Suy Niệm Lời Chúa
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Năm C
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 6 Mùa Thường Niên Năm C
Phó thác nơi Thiên Chúa
(Giêrêmia 17,5-8; 1Côrintô 15,12.16-20; Luca 6,17.20-26)
Phúc Âm: Lc 6, 17. 20-26
"Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có".
Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: "Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.
"Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả".
Suy Niệm:
Ông Arafat, nguyên lãnh tụ phong trào giải phóng Palestin, lúc ông còn sống đã là người đầu tiên nhiệt liệt ủng hộ cựu tổng thống độc tài Saddam Hussein của Irak, bởi vì ông tin chắc rằng chuyến này, nhân dân Palestin cũng sẽ giành lại được quyền tự quyết. Nhưng sau khi Irak bại trận, ông Arafat và nhân dân Palestin lại bị bỏ rơi, và họ mới vỡ lẽ ra là mình cũng chỉ là một thứ chiêu bài chính trị được ông Saddam hoan hô nhằm phục vụ cho mưu toan của Irak trong ván cờ phức tạp khi đánh ở vùng Trung Ðông.
Biết tin vào ai, và biết cậy vào ai trong thế giới chỉ biết trọng kim tiền và khinh dể công lý, các quyền tự do căn bản của những con người này? Bởi vì các quốc gia, các phe nhóm, các lực lượng ý thức hệ, kinh tế, chính trị, xã hội hùa nhau đó nếu không còn lợi lộc gì thì trong nháy mắt họ quay lưng trở mặt lại với nhau.
Các bài đọc phụng vụ hôm nay cống hiến cho chúng ta một lời giải đáp. Có lúc người nghèo khó chỉ phó thác nơi Thiên Chúa chớ không cậy dựa nơi sức mạnh vật chất và khả năng của loài người mau tàn lụi và hay hư nát. Giáo huấn của tiên tri Giêrêmia đoạn 17,5-8 viết cũng là điều thánh vịnh 146 và 40 khuyên nhủ chúng ta: "Con đừng cậy dựa nơi vua chúa và kẻ quyền quí, vì loài người không thể cứu được con. Phúc cho ai được Chúa nhà Giacóp trợ lực. Phúc cho ai hy vọng nơi Chúa và không về phe với kẻ kiêu căng cũng không chạy theo sự dối trá". Thánh vịnh 1 cũng đưa ra cùng lời khuyên nhủ như trên và rất giống giáo huấn của tiên tri Giêrêmia: "Khốn cho những ai cậy dựa nơi con người". Tức là cậy dựa nơi những phường tội lỗi gian ác, vì chúng có quyền cao chức trọng và giàu có, tiền rừng bạc bể đến đâu đi nữa chúng cũng không thể cứu chính mình và cứu được ai.
Sức lực con người là bao, cuộc đời con người là mấy? Có kẻ quyền quý nào mà lại không phải chết và tan biến thối rữa đâu? Con người tự bản tính thường hay ích kỷ hẹp hòi và ham danh lợi, thấy quyền cao chức trọng và của cải, nó thường tới mức họ quên hết mọi điều cao đẹp khác. Do đó, cậy dựa vào con người quả thật là thái độ khờ dại. Khi con người tự cậy dựa nơi mình và khép kín với Thiên Chúa và tha nhân, nó cố trở nên khô cằn và chết đi, nó giống như cây me mọc trong hoang địa khô cằn và chết héo. Do đó, các lời tiên tri Giêrêmia tố cáo dân Israel hồi thế kỷ thứ VII trước Tây lịch, cũng còn rất là thời sự đối với con người sống trong thế giới ngày nay, là một thế giới chủ trương lấy con người làm thước đo mọi sự. Tám mối Phúc thật và Lời Chúa Giêsu đe dọa những người giàu có như tường thuật trong Phúc Âm thánh Luca, đoạn 6, cũng là mời gọi chúng ta đừng lấy tâm thức của thế giới con người làm mẫu mực cuộc sống nhưng hãy lấy cái nhìn của Thiên Chúa.
Bốn mối Phúc thật và bốn lời chúc dữ trong Phúc Âm thánh Luca. Mối phúc thật là một kiểu hành văn quen thuộc của nền văn chương tiên tri và nền văn chương khôn ngoan, loan báo một niềm vui trong hiện tại hay trong tương lai. Nó cũng không phải là một lời cầu chúc mà là một khẳng định, một lời cam kết long trọng được tuyên bố với chính quyền bính và sức mạnh của Thiên Chúa, Ðấng luôn hoạt động trong lịch sử loài người để thực hiện sự công chính của Ngài. Các mối phúc thật của Chúa Giêsu công bố đảo lộn mọi giá trị trong tâm thức và kiểu cách nhìn bình thường của con người, bởi vì chúng diễn tả một cuộc cách mạng nội tâm sâu xa, có năng lực biến đổi hoàn cảnh sống bên ngoài của thế giới loài người. Chúa Giêsu không chúc lành hay chúc dữ cho một số cảnh sống nghèo. Tự chúng sự giàu có và của cải vật chất không phải là những gì đáng khinh rẻ, bởi vì chúng cũng được Thiên Chúa tạo thành, giúp con người sống sung túc và hạnh phúc. Một khi con người coi chúng như là một giá trị tuyệt đối, tôn chúng lên địa vị của Thiên Chúa và quỳ thờ lạy chúng, thì khi đó, của cải đáng chúc dữ và khốn cho những người thờ lạy chúng. Bởi vì khi đó của cải vật chất khiến cho con người khép kín ơn trời, cuộc sống của mình trong một chút hạnh phúc bé nhỏ, hạn hẹp mau qua của thế giới vật chất này, mà quên đi cuộc sống đích thật mà Thiên Chúa cống hiến cho mình. Của cải khi đó đáng chúc dữ vì nó khiến cho chúng ta đóng chặt, khép kín cửa nhà và cánh cửa tâm lòng mình trước những người anh em túng thiếu, khổ đau, quên Chúa, xa Chúa và đánh mất đi cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu của mình.
Cũng thế, sự nghèo nàn và các khổ đau trong cuộc sống con người tự chúng là những gì đáng ghê sợ, vì chúng hủy hoại hạnh phúc của con người, do đó cần phải cố gắng bài trừ chúng trước hết bằng cách loại trừ các nguyên nhân gây ra chúng. Thật ra, Chúa Giêsu không đề cao sức tàn phá tiêu cực đó của nghèo đói và khổ đau. Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy ơn cứu độ Ngài đem đến cho con người là ơn cứu độ toàn vẹn, đem lại của ăn và sức khỏe cho thân xác cũng như cho linh hồn. Ðó là ý nghĩa các phép lạ nuôi dân và chữa lành mọi tật bệnh cho con người. Nhưng trái lại, Chúa Giêsu cũng coi nghèo đói và khổ đau cũng là ân phước, vì chúng có thể giúp con người hồi tâm ăn năn hối cải, rộng mở tâm lòng để hiểu biết và đón nhận tình thương sâu xa của Thiên Chúa và ký thác nơi Ngài. Khi tuyên bố: Phúc cho những người nghèo hèn, đói khát, khóc lóc và khổ đau vì bị người đời hất bỏ, Chúa Giêsu không muốn trói buộc con người trong tình trạng nghèo nàn và khổ đau, mà Ngài muốn cho họ hiểu rằng, ngay cả khi phải sống trong những hoàn cảnh tiêu cực ấy, như hậu quả của bất công xã hội, ngay cả cái chết của con người họ vẫn được Thiên Chúa yêu thương và vẫn có thể rộng mở tâm lòng đón nhận ơn cứu độ Ngài ban.
Cái nghèo đói và khổ đau vật chất là cái nghèo đói và khổ đau có phước, vì nhờ đó con người được gặp gỡ Thiên Chúa và được ơn cứu độ. Nói tóm lại, người giàu có không phải vì giàu mà bị án phạt; người nghèo khó và khổ đau không phải vì nghèo khó và khổ đau mà được trọng thưởng. Giàu cũng như nghèo, ai cũng phải nỗ lực sống Tin Mừng yêu thương, chia sẻ đại đồng của Chúa để được cuộc sống đời đời.
Ðó cũng là điều thánh Phaolô nhắc nhủ chúng ta trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô, chương 15: Niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh phải giúp chúng ta chết đi cho những kiểu cách suy tư hành xử cũ của con người trần gian. Niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh phải trao ban cho chúng ta một tâm thức mới, một kiểu cách suy tư lý luận mới, một cái nhìn mới, một nếp sống mới đặt nền tảng trên Tin Mừng Phục sinh và trên các mối phúc thật. Nói cách khác, khi tuyên xưng lòng tin vào Chúa Kitô Phục sinh là chúng ta chấp nhận nhìn mọi sự với chính đôi con mắt của Thiên Chúa và sống theo các nấc thang giá trị Tin Mừng của Chúa. Tin vào Chúa Kitô Phục sinh cũng có nghĩa là biết lấy các giá trị đó làm mẫu mực và nền tảng cho cuộc sống gia đình và xã hội.