Dung Mạo Hòa Bình

Sứ Ðiệp Hòa Bình ngày 1 tháng giêng hằng năm

do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 12 -

Sứ điệp Hòa Bình

của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1979:

"Ðể Ðạt Ðến Hòa Bình, Cần Phải Giáo Dục Cho Hòa Bình"

 

Sứ Ðiệp Hòa Bình của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II năm 1979: "Ðể Ðạt Ðến Hòa Bình, Cần Phải Giáo Dục Cho Hòa Bình"

Ðặng Thế Dũng (Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài)

(RVA News 28-06-1982)

Kính thưa quý vị,

hôm nay chúng ta tìm hiểu sứ điệp hòa bình cho năm 1979 với đề tài là "Ðể đạt đến hòa bình, cần phải giáo dục cho hòa bình". Ðề tài này là đề tài đã được Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI chọn trước, nhưng cái chết của ngài vào giữa năm 1978 đã không cho phép ngài quảng diễn đề tài này trong một sứ điệp. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I trong 33 ngày làm Giáo Hoàng cũng không có dịp đề cập đến đề tài này. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được chọn lên làm Giáo Hoàng ngày 16 tháng 10 năm 1978. Chính ngài đã tiếp tục quảng diễn tư tưởng "Ðể đạt đến hòa bình, cần phải giáo dục cho hòa bình" của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI, trong sứ điệp hòa bình cho năm 1979, được ký gửi đi ngày 08 tháng 12 năm 1978. Do đó, ta có thể kể sứ điệp này là Sứ điệp Hòa bình đầu tiên của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Nội dung của đề tài giáo dục cho hòa bình này không phải là một cái gì mới. Trong sứ điệp hòa bình thứ nhất năm 1968, rồi sứ điệp thứ ba năm 1970, sứ điệp thứ tư năm 1971, Ðức Phaolô VI đã nhắc đến công việc giáo dục như là điều cần thiết để đạt đến hòa bình. Ðiều mới mẻ được ghi nhận trong sứ điệp hòa bình năm 1979 này, khi bàn về đề tài giáo dục cho hòa bình, đó là cách thức khai triển đề tài. Thật vậy, trong những sứ điệp của ngài, Ðức Phaolô VI chỉ nhắc đến việc giáo dục như là bổn phận chung của mọi người dấn thân xây dựng hòa bình. Trong sứ điệp Hòa Bình năm 1979, thì Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc đến bổn phận giáo dục cho hòa bình của từng hạng người có trách nhiệm trong việc xây dựng hòa bình. Và với từng hạng người, Ðức Gioan Phaolô II dành riêng những lời đặc biệt cho họ. Ðó là những hạng người như sau:

1. Những nhà có trách nhiệm.

2. Bậc làm cha mẹ.

3. Các nhà giáo dục.

4. Các bạn trẻ.

5. Những thành phần xã hội khác.

6. Những nhà chính trị.

7. Những người Kitô.

 

Toàn văn Sứ điệp Hòa Bình của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1979: "Ðể đạt được hòa bình cần phải giáo dục cho hòa bình"

Kính gửi tất cả quý vị, là những kẻ ao ước hòa bình. Công cuộc cao cả xây dựng hòa bình giữa mọi dân tộc cần đến tất cả mọi nghị lực hòa bình hiện diện trong con tim con người. Chính vì để giải thoát chúng, để vun trồng chúng, nghĩa là để giáo dục chúng, mà vị Giáo Hoàng tiền nhiệm Phaolô VI, một thời gian ngắn trước khi qua đời, đã muốn dành ngày hòa bình thế giới năm 1979 cho chủ đề: "Ðể đạt được hòa bình cần phải giáo dục cho hòa bình".

Trong suốt triều đại Giáo Hoàng của ngài, Ðức Phaolô VI đã đồng hành với quý vị trên những con đường khó khăn của hòa bình. Ngài đã chia sẻ những nỗi lo âu của quý vị, khi hòa bình bị đe dọa. Ngài đã đau khổ với tất cả những ai phải chịu những bất hạnh của chiến tranh. Ngài đã khuyến khích mọi cố gắng để thiết lập lại hòa bình. Trong mọi hoàn cảnh, ngài đã giữ vững niềm hy vọng, với một nghị lực vô biên.

Vì xác tín rằng hòa bình là công việc chung của mọi người, nên năm 1967, ngài đã đề xướng việc cử hành ngày hòa bình quốc tế. Ngài muốn là quý vị chấp nhận điều đó như là sáng kiến riêng của quý vị. Từ đó, mỗi năm, sứ điệp về hòa bình của ngài tạo cho các nhà trách nhiệm lãnh đạo các dân tộc, cho các tổ chức quốc tế, dịp may để canh tân và diễn tả cách công khai cái điều làm cho uy quyền họ trở nên hợp pháp: đó là làm cho những con người tự do, công chính và có tinh thần huynh đệ, được tiến triển và biết sống chung với nhau trong hòa bình. Những cộng đồng hết sức dị biệt với nhau lại được dịp gặp nhau để tổ chức mừng hòa bình như là sự thiện hảo vô giá, và để xác nhận ý chí của họ muốn bênh vực và phục vụ cho hòa bình.

Tôi đã nhận lãnh cây gậy của người hành hương hòa bình từ chính đôi tay của vị tiền nhiệm đáng kính của tôi. Tôi cũng đang tiến bước bên cạnh quý vị, với quyển Phúc Âm hòa bình trên tay: "Phúc cho kẻ xây dựng hòa bình" (Mt 5:9). Vào đầu năm mới 1979, tôi xin mời gọi quý vị cử hành Ngày Quốc tế Hòa bình, bằng cách đặt nó, theo ước muốn cuối cùng của Ðức Phaolô VI, dưới dấu hiệu: Sự giáo dục cho Hòa bình.

Sau phần nhập đề như trên, sứ điệp hòa bình lại được chia ra làm ba phần chính như sau:

1. Hòa bình là một trách vụ khó khăn.

2. Sự giáo dục về hòa bình.

3. Sự đóng góp đặc biệt của người Kitô.

Phần I: Hòa bình là một trách vụ khó khăn.

Một ước vọng không thể cưỡng lại được

Ðạt đến hòa bình: đó là bản tóm kết và là sự thành đạt của tất cả mọi ước vọng của chúng ta. Chúng ta cảm thấy trước được điều đó, hòa bình là sự trọn hảo, hòa bình là nguồn vui tươi. Ðể thực hiện nó giữa mọi nước, người ta gia tăng những sáng kiến trong những trao đổi song phương hoặc đa phương, trong những cuộc hội họp có tính cách quốc tế, và một vài người tự chính họ đã quyết định những sáng kiến can đảm nhằm thiết lập hòa bình hoặc nhằm đưa ra những nguyên nhân hăm dọa một cuộc chiến mới.

Một niềm tin tưởng bị lung lay

Nhưng đồng thời, người ta quan sát thấy rằng có những người hay những nhóm người chưa giải quyết xong những tranh chấp ngấm ngầm hay công khai giữa họ. Phải chăng hòa bình là một lý tưởng ngoài tầm tay chúng ta? Hằng ngày, những cảnh tượng chiến tranh, những căng thẳng, những chia rẽ, đang gieo vào lòng chúng ta sự ngờ vực và nản chí. Những trung tâm bất hòa và hận thù, dường như được dựng nên cách giả tạo bởi một số người đứng ngoài không phải trả giá gì cả. Và thường thì những cử chỉ hòa bình tạm thời không đủ sức để thay đổi cuộc diện, đó là chưa kể đến trường hợp những cử chỉ đó lại bị những phương thức người khai thác người và phương thức bạo lực, lấn át và cuối cùng bị tan biến.

Ở đây, sự nhút nhát và khó khăn thực hiện những canh tân cần thiết, cả hai điều này như tẩm thuốc độc cho những tương quan liên lạc giữa những nhóm người, cho dù những nhóm người đó đã được liên kết chung với nhau trong một lịch sử chung lâu dài và gương mẫu. Những ý chí thích dùng sức mạnh thì lại muốn chạy đến sử dụng con số đông để đàn áp hay chạy đến sử dụng sức mạnh tàn bạo để kết thúc vấn đề, dưới cái nhìn bất lực, đôi khi có tính cách vụ lợi và đồng lõa của những quốc gia khác, xa hay gần, những quốc gia mạnh mẽ nhất cũng như những quốc gia yếu thế nhất, không ai còn tin tưởng vào những diễn tiến đầy kiên nhẫn nhằm tạo dựng hòa bình nữa.

Ðằng khác, vì sợ cho nền hòa bình không được bảo đảm tốt đẹp, vì những đòi hỏi quân sự và chính trị , vì những lợi ích kinh tế và thương mại, người ta đã thiết lập những xưởng vũ khí hoặc buôn bán những loại vũ khí có tầm phá hoại khủng khiếp: sự chạy đua võ trang chiếm chỗ ưu tiên trước những bổn phận cao cả xây dựng hòa bình, là những bổn phận đáng lý ra sẽ phải liên kết với những dân tộc trong một tình liên đới mới, sự chạy đua võ trang nuôi sống những cuộc xung đột giết người và tích chứa thêm đầy những sự hăm dọa trầm trọng nhất. Ðúng vậy, mới nhìn qua, công cuộc xây dựng hòa bình đang đau bệnh tàn phế, làm ta mất hy vọng.

Những lời nói hòa bình

Dù vậy, trong hầu hết mọi diễn văn công cộng, trên bình diện quốc gia hay quốc tế, không bao giờ người ta nói đến hòa bình, đến sự giải chiến, đến sự hòa hợp, đến những giải pháp hợp lý và đúng nguyên tắc công bình cho những xung đột, không bao giờ người ta đã nhắc đến những danh từ đó nhiều cho bằng trong lúc này. Hòa bình đã trở thành câu nói hợp thời để trấn an người khác hoặc để dụ dỗ. Theo một nghĩa nào đó, thì đó cũng là một sự kiện tích cực: đó là dư luận quần chúng không còn chịu nổi việc người ta đứng lên cổ võ cho chiến tranh, cũng không còn chịu nổi việc người ta liều lĩnh đi đến mở màn trận chiến tấn công.

Tiến đến những xác tín về hòa bình:

Nhưng để cất đi lời thách đố được đặt ra cho nhân loại trước trọng trách khó khăn phải xây dựng hòa bình, thì cần phải có cái gì hơn là lời nói dù thành thật hay là lời bôi nhọ nhau. Nhất là trên bình diện những nhà chính trị, những môi trường hay những trung tâm có ảnh hưởng ít nhiều trực tiếp, ít nhiều cách kín đáo, trên những bước quyết định tiến tới hòa bình, hay ngược lại có ảnh hưởng để kéo dài chiến tranh hay những tình trạng bạo động, thì tinh thần xây dựng hòa bình cần phải xâm nhập được vào trong những bình diện đó. Tối thiểu, người ta cần phải đồng ý với nhau để cùng dựa trên một vài nguyên tắc sau đây: Mọi việc con người thì cần phải được giải quyết với tình nhân đạo chứ không phải bằng vũ lực. Những căng thẳng, những tranh chấp và những xung đột cần phải được giải quyết bởi những thương thuyết hợp lý, chứ không phải là bằng sức mạnh. Những chống đối trên phương diện ý thức hệ cần phải được đối chiếu với nhau trong một bầu không khí đối thoại và tự do bàn cãi. Những lợi ích hợp lý của những cộng đoàn nhất định cũng cần phải lưu ý đến những lợi ích hợp lý của những nhóm liên hệ khác và lưu ý đến những đòi hỏi của ích chung cao hơn. Việc chạy đến sử dụng vũ khí không thể xem như là một dụng cụ để giải quyết những tranh chấp. Những nhân quyền không thể nhượng được, phải được bảo vệ trong mọi trường hợp. Không được phép giết nhau để áp đặt một giải pháp nào đó.

Những nguyên tắc của tình nhân đạo này, mỗi người thiện chí có thể gặp chúng trong chính lương tâm của họ. Những nguyên tắc đó hòa hợp với Thánh ý của Thiên Chúa trên con người. Ðể có những nguyên tắc đó trở thành những xác tín cho những người mạnh cũng như cho những kẻ yếu, và để cho những nguyên tắc đó thấm nhập vào mọi công việc, cần phải trả lại cho những nguyên tắc đó tất cả sức mạnh của nó. Trên mọi bình diện, cần phải thực hiện một công cuộc giáo dục dài lâu và kiên trì để đạt đến điều đó.

Phần II. Giáo Dục Về Hòa Bình

Nhìn thấy những viễn tượng hòa bình

Ðể chiến thắng tình cảm tự phát cảm thấy mình bất lực, bổn phận và đồng thời cũng là lợi ích đầu tiên của sự giáo dục về hòa bình, một sự giáo dục xứng đáng với danh hiệu giáo dục, đó là biết đưa cái nhìn chúng ta vượt qua khỏi những sự kiện đau buồn hiển nhiên trước mắt, hay nói đúng hơn, đó là phải học lấy nghệ thuật nhận ra được giữa sự lan tràn của bạo động đang gây chết chóc, nhận ra được bước tiến thầm kín của hòa bình, một nền hòa bình không bao giờ chịu lùi bước, một nền hòa bình không bao giờ được mệt mỏi chữa lành những vết thương, một nền hòa bình biết duy trì và làm cho đời sống phát triển. Bước tiến dần đến hòa bình xem ra là một điều có thể được và đáng ao ước, một bước tiến mạnh mẽ và - chúng ta có thể nói là - đã chiến thắng.

Ðọc lại lịch sử

Trước nhất, chúng ta hãy đọc lại lịch sử các dân tộc và lịch sử nhân loại theo những phân định đúng thực hơn là những phân định theo tiêu chuẩn chiến tranh và cách mạng luôn nối tiếp nhau. Ðồng ý là tiếng vang của những trận chiến nổi bật trong lịch sử. Nhưng đó là những dư âm còn sót lại của bạo lực, dù sao những dư âm còn sót lại của bạo lực đó đã cho phép thực hiện những công trình văn hóa có giá trị dài lâu, làm cho nhân loại được hãnh diện. Còn hơn nữa, nếu người ta đã có thể tìm gặp, trong chiến tranh và cách mạng, tìm gặp những yếu tố giúp cho sự sống và sự phát triển, thì chúng ta phải biết rằng những yếu tố nói trên đến từ những khát vọng thuộc trật tự khác, khác với bạo lực, đó là những khát vọng thiêng liêng, thí dụ như ý chí muốn thấy được rằng phẩm giá chung của nhân loại phải được kính trọng, ý chí muốn giải cứu linh hồn và sự tự do của một dân tộc. Ở đâu có những ước vọng như vậy, thì ở đó, những ước vọng đó tác động như là một máy điều hòa giữa lòng những cuộc xung đột, chúng giúp cho đừng có những cuộc đổ vỡ không thể hàn gắn lại được, chúng duy trì một niềm hy vọng và chuẩn bị một may mắn mới cho hòa bình. Ở đâu mà vắng mặt hay bị mai một trong sự tán dương bạo lực, thì ở đó, những ước vọng này phải chịu nhường bước cho sự tàn phá, một sự tàn phá đưa tới sự thoái hóa kinh tế và văn hóa và đưa tới sự chết đi của cả nền văn minh. Là những người lãnh đạo chịu trách nhiệm về các dân tộc, xin quý vị hãy biết tự giáo dục mình trước về tình yêu chuộng hòa bình, bằng cách vừa phân biệt và làm nổi bật trong những trang lịch sử quốc gia của quý vị, tấm gương của những vị tiền nhiệm mà vinh quang của họ là đã làm nảy sinh được những thành quả hòa bình. "Phúc cho những người xây dựng hòa bình...".

Quý mến những việc bổn phận cao cả thực hiện việc xây dựng hòa bình của ngày hôm nay

Ngày hôm nay, quý vị hãy góp phần vào công việc giáo dục về hòa bình, bằng cách làm nổi bật hết sức có thể những bổn phận cao cả, những bổn phận xây dựng hòa bình mà gia đình nhân loại ngày hôm nay bắt buộc phải thực hiện. Trong những cố gắng của quý vị để đạt đến sự điều hành hợp lý và có tinh thần liên đới cái môi trường sinh sống và cái gia tài chung của nhân loại, trong những cố gắng của quý vị để đạt được sự tẩy trừ nạn nghèo đói đang đè nặng trên từng triệu người, để củng cố những cơ chế có khả năng diễn tả và làm cho lớn lên sự hiệp nhất của gia đình nhân loại trên bình diện từng vùng cũng như trên toàn thế giới, quý vị sẽ khám phá ra tiếng gọi hấp dẫn của hòa bình, là sự giải hòa giữa mọi người với nhau và là sự giải hòa giữa con người với vũ trụ tự nhiên của họ. Ðể chống lại những hình thức làm dơ môi sinh nhờ vào việc quý vị khuyến khích sự tìm kiếm những cách thức sống đơn giản hơn, ít bị nô lệ vào những cơn thúc đẩy mãnh liệt của bản năng chiếm hữu, bản năng tiêu thụ, và muốn thống trị, một nếp sống mở rộng hơn cho những nhịp điệu sáng tạo cá nhân và mở rộng cho tình thân hữu, quý vị sẽ mở ra cho chính quý vị và cho tất cả mọi người một khoảng rộng bao la có nhiều khả thể xây dựng hòa bình mà quý vị không ngờ trước được.

Sự chiếu tỏa của nhiều mẫu gương hòa bình:

Dường như có cảm tưởng rằng những cố gắng khiêm nhường có lợi cho hòa bình, trong phạm vi nhỏ hẹp của trách nhiệm cá nhân, đã trở thành vô ích vì những tranh chấp chính trị có tầm mức thế giới, và vì sự nô lệ cho đường lối tương quan lực lượng và chạy đua vũ trang, nếu cảm tưởng đó làm cho cá nhân trở nên chán nản xuống dốc bao nhiêu, thì ngược lại cảnh tượng nhìn thấy những thôi thúc quốc tế đầy xác tín là có thể có hòa bình và hết sức gắn bó với công việc xây dựng hòa bình, cảnh tượng đó giải thoát và nâng cao tinh thần con người bấy nhiêu. Sự giáo dục về hòa bình lúc đó có thể cũng hưởng chút gì nhờ vào sự chú ý được khơi dậy lại đối với những gương sáng thường nhật của những kẻ đơn sơ xây dựng hòa bình trên mỗi bình diện: đó là những cá nhân hay những gia đình, nhờ vào sự làm chủ được những đam mê, nhờ vào sự chấp nhận và kính trọng lẫn nhau, những cá nhân và gia đình đó đạt được sự bình an bên trong và chiếu tỏa sự bình an đó ra xung quanh, đó là những dân tộc, thường thì là những dân tộc nghèo và đã chịu nhiều thử thách, có truyền thống khôn ngoan trải dài từng ngàn năm được tôi luyện quanh lợi ích tối cao là sự hòa bình, và biết chống lại những quyến rũ muốn tiến nhanh bằng bạo lực, vì họ thừa biết rằng những lợi lộc đạt được bằng bạo lực thì sẽ mang lại nhiều mầm mống độc hại gây ra những xung đột mới.

Phải, dù chúng ta biết rõ thảm trạng bạo lực đang tung hoành, chúng ta hãy đặt những viễn tượng hòa bình trước mắt chúng ta và trước mắt thế hệ trẻ: những viễn tượng đó sẽ có những ảnh hưởng lôi kéo quyết định. Nhất là, những viễn tượng đó giải phóng ước vọng hòa bình, là ước vọng căn bản của con người. Những nguồn lực mới này sẽ giúp chúng ta phát minh ra một ngôn ngữ mới về hòa bình cũng như những hành động xây dựng hòa bình.

Nói ngôn ngữ hòa bình

Ngôn ngữ được cấu thành để diễn tả những tư tưởng của con tim và để hiệp nhất. Nhưng khi ngôn ngữ làm nô lệ cho những "mẫu pháp" tiền chế, thì ngôn ngữ sẽ lôi kéo con tim đi xuống dốc. Vậy cần phải tác động trên ngôn ngữ, để tác động trên con tim và tháo gỡ những cạm bẫy của ngôn ngữ.

Rất dễ nhận ra rằng sự châm biếm chua cay và sự cứng cỏi trong phán đoán, trong sự phê bình kẻ khác nhất là phê bình "người ngoại quốc", sự chống đối và sự đòi hỏi có hệ thống, thật là rất dễ mà nhận ra rằng tất cả những điều trên xâm chiếm mối tương quan được diễn tả trong lời nói và bóp nghẹt chính sự công bình và lòng bác ái xã hội. Vì càng muốn diễn tả tất cả mọi sự trong ngôn ngữ những tương quan sức mạnh, trong ngôn ngữ đấu tranh nhóm và giai cấp, trong ngôn ngữ bạn và thù, người ta tạo ra một môi trường thuận lợi cho những ngăn cách xã hội, cho sự khinh thị, và cả cho sự hận thù, khủng bố, và cho sự bênh vự ngấm ngầm hay công khai những hành động đó. Ngược lại, từ một tâm hồn đã được những giá trị cao hơn của hòa bình xâm chiếm, thì phát sinh sự chủ tâm lắng nghe và thông cảm, sự kính trọng những người khác, sự dịu dàng và sự tin tưởng. Sự dịu dàng là chính sức mạnh thực sự. Một ngôn ngữ như thế giúp chúng ta đi trên con đường khách quan, con đường chân lý và hòa bình. Về điểm này, trách vụ giáo dục của những phương tiện truyền thông xã hội thì thật là bao la. Và cách thức người ta dùng để diễn tả, trao đổi và tranh luận chính trị quốc gia và quốc tế cũng sẽ có nhiều ảnh hưởng. Là những người chịu trách nhiệm về một nước cũng như trách nhiệm về những tổ chức quốc tế, xin quý vị hãy biết tìm gặp một ngôn ngữ mới, một ngôn ngữ hòa bình: từ chính nó, ngôn ngữ đó khai mở một khoảng trống mới dành cho hòa bình.

Thực hiện những cử chỉ hòa bình

Cái mà những viễn tượng hòa bình giải thoát, cái mà ngôn ngữ hòa bình phục vụ cho, điều đó phải được diễn tả trong những hành động hòa bình. Thiếu điều này, những xác tín vừa mới triển nở sẽ tiêu tan mất, và ngôn ngữ hòa bình sẽ trở thành như một hùng biện mau bị mất uy tín. Những người xây dựng hòa bình có thể là rất đông, nếu họ ý thức được những khả thể và những trách nhiệm của họ. Chính sự thực hành hòa bình sẽ đem lại hòa bình. Nó dạy cho những kể đi tìm kho tàng hòa bình rằng kho tàng đó tự trình diễn và hiến dâng cho những ai ngày này qua ngày khác biết thực hiện cách khiêm nhượng, tất cả những hòa bình mà họ có khả năng thực hiện.

Cha mẹ, các nhà giáo dục và các bạn trẻ

Hỡi những bậc làm cha mẹ và các nhà giáo dục, hãy giúp cho con cái và các bạn trẻ cảm nghiệm được hòa bình trong muôn vàn hành động hằng ngày, nằm trong tầm tay của họ, trong gia đình, học đường, môi trường giải trí, bạn bè, làm việc nhóm, tranh đua thể thao, và nhiều hình thức giao tế và hòa giải cần thiết khác.

Năm quốc tế về tuổi thơ mà Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố năm 1979, ước gì nó làm cho mọi người biết chú ý đến sự góp phần đặc biệt cả của trẻ em cho công cuộc hòa bình.

Hỡi các bạn trẻ, hãy trở nên những người xây dựng hòa bình. Các bạn là những người thợ thật sự để xây dựng công cuộc chung này. Xin các bạn chống lại những sự dễ dãi, vì chúng ru ngủ các bạn trong sự tầm thường đáng buồn. Hãy chống lại sự bạo hành không sinh ích lợi gì, đôi khi có những người vì họ không thể sống hòa bình với nhau, nên họ muốn lợi dụng các bạn trong những bạo hành đó. Các bạn hãy tiến trên con đường mà ý thức về sự nhận lãnh nhưng không, về sự vui sống và chia sẻ đang thúc giục các bạn. Các bạn hãy thích đầu tư sức sống mới của các bạn vào những cuộc gặp gỡ huynh đệ trải rộng trên mọi ranh giới, vào việc học hỏi các sinh ngữ ngoại quốc giúp ích cho sự hiệp thông với nhau, vào việc phục vụ vô vị lợi cho những xứ ít may mắn nhất. Các bạn là những vật hy sinh đầu tiên cho chiến tranh, chiến tranh làm gãy vỡ đà tiến của các bạn. Các bạn cũng là cái may mắn cho hòa bình.

Những thành phần xã hội khác

Hỡi quý vị, những thành phần thuộc đời sống nghề nghiệp và xã hội, đối với quý vị, hòa bình cần được thực hiện cách chuyên cần. Không có hòa bình nào mà không có công bằng và không có tự do, không có hòa bình nào mà không có sự dấn thân can đảm để cổ võ phát triển cho hai yếu tố công bằng và tự do vừa nói trên. Bây giờ người ta cần đến sức mạnh, những sức mạnh đó phải có đầy kiên nhẫn, kiên nhẫn nhưng không được an phận và thoái thác, sức mạnh đó phải cứng rắn, nhưng không có chút gì là khiêu khích, sức mạnh đó phải là khôn ngoan để chuẩn bị cách tích cực những tiến triển đáng mong ước mà không phân tán những nghị lực trong những làn sóng bạo động giận dữ chóng qua. Chống lại những bất công và những áp bức, hòa bình bị bắt buộc phải vạch mở một con đường trong sự lựa chọn một hành động cương quyết. Những hành động này lại cần phải mang lấy dấu chứng của mục đích mà nó nhắm đến, tức là sự chấp nhận lẫn nhau càng ngày càng tốt đẹp hơn giữa mọi người và mọi nhóm. Sự điều hướng hành động đó cần phải nằm trong cái ý chí muốn thực hiện hòa bình. Ý chí đó phát xuất từ cõi thâm sâu của tâm hồn con người, từ những ước vọng và từ quyền lập pháp của các dân tộc. Chính cái khả năng hòa bình này, một khi được vun trồng, được kỷ luật hóa, sẽ làm cho con người nên sáng suốt, hầu tìm gặp cho những căng thẳng và xung đột những gì cần thiết để phát triển khả năng phong phú và xây dựng của hòa bình. Những gì xảy ra trong đời sống xã hội nội bộ của một xứ luôn có một ảnh hưởng đáng kể - cho điều tốt cũng như điều xấu - trên nền hòa bình giữa mọi quốc gia.

Những nhà chính trị

Nhưng, cần phải nhấn mạnh lần nữa rằng, những cử chỉ hòa bình trên có thể liền bị nản lòng, và một phần bị tiêu hủy bởi một đường lối chính trị quốc tế không có được trong phạm vi của nó chính cùng một động lực hòa bình. Hỡi những nhà chính trị, những kẻ chịu trách nhiệm về các dân tộc và về các tổ chức quốc tế, tôi xin bày tỏ cùng quý vị lòng kính trọng chân thành và tôi xin hoàn toàn nâng đỡ những cố gắng duy trì hoặc tái lập hòa bình của quý vị. Còn hơn nữa, ý thức rằng đây là vấn đề có liên quan đến hạnh phúc và sự sống của nhân loại, và bị thuyết phục bởi trách nhiệm nặng nề phải gây tiếng vang cho lời mời gọi quan trọng của Chúa Kitô: "Phúc cho kẻ xây dựng hòa bình". Tôi cả dám khuyến khích quý vị hãy đi xa hơn nữa. Xin quý vị hãy mở thêm những cánh cửa mới cho hòa bình. Hãy làm tất cả những gì thuộc quyền hạn của quý vị để làm cho con đường đối thoại vượt thắng trên con đường vũ lực. Ước gì trước hết điều đó gặp được một sự áp dụng vào bình diện nội tâm: làm sao mà các dân tộc có thể cổ vũ phát triển hòa bình quốc tế một cách thực sự. Nếu chính họ lại phải làm nô lệ cho những ý thức hệ, mà theo những ý thức hệ đó thì công bằng và hòa bình chỉ đạt được bằng cách đặt vào tình trạng bất lực, những kẻ mà trước đó họ đã xử như là không đáng được quyền xây dựng đời riêng họ, hoặc không đáng là những cộng tác viên có giá trị cho công ích? Trong những thương thuyết với các thành phần thù nghịch, xin quý vị hãy xác tín rằng danh dự và hiệu năng không thể được đo lường theo mức độ cứng rắn của sự bênh vực các lợi ích, nhưng được đo lường theo khả năng biết kính trọng, chấp nhận chân lý, có lòng thân thiện và huynh đệ với mọi thành phần, tắt một lời, theo mức độ một cái gì gọi là "nhân tính" có trong họ. Xin hãy thực hiện những cử chỉ hòa bình, cả những cử chỉ có thể nói được là táo bạo, đoạn tuyệt với những chuỗi định mệnh và với sức mạnh của những đam mê đến với chúng ta từ hoàn cảnh lịch sử, rồi sau đó, xin quý vị hãy dệt cách nhẫn nại màn chính trị, kinh tế và văn hóa của hòa bình. Ðây là giờ thuận tiện và thời gian thôi thúc, xin quý vị hãy sáng lập những vùng giản lược vũ khí càng ngày càng luôn rộng rãi hơn. Xin quý vị hãy can đảm xét lại cho thật sâu vấn đề đang gây giao động là vấn đề buôn bán vũ khí. Xin hãy biết khám phá đúng lúc và thiết định với hết sức bình thản những xung đột ngấm ngầm, trước khi chúng đánh thức đam mê. Xin quý vị hãy làm sao cho tình liên đới vùng và có tính cách thế giới, có được những khung định chế thích hợp. Xin đừng sử dụng để phục vụ cho những xung đột về lợi ích, những giá trị hợp lý, cả những giá trị thiêng liêng nữa, là những giá trị sẽ bị mai một trong những xung đột đó, bởi việc người ta sẽ làm cho chúng trở nên khô cứng. Xin hãy để ý làm sao cho cái đam mê hợp lý muốn thông truyền những tư tưởng mình cho kẻ khác được thực hiện bằng con đường thuyết phục, chứ không phải dưới áp lực của những hăm dọa và vũ khí.

Nhờ vào việc thực hiện những cử chỉ quyết định về hòa bình quý vị sẽ giải thoát được những ước vọng chân thật của các dân tộc, và như thế, quý vị sẽ gặp được trong những ước vọng đó người bạn đồng minh mạnh mẽ để làm việc cho việc phát triển hòa bình giữa mọi người. Xin quý vị hãy tự giáo dục về hòa bình, xin hãy đánh thức trong quý vị những xác tín mạnh mẽ và một khả năng mới, có sáng kiến phục vụ cho công cuộc cao cả của hòa bình.

Phần III: Sự Ðóng Góp Ðặc Biệt Của Những Người Kitô

Sự quan trọng của đức tin

Trọn cả sự giáo dục về hòa bình giữa các dân tộc, trong một quốc gia, trong môi trường sống của con người, và trong chính con người, trọn cả sự giáo dục về hòa bình này được đề ra cho tất cả mọi người thiện chí, theo như thông điệp Pacem in Terris (Hòa bình trên thế giới) của Ðức Gioan 23 đã nhắc lại cho chúng ta. Với nhiều cấp bậc khác nhau, sự giáo dục đó nằm trong tầm tay của mọi người. Và theo như thông điệp "Hòa bình trên thế giới" đã viết, vì "hòa bình trên thế giới... chỉ được xây dựng và kiên cố trong sự kính trọng tuyệt đối tại trật tự đã được Thiên Chúa an bài" (ASS 55, 1963, p.257), người có tín ngưỡng gặp được trong tôn giáo của họ, những tia sáng, những tiếng gọi, những sức mạnh để hoạt động cho công cuộc giáo dục về hòa bình. Tâm tình tôn giáo chân chính chỉ có thể cổ võ cho hòa bình đích thực. Nhờ vào việc nhìn nhận sự tự do tôn giáo như nó đáng được những quyền hành công cộng giúp cho tinh thần hòa bình phát triển, trong tận cõi lòng và trong những cơ chế giáo dục do người có tín ngưỡng sáng lập. Còn về phần mình, người Kitô đặc biệt được Chúa Kitô giáo dục và hướng dẫn để trở nên những người thợ xây dựng hòa bình: "Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (Mt 5:9; cf. Luca10:5). Vào cuối sứ điệp này, người ta sẽ hiểu rằng tôi chú ý đặc biệt đến những người con của Giáo Hội, để khuyến khích họ góp phần xây dựng hòa bình và đặt hòa bình vào trong ý định cao cả về hòa bình đươc Thiên Chúa mạc khải trong Ðức Kitô. Sự đóng góp đặc biệt của người Kitô và của Giáo Hội vào công cuộc chung sẽ càng được bảo đảm nếu sự đóng góp đó càng được nuôi dưỡng từ chính nguyên nguồn và từ niềm hy vọng riêng của nó.

Cái nhìn Kitô giáo về hòa bình

Anh chị em thân mến trong Ðức Kitô, ước vọng về hòa bình mà anh chị em cùng chia sẻ với tất cả mọi người, ước vọng đó hòa hợp với tiếng gọi ngay từ đầu của Thiên Chúa, là Ðấng đã muốn gom mọi người trong một gia đình anh em, vì cũng được tạo dựng giống hình ảnh của một Cha. Mạc khải nhấn mạnh đến tự do và tình liên đới. Nhưng khó khăn mà chúng ta gặp phải, khi tiến bước đến hòa bình, một phần là do sự yếu đuối của loài thụ tạo chúng ta, mà những bước tiến chắc chắn là phải chậm và từ từ. Những sự ích kỷ con người lại làm cho những khó khăn đó trở nên trầm trọng hơn, những tội lỗi đủ loại, từ cái tội nguyên tổ đã đã đánh dấu sự con người tách biệt ra khỏi Thiên Chúa, đưa đến việc tách biệt giữa con người với nhau. Hình ảnh tháp Babel diễn tả đúng tình trạng. Nhưng chúng ta tin rằng Ðức Giêsu Kitô, nhờ vào việc Ngài trao hiến mạng sống mình trên thập giá, đã trở nên là sự hòa bình của chúng ta: Ngài đã lật đổ bức tường hằn thù phân chia chúng ta với người anh em thù địch (Eph 2:7-14). Sống lại và trở về với vinh quang của Chúa Cha, Ngài đã cho chúng ta thông hiệp cách mầu nhiệm vào chính sự sống của Ngài; Ngài giao hòa chúng ta lại với Thiên Chúa Cha, Ngài sửa chữa lại những vết thương tội lỗi và chia rẽ và làm cho chúng ta có đủ khả năng gieo vào trong xã hội chúng ta một chút sự hiệp nhất mà chính Ngài đã thiết lập lại trong chúng ta. Những đồ đệ trung thành nhất của Ðức Kitô đã là những thợ xây dựng hòa bình, cho đến độ tha thứ cho kẻ thù của mình, cho đến độ đôi khi hiến cả mạng sống mình cho họ. Gương sáng đó mở đường cho nhân loại mới tiến theo, một nhân loại không còn bằng lòng với những giải pháp dung hòa tạm bợ nữa, nhưng muốn thực hiện một tình huynh đệ sâu xa nhất trong các tình huynh đệ. Chúng ta biết rằng bước tiến của chúng ta hướng về hòa bình trên mặt đất, với trọn cả đặc tính tự nhiên và với những khó khăn riêng, bước tiến của chúng ta hướng về hòa bình trên trần gian đó, được bao gồm trong một bước tiến khác, đó là bước tiến hướng về sự cứu rỗi, một bước tiến sẽ được kết thúc trong sự viên mãn hòa bình đời đời, trong sự hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa. Như thế, nước Thiên Chúa, nước hòa bình, cùng với nguyên nguồn riêng biệt của nó, với những phương thế và mục đích riêng, nước Thiên Chúa đó đã xâm nhập vào trong mỗi hoạt động trần gian mà không bị tan biến trong đó. Cái nhìn đức tin này có một ảnh hưởng sâu rộng trên hoạt động hàng ngày của người Kitô.

Ðộng lực của hòa bình

Chắc chắn rằng chúng ta đang tiến trên những con đường dẫn tới Hòa Bình với những yếu đuối và những dò dẫm tìm tòi của tất cả mọi người đang đồng hành với chúng ta. Chúng ta cũng đau khổ với họ, vì sự trống vắng hòa bình. Chúng ta cảm thấy bị thúc bách phải sửa lại điều đó, một cách cương quyết hơn nữa, vì danh dự của Thiên Chúa và cũng vì danh dự của con người. Chúng ta không dám quả quyết rằng mình có thể tìm được trong Phúc Âm, những công thức sẵn sàng, để thực hiện cho ngày hôm nay, công việc tiến triển như thế này hay như thế nọ cho hòa bình. Nhưng chúng ta tìm gặp, hầu như là trong từng trang sách Phúc Âm và trong từng trang lịch sử Giáo Hội, một tinh thần, đó là tinh thần tình thương huynh đệ, có đủ sức mạnh giáo dục con người về hòa bình. Chúng ta tìm gặp trong những hồng ân Chúa Thánh Thần và trong các Bí tích, một sức mạnh được nuôi sống từ nguyên nguồn Thiên Chúa. Chúng ta tìm gặp được trong Ðức Kitô, một niềm hy vọng. Những thất bại cũng không thể nào làm cho công cuộc xây dựng hòa bình trở nên vô ích, cho dù những kết quả tức thời xem ra có vẻ mỏng dòn, cho dù chúng ta bị bách hại vì đã làm chứng cho hòa bình. Ðức Kitô Cứu Thế làm cho tất cả những ai yêu thương hoạt động cho hòa bình, được hiệp thông vào vận mệnh của Ngài.

Lời nguyện cầu cho hòa bình

Hòa bình là công cuộc của chúng ta, nó đòi hỏi chúng ta hành động cách can đảm và có tinh thần liên đới. Nhưng trước nhất, nó là một hồng ân của Thiên Chúa: nó cần lời cầu nguyện của chúng ta. Người Kitô phải đứng hàng đầu tất cả những ai hằng ngày cầu nguyện cho hòa bình; người Kitô cũng phải biết huấn luyện người ta cầu nguyện cho hòa bình. Người Kitô thích cầu nguyện với Ðức Maria, Hoàng Hậu của Hòa Bình.

Với tất cả mọi người, người Kitô, người có tín ngưỡng và những kẻ có thiện chí, tôi xin được nói với họ như sau: "Xin đừng sợ sệt nhắm tới đích điểm hòa bình, xin đừng sợ giáo dục về hòa bình. Ước vọng về hòa bình mình sẽ không bao giờ bị thất vọng. Công việc thực hiện cho hòa bình, một khi được đức bác ái không bao giờ qua đi, soi sáng, sẽ sinh được nhiều hoa trái. Hòa bình sẽ là tiếng nói cuối cùng của lịch sử.

Ðiện Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 1978

Gioan Phaolô II, Giáo Hoàng.

 

Bài giảng của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Thánh Lễ ngày Hòa bình Thế giới mùng 1 tháng giêng năm 1979

Ngày 01 tháng giêng năm 1979, trước sự tham dự đầy đủ của ngoại giao đoàn bên cạnh tòa thánh, và đông chật tín hữu, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh lễ tại bên trong đền thánh Phêrô. Hôm nay cũng là ngày hòa bình thế giới, Ðức Thánh Cha trong bài giảng, đã nhấn mạnh đến chủ đề này. Ngài đã xin Thiên Chúa là Cha cứu loài người khỏi hiểm họa chiến tranh như sau:

"Trong ngày đầu tiên của năm mới này, toàn thể Giáo Hội cầu nguyện cho hòa bình. Chính Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã đem vấn đề hòa bình ra làm đề tài cầu nguyện của ngày đầu năm dương lịch, cho toàn thể Giáo Hội. Ngày hôm nay, bước theo sáng kiến cao cả của ngài, chúng tôi xin lặp lại chủ đề này với lòng xác tín, sự sốt sắng và khiêm nhường. Thật vậy, trong ngày khai mạc năm mới này, không thể nào cầu chúc một lời gì khác cao trọng hơn là lời cầu chúc hòa bình. "Xin hãy cứu chúng tôi khỏi sự dữ". Khi chúng ta cầu nguyện bằng lời kinh của Ðức Kitô như vừa được trích dẫn ở trên, chúng ta khó lòng mà gán cho nội dung ý nghĩa của lời kinh đó một ý gì nghịch lại hòa bình, một ý gì hủy diệt hòa bình, hay hăm dọa hòa bình. Vậy thì chúng ta hãy cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin hãy cứu chúng con khỏi cảnh giặc giã, khỏi sự hận thù, khỏi sự hủy diệt mạng sống con người. Xin đừng để chúng con giết nhau. Xin đừng để cho người ta dùng đến những phương tiện tàn phá và gây chết chóc mà tầm tác hại của chúng hiện thời vượt quá mức đã được biết. Xin đừng để người ta sử dụng chúng bao giờ cả. "Xin hãy cứu chúng con khỏi mọi sự dữ". Xin hãy cứu chúng con khỏi chiến tranh. Khỏi bất cứ là hình thức chiến tranh nào. Lạy Thiên Chúa Cha, Cha ngự trên trời, Cha của sự sống và là Ðấng Ban Hòa Bình, vị Giáo Hoàng này, người con của một quốc gia mà trong lịch sử, nhất là trong lịch sử thời đại này, đã từng trải qua những giờ phút đau khổ, đã từng chịu những sự bạo tợn, chịu cảnh tàn phá của chiến tranh, vị Giáo Hoàng này cầu khẩn Cha như vậy. Cầu khẩn Cha nhân danh mọi dân tộc, mọi xứ sở, mọi lục địa. Con cầu khẩn Cha, nhân danh Ðức kitô, vị Hoàng Tử của Hòa Bình."

Và trong một đoạn văn khác, Ðức Thánh Cha đã nhấn mạnh tới hòa bình như sau:

"Hòa bình là điều kiện đầu tiên để có sự phát triển chân chính. Hòa bình là cần thiết, để tất cả mọi người, mọi dân tộc được sống trong tự do. Ðồng thời hòa bình cũng tùy thuộc vào việc bảo đảm cho mọi người, mọi dân tộc được hưởng quyền tự do, quyền biết sự thật, quyền hưởng sự công bình và tình yêu".

Và cuối cùng Ðức Thánh Cha cầu nguyện với Ðức Mẹ như sau:

"Lạy Mẹ, Mẹ đã cảm nghiệm được thế nào là ôm một đứa con chết trong tay mình, thế nào là ôm một xác chết của đứa con mà chính mình đã sinh ra. Xin Mẹ đừng để cho những người mẹ khác trên trần gian này phải đau khổ, Vì con họ chết, vì con họ bị tra tấn, bị làm nô lệ, bị chiến tranh tàn phá, bị bách hại, bị đưa vào trại tập trung, bị đưa vào ngục tù. Xin Mẹ hãy ban cho các người mẹ trần gian đó niềm vui vì đã sinh ra sự sống, vì được nâng đỡ, vì được giúp để phát triển. Nhân danh đời sống, và nhân danh việc Chúa sinh ra."

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page