Thông điệp

"Hòa Bình trên Thế Giới" (Pacem in Terris)

và Lời kêu gọi hoà bình

 

Thông điệp "Hòa Bình trên Thế Giới" (Pacem in Terris) và Lời kêu gọi hoà bình.

David Werning

22/11/2022

Giữa tháng 10 năm 1962, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII thức suốt đêm soạn thảo bức thư mà ngài dự định gửi đến Tổng thống John F. Kennedy và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nikita Khrushchev. Hai nhà lãnh đạo cùng hai đất nước đang mắc kẹt trong vấn đề mà sau đó gọi là khủng hoảng tên lửa Cuba. Hiểu được hậu quả thảm khốc của cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, Ðức Thánh cha trở thành sứ giả giữa hai vị nguyên thủ để khuyến nghị một kết quả hoà bình. Ngài cũng đọc một thông điệp trên đài Vatican kêu gọi hai quốc gia lựa chọn đối thoại thay vì đối đầu.

Thông điệp của Ðức Thánh Cha được lặp đi lặp lại trên các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới. Vào ngày 28 tháng 10 năm 1962, cuộc khủng hoảng chấm dứt khi Liên Xô đồng ý loại bỏ tên lửa khỏi Cuba và Mỹ hứa không xâm lược hòn đảo này (vốn lệ thuộc vào viện trợ của Liên Xô). Vào ngày 11 tháng 4 năm 1963, chưa đầy một năm sau, Ðức Gioan XXIII ban hành Thông điệp "Pacem in Terris" (Hoà bình trên thế giới) kêu gọi hoà bình trên toàn thế giới.

Bối cảnh

Rõ ràng cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba là động lực chính để viết Thông điệp Pacem in Terris. Tuy nhiên còn có những quan ngại khác. Chiến tranh lạnh, thời kỳ mà Mỹ và Liên Xô tranh giành quyền lực và ảnh hưởng lên những nước như Ðức, Hungary hay Hàn Quốc, vẫn tiếp diễn và do đó cũng có mối đe doạ lớn dần về chiến tranh hạt nhân. Ðồng thời bất ổn dân sự gia tăng với việc người dân yêu cầu trách nhiệm và sự minh bạch từ các nhà lãnh đạo và chính phủ.

Ngay cả trong Giáo hội, có những bất đồng làm xấu đi tình huynh đệ và bác ái mà các tín hữu được mời gọi thực thi. Việc mở Công đồng Vatican II ngày 11 tháng 10 năm 1962 (ngay cả khi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đang bắt đầu), đã vấp phải những quan điểm chống đối từ các giám chức về lập trường Giáo hội thời hiện đại: phòng thủ đối lại với mục vụ. Thế giới đang đi theo một quỹ đạo hướng đến xung đột nhiều hơn, đây là lý do vì sao Ðức Gioan XXIII muốn nhắc nhở thế giới về một cách thức khác để cùng chung sống trên hành tinh này.

Nội dung

Ðức Thánh Cha khẳng định trong Thông điệp Pacem in Terris rằng con người -và do đó xã hội- có khả năng lựa chọn hoà bình. Ngài gởi thông điệp này đến tất cả những người thiện chí: Mọi người, thuộc mọi thời đại, đều khao khát và tìm kiếm hoà bình trên trái đất (x. số 166). Ước vọng này không đặt sai chỗ, vì hoà bình có thể đạt được "một khi người ta triệt để tôn trọng cái trật tự mà Chúa đã thiết lập" (số 1).

Con người có thể nhận biết và tuân theo trật tự thần linh này bởi vì bản tính con người -được Thiên Chúa dựng nên- bao gồm lý trí và ý chí tự do. Với khả năng lý trí, con người nhận thức được trật tự trong vũ trụ và trong chính mình (x. Kn 13,1-9). Việc tuân theo trật tự được Thiên Chúa thiết lập trong cuộc tạo dựng cho phép con người khai thác các nguồn lực tự nhiên vì lợi ích của nhân loại -đó là, "điều mà những tiến bộ của khoa học và những phát minh kỹ thuật minh chứng cho chúng ta" (số 2). Cũng vậy, con người có thể sống hài hoà với người khác và xây dựng một xã hội kiến tạo hoà bình khi biết tuân theo trật tự trong chính bản thân.

Con người tuân theo trật tự được Thiên Chúa thiết lập bằng cách nhận biết và làm theo những quy luật tương ứng điều hòa vũ trụ và chi phối các mối tương quan con người, mà Thông điệp liệt kê trong bốn nhóm: tương quan giữa cá nhân với cá nhân trong đời sống xã hội; giữa công dân với chính quyền trong cộng đồng quốc gia; hay là giữa nhiều quốc gia với nhau; sau hết, giữa các quốc gia với cộng đồng thế giới. Bởi vì Thông điệp Pacem in Terris đề xuất hoà bình giữa con người, nên Ðức Thánh Cha tập trung vào "những nguyên tắc qui định đời sống con người... phải tìm những nguyên tắc đó ở chỗ mà Thiên Chúa đã ghi tạc, tức là trong bản tính con người" (số 6).

Ðức Thánh Cha đề cập đến truyền thống "Luật tự nhiên", mà Giáo hội Công giáo khẳng định đó là một phần trong Giáo huấn chính thức. Luật tự nhiên "diễn tả cảm thức luân lý nguyên thuỷ nhờ đó con người có thể dùng lý trí mà phân định điều gì là tốt và điều gì là xấu, điều gì là chân lý và điều gì là dối trá" (Sách GLHTCG số 1954). "Hiện diện trong trái tim mỗi người và được thiết lập bởi lý trí, luật tự nhiên có giá trị phổ quát trong các mệnh lệnh của nó, và quyền bính của nó trải rộng đến tất cả mọi người. Luật này diễn tả phẩm giá của nhân vị và đặt nền tảng cho các quyền lợi và nghĩa vụ căn bản của nhân vị" (Sách GLHTCG số 1956).

Việc nại đến luật tự nhiên cho phép Ðức Thánh Cha có thể chuyển tải thông điệp đến một cử tọa rộng lớn như mong muốn: tất cả những người thiện chí. Thật vậy, bất cứ ai đồng ý rằng "mỗi cá nhân [thật sự] là một nhân vị" (số 9) và rằng tất cả mọi người đều bình đẳng về nhân phẩm và "tự có quyền lợi, có nghĩa vụ, chính vì quyền lợi và nghĩa vụ đều phát sinh trực tiếp và đồng một lúc, từ bản tính con người", [và chúng] tuân theo luật tự nhiên.

Hệ quả theo sau là: mỗi cá nhân có quyền được sống và hưởng những phương tiện thiết yếu để sống lành mạnh và đúng nhân phẩm (như lương thực, nhà ở, quần áo, v.v.). Mỗi cá nhân cũng có quyền trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và tâm linh (mức lương đủ sống, sự bảo vệ của luật pháp, tuyên xưng niềm tin, v.v.). Tất cả những quyền lợi này đi kèm những nghĩa vụ tương ứng, và trên hết là nghĩa vụ nhìn nhận quyền của người khác. Công quyền, "bởi Chúa khôn ngoan xếp đặt" (số 46), có nghĩa vụ hoạt động cho công ích và giữ sự hài hoà giữa quyền lợi cá nhân và nhu cầu của người khác (x. số 53). Trên thực tế, ngay cả khi xem xét mối quan hệ giữa các quốc gia hoặc các cộng đồng thế giới, không thể quyết định công ích nếu như không quy chiếu đến quyền con người. Con người vẫn là chủ nhân của xã hội, là "là nền tảng, là cứu cánh" (số 26).

Tuy nhiên, Ðức Thánh Cha cũng không quên đưa đức tin Kitô giáo vào trong lập luận của mình. Ngài hiểu rằng cộng đồng nhân loại, tự nó và cho dù có những nỗ lực tuyệt vời, không thể đạt được hoà bình như mong muốn. Người ta thường hay lầm tưởng (số 6), các chính phủ có thể thông qua những bộ luật bất công trái ngược với trật tự luân lý mà Thiên chúa đã xếp đặt (x. số 51). Nhân loại cần sự trợ giúp của Thiên Chúa (x. số 167). Vì vậy, đối với những ai sẵn sàng chấp nhận nó, Ðức Gioan XXIII công bố quà tặng vô giá của Thiên Chúa có thể đem lại hoà bình: "Con người đã được máu Ðức Kitô cứu chuộc, đã nhờ ân sủng mà trở thành con cái và bạn hữu Thiên Chúa, và được thông phần vinh quang trường cửu" (số 10).

Ðức Giêsu là "Hoàng tử Hoà bình". "Với Máu cực thánh, Ngài đã hòa giải nhân loại với Cha Ngài", và ban tặng món quà hoà bình (x. số 169). Bằng cuộc đời phục vụ quên mình, cái chết tự hiến, và vinh quang phục sinh, Ðức Giêsu đã khai mở Nước Thiên Chúa, được đánh dấu bằng bình an và sự hiện diện trong Giáo hội và mọi thành viên (x. Rm 14,17). Ðức Giêsu tuân giữ hoàn hảo trật tự được Thiên Chúa thiết lập và mở đường cho người khác bước theo. Thật vậy, những ai sống nhờ ân sủng của Ngài (được ban một cách đặc biệt qua các bí tích) có thể "theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau" (Rm 14,19). Ðức Thánh Cha kết thúc thông điệp bằng lời cầu nguyện với Hoàng tử Hoà bình: "xin Chúa Kitô đốt cháy lòng hết mọi người và thúc họ đập tan các hàng rào chia rẽ, thắt chặt dây tương thân tương ái, biết am hiểu người khác và tha thứ cho những ai đã gây thiệt hại cho mình" (số 171).

Lời kêu gọi

Lời kêu gọi của Thông điệp Pacem in Terris tuy rất đơn giản trong khái niệm nhưng đầy thách đố khi thực hiện. Tuân theo trật tự được Thiên Chúa thiết lập cho vạn vật, tôn trọng quyền lợi của mọi người và chu toàn nghĩa vụ của bản thân; đây là những bước đầu tiên cho hòa bình. Nếu người ta tiến thêm bước nữa và chấp nhận sống theo ơn cứu chuộc của Ðức Kitô, tức là trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa và thừa kế vinh quang vĩnh cửu, thì nhờ đức tin họ biết rằng mọi nỗ lực vì hoà bình sẽ tham gia vào sứ mạng hoà bình của Ðức Giêsu. Hoà bình trên thế giới là điều có thể. Nó sẽ hoàn toàn được thực hiện khi Ðức Giêsu khai mở Nước Thiên Chúa.

Tuy nhiên, thực thi hoà bình không hề đơn giản. Không có sự đồng thuận chung giữa cộng đồng nhân loại về trật tự vạn vật được Thiên Chúa thiết lập hay sự hiện hữu của Ngài. Xung đột nổ ra trong mọi mối tương quan nhân loại, từ những cuộc tranh luận gay gắt giữa các cá nhân cho tới những mối đe doạ chiến tranh giữa các quốc gia. Thật vậy, sự thiếu hoà hợp ở mọi cấp độ của xã hội ngày nay cũng tồi tệ, hay có khi còn tồi tệ hơn lúc Ðức Thánh Cha viết ra Thông điệp Pacem in Terris.

Nhưng Ðức Gioan XXIII đã viết Thông điệp Pacem in Terris giữa cuộc xung đột đáng sợ từng bước dẫn tới chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, những nỗ lực của ngài vì hoà bình đã ảnh hưởng hai cá nhân khác, đó là lãnh đạo của hai quốc gia đang có bất hòa, để chấm dứt xung đột. Thông điệp Pacem in Terris vẫn là một ví dụ cho cách thức mỗi cá nhân có thể hướng tới hoà bình khi mỗi người tích cực sống theo lề luật được ghi khắc trong tâm khảm. Con người thậm chí có thể gặp gỡ và nhận biết Hoàng tử Hoà bình, thông phần trong vương quốc của Ngài.

Nhóm Sao Biển

Chuyển ngữ từ: oursundayvisitor.com (11.4.2022)

(Nguồn: stellamaris.edu.vn 12.9.2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page