Dung Mạo Hòa Bình

Sứ Ðiệp Hòa Bình ngày 1 tháng giêng hằng năm

do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 10 -

Sứ điệp Hòa Bình

của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1977:

"Nếu Muốn Có Hòa Bình, Hãy Bênh Vực Sự Sống"

 

Sứ Ðiệp Hòa Bình của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1977: "Nếu Muốn Có Hòa Bình, Hãy Bênh Vực Sự Sống"

Ðặng Thế Dũng (Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài)

(RVA News 24-06-1982)

"Hòa bình là điều có thể có được, và hòa bình là điều cần phải được thực hiện nhờ vào sự trợ giúp của nhiều điều kiện và là những điều kiện không phải là dễ dàng... Hôm nay, chúng tôi muốn nói đến một điều kiện ưu tiên, và đó là mối tương quan của hòa bình với quan niệm mà thế giới có về sự sống con người. Hòa bình và sự sống: đó là hai điều thiện hảo tối cao trong sinh hoạt dân sự, và là hai điều thiện hảo có tương quan mật thiết với nhau. Thử hỏi chúng ta có muốn có hòa bình hay không? Vậy thì chúng ta hãy bênh vực cho sự sống con người. Mối liên kết giữa hòa bình và sự sống con người là một thành quả mà nhân loại đã mất công dài lâu mới đạt được trong lịch sử của mình, nhưng đây chưa phải là thành quả cuối cùng, con đường còn dài...".

Kính thưa quý vị,

đó là những lời trích từ sứ điệp hòa bình của Ðức Phaolô VI cho năm 1977. Với sứ điệp này, tư tưởng của Ðức Phaolô VI về hòa bình được triển khai thêm một bước mới.

Từ sứ điệp đầu tiên năm 1968 đến nay, Ðức Phaolô VI đã nói đến những nền tảng tinh thần của hòa bình. Ðó là những đức tính công bằng, sự thật, tình thương, tha thứ, hòa giải và tự do. Ngài đã nói về đặc tính của hòa bình: hòa bình là điều thiện hảo cần thiết, có thể có được, và cần phải thực hiện do sự đóng góp của tất cả mọi người. Rồi Ðức Phaolô VI cũng đã nói đến những con đường dẫn đến hòa bình, như kính trọng phẩm giá con người, như kính trọng những nhân quyền, như việc giáo dục tinh thần con người, như việc tha thứ và hòa giải với nhau, đối thoại với nhau, thương thuyết với nhau.

Giờ đây, với sứ điệp hòa bình năm 1977, Ðức Phaolô VI kể thêm một điều kiện mới, một nền tảng mới, hay cũng có thể nói được là một con đường mới, để thực hiện hòa bình: đó là bênh vực sự sống con người. "Nếu bạn muốn có hòa bình, hãy bênh vực sự sống". Ðó là chủ đề của sứ điệp hòa bình năm 1977.

Và khi quả quyết điều này, dĩ nhiên Ðức Phaolô VI cũng đã lên tiếng chống lại chiến tranh, chống lại việc chạy đua vũ trang, chống lại việc giết hại mạng sống vô tội, chống lại việc dùng bạo lực, khủng bố làm hại sinh mạng, nghĩa là chống lại tất cả những gì, hay những hành động nào làm hại cho sự sống con người. Về chiến tranh, về việc chạy đua vũ trang, về những hành động bạo lực, khủng bố, thù hận, Ðức Phaolô VI đã nói đến nhiều trong những sứ điệp trước rồi. Trong sư điệp năm 1977 mà chúng ta muốn tìm hiểu hôm nay, Ðức Phaolô VI đã đặc biệt lên tiếng chống lại việc giết hại mạng người vô tội bằng cách phá thai. Sau đây chúng tôi xin trích lại một đoạn tiêu biểu như sau:

"Mọi tội phạm chống lại sự sống là một hành động xúc phạm đến hòa bình, đặc biệt khi tội phạm đó trở thành như thói quen của dân chúng, trở thành việc hủy bỏ mạng sống người vô tội, bằng việc phá thai được luật pháp cho phép. Việc giết bỏ mạng sống con người xúc phạm đến nguyên tắc luân lý này là: sự sống con người là thánh ngay từ lúc được thụ thai và kéo dài cho đến giây phút cuối cùng của sự sống tự nhiên, nghĩa là cho đến lúc chết. Và nói sự sống con người là thánh, điều này có ý nghĩa gì? Thưa, có nghĩa là sự sống đó nằm ngoài thẩm quyền định đoạt của bất cứ quyền định đoạt nào của con người, là không thể bị xúc phạm, là đáng được kính trọng, được chăm sóc, và nếu cần, đáng được người ta hy sinh để phục vụ cho sự sống đó".

Sự sống của từng người và nền hòa bình chung luôn luôn được liên kết với nhau một cách không thể tách rời ra được. "Nếu chúng ta muốn rằng trật tự xã hội đang tiến triển này đây được điều hành dựa trên những nguyên tắc vững chắc, thì chúng ta đừng làm hại cho trật tự đó tại chính điểm trung tâm của nó, nghĩa là đừng làm hại sự sống con người". Hòa bình và sự sống liên đới với nhau nằm ở nền tảng của trật tự và của nền văn minh. Nền văn minh của tình thương.

Ðến đây, Ðức Phaolô VI đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để thực hiện chương trình văn minh này? Nghĩa là làm thế nào để hòa bình và sự sống con người được liên kết với nhau? Và Ðức Phaolô VI đã trả lời ngay liền, là đối với những ai không nhìn nhận có thực tại siêu việt, không có tôn giáo, không có niềm tin siêu nhiên, thì không thể nào hiểu được mối tương quan này giữa hòa bình và sự sống, và do đó, không thực hiện nó được.

Chính cùng một chủ đề này đã được Ðức Phaolô VI nhắc lại một lần nữa, trong bài giảng của ngài cho Thánh lễ cử hành ngày hòa bình thế giới mùng 01 tháng giêng năm 1977. Muốn có hòa bình, thì phải bảo vệ sự sống con người. Câu nói ngày xưa thông dụng trong đế quốc Roma "Muốn có hòa bình, thì hãy chuẩn bị chiến tranh", ngày nay không còn đúng nữa. Câu nói này là một câu nói khủng khiếp, gây tai họa cho nhân loại, và trong tương lai sẽ còn gây thêm tai họa nữa, nếu nó không được sửa lại, và được thay thế bằng một câu nói khác: "Nếu bạn muốn có hòa bình thì hãy chuẩn bị cho hòa bình". "Nếu bạn muốn có hòa bình, thì hãy bảo vệ sự sống". Ðức Phaolô VI công nhận đây là một điều khó, nhưng ngài mạnh mẽ nhắc rằng đó là lý tưởng cho nhân loại, một lý tưởng đã được gói ghém trong Tin Mừng của Chúa Cứu Thế, Ðấng đã nói với Phêrô: "Con hãy xỏ gươm vào vỏ, vì ai dùng gươm thì sẽ phải chết vì gươm." (Mt 26:52).

Kính thưa quý vị, chúng ta hãy góp phần bé nhỏ của mình trong việc xây dựng hòa bình cho con người, đặc biệt hôm nay, bằng việc nhìn lại thái độ của mình đối với sự sống con người. Thiên Chúa, theo như lời Kinh Thánh, là bạn của sự sống. Chúng ta hãy bắt chước Ngài trở thành người bạn thật sự của sự sống.

Xin kính chào quý vị.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page