Dung Mạo Hòa Bình
Sứ Ðiệp Hòa Bình ngày 1 tháng giêng hằng năm
do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 11 -
Sứ điệp Hòa Bình
của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1978:
"Hãy Nói Không Với Bạo Lực, Và Vâng Với Hòa Bình"
Sứ Ðiệp Hòa Bình của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1978: "Hãy Nói Không Với Bạo Lực, Và Vâng Với Hòa Bình"
Ðặng Thế Dũng (Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài)
(RVA News 25-06-1982)
Hôm nay chúng ta tìm hiểu sứ điệp hòa bình lần thứ 11 của Ðức Phaolô VI cho năm 1978. Ðây là sứ điệp hòa bình cuối cùng của ngài. Chủ đề của sứ điệp hòa bình cuối cùng của ngài lần này có đặc tính như một lời mời gọi thật khẩn thiết, khẩn thiết hơn mọi sứ điệp hòa bình trước. Chủ đề đã được Ðức Phaolô VI diễn tả trong công thức đầy thách thức như sau: "Hãy nói không với bạo lực và hãy thưa vâng với hòa bình". Và Ðức Phaolô VI đã quảng diễn chủ đề này theo hai khía cạnh chính:
(1) Hãy thưa vâng với hòa bình, vì hòa bình là một hồng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta;
(2) Bạo lực là điều đối nghịch với hòa bình, cho nên phải tránh nó.
1. Hãy thưa vâng với hòa bình. Hãy mở tâm hồn đón nhận hòa bình, vì hòa bình là hồng ân của Thiên Chúa trao ban cho con người.
Ðiểm này không phải là một cái gì mới trong tư tưởng của Ðức Phaolô VI về hòa bình. Chúng ta đã biết rồi, qua những sứ điệp hòa bình trước. Ðức Phaolô VI không quảng diễn dài khía cạnh này, nhưng chỉ nhắc lại một lần nữa, để mọi người chúng ta xác tín thêm. Ngài viết như sau trong sứ điệp: "Vào đầu năm 1978, chúng tôi phải loan báo cho tất cả mọi người rằng: hòa bình là một hồng ân được cống hiến cho con người, và rằng con người phải đón nhận hồng ân đó và đặt nó vào tận tinh thần mình, vào trong chương trình hành động của mình, vào trong chóp đỉnh những niềm hy vọng và hạnh phúc của mình".
2. Bạo lực là điều nghịch lại với hòa bình, nên cần phải tránh nó đi.
Ðây cũng không phải là lần đầu tiên Ðức Phaolô VI nói đến bạo lực, như là điều chống nghịch lại hòa bình. Tư tưởng này đã được nhắc đến trong những sứ điệp hòa bình trước. Nhưng có điều đặc biệt ở đây, đó là Ðức Phaolô VI quảng diện rộng rãi hơn về bản chất của bạo lực và giúp cho con người nhận thấy tầm mức tai hại của nó đối với hòa bình.
Ðức Phaolô VI đã viết như sau trong sứ điệp của hòa bình năm 1978:
"Bạo lực càng ngày càng được phổ biến trong sinh hoạt văn minh hiện đại, vừa lạm dụng sự tự do mà người dân đang vui hưởng, để tấn công và gây thương tích người anh em đang gây trở ngại cho lợi lộc riêng tư của mình. Bạo lực này, càng ngày càng có tầm mức đáng lo ngại, đến độ có thể trở thành như nếp sống thông thường. Bạo lực phát xuất từ sự suy sụp ý thức luân lý, không được giáo huấn, không được trợ giúp, chỉ được thấm nhuần trong một thứ tinh thần bi quan tập thể, một tinh thần đã dập tắt đi trong tâm trí sự ưa thích và sự dấn thân cho sự chính trực đã được chính đương sự thực hành, cũng như dập tắt cả điều thật đẹp, thật dễ thương trong con tim con người, đó là tình thương, một thứ tình thương thật, cao thượng và trung thành. Thường thì tâm lý của người bạo hành khởi đầu từ căn gốc hư đốn của lý tưởng trả thù, nghĩa là một thứ công bằng không được thỏa mãn, bị hút mất trong những tư tưởng chua cay và đầy ích kỷ, sẵn sàng bị thành kiến hướng dẫn và không thể kiềm chế được. Chỉ có sự sợ bị phạt tội, mới có thể thắng bớt mà thôi. Bạo lực không phải là sức mạnh. Nó là một sự nổ tung của một năng lực mù quáng, làm cho con người bị hạ thấp, vì lúc đó con người không còn sống theo lý trí nữa, mà sống theo đam mê."
Thật rõ ràng là bạo lực không thể giúp đem lại hòa bình, cũng không thể xây dựng hòa bình. Cùng với bạo lực, chiến tranh cũng cần phải được loại bỏ. Thật ra đã có những cố gắng đáng khen ngợi để tránh đi chiến tranh. Người ta tránh đi chiến tranh quy mô, có thể hủy diệt toàn thể thế giới, nhưng chiến tranh bán phần, có giới hạn, thì vẫn còn tàn phá tại nhiều nơi trên thế giới. Chính vì thế mà Ðức Phaolô VI đã kết luận là con người chúng ta chưa đáp trả lời thưa vâng với hòa bình cho đúng mức.
Cuối cùng, khi kết thúc sứ điệp hòa bình năm 1978, Ðức Phaolô VI đã ngỏ vài lời đặc biệt với các bạn trẻ, vì theo như nhận định của Ðức Phaolô VI, thì các bạn trẻ là những kẻ dễ bị nhiễm lấy hành động bạo lực nhất. Nhưng đồng thời, các bạn trẻ cũng là hy vọng của thế giới ngày mai. Sau đây, chúng tôi xin trích lại những lời thật hay của Ðức Phaolô VI cho các bạn trẻ, từ sứ điệp hòa bình năm 1978 như sau:
"Chúng con các bạn trẻ, thường chúng con dễ bị lôi cuốn cãi vã nhau. Chúng con hãy nhớ rằng: đây là một sự khoa trương có hại khi chúng con muốn tỏ ra mình mạnh mẽ hơn những người anh em đồng bạn khác, bằng cuộc cãi vã, bằng sự giận dữ, bằng việc trả thù. Nếu chúng con muốn là những người mạnh mẽ, thì đây cha chỉ cho chúng con, chúng con hãy trở thành mạnh mẽ trong tâm hồn, hãy biết làm chủ chính mình, hãy biết tha thứ và mau trở lại làm hòa với những ai đã xúc phạm đến chúng con. Như thế, chúng con sẽ là những người Kitô đích thực.
Chúng con đừng ghét ai. Ðừng kiêu ngạo so sánh với các bạn trẻ khác. Ðừng hành động vì những lý do ích kỷ thôi thúc, hoặc vì thiếu kính trọng, và đừng bao giờ hành động vì trả thù.
Chúng con, các bạn trẻ, một khi lớn lên, chúng con nên thay đổi cách suy tưởng và hành động của thế giới ngày nay, một thế giới luôn sẵn sang muốn trở thành khác người, muốn tách rời với những kẻ khác, và tranh giành với họ.
Chúng con, hỡi các bạn trẻ thời mới, chúng con hãy tập thói quen yêu thương nhau tất cả, hãy tập thói quen trao ban cho xã hội được trở thành một cộng đoàn tốt lành hơn, chính trực hơn, và liên đới hơn. Chúng con muốn trở thành con người, hay trở thành những con chó sói? Vậy chúng con hãy nhớ lại những lời Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly, trước khi Người ra đi chịu khổ nạn: "Thầy truyền cho chúng con điều răn mới: là chúng con hãy yêu thương nhau. Do bởi tình thương yêu này mà tất cả sẽ nhận biết chúng con là môn đệ Thầy". (Jn 13:34-35)
Kính thưa quý vị, đó là những lời nhắn nhủ thật hay của Ðức Phaolô VI cho các bạn trẻ, vào cuối sứ điệp hòa bình năm 1978 của ngài. Tuy bằng ngôn ngữ khác, nhưng thật ra đó là một nếp sống cụ thể để thực hành lời kêu gọi khẩn thiết sau đây: "Hãy nói không với bạo lực và thưa vâng với hòa bình".
Xin kính chào quý vị.