Dung Mạo Hòa Bình
Sứ Ðiệp Hòa Bình ngày 1 tháng giêng hằng năm
do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 09 -
Sứ điệp Hòa Bình
của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1976:
"Những Vũ Khí Thật Sự Của Hòa Bình"
Sứ Ðiệp Hòa Bình của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1976: "Những Vũ Khí Thật Sự Của Hòa Bình"
Ðặng Thế Dũng (Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài)
(RVA News 23-06-1982)
Những vũ khí đích thực để xây dựng hòa bình là những đức tính tinh thần, là tình thương huynh đệ, là sự tha thứ, là công bằng, là công pháp quốc tế, là những cơ quan quốc tế, là việc tài giảm vũ khí.
Thưa quý vị,
đó là chủ đề trung tâm của sứ điệp hòa bình lần thứ 9 của Ðức Phaolô VI cho ngày hòa bình mùng 01 tháng giêng năm 1976. Trước thềm năm mới 1976, Ðức Phaolô VI bộc lộ cho chúng ta hai tâm trạng tương phản nhau trong lòng ngài, trước vấn đề hòa bình thế giới như sau:
"Trước hết, chúng tôi vui mừng và hy vọng nhìn thấy ý tưởng về hòa bình đang có nhiều tiến bộ, ý tưởng hòa bình chiếm được tầm quan trọng và chỗ đứng của nó trong lương tâm nhân loại, cùng tiến với ý tưởng hòa bình thì cũng được phát triển những cơ cấu tổ chức nền hòa bình; cũng được gia tăng những cử hành, những sinh hoạt để phục vụ cho hòa bình: những chuyến viếng thăm, những đại hội, những nghiên cứu, những tình bạn, những cộng tác, những sự trợ giúp... Hòa bình càng ngày càng chiếm được chỗ đứng của nó..."
"Nhưng, rủi thay, đồng thời với những tiến bộ phục vụ cho hòa bình như vừa mô tả trên đây, chúng tôi cũng nhận thấy xuất hiện những hiện tượng nghịch lại với nội dung và với mục tiêu của hòa bình. Những hiện tượng này cũng từ từ gia tăng, mặc dù đôi khi chúng nằm trong tình trạng tiềm ẩn ngấm ngầm, nhưng cho thấy chắc chắn là sẽ đi đến những bùng nổ trong tương lai. Ví dụ như xuất hiện lại tinh thần quốc gia quá khích cho đến độ mặc lấy những hình thức của sự ích kỷ tập thể, gieo rắc vào trong tâm thức tập thể những mầm mống nguy hiểm của sự ganh đua thù hằn... Tại từng quốc gia cũng gia tăng quá mức sức mạnh vũ khí... Thêm vào đó cuộc buôn bán vũ khí trên thế giới cũng gia tăng, với sự ngụy biện rằng công việc phòng thủ đòi hỏi phải gia tăng vũ khí thêm mãi, và rằng chỉ có thể bảo đảm hòa bình bằng thế quân bình lực lượng."
Ðức Phaolô VI cũng đã không quên nhắc đến cảnh thế giới con người đang bị chia rẽ và những ý thức hệ không thể nào dung hòa được với nhau, cũng như cảnh bên trong cùng của một quốc gia những đảng phái tranh chấp và thù ghét nhau. Hòa bình không thể nào là một sự ổn định tạm thời bên ngoài, nhưng trong đó thì những căng thẳng vẫn hiện hữu và các phe liên hệ đều chờ sẵn để đè bẹp đối thủ của mình, khi đối thủ này trở nên yếu thế. Hòa bình đang hiện diện một cách hết sức mỏng manh, đang cần được bồi dưỡng liên lỉ. Ðức Phaolô VI đặt ra nơi đây một câu hỏi:
"Ðâu là những vũ khí của hòa bình?"
Phải chăng đó là thứ vũ khí của sự gây hấn? Phải chăng đó là vũ khí của sự bằng lòng với một tình trạng chịu người ta gây hấn? Vũ khí của tinh thần thực dân, của tinh thần đế quốc, của sự cách mạng bằng bạo lực? Vũ khí của những võ trang đề phòng và bí mật? Dĩ nhiên, Ðức Phaolô VI không thể nào chấp nhận những điều vừa kể trên đây, như là những vũ khí, những nền tảng để bảo vệ hòa bình. Ngài kêu gọi: đã đến lúc trao ban cho hòa bình những vũ khí, những nền tảng mới, những vũ khí khác hơn là những vũ khí được dùng để giết người, để hủy diệt nhân loại. Và Ðức Phaolô VI kể ra một vài vũ khí mới của hòa bình như sau:
1. Những vũ khí tinh thần, những vũ khí của sức mạnh luân lý để trao ban những bộ luật quốc tế đầy đủ sức mạnh và uy tín của nó.
2. Những vũ khí của những tổ chức quốc tế, làm trung gian tham khảo, nghiên cứu, bàn luận, để tránh đi tuyệt đối những xung đột dùng đến những sức mạnh giết người mù quáng mà không kìm hãm lại được. Những vũ khí giết người và chiến tranh, là những điều cần phải được loại bỏ ra khỏi chương trình sinh hoạt của nền văn minh chúng ta. Việc giảm bớt vũ khí song phương của tất cả mọi phe phái liên hệ, là một điều cần thiết phải được thực hiện.
3. Tinh thần huynh đệ đại đồng nhìn nhận tất cả mọi người là anh chị em với nhau. Tinh thần huynh đệ đại đồng này đã được Ðức Kitô củng cố thêm, khi Ngài mạc khải cho con người chúng ta một Thiên Chúa Cha duy nhất, Cha của mọi người.
4. Và loại vũ khí cuối cùng của hòa bình, đó là những đức tính tinh thần, là tình thương và lòng tốt lành, là sự tha thứ cho nhau, là hòa giải.
"Hòa bình chỉ được củng cố bằng hòa bình, một thứ hòa bình không từ bỏ những bổn phận công bằng, mà còn được nuôi dưỡng bằng sự hy sinh chính mình, bằng sự bao dung, nhân từ và tình bác ái."
Thưa quý vị, đó những lời kết thúc sứ điệp hòa bình của Ðức Phaolô VI cho năm 1976. So với những gì ngài nói trong sứ điệp đầu tiên trong năm 1968, thì nội dung của sứ điệp năm 1976 này không trình bày thêm điều gì mới mẻ. Chỉ mới mẻ, là trong cách nói của Ðức Phaolô VI: Trong sứ điệp năm 1968, Ðức Phaolô VI dùng cách nói: "Những nền tảng của hòa bình", trong sứ điệp năm 1976, Ðức Phaolô VI dùng cách nói: "Những vũ khí của hòa bình". Cả hai cách nói đều quy về một nội dung căn bản: Hòa bình phải là kết quả của những đức tính tinh thần, phải hiện diện trong tinh thần, trong con tim của con người trước, rồi sau đó mới hy vọng được thực hiện trong những biến cố bên ngoài. Bao lâu con người còn thích "sống với con chó của mình" hơn là thích đối thoại với người khác, thì bấy lâu hòa bình còn tạm bợ, không thật.
Xin kính chào quý vị.