Ðây là căn bệnh trầm kha nhất. Vô cùng nguy hiểm vì nó thường là căn nguyên của các bệnh khác.
Một cơ thể mà các tế bào chống nhau thì làm sao sống được. Nội bộ một cộng đoàn mà chưa hợp tác với nhau được thì đừng nên bàn chuyện đấu tranh, giải phóng. Ai ở thôn quê đều biết hoàn cảnh cấy lúa. Một mảnh ruộng cần cả chục người cấy suốt ngày. Lưng đội trời nóng cháy da, tay xé lúa nhấn xuống bùn, bẩn và mệt. Nhưng cũng miếng ruộng đó chỉ cần một người thôi là chỉ trong vòng vài ba tiếng đồng hồ là nhổ sạch. Xây khó, phá rất dễ.
Một cách hay nhất để tránh và chữa bệnh này là lắng nghe người khác, sẵn sàng chấp nhận cái khác của người. Câu chuyện tổng thống Lincoln nước Mỹ là một bài học. Trong cuộc chiến Nam Bắc, ngày nọ trước ba quân ông xuống lệnh hành quân. Một anh sĩ quan phản đối và cho rằng Lincoln điên khi hạ lệnh đó. Có người vào báo cáo. Lincoln cả giận. Nhưng thay vì tức khắc cho thi hành kỷ luật đối với thuộc viên, ông cho mời người đó vào. Và sau khi nghe trình bày phải trái, Lincoln đổi ý, trao trách nhiệm lớn cho vị sĩ quan đó. Ông biết lắng nghe nên đã tránh được đổ vỡ lớn cho binh sĩ và quốc gia.
Trong một giáo phận, một cộng đoàn, một hiệp hội, việc làm tổn thương, mất giờ để giải quyết nhất của Giám Mục, của những người có trách nhiệm, là chứng bệnh triền miên bè phái, chia rẽ - mà những người mắc bịnh thường vẫn tưởng mình đạo đức. Có nhiều người "phạm tội vì Chúa": lấy lý do "vì Chúa" mà loại trừ kẻ khác, không thuộc phe ta. Người Pháp đã nếm kinh nghiệm cay đắng tai hại của bịnh nầy nên có câu châm ngôn: "Ðừng vì kính mến Chúa mà chống kẻ khác". Chúa Giêsu biết trước điều nầy nên Ngài tha thiết cầu xin trước giờ tử nạn: "Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để thế gian tin Cha đã sai con" (Gioan. 17, 21). Nếu ta không hiệp nhất thì thế gian không tin. Lời ông Gandhi đáng cho ta suy nghĩ: "Tôi yêu Chúa Kitô, nhưng tôi không yêu người Kitô hữu vì họ không giống Chúa Kitô".
Trong Hội thánh, óc bè phái là một phương thức chắc chắn nhất để giới hạn ảnh hưởng của Phúc âm.
Thánh Phaolô đã
nói trong thư gửi Titô: "Cộng
đoàn Kitô hữu là một môi
trường, là một nơi nhà chung,
ở đó chấp nhận mọi sự
khác biệt.
Ở đó mọi người sẽ
chung sức đấu tranh để nhân
loại được hợp nhất.
Ở đó không có những
ủy ban riêng biệt, không phân chia giai
cấp, không mưu đồ cấu tạo
những cộng đoàn đồng nhất
nhưng lại khép kín, không có chỗ
cho người không thuộc "phe ta"
(Ti. 2,1-14).
Xin Chúa cho con thành thực
với chính mình con, kẻo con sống
đạo đức theo lối "đạo
đức trá hình" theo "óc
bè phái", xây dựng những
"pháo đài", những "lô
cốt" kiên cố chỉ dung nạp những
ai là đồ đệ của con,
Và làm cho bao tâm hồn, bao khả năng
trong Hội thánh phải héo khô, cằn
cỗi, nghèo nàn, thất vọng.
Bởi con độc ác, không cho họ
một chỗ đứng nào trong Hội
thánh, chỉ vì một tội là không
theo "đàng nhân đức"
của con, không phải đồng hương...
đồng khói, không họ hàng linh
tông, không thuộc "cánh ăn nhậu"
với con.
Phúc âm là ân huệ
mở rộng cho mọi người
Dù ở ngoài Hội Thánh cũng
sử dụng được.
Ðiều quan trọng không phải là làm cho Hội thánh vinh quang, làm lợi cho giáo dân. Quan trọng là làm cho sức mạnh của sự thật Nước Trời được phổ biến đến mọi người. Chúa Giêsu dạy các Tông đồ: Ðừng ngăn cản người ngoài nhân danh Ngài mà trừ quỷ (Lc. 9, 49-50).
Ngài muốn cho chúng ta hợp tác huynh đệ với mọi người chứ không khư khư làm đại lý độc quyền về Sự thật.
Ở đâu có tình yêu cộng tác, ở đó có Chúa Giêsu.
Con phải phục vụ Hội
thánh, làm tôi tớ khiêm tốn
và trung thành của Sứ điệp
Chúa Giêsu.
Chứ không phải là chủ ông
quan liêu,
Gây trở ngại khó khăn, khiến
người ngoài muốn tìm Chúa,
phải hiểu lầm, thất vọng và
xa cách.
Xin Chúa cho con năng xét
mình.
Vì lời nào? Cử chỉ nào?
Thái độ nào của con?
Mà người ta xa Chúa, thất vọng,
hiểu lầm Hội thánh.
Con có vui mừng vì có nhiều
sứ giả Phúc âm?
Có vui mừng hợp tác với
họ, nâng đỡ họ?
Hội thánh khó tiến triển, vì
có nhiều chủ ông của Phúc
âm và hiếm tôi tớ trung thành
phục vụ Phúc âm.
(Ghi lại bài nói chuyện của Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận với Cộng Ðồng người Việt Công Giáo tại Strasbourg, Pháp, chiều ngày 12.09.1998)