CON ÐƯỜNG CỦA TÔI:
YÊSU NADARET

Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Con đường

Nhiều kytô-hữu tưởng đạo, hay đường, là đi lễ và giữ luật, nhờ đó lên thiên quốc. Thiên quốc, như họ tưởng, sẽ là phần thưởng cho việc giữ luật nói trên. Một pho Luật bên cạnh Chúa (chứ không trong Chúa), và một Thiên đường bên cạnh Luật (chứ không tiềm sẵn nơi Luật).

Không đâu, thiên đường là đức Yêsu, và đường tới cũng là Người: "Ta là Ðường" mà! Và vĩnh cửu vọt lên từ ngay trong nước mạch sự sống của hôm nay (Yo.4.14)!

Nhưng nếu thế, thì ích gì cái ruột thừa là luật và giáo lý? Không những ích, mà còn cần trong điều kiện "hành hương" của tôi hôm nay. Vâng, hôm nay, khi Chúa còn là Ðường, chưa Ðích tới trọn vẹn của tôi. Nghĩa là khi tôi còn tìm Chúa, trong sự tranh sáng tranh tối của đức tin. Luật và giáo lý phải là đèn pha và la bàn để soi và hướng dẫn. Và Thiên Chúa cũng muốn thế khi dạy dỗ tôi qua các ngôn sứ, qua ngôn từ của đức Yêsu, cũng như khi chọn Phêrô làm mục tử.

Có điều, khi không nói bằng lời loài người nữa, mà nói bằng Lời Ngài thành người, thì chính con người Yêsu mới là gốc nguồn và cốt lõi của mạc khải: "Ai thấy Ta là thấy Cha". Vâng, con người Yêsu đã là tất cả mạc khải, là Mạc khải viết hoa về Cha, về ý định cứu vớt và thông ban chính mình của Cha.

Mạc khải duy nhất về Cha, Chúa Yêsu, bằng con người, đời sống và hành động của mình, cũng là Ðường duy nhất tới Cha, Ðường viết hoa cũng như Mạc khải viết hoa vậy. Không phải Ðường hiểu theo nghĩa bóng đâu, nghĩa là hễ làm theo giáo lý của Ngài, thì sẽ đến được với Cha. Mà Ðường theo nghĩa đen, nghĩa là phải đi vào Ngài thì mới gặp Cha được. Ði vào hay nhập vào Chúa, đó là sống Chúa, là nên một với Chúa bằng cách tái diễn các mầu nhiệm đời Chúa qua huyền tích (sacrements) và bằng cách sống của mình. Cố gắng của tôi đấy, nhưng thực ra đây là việc Thần khí (Esprit) với sự hợp tác của tôi.

Ðâu là các mầu nhiệm mốc của đời Chúa?

Con Thiên Chúa đã nhập thể để đổi mới tất cả, rồi lại chịu chết và phục sinh để hoàn tất sự đổi mới ấy. Ðấy là mầu nhiệm bộ ba, thiếu một thì không thành được. Vậy để nhập vào Chúa, tôi vừa phải yêu trần thế như đượm mùi da thịt Chúa, vừa hy sinh trần thế để biến cải nó thành tân thiên địa.

Thật ra, để thành người của Chúa, trên cửa vào Hội thánh, tôi đã chết đi và sống lại trong Phép rửa (Rom.6.3-7). Tiếp đến, để hoàn thiện sự đồng hóa, tôi tưởng niệm Chúa chịu chết trong lễ Tạ ân (1 Cor.10.16). Và như thế, không phải vì Chúa đã chết, mà quả đã chín, để giờ đây tôi tới lượm. Tôi chỉ thực lượm (trái chín) khi chính tôi thành một với cây Sự sống mọc trên Can va:

"Chúng tôi mang luôn mãi nơi thân xác mình sự hấp hối của Chúa Yêsu, để trong thân xác ấy, cả sự sống của Chúa Yêsu cũng lộ ra nữa" (2 Cor.4.10).

Mầu nhiệm Thánh giá-Phục sinh không chỉ in trên tôi một tấm hình chết, thành một tĩnh trạng (état, statique). Nó thấm nhiễm tôi như một sức nóng: "Tình yêu đức Kytô thúc bách tôi", một động lực nó biến bản in Phép rửa nơi tôi thành bản sao sống của Yêsu Nadaret.

Ðường đi cũng như điểm tới: Yêsu Nadaret

Vâng, đúng là Yêsu Nadaret, một mình Ngài. Không phải vì Con Thiên Chúa nay sở hữu (posséder) thêm bản tính người, mà vì vẫn là Ngài nay hiện hữu (exister) cả nơi nhân tính ấy, để nơi nhân tính ấy, Ngài xưng con với Cha. Vâng, đúng là Ngôi Lời, sinh trong vĩnh cửu từ Cha và sinh trong thời gian từ Ðức Mẹ. Sinh không phải như một người giữa mọi người, mà như một con người dành riêng, đến nỗi thành "thực tại riêng của Thiên Chúa" (réalité propre de Dieu), như cha Rahner nói.

Theo Cha Rahner, tuy Cựu ước chỉ tiên báo một Vương quốc chung tất (définitif) của Thiên Chúa, nhưng "chung tất" há chẳng phải là cái cuối cùng, không còn gì thêm vào, không gì vượt xa hơn, và không thối lui được nữa? Một Vương quốc như thế không thể không là chính Ngài, vì ngoài Ngài ra, bất cứ gì khác đều có thể bị vượt qua, vượt xa thêm nữa, nên không chung tất nổi. Một khi Vương quốc ấy đã hiển hiện nơi con người Yêsu Nadaret, thì con người ấy chỉ có thể là một với Thiên Chúa, là THỰC TẠI THIÊN CHÚA.

Làm sao một con người — con người luôn chỉ là tạo vật, do đó hữu hạn —, vâng làm sao một con người có thể đứng đúng chỗ đứng của Thiên Chúa như thế? Quả là mầu nhiệm, không sao hiểu nổi được. Thế nhưng đây lại là sự thực. Thực tại ấy, dù hữu hạn, đã được lấy làm (assumé) Thiên Chúa, đến nỗi cái gì là của Yêsu và cái gì là của Thiên Chúa đem hoán chỗ được cho nhau. Con người Yêsu mặc vào cho Thiên Chúa vừa khít, đến nỗi nhân tính phản chiếu hết thiên tính, không còn gì ngoài, không còn gì thêm được để có thể thông sang cho một tạo vật khác với đức Yêsu. Sự vô hạn của một hữu hạn! Làm sao để nối được với nhau hai thái cực ấy, thì đó là... mầu nhiệm.

Vì thế, chạm tới con người Yêsu là chạm tới chính Thiên Chúa. Chỉ có thể gặp Thiên Chúa ở đức Yêsu, và gặp đức Yêsu là gặp Thiên Chúa rồi:

— Ta và Cha là một.

— Ai thấy Ta là thấy Ðấng sai Ta.

Ngược lại, ta không thể gặp đúng Yêsu đấng Kytô nếu ta đến với Ngài chỉ như với một người giữa mọi người, dù đây là con người hơn hết mọi người, con người lý tưởng. Thật thế, một nữ sinh có thể nhìn ngắm tượng Chúa như của một nam nhân họ ước mơ, cũng như một thanh niên đối với những bức tranh Trinh nữ. Nếu họ không coi các Ngài có gì còn hơn thế, và không hướng về các Ngài với cảm thức thần thiêng, thì cái mà họ gặp chỉ là tác phẩm của tưởng tượng.

Thật ra, tín hữu ít học, dù không có khái niệm về Siêu việt tính, khi cầu Chúa họ vẫn cầu như với một Ðấng quá cao mà tự mình họ không với tới được. Nghĩa là, ít hay nhiều, họ vẫn có cảm thức thần thiêng, cảm thức về một khoảng cách vô hạn nào đó.

Ðường đi và điểm tới vĩnh viễn

Người ít học, khi cầu với thánh nọ thánh kia, lắm khi xem họ như những thế lực riêng, những vị thần nhỏ bên vị thần cao nhất. Trái lại, người học cao chỉ cầu với một mình Thiên Chúa, xem như Ðức Mẹ và các thánh không có hay chỉ là những bóng hình mờ nhạt nói về một mình Thiên Chúa thôi. Cả hai thái độ ấy, theo cha Rahner, đều là tiền-Kytô giáo cả.

Tạm gác một bên trường hợp các thánh, chúng ta hãy đi vào một trường hợp thụ tạo then chốt, trường hợp nhân tính Chúa Yêsu.

Phải chăng nhân tính ấy chỉ là con đò chở tới Thiên Chúa để, tới Thiên Chúa rồi, đò gác sang một bên?

Chúng ta chỉ biết, dù ở huyền nghiệm cao nhất là thần kiến tuệ trí (vision intellectuelle), nếu Tiên sa Avila (Thérèse d'Avila) "hiểu" được mầu nhiệm Ba ngôi, thì cũng bằng loại huyền kiến ấy, ngài gặp gỡ nhân tính Chúa Yêsu ở một độ sâu khác hẳn trước. Vâng, đúng là tiếp xúc với nhân tính Chúa, tiếp xúc ở chỗ nàng tinh thần nhất, hình như "tinh thần thuần túy" (pur esprit) vậy. Ở đấy không còn ảnh tượng, vì đây không phải thần kiến trí tưởng (vision imaginaire) nữa. Ở đấy hồn đã thành "một sự với Thiên Chúa" (une seule chose avec Dieu) và đi vào "hôn nhân thiêng liêng" rồi. Thế mà ở đấy lại diễn ra cuộc gặp mật thiết nhất với nhân tính Chúa Yêsu! Nghĩa là khi hồn vào sâu nhất trong mình để vào sâu nhất trong Thiên Chúa, thì nhân tính Chúa Yêsu đã không mờ nhạt đi, mà lại đạt tới độ sâu và sáng nhất . Do đó, theo Tiên sa Avila, thì trên con đường thiêng liêng, dù ở độ cao nào chăng nữa, ta cũng không được xa rời nhân tính Chúa vốn là "sự đầy tràn mọi cái tốt và phương thuốc cho mọi cái xấu".

Nếu nữ thánh phải dài dòng nhắc nhở như thế, ắt hẳn bằng kinh nghiệm tiếp xúc, ngài thấy rõ không thiếu người tưởng hễ lên cao, thì chỉ cần đến một mình Thiên Chúa (và thiên tính) thôi.

Cùng đạt tới huyền nghiệm tuệ trí như Tiên sa Avila, thánh Ignace de Loyola trong suy chiêm cũng nhấn mạnh vào nhân tính Chúa Yêsu như nữ thánh. Chính ngài trong giai đoạn ấy cũng "hiểu" sâu về mầu nhiệm Nhập thể, và khi thấy Ba ngôi, đôi khi cũng thấy luôn nhân tính đức Yêsu, thấy "mầu trắng" của nhân tính Ngài.

Nhân tính Chúa Yêsu không những là trung gian dưới thế cho mọi người ở mọi cấp độ thiêng liêng, mà tiếp tục còn là môi giới không thể thiếu trên Trời. Trên ấy, theo thị kiến của tác giả Khải huyền, các trưởng lão vẫn tôn thờ "Con của người", và Con loài người ấy vẫn là "Chiên con hy sinh" (Kh. 1.13; 5.6,9-14). Và cũng trên ấy, theo Phaolô suy trong thần hứng, Con người bị thế gian chà đạp kia sẽ ngự bên hữu Cha, nghĩa là được thờ như một Thiên Chúa (Eph. 1.19-23).

Bởi thế, như Giáo hội vẫn tin, mọi phụng vụ dưới trần phải quy chiếu về phụng vụ duy nhất trên thiên quốc, mà phụng vụ này thì tập trung ở con người Yêsu (SC.8; LG.50). Con người ấy là Trung gian suốt từ điểm khởi đầu của con đường thiêng liêng cho tới điểm cuối và tồn tại cả ở điểm tới. Như thế, chẳng những là Ðường, nhân tính Yêsu còn là đích điểm nữa. Ngài ngự bên hữu Cha và được tôn thờ cùng với Cha.

Trong Thiên Chúa, nhân tính Chúa Yêsu không chỉ giãi sáng Cha, mà còn sáng như một cái gì riêng bên hữu Cha. Nghĩa là vẫn có một ghế ngồi cho Con dưới bản tính người bên cạnh ghế ngồi của Cha. Chúng ta không đi trên Ðường như một phương tiện bên ngoài, mà phải vào trong Ðường, tức nhân tính Chúa Yêsu, thì mới gặp Thiên Chúa ở chỗ là Cha, nghĩa là ở chiều sâu của Ngài. Và ở chiều sâu đó của Cha, chúng ta cũng gặp luôn đức Yêsu ngự bên hữu Cha nữa. Do đó, câu AI THẤY TA LÀ THẤY CHA có vế đối của nó là AI THẤY CHA CŨNG THẤY TA. Hèn chi mà Tiên sa Avila phải lưu ý rằng, không phải vì tiến cao trong suy chiêm mà ta có thể rời bỏ con người Yêsu để tập trung vô Thiên Chúa được. Trái lại, để vào sâu hơn trong Thiên Chúa, ở chỗ Ngài là Ba ngôi, không thể nào ta không nhờ Chúa Yêsu, không thể nào ta không vào sâu trong Ngài. Vâng, con đường nên thánh và vào sâu trong Thiên Chúa luôn có cấu trúc Nhập thể.

Vì thế, phải quy hàng Chúa Yêsu bằng tin tưởng

Chỉ có thể đi vào Chúa Yêsu trong đức tin và bằng đức tin. Tin, đó là ân Chúa, và cũng là quy thuận của tôi.

Hai người tri kỷ, để xứng đáng với nhau, không thể không tin nhau. Nhưng nếu hành vi ấy là sáng suốt và có trách nhiệm, thì nó phải đặt nền trên ít nhiều lý do xác đáng. Có điều, dù với lý do, niềm tin vẫn phải vượt trên lý do, để xứng đáng với chữ Tin nhau.

Dù sao, nơi người mà tôi tin, bên cạnh những khả thể họ có hôm nay (tình yêu đối với tôi), vẫn còn gì bấp bênh do giới hạn của khả năng (như Phêrô chưa thể yêu Thầy đến có thể chết vì Thầy) và sự đổi thay của con người (nay tuy yêu tôi, mai bạn vẫn có thể phản tôi). Nên để xứng với bạn, tôi có thể tin vô điều kiện được, nhưng tin tuyệt đối thì thành cuồng tín mất. Vâng, sao tôi có thể còn tin bạn, khi đối với bạn, thiện ác đã như nhau? Sao tôi có thể còn nương cậy vào bạn, khi bạn đã trầm luân vĩnh viễn rồi?

Chẳng những đối tượng tin không đáng thế, mà tình tôi yêu cũng không được đến thế. Tôi muốn yêu mãi đấy, nhưng thừa biết "Xa mặt thì cách lòng", và về dài về lâu, đá nào cũng phải mòn, sắt nào cũng phải dỉ, dù người ta cứ nói là Vàng đá, là Sắt son! Không thể trọn tin vào người, cũng không thể trọn tin vào chính mình được. Dù muốn yêu vĩnh viễn và bất chấp hết, nhưng một dè dặt nào đó vẫn lẩn quất đâu đây.

Nhưng tin vào Yêsu Nadaret bằng tin yêu tuyệt đối, thì căn bản có sẵn cả từ phía Chúa, cả ở nơi tôi.

Từ phía Chúa, vì Ngài là "thực tại riêng Thiên Chúa", nên chứa mọi khả thể, vượt mọi mức độ, đứng trên không gian và trên thời gian. Ngài lại yêu tôi trọn vẹn, yêu như chỉ có mình tôi trên đời (chứ không phải chỉ yêu bằng tình yêu chung chung của một người đối với cả bầy đàn nhung nhúc những đứa con). Yêu tới mức, dù tôi yêu Ngài đến đâu, tình tôi vẫn được đáp ứng đủ và vượt mức, khiến có thông cảm hoàn toàn. Vâng, Thiên Chúa đã "sang nhượng" (communication des idiomes), trao ban hết những gì mình có sang con người có tên là Yêsu, trao ban bằng một thông ban vĩnh định, tuyệt đối, đến nỗi những gì thuộc Thiên Chúa cũng là của Yêsu, và cái gì chạm Yêsu cũng động tới Thiên Chúa.

Ở nơi tôi, vì đức Ái của Chúa Kytô đã sẵn trong tôi (do ân sủng và chỉ do ân sủng thôi), thành đức Ái của chính tôi. Nên một tin yêu tuyệt đối, chung tất (définitif) là điều khả dĩ cho tôi tự nền tảng. Vâng, bảo đảm cho nó nằm ở nơi Chúa, chứ không nằm nơi bản tính người tự nhiên của tôi. Thực ra, một tình yêu vô điều kiện và lớn đến thế đã thành hiện thực nơi biết bao vị thánh hữu danh và vô danh, những người yêu Chúa bất chấp thế gian và sự chết, vâng, bất chấp tất cả. Mà cũng chỉ một tình yêu như thế mới xứng đáng với đối tượng của nó là đức Yêsu Kytô. Không được như thế, thì đối tượng ấy là cái gì đó, chứ không thể là Ngài.

Nhưng nếu vậy, thì yêu nơi con người chưa thánh, do đó yêu chưa hết mình, phải chăng yêu ấy chưa chạm đúng Chúa? Vẫn chạm được tới Chúa, miễn tôi không đặt điều kiện và vạch giới hạn, như: Tôi muốn yêu chỉ ở mức này, hoặc yêu với điều kiện là Chúa cho tôi đạt cái gì đó. Yêu đấng Tuyệt đối mà yêu thế, thì đúng là quái thai của tình yêu!

Dù tôi mới có khả năng hy sinh cho Chúa ở mức này hay mức kia, thường mặc nhiên tôi vẫn ngỏ cửa về một mối tình xứng hơn với Chúa, và thế là đủ cho tôi có thể gặp Chúa, nhờ đức Ái Chúa ở trong tôi. Ðức Ái ấy chẳng những là tình Chúa yêu tôi, mà còn là tình tôi yêu Chúa bằng một tin yêu tạm xứng với Ngài.

Tình trạng tâm lý của tôi, mặc nhiên mở về tình yêu xứng đáng ấy, có thể ở những mức độ khác nhau, như Ignace de Loyola diễn tả qua ba cấp khiêm nhường (trong Thần thao):

CẤP 1: Yêu Thiên Chúa trên hết, đến nỗi thà mất tất cả chẳng thà lỗi nặng với Ngài.

CẤP 2: Yêu Thiên Chúa trên hết, đến nỗi thà mất tất cả chẳng thà mất lòng Ngài dù bằng một lỗi nhỏ. Mặt khác, chẳng coi giàu có hơn nghèo nàn, danh vọng hơn sỉ nhục nếu đẹp ý Chúa như nhau.

CẤP 3: Dù đẹp ý Chúa như nhau, vẫn muốn sống như Chúa, đi trọn con đường Thập giá của Ngài, bằng cách thích nghèo hơn là giàu, sỉ nhục hơn là vinh quang.

Vẫn là yêu Thiên Chúa trên hết và lấy Ngài làm mục đích cuối cùng, như Ignace xướng lên trong Nguyên tắc căn bản, nhưng với mức độ khác nhau. Mức thấp nhất: Thà mất hết, chẳng thà mất Ngài vì một tội nặng. Mới dám nghĩ đến đấy, không có nghĩa là quyết chỉ vậy thôi. Quyết chỉ vậy thôi, có nghĩa là: Cứ mất lòng Ngài thả cửa bằng tội nhẹ, miễn đừng mất hẳn Ngài, do đó cũng đi đứt mình. Nghĩ như thế là phạm thượng, và do đó là tội nặng rồi. Vì thế, dù ở cấp I, ta phải ngỏ cửa về phía cấp cao hơn (nếu Chúa ban ơn để làm được như vậy).

Xứng đủ với Chúa phải là cấp hai, ba. Chưa tới đấy thì ở đời sau, cuộc thanh luyện phải đạt tới đấy, để hồn đáng diện đối diện với Ðấng vừa yêu tôi đến tận cùng, vừa đáng yêu vô cùng đối với tôi.

* * *

Ðể yêu xứng với Chúa, có cần cảm thức thần thiêng (sens du sacré) không?

Cảm thức thần thiêng là thước đo khoảng cách vô biên bằng cảm tính, cái khoảng cách giữa tôi với siêu nhiên giới. Nên hướng về Chúa đúng Thiên Chúa bằng cảm năng thì không thể thiếu cảm thức ấy. Do đó các nhà tu đức xưa hay nhắc đến kính sợ, dù kính sợ có thể thành nể kính trong yêu thương của những người con (crainte filiale).

Có điều, lắm lúc tôi muốn yêu, mà cảm xúc không đến, nên cảm thức thần thiêng cũng bặt im luôn. Trong trường hợp ấy, vì vẫn ngỏ cửa về phía một tình yêu xứng với Chúa, nên do đức Ái Chúa tiềm tàng, tôi vẫn gặp Chúa trong cầu nguyện.

Trái lại, nếu tôi tự giới hạn tình yêu ở mức tục phàm thôi, nghĩa là chỉ coi Chúa như một con người trác tuyệt, một nhà anh hùng xã hội tiên phong chả hạn, thì cái mà tôi gặp chỉ là một ảnh tượng hay ý tưởng, chứ không thể là "Thực tại riêng Thiên Chúa".

Vậy về Yêsu cũng như về Thiên Chúa, nhận thức có thể chưa tới mức nhưng mặc nhiên vẫn mở về chỗ đúng mức, có thể còn sai sót nhưng không sai ở gì là nền tảng, có thể sai ở một hai điểm chính nhưng lại vô tình và thực ra vẫn mở về cái bề sâu không đáy là đấng Tối cao. Một nhận thức như thế, ít hay nhiều vẫn đưa ta đến Thiên Chúa qua môi giới đức Kytô, nhờ vậy mới có những "Kytô-hữu vô danh".

Ðể đủ tư cách làm Kytô-hữu vô danh, cũng như để Kytô-hữu đủ loại thứ có thể gặp Chúa, thì hành vi tin yêu của họ còn phải sao cho xứng với đối tượng Thiên Chúa nữa. Mức xứng với Thiên Chúa, cũng là xứng với Chúa Yêsu, theo nguyên tắc phải là vô mức, nghĩa là vô điều kiện, chung tất và tuyệt đối: "Yêu Chúa và Thiên Chúa ngươi hết tâm hồn, sự sống và sức lực" như Nhị luật dậy (6.5). Mức độ yêu thực tế dù còn rất giới hạn, nhưng mặc nhiên phải mở về vô hạn.

Một tin tưởng hoàn toàn, một hy vọng bao la và một tình yêu sẵn sàng cho tận hiến. Ít là ngỏ cửa về phía đó hay trên đường tiến tới đó.

Từ con người Yêsu đến Ba ngôi

Một mình Chúa Yêsu, ở chỗ là người, có tình yêu chung tất, tuyệt đối, vô điều kiện đối với Cha một cách đầy đủ. Nên một mình Chúa Yêsu có tình yêu xứng trọn với Cha. Xứng trọn ngay cả chủ thể của hành vi yêu: bản thân Chúa. Vậy chỉ trong (nơi) Chúa, ta mới có thể yêu Cha xứng đáng khi cũng yêu bằng tình yêu của trái tim Ngài đối với Cha. Ðúng là một tình yêu "bao cấp"! Của những đứa con cũng thành con do "bao cấp" khi chính Thần khí Chúa làm bật lên trong ta tiếng kêu Abba, Cha! Khi duy nhất Chúa là Mạc khải về Cha và Ðường tới Cha:

— Không ai biết Cha, trừ Con và những kẻ được Con tỏ lộ cho.

— Không ai đến được Cha mà không qua Con.

Là Ðường, Chúa Yêsu còn là Ðích nữa. Ðích chung với Cha, khi yêu Ngài cũng là yêu Cha, và ngược lại cũng vậy. Tuy thế, Ngài vẫn khác với Cha vì là Con Cha (chứ không phải Cha), lại ở nơi nhân tính nữa. Bằng "chiều rộng, chiều dài, chiều cao, chiều sâu" của tình Ngài yêu tôi (Eph.3.18), Ngài mạc khải về "chiều rộng, dài, cao, sâu" của tình Cha đối với tôi nơi Ngài. Nhờ đó Ngài hướng tôi về phía Cha, và đặt đức Ái Ngài trong tôi, Ngài biến tôi thành con Cha và khiến tôi cùng yêu Cha với Ngài. Yêu Cha, tôi chỉ có thể yêu "qua Ngài, cùng với Ngài và trong (nơi) Ngài"!

Ðang ở giữa loài người chúng tôi, Chúa Yêsu đã phải ra đi để Thần khí Ngài đến (Yo.16.7), và Thần khí ấy đưa Ngài vô trong ta khi đồng hóa ta với Ngài, biến ta thành con Cha cùng với Ngài. Như thế, chẳng những Ngài và Cha cần cho đời sống thiêng liêng của tôi, mà đời sống thiêng liêng ấy cũng không thể thiếu vai trò của Thần khí. Thần khí là Ngôi ba, nhưng đối với tôi, Thần khí đóng vai trò của ngôi thứ hai (đối diện và đối thoại với tôi), chứ không phải của ngôi thứ ba (il, elle). Ngài đang nói với tôi khi Ngài nhận từ Chúa Yêsu mà dậy dỗ tôi (Yo.16.13,15). Ngài làm chứng cho Chúa với lương tri tôi (Yo.15.26) và Ngài thúc đẩy tôi yêu Cha, yêu Giáo hội. Thế nhưng tôi lại ít nghĩ đến Ngài, ít khi nói về Ngài, huống chi là nói với Ngài.

Chúa Yêsu đã thành người và hiện vẫn sống, nên nói với Chúa, có bao cái để nói, và yêu Chúa có bao hình ảnh để yêu. Yêu Cha thì khó hơn, nhưng Chúa đã nói nhiều về Cha, thường cầu với Cha như một con thảo và dậy ta cầu "Cha chúng con ở trên Trời". Dù sao, cái tiếng Cha ấy cũng có một âm hưởng ấm áp. Cha, mà cũng có sắc diện người mẹ nữa. Vâng, Con đã sinh ra trong thời gian từ một người mẹ (có mẹ mà không cha), nhưng sinh trong hằng cửu lại từ Cha (có cha mà không mẹ). Mẹ trong thời gian đúng là âm bản của Cha trong vĩnh cửu, như Evdokimov nghĩ. Có nghĩa là, Cha trong hằng cửu, khi phản chiếu trên mặt thời gian chúng ta, thì đó là mẹ vậy.

Chứ còn Thánh Thần... Ðã vô hình còn lặng lẽ nữa. Ngài chả nói gì trong Tin mừng, mà chúng ta cũng chẳng thể hình dung Ngài ra sao. Cố lắm cũng chỉ họa được Ngài như một chim bồ câu nhỏ xíu!

Thế nhưng sao không thể gọi Ngài là mẹ nhỉ, cái tiếng Mẹ nó mới thiêng liêng, tha thiết biết bao! Bạn sửng sốt à? Thì chúng ta chả gọi Thiên Chúa là Cha, và Con Ngài chả thành thịt nơi một nam nhân đó sao? Nếu Cha đúng là cha khi tôi đồng thành con với Con Ngài, thì sao Thánh Thần lại chẳng phải là mẹ khi Ngài sinh tôi ra trong đời sống siêu nhiên cơ chứ?

Trong Cựu ước, Ruah Yaveh (Thần khí) đúng là sức mạnh sáng tạo. Ruah Yaveh đã lượn bay trên nước, và từ đó phát sinh sự sống. Với Tân sáng tạo, Thánh Thần cũng đáp xuống đức Maria, nhờ đó Tân Ađam sinh ra. Nếu đức Maria sinh ra con người tự nhiên của Chúa Yêsu dưới pháp lực Thần khí, thì con người siêu nhiên nơi Chúa há lại chẳng do Thánh Thần, duy nhất do Thánh Thần sinh đấy ư? Tiếp theo Trưởng tử Yêsu, đến lượt các con khác của Cha cũng được sinh ra trong Phép rửa, ở đó nước là biểu hiệu Người mẹ, biểu hiệu của người mẹ Thần khí đã khiến ta bật lên tiếng kêu Cha, nghĩa là đã sinh ta ra thành con Cha.

Vâng, đúng Thánh Thần là mẹ đẻ của tôi trong đời sống thiêng liêng. Trong đời sống này, đã có Cha, nay rõ ràng có cả Mẹ là Thánh Thần. Một cái gì đó còn hơn là Mẹ. Cũng như một cái gì đó còn hơn là Cha, không thể chỉ gói tròn trong một tiếng Cha. Có điều, để hiểu mối tương quan ấy như loài người có thể hiểu, thì tôi phải kêu là Cha, là Mẹ, và tôi cảm thấy... thân thương sao ấy!

Thiên Chúa là cả mẹ lẫn cha, thì phụ nữ không cảm lép vế nữa. Sống dưới bóng cả mẹ lẫn cha, sự phát triển thiêng liêng, cũng là tâm lý-thiêng liêng, mới nên quân bình, ổn định và điều hòa. Sống dưới bóng Mẹ Thánh Thần, trong sự dậy dỗ và thúc đẩy êm ái của Ngài, tôi sẽ làm được nhiều cái mà sự nghiêm khắc của người cha không có tác dụng. Vâng, bài học của Thầy Yêsu, mà cô giáo Thánh Linh nhắc nhở cho ở bên trong, sẽ thấm vào tôi một cách sâu xa khác hẳn.

Từ đây, hiểu vai trò từ mẫu rất cần thiết của Thánh Thần rồi, tôi bắt đầu thích tâm sự với Ngài, và nói về Ngài không còn khó khăn như trước. Nhất là khi ngày nay, phong trào Ngũ thập (tức phong trào Thánh Linh) của Giáo hội thời đầu đang sống lại mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới. Thần khí đang làm rung chuyển các ngôi nhà bên trong. Thần khí đang tạo niềm vui và hứng khởi mới. Thần khí đang kết nối các vòng tay yêu thương.

Như thế, đời sống thiêng liêng có mạch nguồn là Thần khí. Ðời sống ấy vọt lên từ nhân tính Chúa Yêsu. Ðời sống ấy đưa tôi vào quan hệ phụ tử với Cha đáng mến. Ðời sống ấy chẳng những có cấu trúc Nhập thể, mà còn có cấu trúc "ba ngôi" nữa.

Và mọi người nơi Yêsu Nadaret

Tôi yêu Yêsu bằng tình tôi yêu Thiên Chúa, nên tôi phải yêu tất định và vô điều kiện. Bằng tình yêu ấy, tôi phải buông rơi mình vào hố thẳm tình Ngài bằng một phó thác trọn vẹn, một hiến dâng không hồi phản. Sở dĩ tình tôi đạt tới Ngài, là vì đức Ái Ngài đồng thời là nền tảng, nguyên lý và bảo đảm cho nó.

Nhưng nếu yêu người khác thì sao đây?

Ðể yêu siêu nhiên, tôi phải yêu "nhờ Chúa, với Chúa, trong Chúa" (per Ipsum, et cum Ipso, et in Ipso) và vì Chúa nữa. Nghĩa là, bằng cái trớn của tình tôi vọt về phía Chúa, bằng chính cái năng đức Yêu mà Chúa thông sang tôi do ân sủng. Vâng, bằng chính đức Ái siêu nhiên mà tôi yêu Chúa, tôi yêu cả ba má, anh chị em, cháu con, chồng vợ, người tình, đồng bào, đồng loại, tất cả.

Khi yêu họ vì Chúa, không phải tôi chỉ cốt gặp Chúa, rồi bỏ họ qua một bên . Trong vâng lời, thì bề trên chỉ là đường tôi qua để gặp ý Chúa thôi, chứ trong tình yêu thì không thể vậy. Trong tình yêu siêu nhiên đối với người khác, tôi phải gặp cả Chúa lẫn họ ở đích nhắm, nghĩa là vừa gặp Chúa nơi họ, vừa gặp họ nơi Ngài! Không phải họ hòa tan trong Ngài, mà trong Ngài họ vẫn hiển hiện bằng một chân dung độc đáo.

* * *

Khi yêu trong cùng một trớn vọt về hướng Chúa Yêsu, thì Chúa sẽ là đảm bảo cho tôi về người mà tôi yêu, đảm bảo cho chính hành vi yêu của tôi nữa.

Khi yêu bằng một tình yêu thường phàm, tôi không thể chắc tình tôi chạm đến đối tượng, cũng không chắc đối tượng xứng đáng với tình yêu ấy. Chứ khi yêu bằng đức Ái Chúa Kytô, bao giờ bằng tình ấy tôi cũng đạt tới Chúa, và trong Chúa chạm tới người kia để cải hóa họ cho xứng đáng thêm, do đó hiện hữu thêm cho tôi và cho Chúa ở chân trời vĩnh cửu. Không vô ích cho người mà tôi yêu, hành vi yêu ấy cũng không vô ích cho tôi khi mà nó vẫn tồn tại như một giá trị cho tôi trong Chúa.

Dù yêu trong cùng một trớn vọt về phía Chúa, tôi không thể yêu Chúa và họ đồng mức và vô điều kiện như nhau. Chỉ một mình Chúa đáng được yêu bằng một tình yêu tuyệt đối, vô điều kiện, không hồi phản. Người tôi yêu, tuy được đảm bảo do Chúa, nhưng bằng một đảm bảo có điều kiện (nếu họ hợp tác và tôi không đổi thay). Người tôi yêu, tuy có thể nên một với Chúa do ân sủng, nhưng không bằng thứ Một như giữa Cha và Chúa.

Cũng do mầu nhiệm Nhập thể và ân sủng, tuy chúng ta thành một với Chúa và thành một với nhau, nhưng mỗi người vẫn còn khuôn mặt riêng của mình bên nhau và bên Chúa. Nên yêu ai trong Chúa, ta vừa yêu Chúa vừa yêu họ, lại yêu họ với tình yêu riêng biệt, trong những tương quan riêng giữa họ với mình.

TÓM LẠI

Con đường của tôi phải và chỉ là Yêsu Nadaret, nghĩa là để thấy Cha tôi phải nhìn vào Ngài, để tới Cha tôi phải nhập vào Ngài. Càng đi sâu vào Ngài, tôi càng đi sâu vào Cha, nên dù ở độ tối cao của suy chiêm và nên thánh, dù dưới thế hay trên Trời, Chúa Yêsu luôn là môi giới để tôi gặp Cha.

Chẳng những là Ðường, Chúa Yêsu còn là Ðích nữa. Ðích để tôn yêu và tôn thờ, tôn thờ Chúa như tôn thờ Cha, tôn thờ Chúa cùng với Cha. Ðối tượng tôn thờ nơi Chúa không phải chỉ là thiên tính, mà còn là chính nhân tính.

Ðể đến với Cha cũng như để nhập vào Chúa, tôi phải được đồng hóa với Chúa trong mầu nhiệm bộ ba (Nhập thể-Thánh giá-Phục sinh) bằng Phép rửa, bằng lễ Tạ ơn, bằng cách sống của mình.

Ðồng hóa tôi với Chúa, đó là công việc của Thần khí Chúa, nên biến đổi theo Chúa cũng là biến đổi theo Thần khí của Ngài vậy.

Nhờ Thần khí mà tôi có đức Ái Chúa, để bằng tình yêu trong đức Ái này, tôi có thể chạm tới đấng Tối cao.

Chẳng những Chúa là môi giới để tôi gặp Cha, Chúa còn là chỗ để tôi gặp anh chị em bằng một hiệp thông thiêng liêng nữa.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page