Suy Niệm Lời Chúa
Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Năm C
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chúa Nhật 3 Mùa Thường Niên Năm C
Phát huy cuộc sống tâm linh
và các giá trị tinh thần
(Nêhêmya 8,1-4a.5-6.8-10; 1Côrintô 12,12-30; Luca 1,1-4; 4,14)
Phúc Âm: Lc 1, 1-4; 4, 14-21
"Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này".
Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.
Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:
"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng".
Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe".
Suy Niệm:
Người ta kể: "Có ông nhà giàu Do Thái kia có tên là Rabba, nhiều ruộng vườn, gia nhân đầy tớ và thợ làm công. Một hôm có người thợ làm việc cho ông lỡ làm bể một thùng rượu, ông giận dữ mắng, chửi thậm tệ và buộc bồi thường. Bọn thợ đến than phiền với một tiến sĩ luật, vị này khuyên ông Rabba tha cho đám thợ nghèo. Ông Rabba hỏi vị luật sĩ: "Ðây có phải là luật Chúa không?" Vị tiến sĩ trả lời: "Phải, nếu ông hiểu biết tinh thần luật". Nghe thấy, Rabba tha không đòi đám thợ bồi thường nữa. Có lần khác, đám thợ can đảm than thở thẳng với ông chủ của họ: "Thưa ông, chúng tôi quá nghèo túng, mặc dầu được ông thương cho việc làm và chúng tôi cũng đã làm hết sức như ông thấy, nhưng chúng tôi cũng đói khổ và thiếu thốn mọi sự". Vị tiến sĩ biết chuyện, nói với ông Rabba: "Ông hãy cho họ lãnh lương tháng trước đi, nhưng đừng ghi sổ và sau đó sẽ quên chuyện này". Ông Rabba hỏi: "Ðây có phải là luật Chúa không?" Vị tiến sĩ luật trả lời: "Phải, nếu ông hiểu tinh thần luật, vì thật ra luật Chúa đòi buộc công bằng, nhưng có chủ đích làm cho con người trở nên tốt lành hơn".
Qua các bài đọc Chúa nhật hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa, mở mắt tinh thần canh tân tâm lòng và sống tốt lành hơn giữa những suy đồi xã hội một cách đích thực. Esdra và Nêhêmia là hai vị lãnh đạo Do Thái đã có công rất lớn trong nỗ lực hồi sinh dân Israel, tái thiết thành Giêrusalem và xây lại đền thờ sau khi họ từ Babylon trở về nước vào năm 537 trước Tây Lịch. hai tác phẩm mang tên hai vị tường thuật công tác tái thiết cuộc sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và tôn giáo của dân Do Thái trong thời ấy. Chương VIII sách Nêhêmia nêu bật vai trò của Lời Chúa trong công trình tái thiết. Thật vậy, đối với dân Do Thái là dân riêng Chúa chọn, đã nhận được luật lệ Chúa ban, nghĩa là Lời Người nói với họ, thì công trình tái thiết không thể chỉ hạn hẹp trên bình diện vật chất như xây lại nhà cửa đền đài, tổ chức trở lại bộ máy chính trị, kinh tế và các dịch vụ hành chánh của cuộc sống thường ngày, mà còn phải tái thiết cuộc sống tinh thần nữa.
Tái thiết ở đây, trước tiên có nghĩa là trở về với các đòi buộc của Giáo Hội, tuân giữ các luật lệ của Chúa, sống chìm ngập trở lại trong bầu khí đạo hạnh, tin tưởng vững mạnh vào các Lời Chúa hứa vào giao ước và các phúc lành của Chúa. Nói cách khác, dưới ánh sáng Lời Chúa, việc tái thiết đầu tiên mà dân Do Thái phải làm là công cuộc tái thiết cuộc sống nội tâm, cuộc sống tinh thần bị tội lỗi phá hủy. Vì nếu không thì công cuộc tái thiết vật chất cũng sẽ không giúp dân Do Thái hồi sinh thật sự. Có đền thờ đẹp mà làm gì với tâm lòng con người đầy tràn tội lỗi và xa rời Thiên Chúa. Ðây là lý do giải thích tại sao mặc dầu có rất nhiều điều phải làm trong giai đoạn tái thiết, ông Nêhêmia vẫn tổ chức các buổi cử hành Phụng vụ Lời Chúa và dành thời giờ cho việc đọc, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, và toàn dân tán thành việc tái thiết cuộc sống tinh thần do ông đề xướng.
Mặc dầu giờ đây họ cũng đang rách rưới, đói khát cơm bánh, cần đến nhà cửa và công ăn việc làm, nhưng người dân hiểu rằng trong quá khứ, kiểu cách sống tội lỗi sa đọa của họ đã khiến cho Giêrusalem bị đánh chiếm và thành thánh bị phá hủy bình địa, thì giờ đây, chỉ có cuộc sống tâm linh mới giúp họ duy trì những gì họ sẽ xây dựng mà thôi. Nếu không có nếp sống tinh thần mạnh mẽ, nền văn minh vật chất cao, sớm muộn gì cũng dẫn đưa con người đến chỗ diệt vong.
Lịch sử thăng trầm của mỗi dân tộc trên thế giới đều minh xác sự thật này. Sự suy đồi luân lý đạo đức và các giá trị tinh thần là dấu chỉ các bước đầu suy thoái của một xã hội. Do đó phát huy cuộc sống tâm linh và các giá trị tinh thần là cách thế hữu hiệu nhất giúp duy trì và thăng tiến cuộc sống xã hội. Ngay trên bình diện vật chất, lập trường của ông Nêhêmia là một bài học quí báu cho các vị lãnh đạo tinh thần, cho các cộng đoàn dân Chúa. Công việc cấp thiết nhất luôn luôn là việc đào tạo nhân lực, củng cố tinh thần sống đạo sâu đậm của tín hữu, chớ không phải là xây thêm nhiều nhà thờ và cơ sở cho to, cho lớn, cho đẹp. Các cơ sở cần thiết nhưng chúng không làm nên sức mạnh của cộng đoàn dân Chúa. Nguyên tắc này đã được thánh Phaolô áp dụng như tường thuật trong chương 12 thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô.
Cộng đoàn này hồi đó bị chia rẽ nội bộ trầm trọng, các cuộc cải vã, tranh chấp giành địa vị xảy ra trong các tầng lớp trong cộng đoàn, thêm vào đó là kiểu cách sống và hành xử đi ngược tinh thần Kitô. Trong các tín hữu có người sống dâm loạn, buông thả các nhân đức Kitô, đặc biệt là đức bác ái bị lãng quên. Ðể tái tạo sự hiệp nhất giữa các thành phần cộng đoàn và cho thấy tất cả mọi người đều có một chỗ đứng quan trọng và một phận vụ cần thiết đối với cộng đoàn, thánh Phaolô đã dùng lại hình ảnh thân mình và các chi thể là một hình ảnh quen thuộc trong nền văn chương Ai cập, và nhà văn Rôma, Titô Liviô, đã dùng lại để diễn tả nỗ lực của hoàng đế Agrippa làm hòa lại giữa hai nhóm cùng đinh và quý tộc Rôma tranh chấp chống đối nhau. Tuy nhiên, thánh Phaolô không chỉ dùng hình ảnh thân mình và chi thể như một kiểu nói ám chỉ, diễn tả tính cách bổ túc và phối hợp điều hòa giữa các chi thể với nhau trong thân thể con người, mà thánh nhân cũng còn rất thường hay nói đến thân mình thật sự của Chúa Kitô là bí tích Thánh Thể và thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô là cộng đoàn tín hữu, là Giáo Hội. Cộng đoàn tín hữu phải có khả năng diễn tả cho mọi sinh hoạt và kiểu cách sống của mình, những gì được biểu lộ trong bí tích Thánh Thể, nghĩa là diễn tả sự hiệp nhất tinh thần, chia sẻ ơn thánh, thái độ sống tận hiến cho nhau, hòa tan trong nhau và xây dựng cho nhau và với nhau. Ðiều đó cũng có nghĩa là các tương quan giữa các tín hữu với cộng đoàn và nhiệm vụ mỗi người giữa lòng Giáo Hội, phải được sống như trong bí tích Thánh Thể, phục vụ, hy sinh và tận hiến, chớ không được để cho chủ trương tranh giành địa vị, đòi hỏi quyền lợi như các thái độ vụ lợi trần tục chi phối và hướng dẫn.
Trong viễn tượng và tinh thần đó, mỗi một Kitô hữu đều tìm ra chỗ đứng của mình trong lòng cộng đoàn Giáo Hội mà không bị rơi vào chước cám dỗ coi mình là có nhiều khả năng nhất, tài giỏi nhất và giữ địa vị quan trọng nhất, không có mình thì không xong. Thay vì cố gắng xây dựng vun trồng cộng đoàn Giáo Hội vững mạnh thì lại sống phản chứng, ích kỷ, kiêu căng ngạo mạn để đi đến chỗ trở thành dụng cụ của Satan, đánh phá Giáo Hội, gây chia rẽ kỳ thị khiến cho cộng đoàn Giáo Hội bị thương tích tan rã và suy yếu đi.
Mỗi khi không sống theo mẫu gương của Chúa Giêsu Kitô và không diễn tả những gì được thể hiện qua bí tích Thánh Thể, là người tín hữu chối bỏ ơn cứu độ mà Chúa Giêsu Kitô đã đem đến cho nhân loại khi nhập thể làm người, khi bước vào lịch sử và sống giữa lòng xã hội con người. Trong chương 1 và 4, thánh Luca có ý củng cố niềm tin của tín hữu, đặc biệt những người nghi ngờ nền tảng lịch sử của ơn cứu độ. Thánh nhân đề nghị với mọi người theo sát chương trình sống của Chúa Giêsu Kitô, chương trình này hiện thực Lời Thiên Chúa hứa, vĩnh viễn can thiệp vào cuộc sống của con người đã bị tội lỗi biến sự sống trở thành cái chết. Tất cả những động từ thánh Luca dùng trong chương 4,14-21, như giải thoát, chữa lành, trao ban ơn thánh cho con người, diễn tả ơn cứu độ toàn vẹn mà Chúa Giêsu đem đến cho nhân loại. Chúng cũng phải là kiểu cách sống của một Kitô hữu, khi nào và ở đâu có bóng dáng Kitô hữu, thì ở đó bóng tối của sự dữ cũng phải bị đẩy lui. Khi đó, ở con người cũng có cuộc sống sung túc lành mạnh hơn trên thân xác mà nhất là trong tinh thần. Ðây là lý do giải thích mọi nỗ lực và mọi sinh hoạt của xã hội trong việc củng cố cuộc sống tâm linh và thăng tiến cuộc sống xã hội cho con người. Tinh thần minh mẫn trong thân thể tráng kiện, một thân thể có to lớn mập mạp béo tốt đến đâu mà không có tinh thần và tâm trí lành mạnh, thì cũng chỉ là một thân thể bệnh hoạn đáng thương.