Kỷ niệm 40 năm
Thông điệp của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII
"Pacem in Terris" (Hoà Bình Trên Thế Giới)
Kỷ niệm 40 năm Thông điệp của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII "Pacem in Terris" (Hoà Bình Trên Thế Giới).
Lang Biang dịch
Vatican (Zenit 12-9-2003) - Thông điệp của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII "Pacem in Terris" (Hoà Bình Trên Thế Giới) đã được 40 năm: Ủy ban Toà Thánh về Công Lý và Hoà Bình đón chào sự cập nhật hoá và lợi ích của nó trong bối cảnh bi thảm của những đe doạ hiện tại chống lại hoà bình. Một ấn bản mới có cả chú thích của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Sứ Ðiệp của ngài ngày 1 tháng 1 năm 2003 nhân Ngày Thế Giới Cho Hoà Bình đã được thực hiện, như bản thông tin của Bộ Công Lý và Hoà Bình đã đề cập đến.
Những đòi hỏi để xây dựng một trật tự xã hội mới ở thời đại toàn cầu hoá dưới ánh sáng của những lời dậy của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII trong Pacem in Terris là điều hiện đại hơn bao giờ hết. Cuốn sách nhỏ này được nhà xuất bản Libreria Editrice Vaticana ấn hành.
Mục đích của lần tái bản này nhằm đề nghị cho những người có thiện chí hôm nay có cơ hội đọc thông điệp đã được in cách đây 40 năm như là tuyệt đỉnh và tổng hợp về chiều sâu của đề tài hoà bình và sự cần thiết cần có một văn hoá cho hoà bình.
Bản văn được mở đầu bằng lời dẫn nhập của Ðức Hồng Y Angelo Sodano và lời giới thiệu của Ðức Tổng Giám Mục Renato Martino, chủ tịch Bộ Công Lý và Hoà Bình. Tiếp theo là sứ điệp của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II như là lời chú thích có thẩm quyền nhất.
Một trong những điều mà Ðức Hồng Y Sodano nhấn mạnh đến như là mẫu số chung giữa thời thông điệp được xuất bản và thời đại hôm nay là một cảm nhận bàng bạc về nỗi sợ hãi, gây nên do cuộc chạy đua theo vũ khí, sự đe doạ nguyên tử thời đó và ngày hôm nay do "sự bùng phát của hiện tượng khủng bố trong tất cả những kinh hoàng của nó". Ngài cũng nhắc nhở đến tầm quan trọng của bốn cột trụ của hoà bình như thông điệp đã đề cập: "chân lý, công lý, tình yêu, tự do", những giá trị này đòi hỏi "sự tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền của con người, sự thực hiện bổn phận, sự ý thức nằm trong cộng đồng thế giới và sự cần thiết có một thẩm quyền siêu quốc gia, được dựng nên không phải do bắt buộc nhưng từ một sự đồng tình chung, và có một tương quan bổ túc đối với thẩm quyền quốc gia".
Riêng Ðức Giám Mục Martino, ngài nhấn mạnh đến những khía cạnh hiện đại khác của Pacem in Terris như là những hoang phí tài nguyên thiên nhiên trong việc sản xuất vũ khí, công bằng xã hội, và trong viễn tượng toàn cầu, sự lệ thuộc vào nhau giữa các dân tộc, tương quan sản xuất giữa Bắc và Nam, sự cần thiết củng cố Liên Hiệp Quốc và quyền độc lập của các dân tộc.
"Bốn mươi năm sau, những lời của Gioan XXIII lại hiện diện với chúng ta với một sự hợp lý thật đặc biệt và một sức mạnh chân lý không đổi thay. Nếu thời đó có một loại cực đoan chính trị (fondamentalisme politique) thì ngày hôm nay có nguy hiểm của một loại cực đoan tôn giáo (fondamentalisme religieux), người ta làm méo lệch khuôn mặt chân thật của tôn giáo khi dùng tôn giáo như dụng cụ chiến đấu giữa người với người. Nếu cách đây 40 năm, nền hoà bình giữa các quốc gia bị đe doạ bởi sự đối lập giữa các khối khô cứng, thì ngày hôm nay nền hoà bình cũng có thể bị đe doạ bởi sự thiếu đối thoại giữa các quốc gia và các dân tộc. Nếu thời đó vì nhân danh cho hoà bình, người ta nhấn mạnh đến sự khác biệt bị chà đạp bởi những chế độ độc tài, thì ngày hôm nay người ta phải nhấn mạnh đến những cái chung và hiệp nhất như là nền tảng và thước đo của chính những sự khác biệt".
Cuối cùng, như bản thông tin đề cập, việc đọc lại Pacem in Terris của nhà xuất bản Libreria Editrice Vaticana rất bổ ích và cần thiết dưới dấu hiệu của niềm hy vọng và sự lạc quan kitô giáo.
Thông tấn Zenit
Lang Biang dịch