Suy Niệm Lời Chúa

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Năm C

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm C

Hãy về và đừng phạm tội nữa

(Isaia 43,16-21; Philíp 3,8-14; Gioan 8,1-11)

 

Phúc Âm: Ga 8, 1-11

"Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi".

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".

 

Suy Niệm:

"Tin Mừng sự sống". Ðó là tựa đề một thông điệp của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II được ký ban hành ngày 25 tháng 3 năm 1995.

Như chính Ðức Thánh Cha đã giải thích, đây là một bài suy niệm của ngài về sự sống. Ðứng trước nền văn hóa chết chóc đang lan tràn trên thế giới ngày nay, bên cạnh những tiến bộ vượt bực về khoa học kỹ thuật và ý thức mỗi ngày một gia tăng về nhân quyền, về bình đẳng, về liên đới huynh đệ... Nhân loại ngày nay lại đang đứng trước một đe dọa khủng khiếp nhất, đó là đe dọa của sự tự hủy. Mối đe dọa ấy có lẽ không đến từ chiến tranh, từ khoa học, vũ khí hạt nhân mà chính là từ sự đánh mất ý thức, về sự thánh thiêng của sự sống con người.

Một cách cụ thể chúng ta hãy nghĩ đến nạn phá thai và làm cho chết một cách êm dịu đang lan tràn trong thế giới ngày nay. Hai hành động giết người này đã được luật pháp của không biết bao nhiêu quốc gia nhìn nhận và hợp thức hóa. Cái mâu thuẫn lớn nhất của nhân loại ngày nay chính là, trong khi mạng sống của thú vật càng ngày càng được đề cao thì sự sống của những thai nhi và những người vô phương tự vệ lại càng ngày càng bị khinh rẻ. Ðiều khủng khiếp nhất chính là những hành động tội ác ấy lại được hợp thức hóa. Hành động xúc phạm đến mạng sống con người được đưa vào pháp luật. Từ nay nhân danh luật pháp do chính mình làm ra, con người tự cho mình có quyền sinh sát trên người khác. Con người dựa vào luật pháp do chính mình làm ra để chối bỏ lẫn nhau, đó là thảm trạng của nhân loại ngày nay.

"Tin Mừng sự sống". Chọn lấy đề tài này cho thông điệp của ngài, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II hẳn muốn ban cho con người thời đại Tin Mừng của chính Chúa Giêsu. Tin Mừng mà Chúa Giêsu mang lại cho nhân loại là Tin Mừng của sự sống, Tin Mừng ấy được cụ thể hóa qua sự tiếp cận thiết thân của Thiên Chúa làm người, với các trẻ thơ, với những người tàn tật bệnh hoạn, với những cô gái điếm, với những người thu thuế tội lỗi, với những người bị xã hội đẩy ra bên lề. Tin Mừng mà Giáo Hội muốn cho chúng ta lắng nghe hôm nay là một trong những trang cảm động nhất của Tin Mừng sự sống ấy.

Ðối với thái độ đầy sát khí của đám đông nhất là của các luật sĩ và biệt phái, Chúa Giêsu đáp lại bằng thái độ của thinh lặng, cảm thông và tha thứ. Ðám đông các luật sĩ và biệt phái nhân danh luật pháp để xử lý người đàn bà bị bắt quả tang phạm tôi ngoại tình, còn Chúa Giêsu lại kêu gọi tình thương. Ðám đông các luật sĩ và biệt phái đặt mình vào ghế thẩm phán để xét xử người đàn bà ngoại tình, Chúa Giêsu lại đặt chính họ vào hàng bị cáo. Ðám đông các luật sĩ và biệt phái xây dựng quan hệ giữa người với người trên luật pháp, còn Chúa Giêsu thì nói với họ rằng, tương quan với tha nhân sẽ được xây dựng trên sự cảm thông, lòng tha thứ, tình yêu thương. Và để có thể xây dựng được mối quan hệ yêu thương ấy, thì trước tiên con người phải cảm nhận được chính tình yêu của Thiên Chúa.

Những giây phút thinh lặng khi Chúa Giêsu cúi mình viết trên cát là lúc để cho mỗi người trong cái đám đông hung hãn ấy nhìn sâu vào tận đáy thẳm tâm hồn của mình. Ở đó con người sẽ nhận ra thân phận tội lỗi xấu xa của mình và đồng thời cảm nhận được tình yêu tha thứ của Chúa.

Ðám đông đã từ từ kéo nhau về sau khi đã nhìn sâu vào trong tâm hồn tội lỗi yếu hèn của mình. Họ ra về chắc chắn với một ý thức mới, không phải ý thức về sức mạnh của luật pháp do con người làm ra, mà về chính thân phận tội lỗi của mình. Ít nhất đó cũng là bước đầu của sự sám hối. Riêng người đàn bà cũng ra về, nhưng ra về với lời vỗ về yêu thương, tha thứ và cổ vũ của Chúa Giêsu: "Con hãy về và đừng phạm tội nữa". Ðó cũng là lời vỗ về mà Chúa Giêsu đang nói với mỗi người chúng ta. Ðó là Tin Mừng của sự sống.

Người đàn bà đang đứng bên bờ vực thẳm của chết chóc và thất vọng, đã được Chúa Giêsu kéo lên và ban cho một sức sống mới, một niềm hy vọng mới. "Con hãy về và đừng phạm tội nữa". Lời Tin Mừng sự sống này cần phải được chúng ta cảm nhận như một lời sai đi, cảm nhận được tình yêu tha thứ của Chúa. Chúng ta được sai đi để loan báo, làm chứng và chia sẻ tình yêu ấy với mọi người. Chúa đã ban cho chúng ta một cơ may để bắt đầu lại, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ không ngừng và mang lại một cơ may mới cho người khác. Có sống như thế, chúng ta mới thật sự góp phần vào việc kiến tạo nền văn minh của tình thương, một nền văn minh không phải chỉ dựa vào khoa học kỹ thuật hay luật pháp của con người, mà được xây dựng trên tình yêu và lòng tha thứ.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page