có thánh thiện. Nói khác đi, ơn gọi vào một dòng phải được hiểu là ơn gọi nên thánh trong nếp sống và bằng nếp sống đó. Vì thế, đừng thỏa mãn với cơ chế và khuôn khổ của dòng, mà chỉ dùng chúng như bàn đạp để phóng mình lên cao hơn.
Ðường đi và đích tới là Chúa Yêsu, nên ơn gọi của tôi là nên giống Ngài và nên một với Ngài. Sống được như thế là nên thánh vậy.
Nên thánh tuy là ơn gọi chung, nhưng nhập thể vào mỗi người, nó tùy theo cấu trúc tâm sinh và hoàn cảnh sống của họ mà biến đổi, nên có nhiều dạng thức.
Vì nên thánh là nên một với Chúa Yêsu, và Chúa ấy chịu đóng đinh, nên con đường nên thánh cũng là đường chữ Thập hướng mở về Phục sinh. Ðường ấy còn là đường nghịch thường của Bài giảng trên núi: Phúc ai thanh bần, phúc vì bị hiếp đáp, làm ơn cho kẻ hại mình, v.v... Ðường ấy cuối cùng là con đường tình: Yêu như Thầy đã yêu tôi!
Yêu như Thầy yêu thì phải yêu cả kẻ mình không ưa, thậm chí kẻ thù nữa. Yêu như Thầy yêu thì cho đi mà không mong trả lại. Yêu như Thầy yêu thì phải quên mình vì người, bắt chước Thầy đã chết để cứu chuộc tất cả.
Chúng ta có thể nên thánh giữa đời, nên thánh bằng nghề nghiệp và trong các tương quan xã hội. Hoặc nên thánh trong nếp sống tu hành hay giáo sỹ, tùy theo khuynh hướng, lý tưởng, các điều kiện tâm lý và đạo đức cũng như các thúc động thiêng liêng trong ta. Không phải cứ đi vào nếp sống tu là thành thánh đâu, nhưng nếp sống tu cống hiến bầu khí, khung cảnh và nhiều phương tiện giúp tôi dễ nên thánh.