Niềm Vui Sống Ðạo

Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


I. Thập Ðại Thành Công:

6. Chiều rộng của đời tôi là gì?

Sách thánh hiền xưa viết: "Hữu bách tuế nhi đồng, hữu thất tuế như ông" (tạm dịch "có người trăm tuổi vẫn là trẻ con, có đứa bé mới có bảy tuổi đã là người trưởng thành").

Ðối với Hội thánh cũng như đối với Gia đình, Tổ quốc, chúng ta trưởng thành khi nhận lấy trách nhiệm suy tư cũng như hành động.

Những người thiếu trưởng thành mắc bệnh "đợi chờ phép lạ". Họ không muốn đưa vai gánh vác, không mệt óc nghĩ ra sáng kiến, như trẻ con không đóng góp, nhờ người khác bế bồng, cầm tay dẫn đi, khuyên bảo, động viên khi lo sợ khó khăn. Khi một cộng đoàn, một xã hội gặp những người như vậy thì rối beng tùm lum, hoặc là xoay đổi quyết định như chong chóng khi bị những lãnh tụ rỡm lợi dụng.

- Sống trưởng thành là làm người có trách nhiệm với kẻ khác

Khi còn bé, tôi cần đến kẻ khác để sinh dưỡng, giáo dục, bảo vệ tôi. Nhưng tôi phải trưởng thành để hoàn thành nhân cách. Người trưởng thành là người ý thức về sự hiện diện và tự do của kẻ khác; và hơn nữa là mang lấy trách nhiệm dưỡng nuôi, giáo dục, bảo vệ...kẻ khác. Người trưởng thành không mãi thụ động chờ đợi người khác phục vụ mình, ban cho mình các quyền lợi, nhưng ý thức trách nhiệm phải tích cực dấn thân gánh vác các công việc gia đình, cộng đồng, quốc gia và giáo hội.

- Sống trưởng thành là biết cân nhắc, suy xét và can đảm quyết định.

Chúng ta luôn cần có những cố vấn trong các công việc cá nhân hay tập thể, nhưng không ai có thể quyết định thay chúng ta. Cá nhân cần can đảm chọn lựa, quyết định để trưởng thành; đoàn thể cần tự quyết định để định hướng sinh hoạt; quốc gia cần quyết định để thể hiện độc lập và tự do của mình.

- Sống trưởng thành là dấn thân thực hiện công ích và thúc đẩy tiến bộ.

Trưởng thành là vượt qua thái độ tắc trách, tự tách mình ra khỏi trách nhiệm cộng đồng để mãi giữ lấy thái độ phê bình, chỉ trích, xoi mói, bàn tay sạch. Cuộc sống gia đình, cộng đồng, giáo hội hay quốc gia là nỗ lực đóng góp chung mà mỗi người dấn thân gánh vác phần của mình để xây dựng và kiện toàn. Cần chiến thắng nếp sống thụ động, tiêu cực và cố chấp hầu mở rộng lòng hầu đón nhận chân lý yêu thương của Phúc âm, cập nhật những điều hay tốt, mới lạ nơi các dấu chỉ của thời đại để định hướng bước đi của mình, thúc đẩy tiến bộ.

Mẫu mực yêu thương trưởng thành là tình yêu Chúa Kitô, Ðấng đã yêu thương đến hy sinh mạng sống. Chúa Kitô, kẻ vô tội, không đến để xét đoán, nhưng gánh lấy tội con người, tội xã hội để cứu độ. Vì yêu thương mà phải có trách nhiệm, trách nhiệm với mọi người, không trừ ai, dù là kẻ thù của mình:

"Cha của anh em, Ðấng ngự trị trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn nầy phải hư mất" (Mt 18, 14).

Không rời vị trí, không bỏ trách nhiệm


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page